Bước tới nội dung

Biểu tình Phật giáo tại Huế 1993

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Biểu tình Phật giáo tại Huế 1993 là một cuộc biểu tình lớn với sự tham gia của hơn 40.000 người, bao gồm Phật tử và dân thường, diễn ra tại Chùa Thiên Mụ, Huế vào ngày 24 tháng 5 năm 1993. Cuộc biểu tình là màn đụng độ giữa các phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất với chính quyền Việt Nam và đã bị dập tắt chỉ sau một ngày.

Bối cảnh[sửa | sửa mã nguồn]

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) là một tổ chức tôn giáo ra đời vào tháng 1 năm 1964, trên cơ sở hợp nhất các hội đoàn, tông phái miền Nam Việt Nam về một mối sau Biến cố Phật giáo 1963. Tổ chức này từng có một lịch sử đụng độ kéo dài với chính quyền Việt Nam kể từ sau 1975. Ngay từ thời điểm Chính phủ cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam mới lên nắm quyền lãnh đạo, việc các cơ sở và tài sản của GHPGVNTN bị tịch thu đã làm nổ ra nhiều cuộc phản kháng và biểu tình từ các tăng ni giáo hội; những làn sóng nổi lên này đều bị chính quyền mới dập tắt và các lãnh đạo giáo hội gồm Thích Huyền QuangThích Quảng Độ, lần lượt là nguyên phó chủ tịch điều hành và tổng thư ký hội đồng chấp hành giáo hội, đã bị bắt giữ và đàn áp. Năm 1980, khi chính quyền lập ra Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) như là đại diện hợp pháp duy nhất, GHPGVNTN đã từ chối công nhận thẩm quyền của tổ chức này. Như một hậu quả, Thích Quảng Độ và Thích Huyền Quang cùng bốn lãnh đạo giáo hội khác sau đó đã bị đày đi nơi khác do phản đối việc thành lập GHPGVN, còn trụ sở của giáo hội là chùa Ấn Quang thì bị cưỡng chiếm và đóng cửa bởi chính quyền. Những sự kiện trên xảy ra trong bối cảnh hàng loạt vụ bắt bớ của giới cầm quyền trong Nam với những người có liên quan đến chế độ cũ; các sinh hoạt tôn giáo cũng bị hạn chế nghiêm ngặt cho tới trước giai đoạn chủ nghĩa cộng sản bước vào thời kỳ suy thoái và sụp đổ.[1]

Phản kháng với chính quyền không chỉ diễn ra ở giới lãnh đạo cao tầng GHPGVNTN mà còn ở cả các nhà sư trên khắp miền Nam Việt Nam. Vào ngày 2 tháng 11 năm 1975, trụ trì của Thiền viện Dược Sư Thích Huệ Hiền cùng 11 tăng ni khác đã tổ chức tự thiêu tập thể tại một địa điểm cách Cần Thơ 30 km hướng về tỉnh Sóc Trăng. Khác với phản ứng về vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức 1963, vụ tự thiêu tại một cơ sở của GHPGVNTN này nhanh chóng bị chính quyền ỉm đi; chùa Dược Sư bị tịch thu cùng với thi thể của những người đã tự thiêu. Theo lời trong thư tuyệt mệnh để lại, nguyên do cho cuộc tự sát tập thể này là nhằm yêu cầu chính phủ cách mạng "tôn trọng triệt để tự do tín ngưỡng của các tôn giáo đúng mức". Theo lời của sư Thích Thiện Quang, người vượt biên sang Indonesia vào năm 1979, kể lại, trong hai năm 1977 và 1978 đã có thêm 18 tăng, ni Phật giáo khác tự thiêu riêng lẻ để chống lại sự đàn áp của giới cầm quyền, và cuộc biểu tình gần nhất tính tới thời điểm bài phỏng vấn ra đời là vào tháng 3 năm 1979, khi một ni cô đã tự thiêu ngay trước cổng của một cô nhi viện. Những vụ tự thiêu và đàn áp các nhà sư miền Nam còn tiếp tục diễn ra trong các thập niên tiếp theo nhưng không được tiết lộ hay được thừa nhận bởi chính quyền.[2]

