Hy Lạp cổ đại
Bài viết này có nhiều vấn đề. Xin vui lòng giúp cải thiện hoặc thảo luận về những vấn đề này bên trang thảo luận. (Tìm hiểu cách thức và thời điểm xóa những thông báo này)
|
Bài này nằm trong loạt bài về |
---|
Lịch sử Hy Lạp |
Hy Lạp cổ đại là một nền văn minh thuộc về một thời kỳ lịch sử của Hy Lạp khởi đầu từ thời kỳ Tăm tối của Hy Lạp khoảng từ thế kỷ XII cho tới thế kỷ thứ IX TCN và kéo dài đến cuối thời kỳ cổ đại (khoảng năm 600 Công Nguyên). Tiếp nối giai đoạn này là sự bắt đầu của giai đoạn đầu thời kỳ trung cổ và kỷ nguyên Byzantine.[1] Khoảng ba thế kỷ sau giai đoạn sụp đổ cuối thời kỳ Đồ đồng của nền văn minh Mycenaean, các thành bang Hy Lạp đã bắt đầu hình thành vào thế kỷ thứ VIII trước Công nguyên, mở ra thời kì Hy Lạp cổ xưa và quá trình thuộc địa hóa khu vực Địa Trung Hải. Tiếp theo, đó là thời kỳ Hy Lạp cổ điển, kỷ nguyên này được bắt đầu bằng các cuộc Chiến tranh Hy Lạp-Ba Tư, kéo dài từ thế kỷ thứ V cho đến thế kỷ thứ IV TCN. Nhờ vào các cuộc chinh phạt được Alexandros Đại Đế của Macedonia thực hiện, nền văn minh Hy Lạp hóa đã phát triển rực rỡ trải dài từ khu vực Trung Á cho đến tận cùng phía tây của khu vực biển Địa Trung Hải. Thời kỳ Hy Lạp hóa đi đến hồi kết khi Cộng hòa La Mã tiến hành chinh phạt và sáp nhập các vùng đất nằm ở phía đông khu vực biển Địa Trung Hải, họ đã thành lập ra các tỉnh như Macedonia của La Mã, và sau này là tỉnh Achaea của Đế quốc La Mã.
Nền văn hoá cổ điển của Hy Lạp, đặc biệt là về triết học, đã có một ảnh hưởng mạnh mẽ đến La Mã cổ đại, mà đã giúp truyền bá nó đến nhiều vùng đất khác nhau của khu vực Địa Trung Hải và Châu Âu. Vì lý do này, nền văn hóa Hy Lạp cổ điển thường được coi là cội nguồn văn hóa mà góp phần tạo ra nền tảng cho nền văn hoá phương Tây thời kỳ cận đại và còn được coi là cái nôi của nền văn minh phương Tây.[2][3][4]
Niên đại
[sửa | sửa mã nguồn]Kỷ nguyên cổ điển ở khu vực Địa Trung Hải thường được cho là đã bắt đầu vào thế kỷ thứ VIII trước Công nguyên[5] và kết thúc vào thế kỷ thứ VI Công Nguyên.
Trước khi bước vào kỷ nguyên cổ điển, Hy Lạp đã trải qua kỷ nguyên tăm tối (khoảng từ 1200 - 800 TCN), đặc trưng khảo cổ học của thời kỳ này đó là phong cách thiết kế tiền hình học phẳng, và hình học phẳng trên các đồ gốm. Tiếp theo sau kỷ nguyên tăm tối là thời kỳ cổ xưa, bắt đầu từ khoảng thế kỷ thứ VIII trước Công nguyên. Thời kỳ cổ xưa đã chứng kiến những bước phát triển ban đầu trong văn hoá và xã hội Hy Lạp; cái mà đã tạo nên nền tảng cho thời kỳ cổ điển[6]. Tiếp sau thời kỳ cổ xưa, thời kỳ cổ điển ở Hy Lạp theo quy ước được cho là đã bắt đầu từ thời điểm người Ba Tư tiến hành xâm lược Hy Lạp vào năm 480 TCN và kéo dài cho đến khi Alexandros Đại đế qua đời vào năm 323 TCN.[7] Thời kỳ này được đặc trưng bởi một phong cách vốn được các nhà nghiên cứu xem như là chuẩn mực, phong cách "cổ điển", chẳng hạn như được thể hiện ở ngôi đền Parthenon. Về mặt chính trị, thời kỳ cổ điển chứng kiến sự thống trị của Athen và liên minh Delios trong thế kỷ thứ V TCN, nhưng sau đó quyền bá chủ lại rơi vào tay của người Sparta vào đầu thế kỷ thứ IV trước công nguyên, trước khi quyền bá chủ được chuyển sang cho Thebes và Liên minh Boeotia và cuối cùng là liên minh Corinth do Macedonia lãnh đạo. Hai sự kiện nổi bật nhất của thời kỳ này đó là các cuộc Chiến tranh Hy Lạp-Ba Tư và sự trổi dậy của Macedonia.
