Thổ Nhĩ Kỳ
Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ
|
|
---|---|
Tên bản ngữ
| |
Tổng quan | |
Thủ đô | Ankara 39°52′B 32°52′Đ / 39,867°B 32,867°Đ |
Thành phố lớn nhất | Istanbul 41°1′B 28°57′Đ / 41,017°B 28,95°Đ |
Ngôn ngữ chính thức | Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ |
Ngôn ngữ nói[1] | |
Sắc tộc | |
Tên dân cư | |
Chính trị | |
Chính phủ | Đơn nhất tổng thống chế cộng hòa lập hiến |
Recep Tayyip Erdoğan | |
Cevdet Yılmaz | |
Numan Kurtulmuş | |
Lập pháp | Đại Quốc hội |
Lịch sử | |
Thành lập | |
19 tháng 5 năm 1919 | |
23 tháng 4 năm 1920 | |
24 tháng 7 năm 1923 | |
29 tháng 10 năm 1923 | |
Địa lý | |
Diện tích | |
• Tổng cộng | 783,562 km2 (hạng 36) 302.535 mi2 |
• Mặt nước (%) | 2,03[3] |
Dân số | |
• Ước lượng 2021 | 85.372.377[2] (hạng 18) |
• Mật độ | 110[4]/km2 (hạng 107) 262/mi2 |
Kinh tế | |
GDP (PPP) | Ước lượng 2023 |
• Tổng số | 3.613 tỷ USD[5] (hạng 11) |
41,887 USD[5] (hạng 45) | |
GDP (danh nghĩa) | Ước lượng 2023 |
• Tổng số | 1.154 nghìn tỷ USD[5] (hạng 21) |
• Bình quân đầu người | 13,383 USD[5] (hạng 89) |
Đơn vị tiền tệ | Lira Thổ Nhĩ Kỳ (TRY) |
Thông tin khác | |
Gini? (2019) | 41.9[6] trung bình |
HDI? (2019) | 0,820[7] rất cao · hạng 52 |
Múi giờ | UTC+3 (FET) |
Cách ghi ngày tháng | dd/mm/yyyy (AD) |
Giao thông bên | phải |
Mã điện thoại | +90 |
Mã ISO 3166 | TR |
Tên miền Internet | .tr |
Thổ Nhĩ Kỳ (tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: Türkiye [tyrkije]), tên chính thức là nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ (tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: Türkiye Cumhuriyeti [tyrkije d͡ʒumhurijeti] ( nghe)), thường được gọi ngắn là Thổ, là một quốc gia xuyên lục địa, phần lớn nằm tại Tây Á và một phần nằm tại Đông Nam Âu. Thổ Nhĩ Kỳ có biên giới với 8 quốc gia: Bulgaria ở phía tây bắc; Hy Lạp ở phía tây; Gruzia ở phía Đông Bắc; Armenia, Iran và vùng tách rời Nakhchivan của Azerbaijan ở phía đông; và Iraq cùng Syria ở phía đông nam. Địa Trung Hải ở phía nam; biển Aegea ở phía tây; và biển Đen ở phía bắc. Biển Marmara, các eo biển Bosphorus và Dardanelles phân ranh giới giữa Thrace và Anatolia, và cũng phân chia châu Âu và châu Á.[8] Vị trí nằm tại nơi giao cắt giữa châu Âu và châu Á khiến Thổ Nhĩ Kỳ có tầm quan trọng địa chiến lược đáng kể.[9]
Thổ Nhĩ Kỳ có người cư trú từ thời đại đồ đá cũ,[10] Sau khi bị Alexandros Đại đế chinh phục, khu vực bị Hy Lạp hóa, quá trình này tiếp tục dưới sự cai trị của Đế quốc La Mã rồi tiếp theo là Đế quốc Đông La Mã.[11][12] Người Thổ Seljuk bắt đầu di cư đến khu vực vào thế kỷ XI, khởi đầu quá trình Thổ Nhĩ Kỳ hóa.[13] Bắt đầu từ cuối thế kỷ 13, người Ottoman thống nhất Anatolia và thiết lập một đế quốc bao gồm nhiều lãnh thổ tại Đông Nam Âu, Tây Nam Á và Bắc Phi, trở thành một cường quốc chủ yếu tại Âu-Á và châu Phi trong thời kỳ đầu hiện đại. Đế quốc đạt đỉnh cao quyền lực trong thế kỷ XV-XVII. Các cải cách Tanzimat trong thế kỷ XIX nhằm hiện đại hóa Ottoman là không đủ, và thất bại trong việc ngăn chặn đế quốc tan rã.[14] Đế quốc Ottoman tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất trong Liên minh Trung tâm và cuối cùng chiến bại. Chiến tranh giành độc lập Thổ Nhĩ Kỳ do Mustafa Kemal Atatürk và các cộng sự của ông đề xướng tại Anatolia, dẫn đến việc thành lập nước Cộng hòa Türkiye hiện đại vào năm 1923, với Atatürk là tổng thống đầu tiên.[15]
Thổ Nhĩ Kỳ là một nước cộng hòa dân chủ, thế tục, đơn nhất, và lập hiến với một di sản văn hóa đa dạng.[16][17] Ngôn ngữ chính thức của quốc gia là tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, đây là ngôn ngữ tự nhiên của xấp xỉ 85% cư dân.[18] 70–80% dân số thuộc dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ; phần còn lại gồm các dân tộc thiểu số như người Kurd.[16] Đại đa số cư dân là tín đồ Hồi giáo.[16] Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của Liên Hợp Quốc, NATO, OECD, OSCE, OIC và G-20. Sau khi trở thành một trong các thành viên đầu tiên của Ủy hội châu Âu vào năm 1949, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một thành viên liên kết của EEC vào năm 1963, gia nhập Liên minh Thuế quan EU vào năm 1995 và bắt đầu các cuộc đàm phán về quyền thành viên đầy đủ với Liên minh châu Âu vào năm 2005.[19] Kinh tế tăng trưởng và các sáng kiến ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ khiến quốc gia này được công nhận là một cường quốc khu vực.[20][21][22][23]
Tên gọi
[sửa | sửa mã nguồn]Tên gọi của Thổ Nhĩ Kỳ trong tiếng Việt bắt nguồn từ tiếng Trung. Trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, nước này được gọi là Türkiye. Bằng tiếng Trung, "Tu-r-key" được phiên âm là "Tǔ ěr qí" (theo pinyin) và viết bằng chữ Hán là "土耳其" (Thổ Nhĩ Kỳ).[24]
Vào ngày 31 tháng 5 năm 2022, tên gọi tiếng Anh chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ tại Liên Hợp Quốc đã được thay thế thành Türkiye thay vì Turkey như trước đây, ngay sau khi có yêu cầu từ nước này.[25] Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan đã lý giải trong biên bản ghi nhớ của chính phủ về việc đổi tên nước: "Türkiye là sự biểu đạt tốt nhất cho văn hóa, văn minh và các giá trị của người dân Thổ Nhĩ Kỳ".[26] Theo đài TRT, việc đổi tên gọi quốc tế cũng nhằm tránh bị gọi nhầm thành gà tây (Turkey trong tiếng Anh vừa để gọi tên Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cũng được dùng để chỉ loài gà tây). Ông Erdoğan đồng thời thông báo rằng hãng hàng không Turkish Airlines sẽ hoạt động dưới tên Thổ Nhĩ Kỳ của nó là Türk Hava Yolları, cùng với việc đổi tên này.
Lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Tiền sử của Anatolia và Đông Thrace
[sửa | sửa mã nguồn]Bán đảo Anatolia là một trong những vùng có các khu định cư cổ nhất trên thế giới. Nhiều cư dân Anatolia cổ đại cư trú tại bán đảo, ít nhất là từ Thời đại đồ đá mới cho đến cuộc chinh phục của Alexandros Đại đế.[11] Nhiều dân tộc nói một trong các ngôn ngữ Anatolia, một nhánh của Ngữ hệ Ấn–Âu.[28] Dựa trên tính cổ xưa của các ngôn ngữ Hittite và Luwia, một số học giả đề xuất Anatolia là trung tâm giả thuyết mà từ đó các ngôn ngữ Ấn-Âu tỏa ra.[29] Phần thuộc châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ được gọi là Đông Thrace, khu vực này có người cư trú từ ít nhất là bốn mươi nghìn năm trước, và được biết đến là nằm trong Thời đại đồ đá mới vào khoảng 6000 TCN khi các cư dân bắt đầu thực hiện nông nghiệp.[30]
Göbekli Tepe là địa điểm có cấu trúc tôn giáo nhân tạo cổ nhất được biết đến, một đền thờ có niên đại từ 10.000 TCN,[31] trong khi Çatalhöyük là một khu dân cư Thời đại đồ đá mới và đồ đồng đá rất lớn tại miền nam Anatolia, tồn tại từ khoảng 7500 TCN tới 5700 TCN.[32] Khu dân cư Troy bắt đầu vào thời đại đồ đá mới và tiếp tục đến thời đại đồ sắt.[33]
Những cư dân sớm nhất của Anatolia theo ghi chép là người Hatti và người Hurria, là các dân tộc phi Ấn-Âu lần lượt cư trú tại miền trung và miền đông Anatolia, từ khoảng 2300 TCN. Người Hittite Ấn-Âu đến Anatolia và dần hấp thu người Hattia và Hurria vào khoảng 2000-1700 TCN. Đế quốc lớn đầu tiên trong khu vực do người Hittite thành lập, tồn tại từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIII TCN. Người Assyria chinh phục và định cư tại nhiều nơi của miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ từ 1950 TCN cho đến năm 612 TCN.[34][35] Urartu tái xuất hiện trên các câu khắc Assyria vào thế kỷ IX TCN như một đối thủ phương bắc hùng mạnh của Assyria.[36]
Sau khi Đế quốc Hittite sụp đổ vào khoảng 1180 TCN, một dân tộc Ấn-Âu là Phrygia giành được uy thế tại Anatolia cho đến khi vương quốc của họ bị người Cimmeria tiêu diệt vào thế kỷ VII TCN.[37] Bắt đầu từ 714 BC, Urartu có số phận tương tự và giải thể vào năm 590 TCN.[38] Các quốc gia kế thừa hùng mạnh nhất của Phrygia là Lydia, Caria và Lycia.[39]
Thời cổ đại và Đông La Mã
[sửa | sửa mã nguồn]Bắt đầu từ khoảng 1200 TCN, người Hy Lạp Aeolus và Ionia định cư nhiều tại duyên hải Anatolia. Nhiều thành phố quan trọng được họ lập ra, như Miletus, Ephesus, Smyrna và Byzantium. Quốc gia đầu tiên được các dân tộc lân cận gọi là Armenia là quốc gia của triều đại Orontid, bao gồm các bộ phận miền đông Thổ Nhĩ Kỳ, bắt đầu từ thế kỷ VI TCN. Tại tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ, nhóm bộ tộc quan trọng nhất tại Thrace là Odyrisia.[40]
Đế quốc Achaemenes Ba Tư chinh phục Anatolia trong các thế kỷ VI và V TCN, rồi thất thủ trước Alexandros Đại đế vào năm 334 TCN,[41] sự kiện này làm gia tăng tính đồng nhất văn hóa và Hy Lạp hóa trong khu vực.[11] Sau khi Alexandros Đại đế từ trần vào năm 323 TCN, Anatolia bị phân chia thành một số vương quốc Hy Lạp hóa nhỏ, toàn bộ chúng đều trở thành bộ phận của Cộng hòa La Mã vào khoảng giữa thế kỷ I TCN.[42] Quá trình Hy Lạp hóa vốn bắt đầu bằng cuộc chinh phục của Alexandros được tăng tốc dưới sự cai trị của La Mã, và đến khoảng những thế kỷ đầu CN thì ngữ tộc Anatolia và văn hóa bản địa bị tuyệt diệt, phần lớn bị thay thế bằng ngôn ngữ và văn hóa Hy Lạp cổ đại.[12][43]
Năm 324, Constantine I lựa chọn Byzantium làm thủ đô mới của Đế quốc La Mã. Sau khi Theodosius I từ trần vào năm 395 và đế quốc bị phân chia vĩnh viễn giữa hai con trai của ông, thành phố trở thành thủ đô của Đế quốc Đông La Mã và có tên gọi đại chúng là Constantinopolis. Đế quốc Đông La Mã cai trị hầu hết lãnh thổ nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ cho đến Hậu kỳ Trung Cổ.[44]
Người Seljuk và Đế quốc Ottoman
[sửa | sửa mã nguồn]Nhà Seljuk là một nhánh của người Thổ Oghuz Kınık, những người cư trú tại ngoại vi của thế giới Hồi giáo, trong Hãn quốc Yabghu của liên minh Oguz, từ phía bắc của các biển Caspia và Aral, trong thế kỷ IX.[46] Trong thế kỷ X, người Seljuk bắt đầu di cư đến Ba Tư, nơi này trở thành trung tâm hành chính của Đế quốc Đại Seljuk.[47]
Trong nửa cuối của thế kỷ XI, người Seljuk bắt đầu thâm nhập các khu vực miền đông của Anatolia. Năm 1071, người Thổ Seljuk đánh bại người Đông La Mã trong trận Manzikert, khởi đầu Thổ hóa khu vực, ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ và Hồi giáo được đưa đến Anatolia và dần truyền bá khắp khu vực và tiến hành chuyển đổi chậm Anatolia từ khu vực chủ yếu Cơ Đốc giáo và Hy Lạp ngữ sang chủ yếu Hồi giáo và Thổ ngữ.[48]
Năm 1243, quân đội Seljuk bị người Mông Cổ đánh bại, khiến quyền lực của Đế quốc Seljuk từ từ tan rã. Trong bối cảnh này, một trong các thân vương quốc Thổ do Osman I cai trị tiến triển thành Đế quốc Ottoman. Năm 1453, người Ottoman hoàn thành chinh phục Đế quốc Đông La Mã khi chiếm lĩnh Constantinopolis.[49]
