Bước tới nội dung

Thriller (album)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thriller
The cover has Jackson reclining in a white suit
Album phòng thu của Michael Jackson
Phát hành29 tháng 11 năm 1982 (1982-11-29)
Thu âm14 tháng 4 – 8 tháng 11 năm 1982
Phòng thuWestlake (Los Angeles, California)
Thể loại
Thời lượng42:16
Hãng đĩaEpic
Sản xuất
Thứ tự album của Michael Jackson
E.T. the Extra-Terrestrial
(1982)
Thriller
(1982)
18 Greatest Hits
(1983)
Đĩa đơn từ Thriller
  1. "The Girl Is Mine"
    Phát hành: 18 tháng 10 năm 1982
  2. "Billie Jean"
    Phát hành: 2 tháng 1 năm 1983
  3. "Beat It"
    Phát hành: 14 tháng 2 năm 1983
  4. "Wanna Be Startin' Somethin'"
    Phát hành: 8 tháng 5 năm 1983
  5. "Human Nature"
    Phát hành: 3 tháng 7 năm 1983
  6. "P.Y.T. (Pretty Young Thing)"
    Phát hành: 19 tháng 9 năm 1983
  7. "Thriller"
    Phát hành: 5 tháng 11 năm 1983

Thrilleralbum phòng thu thứ sáu của ca sĩ kiêm nhạc sĩ sáng tác bài hát người Mỹ Michael Jackson, được phát hành vào ngày 29 tháng 11 năm 1982 bởi Epic Records. Nhạc phẩm do Quincy Jones (từng cộng tác với Jackson trong album Off the Wall vào năm 1979) chịu trách nhiệm sản xuất. Jackson muốn sáng tác một album mà "mọi bài hát trong đó đều là kẻ thống trị mọi mặt". Với phản ứng dữ dội đang nhắm vào dòng nhạc disco lúc bấy giờ, anh chuyển sang một hướng nhạc mới, dẫn tới sự kết hợp của các âm thanh pop, post-disco, rock, funkR&B. Thriller là tiền đề cho các đề tài mâu thuẫn trong đời tư của Jackson, khi anh bắt đầu sử dụng mô-típ các đề tài paranoia và u tối. Paul McCartney xuất hiện trong "The Girl Is Mine", đánh dấu bài hát đầu tiên được ghi công cho một nghệ sĩ hợp tác trong một album của Michael Jackson. Khâu thu âm diễn ra từ tháng 4 tới tháng 11 năm 1982 tại Westlake Recording Studios ở Los Angeles, California, với mức kinh phí 750.000 đô la Mỹ.

Thriller trở thành album quán quân đầu tiên của Jackson trên bảng xếp hạng Billboard Top LPs & Tapes của Mỹ; album sở hữu kỷ lục 37 tuần không liên tiếp nắm ngôi quán quân, từ ngày 26 tháng 2 năm 1983 đến ngày 14 tháng 4 năm 1984. Bảy đĩa đơn đã được phát hành trích từ album: "The Girl Is Mine", "Billie Jean", "Beat It", "Wanna Be Startin' Somethin'", "Human Nature", "PYT (Pretty Young Thing)" và "Thriller". Tất cả đều lọt vào top 10 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 của Hoa Kỳ, thiết lập kỷ lục nhiều đĩa đơn lọt vào top mười nhất trích từ một album, với "Beat It" và "Billie Jean" giành vị trí quán quân. Sau màn trình diễn "Billie Jean" của Jackson trong chương trình truyền hình đặc biệt Motown 25, nơi anh trình làng điệu nhảy moonwalk đặc trưng của mình, doanh số bán album đã tăng lên đáng kể, tiêu thụ một triệu bản/tuần trên toàn thế giới. Video âm nhạc của "Thriller" được công chiếu lần đầu vào tháng 12 năm 1983 và có tần suất phát thường xuyên trên MTV, qua đó thúc đẩy tăng doanh thu bán đĩa.

Với 32 triệu bản được bán ra trên toàn thế giới tính tới cuối năm 1983, Thriller đã trở thành album bán chạy nhất mọi thời đại. Đây là album bán chạy nhất năm 1983 trên toàn thế giới, và vào năm 1984, nhạc phẩm trở thành album đầu tiên bán chạy nhất tại Hoa Kỳ trong hai năm liên tiếp. Tác phẩm đặt ra các tiêu chuẩn ngành với những ca khúc, video âm nhạc và chiến lược quảng cáo tác động đến các nghệ sĩ, hãng thu âm, nhà sản xuất, nhà tiếp thị và biên đạo múa. Thành công đem lại cho Jackson mức độ ý nghĩa văn hóa vô tiền khoáng hậu dành cho một người Mỹ da đen, phá vỡ rào cản chủng tộc trong âm nhạc đại chúng, giúp anh được lên sóng thường xuyên trên MTV và dẫn đến một cuộc gặp gỡ với Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan tại Nhà Trắng. Thriller là một trong những album đầu tiên sử dụng video âm nhạc làm công cụ quảng cáo; các MV cho "Billie Jean", "Beat It" và "Thriller" được ghi nhận đã biến video âm nhạc thành một loại hình nghệ thuật nghiêm túc.

Thriller vẫn là album bán chạy nhất mọi thời đại với doanh số 70 triệu bản trên toàn thế giới. Đây là album không tổng hợp bán chạy nhất và album bán chạy thứ hai nói chung tại Hoa Kỳ, được chứng nhận tới 34 lần bạch kim bởi Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ (RIAA) vào năm 2021. Album giành chiến thắng kỷ lục tám giải Grammy tại lễ trao giải năm 1984, tính cả Album của năm, trong khi "Beat It" đoạt giải Thu âm của năm. Jackson còn thắng kỷ lục tám giải thưởng Âm nhạc Mỹ tại lễ trao giải năm 1984. Album thường xuyên có mặt ở danh sách những album hay nhất mọi thời đại. Năm 2008, nhạc phẩm được ghi danh vào Đại sảnh Danh vọng Grammy. Cùng năm đó, Thư viện Quốc hội đưa tác phẩm vào Viện lưu trữ thu âm quốc gia bởi "quan trọng về mặt văn hóa, lịch sử hoặc thẩm mỹ".

Hoàn cảnh ra đời

[sửa | sửa mã nguồn]

Album trước của Jackson là Off the Wall (1979) đã thành công về mặt thương mại và được giới phê bình tán dương, bán ra mười triệu bản tính đến trước khi sản xuất Thriller.[1][2] Những năm từ Off the Wall đến Thriller là giai đoạn chuyển tiếp đối với Jackson và cũng là khoảng thời gian để Jackson sống tự giác nhiều hơn.[3][4] Đây cũng là giai đoạn mà anh cảm thấy bất hạnh sâu sắc, Jackson chia sẻ: "Ngay cả khi ở nhà, tôi vẫn cô đơn. Thỉnh thoảng tôi chui vào phòng mình và bật khóc. Thiệt là khó để kết bạn biết bao... Đôi khi tôi đi dạo quanh phố vào ban đêm chỉ để hy vọng tìm được một ai đó mà tâm sự. Nhưng đến cuối cùng thì tôi đành phải về nhà."[5][6]

Jackson đã thuê John Branca làm người quản lý vào tháng 8 năm 1979, và cũng là lúc anh vừa tròn 21 tuổi.[7] Jackson bảo Branca rằng anh muốn trở thành ngôi sao lớn nhất và giàu có nhất trong làng giải trí. Nam ca sĩ bày tỏ nỗi buồn trước thành tích của Off the Wall mà anh cho là dưới mức kỳ vọng, cảm thấy tác phẩm đáng ra phải giành giải Grammy cho Thu âm của năm.[8] Anh còn nghĩ ngành công nghiệp âm nhạc đang đánh giá thấp tài năng của anh. Sau khi bị Rolling Stone từ chối đăng tin về anh lên trang bìa tạp chí vào năm 1980, Jackson đáp: "Tôi cứ bị nhắc đi nhắc lại rằng người da đen mà trên trang bìa của các tạp chí thì sẽ không bán nổi bản nào ... Cứ đợi đó đi. Một ngày nào đó những tờ tạp chí ấy sẽ phải cầu xin tôi tham gia phỏng vấn. Có thể tôi sẽ nhận lời và cũng có thể là không nhận."[8]

Jackson muốn làm ra album tiếp theo mà "mọi bài hát trong đó đều là kẻ thống trị mọi mặt". Anh tỏ ra bực bội trước những album chỉ có "một bài là hay, còn những bài kia giống như chỉ để nằm trong mặt B... Tại sao từng bài nhạc [trong album] lại không thể thành một bản hit vậy? Tại sao mỗi nhạc phẩm [trong album] lại không được phép sáng tác xuất sắc đến mức người nào người nấy cũng đều muốn mua một khi bạn đem những bản ca đó ra làm đĩa đơn nhỉ?... Đó là mục đích của tôi ở album tiếp theo."[9]

Sản xuất và sáng tác

[sửa | sửa mã nguồn]
Thriller là album thứ hai của Michael Jackson do Quincy Jones sản xuất.

Jackson tái hợp với Quincy Jones (nhà sản xuất album Off the Wall) để thu âm album thứ sáu, cũng là sản phẩm thứ hai của anh dưới hãng đĩa Epic.[10] Họ cùng thực hiện 300 bài hát, và 9 bài trong số đó được đưa vào album. Thriller được thu âm tại Westlake Recording Studios ở Los Angeles, California với kinh phí sản xuất 750.000 đô la Mỹ (tức khoảng hơn hai triệu đô la Mỹ theo tỷ giá vào năm 2022).[11][12] Khâu thu âm bắt đầu tiến hành vào 14 tháng 4 năm 1982, diễn ra vào lúc trưa hôm ấy khi Jackson và Paul McCartney thu âm "The Girl Is Mine"; ngày trộn âm cuối của album được hoàn tất vào ngày 8 tháng 11 năm 1982.[13] Một số thành viên của ban nhạc Toto đã tham gia vào khâu sản xuất và thu âm album. Jackson chắp bút sáng tác bốn ca khúc trong nhạc phẩm: "Wanna Be Startin' Somethin'", "The Girl Is Mine", "Beat It" và "Billie Jean". Không như nhiều nghệ sĩ, Jackson không sáng tác những bài hát này trên giấy. Thay vào đó, anh đọc bản nhạc cho máy thu âm ghi lại; khi thu âm anh sẽ hát dựa theo trí nhớ.[14]

Mối quan hệ giữa Jackson và Jones gặp rạn nứt trong quá trình thu âm.[15] Jackson mất phần lớn thời gian tập các bước nhảy một mình.[14] Khi album được hoàn thành, cả Jones lẫn Jackson đều không hài lòng với kết quả và phần trộn âm từng bài hát, nên mỗi bên phải mất một tuần xử lý từng bài.[16]

"Beat It" có phần độc tấu guitar của nghệ sĩ Eddie Van Halen.

Đối với Jackson, "Billie Jean" mang tính cá nhân rất lớn vì anh cảm thấy khó chịu trước những người hâm mộ ám ảnh. Đỉnh điểm nhất là một người hâm mộ nữ đã gửi bức thư bảo rằng đứa con của cô gái ấy là con trai anh. Jones ban đầu không muốn đưa "Billie Jean" vào trong album vì cho rằng bài hát không đủ hay, thậm chí còn muốn đổi tên, nhưng Jackson vẫn giữ nguyên dự định là đưa vào.[17] Phản ứng dữ dội nhắm vào nhạc disco lúc bấy giờ buộc Michael và các cộng sự phải chuyển định hướng âm nhạc của album khác với phong cách nặng disco của Off the Wall.[18] Jones và Jackson hạ quyết tâm làm một bài hát rock chinh phục mọi đối tượng thính giả và mất nhiều tuần tìm kiếm nghệ sĩ guitar cho bài "Beat It". Đến cuối cùng, họ tìm được Steve Lukather của Toto phụ trách phần rhythm guitar còn Eddie Van Halen của ban nhạc rock Van Halen thể hiện phần solo.[19][14]

Khi Rod Temperton sáng tác bài "Thriller", anh muốn đặt tên bài là "Starlight" hoặc "Midnight Man", song đã chọn cái tên "Thriller" vì thấy cái tên này có khả năng bán được đĩa.[14] Jones đã tìm đến diễn viên Vincent Price để nhờ Price làm đọc thoại ở cuối bài hát.[20][21] Temperton sáng tác phần nói trên chiếc taxi đi tới phòng thu.[22] Bản cover bài "Behind the Mask (ban đầu do ban nhạc người Nhật Bản Yellow Magic Orchestra thể hiện), bị lược bỏ do hai bên không đạt được thỏa thuận về tiền tác quyền.[23]

Nhạc và lời

[sửa | sửa mã nguồn]

Thriller khám phá các dòng nhạc gồm post-disco,[24][25] funk,[25][26] pop,[25] synth-pop,[27] R&B[28]rock.[25] Theo Steve Huey của AllMusic, tác phẩm đã chắt lọc những điểm mạnh của Off the Wall; những bài nhạc dance và rock kích động hơn, còn những bài ballad và pop thì mềm mại và hơi hướng nhạc soul hơn.[29] Album đưa vào các bài ballad "Human Nature", "The Girl Is Mine" và "The Lady in My Life", những bài funk là "Billie Jean" và "Wanna Be Startin' Something'", còn những bài disco là "Baby Be Mine" và "P.Y.T. (Pretty Young Thing)".[30][26][29][31]

"Wanna Be Startin' Somethin'" tiến tới đoạn cao trào bằng một khúc thánh ca lấy cảm hứng gốc Phi (thường bị nhầm là tiếng Swahili, song thực ra là âm tiết dựa trên tiếng Duala),[32] mang lại cho ca khúc màu sắc quốc tế.[33] "The Girl Is Mine" thuật lại cuộc ẩu đả của hai người bạn nhằm tranh giành một cô gái, phân định xem ai yêu cô ấy hơn và kết thúc bằng một đoạn rap.[14][33] Những bài trong album có nhịp trải dài từ 80 nhịp/phút trong "The Girl is Mine" đến 138 nhịp/phút trong "Beat It".[34]

