Vương Tường (Tam Quốc)
Vương Tường | |
---|---|
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Ngày sinh | 185 |
Nơi sinh | Lâm Nghi |
Mất | 269 |
Giới tính | nam |
Gia quyến | |
Thân phụ | Vương Dung |
Anh chị em | Wang Lan |
Hậu duệ | Vương Triệu |
Gia tộc | Lang Tà Vương thị |
Nghề nghiệp | chính khách |
Quốc tịch | Tào Ngụy |
Vương Tường (chữ Hán: 王祥, 180 hoặc 184 – 268) là quan viên, tam công nhà Tào Ngụy thời Tam quốc, nhà Tây Tấn trong lịch sử Trung Quốc. Ông nhờ hiếu thảo mà nổi tiếng, là tấm gương Nằm trên băng tìm cá chép (ngọa băng cầu lý) trong Nhị thập tứ hiếu.
Xuất thân
[sửa | sửa mã nguồn]Tường tự Hưu Trưng, người huyện Lâm Nghi, quận Lang Da [1], là hậu duệ của Gián nghị đại phu Vương Cát nhà Tây Hán, sử cũ có truyện. Ông nội là Vương Nhân, được làm đến Thanh Châu thứ sử. Cha là Vương Dung, không muốn làm quan. [Tấn thư 1]
Sự nghiệp
[sửa | sửa mã nguồn]Cuối đời Hán loạn lạc, Tường đem mẹ kế và em khác mẹ là Vương Lãm lánh nạn ở Lư Giang, ẩn cư hơn 30 năm, lấy cớ phải phụng dưỡng mẹ già, không nhận lời làm quan ở châu quận. Mẹ kế mất, Tường đã gần 60 tuổi, được Từ Châu thứ sử Lữ Kiền mời làm Biệt giá, vẫn cố từ chối. Lãm khuyên anh, còn sắp sẵn bò xe, nên Tường nhận lời, được Kiền gởi gắm chánh sự của châu. Bấy giờ cướp bóc đầy dẫy, Tường khích lệ binh sĩ, lần lượt đánh dẹp. Cả châu được yên, chánh sách và giáo hóa được thi hành. Người đương thời ca ngợi: “Ven biển được yên, thật nhờ Vương Tường. Nước nhà chẳng rỗng, công của Biệt giá.” [Tấn thư 2] [Sử liệu khác 1] [Sử liệu khác 2]
Tường được Lữ Kiền cử làm tú tài, rồi được triều đình trừ làm Ôn huyện lệnh, dần được thăng đến Đại tư nông. Ngụy đế Tào Mao nối ngôi, Tường nhờ công sách lập, được phong Quan nội hầu, bái Quang lộc huân, chuyển làm Tư lệ hiệu úy. Tường theo quân đội đánh dẹp Vô Khâu Kiệm, được tăng ấp 400 hộ, thăng làm Thái thường, phong Vạn Tuế đình hầu. Tào Mao thăm Thái học, mệnh cho Tường làm Tam lão. Tường ngồi ghế chống gậy, quay mặt về phía nam, giữ thân phận của thầy. Tào Mao quay mặt về phía bắc để học tập, nghe thầy giảng dạy yếu lĩnh của việc chánh trị - giáo hóa của vua tôi thời đại các bậc minh vương, thánh đế; người nghe đều không cầm được nước mắt. [Tấn thư 3]
Đến khi Tào Mao bị giết (260), triều đình cử ai, Tường gào khóc rằng: “Lão thần không giúp được gì!” nước mắt chảy dài, khiến mọi người đều xấu hổ. Ít lâu sau, Tường được bái làm Tư không, rồi chuyển làm Thái úy, gia làm Thị trung. Quyền thần Tư Mã Chiêu tái lập Ngũ đẳng tước chế, Tường được phong Tuy Lăng hầu, thực ấp 1600 hộ. [Tấn thư 4]
Khi Tư Mã Viêm nối tước Tấn vương, Tường cùng Tuân Ỷ (con Tuân Úc) đi gặp. Ỷ khuyên Tường nên lạy Tấn vương, ông từ chối, lấy cớ rằng Viêm là tể tướng, mình là tam công, giai thứ ngang nhau, làm thế sẽ khiến uy vọng của cả triều đình bị tổn hại, đức hạnh của cá nhân Viêm chịu khiếm khuyết. Đến khi gặp, Ỷ bèn lạy, còn Tường chỉ vái dài, Viêm nói: “Hôm nay mới biết ông xem trọng tôi như vậy!” [Tấn thư 5]