Năm 1514, Sultan Selim I (1512-1520) bành trướng thành công biên giới phía nam và phía đông của Đế quốc khi đánh bại Shah Ismail I của triều đại Safavid trong trận Chaldiran. Năm 1517, Selim I bành trướng quyền cai trị của Ottoman đến Algérie và Ai Cập, và thiết lập hiện diện hải quân tại biển Đỏ. Sau đó, Ottoman và Bồ Đào Nha bắt đầu cạnh tranh để trở thành thế lực hải dương chi phối tại Ấn Độ Dương. Sự hiện diện của người Bồ Đào Nha tại Ấn Độ Dương được cho là một mối đe dọa đối với độc quyền của Ottoman trên các tuyến mậu dịch cổ giữa Đông Á và Tây Âu. Độc quyền quan trọng này càng bị tổn hại sau khi người Bồ Đào Nha phát hiện tuyến hàng hải vòng qua châu Phi vào năm 1488, một tác động đáng kể đối với kinh tế Ottoman.[50]
Quyền lực và thanh thế của Ottoman đạt đỉnh trong thế kỷ XVI và XVII, đặc biệt là trong triều đại của Suleiman I. Ottoman thường xung đột với Đế quốc La Mã Thần thánh trong bước tiến vững chắc của mình hướng đến Trung Âu qua Balkan và phần phía nam của Liên bang Ba Lan và Lietuva.[51] Trên hải dương, Hải quân Ottoman đấu tranh với vài liên minh Công giáo để kiểm soát Địa Trung Hải. Tại phía đông, người Ottoman thỉnh thoảng có chiến tranh với Safavid Ba Tư từ thế kỷ XVI đến XVIII do tranh chấp lãnh thổ và khác biệt tôn giáo.[52]
Từ đầu thế kỷ XIX trở đi, Ottoman bắt đầu suy yếu, kích thước lãnh thổ cùng năng lực quân sự và thịnh vượng dần giảm đi, khiến nhiều người Hồi giáo Balkan di cư đến phần trung tâm của Đế quốc tại Anatolia,[53][54] Ottoman suy yếu khiến tình cảm dân tộc chủ nghĩa nổi lên trong các dân tộc khác nhau, dẫn đến gia tăng căng thẳng dân tộc mà đôi khi bùng phát thành bạo lực.[55]
Ottoman tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất bên phe Liên minh Trung tâm và cuối cùng chiến bại. Trong chiến tranh, người Armenia trong Đế quốc bị trục xuất từ miền đông Anatolia đến Syria như một phần của Cuộc diệt chủng người Armenia. Theo ước tính, có 1,5 triệu người Armenia bị sát hại.[56][57][58][59] Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ đó là một cuộc diệt chủng và tuyên bố rằng người Armenia chỉ bị tái định cư từ khu vực chiến sự phía đông.[60] Sau Hiệp định đình chiến Mudros vào ngày 30 tháng 10 năm 1918, Đồng Minh tìm cách phân chia Ottoman thông qua Hòa ước Sèvres 1923.[49]
Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ
[sửa | sửa mã nguồn]Trước việc Đồng Minh chiếm đóng Constantinopolis và Smyrna, Phong trào Dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ được xúc tiến thành lập.[61] Dưới quyền lãnh đạo của Mustafa Kemal, Chiến tranh giành độc lập Thổ Nhĩ Kỳ được tiến hành với mục tiêu hủy bỏ các điều khoản của Hòa ước Sèvres.[62]
Đến ngày 18 tháng 9 năm 1922, các quân đội chiếm đóng bị trục xuất, và chính thể Thổ Nhĩ Kỳ đặt tại Ankara bắt đầu chính thức hóa chuyển giao tư pháp từ Ottoman sang hệ thống chính trị Cộng hòa mới. Ngày 1 tháng 11, nghị viện mới hình thành chính thức bãi bỏ Đế quốc. Hiệp ước Lausanne ngày 24 tháng 7 năm 1923 dẫn đến việc quốc tế công nhận chủ quyền của "Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ" mới hình thành với vị thế quốc gia liên tục của Đế quốc Ottoman, và nước cộng hòa được tuyên bố chính thức vào ngày 29 tháng 10 năm 1923 tại thủ đô mới Ankara.[63] Hiệp định Lausanne quy định trao đổi cư dân giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, do đó 1,1 triệu người Hy Lạp rời Thổ Nhĩ Kỳ trong khi 380 nghìn người Hồi giáo chuyển từ Hy Lạp sang Thổ Nhĩ Kỳ.[64] Mustafa Kemal trở thành tổng thống đầu tiên của nước cộng hòa và sau đó tiến hành nhiều cải cách căn bản với mục tiêu chuyển đổi quốc gia Ottoman-Thổ Nhĩ Kỳ cũ thành một nước cộng hòa thế tục mới.[65]
Thổ Nhĩ Kỳ duy trì trung lập trong hầu hết Chiến tranh thế giới thứ hai, tuy nhiên tham gia trong giai đoạn cuối của chiến tranh bên phe Đồng Minh vào ngày 23 tháng 2 năm 1945. Ngày 26 tháng 6 năm 1945, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một thành viên hiến chương của Liên Hợp Quốc.[66] Khó khăn của Hy Lạp sau chiến tranh đàn áp nổi loạn cộng sản, cùng với các yêu cầu của Liên Xô về căn cứ quân sự tại các eo biển Thổ Nhĩ Kỳ, xúc tiến Hoa Kỳ tuyên bố Học thuyết Truman vào năm 1947. Học thuyết đề ra các mục đích của Hoa Kỳ để đảm bảo an ninh cho Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, kết quả là hỗ trợ quân sự và kinh tế quy mô lớn của Hoa Kỳ. Hai quốc gia tham dự Kế hoạch Marshall và OEEC về tái thiết các nền kinh tế châu Âu vào năm 1948,[67] và sau đó trở thành các thành viên sáng lập của OECD vào năm 1961.[68]
Sau khi tham gia cùng lực lượng Liên Hợp Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên, Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO vào năm 1952, trở thành một tường thành chống lại sự bành trướng của Liên Xô đến Địa Trung Hải. Sau một thập niên bạo lực giữa các cộng đồng tại Síp, và đảo chính tại Síp vào ngày 15 tháng 7 năm 1974, trong đó phế truất Tổng thống Makarios và đưa nhân vật ủng hộ liên minh với Hy Lạp là Nikos Sampson lên cầm quyền, Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm Síp vào ngày 20 tháng 7 năm 1974.[69] Chín năm sau đó, Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Bắc Síp được thành lập, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia duy nhất công nhận chính thể này.[70]
Giai đoạn độc đảng kết thúc vào năm 1945, sau đó là một chuyển đổi náo động sang dân chủ đa đảng trong vài thập niên kế tiếp, bị gián đoạn do đảo chính quân sự vào năm 1960, 1971, và 1980, cũng như một bị vong lục quân sự vào năm 1997.[71][72] Năm 1984, một nhóm ly khai người Kurd mang tên PKK bắt đầu chiến dịch nổi loạn chống chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.[73] Kể từ khi tự do hóa kinh tế trong thập niên 1980, Thổ Nhĩ Kỳ đạt được tăng trưởng kinh tế mạnh hơn và ổn định chính trị lớn hơn.[74] Trong tháng 7 năm 2016, phát sinh một nỗ lực đảo chính bất thành nhằm phế truất chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.[75] Sau đó, chính phủ tiến hành thanh trừng hàng loạt.[76]
Chính trị
[sửa | sửa mã nguồn]Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia cộng hòa đại nghị. Nhưng sau một cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý năm 2017 về việc sửa đổi hiến pháp nhằm mở rộng quyền lực cho Tổng thống đã dành chiến thắng áp đảo. Từ đó, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quốc gia Tổng thống chế. Từ khi hình thành vào năm 1923, nước Cộng hòa Türkiye phát triển một truyền thống mạnh mẽ về chủ nghĩa thế tục. Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ điều chỉnh khuôn khổ pháp lý của quốc gia. Hiến pháp chế định các nguyên tắc chính của chính phủ và quy định Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia tập trung hóa thống nhất. Tổng thống là nguyên thủ quốc gia. Tổng thống hiện được bầu cho một nhiệm kỳ 5 năm thông qua bầu cử trực tiếp.
Bộ máy tư pháp độc lập với hành pháp và lập pháp, và Tòa án Hiến pháp có trách nhiệm quyết định sự phù hợp của các luật và sắc lệnh với hiến pháp. Hội đồng Nhà nước là tòa án cuối cùng cho các vụ án hành chính, và Tòa án Phúc thẩm tối cao cho các vụ án khác.[77]
Phổ thông đầu phiếu cho cả hai giới được áp dụng trên toàn Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1933, và mọi công dân Thổ Nhĩ Kỳ sang tuổi 18 đều có quyền bỏ phiếu. Đại Quốc hội là cơ quan lập pháp cho một nhiệm kỳ 4 năm từ một hệ thống đại diện tỷ lệ danh sách đảng từ 85 khu vực bầu cử. Tòa án Hiến pháp cho thể tước đoạt nguồn tài chính công cộng của các chính đảng nếu họ bị cho là chống thế tục hoặc ly khai, hoặc cấm chỉ tồn tại hoàn toàn.[78][79] Ngưỡng bầu cử là 10% số phiếu.[80]
Những người ủng hộ các cải cách của Atatürk và những người theo chủ nghĩa Hồi giáo đại diện cho hai cực về vai trò của tôn giáo trong sinh hoạt công cộng.[81] Quan điểm của phe thân Atatürk về đại thể là kết hợp một loại chế độ dân chủ với một hiến pháp tách khỏi tôn giáo và phương thức sinh hoạt thế tục Tây phương hóa, trong khi ủng hộ can thiệp của nhà nước trong kinh tế, giáo dục, và các dịch vụ công cộng khác.[81] Từ thập niên 1980, gia tăng bất bình đẳng thu nhập và phân biệt đẳng cấp khiến chủ nghĩa dân túy Hồi giáo nổi lên, đây là một phong trào mà theo lý thuyết ủng hộ nghĩa vụ với nhà cầm quyền, đoàn kết cộng đồng và công bằng xã hội.[81]
Nhân quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ là đề tài gặp một số tranh luận và chỉ trích quốc tế. Từ năm 1998 đến 2008, Tòa án Nhân quyền châu Âu đưa ra trên 1.600 phán quyết chống Thổ Nhĩ Kỳ do các vi phạm nhân quyền. Các vấn đề khác như quyền lợi của người Kurd, nữ quyền và tự do báo chí cũng thu hút tranh luận. Hồ sơ nhân quyền của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục là một chướng ngại vật đáng kể đối với quyền thành viên EU trong tương lai của quốc gia này.[82]
Pháp luật
[sửa | sửa mã nguồn]Thổ Nhĩ Kỳ có một hệ thống tư pháp nhất thể hóa hoàn toàn với hệ thống của châu Âu lục địa.[83] Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận nguyên tắc phân chia quyền lực. Phù hợp với nguyên tắc này, quyền lực tư pháp do các tòa án độc lập thi hành nhân danh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Sự độc lập và tổ chức của các tòa án, sự bảo đảm đối với các nhiệm kỳ thẩm phán và công tố viên công cộng, sự chuyên nghiệp của các thẩm phán và công tố viên, sự giám sát của các thẩm phán và công tố viên công cộng, các tòa án quân sự và tổ chức của chúng, và quyền lực và bổn phận của các tòa án cấp cao được Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ quy định.[84]
Theo Điều 142 của hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, tổ chức, bổn phận và quyền hạn của các tòa án, chức năng và thủ tục xét xử được quy định theo luật. Phù hợp với điều khoản này của hiến pháp và các luật liên quan, hệ thống tòa án tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể được phân thành ba hạng; đó là tòa án tư pháp, tòa án hành chính và tòa án quân sự. Mỗi thể loại bao gồm các tòa án cấp sơ thẩm và tòa án phúc thẩm. Ngoài ra, Tòa án Tranh chấp Tư pháp phán quyết về các vụ án không thể phân loại dễ dàng.[84]
Thực thi pháp luật tại Thổ Nhĩ Kỳ là trách nhiệm của một vài cơ quan (như Tổng cục An ninh và Tổng cục Hiến binh), đều hành động theo lệnh của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ hoặc hầu như là từ Bộ trưởng Nội vụ. Theo các số liệu do Bộ Tư pháp công bố, có 100.000 người bị giam trong các nhà tù Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 11 năm 2008.[85]
Quan hệ đối ngoại
[sửa | sửa mã nguồn]Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên sáng lập của Liên Hợp Quốc (1945),[86] OECD (1961),[87] OIC (1969),[88] OSCE (1973),[89] ECO (1985),[90] BSEC (1992),[91] D-8 (1997)[92] và G-20 (1999).[93] Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào các năm 1951-1952, 1954-1955, 1961 và 2009-2010.[94]