Thriller là tiền đề cho những đề tài mâu thuẫn trong các tác phẩm sau này của Jackson.[35] Với Thriller, Jackson bắt đầu sử dụng mô típ các đề tài u ám và paranoia hơn, kể cả hình ảnh siêu nhiên ở bài tiêu đề.[30] Điều này được thể hiện rõ trong các bài "Billie Jean", "Wanna Be Startin' Somethin'" và "Thriller".[26] Ở "Billie Jean", Jackson hát về một người hâm mộ ám ảnh cho rằng anh là cha của con cô; trong "Wanna Be Startin' Somethin'" anh phản bác những lời đám tiếu của giới truyền thông.[30][29] Để thực hiện "Billie Jean", Jones đã bắt Jackson hát overdub qua một ống bìa cứng dài 6 foot (180 cm) và mời nghệ sĩ jazz saxophone Tom Scott trình bày bằng đàn synthesizer điều khiển bằng hơi lyricon. Nghệ sĩ bass Louis Johnson đảm nhiệm phần việc của mình trên cây guitar bass Yamaha. Bài hát mở đầu bằng phần giới thiệu dài xen cả tiếng trống và bass.[36] "Thriller" đưa vào những hiệu ứng âm thanh như tiếng cửa cọt kẹt, tiếng sấm, tiếng bước chân, tiếng gió và tiếng chó hú.[14]

Với thông điệp phản bạo lực băng đảng, "Beat It" trở thành nhạc phẩm tri ân West Side Story và là bài nhạc rock cross-over thành công đầu tiên của Jackson.[29][37] Sau này Jackson nói về "Beat It": "vấn đề là không phải ai cũng phải cứng cỏi, bạn có thể tránh một cuộc ẩu đả và vẫn là đàn ông. Không cứ phải chết thì mới chứng tỏ bạn là đàn ông".[33] "Human Nature" (do Steve Porcaro của ban nhạc Toto đồng sáng tác)[38] mang tính u sầu và nội tâm, như được truyền tải qua phần lời: "Looking out, across the morning, the City's heart begins to beat, reaching out, I touch her shoulder, I'm dreaming of the street".[nb 1][33]

Tính đến cuối thập niên 1970, khả năng ca hát của Jackson đã được khẳng định; AllMusic miêu tả anh là "giọng ca cực kỳ thiên phú".[39] Nhà phê bình Stephen Holden của Rolling Stone ví giọng hát của anh với "giọng lắp mơ màng, nín thở" của Stevie Wonder, và nhận xét "chất giọng tenor âm sắc tựa như lông vũ của Jackson tuyệt đẹp. Nó mượt mà luyến sang giọng giả thanh gây sửng sốt được sử dụng rất táo bạo."[40] Với việc phát hành Thriller, Jackson có thể hát trầm—hạ xuống âm trầm Đô—song anh thích hát bổng hơn vì giọng tenor trong nhạc pop có nhiều quãng hơn để tạo phong cách.[41] Nhà phê bình Christopher Connelly của Rolling Stone nhận xét rằng Jackson giờ đây hát bằng "giọng hoàn toàn trưởng thành" và "nhuốm màu buồn".[30]

"P.Y.T. (Pretty Young Thing)" (được ghi công cho James Ingram và Quincy Jones) và "The Lady in My Life" của Rod Temperton mang đến cho album hướng nhạc R&B mãnh liệt hơn; J. Randy Taraborrelli miêu tả "The Lady in My Life" là "lần gần nhất Jackson trình bày một bản ballad gợi cảm và đầy tính soul sau những năm tháng ở Motown".[33] Jackson đã sử dụng kỹ thuật "hát nấc cụt" (lần đầu được dùng trong bài "It's Too Late to Change the Time" vào năm 1973[42]) để tiếp tục đưa vào Thriller. Mục đích của nấc cụt—kiểu như nuốt không khí hoặc thở hắt ra—là để khơi gợi cảm xúc, có thể là phấn khích, buồn hoặc sợ hãi.[43]

Bìa đĩa

[sửa | sửa mã nguồn]

Tấm bìa của Thriller in hình Jackson diện bộ com lê màu trắng thuộc về nhiếp ảnh gia Dick Zimmerman. Tấm lót bìa gatefold để lộ một chú hổ con ở chân Jackson mà theo Zimmerman, Jackson giữ nó tránh mặt anh vì lo sợ nó bị trầy xước.[44] Một tấm hình khác chụp Jackson ôm chú hổ con được sử dụng cho bản đặc biệt của Thriller (2001).[45]

Phát hành và đón nhận thương mại

[sửa | sửa mã nguồn]

Thriller được phát hành vào ngày 29 tháng 11 năm 1982 thông qua Epic Records[46][47][48] và phân phối bởi CBS Records trên thị trường quốc tế.[49][50] Album giành ngôi quán quân trên bảng xếp hạng Billboard Top LPs & Tapes vào ngày 26 tháng 2 năm 1983. Có lúc cao điểm, Thriller bán ra một triệu bản/tuần.[41] Thrilleralbum bán chạy nhất tại Hoa Kỳ vào các năm 1983 và 1984, trở thành album đầu tiên bán chạy nhất trong hai năm. Nhạc phẩm còn sở hữu kỷ lục 47 tuần nắm giữ ngôi quán quân trên Billboard 200 (từ 26 tháng 2 năm 1983 đến 14 tháng 4 năm 1984) và vẫn nằm trong bảng xếp hạng trong 500 tuần không liên tục.[51][52]

Thriller là nhạc phẩm đột phá của Jackson khi chiếm ngôi đầu bảng xếp hạng tại Áo, Canada, Hà Lan, Liên hiệp Anh, Nhật Bản, Pháp, Thụy Sĩ, Úc và Ý. Album lấy chứng nhận kim cương ở Argentina, Canada, Đan Mạch, Mexico, Liên hiệp Anh và Pháp. Thriller bán ra ước tính 130.000 bản tại Hoa Kỳ mỗi năm; giành ngôi á quân trên bảng xếp hạng US Catalog vào tháng 2 năm 2003 và hạng 39 tại Liên hiệp Anh vào tháng 3 năm 2007. Đây hiện là album bán chạy thứ sáu trong lịch sử tại Liên hiệp Anh.[53]

Ngày 16 tháng 12 năm 2015, Thriller được chứng nhận 30 lần đĩa bạch kim bởi Hiệp hội công nghiệp ghi âm Hoa Kỳ (RIAA), nhờ tiêu thụ ít nhất 30 triệu đơn vị tại Hoa Kỳ.[54][55] Sau khi đưa doanh số streaming và track vào giải thưởng album của RIAA vào năm 2017, Thriller có được 33 lần đĩa bạch kim với tổng cộng 33 triệu đơn vị album tương đương.[56] Tính đến cuối năm 1983, Thriller trở thành album bán chạy nhất thế giới với 32 triệu bản được bán ra.[10][57] Đây hiện vẫn là album bán chạy nhất mọi thời đại với doanh số hơn 70 triệu bản toàn thế giới.[nb 2][62][63]

Đĩa đơn

[sửa | sửa mã nguồn]

Có bảy đĩa đơn được phát hành từ Thriller. Đĩa đơn đầu tiên là "The Girl Is Mine" bị phê phán là lựa chọn tồi; giới phê bình dự đoán rằng album sẽ gây thất vọng và cho rằng Jackson đang cúi đầu trước khán giả da trắng.[33] "The Girl Is Mine" nắm ngôi đầu bảng xếp hạng Billboard Hot Black Singles, lấy ngôi á quân trên Billboard Hot 100 và ngôi quán quân trên bảng xếp hạng Hot Adult Contemporary Tracks.[64]

"Billie Jean" được phát hành vào ngày 2 tháng 1 năm 1983.[65] Đĩa đơn giật ngôi quán quân trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 và nắm giữ vị trí này trong bảy tuần. Nhạc phẩm còn đứng đầu bảng Billboard Hot Black Singles trong ba tuần và nắm giữ ngôi quán quân trong chín tuần. Billboard liệt ca khúc là bài hát gây sốt thứ hai của năm 1983.[66] Đĩa đơn đứng đầu bảng ở chín quốc gia và lọt top mười ở nhiều nước khác. "Billie Jean" là một trong những đĩa đơn bán chạy nhất năm 1983, giúp Thriller trở thành album bán chạy nhất mọi thời đại. Đây cũng là đĩa đơn bán chạy nhất trong sự nghiệp solo của Jackson. "Billie Jean" được miêu tả là tiên phong trong "nhạc post-soul pop bóng bẩy" và cũng bước khởi đầu cho phong cách ca từ paranoid hơn của Jackson, thương hiệu được anh tái hiện ở những nhạc phẩm sau.[36]

Đĩa đơn thứ ba "Beat It"[67] cũng giành ngôi quán quân trên bảng xếp hạng Black Singles.[65] Billboard liệt đây là bài hát số năm của năm 1983. "Beat It" đạt ngôi quán quân tại Hà Lan và Tây Ban Nha.[65] "Wanna Be Startin' Somethin'" là đĩa đơn lọt top mười thứ tư liên tiếp của Jackson từ Thriller trên Billboard Hot 100, có lúc đạt vị trí cao nhất là hạng năm.[68] "Human Nature" (phát hành ngày 3 tháng 7 năm 1983)[69] đạt hạng bảy trên Billboard Hot 100 và vị trí á quân trên bảng xếp hạng Billboard Adult Contemporary.[68] "P.Y.T. (Pretty Young Thing)" (phát hành ngày 19 tháng 9 năm 1983)[70] thì đạt vị trí thứ mười trên Billboard Hot 100.[68]

Đĩa đơn cuối là "Thriller" được phát hành vào ngày 2 tháng 11 năm 1983.[71][72] Ban đầu đĩa này không được dự kiến phát hành, vì Epic thấy đây như một bài hát tiểu thuyết;[73] theo giám đốc Walter Yetnikoff: "Ai lại muốn một đĩa đơn nói về quái vật kia chứ?"[74] Tính đến giữa năm 1983, khi doanh số của Thriller bắt đầu tụt dốc, Jackson thuyết phục Epic phát hành "Thriller" kèm theo một MV mới.[74][75] Đĩa nhạc đạt vị trí số bốn trên Billboard Hot 100 và hạng ba trên Billboard Hot Black Singles.[68]

Video âm nhạc

[sửa | sửa mã nguồn]

Video âm nhạc (MV) của "Billie Jean" ra mắt vào ngày 10 tháng 3 năm 1983 trên MTV.[76] MV làm cho MTV—lúc ấy vẫn là một kênh âm nhạc tương đối mới và vô danh—được khán giả đại chúng chú ý. Đây là một trong những video đầu tiên của một nghệ sĩ da đen được kênh này chọn lên sóng thường xuyên, vì các giám đốc của kênh cho rằng nhạc của người da đen không đủ độ "rock".[77] Với sự đạo diễn của Steve Barron, MV chiếu cảnh một nhiếp ảnh gia bám theo Jackson. Giới săn ảnh không bao giờ bắt kịp anh, và khi chụp được xong thì Jackson không bao giờ được lên hình tấm ảnh. Anh nhảy tới khách sạn Billie Jean và khi dạo bước trên vỉa hè, mỗi viên gạch anh chạm vào đều phát sáng.[77][78]

MV của "Beat It" có buổi chiếu ra mắt trên khung giờ vàng của MTV vào ngày 31 tháng 3 năm 1983.[79] Để vừa tăng tính chân thực cho sản phẩm vừa giữ hòa khí, Jackson đã nảy ra ý tưởng tuyển mộ các thành viên của hai băng đảng địch thủ ở Los Angeles là băng CripsBloods,[80] rồi chọn được khoảng 80 thành viên băng đảng thật.[81] Nội dung MV là Jackson gắn kết hai gã giang hồ thông qua sức mạnh của âm nhạc và điệu nhảy. MV còn gây chú ý bởi "vũ đạo tập thể" của dàn vũ công diễn đồng bộ - về sau trở thành cột mốc trong các sản phẩm MV của Jackson.[78]

MV "Thriller" ra mắt trên MTV vào ngày 2 tháng 12 năm 1983.[82] Trong MV, Jackson và cô bạn gái (thể hiện bởi Ola Ray) đụng độ đám thây ma trên đường về nhà từ rạp chiếu phim; Jackson trở thành thây ma và thể hiện một điệu nhảy với một bầy undead.[74] Tác phẩm được MTV ghi danh là MV hay nhất mọi thời đại vào năm 1999, cũng như được VH1[83]Time ghi danh tương tự vào năm 2001.[84] Năm 2009, tác phẩm trở thành MV đầu tiên được Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ lựa chọn để đưa vào Viện lưu trữ phim quốc gia.[85] Thư viện miêu tả đây là "MV nổi tiếng nhất mọi thời đại".[86]

Đánh giá chuyên môn

[sửa | sửa mã nguồn]
Đánh giá chuyên môn
Nguồn đánh giá
NguồnĐánh giá
AllMusic[87]
Blender[88]
Christgau's Record GuideA[89]
Encyclopedia of Popular Music[90]
Entertainment WeeklyA[91]
MusicHound R&B[92]
Q[93]
Rolling Stone[30]
The Rolling Stone Album Guide[94]
Slant Magazine[31]

Trong bài đánh giá đương thời cho Rolling Stone, Christopher Connelly gọi Thriller là "một đĩa LP sôi động" với "thông điệp u tối và đau thương". Anh so sánh các bài hát trong album với những biến cố trong cuộc sống mà cậu thanh niên 24 tuổi Jackson phải đối mặt kể từ Off the Wall, đồng thời nhận định rằng anh "đã bỏ giọng giả thanh nam tính" và đối diện trước "những thử thách trực tiếp" bằng "quyết tâm sôi nổi" và "chất giọng hoàn toàn trưởng thành". Connelly lưu ý bước tiến âm nhạc của Jackson so với Off the Wall: "Thái độ mới của Jackson mang đến cho Thriller sự khẩn trương sâu sắc, song giàu cảm xúc và ít mâu thuẫn hơn so với bất kì tác phẩm nào của anh trước đây, đồng thời đánh dấu bước ngoặt mới trong sự phát triển sáng tạo của nghệ sĩ trình diễn tài năng phi thường này."[30]

