Bước tới nội dung

Nguyễn Thị Trường

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thất giai Quý nhân
七階貴人
Thông tin chung
Sinh1796
Mất19 tháng 11 năm 1826 (30 tuổi)
An tángThủy Biều, Huế
Phu quânNguyễn Thánh Tổ
Minh Mạng
Hậu duệNghi Hòa Quận công Miên Thần
Hoàng nữ tảo thương
Phú Mỹ Công chúa Đoan Trinh
Sơn Định Quận công Miên Cung
Quảng Biên Quận công Miên Gia
Tên húy
Nguyễn Hữu Thị Trường
阮有氏長
Thụy hiệu
Đoan Tịnh Quý nhân
端靜貴人
Tước hiệuTài nhân
Mỹ nhân
Quý nhân (truy tặng)
Thân phụNguyễn Hữu Trạc

Nguyễn Thị Trường (chữ Hán: 阮氏長; 179619 tháng 11 năm 1826), còn có húyLập, phong hiệu Thất giai Quý nhân (七階貴人), là một thứ phi của vua Minh Mạng nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.

Tiểu sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Quyển Nguyễn Phúc tộc thế phả không ghi chép nhiều về bà Nguyễn Thị Trường. Theo Hoàng phổ của phòng Quảng Biên Miên Gia, bà Trường sinh vào năm 1796, nguyên quán ở làng Chánh Lộc, huyện Phong Điền (nay là xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế). Thân sinh của bà là ông Nguyễn Hữu Trạc (hoặc Dược), làm quan tới chức Cẩm y vệ Hiệu úy[1].

Năm Gia Long thứ 12 (1813), bà Trường được chọn vào cung để hầu hoàng tử thứ tư là Nguyễn Phúc Đảm, tức vua Minh Mạng sau này. Năm 1820, Minh Mạng đăng cơ, phong cho bà Trường làm Tài nhân. Năm 1824, tấn làm Mỹ nhân, nhưng vẫn nằm trong hàng Lục chức, bậc thấp nhất hậu cung.

Ngày 19 tháng 11 năm 1826, tức 20 tháng 10 (âm lịch) năm Bính Tuất, bà Mỹ nhân Nguyễn Thị Trường qua đời, hưởng dương 31 tuổi, được ban thụyĐoan Tịnh (端靜)[1]. Bà được an táng tại làng Nguyệt Biều, huyện Hương Thủy (nay tọa lạc tại phường Thủy Biều, Huế). Mộ của bà Mỹ nhân được táng gần ngôi mộ cũ của đại thi hào Nguyễn Du[2].

Năm 1840, Mỹ nhân Nguyễn Hữu thị được tặng làm Thất giai Quý nhân, bậc thứ 7 trong hậu cung. Ban đầu, bà Quý nhân được thờ tại Ý Thục từ, đến năm thứ 22 triều vua Tự Đức (1869), phụng chuẩn đem thần chủ về thờ tại phủ của Nghi Hòa Quận công Miên Thần, con trai trưởng của bà.

Hậu duệ

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo Nguyễn Phúc tộc thế phả, Quý nhân Nguyễn Thị Trường sinh cho vua Minh Mạng được 3 hoàng tử và 1 hoàng nữ[1], nhưng gia phả phòng Quảng Biên lại ghi là 2 hoàng nữ, trong đó hoàng nữ đầu tiên chết yểu, không được xếp thứ tự trong Hoàng phả.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c Nguyễn Phúc tộc thế phả, tr.246
  2. ^ “Người Bàu Thôn vẫn lưu giữ "mộ vọng" cụ Nguyễn Du ở Huế?”. Tạp chí Sông Hương. 2015.