Cùng năm, Tư Mã Viêm lên ngôi, là Tấn Vũ đế, cho Tường được bái Thái bảo, tiến tước làm công, được bổ nhiệm thêm 7 quan viên giúp việc trong phủ. Đế mới ở ngôi, dốc lòng cầu lời thẳng thắn. Tường cùng bọn Hà Tằng, Trịnh Xung là bậc lão thành, hiếm khi vào chầu, đế sai thị trung Nhâm Khải đến tận nhà hỏi ý kiến, nhất là các vấn đề chánh trị - giáo hóa. Tường lấy cớ già nua mỏi mệt, nhiều lần xin rời chức, đế không đồng ý. Ngự sử trung thừa Hầu Sử Quang cho rằng Tường bệnh đã lâu, bỏ tham dự triều hội, xin miễn quan của ông; đế giáng chiếu từ chối. Tường cố xin nghỉ, đế giáng chiếu cho ông được ở phủ đệ tương xứng với thân phận Tuy Lăng công, địa vị ngang với tam công, ở trên tam tư, bổng lộc và ân thưởng như trước. Tường được ở lại kinh đô, nhưng không cần vào chầu; được ban ghế và gậy, triều đình có việc lớn sẽ đến tận nhà để hỏi han; được ban xe 4 ngựa, 1 khu nhà, trăm vạn tiền, 500 xúc lụa, giường màn chiếu đệm; được quyền bổ nhiệm 6 viên Xá nhân và được sở hữu 20 kỵ binh; cho con trai trưởng là Vương Triệu làm Cấp sự trung, để anh ta được ở lại kinh đô, nhằm thuận tiện cho hoàng đế thăm hỏi tin tức của ông. Ngoài ra đế biết Tường tính thanh liêm, vốn không có nhà cửa ở kinh đô, cho phép ông ở nhờ quan phủ, đợi đến khi phủ đệ của Tuy Lăng công xây dựng xong. [Tấn thư 6]
Năm Thái Thủy thứ 4 (268), Tường bệnh nặng, di ngôn cho con cháu làm tang lễ đơn giản. Di ngôn của Tường được sử cũ chép lại, đời sau gọi là Huấn tử tôn di lệnh (训子孙遗令). Tường mất, hưởng thọ 85 tuổi. Triều đình giáng chiếu ban Đông viên bí khí, 1 bộ triều phục, 1 bộ áo, 30 vạn tiền, trăm xúc vải. Bấy giờ mẹ của đế là Văn Minh hoàng hậu Vương Nguyên Cơ mới mất vào tháng trước, đế bận rộn việc tang nên chậm giáng chiếu bày tỏ sự thương tiếc. Năm sau, Tường được đặt thụy là Nguyên. [Tấn thư 7] [Tấn thư 8]
- Vương Ẩn cho biết Tường hưởng thọ 89 tuổi. [Sử liệu khác 3]
Đánh giá
[sửa | sửa mã nguồn]Tường mất, người đến viếng nếu không phải quan viên trong triều, cũng là thân nhân, bạn bè hoặc thuộc cấp cũ mà thôi, chẳng có người khách lạ nào tìm đến. Cháu họ (tộc tôn) Vương Nhung than rằng: “Thái bảo có thể nói là thanh (trong sạch) đạt (suốt lẽ) vậy.” lại khen: “Tường vào niên hiệu Chánh Thủy (thời Ngụy đế Tào Phương), không gia nhập trào lưu thanh đàm. Nhưng khi đàm luận, thì lý lẽ rõ ràng sâu xa, còn chẳng phải là đem đức hạnh bịt miệng người ta ru!” [Tấn thư 9]
Phòng Huyền Linh nhận xét: “Hiếu là căn bản của đức, Vương Tường vì thế hơn người." [Tấn thư 10]
Hồ Tam Tỉnh nhận xét: “Thời Chánh Thủy người giỏi thanh đàm là mấy kẻ Hà Bình Thúc (tức Hà Yến) vậy. Nhà Ngụy chuyển sang nhà Tấn, có ích gì cho đời! Vương Tường vì thế đáng chuộng, hiếu với mẹ kế và không lạy Tấn vương đấy, quân tử do vậy nói tín nhiệm người là trụ thạch mà kính phục người là lương đống vậy. Lý lẽ rõ ràng sâu xa, nói gì ru, đức gì ru?” [Sử liệu khác 4]
Gia đình
[sửa | sửa mã nguồn]- Mẹ đẻ là Tiết thị, người quận Cao Bình. Mẹ kế là Chu thị, ngươi quận Lư Giang.