Kể từ đầu thập niên 1990, nhờ những chính sách trong thời kỳ Đổi Mới, cách tiếp cận hoạt động tôn giáo của chính quyền Việt Nam dù vẫn bị kiểm soát chặt chẽ đã phần nào được nới lỏng: bắt đầu cho phép tự do thờ cúng nhiều hơn; các chùa chiền, nhà thờ được xây dựng và trùng tu; và các dòng tu được tham gia vào những hoạt động công tác xã hội,... Trước không khí thay đổi trên, GHPGVNTN bắt đầu kêu gọi chính phủ công khai công nhận giáo hội, cũng như cho phép sự tự chủ trong việc quản lý giáo hội, trả lại tài sản bị tịch thu trước 1975 và trả tự do cho những tù nhân tôn giáo, chính trị.[1]

Thích Đôn Hậu[sửa | sửa mã nguồn]

Thích Đôn Hậu là Tăng thống thứ ba của GHPGVNTN, trụ trì chùa Thiên Mụ tại Huế. Ông là một nhân vật quan trọng trong giáo hội, từng có nhiều hoạt động ủng hộ chính quyền miền Bắc Việt Nam nhưng sau này ngày càng đi ngược lại các chính sách tôn giáo của chính phủ cách mạng.[3] Từ năm 1977, để phản ứng vụ bắt ba lãnh đạo của giáo hội là Thích Huyền Quảng, Thích Quảng Độ và Thích Thiện Minh, người sau này qua đời khi vẫn đang ở trong trại giam, Thích Đôn Hậu đã quyết định từ bỏ chức vụ Đại biểu quốc hội và vị trí trong Mặt trận Tổ quốc mà chính quyền giao cho ông. Năm 1991, ông viết một bản chúc thư hiệu triệu các Phật tử hải ngoại đoàn tụ lại với hội GHPGVNTN theo điều lệ của giáo hội năm 1964. Di chúc của Thích Đôn Hậu cũng chọn người kế vị lãnh đạo giáo hội là Thích Huyền Quang, đối tượng đã bị chính quyền đày lưu vong ra sống chục năm ở Quảng Ngãi. Hai hành động này về sau đã châm ngòi cho một cuộc xung đột lớn giữa GHPGVNTN và chính quyền Việt Nam, kéo theo là các cuộc biểu tình diễn ra công khai, cả ôn hòa lẫn bạo lực, diễn ra trong ba năm từ 1992 đến 1994 và vấp phải sự đàn áp dứt khoát từ phía nhà nước.[1]

Lễ tang[sửa | sửa mã nguồn]

Chùa Thiên Mụ, nơi diễn ra lễ tang Thích Đôn Hậu đồng thời đánh dấu việc Thích Huyền Quang lên làm Tăng thống thứ tư GHPGVNTN.

Vào ngày 23 tháng 4 năm 1992, Hòa thượng Thích Đôn Hậu được thông báo đã viên tịch tại chùa Thiên Mụ, Huế ở tuổi 88. Tang lễ của ông diễn ra ở chùa Thiên Mụ vào ngày 3 tháng 5 cùng năm. Trước đó, đã có một cuộc đụng độ giữa các giáo sĩ tại chùa với chính quyền trong cách thức tiến hành tang lễ.[3] Mặc dù Thích Đôn Hậu đặc biệt yêu cầu lễ tang của mình phải diễn ra theo đúng truyền thống Phật giáo, song chính phủ muốn tổ chức tang lễ theo nghi thức nhà nước và truy tặng cho ông Huân chương Hồ Chí Minh vì là người có công với cách mạng. Một bộ phận các lãnh đạo giáo hội đã đứng ra chống lại việc tổ chức này vì cho rằng nó không phù hợp với ý muốn của người quá cố.[1] Trong đó, một nhà sư đã dọa tự thiêu và bốn nhà sư khác tuyệt thực tại chùa Thiên Mụ nơi Thích Đôn Hậu trụ trì. Cuối cùng, lễ tang Thích Đôn Hậu được GHPGVNTN đứng ra tổ chức, với sự tham gia của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ.[3]

Tại buổi tang lễ Thích Đôn Hậu, Thích Huyền Quang – người ban đầu bị cấm vào Huế – đã được cho phép tham dự sự kiện sau khi tuyệt thực một ngày. Tại đây, ông được Hòa thượng Thích Nhật Liên đích thân trao tặng con dấu của Pháp viện theo di chúc của Đôn Hậu, biểu thị cho sự chuyển giao quyền lực lớn nhất trong giáo hội. Dù bị cấm phát biểu ở buổi lễ, Thích Huyền Quang vẫn công khai phản đối hành động thành lập GHPGVN và yêu cầu nhà nước khôi phục tài sản và quyền hạn của GHPGVNTN. Đến ngày 24 tháng 6 cùng năm, ông viết thành một bản kiến nghị phản đối việc chính phủ giải tán GHPGVNTN vào năm 1981, đồng thời yêu cầu cho phép giáo hội này hoạt động hợp pháp trở lại. Những bản ghi âm tang lễ và bản sao bản kiến nghị được rải truyền ra khắp các chùa trên cả nước đã gây nên một cuộc đàn áp chính thức. Chính quyền nhanh chóng cho công an lục soát các ngôi chùa để tìm bản sao kiến nghị của Thích Huyền Quang, thẩm vấn những người sở hữu nó và trong một số trường hợp là bắt giữ những người ủng hộ nhà sư.[1]