Tiếp sau thời kỳ cổ điển là thời kỳ Hy Lạp hóa (323-146 TCN), trong giai đoạn này văn hoá và quyền lực của người Hy Lạp đã được mở rộng sang khu vực Trung và Cận Đông. Thời kỳ này bắt đầu vào thời điểm Alexandros Đại đế qua đời và kết thúc khi người La Mã chinh phục hoàn toàn Hy Lạp. Thời kỳ Hy Lạp thuộc La Mã thường được cho là bắt đầu từ lúc người La Mã giành chiến thắng trước người Corinth tại trận Corinth vào năm 146 trước công nguyên cho đến khi Constantinus Đại đế chọn Byzantium trở thành kinh đô mới của Đế quốc La Mã vào năm 330 của Công Nguyên. Sau cùng, thời kỳ Hậu cổ đại là tên gọi chung cho thời kỳ diễn ra quá trình Cơ Đốc hóa bắt đầu từ cuối thế kỷ IV cho đến đầu thế kỷ thứ VI của Công Nguyên, thời điểm kết thúc của nó đôi khi được coi là vào lúc hoàng đế Justinian I ra lệnh đóng cửa học viện Athens vào năm 529.[8]
Nguồn gốc
[sửa | sửa mã nguồn]Người Hy Lạp được cho là đã di chuyển về phía nam về phía bán đảo Balkan thành vài đợt vào cuối thiên niên kỷ 3 TCN, lần cuối vào lúc cuộc xâm lăng của người Dorian. Thời kỳ từ 1600 TCN đến khoảng 1100 TCN được miêu tả trong Lịch sử của Hy Lạp Mycenae là triều đại của vua Agamemnon và cuộc chiến thành Troia được kể trong các bản anh hùng ca của Homer. Thời kỳ từ 1100 TCN đến thế kỷ VIII TCN là một "thời kỳ tối tăm" với không một tư liệu nào được giữ lại, và rất hiếm bằng chứng khảo cổ còn lại. Các tư liệu cấp hai và ba như Lịch sử của Herodotus, Mô tả về Hy Lạp của Pausanias, Bibliotheca của Diodorus và Chronicon của Jerome, miêu tả sơ lược lịch sử và danh sách các vua của thời kỳ này. Lịch sử của Hy Lạp cổ đại thường được kết thúc với sự chấm dứt của triều đại Alexandros Đại Đế, người chết năm 323 TCN. Những sự kiến sau đó được miêu tả trong Hy Lạp thời cổ.
Cần xem xét cẩn thận nguồn tham thảo khi tìm hiểu về lịch sử Hy Lạp cổ đại. Những sử gia và chính trị gia có tác phẩm tồn tại đến nay như Herodotus, Thucydides, Xenophon, Demosthenes, Platon và Aristotle, phần nhiều là người thành Athens hay ủng hộ Athena. Điều đó giải thích vì sao ta biết về lịch sử và chính trị của Athena nhiều hơn những thành phố khác, và tại sao chúng ta hầu như không biết mấy về các nơi khác. Hơn nữa những người này hầu như chỉ tập trung viết về chính trị, quân sự và lịch sử ngoại giao, và bỏ qua kinh tế và xã hội. Do vậy tất cả lịch sử về Hy Lạp cổ đại cần được nghiên cứu thận trọng với những hạn chế từ các tư liệu tham khảo này.
Lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Sự trỗi dậy của Hy Lạp
[sửa | sửa mã nguồn]Vào thế kỷ thứ VIII TCN Hy Lạp cổ đại bắt đầu trỗi dậy từ Thời kỳ Tăm tối sau khi nền văn minh Mycenae sụp đổ. Nhiều văn bản bị mất và chữ viết Mycenae bị lãng quên, nhưng người Hy Lạp sau đó đã dùng bảng chữ cái Phoenici và tạo ra bảng chữ cái Hy Lạp và từ khoảng 800 TCN những ghi chép bắt đầu xuất hiện. Hy Lạp cổ đại bị phân chia thành nhiều cộng đồng tự quản nhỏ, điều này phản ánh hình dạng địa lý của Hy Lạp, nơi mà các đảo, thung lũng và đồng bằng bị chia cắt nhau bởi biển cả hay các dãy núi.