- Em trai khác mẹ là Vương Lãm, do Chu thị sanh ra. [Sử liệu khác 5]
- 5 con trai là Triệu, Hạ, Phức, Liệt, Phân. Triệu là con vợ lẽ, Hạ mất sớm, nên Phức được nối tước.
- Đầu thời Hàm Ninh (275), Tấn Vũ đế cho rằng nhà Tường rất bần kiệm, ban 300 xúc lụa, bái Phức làm Thượng Lạc thái thú. Phức mất, được đặt thụy là Hiếu.
- Con Phức là Căn, được làm đến Tán kỵ lang.
- Triệu được làm đến Thủy Bình thái thú.
- Con Triệu là Tuấn, được giữ chức Thái tử xá nhân, phong Vĩnh Thế hầu.
- Con Tuấn là Hà, được làm đến Úc Lâm thái thú.
- Con Triệu là Tuấn, được giữ chức Thái tử xá nhân, phong Vĩnh Thế hầu.
- Liệt, Phân nổi tiếng từ bé, được Tường yêu mến, mất cùng lúc. Sắp chết, Liệt muốn được chôn ở quê nhà, Phân muốn ở lại kinh đô. Tường rơi nước mắt nói: “Không quên cố hương, là nhân đấy; không vướng gốc gác, là đạt vậy. Cả nhân và đạt, hai con ta đều có.” [Tấn thư 11]
- Đầu thời Hàm Ninh (275), Tấn Vũ đế cho rằng nhà Tường rất bần kiệm, ban 300 xúc lụa, bái Phức làm Thượng Lạc thái thú. Phức mất, được đặt thụy là Hiếu.
Tấm gương hiếu thảo
[sửa | sửa mã nguồn]Tường rất hiếu thảo. Mẹ Tường mất sớm, mẹ kế Chu thị không hiền, nhiều lần nói gièm, khiến ông không được cha yêu mến. Kể cả bị sai đi quét dọn phân bò, Tường vẫn tỏ ra cung kính, cẩn thận. Cha mẹ có bệnh, Tường không cởi đai áo, tự tay nấu tất cả thuốc men. Mẹ kế từng muốn ăn cá tươi, gặp lúc trời lạnh đến đóng băng, Tường cởi áo, muốn tách băng (phẩu băng) để tìm cá, băng chợt tự nứt ra, có 2 con cá chép nhảy lên, ông liền đem về. [Tấn thư 12] [Sử liệu khác 6] [Sử liệu khác 7]
- Quách Cư Kính đời Nguyên kể rằng Tường cởi áo nằm trên băng (ngọa băng) để tìm cá. [Sử liệu khác 8]
Mẹ kế thèm món chả sẻ vàng, Tường còn chưa biết làm sao, thì vài mươi con sẻ vàng bay vào nhà, Tường đem nấu cho bà ta ăn. Người ở quê nhà kinh ngạc thán phục, cho rằng trời cảm ứng với sự hiếu thảo của Tường mà làm ra như vậy. [Tấn thư 13] [Sử liệu khác 9] Nhà có cây mận, mẹ kế lệnh cho Tường coi giữ. Mỗi khi mưa gió, Tường ôm cây mà khóc. [Tấn thư 14] [Sử liệu khác 10]
Tường ngủ trên giường riêng, có lần mẹ kế lẻn đến chém ông. Gặp lúc Tường đi tiểu tiện, nên không bị chém. Tường trở về, biết mẹ kế hối tiếc không thôi, bèn quỳ xuống xin chết. Mẹ kế vì thế cảm động, yêu ông như con mình. [Sử liệu khác 11]
Mẹ kế mất, Tường giữ tang đến tiều tụy, phải chống gậy mới đứng dậy được. [Tấn thư 15]
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Tấn thư
- ^ Tấn thư quyển 33, liệt truyện 3, Vương Tường truyện: Vương Tường, tự Hưu Trưng, Lang Tà Lâm Nghi nhân, Hán Gián nghị đại phu Cát chi hậu dã. Tổ Nhân, Thanh Châu thứ sử. Phụ Dung, công phủ tích bất tựu.