Phù hợp với truyền thống định hướng phương Tây của mình, quan hệ với châu Âu luôn là một bộ phận trung tâm trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trong các thành viên đầu tiên của Ủy hội châu Âu vào năm 1949, thỉnh cầu về quyền thành viên liên kết của EEC vào năm 1959 và trở thành một thành viên liên kết vào năm 1963. Sau nhiều thập niên đàm phán chính trị, Thổ Nhĩ Kỳ thỉnh cầu về quyền thành viên đầy đủ của EEC vào năm 1987, trở thành một thành viên liên kết của Liên minh Tây Âu vào năm 1992, gia nhập Liên minh Thuế quan EU vào năm 1995 và tham gia đàm phán gia nhập chính thức với EU từ năm 2005.[19] Hiện nay, quyền thành viên EU được cho là một chính sách quốc gia và một mục tiêu chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ.[95] Sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ cho Bắc Síp làm phức tạp quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với EU và vẫn là một trở ngại lớn ngăn nỗ lực gia nhập EU của quốc gia này.[96]
Phương diện mang tính quyết định khác trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ là liên minh chiến lược của quốc gia với Hoa Kỳ. Mối đe dọa chung từ Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một thành viên của NATO vào năm 1952, đảm bảo quan hệ song phương mật thiết với Washington. Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ nhận được hỗ trợ về chính trị, kinh tế và ngoại giao của Hoa Kỳ, bao gồm trong các vấn đề chủ chốt như Thổ Nhĩ Kỳ ứng cử gia nhập EU.[97] Trong tình hình hậu Chiến tranh Lạnh, tính trọng yếu địa chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ chuyển hướng đến các khu vực gần là Trung Đông, Kavkaz và Balkan.[98]
Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ di sản văn hóa và ngôn ngữ chung với các quốc gia Turk độc lập từ Liên Xô vào năm 1991, điều này cho phép Thổ Nhĩ Kỳ khoách trương quan hệ kinh tế và chính trị sâu vào Trung Á,[99] Đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan tạo thành bộ phận trong chiến lược chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ để trở thành một nơi chuyển tiếp năng lượng đến phương Tây. Tuy nhiên, biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Armenia bị đóng cửa do Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Azerbaijan trong Chiến tranh Nagorno-Karabakh và nay vẫn bị đóng cửa.[100]
Dưới chính phủ của Đảng AK, ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ phát triển tại các lãnh thổ nguyên thuộc Ottoman tại Trung Đông và Balkan, dựa theo thuyết "chiều sâu chiến lược", còn được gọi là chủ nghĩa Tân Ottoman.[101][102]
Thổ Nhĩ Kỳ duy trì lực lượng trong các sứ mệnh quốc tế dưới quyền Liên Hợp Quốc và NATO kể từ năm 1950, bao gồm các sứ mệnh duy trì hòa bình tại Somalia và Nam Tư cũ, và hỗ trợ lực lượng liên quân trong Chiến tranh Vùng Vịnh. Thổ Nhĩ Kỳ duy trì 36.000 binh sĩ tại Bắc Síp, song sự hiện diện của họ gây tranh luận,[103] và hỗ trợ an ninh cho Kurdistan thuộc Iraq.[104] Thổ Nhĩ Kỳ triển khai binh sĩ tại Afghanistan từ năm 2001.[105]
Quân sự
[sửa | sửa mã nguồn]Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ gồm Lục quân, Hải quân và Không quân. Hiến binh và Tuần duyên hoạt động như các bộ phận của Bộ Nội vụ trong thời bình, song sẽ lần lượt phụ thuộc Lục quân và Hải quân trong thời chiến.[107]
Tổng tham mưu trưởng do Tổng thống bổ nhiệm. Hội đồng Bộ trưởng chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong các vấn đề an ninh quốc gia và sự chuẩn bị đầy đủ của lực lượng vũ trang để bảo vệ quốc gia. Tuy nhiên, chỉ Quốc hội mới có thẩm quyền tuyên chiến và triển khai binh sĩ ra nước ngoài hay cho phép quân đội nước ngoài đồn trú tại Thổ Nhĩ Kỳ.[107]
Thổ Nhĩ Kỳ có lực lượng vũ trang thường trực lớn thứ nhì trong NATO, sau Quân đội Hoa Kỳ, với 495.000 binh sĩ được triển khai theo ước tính của NATO vào năm 2011.[108] Thổ Nhĩ Kỳ là một trong năm quốc gia thành viên NATO là bộ phận của chính sách chia sẻ hạt nhân của liên minh, cùng với Bỉ, Đức, Ý và Hà Lan.[109] Tổng cộng có 90 bom hạt nhân B61 được đặt trong căn cứ không quân Incirlik, 40 trong số đó được phân cho Không quân Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng trong trường hợp một xung đột hạt nhân, song việc sử dụng chúng cần phải được NATO phê chuẩn.[110]
Mọi nam công dân Thổ Nhĩ Kỳ đủ điều kiện được yêu cầu phục vụ quân đội trong một giai đoạn kéo dài từ ba tuần đến một năm, tùy theo giáo dục và công việc.[111] Thổ Nhĩ Kỳ không công nhận cự tuyệt binh dịch lương tâm và không cung cấp một thay thế dân sự cho nghĩa vụ quân sự.[112]
Địa lý
[sửa | sửa mã nguồn]Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia liên lục địa[113] Á-Âu. Phần lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ thuộc châu Á chiếm 97% diện tích toàn quốc, tách khỏi phần lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ thuộc châu Âu qua eo biển Bosphorus, biển Marmara và eo biển Dardanelles. Phần lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ thuộc châu Âu chiếm 3% diện tích toàn quốc.[114] Lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ dài trên 1.600 km và rộng trên 800 km, có hình dạng gần giống hình chữ nhật.[115] Thổ Nhĩ Kỳ nằm giữa các vĩ độ 35° và 43° Bắc, và các kinh độ 25° và 45° Đông. Diện tích của Thổ Nhĩ Kỳ, gồm cả mặt hồ, là 783.562 km²[116], trong đó 755.688 km² nằm tại Tây Nam Á và 23.764 km² nằm tại châu Âu.[115] Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia lớn thứ 37 thế giới xét theo diện tích. Quốc gia này có biển bao quanh tại ba mặt: biển Aegea tại phía tây, biển Đen tại phía bắc và Địa Trung Hải tại phía nam. Thổ Nhĩ Kỳ có biển Marmara tại phía tây bắc.[117]
Phần thuộc châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ là Đông Thrace, có biên giới với Hy Lạp và Bulgaria. Phần thuộc châu Á của Thổ Nhĩ Kỳ là Anatolia, gồm một cao nguyên trung ương có độ cao lớn cùng các đồng bằng duyên hải hẹp, nằm giữa các dãy núi Köroğlu và Pontic tại phía bắc và Taurus tại phía nam. Miền đông của Thổ Nhĩ Kỳ có cảnh quan đồi núi hơn và là nguồn của các sông như Euphrates, Tigris và Aras, và có điểm cao nhất Thổ Nhĩ Kỳ là Núi Ararat với cao độ 5.137 m,[118] và hồ lớn nhất toàn quốc là hồ Van.[119]
Thổ Nhĩ Kỳ được phân thành bảy khu vực điều tra nhân khẩu: Marmara, Aegea, Biển Đen, Trung Anatolia, Đông Anatolia, Đông Nam Anatolia và Địa Trung Hải. Địa hình gồ ghề tại phía bắc Anatolia dọc theo biển Đen giống như một dải dài và hẹp. Như khuynh hướng chung, cao nguyên Anatolia nội lục ngày càng gồ ghề khi đi về phía đông.[117]
Cảnh quan đa dạng của Thổ Nhĩ Kỳ là kết quả của các hoạt động địa chất phức tạp, tạo thành hình khu vực trong hàng nghìn năm và vẫn biểu thị thông qua các trận động đất khá thường xuyên và thỉnh thoảng là phun trào núi lửa. Các eo biển Bosphorus và Dardanelles xuất hiện do đường đứt gãy chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ, đường đứt gãy này là nguyên nhân dẫn đến hình thành biển Đen. Tồn tại một đường đứt gãy động đất chạy qua phía bắc của quốc gia từ tây sang đông.[39]
Đa dạng sinh học
[sửa | sửa mã nguồn]Hệ sinh thái đặc biệt và sự đa dạng về môi trường sống của Thổ Nhĩ Kỳ sản sinh đa dạng đáng kể về loài.[120] Anatolia là quê hương của nhiều loài thực vật đã được canh tác để làm thực phẩm từ khi xuất hiện nông nghiệp, và các tổ tiên hoang dã của nhiều thực vật mà hiện cung cấp lương thực cho nhân loại vẫn mọc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tính đa dạng của động vật tại Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn lớn hơn của thực vật, số lượng loài động vật trên toàn châu Âu là khoảng 60.000; tại Thổ Nhĩ Kỳ có trên 8.000.[121]
Rừng hạt trần và rụng lá Bắc Anatolia là một hệ sinh thái bao trùm hầu hết Dãy núi Pontic tại miền bắc Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi rừng hỗn hợp Kavkaz trải rộng khắp cực đông của dãy núi. Khu vực này là nơi sống của các loại động vật hoang dã Âu-Á như cắt hỏa mai, đại bàng vàng, đại bàng đầu nâu, Clanga pomarina, gà gô Kavkaz, bạch yến trán đỏ, và Tichodroma muraria.[122] Dải duyên hải hẹp giữa dãy núi Pontic và biển Đen có rừng rụng lá Euxine-Colchic, gồm một số trong số ít khu rừng mưa ôn đới của thế giới.[123]
Thổ Nhĩ Kỳ có 40 công viên quốc gia, 189 công viên tự nhiên, 31 khu vực bảo tồn tự nhiên, 80 khu vực bảo tồn loài hoang dã và 109 di tích tự nhiên như Công viên quốc gia lịch sử Gallipoli, Công viên quốc gia núi Nemrut, Công viên quốc gia Troy cổ đại, Công viên tự nhiên Ölüdeniz và Công viên tự nhiên Polonezköy.[124]
Ankara nổi tiếng với mèo Angora, thỏ Angora và dê Angora. Giống mèo quốc gia khác của Thổ Nhĩ Kỳ là mèo Van. Các giống chó quốc gia là chó chăn cừu Anatolia, Kangal, Malaklı và Akbaş.[125]
Khí hậu
[sửa | sửa mã nguồn]Các khu vực duyên hải của Thổ Nhĩ Kỳ giáp với biển Aegea và Địa Trung Hải có khí hậu Địa Trung Hải ôn hòa, với mùa hè nóng khô và mùa đông mát ẩm.[126] Các khu vực duyên hải giáp với biển Đen có khí hậu đại dương ôn hòa với mùa hè ấm ẩm và mùa đông lạnh ẩm.[126] Duyên hải biển Đen của Thổ Nhĩ Kỳ nhận lượng giáng thủy lớn nhất và là khu vực duy nhất trong nước nhận được lượng giáng thủy cao suốt năm.[126] Phần phía đông của khu vực duyên hải này nhận được lượng giáng thủy hàng năm là 2.200 milimét (87 in), cao nhất toàn quốc.[126]
Các khu vực duyên hải giáp với biển Marmara có khí hậu chuyển tiếp giữa khí hậu Địa Trung Hải ôn hòa và khí hậu đại dương ôn hòa, với mùa hè từ ấm đến nóng và tương đối khô cùng mùa mưa từ mát đến lạnh và ẩm.[126] Tuyết rơi tại các khu vực duyên hải của biển Marmara và biển Đen hầu như tất cả mùa đông, song thường tan trong một vài ngày.[126] Tuy nhiên, tuyết hiếm khi rơi tại các khu vực duyên hải giáp với biển Aegea và rất hiếm tại các khu vực duyên hải giáp với Địa Trung Hải.[126]
Các ngọn núi gần bờ biển ngăn các ảnh hưởng Địa Trung Hải mở rộng đến nội lục, khiến miền trung cao nguyên Anatolia có khí hậu lục địa với các mùa tương phản mạnh.[126] Mùa đông tại phần phía đông của cao nguyên đặc biệt khắc nghiệt.[126] Nhiệt độ −30 đến −40 °C (−22 đến −40 °F) có thể xuất hiện tại miền đông Anatolia.[126] Tại phía tây, nhiệt độ trung bình mùa đông dưới 1 °C (34 °F).[126] Mùa hè nóng và khô, với nhiệt độ thường trên 30 °C (86 °F) vào ban ngày.[126] Lượng giáng thủy trung bình năm là khoảng 400 mm, thay đổi theo độ cao. Các khu vực khô nhất là đồng bằng Konya và đồng bằng Malatya, tại đó lượng mưa hàng năm thường dưới 300 mm (12 in). Tháng 5 thường là tháng mưa nhiều nhất, còn tháng 7 và tháng 8 là các tháng khô nhất.[126]
Khu vực hành chính
[sửa | sửa mã nguồn]Thổ Nhĩ Kỳ được chia thành 81 đơn vị hành chính cấp tỉnh (il). Mỗi tỉnh lại được chia thành các đơn vị hành chính cấp huyện (ilçe). Tỉnh thường được đặt cùng tên với thành phố thủ phủ của tỉnh đó. Một số tỉnh được công nhận là thành phố tự trị (büyükşehir belediyeleri) như Istanbul, Ankara, İzmir, Bursa, Konya, Adana.
Thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ là Ankara, nhưng thủ đô lịch sử là İstanbul vẫn là một trung tâm văn hoá, kinh tế và tài chính quan trọng của đất nước. Các thành phố quan trọng khác gồm İzmir, Bursa, Adana, Trabzon, Malatya, Gaziantep, Erzurum, Kayseri, Kocaeli, Konya, Mersin, Eskişehir, Diyarbakır, Antalya và Samsun. Ước tính 68% dân số Thổ Nhĩ Kỳ sống tại các vùng thành thị.[127]
Kinh tế
[sửa | sửa mã nguồn]Thổ Nhĩ Kỳ có GDP PPP lớn thứ 13 trên thế giới (2016)[129] và GDP danh nghĩa lớn thứ 18 thế giới (2016).[130] Thổ Nhĩ Kỳ là một trong các thành viên sáng lập của OECD và G-20.[87][93]
Liên minh thuế quan EU-Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1995 dẫn đến tự do hóa sâu rộng về các mức thuế, và tạo thành một trong các trụ cột quan trọng nhất trong chính sách ngoại thương của Thổ Nhĩ Kỳ.[131] Kim ngạch xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ đạt $143,5 tỷ vào năm 2011 và đạt $163 tỷ vào năm 2012 (các đối tác xuất khẩu chính vào năm 2012: Đức 8,6%, Iraq 7,1%, Iran 6,5%, Anh Quốc 5,7%, CTVQARTN 5,4%). Nhập khẩu vào năm 2012 là $229 tỷ (các đối tác nhập khẩu chính vào năm 2012: Nga 11,3%, Đức 9%, Trung Quốc 9%, Hoa Kỳ 6%, Ý 5,6%).[16]
Thổ Nhĩ Kỳ có một ngành công nghiệp ô tô lớn, sản xuất trên một triệu xe ô tô vào năm 2012, được xếp hạng là nhà sản xuất lớn thứ 16 trên thế giới.[132] Xuất khẩu đóng tàu của Thổ Nhĩ Kỳ trị giá US$1,2 tỷ vào năm 2011,[133] các thị trường xuất khẩu chính là Malta, Quần đảo Marshall, Panama và Hoa Kỳ. Các xưởng đóng tàu của Thổ Nhĩ Kỳ có 15 ụ nổi trong các kích cỡ khác nhau và một ụ cạn.[133] Tuzla, Yalova, và İzmit phát triển thành các trung tâm đóng tàu năng động.[134]
Các lĩnh vực chủ chốt khác của kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ là ngân hàng, xây dựng, thiết bị gia dụng, thiết bị điện tử, các sản phẩm lọc hóa dầu, thực phẩm, khai mỏ, gang thép, và chế tạo máy. Năm 2010, lĩnh vực nông nghiệp đóng góp 9% vào GDP, trong khi lĩnh vực công nghiệp đóng góp 26% và lĩnh vực dịch vụ đóng góp 65%.[16] Tuy nhiên, một phần tư công việc thuộc lĩnh vực nông nghiệp.[135] Tỷ lệ công việc thuộc nữ giới tại Thổ Nhĩ Kỳ là 30% vào năm 2012,[136] mức thấp nhất trong OECD.[137]
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt $8,3 tỷ vào năm 2012.[138] Năm 2012, Fitch Group nâng hạng mức tín nhiệm đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ sau 18 năm;[139] tiếp đến là Moody's nâng hạng vào tháng 5 năm 2013.[140][141]
Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ tăng trưởng nhanh chóng trong hai thập niên trở lại đây, và tạo thành một bộ phận quan trọng của kinh tế. Năm 2013, 37,8 triệu du khách ngoại quốc đến Thổ Nhĩ Kỳ, biến quốc gia này thành địa điểm du lịch quốc tế phổ biến thứ sáu trên thế giới.[142] Năm 2012, 15% lượng du khách đến từ Đức, 11% đến từ Nga, 8% đến từ Anh Quốc, 5% đến từ Bulgaria.[143]
Đầu thế kỷ XXI, lạm phát cao kinh niên được đưa vào kiểm soát; điều này dẫn đến phát hành đơn vị tiền tệ mới là lira mới Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2005, để củng cố thành tựu của cải cách kinh tế và xóa những vết tích của một nền kinh tế bất ổn.[144] Năm 2009, lira mới Thổ Nhĩ Kỳ được đổi tên lại thành lira Thổ Nhĩ Kỳ, với việc phát hành giấy bạc và đồng xu mới. Như một kết quả các cải cách kinh tế tiếp diễn, lạm phát giảm xuống 8% vào năm 2005, và tỷ lệ thất nghiệp là 10%.[145]
Lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Trong sáu thập niên đầu của nền cộng hòa, từ 1923 đến 1983, Thổ Nhĩ Kỳ về đại thể tuân theo một cách tiếp cận gần như trung ương tập quyền với chính phủ lập kế hoạch nghiêm ngặt về ngân sách và các hạn chế do chính phủ áp đặt về ngoại thương, dòng ngoại tệ, đầu tư trực tiếp nước ngoài và khu vực tư nhân tham gia vào các lĩnh vực nhất định. Tuy nhiên, đến năm 1983, Thủ tướng Turgut Özal khởi xướng một loạt cải cách nhằm chuyển đổi kinh tế quốc gia từ một hệ thống tập quyền và cách ly sang mô hình tư nhân nhiều hơn, dựa trên thị trường.[74]
Các cải cách kết hợp với lượng vốn vay nước ngoài chưa từng có thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng; song sự tăng trưởng này gián đoạn do các suy thoái và khủng hoảng tài chính vào năm 1994, 1999,[146] và 2001;[147] kết quả là tăng trưởng GDP trung bình 4% mỗi năm từ 1981 đến 2003.[148] Thiếu các cải cách tài chính bổ sung, kết hợp với thiếu hụt tài chính lĩnh vực công lớn và gia tăng cùng tham nhũng phổ biến, dẫn đến lạm phát cao, một lĩnh vực ngân hàng yếu kém và gia tăng bất ổn kinh tế vĩ mô.[149] Kể từ khủng hoảng kinh tế năm 2001 và các cải cách do Bộ trưởng Tài chính đương thời Kemal Derviş khởi xướng, lạm phát giảm xuống một con số, niềm tin của các nhà đầu tư và đầu tư nước ngoài tăng mạnh, và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống.[145]
Thổ Nhĩ Kỳ từng bước mở cửa thị trường của mình thông qua các cải cách kinh tế bằng cách giảm kiểm soát của chính phủ trong ngoại thương và đầu tư và tư nhân hóa các ngành thuộc sở hữu công, và tự do hóa nhiều lĩnh vực để tư nhân và nước ngoài tham dự tiếp tục nằm trong tranh luận chính trị.[150] Tỷ lệ nợ công so với GDP đạt đỉnh là 75,9% trong suy thoái vào năm 2001, giảm xuống còn 26,9% vào năm 2013.[151]
Tăng trưởng GDP thực từ 2002 đến 2007 trung bình đạt 6,8% mỗi năm,[152] biến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới trong giai đoạn đó. Tuy nhiên, tăng trưởng giảm còn 1% vào năm 2008, và đến năm 2009 thì kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ chịu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, với GDP suy giảm 5%. Kinh tế được ước tính lại tăng trưởng 8% vào năm 2010.[16] Theo dữ liệu của Eurostat, GDP/người của Thổ Nhĩ Kỳ điều chỉnh theo tiêu chuẩn sức mua đạt 52% trung bình EU vào năm 2011.[153]
Cơ sở hạ tầng
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 2013, Thổ Nhĩ Kỳ có 98 cảng hàng không,[154] trong đó có 22 cảng hàng không quốc tế.[155] Tính đến năm 2014, sân bay Istanbul Atatürk là sân bay nhộn nhịp thứ 13 trên thế giới, phục vụ trên 31 triệu hành khách từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2014.[156] Turkish Airlines là hãng hàng không quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1933, được Skytrax chọn là hãng hàng không tốt nhất châu Âu trong bốn năm liên tiếp 2011, 2012, 2013 và 2014.[157][158]
Năm 2014, hệ thống đường bộ của Thổ Nhĩ Kỳ dài 65.623 kilômét (40.776 mi).[159] Tổng chiều dài hệ thống đường sắt là 10.991 km vào năm 2008, bao gồm 2.133 km đường sắt điện khí hóa và 457 km đường sắt cao tốc.[160][161]
Năm 2008, Thổ Nhĩ Kỳ có 7.555 kilômét (4.694 mi) đường ống dẫn khí đốt tự nhiên và 3.636 kilômét (2.259 mi) đường ống dầu qua lãnh thổ.[160] Đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan là đường ống dầu dài thứ hai trên thế giới.[162] Dòng chảy Xanh Lam dẫn khí đốt tự nhiên từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ, công suất của đường ống cho phép Thỏ Nhĩ Kỳ bán lại khí đốt của Nga sang châu Âu.[163]
Năm 2013, mức tiêu thụ năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ là 240 nghìn tỉ kwh.[164] Do Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu 7% nguồn năng lượng vào năm 2013, chính phủ quyết định đầu tư cho năng lượng nguyên tử để giảm lượng nhập khẩu.[164] Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng trực tiếp và có năng lực cao thứ năm về địa nhiệt trên thế giới.[165]
Nhân khẩu
[sửa | sửa mã nguồn]Năm | Số dân | ±% năm |
---|---|---|
1927 | 13.554.000 | — |
1930 | 14.440.000 | +2.13% |
1940 | 17.728.000 | +2.07% |
1950 | 20.807.000 | +1.61% |
1960 | 27.506.000 | +2.83% |
1970 | 35.321.000 | +2.53% |
1980 | 44.439.000 | +2.32% |
1990 | 55.120.000 | +2.18% |
2000 | 64.252.000 | +1.54% |
2010 | 73.003.000 | +1.29% |
2017 | 79.815.000 | +1.28% |
Nguồn: Turkstat[166] |
Dựa theo hệ thống ghi chép dân số dựa theo địa chỉ của Thổ Nhĩ Kỳ, dân số toàn quốc là 74,7 triệu vào năm 2011,[167] gần ba phần tư trong đó cư trú tại thành thị. Theo ước tính năm 2011, dân số tăng trưởng 1,35%/năm. Thổ Nhĩ Kỳ có mật độ dân số trung bình là 97 người/km². Năm 2009, người trong nhóm tuổi 15-64 cấu thành 67,4% tổng dân số; nhóm tuổi 0-14 chiếm 25,3%; trong khi nhóm tuổi từ 65 trở lên chiếm 7,3%.[168] Năm 1927, khi điều tra nhân khẩu chính thức đầu tiên được tiến hành tại nước Cộng hòa Türkiye, dân số là 13,6 triệu.[169] Thành phố lớn nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ là Istanbul, đây cũng là thành phố lớn nhất châu Âu xét theo dân số, và là thành phố lớn thứ ba tại châu Âu theo kích thước.[170][171]
Điều 66 của Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ định nghĩa một người Thổ Nhĩ Kỳ là "bất kỳ ai rằng buộc với quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ thông qua quan hệ công dân"; do đó về pháp lý thì thuật ngữ người Thổ Nhĩ Kỳ là một công dân Thổ Nhĩ Kỳ, khác biệt với định nghĩa dân tộc.[172] Đa số cư dân Thổ Nhĩ Kỳ thuộc dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ, họ được ước tính chiếm 70-75% dân số.[16] Không có dữ liệu đáng tin cậy về thành phần dân tộc do điều tra nhân khẩu tại Thổ Nhĩ Kỳ không bao gồm số liệu về dân tộc.[173] Ba nhóm thiểu số được chính thức công nhận theo Hiệp ước Lausanne là người Armenia, người Hy Lạp và người Do Thái. Các dân tộc khác gồm có người Albania, người Ả Rập, người Azeri, người Bosnia, người Circassia, người Gruzia, người Laz, người Ba Tư, người Pomak (Bulgaria), và người Di-gan.[174][175] Người Kurd là một dân tộc riêng biệt, tập trung chủ yếu tại các tỉnh đông nam của Thổ Nhĩ Kỳ, họ là nhóm thiểu số lớn nhất và chiếm khoảng 18% dân số toàn quốc.[16] Các nhóm thiểu số khác ngoài người Kurd được cho là chiếm 7-12% dân số.[16] Các dân tộc thiểu số ngoài ba dân tộc được công nhận chính thức như kể trên không có bất kỳ quyền lợi thiểu số nào. Bản thân thuật ngữ "thiểu số" vẫn là một vấn đề nhạy cảm tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên bị chỉ trích vì cách họ đối đãi với các cộng đồng thiểu số.[176] Mặc dù các dân tộc thiểu số không được công nhận, song nhà nước vận hành Công ty Phát thanh và Truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ, phát sóng các chương trình truyền hình và phát thanh bằng các ngôn ngữ thiểu số.[177][178]
2,5% dân số là các di dân quốc tế[179] và Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận trên một triệu người tị nạn Syria từ khi Nội chiến Syria bắt đầu.[180]
Ngôn ngữ chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ là tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, đây là ngôn ngữ mẹ đẻ của khoảng 85% dân số. Khoảng 12% dân số nói tiếng Kurd như tiếng mẹ đẻ. Tiếng Ả Rập và tiếng Zaza là các ngôn ngữ mẹ đẻ của mỗi hơn 1% dân số, và một vài ngôn ngữ khác là ngôn ngữ mẹ đẻ của các bộ phận cư dân nhỏ hơn.[18]
Bản mẫu:Các thành phố lớn nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ
Tôn giáo
[sửa | sửa mã nguồn]Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia thế tục không có quốc giáo chính thức; Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ quy định về tự do tôn giáo và lương tâm.[182][183] Vị thế của tôn giáo đã là một vấn đề tranh luận trong nhiều năm kể từ khi các chính đảng Hồi giáo hình thành.[184] Trong nhiều thập niên, việc mặc hijab bị cấm chỉ trong trường học và tòa nhà chính phủ do nó được nhận định là một biểu tượng của Hồi giáo chính trị. Tuy nhiên, lệnh cấm bị bãi bỏ khỏi các đại học vào năm 2011, và khỏi các tòa nhà chính phủ vào năm 2013,[185] và khỏi các trường phổ thông vào năm 2014.[186]
Hồi giáo là tôn giáo chiếm ưu thế tại Thổ Nhĩ Kỳ với 99,8% cư dân đăng ký là tín đồ Hồi giáo.[16][187] trong khi một số nguồn đưa ra một ước tính thấp hơn là 96,4%,[175] trong đó giáo phái phổ biến nhất là phái Hanafi của Hồi giáo Sunni. Quyền lực tôn giáo Hồi giáo tối cao thuộc về Chủ tịch sự vụ tôn giáo (tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: Diyanet İşleri Başkanlığı); chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của khoảng 80.000 thánh đường có đăng ký trên toàn quốc và sử dụng các imam địa phương và cấp tỉnh.[188] Các nguồn hàn lâm đề xuất số tín đồ phái Alevi có thể là từ 15 đến 20 triệu,[189][190] và theo tạp chí Aksiyon thì số lượng tín đồ phái Imamiyyah (bao gồm Alevi) thuộc Hồi giáo Shia là 3 triệu (4,2%).[191] Thổ Nhĩ Kỳ cũng có một số tín đồ phái Sufi của Hồi giáo.[192] Khoảng 2% cư dân Thổ Nhĩ Kỳ là người Hồi giáo phi giáo phái.[193]