Khi các bài viết và bài phát biểu của Thích Huyền Quang ngày một lan rộng, chính quyền đã cố gắng chuyển sự chú ý từ những yêu cầu của nhà sư sang tính chính danh trong việc bổ nhiệm ông lên làm Tăng thống GHPGVNTN. Ngày 5 tháng 12 năm 1992, trụ trì chùa Thiên Mụ Thích Trí Tựu, cũng là đệ tử của cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu, đã lên án chính quyền trong việc buộc ông làm mất uy tín của Thích Huyền Quang sau cuộc gặp với Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thừa Thiên-Huế ngày hôm trước. Theo đó, vị chủ tịch đã đặt nghi vấn với Thích Trí Tựu về di chúc cuối cùng của Thích Đôn Hậu là giả mạo nhưng ngay sau đó bị ông phản đối và bảo đảm di chúc "bằng chính mạng sống của mình".[1]

Diễn biến[sửa | sửa mã nguồn]

Cái chết của Tăng thống Thích Đôn Hậu đánh dấu cho các hoạt động mới nhằm tái lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Kể từ ngày tang lễ của Đức Tăng Thống, các cuộc đối đầu dần leo ​​thang và lên đến đỉnh điểm vào 1993 với hai cuộc biểu tình ở Huế và Bà Rịa-Vũng Tàu,[1] đặc biệt là cuộc biểu tình xảy ra tại chùa Thiên Mụ vào tháng 5 năm 1993.

Vụ tự thiêu tại chùa Thiên Mụ[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 21 tháng 5 năm 1993, một Phật tử có tên thật là Nguyễn Ngọc Dũng đã đến ngồi gần mộ Thích Đôn Hậu để tự thiêu.

Căng thẳng giữa GHPGVNTN và chính quyền đã gia tăng từ tháng 4 năm 1993, khi ngày giỗ đầu tiên theo âm lịch của Thích Đôn Hậu đang đến gần. Trong suốt các ngày 10 đến 12 tháng 4 năm 1993, chùa Thiên Mụ, địa điểm đặt lăng mộ Thích Đôn Hậu, đã bị công an canh giữ nghiêm ngặt. Thích Huyền Quang cũng bị chính quyền địa phương nơi ông cư trú ngăn cản tham dự lễ giỗ.[1]

Vào hồi 9:00 sáng (GMT+7) ngày 21 tháng 5 năm 1993, một cư sĩ đã đến ngồi cạnh mộ Thích Đôn Hậu và tự thiêu. Người đàn ông này được xác định là một Phật tử tên Nguyễn Ngọc Dũng. Cảnh sát địa phương ngay sau đó đã có mặt tại hiện trường để di dời thi thể và tài sản của người đàn ông, bao gồm một lá thư mà người này để lại. Khi trụ trì của chùa là Thích Trí Tựu yêu cầu công an trả lại thi thể người tự thiêu để các nhà sư làm lễ an táng theo Phật giáo dành cho người quá cố, các nhà chức trách đã từ chối. Thích Trí Tựu quyết định viết một tấm bảng đặt bên nơi người đàn ông đã tự thiêu với dòng chữ: "Tại đây, vào lúc 9 giờ sáng ngày 21 tháng 5, một Phật tử đã tự thiêu để bảo vệ đức tin Phật giáo".[1]

Phản ứng lại với hành động này, chính quyền đã ngay lập tức phủ nhận người tự thiêu là một nhà sư. Báo cáo ban đầu từ đài phát thanh Huế loan tin rằng người tự thiêu ở chùa Thiên Mụ không phải Phật tử mà là "một kẻ nghiện ma túy tuyệt vọng mắc bệnh AIDS". Bản tin cũng củng cố khẳng định này bằng một buổi phỏng vấn với người được cho là anh trai của Nguyễn Ngọc Dũng, cho biết em trai quá cố không phải Phật tử mà chỉ là một người "bị trầm cảm nặng nề về chuyện gia đình, và các nhà sư ở Linh Mụ (Thiên Mụ) đã lợi dụng sự trầm cảm của em trai" để ép phải tự thiêu.[1]