- ^ Tấn thư, Vương Tường truyện: Hán vị tao loạn, phù mẫu huề đệ Lãm tị địa Lư Giang, ẩn cư tam thập dư niên, bất ứng châu quận chi mệnh. Mẫu chung, cư tang hủy tụy, trượng nhi hậu khởi. Từ Châu thứ sử Lữ Kiền hịch vi biệt giá, Tường niên thùy nhĩ thuận, cố từ bất thụ. Lãm khuyến chi, vi cụ xa ngưu, Tường nãi ứng triệu, Kiền ủy dĩ châu sự. Vu thì khấu đạo sung xích, Tường suất lệ binh sĩ, tần thảo phá chi. Châu giới thanh tĩnh, chánh hóa đại hành. Thì nhân ca chi viết: “Hải nghi chi khang, thật lại Vương Tường. Bang quốc bất không, biệt giá chi công.”
- ^ Tấn thư, Vương Tường truyện: Cử tú tài, trừ Ôn lệnh, luy thiên Đại tư nông. Cao Quý hương công tức vị, dữ định sách công, phong Quan nội hầu, bái Quang lộc huân, chuyển Tư lệ hiệu úy. Tòng thảo Vô Khâu Kiệm, tăng ấp tứ bách hộ, thiên Thái thường, phong Vạn Tuế đình hầu. Thiên tử hạnh Thái học, mệnh Tường vi Tam lão. Tường nam diện kỉ trượng, dĩ sư đạo tự cư. Thiên tử bắc diện khất ngôn, Tường trần minh vương thánh đế quân thần chánh hóa chi yếu dĩ huấn chi, văn giả mạc bất chỉ lệ.
- ^ Tấn thư, Vương Tường truyện: Cập Cao Quý hương công chi thí dã, triều thần cử ai, Tường hào khốc viết “lão thần vô trạng”, thế lệ giao lưu, chúng hữu quý sắc. Khoảnh chi, bái Tư không, chuyển Thái úy, gia Thị trung. Ngũ đẳng kiến, phong Tuy Lăng hầu, ấp nhất thiên lục bách hộ.
- ^ Tấn thư, Vương Tường truyện: Cập Vũ đế vi Tấn vương, Tường dữ Tuân Ỷ vãng yết, Ỷ vị Tường viết: “Tướng vương tôn trọng, hà hầu kí dĩ tận kính, kim tiện đương bái dã.” Tường viết: “Tướng quốc thành vi tôn quý, nhiên thị Ngụy chi tể tướng. Ngô đẳng Ngụy chi tam công, công vương tương khứ, nhất giai nhi dĩ, ban lệ đại đồng, an hữu thiên tử tam tư nhi triếp bái nhân giả! Tổn Ngụy triều chi vọng, khuy Tấn vương chi đức, quân tử ái nhân dĩ lễ, ngô bất vi dã.” Cập nhập, Ỷ toại bái, nhi Tường độc trường ấp. Đế viết: “Kim nhật phương tri quân kiến cố chi trọng hĩ!”
