Ida Haendel
Ida Haendel | |
---|---|
Thông tin nghệ sĩ | |
Sinh | 15 tháng 12 năm 1928 Chełm, Ba Lan |
Mất | 1 tháng 7 năm 2020 (91 tuổi) |
Thể loại | Cổ điển |
Nghề nghiệp | Nhạc sĩ |
Nhạc cụ | Violin |
Ida Haendel, CBE (15 tháng 12 năm 1928 – 1 tháng 7 năm 2020)[a][2][3] là một nghệ sĩ vĩ cầm người Canada gốc Ba Lan. Ngoài việc là một thần đồng, bà đã hoạt động sự nghiệp hơn bảy thập kỷ và trở thành một trong những giáo viên có tầm ảnh hưởng lớn.[4]
Sự nghiệp ban đầu
[sửa | sửa mã nguồn]Ida Haendel sinh năm 1928 trong một gia đình người gốc Do Thái ở Chełm, Ba Lan. Tài năng của bà đã sớm bộc lộ rõ khi bà được tiếp xúc với cây đàn của chị gái mình vào năm ba tuổi.[5][6] Năm 1933 khi mới 5 tuổi, bà đã biểu diễn bản Concerto cho Violin của Beethoven và giành được huy chương vàng của Nhạc viện Warszawa[7] và giải thưởng Huberman đầu tiên trong cuộc đời. 7 tuổi, bà đã cạnh tranh với những nghệ sĩ vĩ cầm điêu luyện và hơn bà nhiều tuổi như David Oistrakh và Ginette Neveu để trở thành một trong những người chiến thắng của Cuộc thi vĩ cầm quốc tế Henryk Wieniawski đầu tiên vào năm 1935.[8][9]
Những động lực đầu đời đã giúp bà theo học chuyên nghiệp với các nhà sư phạm danh tiếng Carl Flesch ở London và George Enescu ở Paris. Trong Thế chiến thứ hai, bà đã biểu diễn phục vụ trong các nhà máy, phục vụ cho quân đội Anh, Mỹ[9] và biểu diễn trong các buổi hòa nhạc tại Phòng trưng bày Quốc gia của Myra Hess.[10] Năm 1937, buổi ra mắt công chúng ở London của bà dưới sự chỉ huy trưởng của Henry Wood đã mang lại cho bà một sự hoan nghênh từ giới phê bình trên toàn thế giới, trong khi người chỉ huy liên tưởng việc bà biểu diễn giống với những kỷ niệm của ông về Eugène Ysaÿe.[11] Nhờ gắn bó suốt đời với lễ hội âm nhạc Proms mà bà có với lễ hội này 68 lần xuất hiện.[9]
Sự nghiệp biểu diễn
[sửa | sửa mã nguồn]Sau khi biểu diễn bản concerto của Sibelius ở Helsinki vào năm 1949, bà nhận được một lá thư từ nhà soạn nhạc. "Cháu đã chơi nó một cách thuần thục ở mọi khía cạnh," Sibelius viết và nói thêm: "Ta tự chúc mừng bản thân rằng bản concerto của ta đã tìm thấy một người xuất sắc cho trình độ hiếm có của cháu".[5][6] Haendel thực hiện các chuyến lưu diễn hàng năm đến Châu Âu, và cũng xuất hiện thường xuyên ở khu vực Nam Mỹ và Châu Á. Sống ở Montreal, Canada từ năm 1952 đến năm 1989, sự hợp tác của bà với các dàn nhạc Canada đã khiến bà trở thành một nhân vật nổi tiếng quan trọng của sự nghiệp âm nhạc tại Canada. Là người có quốc tịch Anh sống tại Canada, bà cũng đã nhập quốc tịch Canada. Năm 1973, bà là nghệ sĩ độc tấu phương Tây đầu tiên được mời đến Trung Quốc sau cuộc Cách mạng Văn hóa của nước này khi biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng Luân Đôn.[3][12][13] Mặc dù bà làm việc chủ yếu với Sergiu Celibidache, nhưng bà cũng được hợp tác với những nhạc trưởng nổi tiếng như Thomas Beecham, Adrian Boult, Eugene Goossens, Malcolm Sargent, Charles Munch, Otto Klemperer, Georg Solti, Vladimir Ashkenazy, Bernard Haitink, Rafael Kubelík, Lorin Maazel, Zubin Mehta và Simon Rattle, người mà bà đã thu âm cùng các bản concerto độc tấu vĩ cầm của Elgar và Sibelius.