Tỷ lệ cư dân phi Hồi giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ giảm từ 19% vào năm 1914 xuống 2,5% vào năm 1927,[194] do các sự kiện có tác động đáng kể đến cấu trúc nhân khẩu quốc gia, như diệt chủng người Armenia, trao đổi cư dân giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ,[195] và sự di cư của những người phi Hồi giáo ra ngoại quốc vốn thực sự khởi đầu vào cuối thế kỷ XIX và tăng tốc vào một phần tư đầu của thế kỷ XX, đặc biệt là trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và sau Chiến tranh Thổ Nhĩ Kỳ giành độc lập.[196] Hiện nay có hơn 120.000 người là tín đồ của các giáo phái Cơ Đốc giáo khác nhau, chiếm dưới 0,2% cư dân Thổ Nhĩ Kỳ,[197] trong đó ước tính có 80.000 tín đồ Chính thống giáo Cổ Đông phương,[198] 35.000 tín đồ Công giáo La Mã,[199] 18.000 người Hy Lạp Antioch,[200] 5.000 tín đồ Chính thống giáo Hy Lạp[198] và lượng nhỏ tín đồ Tin Lành.[201] Giáo hội Chính thống giáo Đông phương có trụ sở tại Istanbul từ thế kỷ IV.[202][203] Thổ Nhĩ Kỳ có 26.000 cư dân là người Do Thái, đại đa số họ thuộc nhánh Sephardi.[204]
Giáo dục
[sửa | sửa mã nguồn]Bộ Giáo dục Quốc dân chịu trách nhiệm về giáo dục tiền đại học.[206] Giáo dục phổ thông là bắt buộc và kéo dài trong 12 năm: bốn năm cho mỗi cấp tiểu học, sơ trung và cao trung.[207] Có dưới một nửa người Thổ Nhĩ Kỳ trong độ tuổi 25-34 hoàn thành một bậc trung học, so với tỷ lệ trung bình trên 80% của OECD.[208] Giáo dục cơ bản tại Thổ Nhĩ Kỳ được nhận định là tụt hậu so với các quốc gia OECD khác, với khác biệt đáng kể.[209] Khả năng tiếp cận trường học chất lượng cao phụ thuộc nhiều vào thành tích trong các kỳ thi nhập học cấp sơ trung, do vậy một số học sinh bắt đầu tham dự các lớp học gia sư từ khi 10 tuổi.[209] Tỷ lệ người trưởng thành biết chữ vào năm 2011 là 94,1%; 97,9% đối với nam giới và 90,3% đối với nữ giới.[210]
Đến năm 2011, Thổ Nhĩ Kỳ có 166 đại học.[211] Nhập học giáo dục bậc đại học phụ thuộc vào kết quả khảo thí tuyển chọn ÖSS. Năm 2008, hạn ngạch tiếp nhận sinh viên là 600.000, trong khi có 1.700.000 tham dự thi ÖSS vào năm 2007.[212] Ngoại trừ khoa giáo dục mở tại Đại học Anadolu, nhập học được quy định theo khảo thí ÖSS quốc gia, sau khi thi các học sinh tốt nghiệp cao trung được phân vào các đại học theo thành tích của họ.[213] Theo Xếp hạng đại học thế giới năm 2012-2013 của Times Higher Education, đại học đứng đầu tại Thổ Nhĩ Kỳ là Đại học Kỹ thuật Trung Đông, tiếp sau là Đại học Bilkent và Đại học Koç, Đại học Kỹ thuật Istanbul và Đại học Boğaziçi.[214]
Văn hóa
[sửa | sửa mã nguồn]Văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ rất đa dạng, là một sự pha trộn của các yếu tố khác nhau đến từ văn hóa và truyền thống Thổ Oğuz, Anatolia, Ottoman (tiếp nối văn hóa Hy-La và Hồi giáo) và phương Tây- bắt đầu khi Ottoman Tây hóa và vẫn tiếp tục cho đến nay. Nguồn gốc của sự pha trộn này bắt đầu khi dân tộc và văn hóa Thổ tiếp xúc với văn hóa của các dân tộc cư trú trên hành trình mà họ di cư từ Trung Á về phía tây.[215][216] Văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ là một sản phẩm của các nỗ lực kiến thiết một quốc gia phương Tây "hiện đại", trong khi duy trì tôn giáo truyền thống và các giá trị lịch sử.[215]
Nghệ thuật
[sửa | sửa mã nguồn]Hội họa Thổ Nhĩ Kỳ theo quan niệm phương Tây phát triển tích cực bắt đầu từ giữa thế kỷ XIX. Các bài học hội họa đầu tiên được đưa vào trong chương trình của thể chế mà nay là Đại học Kỹ thuật Istanbul vào năm 1793, chủ yếu cho các mục đích kỹ thuật.[217] Đến cuối thế kỷ XIX, hình tượng nhân vật trong quan niệm phương Tây được xác lập trong hội họa Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là với Osman Hamdi Bey. Nằm trong các xu hướng đương thời, chủ nghĩa ấn tượng xuất hiện sau đó với Halil Paşa. Các họa sĩ Thổ Nhĩ Kỳ trẻ tuổi được cử đến châu Âu vào năm 1926 và được truyền cảm hứng từ các xu hướng đương thời như dã thú, lập thể và thậm chí là biểu hiện. "Nhóm D" gồm các họa sĩ mà đứng đầu là Abidin Dino, Cemal Tollu, Fikret Mualla, Fahrünnisa Zeid, Bedri Rahmi Eyüboğlu, Adnan Çoker và Burhan Doğançay giới thiệu một số xu hướng đã tồn tại bên phương Tây trong hơn ba thập niên. Các phong trào quan trọng khác trong hội họa Thổ Nhĩ Kỳ là "Yeniler Grubu" vào cuối thập niên 1930; "On'lar Grubu" trong thập niên 1940; "Yeni Dal Grubu" trong thập niên 1950; "Siyah Kalem Grubu" trong thập niên 1960.[218]
Sự tương tác giữa Ottoman và thế giới Hồi giáo cùng châu Âu góp phần vào sự pha trộn các truyền thống Thổ, Hồi giáo, và châu Âu trong âm nhạc và văn học Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay.[219] Văn học Thổ Nhĩ Kỳ chịu tác động mạnh từ văn học Ba Tư và Ả Rập trong hầu hết thời kỳ Ottoman. Các cải cách Tanzimat đưa đến các thể loại của văn học phương Tây mà người Thổ chưa được biết đến trước đó, chủ yếu là tiểu thuyết và truyện ngắn. Nhiều tác gia trong thời kỳ Tanzimat đồng thời viết trong vài thể loại: như nhà thơ Nâmık Kemal cũng sáng tác tiểu thuyết trọng yếu mang tên İntibâh vào năm 1876. Hầu hết căn nguyên của văn học Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại được hình thành từ năm 1896 đến năm 1923. Về đại thể, có ba phong trào văn học chủ yếu trong thời kỳ này: Phong trào Edebiyyât-ı Cedîde (tân văn); Fecr-i Âtî (bình minh tương lai); và Millî Edebiyyât (quốc văn). Bước đi cấp tiến đầu tiên về cách tân trong thi đàn Thổ Nhĩ Kỳ là của Nâzım Hikmet, ông đưa vào phong cách thơ tự do. Cuộc cách mạng khác trong thi đàn Thổ Nhĩ Kỳ đến vào khoảng năm 1941 cùng với Phong trào Garip. Tiểu thuyết gia người Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk nhận giải Nobel Văn học năm 2006.[220]
Thổ Nhĩ Kỳ có văn hóa vũ điệu dân gian đa dạng. Hora được biểu diễn tại Đông Thrace; Zeybek tại khu vực Aegea, Nam Marmara và Đông-Trung Anatolia; Teke tại khu vực Tây Địa Trung Hải; Kaşık Oyunları và Karşılama tại Tây-Trung Anatolia, Tây Hắc Hải, Nam Marmara và Đông Địa Trung Hải; Horon tại khu vực Trung và Đông Hắc Hải; Halay tại Đông Anatolia và Trung Anatolia; và Bar cùng Lezginka tại Đông Bắc Anatolia.[221]
Kiến trúc
[sửa | sửa mã nguồn]Kiến trúc của người Thổ Seljuk kết hợp các yếu tố và đặc điểm của kiến trúc Thổ Trung Á với kiến trúc Ba Tư, Ả Rập, Armenia, và Byzantine. Chuyển biến từ kiến trúc Seljuk sang kiến trúc Ottoman dễ nhận thấy nhất là tại Bursa, đây là kinh đô của Ottoman từ năm 1335 đến năm 1413. Sau khi Ottoman chinh phục Constantinopolis (Istanbul) vào năm 1453, kiến trúc Ottoman chịu ảnh hưởng đáng kể từ kiến trúc Byzantine. Cung điện Topkapı tại Istanbul là một trong các mẫu nổi tiếng nhất về kiến trúc Ottoman cổ điển và là dinh thự chính của các Sultan trong khoảng 400 năm.[222] Mimar Sinan là kiến trúc sư tối quan trọng của thời kỳ cổ điển trong lịch sử kiến trúc Ottoman. Ông là kiến trúc sư trưởng của ít nhất 374 tòa nhà được xây tại nhiều tỉnh của Đế quốc trong thế kỷ XVI.[223]
Kể từ thế kỷ XVIII, kiến trúc Thổ Nhĩ Kỳ chịu ảnh hưởng ngày càng tăng từ các phong cách châu Âu, và điều này có nhận thấy cụ thể trong các tòa nhà thời kỳ Tanzimat của Istanbul như các cung điện Dolmabahçe, Çırağan, Feriye, Beylerbeyi, Küçüksu, Ihlamur và Yıldız.[224] Các nhà bên bờ biển (yalı) tại eo biển Bosphorus cũng phản ánh pha trộn giữa các phong cách Ottoman cổ điển và châu Âu trong thời kỳ đó. Phong trào kiến trúc quốc gia thứ nhất vào đầu thế kỷ XX tìm cách tạo một kiến trúc mới, dựa trên các motif từ kiến trúc Seljuk và Ottoman. Phong trào cũng được gán cho tên Tân cổ điển Thổ Nhĩ Kỳ hay Phục hưng kiến trúc quốc gia.[225] Các kiến trúc sư hàng đầu trong phong trào này là Vedat Tek, Mimar Kemaleddin Bey, Arif Hikmet Koyunoğlu và Giulio Mongeri.[226] Các tòa nhà nổi bật từ thời kỳ này là Bưu điện Lớn tại Istanbul (1905-1909), Chung cư Tayyare (1919-1922),[227] hay trụ sở đầu tiên của Türkiye İş Bankası tại Ankara (1926-1929),[228] Bebek Mosque,[229]
Thể thao
[sửa | sửa mã nguồn]Môn thể thao phổ biến nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ là bóng đá.[230] Câu lạc bộ Galatasaray giành chiến thắng tại UEFA Cup và UEFA Super Cup năm 2000.[231] Đội tuyển bóng đá quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ xếp thứ ba và giành huy chương đồng tại Giải vô địch bóng đá thế giới 2002 và tại Cúp Liên đoàn các châu lục 2003; trong khi cũng vào đến bán kết tại Giải vô địch bóng đá châu Âu 2008.[232]
Các môn thể thao chủ lưu khác như bóng rổ và bóng chuyền cũng phổ biến tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đội tuyển bóng rổ nam quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ xếp thứ nhì và giành huy chương bạc tại Giải vô địch bóng rổ thế giới 2010 và tại Giải bóng rổ châu Âu 2001, cả hai giải đều được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ. Câu lạc bộ bóng rổ Anadolu Efes S.K. vô địch tại Giải Korać 1995-1996, xếp thứ nhì tại Cúp Saporta 1992-93, xếp thứ ba tại Euroleague và Suproleague 2000-2001.[233][234]
Đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ giành huy chương bạc tại Giải vô địch châu Âu 2003, giành huy chương đồng tại Giải vô địch châu Âu 2011 và 2012 FIVB World Grand Prix. Họ cũng giành huy chương vàng (2005), huy chương bạc (1987, 1991, 1997, 2001, 2009, 2013) và huy chương đồng (1993) tại Đại hội Thể thao Địa Trung Hải.[235]
Môn thể thao truyền thống quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ là yağlı güreş (đấu vật ngâm dầu) từ thời kỳ Ottoman.[236] Thành phố Edirne tổ chức thi đấu vật ngâm dầu thường niên Kırkpınar kể từ năm 1361.[237] Các thể thức đấu vật quốc tế do FILA quản lý như đấu vật tự do và đấu vật cổ điển cũng phổ biến, các đô vật người Thổ Nhĩ Kỳ giành được nhiều danh hiệu ở tầm châu Âu, thế giới, và Thế vận hội cả ở nội dung cá nhân và đội tuyển quốc gia.[238]
Ẩm thực
[sửa | sửa mã nguồn]Ẩm thực Thổ Nhĩ Kỳ được cho là một trong các nền ẩm thực nổi tiếng nhất trên thế giới, sự phổ biến của nó phần lớn là do ảnh hưởng văn hóa của Ottoman và một phần là nhờ ngành du lịch có quy mô lớn của Thổ Nhĩ Kỳ. Ẩm thực Thổ Nhĩ Kỳ phần lớn là di sản của ẩm thực Ottoman – một sự hợp nhất và chắt lọc các nền ẩm thực Trung Á, Kavkaz, Trung Đông, Địa Trung Hải và Balkan.[241]
Vị trí địa lý nằm giữa phương Đông và Địa Trung Hải giúp cho người Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn kiểm soát các tuyến đường mậu dịch lớn, và có một môi trưởng lý tưởng cho thực vật và động vật phát triển. Ẩm thực Thổ Nhĩ Kỳ được thiết lập từ giữa thập niên 1400, lúc khởi đầu Ottoman. Salad sữa chua, cá ngâm dầu ô liu, và các loại rau nhồi và bao trở thành các sản phẩm chủ yếu của Thổ Nhĩ Kỳ. Đế quốc cuối cùng trải rộng từ Áo đến Bắc Phi, sử dụng các đạo lộ và thủy lộ của mình để nhập khẩu các nguyên liệu ngoại lai từ khắp nơi trên thế giới. Đến cuối thập niên 1500, triều đình Ottoman có trên 1.400 đầu bếp nội trú và thông qua các luật quy định tính tươi nguyên của thực phẩm. Từ khi Đế quốc sụp đổ trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập, các thực phẩm ngoại quốc như xốt hollandaise Pháp và thức ăn nhanh phương Tây trở thành đồ ăn thường nhật của người Thổ Nhĩ Kỳ.[242]
Truyền thông
[sửa | sửa mã nguồn]Hàng trăm kênh truyền hình, hàng nghìn đài phát thanh địa phương và quốc gia, cùng báo chí, một ngành điện ảnh phong phú và sinh lợi, phát triển nhanh chóng của internet băng thông rộng tạo một ngành truyền thông sôi động tại Thổ Nhĩ Kỳ.[243] Năm 2003, tổng cộng có 257 đài truyền hình và 1.100 đài phát thanh được cấp phép hoạt động, và các đài khác hoạt động mà không được cấp phép. Trong số các đài được cấp phép, có 16 đài truyền hình và 36 đài phát thanh tiếp cận khán giả toàn quốc.[244] Đa số khán giả được phân chia giữa đài công cộng TRT và các kênh kiểu mạng lưới như Kanal D, Show TV, ATV và Star TV. Truyền thông quảng bá có độ thâm nhập rất cao do các hệ thống chảo vệ tinh và cáp hiện hữu rộng rãi.[244] Hội đồng Tối cao Phát thanh và Truyền hình là một thể chế của chính phủ có trách nhiệm quản lý truyền thông quảng bá.[244] Tính theo lưu thông, các nhật báo phổ biến nhất là Zaman, Posta, Hürriyet, Sözcü, Sabah và Habertürk.[245] Phim truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở nên phổ biến bên ngoài biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, và nằm trong các mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của quốc gia cả về lợi nhuận và các quan hệ công chúng.[246] Freedom House xếp hạng truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ là không tự do.[247]
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Ethnologue: Ethnologue Languages of the World – Turkey, Retrieved ngày 15 tháng 10 năm 2017.