Cùng với sự phục hồi về mặt kinh tế, dân số đã tăng trưởng vượt quá giới hạn cung cấp của đất trồng trọt. Từ khoảng 750 TCN người Hy Lạp bắt đầu 250 năm mở rộng, thiết lập thuộc địa về mọi hướng. Về hướng đông, bờ biển Aegea thuộc Tiểu Á được chiếm làm thuộc địa đầu tiên, tiếp theo là Kypros, những vùng ven biển của Thrace, vùng biển Marmara và vùng phía nam Biển Đen. Cuối cùng thuộc địa của Hy Lạp mở tới tận phía đông bắc vùng Ukraina ngày nay. Về phía tây, Albania, Sicilia và nam Ý được thiết lập thuộc địa, sau đó là vùng ven biển phía nam của Pháp, Corse, và kết thúc ở đông bắc Tây Ban Nha. Những thuộc địa của Hy Lạp cũng được lập tại Ai Cập và Libya. Syracuse, Napoli, Marseille và Istanbul ngày nay đã bắt đầu từ những thuộc địa của Hy Lạp là Syracusa, Neapolis, Massilia và Byzantium.
Vào thế kỷ thứ VI TCN Hy Lạp đã trở thành một khu vực văn hóa và ngôn ngữ rộng lớn hơn nhiều so với diện tích địa lý của Hy Lạp hiện nay. Những vùng đất thuộc địa của Hy Lạp không bị kiểm soát về mặt chính trị vẫn duy trì những kết nối tôn giáo và thương mại với những thành phố thiết lập ra chúng.
Người Hy Lạp tổ chức thành những xã hội độc lập cả ở quê nhà và bên ngoài, và thành phố (polis) trở thành đơn vị chính quyền cơ bản của Hy Lạp.
Xung đột xã hội và chính trị
[sửa | sửa mã nguồn]Những thành phố Hy Lạp cổ ban đầu theo chế độ quân chủ, mặc dù rất nhiều thành phố khá nhỏ và danh xưng "vua" (basileus) dành cho người đứng đầu những thành phố này là quá trang trọng. Hy Lạp cổ đại không có nhiều đất canh tác và quyền lực nằm trong tay thiểu số tầng lớp địa chủ, những người này hình thành nên một tầng lớp quý tộc chiến binh thường xuyên gây chiến giữa các thành phố để giành đất và nhanh chóng chấm dứt chế độ quân chủ. Cũng khoảng thời gian này nổi lên một tầng lớp thương nhân (với sự xuất hiện tiền xu vào khoảng 680 TCN) dẫn đến mâu thuẫn giai cấp tại các thành phố lớn. Từ 650 TCN trở đi, các tầng lớp quý tộc đánh nhau không phải để bị lật đổ và thay thế bởi những lãnh chúa thường dân, gọi là tyrranoi (từ này không nên hiểu theo nghĩa ngày nay là một nhà độc tài hay bạo chúa–tyrant).
Vào thế kỷ thứ VI TCN có một số thành phố đã nổi lên tại Hy Lạp cổ: Athena, Sparta, Corinth và Thebes. Mỗi thành phố đó đều kiểm soát những vùng nông thôn phụ cận và những thành thị nhỏ quanh nó, và Athena và Corinth đã trở thành những trung tâm quyền lực về hàng hải và thương mại. Athena và Corinth cũng ganh đua nhau để chi phối nền chính trị Hy Lạp liên tục nhiều thế hệ.
Tại Sparta, tầng lớp quý tộc sở hữu đất đai nắm quyền lực, và hiến pháp do Lycurgus (Sparta) đưa ra (vào khoảng 650 TCN) đã củng cố chặt chẽ quyền lực của tầng lớp này đồng thời đem lại cho Sparta một chế độ quân phiệt dưới một nền quân chủ lưỡng chế. Sparta chi phối các thành phố khác của bán đảo Peloponnesus, ngoại trừ Argus và Achaia.