John Rockwell viết trên The New York Times rằng có lẽ Jackson "đôi khi là nghệ sĩ trình diễn... quá lành nghề", có lúc Quincy Jones có thể "đánh mất bản sắc của mình" với "khâu sản xuất có hơi nặc danh", và Jackson có thể giấu những cảm xúc thật đằng sau "những lớp mạng che mặt mỏng song bất khả xâm phạm".[95] Tuy nhiên, Rockwell xem Thriller là "một đĩa nhạc pop tuyệt vời, phát ngôn mới nhất của một trong những ca sĩ giỏi nhất nhạc đại chúng ngày nay" và có "quá nhiều bài hit [trong album]". Rockwell tin rằng nhạc phẩm giúp phá vỡ "những rào cản hủy diệt thường phát sinh giữa nhạc của người da trắng và da đen", đặc biệt vì "những ấn phẩm và đài phát thanh của người da trắng thường tránh nhạc của người da đen, sau cùng dường như sẵn sằng giả vờ rằng anh [Jackson] không phải người da đen".[95] Trên The Village Voice, Robert Christgau nhận xét: "đây thực sự là một sản phẩm chứa đầy bài hit, song ở mật độ cao như thế thì kiểu gì tác phẩm cũng vào hàng ngũ kinh điển".[96] Sau này ông viết trong cuốn Christgau's Record Guide: The '80s (1990): "những gì chúng ta chẳng thể biết được là mọi bài hit (ngoại trừ 'P.Y.T.') sẽ phát triển nhờ tiếp xúc đông đảo và sự ưa chuộng của khán giả kinh khủng đến nhường nào."[89]

Một năm sau khi phát hành album, Time nhận định ngắn gọn về ba đĩa đơn chính trích từ album: "Nhịp đập của nước Mỹ và đa số phần còn lại của thế giới diễn ra không đều, đập theo bước đi rắn rỏi của 'Billie Jean', khúc aria nhựa đường của 'Beat It' [và] cảm giác rùng mình cực ngầu của 'Thriller'."[41] Năm 1989, các nhà phê bình âm nhạc của Toronto Star nhìn lại những album mà họ đã đánh giá trong mười năm qua nhằm lập danh sách đánh giá chúng trên cơ sở "tác động thương mại đến tầm quan trọng trong xã hội, cho tới giá trị âm nhạc thuần túy." Thriller được xếp số một trong danh sách, album được xem là "tác phẩm bậc thầy" và "thành công thương mại nở rộ từ lúc ấy đã làm lu mờ đi thành tựu nghệ thuật trong Thriller của Jackson, và điều đấy thật đáng tiếc. Đây là bản nhạc của thời đại, tràn ngập sự chờ đợi nghẹt thở và nỗi sợ khiếp vía thế giới của người lớn, khả năng tưởng tượng xuất chúng đầy sức nóng gợi cảm, song vẫn có chỗ cho suy ngẫm nghiêm túc".[97]

Thriller đứng đầu bảng bầu chọn Pazz & Jop của The Village Voice vào năm 1983.[98] Album thắng kỷ lục tám giải Grammy tại lễ trao giải Grammy lần thứ 26, tính cả giải Album của năm. Jackson thắng tới bảy giải Grammy cho album, còn giải thứ tám dành cho Bruce Swedien.[99][100][101] Cùng năm ấy, Jackson ẵm tám giải Âm nhạc Mỹ, tính cả giải Giá trị Âm nhạc Mỹ, cùng ba giải Video âm nhạc của MTV. Thriller được công nhận là album bán chạy nhất mọi thời đại vào ngày 7 tháng 2 năm 1984, khi nhạc phẩm có tên trong Sách Kỷ lục Thế giới Guinness.[102]

Ảnh hưởng và di sản

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngành công nghiệp âm nhạc

[sửa | sửa mã nguồn]
Jackson (giữa) cùng Tổng thống Hoa Kỳ Ronald ReaganĐệ nhất Phu nhân Nancy Reagan tại Nhà Trắng vào năm 1984

Sau khi phát hành Thriller, thành công tức thì của Jackson đã giúp anh có vị thế quan trọng về mặt văn hóa mà trước đây chưa một người Mỹ gốc Phi nào có được trong lịch sử ngành công nghiệp giải trí.[103] Blender miêu tả Jackson là "biểu tượng nhạc pop ưu tú cuối thế kỷ 20", còn The New York Times đưa ra nhận định anh là "hiện tượng âm nhạc" và "trong thế giới nhạc pop, một là Michael Jackson và hai là phần còn lại".[36][104] Richard Corliss của Time ngợi ca Thriller là "album nhạc pop xuất sắc nhất mọi thời đại".[105] Jackson thay đổi cách vận hành của ngành công nghiệp: vừa là nhân vật nghệ thuật vừa là thực thể tài chính và đắt khách. Luật sư John Branca của anh nhận xét rằng Jackson đạt được tỷ lệ tác quyền cao nhất trong ngành âm nhạc lúc bấy giờ: khoảng 2 đô la Mỹ (tỷ giá 5,63 đô la Mỹ vào năm 2022)[11] cho từng album tiêu thụ được.[106]

Nhờ thế, Jackson kiếm được lợi nhuận kỷ lục từ doanh số bán đĩa CD và doanh số bán bản sao của bộ phim tài liệu The Making of Michael Jackson's Thriller (do Jackson và John Landis sản xuất). Với sự tài trợ của MTV, bộ phim bán ra hơn 350.000 bản trong vài tháng đầu phát hành. Ở một thị trường bị đĩa đơn chi phối, Thriller nâng cao tầm quan trọng của album, song nhiều đĩa đơn ăn khách từ nhạc phẩm đã thay đổi quan niệm lâu nay khi số lượng đĩa đơn thành công có thể được trích từ một album lẻ.[29] Kỷ nguyên chứng kiến sự xuất hiện của những vật phẩm mới lạ như búp bê Michael Jackson, chúng xuất hiện tại các cửa hàng vào tháng 5 năm 1984 với giá 12 đô la Mỹ (tỷ giá 34 đô la Mỹ vào năm 2022)[11][41] Thriller vẫn nắm giữ một vị trí trong nền văn hóa Mỹ; cây viết tiểu sử J. Randy Taraborrelli lý giải: "Có lúc Thriller đã ngừng bán như một vật phẩm giải trí—như tạp chí, đồ chơi, vé xem phim ăn khách—và bắt đầu tiêu thụ như một nhu yếu phẩm của hộ gia đình".[107]

Thriller được phát hành vào thời kỳ thịnh vượng của kỷ nguyên album, giai đoạn mà đĩa nhạc thời lượng dài soán ngôi đĩa đơn thành hình thức tiêu thụ nhạc và trình bày nghệ thuật thống trị trong ngành. Tuy nhiên, thành công của các đĩa đơn từ Thriller lại đánh dấu sự phục hồi doanh số ngắn ngủi của định dạng này.[108] Ở thời điểm ra mắt album, Gil Friesen (chủ tịch của hãng A&M Records lúc ấy) đưa ra thông cáo báo chí: "Cả ngành công nghiệp đặt cược vào thành công này".[41] Tạp chí Time suy đoán rằng "hệ quả là Thriller mang lại cho ngành [âm nhạc] năm tuyệt nhất kể từ những ngày tháng huy hoàng của năm 1978, khi năm ấy có tổng doanh thu nội địa ước tính đạt 4,1 tỷ đô la Mỹ".[41] Time nhận xét ngắn gọn tác động của Thriller là "khôi phục niềm tin" cho ngành công nghiệp trên bờ vực "thoái trào của nhạc punk và những vùng kiểu cách của synthesizer pop". Ấn phẩm miêu tả ảnh hưởng của Jackson thời điểm ấy là "Ngôi sao của đĩa nhạc, phát thanh và video nhạc rock. Một đội-một-người giải cứu ngành âm nhạc. Một nhạc sĩ sáng tác bài hát tạo nên nhịp điệu cho cả một thập niên. Một vũ công với bước nhảy cuốn hút nhất trên phố. Một ca sĩ vượt mọi ranh giới của thị hiếu, phong cách và cả màu sắc nữa".[41]

Thập niên 80 là thời điểm các ngôi sao thay thế nghệ sĩ thành những người nắm tầm quan trọng... Khi nghệ thuật là tài sản trí tuệ, hình ảnh và tinh hoa gộp thành tính thẩm mỹ, bất kể đó chính xác là gì. Khi nghệ thuật là tư bản, doanh số kết nối với chất lượng thẩm mỹ—mà số lượng của Thriller nằm trong trải nghiệm ấy.

Robert Christgau viết trong cuốn Christgau's Record Guide: The '80s (1990)[109]

Khi Thriller và "Billie Jean" đang tìm cách tiếp cận thị trường nhân khẩu học, MTV và truyền hình cáp có thị phần nhỏ hơn nhiều so với thị phần rộng lớn của các đài phát sóng truyền hình ở Hoa Kỳ. CBS/Epic Records bày tỏ mong muốn quảng bá Thriller với khán giả truyền hình toàn quốc trên các đài liên kết của ABC, NBC và CBS, cũng như những đài truyền hình độc lập lớn. MV đầu tiên của "Billie Jean" từ album Thriller có màn ra mắt trên truyền hình quốc gia vào dịp tuần lễ Halloween vào tháng 10 năm 1984 và đấy là ý tưởng của Charles Henderson và Jerry Crowe (hai vị giám đốc sản xuất của Video Concert Hall).[110][111] Video Concert Hall (kênh truyền hình toàn quốc đầu tiên chuyên phát MV) đã ghi hình chương trình đặc biệt dài một giờ tại Hollywood và Atlanta, nơi tọa lạc các phòng thu truyền hình của Video Concert Hall.[112][113][114][115] Chương trình truyền hình đặc biệt của Thriller được dẫn bởi Vincent Price (diễn viên đóng trong MV Thriller), với đơn vị phân phối là Henderson-Crowe Syndications, Inc. và phát sóng tại hai mươi thị trường truyền hình hàng đầu và phần lớn lãnh thổ Hoa Kỳ, gồm các đài truyền hình WNEW (New York), WFLD (Chicago), KTTV (Los Angeles), WPLG (Miami), WQTV (Boston) và WXIA (Atlanta) - tổng cộng là 150 đài truyền hình.[110][111]

Thriller gây tác động tiên phong trong thể loại nhạc và crossover của người da đen. Theo chuyên gia nghiên cứu âm nhạc dân tộc Miles White, album hoàn toàn định nghĩa "âm thanh của dòng R&B post-disco đương đại" và "cập nhật tính thẩm mỹ crossover - thứ từng là chén thánh của nhạc quần chúng người da đen kể từ Louis Jordan ở thập niên 1940". Sau khi nhận thấy sự thống trị dòng nhạc pop đại chúng chưa từng có tiền lệ của một nghệ sĩ người Mỹ gốc Phi, White tiếp tục viết: "sự chọn lọc bài hát và thẩm mỹ âm thanh của nhạc phẩm phù hợp với cả những tâm hồn yêu nhạc soul lẫn nhạc pop, hấp dẫn nhiều khán giả và tiêu thụ vượt lằn ranh của chủng tộc, giới tính, giai cấp và thế hệ", đồng thời cho thấy sự nổi lên của Jackson khỏi Motown thành "vua của nhạc pop-soul crossover".[116] Cây viết Simon Vozick-Levinson của Entertainment Weekly xem đây là "album nhạc pop-soul vĩ đại nhất",[117] Sau khi đưa đĩa nhạc vào danh sách 40 album gây đột phá nhất mọi thời đại, Rolling Stone viết: "Thật khó mà hình dung bối cảnh âm nhạc ngày nay nếu không có Thriller - tác phẩm thay đổi cuộc chơi cả về mặt âm thanh lẫn thị trường. Sự pha trộn bất ngờ và mạnh mẽ các dòng pop, rock và soul trong album gửi đi những làn sóng gây địa chấn khắp đài phát thanh, mời cả những màn crossover nổi tiếng nhất (như khúc guitar solo của Eddie Van Halen trong bài "Beat It") và những nỗ lực đan xen thể loại âm thầm hơn. Những MV giàu chất điện ảnh và hấp dẫn của album — từ bộ phim ngắn "Thriller" do John Landis chỉ đạo nhằm ủng hộ tri ân West Side Story cùng với "Beat It" — đã hợp thức hóa hình thức còn non trẻ và buộc MTV phải đưa nghệ sĩ đa đen vào danh sách phát nhạc của kênh. Chiến lược quảng bá album (dẫn tới phát hành bảy trong số chín bài thành đĩa đơn) đã nâng cao tiêu chuẩn cho cái thực sự tạo nên một LP "đầy hit". Bên cạnh gây đột phá, đĩa nhạc cũng phá vỡ các kỷ lục, chỉ ra nhạc pop có thể vươn xa tới mức nào: album bán chạy nhất mọi thời đại, album đầu tiên thắng tám giải Grammy chỉ trong một đêm và album đầu tiên trụ trong top 10 bảng xếp hạng trong một năm."[118]

Epic Records cũng phản ánh về tầm quan trọng của album: "Hơn cả một album, Thriller vẫn là hiện tượng đa truyền thông văn hóa toàn cầu ở cả thế kỷ 20 và 21, đập tan những rào cản âm nhạc và thay đổi biên giới của nhạc pop mãi mãi. Âm nhạc trong Thriller quá bùng nổ và phi thường đến mức nó thách thức bất kỳ định nghĩa nào về rock, pop hay soul ra đời trước đó."[119]

Từ khoảnh khắc Thriller được phát hành, album đặt ra tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp âm nhạc: nghệ sĩ, hãng đĩa, nhà sản xuất, nhà tiếp thị và thậm chí cả vũ công. MV đã đi trước thời đại và được xem là tác phẩm cột mốc—không chỉ trong sự nghiệp của Jackson, mà còn trong lịch sử nhạc pop. Cách tiếp cận nhằm tạo ra bài hát và MV hấp dẫn thị trường đại chúng của Epic Records cuối cùng đã tác động tới phương thức tiếp thị và phát hành bài hát của những chuyên gia ngày nay.[120] Quá trình dựng phim ngắn của John Landis (thay vì làm MV ngắn thông thường) làm nâng cao tiêu chuẩn cho các đạo diễn và nhà sản xuất khác.[121]

Video âm nhạc và bình đẳng chủng tộc

[sửa | sửa mã nguồn]
Các video âm nhạc (MV) và đĩa đơn của Thriller—tính cả bài song ca "The Girl Is Mine" với Paul McCartney—được ghi nhận giúp thúc đẩy bình đẳng chủng tộc ở Hoa Kỳ.