- ^ “The Results of Address Based Population Registration System, 2023”. www.tuik.gov.tr. Turkish Statistical Institute. 6 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2024.
- ^ “Surface water and surface water change”. Organisation for Economic Co-operation and Development (OECD). Truy cập ngày 11 tháng 10 năm 2020.
- ^ “Annual growth rate and population density of provinces by years, 2007–2015”. Turkish Statistical Institute. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 1 năm 2017. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2016.
- ^ a b c d “World Economic Outlook Database, October 2023 Edition. (Türkiye)”. IMF.org. International Monetary Fund. 10 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2023.
- ^ “GINI index (World Bank estimate)”. data.worldbank.org. World Bank. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2019.
- ^ “2018 Human Development Report” (PDF). Truy cập ngày 29 tháng 9 năm 2018.
- ^ National Geographic Atlas of the World (ấn bản thứ 7). Washington, D.C.: National Geographic. 1999. ISBN 0-7922-7528-4. "Europe" (pp. 68-69); "Asia" (pp. 90-91): "A commonly accepted division between Asia and Europe... is formed by the Ural Mountains, Ural River, Caspian Sea, Caucasus Mountains, and the Black Sea with its outlets, the Bosporus and Dardanelles."
- ^ “The Economist: "Turkey in the Balkans: The good old days?"”. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2011.
- ^ Stiner, Mary C.; Kuhn, Steven L.; Güleç, Erksin. “Early Upper Paleolithic shell beads at Üçağızlı Cave I (Turkey): Technology and the socioeconomic context of ornament life-histories”. Journal of Human Evolution. 64 (5): 380–398. doi:10.1016/j.jhevol.2013.01.008. ISSN 0047-2484. PMID 23481346.
- ^ a b c Sharon R. Steadman; Gregory McMahon (ngày 15 tháng 9 năm 2011). The Oxford Handbook of Ancient Anatolia: (10,000-323 BCE). Oxford University Press. tr. 3–11, 37. ISBN 978-0-19-537614-2. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2013.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
- ^ a b David Noel Freedman; Allen C. Myers; Astrid Biles Beck (2000). Eerdmans Dictionary of the Bible. Wm. B. Eerdmans Publishing. tr. 61. ISBN 978-0-8028-2400-4. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2013.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
- ^ Metz, Helen Chapin biên tập (1996). “Turkish Origins”. Turkey: A Country Study. Area handbook series . Washington D.C.: United States Government Publishing Office for the Federal Research Division of the Library of Congress. ISBN 0-8444-0864-6. LCCN 95049612.
- ^ “Ottoman/Turkish Visions of the Nation, 1860–1950”. https://books.google.com.tr/books?id=qejRAQAAQBAJ&pg=PA180&lpg=PA180&dq=tanzimat+failed&source=bl&ots=7fsuiFvNe-&sig=3WEg2QvuUZto8fEsc71NBquzFPU&hl=tr&sa=X&ei=o_PkVOLEKcK5Ua6hgagH&ved=0CC4Q6AEwAjgK#v=onepage&q=tanzimat%20failed&f=false. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2015. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ “Turkey, Mustafa Kemal and the Turkish War of Independence, 1919–23”. Encyclopædia Britannica. 2007. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2007.
- ^ a b c d e f g h i j “Turkey”. The World Factbook. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 9 năm 2017. Truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2013.
- ^ “What really matters about Multiculturalism in Turkey by Rabee Al-Hafidh”. http://www.todayszaman.com. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2015. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ a b “Türkiye'nin yüzde 85'i 'anadilim Türkçe' diyor”. Milliyet.com.tr. Truy cập ngày 4 tháng 11 năm 2012.
- ^ a b c “Chronology of Turkey-EU relations”. Turkish Secretariat of European Union Affairs. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 5 năm 2007. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2006.
- ^ “The Political Economy of Regional Power: Turkey” (PDF). http://www.giga-hamburg.de. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 10 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2015. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ “Turkey: From regional to global player”. http://www.dw.de. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2015. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ “International Organisations”. http://www.mfa.gov.tr. Truy cập ngày 10 tháng 9 năm 2014. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ “Theoretical Analysis of Turkey as a Regional Power” (PDF). http://web.isanet.org. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2015. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ Trần Văn Chánh. Từ điển Hán-Việt — Hán ngữ cổ đại và hiện đại. Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa. Năm 2014. Trang 2434.
- ^ “Thổ Nhĩ Kỳ đổi sang tên mới”. ZingNews.vn. 2 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 2 tháng 6 năm 2022.
- ^ “Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ đổi tên?”.
- ^ “Hattusha: the Hittite Capital”. whc.unesco.org. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2014.
- ^ “The Position of Anatolian” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 5 tháng 5 năm 2013. Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2013.
- ^ Balter, Michael (ngày 27 tháng 2 năm 2004). “Search for the Indo-Europeans: Were Kurgan horsemen or Anatolian farmers responsible for creating and spreading the world's most far-flung language family?”. Science. 303 (5662): 1323. doi:10.1126/science.303.5662.1323. PMID 14988549.
- ^ Casson, Lionel (1977). “The Thracians” (PDF). The Metropolitan Museum of Art Bulletin. 35 (1): 2–6. doi:10.2307/3258667. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 3 tháng 5 năm 2019. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2015.
- ^ “The World's First Temple”. Archaeology magazine. Nov–Dec 2008. tr. 23.Quản lý CS1: định dạng ngày tháng (liên kết)
- ^ “Çatalhöyük added to UNESCO World Heritage List”. Global Heritage Fund. ngày 3 tháng 7 năm 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 1 năm 2013. Truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2013.
- ^ “Troy”. Ancient History Encyclopedia. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2014.
- ^ “Ziyaret Tepe - Turkey Archaeological Dig Site”. uakron.edu. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2010.
- ^ “Assyrian Identity in Ancient Times And Today'” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 10 tháng 5 năm 2020. Truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2010.
- ^ Zimansky, Paul. Urartian Material Culture As State Assemblage: An Anomaly in the Archaeology of Empire. tr. 103.
- ^ The Metropolitan Museum of Art, New York (tháng 10 năm 2000). “Anatolia and the Caucasus, 2000–1000 B.C. in Timeline of Art History.”. New York: The Metropolitan Museum of Art. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 9 năm 2006. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2006.
- ^ Roux, Georges. Ancient Iraq. tr. 314.
- ^ a b “About Turkey - Etymology And Climate”. http://www.ktu.edu.tr. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2014. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ D. M. Lewis; John Boardman (1994). The Cambridge Ancient History. Cambridge University Press. tr. 444. ISBN 978-0-521-23348-4. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2013.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
- ^ Hooker, Richard (ngày 6 tháng 6 năm 1999). “Ancient Greece: The Persian Wars”. Washington State University, Washington, United States. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 11 năm 2010. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2006.
- ^ The Metropolitan Museum of Art, New York (tháng 10 năm 2000). “Anatolia and the Caucasus (Asia Minor), 1000 B.C. – 1 A.D. in Timeline of Art History.”. New York: The Metropolitan Museum of Art. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 12 năm 2006. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2006.
- ^ Theo van den Hout (ngày 27 tháng 10 năm 2011). The Elements of Hittite. Cambridge University Press. tr. 1. ISBN 978-1-139-50178-1. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2013.
- ^ Daniel C. Waugh (2004). “Constantinople/Istanbul”. University of Washington, Seattle, Washington. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2006.
- ^ “Anadolu Selçuklu Devleti”. turktarihim.com. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2014.
- ^ Wink, Andre (1990). Al Hind: The Making of the Indo Islamic World, Vol. 1, Early Medieval India and the Expansion of Islam, 7th-11th Centuries. Brill Academic Publishers. tr. 21. ISBN 90-04-09249-8.
- ^ “THE SELJUK TURKS”. http://peter.mackenzie.org. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2014. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ Rafis Abazov (2009). Culture and Customs of Turkey. Greenwood Publishing Group. tr. 1071. ISBN 978-0-313-34215-8. Truy cập ngày 25 tháng 3 năm 2013.
- ^ a b Kinross, Patrick (1977). The Ottoman Centuries: The Rise and Fall of the Turkish Empire. Morrow. tr. 28-30. ISBN 0-688-03093-9.
- ^ “TheOttomans.org - Discover The Ottomans”. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2014.
- ^ Stanford J. Shaw (ngày 29 tháng 10 năm 1976). History of the Ottoman Empire and Modern Turkey. 1. Cambridge University Press. tr. 213. ISBN 978-0-521-29163-7. Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2013.
- ^ Kirk, George E. (2008). A Short History of the Middle East. Brill Academic Publishers. tr. 58. ISBN 1-4437-2568-4.
- ^ Todorova, Maria (ngày 18 tháng 3 năm 2009). Imagining the Balkans. Oxford University Press. tr. 175. ISBN 978-0-19-972838-1. Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2013.
- ^ Mann, Michael (2005). The Dark Side of Democracy: Explaining Ethnic Cleansing. Cambridge University Press. tr. 118. ISBN 978-0-521-53854-1. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2013.
- ^ “Collapse of the Ottoman Empire, 1918-1920”. http://www.nzhistory.net.nz. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2014. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ “Death toll of the Armenian Massacres”. Encyclopædia Britannica. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2014.
- ^ “Fact Sheet: Armenian Genocide”. University of Michigan. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2010.
- ^ Freedman, Jeri (2009). The Armenian genocide (ấn bản thứ 1). New York: Rosen Pub. Group. ISBN 1-4042-1825-4.
- ^ Totten, Samuel, Paul Robert Bartrop, Steven L. Jacobs (eds.) Dictionary of Genocide. Greenwood Publishing Group, 2008, p. 19. ISBN 0-313-34642-9.
- ^ Patrick J. Roelle, Sr. (ngày 27 tháng 9 năm 2010). Islam's Mandate- a Tribute to Jihad: The Mosque at Ground Zero. AuthorHouse. tr. 33. ISBN 978-1-4520-8018-5. Truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2013.
- ^ “Turkey marks May 19 holiday today”. http://www.todayszaman.com. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2015. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ Mango, Andrew (2000). Atatürk: The Biography of the Founder of Modern Turkey. Overlook. tr. lxxviii. ISBN 1-58567-011-1.
- ^ Axiarlis, Evangelia (2014). Political Islam and the Secular State in Turkey: Democracy, Reform and the Justice and Development Party. I.B. Tauris. tr. 11.
- ^ Clogg, Richard (ngày 20 tháng 6 năm 2002). A Concise History of Greece. Cambridge University Press. tr. 101. ISBN 978-0-521-00479-4. Truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2013.
- ^ Gerhard Bowering; Patricia Crone; Wadad Kadi (ngày 28 tháng 11 năm 2012). The Princeton Encyclopedia of Islamic Political Thought. Devin J. Stewart, Muhammad Qasim Zaman, Mahan Mirza. Princeton University Press. tr. 49. ISBN 978-1-4008-3855-4. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2013.
Following the revolution, Mustafa Kemal became an important figure in the military ranks of the Ottoman Committee of Union and Progress (CUP) as a protégé ... Although the sultanate had already been abolished in November 1922, the republic was founded in October 1923. ... ambitious reform programme aimed at the creation of a modern, secular state and the construction of a new identity for its citizens.
Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết) Quản lý CS1: khác (liên kết) - ^ “Growth in United Nations membership (1945–2005)”. United Nations. ngày 3 tháng 7 năm 2006. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2006.
- ^ Huston, James A. (1988). Outposts and Allies: U.S. Army Logistics in the Cold War, 1945–1953. Susquehanna University Press. tr. 134. ISBN 0-941664-84-8.
- ^ “Members and partners”. OECD. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2014.
- ^ Uslu, Nasuh (2003). The Cyprus question as an issue of Turkish foreign policy and Turkish-American relations, 1959–2003. Nova Publishers. tr. 119. ISBN 978-1-59033-847-6. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2011.
- ^ “Timeline: Cyprus”. BBC. ngày 12 tháng 12 năm 2006. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2006.
- ^ Hale, William Mathew (1994). Turkish Politics and the Military. Routledge, UK. tr. 161, 215, 246. ISBN 0-415-02455-2.
- ^ Arsu, Sebsem (ngày 12 tháng 4 năm 2012). “Turkish Military Leaders Held for Role in '97 Coup”. The New York Times. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2014.
- ^ “Turkey's PKK peace plan delayed”. BBC. ngày 10 tháng 11 năm 2009. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2010.
- ^ a b Nas, Tevfik F. (1992). Economics and Politics of Turkish Liberalization. Lehigh University Press. tr. 12. ISBN 0-934223-19-X.
- ^ Cunningham, Erin; Sly, Liz; Karatas, Zeynep (ngày 16 tháng 7 năm 2016). “Turkey rounds up thousands of suspected participants in coup attempt”. The Washington Post. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2016.
- ^ “Turkey Purge”. turkeypurge.com. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2017.
- ^ Turkish Directorate General of Press and Information (ngày 17 tháng 10 năm 2001). “Turkish Constitution”. Turkish Prime Minister's Office. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 2 năm 2007. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2006.
- ^ “Euro court backs Turkey Islamist ban”. BBC. ngày 31 tháng 7 năm 2001. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2006.
- ^ “Turkey's Kurd party ban criticised”. BBC. ngày 14 tháng 3 năm 2003. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2006.
