Bước tới nội dung

Vô Môn Huệ Khai

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thiền sư
Vô Môn Huệ Khai
無門慧開
Hoạt động tôn giáo
Tôn giáoPhật giáo
Trường pháiĐại thừa
Tông pháiThiền tông
Lưu pháiLâm Tế tông
Sư phụNguyệt Lâm Sư Quán
Tu tập tạiChùa Vạn Thọ, Giang Tô
Trước tácVô môn quan
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinhThuần Hi 10 (1183)
Nơi sinhTiền Đường, Hàng Châu
Mất
Thụy hiệuPhật Nhãn thiền sư
Ngày mất7 tháng 4, Cảnh Định 1
(18 tháng 5, 1260)
Nơi mấtHàng Châu
Giới tínhnam
Nghề nghiệptì-kheo
Quốc giaTrung Quốc
Quốc tịchnhà Tống
icon Cổng thông tin Phật giáo

Vô Môn Huệ Khai (zh. wúmén huìkāi/wu-men hui-k'ai 無門慧開; ja. mumon ekai), 1183-1260, là một vị Thiền sư Trung Quốc thuộc hệ phái Dương Kì tông Lâm Tế, nối pháp Thiền sư Nguyệt Lâm Sư Quán (zh. 月林師觀). Sư là vị Thiền sư nổi danh nhất thời, đến bây giờ vẫn còn được nhắc đến qua tập công án Vô môn quan.

Sư họ Lương, người Tiền Đường (zh. 錢塘), Hàng Châu (Chiết Giang 杭州(浙江)), xuất gia từ thuở nhỏ. Sư ban đầu tham vấn các nơi, sau đến Thiền sư Nguyệt Lâm Sư Quán ở chùa Vạn Thọ (zh. 萬壽寺), Giang Tô (zh. 江蘇). Ban đầu Nguyệt Lâm giao cho Sư công án "Không" (zh. 無) của Triệu Châu làm thoại đầu. Sư chú tâm vào công án này sáu (!) năm liền nhưng không kết quả. Sư thuật lại rằng vì quá tập trung vào công án này mà sư quên cả ngủ mà nếu buồn ngủ trong lúc tọa thiền, sư liền đứng dậy đi qua lại trong thiền đường, đập đầu vào cột gỗ cho tỉnh. Một ngày nọ, khi nghe tiếng trống báo hiệu giờ ăn trưa, sư hoát nhiên đại ngộ, ứng khẩu ngay bài kệ sau (Trúc Thiên & Tuệ Sĩ dịch, trích từ Thiền luận của D.T. Suzuki):

清天白日一聲雷
大地羣生眼豁開
萬象森羅齊稽首
須彌勃跳舞三臺

Thanh thiên bạch nhật nhất thanh lôi
Đại địa quần sinh nhãn hoát khai
Vạn tượng sum la tề khể thủ
Tu-di bột khiêu vũ tam đài.
Trời quang mây tạnh sấm dậy vang.
Mọi vật trên đất, mắt mở bừng.
Muôn hồng nghìn tía cúi đầu lễ.
Núi Tu-di cũng nhảy múa vui mừng.

Mừng quá, sư chạy đến Nguyệt Lâm trình sở đắc. Nguyệt Lâm bắt gặp sư chạy giữa đường, hỏi: "Chạy đi đâu như bị ma đuổi vậy?" sư hét một tiếng, Nguyệt Lâm cũng hét một tiếng. Sau đó sư trình bài kệ rất độc đáo sau:

無無無無無
無無無無無
無無無無無
無無無無無

Vô vô vô vô vô
Vô vô vô vô vô
Vô vô vô vô vô
Vô vô vô vô vô
Không không không không không
Không không không không không
Không không không không không
Không không không không không

Vì kinh nghiệm giác ngộ của sư nên mọi người trong viện đều kính trọng nhưng cuộc sống hằng ngày của sư cũng không có gì thay đổi. Lúc nào sư cũng giữ một tác phong giản dị, thâm trầm. sư thân hình gầy ốm, ăn mặc thô sơ nhưng lúc nào cũng xả mình vào làm mọi việc cùng với tăng chúng. Những năm sau khi được Nguyệt Lâm ấn khả, sư chu du nhiều nơi và nhân đây thu thập tài liệu để soạn tập công án Vô môn quan. Năm 1229, tập này được in lần đầu và với 46 tuổi, sư đang ở tuyệt đỉnh của cuộc đời hoằng hoá của mình.

Năm 1246 - theo lệnh của vua Tống Lý Tông - sư sáng lập chùa Hộ Quốc Nhân Vương (zh. 護國仁王寺). Những năm cuối đời, sư lui về một ngôi chùa nhỏ ở Tây Hồ. Một cơn hạn lớn là nguyên do mà vua Lý Tông mời sư trở về triều đình làm lễ cầu mưa. Ngay lúc sư thuyết pháp thì trời mưa như trút và vì vậy sư được vua ban hiệu Phật Nhãn Thiền sư (zh. 佛眼禪師) và tặng cho ca-sa vàng (kim lan y 金襴衣).

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Fo Guang Ta-tz'u-tien 佛光大辭典. Fo Guang Ta-tz'u-tien pien-hsiu wei-yuan-hui 佛光大辭典編修委員會. Taipei: Fo-kuang ch'u-pan-she, 1988. (Phật Quang Đại Từ điển. Phật Quang Đại Từ điển biên tu uỷ viên hội. Đài Bắc: Phật Quang xuất bản xã, 1988.)
  • Dumoulin, Heinrich:
Geschichte des Zen-Buddhismus I. Indien und China, Bern & München 1985.
Geschichte des Zen-Buddhismus II. Japan, Bern & München 1986.
  • Suzuki, D.T.: Essays in Zen Buddhism, First-Third Series, London 1950/53 (Việt ngữ: Thiền luận, Trúc Thiên dịch quyển thượng, Tuệ Sĩ dịch hai quyển trung và hạ. TP HCM 1993)
Bảng các chữ viết tắt
bo.: Bod skad བོད་སྐད་, tiếng Tây Tạng | ja.: 日本語 tiếng Nhật | ko.: 한국어, tiếng Triều Tiên |
pi.: Pāli, tiếng Pali | sa.: Sanskrit संस्कृतम्, tiếng Phạn | zh.: 中文 chữ Hán