Trước thành công của Thriller, nhiều người thấy Jackson phải chật vật để lấy suất phát sóng của MTV vì là người da đen.[36] Chủ tịch Walter Yetnikoff của CBS Records nhắc MTV: "Tôi sẽ không mang cho các người bất cứ video nào nữa và tôi sẽ công khai nói với công chúng về sự thật là các người không bật nhạc của người da đen."[36] Yetnikoff đã thuyết phục MTV bắt đầu phát sóng "Billie Jean" và "Beat It", mở đầu quan hệ hợp tác lâu dài và giúp những nghệ sĩ da đen khác được khán giả đại chúng công nhận.[122] MTV phủ nhận tuyên bố phân biệt chủng tộc trong khâu phát sóng của kênh.[123]

Độ phổ biến của các MV của Jackson (như "Beat It" và "Billie Jean") giúp MTV trở nên thịnh hành, và kênh này chuyển trọng tâm sang nhạc pop và R&B.[122][124] Jackson biến phương tiện MV thành loại hình nghệ thuật và công cụ quảng bá nhờ sử dụng các tuyến truyện phức tạp, thói quen nhảy, hiệu ứng đặc biệt và góp mặt khách mời là người nổi tiếng.[29]

Với thời lượng phát sóng MV "Thriller" dài mười bốn phút, MTV phát bài ấy hai lần/giờ nhằm đáp ứng nhu cầu của khán giả.[125] MV đánh dấu tăng quy mô làm MV và thường được ghi danh là MV hay nhất từ trước đến nay.[29] MV được ghi nhận đã biến video âm nhạc thành loại hình nghệ thuật nghiêm túc, phá tan rào cản chủng tộc trong ngành giải trí đại chúng và làm phổ biến định dạng làm phim tài liệu.[126] Nhiều yếu tố có tác động lâu dài tới văn hóa đại chúng như điệu nhảy thây ma và chiếc áo jacket đỏ của Jackson (do Deborah Nadoolman - vợ của Landis thiết kế).[126]

Tác giả, nhà phê bình âm nhạc và nhà báo Nelson George viết vào năm 2004: "Thật khó để nghe các bài hát từ Thriller và tách chúng khỏi MV. Đối với hầu hết chúng ta, hình ảnh đã định nghĩa các bài hát. Thực tế có thể nhận định rằng Michael là nghệ sĩ đầu tiên của thời đại MTV sở hữu nguyên một album kết nối mật thiết hình dung của khán giả với hình ảnh của nhạc phẩm".[127] Những bộ phim ngắn như Thriller chủ yếu vẫn là có một không hai đối với Jackson, còn cảnh nhóm nhảy ở bài "Beat It" thì thường xuyên bị bắt chước. Vũ đạo trong Thriller trở thành một phần của văn hóa đại chúng, nhân rộng khắp nơi từ Bollywood tới các nhà tù ở Philippines.[128]

Thành công của một nghệ sĩ da đen như Jackson là chưa từng có tiền lệ. Time viết vào năm 1984: "Jackson là nhân vật đình đám nhất kể từ the Beatles. Anh là hiện tượng đĩa đơn gây sốt nhất kể từ Elvis Presley. Anh có thể là ca sĩ da đen nổi tiếng nhất từ trước đến nay."[41] Theo The Washington Post, Thriller mở đường cho các nghệ sĩ người Mỹ gốc Phi khác giành được sự công nhận của khán giả đại chúng, chẳng hạn như Prince.[129] Christgau ghi nhận "The Girl Is Mine" đã làm cho đài phát thanh tiếp xúc với ý tưởng tình yêu liên chủng tộc.[130]

Tái đánh giá

[sửa | sửa mã nguồn]

Thriller tiếp tục nhận được những lời tán dương của giới phê bình. Stephen Thomas Erlewine của AllMusic nhận xét rằng tác phẩm có thứ làm mọi người quan tâm. Ông tin rằng tác phẩm vừa phô diễn chất funk và hard rock thô ráp hơn, vừa "thú vị không phải bàn cãi" và viết rằng "Wanna Be Startin' Somethin'" là "bài nhạc funk tươi mới nhất trong album [song] lại là bài đáng sợ và ngột ngạt nhất mà Jackson từng thu âm." Erlewine thấy rằng đây là bước cải tiến so với album trước của Jackson, dẫu vậy anh phê phán bài tiêu đề là "lố bịch" và "phá hỏng khoảnh khắc" của nhạc phẩm.[87] Trong cuốn The New Rolling Stone Album Guide (2004), Jon Pareles ghi rằng Jackson đã "tăng tham vọng lên gấp đôi và tăng lượng khán giả của mình lên gấp bội ... Thriller có thêm sự hỗ trợ âm nhạc để trở thành album [không phải tuyển tập] bán chạy nhất mọi thời đại: bước nhảy và sự hiện diện sáng chói của Jackson trên sân khấu, được khuếch đại bởi phạm vi quảng bá MV mới toanh và sự bao bọc người nổi tiếng hào nhoáng của kỷ nguyên Reagan. Nhưng đặc biệt trong bảy đĩa đơn ăn khách (trong tổng số chín bài hát) của album, âm nhạc có chỗ đứng của riêng nó."[94] Nhà phê bình văn hóa Nelson George viết rằng Jackson "đã dạy cho R. Kelly, Usher, Justin Timberlake và vô số hậu bối bằng một cuốn sách giáo khoa như Thriller".[131]

Thứ hạng

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1992, Thriller được trao giải đặc biệt của Billboard nhân kỷ niệm mười năm ra đời ấn phẩm.[132] Năm 2000, album được bầu ở hạng 64 trong cuốn All Time Top 1000 Albums của Colin Larkin. Nhạc phẩm đứng thứ hai trong Top 50 album soul/R&B mọi thời đại. Cuốn sách ghi rằng đây là ví dụ điển hình nhất của disco pop hoàn hảo, và là đĩa nhạc nên được "kê đơn" cho những khán thính giả đua đòi và người hưng trầm cảm.[133] Tại lễ trao giải âm nhạc Billboard 2002, nhằm thể hiện sự trường tồn của album, Thriller nhận được giải đặc biệt của Billboard lần thứ hai như để ghi nhận thành tích nắm giữ nhiều tuần ở ngôi quán quân Billboard 200 hơn bất kỳ album nào khác trong lịch sử.[134] Năm 2003, nhạc phẩm đứng thứ 20 trong danh sách 500 album vĩ đại nhất của Rolling Stone, và vẫn giữ vị trí này trong danh sách tái biên tập năm 2012 — đây là thứ hạng cao nhất của một album nhạc pop ở cả hai danh sách.[135] Ở danh sách cập nhật của Rolling Stone vào năm 2020, Thriller đứng hạng 12.[136] Đĩa nhạc được Hiệp hội nhà buôn âm nhạc quốc gia (NARM) hợp tác với Đai sảnh Danh vọng Rock and Roll xếp thứ ba trong danh sách 200 album định nghĩa mọi thời đại.[137][135] "Beat It" và "Billie Jean" đều được đưa vào 500 bài hát định hình Rock and Roll của Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll.[138] Năm 2006, Time điền tên Thriller vào danh sách 100 album mọi thời đại.[139] Năm 2008, tức 25 năm sau ngày phát hành album, tác phẩm được ghi danh vào Đại sảnh Danh vọng Grammy và vài tuần sau thì tiếp tục có mặt trong 25 bản thu âm được Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ chọn để bảo quản tại Viện lưu trữ thu âm quốc gia bởi "ý nghĩa quan trọng về mặt văn hóa".[140][141] Năm 2009, các nhà phê bình âm nhạc của MTV BaseVH1 đều ghi danh Thriller là album hay nhất được phát hành kể từ năm 1981.[142] Tiếp đó, Thriller cùng các ứng viên khác mà giới phê bình yêu thích được khán giả bầu chọn. 40.000 khán giả xem Thriller là album hay nhất mọi thời đại của MTV Generation, giành một phần ba tổng số phiếu bầu.[142] Thriller được xếp thứ ba trong danh sách Album vĩ đại nhất mọi thời đại của Billboard 200.[143] Billboard còn ghi danh album ở hạng tư trong danh sách Toàn bộ 92 album đoạt chứng nhận kim cương xếp hạng từ tệ nhất tới hay nhất: Critic's Take.[144] Năm 2018, The Independent tôn vinh Thriller là "album truyền cảm hứng nhất mọi thời đại".[145]

Tái bản và doanh số catalog

[sửa | sửa mã nguồn]
Tập tin:Thriller platinum record, Hard Rock Cafe Hollywood.JPG
Đĩa bạch kim Thriller được trưng bày tại Hard Rock CafeUniversal City, California

Thriller được tái bản vào ngày 16 tháng 10 năm 2001 trong một bộ đĩa mở rộng mang tên Thriller: Special Edition. Album được cải tạo âm thanh và đưa vào một cuốn sổ và chất liệu tặng kèm mới, kể các bài "Someone in the Dark", "Carousel" và đĩa nháp gốc bài "Billie Jean" của Jackson, cũng như các băng thu buổi phỏng vấn với Jones và Temperton. Sony còn thuê kỹ sư âm thanh và người trộn âm Mick Guzauski[146][147] chế tác các bản phối Thriller bằng âm thanh vòm trên kênh 5.1 và các album khác của Jackson theo định dạng Super Audio CD, song Jackson không chấp nhận chúng.[148] Vì thế mà Thriller chỉ được phát hành trên SACD bằng âm thanh lập thể.[149] P Mãi đến tháng 11 năm 2022, phiên bản âm thanh vòm của Thriller mới được ra mắt, khi Sony chế tác và phát hành các bản phối Thriller bằng 360 Reality AudioDolby Atmos lần lượt dành cho các nền tảng phát nhạc Amazon MusicApple Music nhân kỷ niệm 40 năm phát hành album.[150]

Tháng 2 năm 2008, Epic Records phát hành Thriller 25; Jackson giữ vị trí giám đốc sản xuất.[151] Thriller 25 có mặt trên CD, USB và vinyl cùng bảy bài tặng kèm, ca khúc mới"For All Time", một đoạn thu giọng lồng tiếng của Price và năm bản phối có sự tham gia của các nghệ sĩ Fergie, will.i.am, Kanye WestAkon.[151][152][153] Sản phẩm còn đưa vào đĩa DVD đính kèm ba MV, màn trình diễn "Billie Jean" tại Motown 25 và một cuốn sổ tay với lời nhắn của Jackson.[151] Bản ballad "For All Time" được cho là ra đời từ năm 1982, song thường được đề tên xuất phát từ các buổi ghi nháp của Dangerous.[154]

Thriller 25 đã gặt hái thành công thương mại và đặc biệt bán đĩa tốt khi tái bản. Đĩa nhạc giành ngôi quán quân ở tám quốc gia và châu Âu. Sản phẩm vươn lên vị trí á quân (hạng cao nhất) tại Hoa Kỳ, hạng ba tại Liên hiệp Anh và lọt top mười ở hơn 30 bảng xếp hạng quốc gia. Tác phẩm giành được chứng nhận Vàng ở 11 quốc gia (tính cả Liên hiệp Anh), 2 lần chứng nhận đĩa vàng ở Pháp và chứng nhận bạch kim ở Phần Lan.[155][156][157] Ở Hoa Kỳ, Thriller 25 là album bán chạy thứ hai trong tuần phát hành, bán ra 160 ngàn bản, thiếu mỗi mười bốn ngàn bản nữa để đoạt ngôi đầu. Album không đủ điều kiện có mặt trên bảng xếp hạng Billboard 200 do là đĩa tái phát hành song giành được ngôi quán quân trên Pop Catalog Charts (album nắm giữ vị trí này trong mười tuần không liên tục),[158] đạt mức doanh số tốt nhất trên bảng xếp hạng ấy kể từ tháng 12 năm 1996.[159][160][161] Đúng vào dịp lễ Halloween, Thriller 25 có mười một tuần không liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng catalog của Mỹ. Thành tích này nâng doanh số bán album tại Hoa Kỳ lên con số 688.000 bản, trở thành album catalog bán chạy nhất năm 2008.[162] Đây là tác phẩm ra mắt thành công nhất của Jackson kể từ Invincible (2001), tiêu thụ ba triệu bản toàn thế giới sau mười hai tuần.[163]

Sau khi Jackson mất vào tháng 6 năm 2009, Thriller thiết lập thêm những kỷ lục nữa. Album tiêu thụ 101.000 đơn vị tại Hoa Kỳ trên bảng xếp hạng tuần kết thúc ngày 1 tháng 7 năm 2009 và là album bán chạy thứ ba trong tuần. Album xếp hạng ba trên bảng xếp hạng Top Pop Catalog Albums.[164] Ở tuần kế tiếp, album bán ra 187.000 đơn vị tại Hoa Kỳ trên bảng xếp hạng kết thúc ngày 8 tháng 7 năm 2009 và là album bán chạy thứ hai trong tuần [165] Những bài hát từ Thriller còn giúp Jackson trở thành nghệ sĩ đầu tiên tiêu thụ hơn một triệu lượt tải bài hát trong một tuần.[166] Theo Nielsen SoundScan, Thriller là album đắt khách thứ mười bốn của năm 2009 ở Hoa Kỳ, với 1,27 triệu bản bán được.[167]

Trong vòng một tuần bắt đầu từ ngày 20 tháng 11 năm 2015, Google Play Music mang đến bản sao album miễn phí độc quyền tới người dùng tại Hoa Kỳ, đưa vào đĩa nháp "Billie Jean" (1981) làm bài bổ sung.[168] Ngày 18 tháng 11 năm 2022, Sony Music phát hành Thriller 40, sản phẩm tái bản kỷ niệm 40 năm ra đời Thriller, gồm một đĩa tặng kèm chứa những đoạn thu thử lỗi trong các buổi ghi nháp gốc.[169]

Danh sách bài hát

[sửa | sửa mã nguồn]
Mặt một
STTNhan đềSáng tácNhà sản xuấtThời lượng
1."Wanna Be Startin' Somethin'"Michael Jackson6:03
2."Baby Be Mine"Rod TempertonJones4:20
3."The Girl Is Mine" (với Paul McCartney)Jackson
  • Jones
  • Jackson[a]
3:42
4."Thriller"TempertonJones5:58
Mặt hai
STTNhan đềSáng tácNhà sản xuấtThời lượng
1."Beat It"Jackson
  • Jones
  • Jackson[a]
4:17
2."Billie Jean"Jackson
  • Jones
  • Jackson[a]
4:57
3."Human Nature"Jones4:06
4."P.Y.T. (Pretty Young Thing)"Jones3:58
5."The Lady in My Life"TempertonJones5:00
Tổng thời lượng:42:16

Ghi chú

  • ^[a] đồng sản xuất
  • Những ấn phẩm đầu chứa bản phối gốc của "Billie Jean" trong album. Khác biệt chính là đoạn hát ngẫu hứng "oh no" âm lượng trầm ở phiên khúc thứ hai.

