Bước tới nội dung

Wikipedia:Làm lại từ đầu

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Wikipedia:LLTD)

Một khởi đầu mới hay làm lại từ đầu là khi người dùng từ bỏ tài khoản cũ để bắt đầu lại với một tài khoản mới. Hai lý do phổ biến nhất là nhận ra những sai lầm của mình trong quá khứ hoặc để tránh bị quấy rối. Tài khoản cũ phải được ngưng sử dụng hoàn toàn, còn tài khoản mới phải tránh các thói quen hoặc hành vi biên tập mà khiến người khác có thể nhận ra mình để từ đó đánh đồng tài khoản này với tài khoản cũ kia là một. Dự kiến ​​tài khoản mới sẽ là một "khởi đầu hoàn toàn mới", sẽ biên tập ở các mảng mới, tránh né các tranh chấp cũ và sẽ tuân theo các quy tắc ứng xử của cộng đồng.

Một khởi đầu mới không bị coi là phạm quy. Tuy nhiên, nếu biên tập viên lại "ngựa quen đường cũ", tức là dùng chính tài khoản mới này để tiếp tục sửa đổi các bài viết hoặc chủ đề theo lề thói cũ mà đã dẫn đến tai tiếng ngay từ đầu đó (tham gia vào tranh chấp, bút chiến hoặc các hình thức biên tập gây rối khác), thì có khả năng biên tập viên sẽ bị nhận diện là "rối" và cho rằng có liên can đến tài khoản cũ. Việc đổi tài khoản nhằm trốn tránh hậu quả từ các hành vi xấu trong quá khứ cũng thường được xem là trốn tránh sự giám sát và có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt bổ sung. Chính hành vi và thái độ của người dùng ở tài khoản mới này sẽ quyết định xem liệu đó có thực sự là một khởi đầu mới chân chính không hay chỉ là một nỗ lực không hợp lệ hòng trốn tránh sự giám sát.

Điều kiện

[sửa | sửa mã nguồn]

Người dùng nào không được phép làm lại từ đầu

[sửa | sửa mã nguồn]

Những thành viên đang chịu án cấm chỉ không được phép "làm lại từ đầu".

Để "bắt đầu lại"

[sửa | sửa mã nguồn]

Nếu bạn đã quyết tâm làm lại từ đầu và muốn không dính líu đến tài khoản cũ nữa, hãy thôi sử dụng tài khoản đó và tạo một tài khoản mới. Đây sẽ trở thành tài khoản duy nhất mà bạn sử dụng. Để giảm thiểu nguy cơ bị hiểu nhầm, bạn nên đăng nhập vào lại tài khoản cũ và ghi chú trên trang thành viên rằng tài khoản này không còn hoạt động nữa, bằng cách đặt bản mẫu {{Retired}} hoặc thông báo nào có nội dung tương tự. Trong đa số trường hợp, bạn không được phép dùng nhiều hơn một tài khoản tại cùng một thời điểm.

Thông báo và cho phép

[sửa | sửa mã nguồn]

Nếu bạn đang không phải chịu lệnh cấm thì bạn không cần phải thông báo cho ai về việc "bắt đầu lại". Nhưng nếu được, bạn nên thông báo cho một bảo quản viên hoặc kiểm định viên để nhận được một lời xác nhận rằng bạn hoàn toàn có thể bắt đầu lại. Làm vậy sẽ giảm thiểu nguy cơ bị hiểu nhầm từ các cuộc thảo luận và điều tra "đằng sau cánh gà", đồng thời sẽ có lợi cho bạn trong trường hợp bạn bị cấm nhầm vì sử dụng nhiều hơn một tài khoản.

Xin lưu ý rằng thật ra không ai có thể "cấp phép" cho việc bạn bắt đầu lại. Thuật ngữ "cho phép" ở đây chỉ có nghĩa rằng nếu bạn khởi đầu lại một cách chân chính, bạn sẽ không phải chịu những hậu quả do tài khoản cũ gây ra. Nếu bạn làm lại từ đầu nhưng vẫn "ngựa quen đường cũ" rồi bị phát hiện, bạn sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm cho cả tài khoản cũ lẫn tài khoản mới. Dẫu cho bạn có thông báo thay tài khoản, nó cũng không thể bào chữa cho bạn khỏi hậu quả từ các hành động của mình hoặc giúp bạn không bị phát hiện.

Biên tập bài viết sau khi bắt đầu lại

[sửa | sửa mã nguồn]

Chúng tôi mặc định cho rằng khi một thành viên đổi tài khoản mới nhằm bắt đầu lại, họ thật sự muốn bắt đầu lại một cách chân chính. Cách thức biên tập bài viết của bạn phải tuân theo các quy tắc ứng xử của cộng đồng, đồng thời tránh dính líu đến các tranh chấp hoặc lề thói xấu trong quá khứ của mình. Tốt nhất là bạn nên tránh hoàn toàn các bài viết hoặc chủ đề từng tham gia lúc trước, đặc biệt là khi bạn đang có tranh chấp với (các) thành viên khác. Nếu bạn vẫn "ngựa quen đường cũ", không chịu thay đổi hành vi của mình theo hướng tích cực hơn, bạn có thể bị phát giác và phải chịu trách nhiệm cho các hành động từ (các) tài khoản cũ trước đây của mình. Tương tự, nếu bạn muốn làm lại từ đầu vì bị các thành viên khác quấy rối, bạn cũng nên tránh sửa đổi ở những bài mà có thể khiến bạn lại xung đột với họ, vì có thể họ sẽ nhận ra bạn.