Biểu tình bắt giữ Thích Trí Tựu[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 24 tháng 5 năm 1993, công an Huế đã triệu tập Thích Trí Tựu thẩm vấn sau vụ tự thiêu hai ngày trước đó. Do lo sợ ông bị bắt giữ, một nhóm phật tử tại chùa Thiên Mụ đã tổ chức biểu tình bằng cách dàn hàng ngang ngồi trên một con đường gần Ủy ban nhân dân thành phố Huế – nơi ông bị tra hỏi. Cuộc biểu tình đã thu hút sự hiếu kỳ từ nhiều người xung quanh rồi tụ tập lại thành một đám đông lớn, làm tắc nghẽn giao thông ở mọi hướng của vòng xoay giao thông chính trong thành phố.[1]

Khi một chiếc xe jeep của chính quyền chở Hòa thượng Thích Trí Tựu từ Ủy ban nhân dân ra, đám đông đã lao đến bao vây lại chiếc xe. Các nguồn tin Phật giáo cho biết những nhà sư có mặt hôm đó đã nhìn thấy Thích Trí Tựu bất tỉnh ở phía sau xe jeep và nghi ngờ thầy mình bị thương. Một số nhà sư đã chặn đường xe đi bằng chắn trước mũi xe hoặc trèo lên hẳn mui xe. Những người trong vòng tụ tập ấy sau đó mở cửa xe và đưa Hòa thượng Thích Trí Tựu ra khỏi xe, lúc này có vẻ như đã bất tỉnh, lên một chiếc xích xô, băng qua đám đông đưa về chùa Thiên Mụ. Một nhà sư trẻ bị kích động tiếp tục đứng trên xe jeep ra hiệu và nói chuyện với đám đông, cho đến khi bị những người khác kéo xuống. Chiếc xe jeep đã bị người dân lật lại và đốt cháy. Một xe cứu hỏa nhanh chóng được điều đến hiện trường trước khi đám đông đốt xe nhưng đã không kịp thời ngăn chặn ngọn lửa để giữ lại chiếc xe.[1]

Hệ quả[sửa | sửa mã nguồn]

Bắt giữ và xét xử[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi vụ biểu tình tại Huế diễn ra, cảnh sát đã lần lượt bắt giữ sáu nhà sư, trong đó có Hòa thượng Thích Trí Tựu. Theo nguồn tin Phật giáo, ít nhất 50 người khác cũng bị cho là có liên quan đến cuộc đối đầu. Thích Trí Tựu, Thích Hải Tạng và Thích Hải Thịnh đã bị bắt ngày 5 tháng 6 năm 1993 tại chùa Thiên Mụ. Đến ngày 10 tháng 6, chính quyền xác nhận việc bắt giữ ba nhà sư trên cùng chín cá nhân "cực đoan" khác vì vai trò của họ trong việc phá hủy chiếc xe jeep. Ngày 19 tháng 7 cùng năm, Hòa thượng Thích Hải Chánh và hai sa di nam đã bị bắt vì tội “xúi giục người khác gây rối trật tự công cộng và phá hoại tài sản nhà nước" trong cuộc biểu tình.[1]

Trong những tháng trước phiên tòa xét xử, nhiều nguồn tin chính phủ liên tục được tung ra nhằm cố gắng hạ thấp uy tín những nhà sư bị bắt ở Huế. Vũ Quang, nguyên Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, đã mô tả các bị cáo là "những kẻ dối trá đánh mất uy tín trong mắt nhân dân bằng cách sử dụng lời khai gian, giả mạo và bạo lực" và ngụ ý rằng họ phải chịu trách nhiệm về cái chết của người đàn ông tự thiêu tại chùa. Vũ Quang cũng nói với các phóng viên rằng chính phủ đang điều tra vụ tự thiêu ở chùa Linh Mụ là "giết người hay tự sát" và nói rằng Thích Trí Tựu "phải chịu trách nhiệm về cái chết trên vì nó xảy ra ngay tại chùa của ông".[1]