Nhân sự

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhân sự được liệt kê ở ghi chú lót của album:[170]

  • Tom BahlerSynclavier (bài 5)
  • Brian Banks – synthesizer (bài 4), lập trình synthesizer (2)
  • Steve Bates – kỹ sư trợ lý (bài 3, 7–9)
  • Michael Boddicker – synthesizer (bài 1, 2), Emulator (6–9), Vocoder (8), hát bè (1)
  • Bruce Cannon – hiệu ứng (bài 4)
  • Leon "Ndugu" Chancler – trống (bài 2, 6, 8)
  • Paulinho da Costa – bộ gõ (bài 1, 7)
  • Mark Ettel – kỹ sư trợ lý (bài 3, 7–9)
  • Matt Forger – kỹ sư (bài 2, 3, 7–9)
  • David Foster – synthesizer (bài 3), chuyển soạn synthesizer (3)
  • Humberto Gatica – kỹ sư (bài 3, 7–9)
  • Gary Grant – trumpet và flugelhorn (bài 1, 2, 4)
  • Bernie Grundman – kỹ sư cải tạo âm thanh (bài 2, 3, 7–9)
  • Nelson Hayes – bàn dậm bước trong phòng tắm (bài 1)
  • Howard Hewett – hát bè (bài 8)
  • Jerry Hey – chuyển soạn kèn co, trumpet và flugelhorn (bài 1, 2, 4), chuyển soạn đàn dây (3, 6), chỉ huy dàn nhạc dây (3)
  • Bunny Hull – hát bè (bài 1, 8)
  • James Ingram – hát bè (bài 1, 8), keyboard, vỗ tay, và chuyển soạn nhạc (8)
  • Janet Jackson – hát bè (bài 8)
  • La Toya Jackson – hát bè (bài 8)
  • Michael Jackson – đồng sản xuất (bài 1, 3, 5, 6), hát chính (toàn bộ các bài), hát bè (1–7, 9), drum programming (1, 4), máy đánh trống (bài 5), vỗ tay (8), chuyển soạn kèn co và bàn dậm bước trong phòng tắm (1), chuyển soạn giọng (1, 3, 5, 6), chuyển soạn nhịp (1, 5, 6), chuyển soạn synthesizer (6)
  • Paul Jackson Jr. – guitar (bài 5, 8, 9)
  • Louis Johnson – guitar bass (bài 1, 3, 6, 8, 9), vỗ tay (8)
  • Quincy Jones – nhà sản xuất (all bài), chuyển soạn nhịp (bài 1, 3, 5), chuyển soạn giọng (3), chuyển soạn nhạc (8)
  • Donn Landee - kỹ sư (bài 5 guitar solo)
  • Becky López – hát bè (bài 1, 8)
  • Jerry Lubbock – chỉ huy nhạc cụ dây (bài 6)
  • Steve Lukather – guitar (bài 3, 5, 7), guitar bass (5), chuyển soạn nhạc (7)
  • Anthony Marinelli – lập trình synthesizer (bài 2, 4)
  • Paul McCartney – hát chính (bài 3)
  • David Paich – synthesizer (bài 2, 7, 9), chuyển soạn nhịp và dương cầm (3), chuyển soạn nhạc (7)
  • Dean Parks – guitar (bài 3)
  • Greg Phillinganes – keyboard (2, 4), synthesizer (1, 2, 4–6, 8), Fender Rhodes (1, 3, 5, 6, 9), lập trình synthesizer và vỗ tay (8)
  • Jeff Porcaro – trống (bài 3, 5, 7, 9)
  • Steve Porcaro – synthesizer (bài 5, 7, 9), lập trình synthesizer (2, 3, 5, 7), chuyển soạn (7)
  • Vincent Pricevoice-over (bài 4)
  • Steven Ray – bàn dậm bước trong phòng tắm (bài 1), vỗ tay (8)
  • Bill Reichenbachtrombone (bài 1, 2, 4)
  • Greg Smith – Synergy (bài 5), synthesizer (6)
  • Bruce Swedienkỹ sư thu âm và người trộn âm (toàn bộ các bài), hiệu ứng (4)
  • Chris Shepard – vibraslap (bài 5)
  • Rod Temperton – synthesizer (bài 4), chuyển soạn giọng và nhịp (2, 4, 9)
  • Eddie Van Halen – guitar solo (bài 5)
  • Jerry Vinci – chỉ huy trưởng dàn nhạc (bài 3)
  • Julia Waters – hát bè (bài 1)
  • Maxine Waters – hát bè (bài 1)
  • Oren Waters – hát bè (bài 1)
  • David Williams – guitar (bài 1, 2, 4, 6)
  • Larry Williams – saxophone và sáo (bài 1, 2, 4)
  • Bill Wolfer – keyboard (bài 5), synthesizer (1, 6), lập trình (6)

Xếp hạng

[sửa | sửa mã nguồn]

Xếp hạng tuần

[sửa | sửa mã nguồn]
Xếp hạng tuần của Thriller
Xếp hạng (1982–2023) Vị trí
cao nhất
Album Úc (Kent Music Report)[171] 1
Album Áo (Ö3 Austria)[172] 3
Album Bỉ (Ultratop Vlaanderen)[173] 57
Album Bỉ (Ultratop Wallonie)[174] 50
Canada Top Albums/CDs (RPM)[175] 1
Album Canada (Billboard)[176] 26
Album Đan Mạch (Hitlisten)[177] 30
Album Hà Lan (Album Top 100)[178] 1
Album Châu Âu (European Top 100 Albums)[179] 1
Album Phần Lan (Suomen virallinen albumilista)[180] 1
Album Pháp (SNEP)[181] 83
Album Đức (Offizielle Top 100)[182] 1
Album Hy Lạp (IFPI)[183] 21
Album Hy Lạp (Billboard)[184] 2
Album Ý (Musica e Dischi)[185] 2
Album New Zealand (RMNZ)[186] 1
Album Na Uy (VG-lista)[187] 6
Album Ba Lan (ZPAV)[188] 29
Album Tây Ban Nha (PROMUSICAE)[189] 4
Album Thụy Điển (Sverigetopplistan)[190] 1
Album Thụy Sĩ (Schweizer Hitparade)[191] 4
Album Anh Quốc (OCC)[192] 1
Hoa Kỳ Billboard 200[193] 1
Hoa Kỳ Top R&B/Hip-Hop Albums (Billboard)[194] 1

Xếp hạng cuối năm

[sửa | sửa mã nguồn]

Xếp hạng cuối thập niên

[sửa | sửa mã nguồn]
Xếp hạng của Thriller ở thập niên 1980
Xếp hạng (1980–1989) Vị trí
Úc (Kent Music Report)[171] 3
Nhật Bản (Oricon)[239] 2
Album Anh Quốc (OCC)[210] 3
Xếp hạng của Thriller ở thập niên 2010
Xếp hạng (2010–2019) Vị trí
Album Vinyl Anh Quốc (OCC)[240] 74

Xếp hạng mọi thời đại

[sửa | sửa mã nguồn]
Xếp hạng mọi thời đại của Thriller
Xếp hạng (1963–2015) Vị trí
Hoa Kỳ Billboard 200[241] 3

Chứng nhận và doanh số

[sửa | sửa mã nguồn]
Chứng nhận và doanh số của Thriller
Quốc gia Chứng nhận Số đơn vị/doanh số chứng nhận
Argentina (CAPIF)[242] Kim cương 576.779[243]
Úc (ARIA)[244] 17× Bạch kim 1.190.000
Áo (IFPI Áo)[245] 8× Bạch kim 400.000*
Bỉ
doanh số tính tới năm 1996
300.000[246]
Brazil
doanh số tính tới năm 1991
1.500.000[247]
Canada (Music Canada)[248] 3× Kim cương 3.000.000
Chile 40.000[249]
Colombia 300.000[250]
Đan Mạch (IFPI Đan Mạch)[251] 6× Bạch kim 480.000^
Đan Mạch (IFPI Đan Mạch)[252]
tái bản
4× Bạch kim 80.000
Phần Lan (Musiikkituottajat)[253] Bạch kim 119.061[253]
Pháp (SNEP)[255] Kim cương 3.500.000[254]
Đức (BVMI)[256] 3× Bạch kim 1.500.000^
Hồng Kông (IFPI Hồng Kông)[258] Bạch kim 50.000[257]
Ấn Độ 100.000[259]
Israel[260] 2× Bạch kim 80.000[260]
Ý
doanh số tính tới năm 1995
700.000[261]
Ý (FIMI)[262]
doanh số tính từ năm 2009
Bạch kim 50.000**
Nhật Bản (RIAJ)[263] Vàng 2.500.000[259]
México (AMPROFON)[264] 2× Kim cương+2× Bạch kim+Vàng 2.600.000
Hà Lan (NVPI)[266] 8× Bạch kim 1.400.000[265]
New Zealand (RMNZ)[267] 12× Bạch kim 180.000^
Na Uy 150.000[268]
Nam Phi (RISA)[269] 3× Bạch kim 120.000[269]
Hàn Quốc 50.000[270]
Tây Ban Nha 500.000[271]
Thụy Điển (GLF)[272] 4× Bạch kim 400.000^
Thụy Sĩ (IFPI)[273] 6× Bạch kim 300.000^
Anh Quốc (BPI)[274] 15× Bạch kim 4.500.000
Hoa Kỳ (RIAA)[275] 34× Bạch kim 34.000.000
Nam Tư 112.000[276]
Zimbabwe 8.000[277]
Tổng hợp
Châu Âu
doanh số (1982-1987)
18.000.000[278]
Châu Âu (IFPI)[280]
doanh số vào năm 2009
Bạch kim 1.000.000*[279]
Toàn cầu 70.000.000[63][62]

* Chứng nhận dựa theo doanh số tiêu thụ.
^ Chứng nhận dựa theo doanh số nhập hàng.
Chứng nhận dựa theo doanh số tiêu thụ và phát trực tuyến.