Năm 1993, bà tổ chức buổi hòa nhạc của mình với dàn nhạc giao hưởng Berliner. Năm 2006, bà biểu diễn cho Giáo hoàng Biển Đức XVI tại trại tập trung cũ của Đức Quốc xã Auschwitz-Birkenau.[14] Sau đó bà tổ chức một buổi hòa nhạc tưởng nhớ tại Phòng trưng bày Quốc gia của Luân Đôn để vinh danh các buổi hòa nhạc tưởng niệm chiến tranh của Myra Hess[15] và xuất hiện tại Lễ hội Sagra Musicale Malatestiana năm 2010.[16] Cây vĩ cầm của Haendel là cây đàn của Stradivarius được chế tác từ năm 1699.[10] Haendel sống ở Miami, Florida trong nhiều năm và bà cũng tích cực tham dự Liên hoan Piano Quốc tế Miami.[17]
Thu âm
[sửa | sửa mã nguồn]Các bản thu âm của Haendel với những hãng thu âm lớn đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình. Hiệp hội Sibelius đã trao tặng bà Huân chương Sibelius vào năm 1982. Bà cho biết mình luôn có niềm đam mê với âm nhạc Đức.[18] Sự nghiệp thu âm của bà bắt đầu vào ngày 10 tháng 9 năm 1940 cho Decca, ban đầu chỉ là các tác phẩm độc tấu ngắn và các tác phẩm thính phòng. Vào tháng 4 năm 1945, bà thu âm cả hai bản concerto của Tchaikovsky và Mendelssohn, sau đó là bản concerto của Dvořák vào năm 1947. Sự nghiệp thu âm của bà kéo dài gần 70 năm cho các hãng lớn như EMI và Harmonia Mundi. Khoảng năm 1948–49, bà thu âm bản Concerto cho Violin của Beethoven với Rafael Kubelik chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng. Vào năm 2014, hãng thu âm Supraphon đã phát hành một bộ 5 CD gồm các bản thu âm trực tiếp và bản thu âm phòng thu của bà được thực hiện tại Praha từ năm 1957 đến năm 1965.
Một số bản thu âm khác được đánh giá cao của bà có thể kể đến như concerto cho violin của Brahms (bao gồm một bản với Dàn nhạc Giao hưởng London do Sergiu Celibidache chỉ huy, chính là bản thu âm phòng thu cuối cùng của ông), và một bản concerto cho violin của Tchaikovsky với Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia do Basil Cameron chỉ huy.[19] Nhà phê bình âm nhạc Geoffrey Norris của tờ The Telegraph đã ca ngợi bản thu âm concerto cho violin của Sibelius năm 1993 của bà được phát hành bởi hãng đĩa Testament rằng "chỉ đơn giản là tuyệt vời."[12] Trong số các bản thu âm sau này của bà còn có bản Sonata và partita dành cho violin độc tấu, BWV1001-1006 của J. S. Bach, được thu âm tại Studio 1 Abbey Road, London, vào năm 1995 dưới hình thức thu âm bằng analogue và được phát hành bởi Testament.[20]
Bà cũng có một niềm đam mê âm nhạc của thế kỷ 20 nhất định, bao gồm một số tác giả như Béla Bartók, Benjamin Britten hay William Walton. Trong số các buổi biểu diễn ra mắt của bà có Tartiniana Seconda của Luigi Dallapiccola và concerto cho violin số 2 của Allan Pettersson, được sáng tác để dành riêng cho bà. Để tỏ lòng thành kính với người thầy George Enescu, bản thu âm Decca của bà về sonata cho violin của Geogre Enescu với Vladimir Ashkenazy vào năm 2000 đã mang về cho bà giải Diapason d'Or.[15]
Giảng dạy
[sửa | sửa mã nguồn]Những màn biểu diễn đầy cảm xúc của Haendel đã truyền cảm hứng cho nhiều người thuộc thế hệ nghệ sĩ vĩ cầm mới về sau, bao gồm Anne-Sophie Mutter, David Garrett và Maxim Vengerov.[21][22]
Vào tháng 8 năm 2012, bà là nghệ sĩ danh dự tại Lễ hội đàn dây Quốc tế Cambridge. Bà thường xuyên là trọng tài trong các cuộc thi vĩ cầm, bao gồm Sibelius, Carl Flesch, Benjamin Britten và Cuộc thi vĩ cầm Quốc tế. Bà trở về quê hương Ba Lan để làm giám khảo Cuộc thi Violin Henryk Wieniawski ở Poznań trong một số dịp, và là chủ tịch danh dự của cuộc thi vào năm 2011.[23][24]
Qua đời
[sửa | sửa mã nguồn]Haendel qua đời tại một viện dưỡng lão ở Pembroke Park, Florida vào ngày 1 tháng 7 năm 2020, ở tuổi 91. Theo lời kể của cháu trai bà, vào thời điểm qua đời, bà bị ung thư thận.[25][26]
Chứng nhận và trao thưởng
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 1991, bà được Nữ hoàng Elizabeth II trao Huân chương Đế quốc Anh (CBE).[27] Bà nhận bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Âm nhạc Hoàng gia, London, vào năm 2000 và từ Đại học McGill vào năm 2006.[15][28]
Hồi ký
[sửa | sửa mã nguồn]Haendel xuất bản cuốn tự truyện của mình mang tên Woman With Violin (tạm dịch: Người phụ nữ với cây vĩ cầm) vào năm 1970 (Gollancz; ISBN 978-0-575-00473-3).
