Bước tới nội dung

Phần Dương Thiện Chiếu

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thiền sư
Phần Dương Thiện Chiếu
汾陽善昭
Hoạt động tôn giáo
Tôn giáoPhật giáo
Trường pháiĐại thừa
Tông pháiThiền tông
Lưu pháiLâm Tế tông
Sư phụThủ Sơn Tỉnh Niệm
Đệ tửThạch Sương Sở Viên
Trước tácPhần Dương Thiện Chiếu thiền sư ngữ lục
Lục Tổ
Lâm Tế tông
Tiền nhiệmThủ Sơn Tỉnh Niệm
Kế nhiệmThạch Sương Sở Viên
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh947
Nơi sinhThái Nguyên, Sơn Tây
Mất
Thụy hiệuVô Đức Thiền Sư (無德禪師)
Ngày mất1024
Nơi mấtPhần Dương, Phần Châu, Sơn Tây
Giới tínhnam
Nghề nghiệptì-kheo
Quốc tịchnhà Tống
icon Cổng thông tin Phật giáo

Phần Dương Thiện Chiếu (zh: 汾陽善昭, fényáng shànzhāo, ja: hun'yo zen-shō, 947-1024) là Thiền sư Trung Quốc đời Tống. Sư thuộc tông Lâm Tế và là pháp tử của Thiền sư Thủ Sơn Tỉnh Niệm. Đệ tử nối pháp của sư có Thạch Sương Sở Viên Thiền sư.

Tương truyền rằng, sư từng tham vấn rất nhiều Thiền sư đương thời để học hỏi tất cả những tinh hoa của Thiền tông trong thời kì suy tàn. Vì vậy, những nét đặc trưng của những tông Thiền khác đều được tông Lâm Tế hấp thụ và lưu truyền. Sư cũng là một trong những vị Thiền sư đầu tiên phát triển Văn học Thiền thông qua việc trứ tác các bài kệ tụng và thêm lời bình luận của mình vào các công án, pháp ngữ của Thiền sư, cổ đức đời trước.

Cơ duyên và hành trạng

[sửa | sửa mã nguồn]

họ Du (兪), quê ở Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây. Từ nhỏ sư đã có tính cách trầm tư ít nói, trí huệ hơn người. Vì cha mẹ mất sớm nên sư xuất gia và du phương.

Sau khi xuất gia, sư đi đến tham học tại nhiều đạo tràng thuộc các phái Thiền khác nhau. Tương truyền sư đã đến tham vấn với 71 vị thiền sư nhưng không hội được yếu chỉ.

Sau, sư đến pháp hội của Thiền Sư Tỉnh Niệm ở Thủ Sơn. Một hôm, sư hỏi: "Bách Trượng cuốn chiếu, ý chỉ thế nào?". Thủ Sơn đáp: "Áo rồng vừa phất toàn thể hiện". Sư hỏi: "Ý thầy thế nào?". Thủ Sơn đáp: "Chỗ voi đi bặt dấu chồn". Nghe câu này, sư đại ngộ.

Sau khi đắc pháp, theo lời thỉnh của tứ chúng, sư về trụ trì và hoằng pháp ở chùa Thái Bình thuộc Phần Dương, Phần Châu, tỉnh Sơn Tây. Sư ở đây ba mươi năm không rời cổng, đức hạnh vang xa.

Có vị quan quen với sư, thỉnh sư trụ trì một ngôi chùa nhưng sư từ chối. Ông lại sai sứ giả đi thỉnh lần nữa, sứ giả nói: "Quyết thỉnh thầy cùng đi, nếu thầy không đi, tôi liều chết thôi". Sư cười bảo: "Bởi nghiệp già không thể xuống núi, giả sử đi phải có trước sau, tại sao lại quyết đồng?". Sư sửa soạn hành lí, hỏi các đệ tử có ai muốn đi theo. Vị đầu ra nói đi theo sư được, sư hỏi: "Một ngày ngươi đi được bao nhiêu dặm?". Vị này trả lời: "Năm mươi dặm". Sư nói không được. Vị thứ hai ra nói 70 dặm, sư cũng nói không được. Thị giả ra nói: "Con đi theo được, chỉ Hoà thượng đi đến đâu con đi đến đó". Sư bảo: "Ngươi đi theo được". Nói xong sư bảo: "Ta đi trước nghe!" và ngồi kiết già an nhiên thị tịch. Thị giả đứng khoanh tay cũng thị tịch theo sư. Sư thọ 78 tuổi, vua ban thụy hiệu là Vô Đức Thiền sư (zh: 無德禪師).

Sư có để lại cuốn Phần Dương Thiện Chiếu Thiền Sư Ngữ Lục.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Fo Guang Ta-tz'u-tien 佛光大辭典. Fo Guang Ta-tz'u-tien pien-hsiu wei-yuan-hui 佛光大辭典編修委員會. Taipei: Fo-kuang ch'u-pan-she, 1988. (Phật Quang Đại Từ điển. Phật Quang Đại Từ điển biên tu uỷ viên hội. Đài Bắc: Phật Quang xuất bản xã, 1988.)
  • Từ điển Thiền Tông Hán Việt. Hân Mẫn & Thông Thiền biên dịch. TP HCM 2002.
  • Dumoulin, Heinrich:
Geschichte des Zen-Buddhismus I. Indien und China, Bern & München 1985.
Geschichte des Zen-Buddhismus II. Japan, Bern & München 1986.
Bảng các chữ viết tắt
bo.: Bod skad བོད་སྐད་, tiếng Tây Tạng | ja.: 日本語 tiếng Nhật | ko.: 한국어, tiếng Triều Tiên |
pi.: Pāli, tiếng Pali | sa.: Sanskrit संस्कृतम्, tiếng Phạn | zh.: 中文 chữ Hán