Chú giải

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Tạm dịch: "Nhìn ra ngoài trời buổi sáng, trái tim thành phố bắt đầu đập; tôi vươn tay, chạm vào vai em, mơ về con phố"
  2. ^ Đại diện cho Sony và tài sản của Jackson cho biết Thriller đã bán ra 105 triệu bản toàn thế giới.[58] Mặc dù ước tính doanh số của Thriller được cho là lên tới 110 triệu bản,[59] song theo nhiều chuyên gia âm nhạc thì những con số doanh thu này không đáng tin cậy.[60][61]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “Michael Jackson: Off the Wall” (bằng tiếng Anh). Virgin Media. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 12 năm 2007. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  2. ^ Schewitz, Brett (28 tháng 6 năm 2021). “#12 Michael Jackson, 'Thriller' (1982)”. Rolling Stone (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2024.
  3. ^ Taraborrelli 2010, tr. 209.
  4. ^ Ulaby, Neda (25 tháng 6 năm 2009). “Michael Jackson: Life Of A Pop Icon” (bằng tiếng Anh). NPR. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2024.
  5. ^ Taraborrelli 2010, tr. 210.
  6. ^ Hilburn, Robert (27 tháng 6 năm 2009). “Robert Hilburn: Michael Jackson: the wounds, the broken heart”. Los Angeles Times (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2024.
  7. ^ Taraborrelli 2010, tr. 193.
  8. ^ a b Taraborrelli 2010, tr. 194.
  9. ^ Monroe, Bryan (tháng 12 năm 2007). “Q&A: Michael Jackson in His Own Words”. Ebony (bằng tiếng Anh). Johnson Publishing Company. 63 (2): 96–98. ISSN 0012-9011.
  10. ^ a b Congar, Kerem (30 tháng 11 năm 2022). “Michael Jackson's "Thriller": A pop revolution launched 40 years ago” (bằng tiếng Anh). Euronews. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2023.
  11. ^ a b c Cụm nguồn chỉ số giá cả lạm phát tại Hoa Kỳ:
  12. ^ Taraborrelli 2010, tr. 224.
  13. ^ Jackson, Michael. Thriller 25 (booklet).
  14. ^ a b c d e f Lyle, Peter (25 tháng 11 năm 2007). “Michael Jackson's Monster Smash”. The Daily Telegraph (bằng tiếng Anh). Luân Đôn. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  15. ^ Taraborrelli 2010, tr. 229.
  16. ^ Taraborrelli 2010, tr. 224-225.
  17. ^ Taraborrelli 2010, tr. 227-229.
  18. ^ Jackson, Michael (27 tháng 3 năm 2005). “Jesse Jackson Interviews Michael Jackson” (Phỏng vấn). Phỏng vấn viên Jesse Jackson. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 3 năm 2018. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.Quản lý CS1: URL hỏng (liên kết)
  19. ^ Jackson, Michael. Thriller Special Edition Audio (CD).
  20. ^ Lime, Harry. Vincent Price (bằng tiếng Anh). Lulu.com. tr. 8. ISBN 9780244496180.
  21. ^ Eisner, Joel (2013). The Price of Fear: The Film Career of Vincent Price, In His Own Words (bằng tiếng Anh). Black Bed Sheet Books. tr. 204. ISBN 9780988659025.
  22. ^ Future Music (2 tháng 11 năm 2023). “Engineer Bruce Swedien on the making of Michael Jackson's Thriller, track-by-track: 'We always recorded with Michael in the dark - he hated light'. Music Radar (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2024.
  23. ^ Halstead, Craig; Cadman, Chris (2007). Michael Jackson: For the Record (bằng tiếng Anh). Bedfordshire: Authors OnLine Ltd. tr. 31–32. ISBN 978-0-7552-0267-6.
  24. ^ Raftery, Brian (7 tháng 7 năm 2009). “Michael Jackson: The Unlikely King of Rock”. Rolling Stone (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2023. the lustrous post-disco sound of Thriller seems an unlikely muse for Stump and his bandmates
  25. ^ a b c d Heyliger, M. “A State-of-the-Art Pop Album: Thriller by Michael”. Consumerhelpweb.com (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 12 năm 2008. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024. Not many artists could pull off such a variety of styles (funk, post-disco, rock, easy listening, ballads)...
  26. ^ a b c Erlewine, Stephen Thomas. “Michael Jackson – Thriller – Overview” (bằng tiếng Anh). AllMusic. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2023.
  27. ^ Lakshmi Govindrajan Javeri (30 tháng 11 năm 2017). “Michael Jackson's Thriller turns 35: How it shaped the artist, industry and MTV generation”. firstpost (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024. With a domestic revenue of approximately $4.1 billion, the album restored the confidence of the industry in the post-disco era by straddling multiple genres, riding high on the fully matured voice of the young star, and optimising the synth pop sound. It was the first album to achieve such dizzying success through all the media available at the time: radio, records and music videos.
  28. ^ Durchholz, Daniel (30 tháng 11 năm 2012). “Michael Jackson's 'Thriller' At 30: Classic Track-By-Track Review”. Billboard (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2023.
  29. ^ a b c d e f g Huey, Steve. “Michael Jackson – Artist Biography” (bằng tiếng Anh). AllMusic. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2023.
  30. ^ a b c d e f Connelly, Christopher (28 tháng 1 năm 1983). “Michael Jackson: Thriller”. Rolling Stone. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2023.
  31. ^ a b Henderson, Eric (18 tháng 10 năm 2003). “Michael Jackson – Thriller”. Slant Magazine. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 8 năm 2017. Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2008.
  32. ^ Zimmer, Ben (26 tháng 6 năm 2009). “Ma ma se, ma ma sa, ma ma coo sa”. Language Log. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2010. The story behind these seemingly nonsensical syllables is a fascinating one, originating in the Cameroonian language Duala ... Jackson apparently claimed his version was Swahili, but he eventually acknowledged his debt to [Cameroonian singer Manu] Dibango ...
  33. ^ a b c d e f Taraborrelli 2010, tr. 229–231.
  34. ^ The Complete Michael Jackson. International Music Publications. 1997. ISBN 1-85909-447-3.
  35. ^ Pareles, Jon (3 tháng 9 năm 1987). “Critic's Notebook; How Good Is Jackson's 'Bad'?”. The New York Times. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2007.
  36. ^ a b c d e “The 500 Greatest Songs Since You Were Born: Number 1: Michael Jackson, "Billy Jean". Blender (bằng tiếng Anh). 9 tháng 4 năm 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 3 năm 2009. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  37. ^ “Michael Jackson – Biography”. Rolling Stone (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 1 năm 2008. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2023.
  38. ^ Hogan, Ed. “Steve Porcaro – Artist Biography”. AllMusic. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2013.
  39. ^ Erlewine, Stephen Thomas. “Michael Jackson – Off the Wall – Overview” (bằng tiếng Anh). AllMusic. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2023.
  40. ^ Holden, Stephen (1 tháng 11 năm 1979). “Off the Wall: Michael Jackson”. Rolling Stone (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 9 năm 2018. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2023.
  41. ^ a b c d e f g h Cocks, Jay (tháng 3 năm 1984). “Why He's a Thriller”. Time (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 10 năm 2018. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2023.
  42. ^ Brown 1996, tr. 29–30.
  43. ^ George 2004, tr. 22.
  44. ^ “The Creation of the "Thriller" Album Cover” (bằng tiếng Anh). Dick Zimmerman. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2017. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2023.
  45. ^ Chandy, Ann Marie (12 tháng 2 năm 2010). “Ferociously popular”. The Star (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2023.
  46. ^ Grein, Paul (6 tháng 11 năm 1982). “Stars Due Out: Platinum acts prominent in labels' November releases” [Stars Due Out: Những nghệ sĩ đĩa bạch kim nổi bật trong các sản phẩm phát hành vào tháng 11 của hãng đĩa] (PDF). Billboard (bằng tiếng Anh). New York, NY, USA: Billboard Publications, Inc. 94 (44): 4. ISSN 0006-2510. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 27 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024. Epic has set a Nov. 29 release date for "Thriller"
  47. ^ Martinez, Michael. “The Rhythm Section: Short cuts” [Phân đoạn rhythm: Những vết short cut] (PDF). Cash Box (bằng tiếng Anh). New York, NY, USA. 44 (28): 27. ISSN 0008-7289. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 9 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2022. The much-awaited "Thriller" album on Epic by Michael Jackson, due to ship November 29
  48. ^ Green, Paul (6 tháng 11 năm 1982). “Stars Due Out” (PDF). Billboard. New York: The Billboard Publishing Co.: 4. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 12 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2023.
  49. ^ Greenberg, Steve (29 tháng 11 năm 2012). “Michael Jackson's 'Thriller' at 30: How One Album Changed the World”. Billboard (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 5 năm 2016. Truy cập ngày 26 tháng 4 năm 2023.
  50. ^ Dyson 1993, tr. 60.
  51. ^ “Michael Jackson Chart History (Billboard 200)”. Billboard (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 5 năm 2018. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2022.
  52. ^ Caulfield, Keith (12 tháng 11 năm 2015). “Most Weeks at No. 1 on Billboard 200 By Title”. Billboard (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2019.
  53. ^ Copsey, Rob (11 tháng 4 năm 2019). “The best-selling albums of all time on the Official UK Chart” (bằng tiếng Anh). Official Charts Company. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2023.
  54. ^ Stutz, Colin (16 tháng 12 năm 2015). “Michael Jackson's 'Thriller' Becomes First-Ever 30 Times Multi-Platinum Album: Exclusive”. Billboard (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2023.
  55. ^ “Michael Jackson's 'Thriller' First Ever 30X Multi-Platinum RIAA Certification” (bằng tiếng Anh). Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ. 16 tháng 12 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2023.
  56. ^ McIntyre, Hugh (16 tháng 2 năm 2017). “Michael Jackson's 'Thriller' Has Now Been Certified 33-Times Platinum”. Forbes (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 2 năm 2017. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2017.
  57. ^ White, Matt (18 tháng 8 năm 2015). “1984: Best-Selling Album of All Time”. Sách Kỷ lục Guinness (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2023.
  58. ^ Caulfield, Keith (16 tháng 2 năm 2017). “Michael Jackson's 'Thriller' Extends Reign as Highest Certified Album in U.S. History”. Billboard. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 10 năm 2017. Truy cập ngày 11 tháng 10 năm 2017.
  59. ^ Durchholz, Daniel (30 tháng 11 năm 2012). “Michael Jackson's 'Thriller' At 30: Classic Track-By-Track Review”. Billboard. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 28 tháng 10 năm 2014.
  60. ^ Wyman, Bill (4 tháng 1 năm 2013). “Did "Thriller" Really Sell a Hundred Million Copies?”. The New Yorker. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2023.
  61. ^ Bialik, Carl (14 tháng 7 năm 2009). “How Many Albums Did Michael Jackson Sell?”. The Wall Street Journal. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2023.
  62. ^ a b Crookes, Del (4 tháng 5 năm 2012). “Adele's 21 overtakes sales of Thriller in UK album list”. Newsbeat (bằng tiếng Anh). BBC. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2023.
  63. ^ a b Asian News International (ANI) (27 tháng 9 năm 2009). “MJ nearly scrapped 'Thriller' release” (bằng tiếng Anh). Zee News. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 9 năm 2020. Truy cập ngày 2 tháng 7 năm 2021.
  64. ^ George 2004, tr. 38.
  65. ^ a b c George 2004, tr. 39.
  66. ^ “Top 100 Hits for 1983”. The Longbored Surfer (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 8 năm 2013. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2023.
  67. ^ “Artist” (bằng tiếng Anh). Steve Lukather. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 7 năm 2013. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2023.
  68. ^ a b c d “Michael Jackson – Thriller – Awards” (bằng tiếng Anh). AllMusic. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 7 năm 2013. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2023.
  69. ^ Halstead 2007, tr. 144.
  70. ^ Halstead 2007, tr. 256.
  71. ^ “New Singles (for the week ending November 11, 1983)” [Các đĩa đơn mới (tính đến tuần kết thúc vào ngày 11 tháng 11 năm 1983)] (PDF). Music Week (bằng tiếng Anh). 5 tháng 11 năm 1983. tr. 30. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 9 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024.
  72. ^ McPhate, Tim (2 tháng 11 năm 2017). “Michael Jackson's "Thriller": For the Record” (bằng tiếng Anh). Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thu âm Quốc gia. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2023.
  73. ^ Romano, Aja (31 tháng 10 năm 2018). “Michael Jackson's "Thriller" is the eternal Halloween bop — and so much more”. Vox (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2023.
  74. ^ a b c Griffin, Nancy (24 tháng 6 năm 2010). “The "Thriller" Diaries”. Vanity Fair (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 10 năm 2014. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2023.
  75. ^ Eagan, Daniel (2012). America's Film Legacy, 2009–2010: A Viewer's Guide to the 50 Landmark Movies Added to the National Film Registry in 2009–10 (bằng tiếng Anh). Bloomsbury Publishing. tr. 175. ISBN 978-1-4411-9328-5.
  76. ^ Palmer, Tamara (10 tháng 3 năm 2013). “How the 'Billie Jean' Video Changed MTV”. The Root (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2023.
  77. ^ a b Campbell 1993, tr. 58.
  78. ^ a b Weitner, Sean (2001). “Michael Jackson: A Life in Film”. Flak Magazine (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 3 năm 2003. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2023.
  79. ^ Willman, Chris (28 tháng 7 năm 1991). “Cover Story : Traveling Along the MTV Time Line...”. Los Angeles Times (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2023.
  80. ^ Ritchie, Kevin (7 tháng 7 năm 2009). “Q&A: Bob Giraldi on directing "Beat It". Boards (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024.
  81. ^ Reed, J.D. (18 tháng 7 năm 1983). “Music: New Rock on a Red-Hot Roll”. Time (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 11 năm 2012. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2023.
  82. ^ Richin, Leslie (2 tháng 12 năm 2016). “On This Day in 1983, Michael Jackson's 'Thriller' Premiered on MTV”. Billboard (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 6 năm 2019. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2023.
  83. ^ Vinny Marino (2 tháng 5 năm 2001). “VH1 Names '100 Greatest Videos of All Time'. ABC News. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 10 năm 2010. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2023.
  84. ^ Craig Duff (28 tháng 7 năm 2011). “The 30 All-TIME Best Music Videos – Michael Jackson, 'Thriller'. Time (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2023.
  85. ^ Alex Dobuzinskis (30 tháng 12 năm 2009). “Jackson "Thriller" film picked for U.S. registry” (bằng tiếng Anh). Reuters. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 1 năm 2010. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2023.
  86. ^ Dave Itzkoff (30 tháng 12 năm 2009). 'Thriller' Video Added to U.S. Film Registry”. The New York Times (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2023.
  87. ^ a b Erlewine, Stephen Thomas. “Michael Jackson – Thriller – Overview” (bằng tiếng Anh). AllMusic. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  88. ^ “Michael Jackson: Thriller”. Blender. tháng 4 năm 2007. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 12 năm 2010. Truy cập ngày 3 tháng 10 năm 2018.
  89. ^ a b Christgau, Robert (1990). “Michael Jackson: Thriller”. Christgau's Record Guide: The '80s (bằng tiếng Anh). Pantheon Books. ISBN 0-679-73015-X. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  90. ^ Larkin, Colin (2011). “Jackson, Michael”. The Encyclopedia of Popular Music (ấn bản thứ 5). Omnibus Press. ISBN 978-0-85712-595-8.
  91. ^ Greenblatt, Leah (3 tháng 7 năm 2009). “Michael Jackson's albums”. Entertainment Weekly. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2016.
  92. ^ Graff, Gary; du Lac, Josh Freedom; McFarlin, Jim biên tập (1998). “Michael Jackson”. MusicHound R&B: The Essential Album Guide. Visible Ink Press. ISBN 1-57859-026-4.
  93. ^ “Michael Jackson: Thriller”. Q (160): 138. tháng 1 năm 2000.