- ^ Tấn thư, Vương Tường truyện: Vũ đế tiễn tộ, bái thái bảo, tiến tước vi công, gia trí thất quan chi chức. Đế tân ái mệnh, hư kỷ dĩ cầu đảng ngôn. Tường dữ Hà Tằng, Trịnh Xung đẳng kì ngải đốc lão, hi phục triều kiến, đế khiển thị trung Nhâm Khải tư vấn đắc thất, cập chánh hóa sở tiên. Tường dĩ niên lão bì mạo, luy khất tốn vị, đế bất hứa. Ngự sử trung thừa Hầu Sử Quang dĩ Tường cửu tật, khuyết triều hội lễ, thỉnh miễn Tường quan. Chiếu viết: “Thái bảo nguyên lão cao hành, trẫm sở bì ỷ dĩ long chánh đạo giả dã. Tiền hậu tốn nhượng, bất tòng sở chấp, thử phi hữu tư sở đắc nghị dã.” Toại tẩm Quang tấu. Tường cố khất hài cốt, chiếu thính dĩ Tuy Lăng công tựu đệ, vị đồng bảo phó, tại tam tư chi hữu, lộc tứ như tiền. Chiếu viết: “Cổ chi trí sĩ, bất sự vương hầu. Kim tuy dĩ quốc công lưu cư kinh ấp, bất nghi phục khổ dĩ triều thỉnh. Kì tứ kỉ trượng, bất triều, đại sự giai tư phóng chi. Tứ an xa tứ mã, đệ nhất khu, tiền bách vạn, quyên ngũ bách thất, sàng trướng điệm nhục, dĩ xá nhân lục nhân vi Tuy Lăng công xá nhân, trí quan kị nhị thập nhân. Dĩ công tử Kị đô úy Triệu vi Cấp sự trung, sử thường ưu du định tỉnh. Hựu ất thái bảo cao khiết thanh tố, gia vô trạch vũ, kì quyền lưu bổn phủ, tu sở tứ đệ thành nãi xuất.”
- ^ Tấn thư, Vương Tường truyện: Cập tật đốc, trứ di lệnh huấn tử tôn viết: “Phu sanh chi hữu tử, tự nhiên chi lí. Ngô niên bát thập hữu ngũ, khải thủ hà hận. Bất hữu di ngôn, sử nhĩ vô thuật. Ngô sanh trị quý mạt, đăng dong lịch thí, vô bì tá chi huân, một vô dĩ báo. Khí tuyệt đãn tẩy thủ túc, bất tu mộc dục, vật triền thi, giai hoán cố y, tùy thì sở phục. Sở tứ sơn huyền ngọc bội, vệ thị ngọc quyết, thụ tứ giai vật dĩ liễm. Tây Mang thượng thổ tự kiên trinh, vật dụng bích thạch, vật khởi phần lũng. Xuyên thâm nhị trượng, quách thủ dung quan. Vật tác tiền đường, bố kỉ diên, trí thư tương kính liêm chi cụ, quan tiền đãn khả thi sàng tháp nhi dĩ. Bô các nhất bàn, huyền tửu nhất bôi, vi triều tịch điện. Gia nhân đại tiểu bất tu tống tang, đại tiểu tường nãi thiết đặc sinh. Vô vi dư mệnh! Cao Sài khấp huyết tam niên, phu tử vị chi ngu. Mẫn tử trừ tang xuất kiến. Viên cầm thiết thiết nhi ai, Trọng Ni vị chi hiếu. Cố khốc khấp chi ai, nhật nguyệt hàng sát, ẩm thực chi nghi, tự hữu chế độ. Phu ngôn hành khả phúc, tín chi chí dã; thôi mĩ dẫn quá, đức chi chí dã; dương danh hiển thân, hiếu chi chí dã; huynh đệ di di, tông tộc hân hân, đễ chi chí dã; lâm tài mạc quá hồ nhượng: thử ngũ giả, lập thân chi bổn. Nhan tử sở dĩ vi mệnh, vị chi tư dã, phu hà viễn chi hữu!” Kì tử giai phụng nhi hành chi. Thái Thủy tứ niên hoăng, chiếu tứ Đông viên bí khí, triều phục nhất cụ, y nhất tập, tiền tam thập vạn, bố bạch bách thất. Thì Văn Minh hoàng thái hậu băng thủy du nguyệt, kì hậu chiếu viết: “Vi Tuy Lăng công phát ai, sự nãi chí kim. Tuy mỗi vi chi cảm thương, yếu vị đắc đặc tự ai tình. Kim tiện khốc chi.” Minh niên, sách thụy viết Nguyên.
- ^ Tấn thư, quyển 3, đế kỷ 3, Vũ đế kỷ: (Thái Thủy tứ niên) Tam nguyệt mậu tý, Hoàng thái hậu Vương thị băng. Hạ tứ nguyệt mậu tuất, Thái bảo, Tuy Lăng công Vương Tường hoăng. Kỷ hợi, phụ táng Văn Minh hoàng hậu Vương thị vu Sùng Dương lăng.