Vào ngày 15 tháng 11 năm 1993, một phiên tòa kín xét xử các bị cáo trong vụ biểu tình đã diễn ra trong vòng một ngày tại Huế. Hòa thượng Thích Trí Tựu, người bị công an triệu tập lên thẩm vấn và bất tỉnh trên xe jeep, bị buộc tội là "thủ lĩnh của cuộc bạo loạn". Ông phải chịu án bốn năm tù giam – ngang với án tù của một người phá hoại chiếc xe tên Nguyễn Văn Minh, nhưng người này còn phải chịu thêm phí phạt khoảng 22,000 USD. Thích Hải Tạng bị kết án bốn năm tù do đã "đóng vai trò chính trong việc làm tình hình trở nên trầm trọng hơn". Hai nhà sư Thích Hải Thịnh và Thích Hải Chính nhận án ba năm tù. Bốn giáo dân còn lại thì bị kết án tù từ 6 đến 12 tháng vì tội gây rối trật tự công cộng. Riêng hai sa di bị bắt cùng với Thích Hải Chánh đã không phải tham dự phiên xét xử mà được chính quyền cho tại ngoại.[1]

Cuối tháng 1 năm 1994, Thích Trí Tựu, Thích Hải Tạng, Thích Hải Thịnh và Thích Hải Chánh bị chuyển nơi cải tạo từ trại giam Thừa Phú ở Huế về trại giam Ba Sao ở Phủ Lý, tỉnh Nam Hà cũ. Vào cuối tháng 4 cùng năm, bốn nhà sư quyết định tổ chức tuyệt thực để kháng cáo bản án mà chính quyền đưa ra. Lãnh đạo trại giam sau đó đã chuyển họ từ khu A dành cho tù nhân chính trị sang khu B dành cho tội phạm thông thường. Kể từ cuộc tuyệt thực tháng 4 năm 1994, báo cáo của HRW vào tháng 3 năm 1995 cho biết Thích Hải Đường đang ở trong tình trạng sức khỏe yếu và bị bệnh về dạ dày.[1]

Các vụ biểu tình liên quan[sửa | sửa mã nguồn]

Nhiều nhà sư, lãnh đạo cấp cao trong Giáo hội Phật giáo Thống nhất đã bị bắt giữ và quản thúc tại gia như một nước đi của chính quyền nhằm dẹp bỏ hoàn toàn tổ chức. Nổi bật trong số này có vụ bắt giữ Thích Huyền Quang vào ngày 29 tháng 12 năm 1994 và Thích Quảng Độ vào ngày 5 tháng 1 năm 1995. Theo sau từng vụ bắt giữ này sẽ là vụ bắt giữ nhắm vào những nhà sư khác trong giáo hội, như vụ bắt giam 5 nhà sư vì có ý định quyên góp cho tổ chức từ thiện lũ lụt dưới danh nghĩa GHVGVNTN. Theo một thống kê của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vào năm 1995, có ít nhất hai chục Phật tử đang ở trong tình trạng bị giam giữ tại Việt Nam kể từ 1992 đến thời điểm báo cáo được xuất bản; 5 người trong số này không rõ tung tích. Đáng chú ý, những nhà sư bị bắt không được chính quyền xem như là người của tôn giáo; họ bị cáo buộc bằng tên gọi thế tục thay vì tên gọi tôn giáo, và họ cũng bị buộc phải mặc thường phục khi đến tòa án thay vì mặc áo cà sa. Những vụ bắt bớ các nhà sư đều được hợp thức hóa qua điều 70 của Hiến pháp Việt Nam năm 1992; điểm b, c trong điều 81 của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1981 và điều 5 trong Nghị định số 69 của Hội đồng Bộ trưởng; cùng với đó là các phiên tòa xét xử công khai nhà sư, bất chấp việc hành động này đi ngược lại những điều nằm trong Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã ký và thông qua vào năm 1982.[1]

Phản ứng[sửa | sửa mã nguồn]

Chính quyền Việt Nam[sửa | sửa mã nguồn]

Phóng sự Tiếng chuông chùa[sửa | sửa mã nguồn]

Quốc tế[sửa | sửa mã nguồn]

Tác động[sửa | sửa mã nguồn]

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c d e f g h i j k l m n o p q “Vietnam: The Suppression of the Unified Buddhist Church” [Việt Nam: Cuộc đàn áp Giáo hội Phật giáo Thống nhất]. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (bằng tiếng Anh). tháng 3 năm 1995. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2024.
  2. ^ Trần Phương (8 tháng 3 năm 2020). “Phật giáo miền Nam sau 30/4/1975: Khi các nhà sư vỡ mộng”. Luật Khoa tạp chí. Đệ tử VOICE. Truy cập ngày 24 tháng 6 năm 2024.
  3. ^ a b c “Căng thẳng giữa Phật giáo và chính quyền trong dịp lễ tang đại lão hoà thượng Thích Đôn Hậu”. AFP (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 24 tháng 6 năm 2024 – qua Diễn Đàn.

Nguồn[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]