- ^ Turkish Directorate General of Press and Information (ngày 24 tháng 8 năm 2004). “Political Structure of Turkey”. Turkish Prime Minister's Office. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 2 năm 2007. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2006.
- ^ a b c Kate Fleet; Suraiya Faroqhi; Reşat Kasaba (ngày 17 tháng 4 năm 2008). The Cambridge History of Turkey. Cambridge University Press. tr. 357–358. ISBN 978-0-521-62096-3. Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2013.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
- ^ “Human rights in Turkey: still a long way to go to meet accession criteria”. European Parliament Human Rights committee. ngày 26 tháng 10 năm 2010. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 3 năm 2020. Truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2013.
- ^ “Turkish Legal System”. http://www.mymerhaba.com/. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2014. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ a b “THE JUDICIAL SYSTEM OF TURKEY” (PDF). http://www.uhdigm.adalet.gov.tr/. Ministry of Justice. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 3 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2014. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ “Turkish prisons house more than 100,000”. Today's Zaman. ngày 15 tháng 12 năm 2008. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2008.
- ^ “The United Nations Organization and Turkey”. mfa.gov.tr. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2014.
- ^ a b “Turkey's Relations with the Organization for Economic Co-operation and Development (OECD)”. mfa.gov.tr. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2014.
- ^ “The Republic of Turkey and The Organization of The Islamic Conference”. mfa.gov.tr. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2014.
- ^ “The Organization for Security and Co-operation in Europe (OSCE)”. mfa.gov.tr. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2014.
- ^ “Turkey's relations with the Economic Cooperation Organization (ECO)”. mfa.gov.tr. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2014.
- ^ “The Black Sea Economic Cooperation Organization (BSEC)”. mfa.gov.tr. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2014.
- ^ “D8”. mfa.gov.tr. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2014.
- ^ a b “G-20”. mfa.gov.tr. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2014.
- ^ “Türkiye'nin üyeliği kabul edildi”. Hürriyet Daily News. ngày 17 tháng 10 năm 2008. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2010.
- ^ “Erdoğan: AB'ye tam üyelik, Türkiye'nin stratejik hedefidir (Turkish)/Erdogan:EU membership, Turkey's strategic target”. Zaman. ngày 12 tháng 8 năm 2010. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2013.
- ^ Mardell, Mark (ngày 11 tháng 12 năm 2006). “Turkey's EU membership bid stalls”. BBC. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2006.
- ^ Ziya Öniş, ŞuhnazYılmaz. “Turkey-EU-US Triangle in Perspective: Transformation or Continuity?” (PDF). http://istanbul2004.ku.edu.tr/. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2014. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ Mitrovic, Marija. “Turkish Foreign Policy towards the Balkans” (PDF). edoc.hu-berlin.de. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2014.
- ^ İdris Bal (2004). Turkish Foreign Policy in Post Cold War Era. Universal-Publishers. tr. 269. ISBN 978-1-58112-423-1. Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2013.
- ^ Elanchenny, Susae (2010). Breaking the Ice The Role of Civil Society and Media in Turkey-Armenia Relations An Evaluation of the 'Dialogue-Building between Turkey and Armenia' Project. Istanbul: Istanbul Kültür University. tr. 9. ISBN 605-4233-80-7.
- ^ Taşpınar, Ömer (tháng 9 năm 2008). “Turkey's Middle East Policies: Between Neo-Ottomanism and Kemalism”. Carnegie Endowment for International Peace. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 1 năm 2011. Truy cập ngày 5 tháng 6 năm 2010.
- ^ Murinson, Alexander (tháng 12 năm 2009). Turkey's Entente with Israel and Azerbaijan: State Identity and Security in the Middle East and Caucasus (Routledge Studies in Middle Eastern Politics). Routledge. tr. 119. ISBN 0-415-77892-1.
- ^ Richmond, Oliver P. (1998). Mediating in Cyprus: The Cypriot Communities and the United Nations. Psychology Press. tr. 260. ISBN 978-0-7146-4877-4. Truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2013.
- ^ “Turkey vows to provide all kinds of support for KRG's security”. Today's Zaman. ngày 21 tháng 11 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2014.
- ^ “Contribution of Turkish Armed Forces to Peace Support Operations”. http://www.tsk.tr. Turkish Armed Forces. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2014. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ “Turkey's Relations with NATO”. mfa.gov.tr. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2014.
- ^ a b Turkish General Staff (2006). “Turkish Armed Forces Defense Organization”. Turkish Armed Forces. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 2 năm 2009. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2006.
- ^ “Financial and Economic Data Relating to NATO Defence” (PDF). NATO. ngày 13 tháng 4 năm 2012. Truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2013.
- ^ “Der Spiegel: Foreign Minister Wants US Nukes out of Germany (ngày 10 tháng 4 năm 2009)”. Der Spiegel. ngày 30 tháng 3 năm 2009. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2010.
- ^ Hans M. Kristensen. “NRDC: U.S. Nuclear Weapons in Europe” (PDF). Natural Resources Defense Council, 2005. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 11 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2010.
- ^ United Nations High Commissioner for Refugees (UNHCR), Directorate for Movements of Persons, Migration and Consular Affairs - Asylum and Migration Division (tháng 7 năm 2001). “Turkey/Military service” (PDF). UNHCR. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 22 tháng 11 năm 2006. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2006.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
- ^ “EBCO: European Bureau for Conscientious Objection”. Ebco-beoc.eu. Truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2010.
- ^ Immerfall, Stefan (ngày 1 tháng 8 năm 2009). Handbook of European Societies: Social Transformations in the 21st Century. Springer. tr. 417. ISBN 978-0-387-88198-0. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2011.
- ^ Metz, Helen Chapin biên tập (1996). “Geography”. Turkey: A Country Study. Area handbook series . Washington D.C.: United States Government Publishing Office for the Federal Research Division of the Library of Congress. ISBN 0-8444-0864-6. LCCN 95049612.
- ^ a b US Library of Congress. “Geography of Turkey”. US Library of Congress. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2006.
- ^ “UN Demographic Yearbook” (PDF). Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2010.
- ^ a b “Geography of Turkey”. Turkish Ministry of Tourism. 2005. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2006.
- ^ “Mount Ararat”. http://www.britannica.com. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2015. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ “Lake Van”. http://www.britannica.com. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2015. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ “Biodiversity in Turkey”. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2014.
- ^ “Turkey's flora and fauna”. allaboutturkey.com. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2014.
- ^ Couzens, Dominic (2008). Top 100 Birding Sites of the World. University of California Press. tr. 73–75. ISBN 978-0-520-25932-4.
- ^ “Pontic Mountains and highlands”. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2014.
- ^ “Statistics”. milliparklar.gov.tr. Ministry of Forest and Water - General Directorare of Nature Conservation and National Parks. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2014.
- ^ “Specific Animals of Turkey”. gateofturkey.com. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2014.
- ^ a b c d e f g h i j k l m n “Climate of Turkey” (PDF). General Directorate of Meteorology. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 4 tháng 12 năm 2010. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2014.
- ^ “Globalis - an interactive world map - Turkey - Urban Population”. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 9 năm 2006. Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2006.
- ^ “Istanbul remains motoring power of Turkey's economy”. hurriyetdailynews.com. Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2014.
- ^ “Gross Domestic Product 2013, PPP. (Last revised on ngày 22 tháng 9 năm 2014.)” (PDF). The World Bank: World Development Indicators Database. Truy cập ngày 27 tháng 11 năm 2014.
- ^ “Gross Domestic Product 2013, Nominal. (Last revised on ngày 22 tháng 9 năm 2014.)” (PDF). The World Bank: World Development Indicators Database. Truy cập ngày 27 tháng 11 năm 2014.
- ^ Bartolomiej Kaminski; Francis Ng (ngày 1 tháng 5 năm 2006). “Turkey's evolving trade integration into Pan-European markets” (PDF). World Bank. tr. 3. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2006.
- ^ “2012 Production Statistics”. Organisation Internationale des Constructeurs d'Automobiles. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2013.
- ^ a b “Shipbuilding Industry in Turkey” (PDF). Ministry of Economy. 2012. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 10 tháng 2 năm 2013. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2015.
- ^ “The Shipbuilding Industry in Turkey” (PDF). OECD. tháng 9 năm 2011.
- ^ “Turkey: Agriculture and Rural Development” (PDF). Truy cập ngày 9 tháng 12 năm 2011.
- ^ “No woman, no growth”. Hürriyet Daily News. Truy cập ngày 8 tháng 6 năm 2013.
- ^ “Religious Women in Turkey Have Been Left Out of Emancipation Movement”. The New York Times. ngày 23 tháng 5 năm 2013. Truy cập ngày 8 tháng 6 năm 2013.
- ^ “M&A Encumbered Risks Damping Hot Money Bond Party: Turkey Credit”. Bloomberg L.P. ngày 18 tháng 2 năm 2013. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 11 năm 2013. Truy cập ngày 8 tháng 6 năm 2013.
- ^ “UPDATE 4-Turkey regains investment grade rating after long wait”. Reuters. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2012.
- ^ Daren Butler (ngày 17 tháng 5 năm 2013). “UPDATE 1-Turkey hails new investment grading but worries about money flows”. Reuters. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 5 năm 2013. Truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2013.
- ^ Ye Xie; Selcuk Gokoluk (ngày 17 tháng 5 năm 2013). “Turkey Raised to Investment Grade by Moody's on Debt Cuts”. Bloomberg L.P. Truy cập ngày 18 tháng 5 năm 2013.
- ^ “UNWTO Tourism Highlights, 2014 Edition” (PDF). World Tourism Organization. 2013. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 5 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2014.
- ^ “Tourism Statistics 2012”. http://www.turkstat.gov.tr/. TurkStat. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2014. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ “Turkey knocks six zeros off lira”. BBC. ngày 31 tháng 12 năm 2004. Truy cập ngày 20 tháng 7 năm 2008.
- ^ a b “Data and Statistics for Turkey”. World Bank. 2005. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 11 năm 2006. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2006.
- ^ “Turkish quake hits shaky economy”. BBC. ngày 17 tháng 8 năm 1999. Truy cập ngày 12 tháng 12 năm 2006.
- ^ “'Worst over' for Turkey”. BBC. ngày 4 tháng 2 năm 2002. Truy cập ngày 12 tháng 12 năm 2006.
- ^ “Turkey Labor Market Study” (PDF). World Bank. 2005. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2006.
- ^ OECD (ngày 14 tháng 11 năm 2002). Turkey 2002: Crucial Support for Economic Recovery. OECD Publishing. tr. 23. ISBN 978-92-64-17601-0. Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2013.
- ^ Madslien, Jorn (ngày 2 tháng 11 năm 2006). “Robust economy raises Turkey's hopes”. BBC. Truy cập ngày 12 tháng 12 năm 2006.
- ^ “General government net debt”. World Economic Outlook Database, April 2013. IMF.
- ^ “Growth and economic crises in Turkey: leaving behind a turbulent past?” (PDF). Economic Papers 386. Directorate-General for Economic and Financial Affairs of the European Commission. tháng 10 năm 2009. tr. 10.
- ^ “GDP per capita in PPS”. Eurostat. Truy cập ngày 8 tháng 5 năm 2013.
- ^ “CIA World Factbook: Turkey”. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 9 năm 2017. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2014.
- ^ “Study in Turkey: International Airports in Turkey”. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 11 năm 2014. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2014.
- ^ “Year to date Passenger Traffic”. ACI. ngày 25 tháng 9 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 8 năm 2018. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2014.
- ^ “Turkish Airlines is named the Best Airline in Europe at the 2012 World Airline Awards held at Farnborough Air Show”. Skytrax. ngày 12 tháng 7 năm 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 4 năm 2013. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2013.
- ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2015.
- ^ “Yol Ağı Bilgileri”. Karayolları Genel Müdürlüğü. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 11 năm 2016. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2014.
- ^ a b “CIA World Factbook: Turkey”. Cia.gov. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 9 năm 2017. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2011.
- ^ “DÜNYADA VE TÜRKİYEDE HIZLI TREN”. hizlitren.tcdd.gov.tr. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 7 năm 2014. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2014.
- ^ “BAKÜ-T İ FL İ S-CEYHAN BORUHATTI'NDA SON DURUM” (PDF). http://www.emreozgur.com. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2014. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ “Russia to Shift Ukraine Gas Transit to Turkey as EU Cries Foul”. Bloomberg. ngày 14 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2015.
- ^ a b “Turkey invests big in nuclear power”. Deutsche Welle. ngày 20 tháng 5 năm 2013. Truy cập ngày 8 tháng 6 năm 2013.
- ^ Lund, J. W.; Freeston, D. H.; Boyd, T. L. (2005). “Direct application of geothermal energy: 2005 Worldwide review”. Geothermics. 34 (6): 691–727. doi:10.1016/j.geothermics.2005.09.003.
- ^ “Mid-year population estimations, 1927–1985; Mid-year population estimations and projections, 1986–2011”. Turkish Statistical Institute. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 5 năm 2019. Truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2013.
- ^ “The Results of Address Based Population Registration System, 2011”. Turkish Statistical Institute. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 4 năm 2017. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2012.
- ^ Turkish Statistical Institute (2010). “Population statistics in 2009”. Turkish Statistical Institute. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2010.
- ^ Metz, Helen Chapin biên tập (1996). “Population”. Turkey: A Country Study. Area handbook series . Washington D.C.: United States Government Publishing Office for the Federal Research Division of the Library of Congress. ISBN 0-8444-0864-6. LCCN 95049612.
- ^ Bator, Robert. Daily Life in Ancient and Modern Istanbul. tr. 51.
- ^ Rashed, Tarek; Jürgens, Carsten. Remote Sensing of Urban and Suburban Areas. tr. 295.
- ^ Albayrak, Özlem. “Herkes Türk müdür, Türk mü olmalıdır? - Is everyone Turk or should be Turk?”. yenisafak.com. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 6 năm 2014. Truy cập ngày 18 tháng 6 năm 2014.
- ^ Extra, Guus; Gorter, Durk (2001). The other languages of Europe: Demographic, Sociolinguistic and Educational Perspectives. Multilingual Matters. ISBN 1-85359-509-8.