- ^ Tấn thư, Vương Tường truyện: Tường chi hoăng, bôn phó giả phi triều đình chi hiền, tắc thân thân cố lại nhi dĩ, môn vô tạp điếu chi tân. Tộc tôn Nhung thán viết: “Thái bảo khả vị thanh đạt hĩ!” hựu xưng: “Tường tại Chánh Thủy, bất tại năng ngôn chi lưu. Cập dữ chi ngôn, lý trí thanh viễn, tương phi dĩ đức yểm kì ngôn hồ!”
- ^ Tấn thư quyển 33, liệt truyện 3, Sử thần viết: ...hiếu vi đức bổn, Vương Tường sở dĩ đương nhân.
- ^ Tấn thư, Vương Tường truyện: Tường hữu ngũ tử: Triệu, Hạ, Phức, Liệt, Phân. Triệu nghiệt thứ, Hạ tảo tốt, Phức tự tước. Hàm Ninh sơ, dĩ Tường gia thậm bần kiệm, tứ quyên tam bách thất, bái Phức Thượng Lạc thái thú, tốt thụy viết Hiếu. Tử Căn tự, Tán kị lang. Triệu sĩ chí Thủy Bình thái thú. Triệu tử Tuấn, thủ Thái tử xá nhân, phong Vĩnh Thế hầu. Tuấn tử Hà, Úc Lâm thái thú. Liệt, Phân tịnh ấu tri danh, vi Tường sở ái. nhị tử diệc đồng thì nhi vong. Tương tử, Liệt dục hoàn táng cựu thổ, Phân dục lưu táng kinh ấp. Tường lưu thế viết: “Bất vong cố hương, nhân dã; bất luyến bổn thổ, đạt dã. Duy nhân dữ đạt, ngô nhị tử hữu yên.”
- ^ Tấn thư, Vương Tường truyện: Tường tính chí hiếu. Tảo tang thân, kế mẫu Chu thị bất từ, sổ trấm chi, do thị thất ái vu phụ. Mỗi sử tảo trừ ngưu hạ, Tường dũ cung cẩn. Phụ mẫu hữu tật, y bất giải đái, thang dược tất thân thường. Mẫu thường dục sanh ngư, thì thiên hàn băng đống, Tường giải y tương phẩu băng cầu chi, băng hốt tự giải, song lí dược xuất, trì chi nhi quy.
- ^ Tấn thư, Vương Tường truyện: Mẫu hựu tư hoàng tước cứu, phục hữu hoàng tước sổ thập phi nhập kì mạc, phục dĩ cung mẫu. Hương lí kinh thán, dĩ vi hiếu cảm sở trí yên.
- ^ Tấn thư, Vương Tường truyện: Hữu đan nại kết thật, mẫu mệnh thủ chi, mỗi phong vũ, Tường triếp bão thụ nhi khấp. Kì đốc hiếu thuần chí như thử.
- ^ Tấn thư, Vương Tường truyện: Mẫu chung, cư tang hủy tụy, trượng nhi hậu khởi.
- Một số sử liệu khác
- ^ Lưu Hiếu Tiêu chú Lưu Nghĩa Khánh, Thế thuyết tân ngữ quyển Thượng, tập Thượng, Đức hạnh đệ nhất, dẫn Ngu Dự, Tấn thư: Tường dĩ hậu mẫu cố, lăng trì bất sĩ. Niên hướng lục thập, thứ sử Lữ Kiền hịch vi biệt giá, thì nhân ca chi viết: “Hải nghi chi khang, thật lại Vương Tường; bang quốc bất không, biệt giá chi công.”
- ^ Trần Thọ, Tam quốc chí quyển 18, Ngụy thư 18, Nhị Lý Tang Văn Lữ Hứa Điển Nhị Bàng Diêm liệt truyện, Lữ Kiền: Văn đế tức vương vị, gia Bì tướng quân, phong Ích Thọ đình hầu, thiên Từ Châu thứ sử, gia Uy lỗ tướng quân. Thỉnh Lang Da Vương Tường vi biệt giá, dân sự nhất dĩ ủy chi, thế đa kì năng nhâm hiền.
- ^ Vương Ẩn, Tấn thư quyển 6, [Vương Tường truyện],: Thái Thủy tứ niên, niên bát thập cửu, hoăng.