Quay lại các bài viết và chủ đề cũ

[sửa | sửa mã nguồn]

Chuyện các thành viên muốn chỉnh sửa các chủ đề yêu thích đã thu hút họ đến với Wikipedia là điều dễ hiểu. Thế nhưng, sau khi làm lại từ đầu, quay lại chủ đề thân thuộc tạo ra một rủi ro lớn là các thành viên khác sẽ nhìn thấy rồi nhận ra mối liên hệ giữa tài khoản cũ và tài khoản mới. Hệ quả là tranh cãi sẽ diễn ra, bạn càng bị mất uy tín rồi bị cấm, ngay cả khi hành vi của bạn trong quá trình sử dụng tài khoản mới là hoàn toàn phù hợp và không phạm quy. Chính vì thế, tốt nhất là bạn nên tránh hoàn toàn các bài viết hoặc chủ đề cũ đi. Nếu bạn quan tâm sâu sắc đến một chủ đề cụ thể và vẫn muốn biên tập nó, tốt hơn hết là bạn nên tiếp tục sử dụng tài khoản cũ, tự cải tạo hành vi rồi dần dần gầy dựng lại uy tín của mình. Ngoài ra, bạn cũng có thể dành thời gian chỉnh sửa ở các lĩnh vực khác và dần tạo uy tín là một người đóng góp tích cực trước khi quay lại các chủ đề "ruột" của ngày xưa. Hãy nhớ rằng mục tiêu của việc làm lại từ đầu là tạo ra thay đổi tích cực trong hành vi của bạn để không ai có thể nhận ra bạn chính là người sử dụng tài khoản cũ đó. Việc lập tức quay trở lại các mảng cũ đang gây tranh cãi chỉ càng nâng cao xác suất bạn bị đánh đồng với tài khoản cũ.

Đề tài gây tranh cãi và bị giám sát

[sửa | sửa mã nguồn]

Có những bài viết và chủ đề đặc biệt gây tranh cãi thu hút sự giám sát của cộng đồng dưới các hình thức thảo luận lấy ý kiến hoặc kiến nghị phán xét từ bảo quản viên. Thành viên đang làm lại từ đầu nên tránh hoàn toàn các lĩnh vực này. Ngay cả khi tài khoản gốc không chịu một hình phạt nào, việc đổi tài khoản sẽ che đậy mối quan hệ trong quá khứ của biên tập viên với các bên tranh chấp, do đó cản trở khả năng giám sát tranh chấp của cộng đồng. Tiếp tục chỉnh sửa các chủ đề gây tranh cãi hoặc đang bị giám sát bằng một tài khoản mới không phải là khởi đầu lại. Bạn sẽ có nguy cơ bị các biên tập viên khác nhìn thấy rồi nhận ra mối liên hệ giữa tài khoản cũ và tài khoản mới. Từ đó có thể bị quy là đang trốn tránh sự xét nét, và có thể dẫn đến việc bị cấm dài hạn. Trong trường hợp cảm thấy không chắc chắn, bạn có thể hỏi một bảo quản viên để xin lời khuyên.

Nguyên tắc chung là khởi đầu lại không phải là một giấy phép để cho bạn quay lại biên tập ở các đề tài đang được giám sát kỹ lưỡng. Nó chỉ dành cho những ai đã rút ra được kinh nghiệm và muốn chuyển sang các lĩnh vực mới, hoặc những người muốn bỏ qua các tranh chấp cũ và lề thói cư xử kém.

Biểu quyết chọn bảo quản viên

[sửa | sửa mã nguồn]

Bạn không có nghĩa vụ phải tiết lộ các tài khoản cũ của mình; tuy nhiên, chúng tôi hết mực khuyến cáo rằng bạn nên thông báo cho một bảo quản viên hoặc kiểm định viên (một cách bảo mật nếu bạn muốn) rằng bạn từng sở hữu một tài khoản hoặc nhiều tài khoản cũ trước khi xin vào vị trí bảo quản viên hoặc các vai trò tương tự. Nếu không, bạn có thể bị coi là không thành thật và không được cộng đồng Wikipedia đón nhận một cách thiện cảm.

Sau khi làm lại từ đầu mà mưu cầu hoặc chấp nhận lời đề cử cho vị trí bảo quản viên thường dẫn đến tranh cãi. Nếu các lý do dẫn đến việc khởi đầu lại của bạn không còn tồn tại nữa, thì tốt nhất là bạn nên khai báo về mối liên hệ giữa các tài khoản của mình trước khi biểu quyết bầu chọn bảo quản viên diễn ra và giải quyết mọi vấn đề phát sinh liên quan đến tài khoản cũ đó.

Trở thành bảo quản viên của Wikipedia mà không thừa nhận rằng bạn đã từng có (một hay nhiều) tài khoản cũ tạo ra nguy cơ làm mất lòng tin mà cộng đồng dành cho bạn, đặc biệt là khi tài khoản cũ bị phát giác.

Nếu bạn muốn trở thành bảo quản viên mà không muốn tiết lộ tài khoản cũ của mình, tốt nhất là bạn nên đợi thêm một thời gian nữa so với trường hợp trên.