- ^ “Turkey Overview”. http://www.minorityrights.org/4387/turkey/turkey-overview.html. minorityrights.org. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp);|url=
trống hay bị thiếu (trợ giúp) - ^ a b “Country - Turkey”. Joshua Project. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2014.
- ^ “Turkey Overview”. http://www.minorityrights.org. Truy cập ngày 27 tháng 11 năm 2014. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ “MINORITY RIGHTS AND CULTURAL RIGHTS” (PDF). http://www.ab.gov.tr/files/tarama/tarama_files/23/SC23DET_Minority%20Rights%20and%20Cultural%20Rights.pdf. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2015. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ “Turkey passes law to allow minority languages on TV”. http://www.ekurd.net/mismas/articles/misc2008/5/turkeykurdistan1867.htm. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp);|url=
trống hay bị thiếu (trợ giúp) - ^ “Trends in International Migrant Stock: The 2013 Revision”. http://esa.un.org. United Nations. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2014. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ “Syria Regional Refugee Response: Turkey”. UNHCR. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 3 năm 2018. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2014.
- ^ “Religion, Ipsos Global Trends”. Ipsos. 2017. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 9 năm 2017.
- ^ Axel Tschentscher. “International Constitutional Law: Turkey Constitution”. Servat.unibe.ch. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2010.
- ^ “Turkey: Islam and Laicism Between the Interests of State, Politics, and Society” (PDF). Peace Research Institute Frankfurt. Truy cập ngày 19 tháng 10 năm 2008.[liên kết hỏng]
- ^ Steunebrink, Gerrit; van der Zweerde, Evert (2004). Civil Society, Religion, and the Nation: Modernization in Intercultural Context: Russia, Japan, Turkey. Rodopi. tr. 175–184. ISBN 978-90-420-1665-1. Truy cập ngày 5 tháng 6 năm 2013.
- ^ “Turkey Lifts Longtime Ban on Head Scarves in State Offices”. NY Times. ngày 8 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2014.
- ^ “Turkey-lifts-ban-on-headscarves-at-high-schools”. http://www.news24.com/. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 5 năm 2020. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2014. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ “TURKEY” (PDF). Library of Congress: Federal Research Division. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2010.
- ^ “Bureau of Democracy, Human rights and Labor: International Religious Freedom Report 2007 – Turkey”. State.gov. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2010.
- ^ “Turkey: International Religious Freedom Report 2007”. State.gov. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2011.
- ^ “Turkey's Alevi strive for recognition”. Asia Times Online. ngày 18 tháng 2 năm 2010. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2011.
- ^ “Caferi İmamlar” (bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ). Aksiyon.com.tr. ngày 11 tháng 10 năm 2004. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2010.
- ^ “Sufism”. All about Turkey. ngày 20 tháng 11 năm 2006. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2010.
- ^ “Pew Forum on Religious & Public life”. http://www.pewforum.org/. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2013. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ Içduygu, Ahmet; Toktas, Şule; Ali Soner, B. (ngày 1 tháng 2 năm 2008). “The politics of population in a nation-building process: emigration of non-Muslims from Turkey”. Ethnic and Racial Studies. 31 (2): 358–389. doi:10.1080/01419870701491937.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
- ^ “Chapter The refugees question in Greece (1821-1930) in "Θέματα Νεοελληνικής Ιστορίας", ΟΕΔΒ ("Topics from Modern Greek History"). 8th edition” (PDF)
|format=
cần|url=
(trợ giúp). Nikolaos Andriotis. 2008.|url=
trống hay bị thiếu (trợ giúp) - ^ “'Editors' Introduction: Why a Special Issue?: Disappearing Christians of the Middle East” (PDF). Editors' Introduction. 2001. Truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2013.
- ^ “Religions”. Central Intelligence Agency. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2013.
- ^ a b “Foreign Ministry: 89,000 minorities live in Turkey”. Today's Zaman. ngày 15 tháng 12 năm 2008. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 16 tháng 5 năm 2011.
- ^ “Statistics by Country”. http://www.catholic-hierarchy.org. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2015. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ “Christen in der islamischen Welt - Aus Politik und Zeitgeschichte” (PDF). 2008. Truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2013.
- ^ “Turkish Protestants still face "long path" to religious freedom”. http://www.christiancentury.org. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2014. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ William G. Rusch (2013). The Witness of Bartholomew I, Ecumenical Patriarch. Wm. B. Eerdmans Publishing. tr. 31. ISBN 978-0-8028-6717-9.
Constantinople has been the seat of an archiepiscopal see since the fourth century; its ruling hierarch has had the title of"Ecumenical Patriarch" ...
- ^ Erwin Fahlbusch; Geoffrey William Bromiley (2001). The Encyclopedia of Christianity. Wm. B. Eerdmans Publishing. tr. 40. ISBN 978-90-04-11695-5.
The Ecumenical Patriarchate of Constantinople is the ranking church within the communion of ... Between the 4th and 15th centuries, the activities of the patriarchate took place within the context of an empire that not only was ...
Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết) - ^ “An Overview of the History of the Jews in Turkey” (PDF). American Sephardi Federation. 2006. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 22 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2013.
- ^ “History”. istanbul.edu.tr. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2014.
- ^ “Education in Turkey”. World Education Services. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2013.
- ^ “Turkey's Education Reform Bill Is About Playing Politics With Pedagogy”. The New York Times. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2013.
- ^ “Education at a Glance: OECD Indicators 2012” (PDF). OECD. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2013.
- ^ a b “Improving The Quality And Equity of Basic Education in Turkey Challenges And Options” (PDF). World Bank. ngày 30 tháng 6 năm 2011. tr. viii. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2013.
- ^ “National adult literacy rates (15+), youth literacy rates (15-24) and elderly literacy rates (65+)”. UNESCO Institute for Statistics. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2015.
- ^ University numbers on the rise in Turkey Lưu trữ 2016-09-05 tại Wayback Machine (Hürriyet Daily News, ngày 4 tháng 9 năm 2011)
- ^ Oxford Business Group (2009). The Report: Turkey 2009. Oxford Business Group. tr. 203. ISBN 978-1-902339-13-9. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2013.
- ^ “Guide for Foreign Students planning Education in Turkey”. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2014.
- ^ “World University Rankings 2012–2013”. Times Higher Education. Truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2013.
- ^ a b Ibrahim Kaya (2004). Social Theory and Later Modernities: The Turkish Experience. Liverpool University Press. tr. 57–58. ISBN 978-0-85323-898-0. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2013.
- ^ Royal Academy of Arts (2005). “Turks – A Journey of a Thousand Years: 600–1600”. Royal Academy of Arts. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 2 năm 2007. Truy cập ngày 12 tháng 12 năm 2006.
- ^ Antoinette Harri; Allison Ohta (1999). 10th International Congress of Turkish Art. Fondation Max Van Berchem. ISBN 978-2-05-101763-3.
The first military training institutions were the Imperial Army Engineering School (Mühendishane-i Berr-i Hümâyun, 1793) and the Imperial School of Military Sciences (Mekteb-i Ulûm-ı Harbiye-i Şahane, 1834). Both schools taught painting to enable cadets to produce topographic layouts and technical drawings to illustrate landscapes ...
Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết) - ^ “"10'LAR' GRUBU", "YENİ DAL GRUBU", "SİYAH KALEM GRUBU"”. http://www.turkresmi.com. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2014. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ “OTTOMAN MUSIC”. http://www.turkishculture.org. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2015. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ “Pamuk wins Nobel Literature prize”. BBC. ngày 12 tháng 10 năm 2006. Truy cập ngày 12 tháng 12 năm 2006.
- ^ “TURKISH FOLK DANCES”. ncturkishfestival. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 8 năm 2010. Truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2014.
- ^ Simons, Marlise (ngày 22 tháng 8 năm 1993). “Center of Ottoman Power”. New York Times. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2009.
- ^ “A list of the buildings designed by Mimar Sinan”. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2014.
- ^ Goodwin, Godfrey (2003). A History of Ottoman Architecture. Thames & Hudson. ISBN 0-500-27429-0.
- ^ “The Search for Identity: 1st National Architecture Movement”. ArchMuseum.org. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 20 tháng 1 năm 2012.
- ^ “TURKISH ARCHITECTURE IN THE REPUBLICAN PERIOD”. http://www.archmuseum.org. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 3 năm 2015. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2015. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ “Tayyare Apartment Building”. AtelyeMim.com. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2012.
- ^ “TÜRKİYE İŞ BANKASI BİNASI”. www.envanter.gov.tr. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2015.
- ^ “Bebek Mosque”. ArchNet.org. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2012.
- ^ Burak Sansal (2006). “Sports in Turkey”. allaboutturkey.com. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2006.
- ^ “Galatasaray AŞ”. http://www.uefa.com. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2014. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ “Historical Achievements”. http://www.tff.org. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2014. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ “Historic achievements of the Efes Pilsen Basketball Team”. Anadolu Efes Spor Kulübü. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 5 năm 2008. Truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2013.
- ^ “Anadolu Efes S.K.: Our successes”. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 3 năm 2012. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2014.
- ^ “National Team's Activities”. http://www.tvf.org.tr. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2014. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ Burak Sansal (2006). “Oiled Wrestling”. allaboutturkey.com. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2006.
- ^ “Kırkpınar Oiled Wrestling Tournament: History”. Kirkpinar.com. ngày 21 tháng 4 năm 2007. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 8 năm 2008. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2010.
- ^ Gegner, Christiane. “FILA Wrestling Database”. Iat.uni-leipzig.de. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2010.
- ^ “Turkish coffee culture and tradition”. UNESCO. ngày 5 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2014.
- ^ Çakır Morin, Arzu (ngày 5 tháng 12 năm 2013). “Türk kahvesi Unesco korumasında”. Hürriyet (bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ). Istanbul: www.hurriyet.com.tr. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2014.
- ^ Aarssen, Jeroen; Backus, Ad (2000). Colloquial Turkish. Routledge. tr. 71. ISBN 978-0-415-15746-9. Truy cập ngày 15 tháng 4 năm 2009.
- ^ “Food in Turkey - Turkish Food, Turkish Cuisine”. www.foodbycountry.com. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2014.
- ^ “The Political Economy of the Media in Turkey: A Sectoral Analysis” (PDF). http://www.tesev.org.tr. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 16 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2015. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ a b c Turkey country profile. Library of Congress Federal Research Division (January 2006). This article incorporates text from this source, which is in the public domain.
- ^ “Gazete Tirajları”. Gazeteciler.com. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2014.
- ^ Jenna Krajeski. “Turkey: Soap Operas and Politics”. Pulitzer Center. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2013.
- ^ “Turkey”. https://freedomhouse.org. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2015. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp)
Đọc thêm
[sửa | sửa mã nguồn]- Mango, Andrew (2004). The Turks Today. Overlook. ISBN 1-58567-615-2.
- Pope, Hugh; Pope, Nicole (2004). Turkey Unveiled. Overlook. ISBN 1-58567-581-4.
- Reed, Fred A. (1999). Anatolia Junction: a Journey into Hidden Turkey. Burnaby, B.C.: Talonbooks [sic]. 320 p., ill. with b&w photos. ISBN 0-88922-426-9
- Revolinski, Kevin (2006). The Yogurt Man Cometh: Tales of an American Teacher in Turkey. Çitlembik. ISBN 9944-424-01-3.
- Roxburgh, David J. (ed.) (2005). Turks: A Journey of a Thousand Years, 600-1600. Royal Academy of Arts. ISBN 1-903973-56-2.
- Turkey: A Country Study (1996). Federal Research Division, Library of Congress. ISBN 0-8444-0864-6.
- Cîrlig, Carmen-Cristina (2013). Turkey's regional power aspirations (PDF). Library of the European Parliament.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]Từ điển từ Wiktionary | |
Tập tin phương tiện từ Commons | |
Tin tức từ Wikinews | |
Danh ngôn từ Wikiquote | |
Văn kiện từ Wikisource | |
Tủ sách giáo khoa từ Wikibooks | |
Cẩm nang du lịch guide từ Wikivoyage | |
Tài nguyên học tập từ Wikiversity |
- Tổng thể
- Mục “Turkey” trên trang của CIA World Factbook.
- Hồ sơ Thổ Nhĩ Kỳ từ BBC News
- Thổ Nhĩ Kỳ tại Encyclopædia Britannica
- Thổ Nhĩ Kỳ Lưu trữ 2012-06-09 tại Wayback Machine từ UCB Libraries GovPubs
- Thổ Nhĩ Kỳ trên DMOZ
- Dữ liệu địa lý liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ tại OpenStreetMap
- Chính phủ
- Trang thông tin chính thức của Tổng thống nước Cộng hòa Türkiye Lưu trữ 2010-06-05 tại Wayback Machine
- Trang thông tin chính thức của Hội nghị Đại Quốc dân Thổ Nhĩ Kỳ Lưu trữ 2015-01-23 tại Wayback Machine
- Du lịch
- Wikimedia Atlas của Turkey
- Hướng dẫn du lịch Turkey từ Wikivoyage
- Cổng thông tin du lịch chính thức Thổ Nhĩ Kỳ Lưu trữ 2008-07-05 tại Wayback Machine
- Trang thông tin chính thức của Bộ Văn hóa và Du lịch
- Hồ sơ Thổ Nhĩ Kỳ từ UNESCO
- Hồ sơ Thổ Nhĩ Kỳ từ Lonely Planet
- Kinh tế
- Thổ Nhĩ Kỳ
- Cộng hòa
- Quốc gia thành viên NATO
- Quốc gia thành viên Ủy hội châu Âu
- Quốc gia châu Âu
- Đại lục Á Âu
- Thành viên G20
- Quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc
- Quốc gia Cận Đông
- Quốc gia Balkan
- Nhà nước Turk hiện đại
- Đông Địa Trung Hải
- Quốc gia E7
- Quốc gia thành viên Liên minh Địa Trung Hải
- Quốc gia Trung Đông
- Quốc gia châu Á
- Quốc gia Đông Nam Âu
- Quốc gia Nam Âu
- Quốc gia và vùng lãnh thổ nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ
- Quốc gia Tây Á
- Quốc gia và vùng lãnh thổ nói tiếng Azerbaijan
- Quốc gia thành viên Khối D8
- Quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo
- Quốc gia và vùng lãnh thổ khởi đầu năm 1923