- ^ Hồ Tam Tỉnh chú Tư trị thông giám, quyển 79, Tấn kỷ 1, Thế Tổ Vũ hoàng đế thượng chi thượng: Chánh Thủy sở vị năng ngôn giả, Hà Bình Thúc sổ nhân dã. Ngụy chuyển nhi vi Tấn, hà ích vu thế tai! Vương Tường sở dĩ khả thượng giả, hiếu vu hậu mẫu dữ bất bái Tấn vương nhĩ, quân tử do vị kì nhiệm nhân trụ thạch nhi khuynh nhân đống lương dã. Lý trí thanh viễn, ngôn hồ, đức hồ?
- ^ Lưu Hiếu Tiêu chú Thế thuyết tân ngữ, Đức hạnh, dẫn Vương Tường thế gia: Tường phụ Dung, thú Cao Bình Tiết thị, sanh Tường. Kế thất dĩ Lư Giang Chu thị, sanh Lãm.
- ^ Thế thuyết tân ngữ, Đức hạnh: Vương Tường sự hậu mẫu Chu phu nhân thậm cẩn,...
- ^ Lưu Hiếu Tiêu chú Thế thuyết tân ngữ, Đức hạnh, dẫn Tôn Thịnh, Tấn dương thu: Hậu mẫu sổ trấm tường, lũ dĩ phi lí sử Tường... Mẫu dục sanh ngư, Tường giải y tương phẩu băng cầu chi, hội hữu xử băng tiểu giải, ngư xuất.
- ^ Quách Cư Kính, Nhị thập tứ hiếu, Ngọa băng cầu lý: Tấn. Vương Tường mẫu tang. Kế mẫu Chu thị. Bất từ. Phụ tiền sổ trấm chi. Do thị thất ái vu phụ. Mẫu dục thực tiên ngư. Thì thiên hàn địa đống. Tường giải y. Ngọa băng cầu chi. Băng hốt tự giải. Song lí dược xuất. Trì quy cung mẫu. Hữu thi vi tụng.
- ^ Lưu Hiếu Tiêu chú Thế thuyết tân ngữ, Đức hạnh, dẫn Tiêu Quảng Tế, Hiếu tử truyện: Tường hậu mẫu hốt dục hoàng tước chích, Tường niệm nan tốt trí. Tu du, hữu sổ thập hoàng tước phi nhập kì mạc. Mẫu chi sở tu, tất tự bôn tẩu, vô bất đắc yên. Kì thành chí như thử.
- ^ Thế thuyết tân ngữ, Đức hạnh: Gia hữu nhất lí thụ, kết tử thù hảo, mẫu hằng sử thủ chi. Thì phong vũ hốt chí, Tường bão thụ nhi khấp.
- ^ Thế thuyết tân ngữ, Đức hạnh: Tường thường tại biệt sàng miên, mẫu tự vãng ám chước chi. Trị Tường tư khởi, không chước đắc bị. Kí hoàn, tri mẫu hám chi bất dĩ, nhân quỵ tiền thỉnh tử. Mẫu vu thị cảm ngộ, ái chi như kỷ tử.
Hình tượng văn học
[sửa | sửa mã nguồn]Tường là nhân vật nhỏ trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, xuất hiện ở hồi 116 – Đường Hán Trung, Chung Hội chia quân; Núi Định Quân, Võ Hầu hiển thánh (bản dịch của Phan Kế Bính): Nói về Chung Hội khi cất quân đi, các quan tiễn ra ngoài thành. Tinh kỳ rợp trời, gươm giáo sáng quắc, quân mã hùng tráng, oai phong lẫm liệt lắm; ai cũng nức nở khen ngợi, chỉ có tham quân là Lưu Thực tủm tỉm cười nhạt, không nói câu gì. Thái úy Vương Tường thấy Lưu Thục cười mát làm vậy, đến gần ngựa cầm tay Thực hỏi rằng: “Chung, Đặng hai người đi chuyến này thế nào?” Thực nói: “Chắc phá xong Thục, nhưng chỉ ngại không ai trở về được đến nhà.” Vương Tường hỏi cớ làm sao, Lưu Thục chỉ cười không nói.
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Nay là thôn Tây Hiếu Hữu, trấn Bạch Sa Phụ, khu Lan Sơn, địa cấp thị Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.