  94. ^ a b Pareles, Jon (2004). “Michael Jackson”. Trong Brackett, Nathan; Hoard, Christian (biên tập). The New Rolling Stone Album Guide (bằng tiếng Anh) (ấn bản thứ 4). Simon & Schuster. tr. 414–15. ISBN 0-7432-0169-8. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  95. ^ a b Rockwell, John (19 tháng 12 năm 1982). “Michael Jackson's Thriller': Superb Job”. The New York Times (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 2 năm 2018. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2023.
  96. ^ Christgau, Robert (28 tháng 12 năm 1982). “Christgau's Consumer Guide”. The Village Voice (bằng tiếng Anh). New York. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  97. ^ MacInnis, Craig (5 tháng 8 năm 1989). “The Top 100 Albums of the '80s”. Toronto Star (bằng tiếng Anh). Toronto, Ontario. tr. G1. ISSN 0319-0781.
  98. ^ “Pazz & Jop: Top 10 Albums by Year, 1971–2017”. The Village Voice (bằng tiếng Anh). 22 tháng 1 năm 2018. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 8 năm 2018. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  99. ^ “Michael Jackson”. Grammy.com (bằng tiếng Anh). Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thu âm Quốc gia. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 1 tháng 10 năm 2023.
  100. ^ “Bruce Swedien”. Grammy.com (bằng tiếng Anh). Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thu âm Quốc gia. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  101. ^ Guinness World Records 2007. New York: Guinness World Records Ltd. 2006. ISBN 1-904994-12-1.
  102. ^ Taraborrelli 2010, tr. 293.
  103. ^ Vogel, Joseph (10 tháng 9 năm 2012). “How Michael Jackson Made 'Bad'. The Atlantic (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 12 năm 2016. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  104. ^ Pareles, Jon (14 tháng 1 năm 1984). “Michael Jackson at 25: A Musical Phenomenon”. The New York Times (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 15 tháng 5 năm 2023.
  105. ^ Rothman, Lily (19 tháng 11 năm 2017). “Why Michael Jackson's Biggest Success Was a Surprise”. Time (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 6 năm 2019. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  106. ^ Connelly, Christopher; Goldberg, Michael (15 tháng 3 năm 1984). “Michael Jackson: Trouble in Paradise?”. Rolling Stone (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  107. ^ Taraborrelli 2010, tr. 230.
  108. ^ Wachs, Jeffrey Philip (tháng 12 năm 2012). “The Long-Playing Blues: Did the Recording Industry's Shift from Singles to Albums Violate Antitrust Law?”. UC Irvine Law Review (bằng tiếng Anh). 2 (3): 1058. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  109. ^ Christgau, Robert (1990). “CG 80s: Decade”. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 4 năm 2019. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2019 – qua Robertchristgau.com.
  110. ^ a b “Vincent Price's Halloween Thriller” [Bài dịp Halloween 'Thriller' của Vincent Price] (fact sheet) (bằng tiếng Anh). Atlanta: Henderson-Crowe Syndications, Inc. 24 tháng 9 năm 1984.
  111. ^ a b “Vincent Price Hosts His First American Halloween Special” [Vincent Price dẫn chương trình đặc biệt dịp Halloween đầu tiên của anh ở Mỹ] (news release) (bằng tiếng Anh). Henderson-Crowe Syndications, Inc. 24 tháng 9 năm 1984.
  112. ^ McCullaugh, Jim (3 tháng 5 năm 1980). “Atlanta Firm Claims First Ever Nationwide Cable Music Show”. Billboard (bằng tiếng Anh): 1, 38.
  113. ^ King, Bill (3 tháng 6 năm 1980). “Atlantans Pioneering Cable Video Music Show”. The Atlanta Constitution (bằng tiếng Anh). tr. 1-B, 10-B.
  114. ^ Werts, Dianne (23 tháng 5 năm 1980). “Din of Modern Hit Parade Invades Cable Homes”. The Dallas Morning News (bằng tiếng Anh).
  115. ^ Denisoff, Serge R (1986). Tarnished Gold: The record industry revisited (bằng tiếng Anh). Oxford, Anh: Transaction Books. tr. 369.
  116. ^ White, Miles (2012). “R&B, Contemporary”. Trong Horn, David (biên tập). Continuum Encyclopedia of Popular Music of the World (bằng tiếng Anh). 8. Bloomsbury Publishing. tr. 372–377. ISBN 978-1-4411-6078-2. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  117. ^ Vozick-Levinson, Simon (21 tháng 12 năm 2007). “How (and how not) to sample Michael Jackson”. Entertainment Weekly (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  118. ^ “40 Most Groundbreaking Albums of All Time”. Rolling Stone (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 2 năm 2018. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  119. ^ “Michael Jackson's Thriller Is the First Album Certified RIAA 30x Multi-Platinum” (bằng tiếng Anh). Epic Records. 16 tháng 12 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  120. ^ Mitchell, Gail; Newman, Melinda (11 tháng 7 năm 2009). “How "Thriller" Changed the Music Business”. Billboard (bằng tiếng Anh). 121 (28): 121, 22–25. ISSN 0006-2510. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  121. ^ Ben-Yehuda, Ayala (11 tháng 7 năm 2009). “Video Thrilled the Radio Star”. Billboard (bằng tiếng Anh). 121 (28): 121, 26–27. ISSN 0006-2510.
  122. ^ a b Gundersen, Edna (25 tháng 8 năm 2005). “Music videos changing places”. USA Today (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 10 năm 2005. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  123. ^ Christian, Margena A. (9 tháng 10 năm 2006). “Why it took MTV so long to play black music videos”. Jet (bằng tiếng Anh). 110 (14): 16–18, 53–54. ISSN 0021-5996. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  124. ^ Robinson, Brian (23 tháng 2 năm 2005). “Why Are Michael Jackson's Fans So Devoted?” (bằng tiếng Anh). ABC News. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  125. ^ Taraborrelli 2010, tr. 276–277.
  126. ^ a b Hebblethwaite, Phil (21 tháng 11 năm 2013). “How Michael Jackson's Thriller changed music videos for ever”. The Guardian (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 12 năm 2019. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  127. ^ George 2004, tr. 23.
  128. ^ “Jacko Goes Bollywood”. TMZ (bằng tiếng Anh). 3 tháng 10 năm 2006. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 12 năm 2008. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  129. ^ Harrington, Richard (9 tháng 10 năm 1988). “Prince & Michael Jackson: Two Paths to the Top of Pop”. The Washington Post (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 10 năm 2018. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  130. ^ Christgau, Robert (1990). “Michael Jackson: Thriller”. Christgau's Record Guide: The '80s (bằng tiếng Anh). Pantheon Books. ISBN 0-679-73015-X. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  131. ^ George 2004, tr. 24.
  132. ^ “Winners Database: Michael Jackson”. Billboardmusicawards.com (bằng tiếng Anh). Billboard. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  133. ^ Larkin, Colin biên tập (2000). All Time Top 1000 Albums (bằng tiếng Anh) (ấn bản thứ 3). Virgin Books. tr. 63. ISBN 0-7535-0493-6.
  134. ^ “2002 Special Billboard Award”. Billboardmusicawards.com (bằng tiếng Anh). Billboard. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  135. ^ a b “500 Greatest Albums of All Time”. Rolling Stone (bằng tiếng Anh). 31 tháng 5 năm 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 7 năm 2019. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  136. ^ “The 500 Greatest Albums of All Time”. Rolling Stone (bằng tiếng Anh). 22 tháng 9 năm 2020. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 9 năm 2020. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  137. ^ “Definitive 200” (bằng tiếng Anh). Bảo tàng Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll. 2007. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 4 năm 2008. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  138. ^ “Experience the Music: One Hit Wonders and the Songs that Shaped Rock and Roll” (bằng tiếng Anh). Bảo tàng Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 5 năm 2012. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  139. ^ “All-TIME 100 Albums”. Time (bằng tiếng Anh). 2 tháng 11 năm 2006. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 11 năm 2018. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  140. ^ “GRAMMY Hall Of Fame – t” (bằng tiếng Anh). Đại sảnh Danh vọng Giải Grammy. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 1 năm 2011. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2023.
  141. ^ “Thriller, Joni Mitchell album make the cut for U.S. recording registry” (bằng tiếng Anh). CBC News. 14 tháng 5 năm 2008. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 7 năm 2009. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  142. ^ a b “MTV's Greatest Album Ever — Number 1” (bằng tiếng Anh). MTV. 9 tháng 4 năm 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2023.
  143. ^ “Greatest of All Time Billboard 200 Albums”. Billboard (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 10 năm 2016. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  144. ^ Unterberger, Andrew (29 tháng 9 năm 2016). “All 92 Diamond-Certified Albums Ranked from Worst to Best: Critic's Take”. Billboard (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2023.
  145. ^ Knight, Rob (14 tháng 9 năm 2018). “Michael Jackson's 'Thriller' named most inspiring album of all time”. The Independent (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  146. ^ Verna, Paul (1 tháng 5 năm 2001). “Mick Guzauski”. Mix (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 6 năm 2015. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  147. ^ Becka, Kevin (1 tháng 6 năm 2006). “Mix Interview: Mick Guzauski”. Mix (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  148. ^ Friedman, Roger (23 tháng 7 năm 2001). “First Jackson Effort Rejected, New One Not Ready” (bằng tiếng Anh). Fox News. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 3 năm 2009. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  149. ^ “Michael Jackson on SACD”. PS3SACD.com (bằng tiếng Anh). 9 tháng 7 năm 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 9 năm 2018. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  150. ^ “Thriller 40 – A Double CD Set Of Michael Jackson's Original Masterpiece Thriller & Bonus Disc Out Now” (bằng tiếng Anh). Legacy Recordings. 18 tháng 11 năm 2022. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 18 tháng 11 năm 2023. Immersive audio mixes of Thriller are now available at various DSPs, including 360 Reality Audio on Amazon, Spatial Audio on Apple Music, mixed by Şerban Ghenea from the original masters for immersive audio, with the immersive mixes by John Hanes.
  151. ^ a b c “Epic Records/Legacy Recordings Unveil the 25th Anniversary Edition of Michael Jackson's...” (Thông cáo báo chí) (bằng tiếng Anh). Reuters. 30 tháng 11 năm 2007. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 11 năm 2013. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  152. ^ “Kanye West, Will.I.Am on New Edition of Michael Jackson's Thriller; Plus Britney Spears, Lindsay Lohan, 'High School Musical' & More, In For the Record” (bằng tiếng Anh). MTV. 30 tháng 11 năm 2007. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 10 năm 2010. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024.
  153. ^ Cohen, Johnathan (30 tháng 11 năm 2007). “Kanye, Akon Help Jackson Revisit 'Thriller' (bằng tiếng Anh). Billboard. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 7 năm 2013. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024. Chú thích journal cần |journal= (trợ giúp)
  154. ^ Paphides, Pete (8 tháng 2 năm 2008). “Michael Jackson: Thriller 25”. The Times (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  155. ^ “Michael Jackson, disco de oro en España” [Michael Jackson, chứng nhận vàng ở Tây Ban Nha]. Zm.nu (bằng tiếng Tây Ban Nha). Zona Musical. 25 tháng 3 năm 2008. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 12 năm 2008. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  156. ^ “Michael Jackson's Thriller 25 – The 25th Anniversary Edition of the World's Top-Selling Album of All Time – Is America's #2 Best-Selling Album This Week!!!”. Digital Producer (bằng tiếng Anh). PR Newswire. 20 tháng 2 năm 2008. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 10 năm 2018. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2023.
  157. ^ “Michael Jackson – Thriller 25” (bằng tiếng Hà Lan). Ultratop. Hung Medien. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2023.
  158. ^ Grein, Paul (18 tháng 5 năm 2008). “Week Ending May 18, 2008: Diva Smackdown Ends with Ingenues on Rise” (bằng tiếng Anh). Yahoo! Music. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  159. ^ Trust, Gary (20 tháng 2 năm 2008). “Big Grammy Gains For Many; King of Pop Returns”. Billboard (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  160. ^ Hasty, Katy (20 tháng 2 năm 2008). “Johnson Remains No. 1; Winehouse, Hancock Soar”. Billboard (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  161. ^ “US fans shun CD” (bằng tiếng Anh). BBC. 30 tháng 7 năm 2005. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 9 năm 2008. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  162. ^ Waddell, Ray (7 tháng 11 năm 2008). “Michael Jackson Eyeing London Run?”. Billboard (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 7 năm 2013. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  163. ^ Friedman, Roger (16 tháng 5 năm 2008). “Jacko: Neverland East in Upstate New York” (bằng tiếng Anh). Fox News. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 5 năm 2008. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  164. ^ Sisario, Ben (tháng 7 năm 2009). “In Death as in Life, Michael Jackson Sets Music Sales Records”. The New York Times (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  165. ^ Kaufman, Gil (8 tháng 7 năm 2009). “Michael Jackson Dominates 'Billboard' Charts” (bằng tiếng Anh). MTV. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  166. ^ Caulfield, Keith (30 tháng 6 năm 2009). “Michael Jackson Breaks Billboard Charts Records”. Billboard (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 1 năm 2013. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  167. ^ Caulfield, Keith (6 tháng 1 năm 2010). “Taylor Swift Edges Susan Boyle For 2009's Top-Selling Album”. Billboard (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 18 tháng 1 năm 2023.
  168. ^ Kennedy, Gerrick D. (20 tháng 11 năm 2015). “Google Play is giving away Michael Jackson's 'Thriller' album for free”. Los Angeles Times (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  169. ^ Sinclair, Paul (16 tháng 5 năm 2022). “Michael Jackson / Thriller 40”. SuperDeluxeEdition (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.
  170. ^ Thriller (booklet). Epic Records. 1982.
  171. ^ a b c d Kent, David (1993). Australian Chart Book 1970–1992. St Ives, N.S.W.: Australian Chart Book. ISBN 0-646-11917-6.
  172. ^ "Austriancharts.at – Michael Jackson – Thriller" (bằng tiếng Đức). Hung Medien. Truy cập 1 tháng 2 năm 2024.
  173. ^ "Ultratop.be – Michael Jackson – Thriller" (bằng tiếng Hà Lan). Hung Medien. Truy cập 1 tháng 2 năm 2024.
  174. ^ "Ultratop.be – Michael Jackson – Thriller" (bằng tiếng Pháp). Hung Medien. Truy cập 1 tháng 2 năm 2024.
  175. ^ "Top RPM Albums: Issue 6242a". RPM. Library and Archives Canada. Truy cập 1 tháng 2 năm 2024.
  176. ^ "Michael Jackson Chart History (Canadian Albums)". Billboard (bằng tiếng Anh). Truy cập 1 tháng 2 năm 2024.
  177. ^ "Danishcharts.dk – Michael Jackson – Thriller" (bằng tiếng Anh). Hung Medien. Truy cập 1 tháng 2 năm 2024.
  178. ^ "Dutchcharts.nl – Michael Jackson – Thriller" (bằng tiếng Hà Lan). Hung Medien. Truy cập 1 tháng 2 năm 2024.
  179. ^ “European Top 100 Albums” (PDF). Music & Media: 17. 9 tháng 4 năm 1984. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 16 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 15 tháng 5 năm 2022 – qua World Radio History.
  180. ^ Pennanen, Timo (2021). “Michael Jackson”. Sisältää hitin – 2. laitos Levyt ja esittäjät Suomen musiikkilistoilla 1.1.1960–30.6.2021 (PDF). Helsinki: Kustannusosakeyhtiö Otava. tr. 113. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 22 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2022.
  181. ^ "Lescharts.com – Michael Jackson – Thriller" (bằng tiếng Pháp). Hung Medien. Truy cập 1 tháng 2 năm 2024.
  182. ^ "Offiziellecharts.de – Michael Jackson – Thriller" (bằng tiếng Đức). GfK Entertainment Charts. Truy cập 1 tháng 2 năm 2024.
  183. ^ “Official IFPI Charts – Top-75 Albums Sales Chart (Week: 52/2023)”. IFPI Greece. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 1 năm 2024. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2024.
  184. ^ “Michael Jackson Chart History (Greece Albums)”. Billboard. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2023.