Trên truyền hình
[sửa | sửa mã nguồn]Cuộc đời của bà là chủ đề của một số bộ phim tài liệu truyền hình, bao gồm Ida Haendel: A Voyage of Music (1988), I Am The Violin (2004) và Ida Haendel: This Is My Heritage (2011). Vào tháng 6 năm 2009, bà xuất hiện trên một chương trình truyền hình của kênh Channel 4, mang tên Những thần đồng âm nhạc vĩ đại nhất thế giới, trong đó bà đã tư vấn nhà soạn nhạc người Anh khi đó 16 tuổi là Alex Prior để chọn những đứa trẻ nào để chơi các sáng tác của mình.[29][30]
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Tạp chí The Strad ra ngày tháng 3 năm 1937 cho biết ngày sinh của bà là 15 tháng 1 năm 1923, do đó tuổi chính xác của bà còn nhiều nghi vấn. Có thông tin cho rằng với sự tham khảo ý kiến của cha bà, ông bầu người Anh Harold Holt đã điều chỉnh năm sinh từ 1928 thành 1923 để tạo cho bà vẻ lớn hơn thực tế 5 tuổi. Điều này được thực hiện để lách luật quy tắc của Covent Garden là cấm bất kỳ ai dưới 14 tuổi xuất hiện trên sân khấu.[1] Kể từ đó, 1923 vốn là một năm sinh không chính xác đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm tham khảo.
Nguồn
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Anderson, Colin. “A Genius of the Violin – Ida Haendel @www.classicalsource.com”. Classical Music. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 11 năm 2006. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2020.
- ^ “A Genius of the Violin – Ida Haendel”. classicalsource.com. tháng 4 năm 2004. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 7 năm 2020. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2022.
- ^ a b White, Robert (1 tháng 7 năm 2020). “Ida Haendel obituary”. The Guardian. London. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 7 năm 2020. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2020.
- ^ “Ida Haendel, master violinist and champion of Israel musicians, dies at 9”. The Jerusalem Post | JPost.com (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2022.
- ^ a b Smith, Harrison (3 tháng 7 năm 2020). “Ida Haendel, Polish-born musician known as 'grande dame of the violin,' dies at 96”. Washington Post. Washington. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2020.
- ^ a b Nicolson, Mairi (2 tháng 7 năm 2020). “Violinist Ida Haendel has died aged 91”. ABC Classic (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2022.
- ^ Petrášková, Eva (2003). Ravel: Tzigane, Lalo: Symphonie espagnole, Hartmann: Concerto funébre (CD). Ivan Vomáčka (trans.), Karel Ančerl, Czech Philharmonic. Prague: Supraphon. tr. 12. SU 3677-2011. [1] Lưu trữ 2014-02-25 tại Wayback Machine
- ^ Prizewinners of International Henryk Wieniawski Violin Competitions Lưu trữ 2017-06-09 tại Wayback Machine, wieniawski.com; truy cập ngày 23 tháng 8 năm 2015.
- ^ a b c “Yr Holl Berfformiadau gan Ida Haendel yn BBC Proms”. bbc.co.uk. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 6 năm 2020.