  185. ^ “Classifiche”. Musica e Dischi (bằng tiếng Ý). Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 12 năm 2016. Truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2022. Set "Tipo" on "Album". Then, in the "Artista" field, search "Michael Jackson".
  186. ^ "Charts.nz – Michael Jackson – Thriller" (bằng tiếng Anh). Hung Medien. Truy cập 1 tháng 2 năm 2024.
  187. ^ "Norwegiancharts.com – Michael Jackson – Thriller" (bằng tiếng Anh). Hung Medien. Truy cập 1 tháng 2 năm 2024.
  188. ^ "Oficjalna lista sprzedaży :: OLiS - Official Retail Sales Chart" (bằng tiếng Ba Lan). OLiS. Polish Society of the Phonographic Industry. Truy cập December 1, 2022.
  189. ^ “Top 100 Albums Weekly”. El portal de Música. Promusicae. Truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2022.
  190. ^ "Swedishcharts.com – Michael Jackson – Thriller" (bằng tiếng Anh). Hung Medien. Truy cập 1 tháng 2 năm 2024.
  191. ^ "Swisscharts.com – Michael Jackson – Thriller" (bằng tiếng Đức). Hung Medien. Truy cập 1 tháng 2 năm 2024.
  192. ^ "Official Albums Chart Top 100" (bằng tiếng Anh). Official Charts Company. Truy cập 1 tháng 2 năm 2024.
  193. ^ "Michael Jackson Chart History (Billboard 200)". Billboard (bằng tiếng Anh). Truy cập 1 tháng 2 năm 2024.
  194. ^ "Michael Jackson Chart History (Top R&B/Hip-Hop Albums)". Billboard (bằng tiếng Anh). Truy cập 1 tháng 2 năm 2024.
  195. ^ “The Top Albums of 1983”. RPM. Library and Archives Canada. 39 (17). 24 tháng 12 năm 1983. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 2 năm 2018. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2018.
  196. ^ “Top 100 AlbumJahrescharts – 1983” (bằng tiếng Đức). Offiziellecharts.de. GfK Entertainment. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2024.
  197. ^ “Jaaroverzichten – Album 1983” (bằng tiếng Hà Lan). Dutchcharts.nl. Hung Medien. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 5 năm 2014. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2023.
  198. ^ a b c “Talent Almanac 1984” (PDF). Billboard. 24 tháng 12 năm 1983. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 27 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2023.
  199. ^ “End of Year Charts 1983”. Recorded Music NZ. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2022.
  200. ^ 1983年アルバム年間ヒットチャート [Bảng xếp hạng album cuối năm ở Nhật Bản năm 1983] (bằng tiếng Nhật). Oricon. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2023 – qua Entamedata.web.fc2.com.
  201. ^ “Jahreshitparade Alben 1983” (bằng tiếng Đức). Austriancharts.at. Hung Medien. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2023.
  202. ^ “Jahreshitparade Alben 1984” (bằng tiếng Đức). Austriancharts.at. Hung Medien. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2023.
  203. ^ “Top 100 Albums of 1985”. RPM. Library and Archives Canada. 41 (17). 5 tháng 1 năm 1985. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 2 năm 2018. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2018.
  204. ^ “Top 100 AlbumJahrescharts – 1984” (bằng tiếng Đức). Offiziellecharts.de. GfK Entertainment. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 5 năm 2015.
  205. ^ “Jaaroverzichten – Album 1984” (bằng tiếng Hà Lan). Dutchcharts.nl. Hung Medien. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2023.
  206. ^ a b “Talent Almanac 1985” (PDF). Billboard. 96 (51). 22 tháng 12 năm 1984. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 27 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2023.
  207. ^ 1984年アルバム年間ヒットチャート [Bảng xếp hạng album cuối năm ở Nhật Bản năm 1984] (bằng tiếng Nhật). Oricon. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2023 – qua Entamedata.web.fc2.com.
  208. ^ “End of Year Charts 1984”. Recorded Music NZ. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 7 năm 2019. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2022.
  209. ^ “Schweizer Jahreshitparade 1984” (bằng tiếng Đức). Hitparade.ch. Hung Medien. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2023.
  210. ^ a b “Chart Archive – 1980s Albums”. Everyhit.com. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 6 năm 2002. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2023.
  211. ^ “Top 100 Album-Jahrescharts: 1988”. Offiziellecharts.de (bằng tiếng Đức). GfK Entertainment. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 5 năm 2015.
  212. ^ “ChartsPlusYE2003” (PDF). UKChartsPlus. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 20 tháng 3 năm 2009. Truy cập ngày 21 tháng 11 năm 2021.
  213. ^ “Album Jahrescharts 2009”. Mtv.de (bằng tiếng Đức). Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 1 năm 2010. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024.
  214. ^ “Top Comprehensive Albums”. Billboard. 121 (39): 80. 3 tháng 10 năm 2009. ISSN 0006-2510. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2020.
  215. ^ “Top Internet Albums”. Billboard. 121 (39): 81. 3 tháng 10 năm 2009. ISSN 0006-2510. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2020.
  216. ^ “Top Pop Catlog Albums”. Billboard. 121 (39). 3 tháng 10 năm 2009. ISSN 0006-2510. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2020.
  217. ^ “ARIA Charts – End of Year Charts – Top 100 Albums 2009”. ARIA Charts. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 4 năm 2010. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2013.
  218. ^ “2010 End of Year Charts – Top 50 Catalogue Albums”. ARIA Charts. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 4 năm 2013. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2013.
  219. ^ “Top Billboard 200 Albums”. Billboard. 122 (39): 94. 2 tháng 10 năm 2010. ISSN 0006-2510.
  220. ^ “Top Pop Catalog Albums”. Billboard. 122 (39): 97. 2 tháng 10 năm 2010. ISSN 0006-2510. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2020.
  221. ^ “Year-end Charts: Top Billboard 200 Albums”. Billboard. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 12 năm 2016. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2020.
  222. ^ a b “Year-end Charts: Top Billboard 200 Albums”. Billboard. 2 tháng 1 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 3 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2023.
  223. ^ “Year-End Charts: Billboard 200 Albums”. Billboard. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2020.
  224. ^ “Top R&B/Hip-Hop Albums – Year-End 2020”. Billboard. 2 tháng 1 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 2 tháng 10 năm 2023.
  225. ^ “Jaaroverzichten 2021”. Ultratop (bằng tiếng Hà Lan). Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2022.
  226. ^ “Jaaroverzichten – Album 2021”. Dutchcharts.nl (bằng tiếng Hà Lan). Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2022.
  227. ^ “Year-End Charts: Billboard 200 Albums”. Billboard. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 2 tháng 12 năm 2021.
  228. ^ “Year-End Charts: Top R&B/Hip-Hop Albums”. Billboard. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2022.
  229. ^ “Jaaroverzichten 2022” (bằng tiếng Hà Lan). Ultratop. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2023.
  230. ^ “Rapports annuels 2022” (bằng tiếng Pháp). Ultratop. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2023.
  231. ^ “Jaaroverzichten – Album 2022”. dutchcharts.nl (bằng tiếng Hà Lan). Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2023.
  232. ^ “Billboard 200 Albums – Year-End 2022”. Billboard. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2022.
  233. ^ “Top R&B/Hip-Hop Albums – Year-End 2022”. Billboard. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2022.
  234. ^ “Jaaroverzichten 2023” (bằng tiếng Hà Lan). Ultratop. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2024.
  235. ^ “Rapports annuels 2023” (bằng tiếng Pháp). Ultratop. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2024.
  236. ^ “Jaaroverzichten – Album 2023”. dutchcharts.nl (bằng tiếng Hà Lan). Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2024.
  237. ^ “Billboard 200 Albums – Year-End 2023”. Billboard. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2023.
  238. ^ “Top R&B/Hip-Hop Albums – Year-End 2023”. Billboard. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2023.
  239. ^ Oricon Xếp hạng album Book: Complete Edition 1970–2005. Roppongi, Tokyo: Oricon Entertainment. 2006. ISBN 4-87131-077-9.
  240. ^ Myers, Justin (14 tháng 12 năm 2019). “Official Top 100 biggest selling vinyl albums of the decade”. Official Charts Company. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 3 năm 2020. Truy cập ngày 5 tháng 3 năm 2021.
  241. ^ “Greatest Billboard 200 Albums & Artists of All Time: Adele's '21' & the Beatles Are Tops”. Billboard. 12 tháng 11 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 10 năm 2016. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2022.
  242. ^ “Los premiados” (bằng tiếng Tây Ban Nha). Cámara Argentina de Productores de Fonogramas y Videogramas. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 3 năm 2005. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024.
  243. ^ Franco, Adriana (27 tháng 10 năm 1999). “Nuevo galardón en la industria del disco”. La Nación (bằng tiếng Tây Ban Nha). Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024.
  244. ^ “ARIA Charts – Accreditations – 2023 Albums” (PDF) (bằng tiếng Anh). Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Úc. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2024.
  245. ^ “Chứng nhận album Áo – Jackson, Michael – Thriller” (bằng tiếng Đức). IFPI Áo. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024.
  246. ^ Maes, Marc (20 tháng 1 năm 1996). “Top-Seller Lotti Looks South”. Billboard. 108 (3): 39. ISSN 0006-2510. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024.
  247. ^ Cezimbra, Marcia (6 tháng 9 năm 1991). “Jacko está de volta”. Jornal do Brasil (bằng tiếng Bồ Đào Nha): 8. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 31 tháng 3 năm 2020.
  248. ^ “Chứng nhận album Canada – Michael Jackson – Thriller” (bằng tiếng Anh). Music Canada. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024.
  249. ^ Berti, Eduardo (1994). Rockología: Documentos de los '80 (bằng tiếng Tây Ban Nha). Beas Ediciones. tr. 70. ISBN 9508341114. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024 – qua Google Books. En Chile, donde Thriller de Michael Jackson había vendido 40 mil ejemplares hacia 1987, el disco Nada personal de Soda ya superaba las 60 mil copias
  250. ^ Zambrano D., Andres (10 tháng 6 năm 1995). “Jackson, De Vuelta al Futuro”. El Tiempo (bằng tiếng Tây Ban Nha). Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2022.
  251. ^ “Guld og platin i 2008” (PDF) (bằng tiếng Đan Mạch). IFPI Danmark. 2009. tr. 40. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 9 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 2 tháng 7 năm 2021.
  252. ^ “Chứng nhận album Đan Mạch – Michael Jackson – Thriller” (bằng tiếng Đan Mạch). IFPI Đan Mạch. Truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2023.
  253. ^ a b “Chứng nhận album Phần Lan – Michael Jackson – Thriller” (bằng tiếng Phần Lan). Musiikkituottajat – IFPI Finland. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024.
  254. ^ Le Roy, Steven (25 tháng 9 năm 2020). “Quel est le disque le plus vendu en France de tous les temps ?” [Đâu là đĩa nhạc bán chạy nhất mọi thời đại ở Pháp]. Le Telegramme (bằng tiếng Pháp). Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024.
  255. ^ “Chứng nhận album Pháp – Michael Jackson – Thriller” (bằng tiếng Pháp). InfoDisc. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024. Select MICHAEL JACKSON and click OK. 
  256. ^ “Gold-/Platin-Datenbank (Michael Jackson; 'Thriller')” (bằng tiếng Đức). Bundesverband Musikindustrie. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024.
  257. ^ Leo, Christie (4 tháng 7 năm 1987). “Hong Kong Readies Thriller” (PDF). Billboard. 99 (27): 64. ISSN 0006-2510. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 23 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2020.
  258. ^ “IFPIHK Gold Disc Award − 1984” (bằng tiếng Trung). IFPI Hồng Kông. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024.
  259. ^ a b “Michael Jackson Remains a Global Phenomenon”. Billboard. 2 tháng 7 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 4 năm 2013. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2020.
  260. ^ a b “Jackson Awarded for Israeli Success” (PDF). Music & Media. 10 (45): 6. 6 tháng 11 năm 1993. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 23 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2020.
  261. ^ “E' Claudio Baglioni il Jackson italiano”. La Stampa (bằng tiếng Ý). 12 tháng 5 năm 1995. tr. 24. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 8 năm 2019. Truy cập ngày 3 tháng 9 năm 2020.
  262. ^ “Chứng nhận album Ý – Michael Jackson – Thriller” (bằng tiếng Ý). Federazione Industria Musicale Italiana. Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2023. Chọn "2014" ở menu thả xuống "Anno". Chọn "Thriller" ở mục "Filtra". Chọn "Album e Compilation" dưới "Sezione".
  263. ^ “Chứng nhận album Nhật Bản – Michael Jackson – Thriller (reissue)” (bằng tiếng Nhật). Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Nhật Bản. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2022. Chọn 1994年3月 ở menu thả xuống
  264. ^ “Certificaciones” (bằng tiếng Tây Ban Nha). Asociación Mexicana de Productores de Fonogramas y Videogramas. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2022. Nhập Michael Jackson ở khúc dưới tiêu đề cột ARTISTA  và Thriller ở chỗ điền dưới cột tiêu đề TÍTULO'.
  265. ^ Nauta, Hans (29 tháng 10 năm 2001). “Een ster in het land van lilliputters”. Trouw (bằng tiếng Hà Lan). Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2023.
  266. ^ “Chứng nhận album Hà Lan – Michael Jackson – Thriller” (bằng tiếng Hà Lan). Nederlandse Vereniging van Producenten en Importeurs van beeld- en geluidsdragers. Nhập Thriller trong mục "Artiest of titel".
  267. ^ “Latest Gold / Platinum Albums” (bằng tiếng Anh). Radioscope. ngày 17 tháng 7 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 7 năm 2011.
  268. ^ Bakke, Asbjørn (15 tháng 7 năm 1999). “9: Perfekt kommerskunst”. Aftenposten (bằng tiếng Na Uy). Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 8 năm 2002. Truy cập ngày 21 tháng 5 năm 2022 – qua Nystrom.
  269. ^ a b “Music Video Hits South Africa” (PDF). Billboard. 96 (20): 61. 19 tháng 5 năm 1984. ISSN 0006-2510. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 23 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2020.
  270. ^ “1984년 3월 21일 동아일보 :: 네이버 뉴스 라이브러리 ver 1.4.1” [Dong-a Ilbo (21 tháng 3 năm 1984) - Thư viện tin tức Naver phiên bản 1.4.1] (bằng tiếng Hàn). 21 tháng 3 năm 1984. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2023.
  271. ^ Alejandro, Daniel (1 tháng 3 năm 1984). “Michael Jackson, "grammysimo". Diario de Burgos (bằng tiếng Tây Ban Nha). tr. 35. Truy cập ngày 5 tháng 12 năm 2023.
  272. ^ “Guld- och Platinacertifikat − År 2008” (PDF) (bằng tiếng Thụy Điển). IFPI Sweden. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 17 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024.
  273. ^ “The Official Swiss Charts and Music Community: Chứng nhận ('Thriller')” (bằng tiếng Đức). IFPI Thụy Sĩ. Hung Medien. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024.
  274. ^ “Chứng nhận album Anh Quốc – Michael Jackson – Thriller” (bằng tiếng Anh). British Phonographic Industry. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024.
  275. ^ “Chứng nhận album Hoa Kỳ – Michael Jackson – Thriller” (bằng tiếng Anh). Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024.
  276. ^ Volvic, Mitja (12 tháng 1 năm 1985). “Pervasive Economic Slump Hits Yugoslav Industry Hard”. Billboard. 97 (2): 57. ISSN 0006-2510. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2020.
  277. ^ Baker, Glenn A. (19 tháng 12 năm 1987). “Record Industry Resists Piracy in Zimbabwe” (PDF). Billboard. 99 (51): 59. ISSN 0006-2510. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 24 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2022.
  278. ^ “Michael Jackson … continued”. Ebony (bằng tiếng Anh): 146. tháng 9 năm 1987. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2022 – qua Google Books.
  279. ^ “IFPI Platinum Europe Awards - 2009” (bằng tiếng Anh). Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2024.
  280. ^ “IFPI Platinum Europe Awards – 2009”. Liên đoàn Công nghiệp ghi âm Quốc tế. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024.

Tài liệu tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]