- ^ a b “Ida Haendel”. The Strad. 1 tháng 1 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2020.
- ^ "Toàn bộ nền âm nhạc trên thế giới hiện đang theo dõi sự nghiệp của đứa trẻ đáng chú ý này với sự quan tâm sâu sắc nhất. Mặc dù tại thời điểm viết những dòng này, cô bé ấy mới 14 tuổi, nhưng khả năng thuyết phục của cô bé gần như rất kỳ lạ. Ida Haendel đã chơi bản concerto của Brahms tại một buổi hòa nhạc Promenade năm ấy mà giai điệu và cảm xúc của được cô bé thể hiện trong bản concerto tuyệt vời đến mức tôi dường như một lần nữa nghe thấy tiếng đàn của Ysaÿe già thân yêu ở bên cạnh mình. Wood, Henry J. (1938). My Life of Music. London: Victor Gollancz. tr. 423.
- ^ a b Siskind, Jacob (14 tháng 4 năm 1973). “Ida Haendel – Reflections on music in the land of Mao”. The Montreal Gazette. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 7 năm 2020. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2019.
- ^ “Violinist Ida Haendel has died”. The Strad (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2022.
- ^ Spier, Susan; Nygaard King, Betty; Siskind, Jacob (4 tháng 3 năm 2015). “Ida Haendel”. The Canadian Encyclopedia. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2020.
- ^ a b c The National Gallery (29 tháng 7 năm 2010). “National Gallery commemorates Second World War with special day of events and new online resource – Press Release: July 2010”. National Gallery, London. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2020.
- ^ “Ida Haendel in esclusiva a Rimini per la Sagra Musicale Malatestiana”. libertas.sm. 5 tháng 12 năm 2010. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2022.
- ^ “Ida Haendel - The Grande Dame of the Violin”. miamipianofest.com. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2022.
- ^ "Der Geigerin Ida Haendel zum 80" Lưu trữ 2021-02-26 tại Wayback Machine, welt.de, 15 tháng 12 năm 2008; truy cập ngày 23 tháng 8 năm 2015.
- ^ “Ida Haendel fanpage”. jose-sanchez-penzo.net. 2001. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 11 năm 2009. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2019.
- ^ Inman, David.Audio and the Record Collector: Testament sessions at Abbey Road. International Classical Record Collector, November 1995, pp. 91–92.
- ^ Lebrecht, Norman, "Ida Haendel – The one they don't want you to hear" Lưu trữ 2020-07-04 tại Wayback Machine, scena.org, 22 tháng 6 năm 2000.
- ^ “Geigerin Ida Haendel ist tot”. Der Spiegel (bằng tiếng Đức). Hamburg. dpa. 2 tháng 7 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 4 tháng 7 năm 2020.
- ^ “Ida Haendel”. Henryk Wieniawski Musical Society of Poznan. 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2019.
- ^ “14th International Henryk Wieniawski Violin Competition”. Henryk Wieniawski Musical Society of Poznan. tháng 10 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2019.
- ^ “Britisch-polnische Geigerin Ida Haendel in Miami gestorben”. Neue Zürcher Zeitung (bằng tiếng Đức). Zürich. dpa. 2 tháng 7 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 2 tháng 7 năm 2020.
- ^ da Fonseca-Wollheim, Corinna (8 tháng 7 năm 2020). “Ida Haendel, Violin Virtuoso With 'Fire and Ice' in Her Playing, Dies”. The New York Times. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2020.
- ^ Rosenfelder, Ruth (1 tháng 3 năm 2009). “Ida Haendel – Jewish Women: A Comprehensive Historical Encyclopedia”. Jewish Women's Archive. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2019.
- ^ “McGill honorary degree recipients”. mcgill.ca. 8 tháng 5 năm 2006. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2020.
- ^ "FACT SHEET: TITLE: THE WORLD'S GREATEST MUSICAL PRODIGIES", aptonline.org (2009); Lưu và truy cập ngày 23 tháng 8 năm 2015.
- ^ "The World's Greatest Musical Prodigies", Channel4.com, 30 tháng 3 năm 2009. Lưu trữ 1 tháng 1 năm 2013 tại Wayback Machine
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Người bảo trợ của các nghệ sĩ xuất sắc
- Ida Haendel biểu diễn Concerto cho violin của Sibelius
- Danh sách đĩa nhạc của Ida Haendel trên Discogs