Tại Athena, ngược lại, chế độ quân chủ được bãi bỏ vào năm 683 TCN, và những cải cách của Solon đã lập nên một hệ thống chính phủ ôn hòa của tầng lớp quý tộc. Tiếp sau đó là chính thể chuyên chế của Peisistratos với những người con trai của ông, những người này đã biến Athena thành một trung tâm quyền lực mạnh về hàng hải và thương mại. Khi gia đình Peisistratos bị lật đổ, Cleisthenes thiết lập một nền dân chủ đầu tiên trên thế giới (500 TCN), trong đó quyền lực được nắm bởi hội đồng các công dân nam giới của thành phố. Tuy nhiên cần phải nhớ rằng chỉ một phần thiểu số những nam giới cư trú được coi là công dân thành phố, tức là không tính đến người nô lệ, người nô lệ được giải phóng và những ai không phải cư dân của thành Athena.
Chiến tranh với Ba Tư
[sửa | sửa mã nguồn]Tại vùng Ionia (hiện nay là vùng biển Aegea thuộc Thổ Nhĩ Kỳ), những thành phố của Hy Lạp cổ, bao gồm những trung tâm lớn như Miletus và Halicarnassus, đã không thể duy trì nền độc lập của họ và bị Đế chế Ba Tư kiểm soát vào giữa thế kỷ thứ VI TCN. Năm 499 TCN, người Hy Lạp tại đây đã tiến hành cuộc khởi nghĩa Ionia, và Athena cùng vài thành phố khác của Hy Lạp cổ đã tiếp viện.
Năm 490 TCN, hoàng đế Darius I đã tàn phá các thành phố ở Ionia và điều một hạm đội để tiêu diệt người Hy Lạp. Người Ba Tư cập bến ở Attica và đã bị quân Hy Lạp cổ, dưới sự chỉ huy của tướng thành Athena là Miltiades, đánh bại tại trận Marathon. Gò đất mai táng người Athena chết trong trận này vẫn có thể thấy được ở Marathon.
Mười năm sau, người kế tục Darius, hoàng đế Xerxes I đã cử một đội quân lớn bằng đường bộ tới Hy Lạp. Sau khi bị vua Sparta Leonidas I giữ chân tại trận Thermopylae, Xerxes đã tiến vào Attica, chiếm và đốt thành Athena. Nhưng người Athena đã rút khỏi thành phố bằng đường biển, và dưới sự chỉ huy của Themistocles họ đã đánh bại hạm đội Ba Tư tại trận Salamis. Một năm sau, người Hy Lạp, dưới sự chỉ huy của tướng thành Sparta là Pausanius, đã đánh thắng quân Ba Tư tại Plataea.
Hạm đội Athena sau đó quay sang đuổi người Ba Tư ra khỏi biển Aegea, và năm 478 TCN họ đã chiếm được Byzantium. Kết quả là Athena đã thâu tóm tất cả các chính quyền trên các đảo và vài liên minh trên đất liền vào một khối gọi là Liên minh Delos (vì của cải của họ được cất giấu trên hòn đảo linh thiêng mang tên này). Người Sparta, mặc dù cũng tham gia chiến tranh nhưng sau đó lại rút lui, để cho Athens trở thành một trung tâm quyền lực về hàng hải và thương nghiệp không thể khuất phục.
Ưu thế của Athens
[sửa | sửa mã nguồn]Chiến tranh Hy Lap-Ba Tư đã tạo ưu thế cho Athens thống trị Hy Lạp cổ trong suốt một thế kỷ. Athens đã làm chủ hoàn toàn trên biển, và cũng đứng đầu về sức mạnh thương nghiệp, mặc dù thành Corinth cũng là đối thủ cạnh tranh đáng gờm. Người lãnh đạo Athens, lúc đó là Pericles, đã dùng những cống nạp của các thành viên liên minh Delos để xây dựng đền Parthenon, và những công trình kiến trúc lớn của Athena cổ đại. Vào giữa thế kỷ thứ V TCN, liên minh này đã trở thành Đế chế Athens, đánh dấu bởi việc chuyển giao kho báu từ Delos đến Parthenon vào năm 454 TCN.
Sự giàu có của Athens đã lôi cuốn những người tài từ khắp nơi đổ về Hy Lạp, và cũng tạo ra một tầng lớp giàu có rỗi rãi, và trở thành những người bảo trợ cho nghệ thuật. Nhà nước Athena cũng bảo trợ cho việc học hành và nghệ thuật, đặc biệt cho kiến trúc. Athena trở thành trung tâm của văn học, triết học (xem Triết học Hy Lạp cổ) và nghệ thuật. Một số tên tuổi lớn nhất của lịch sử văn hóa và trí thức phương Tây đã sống ở Athena trong thời kỳ này: các nhà viết kịch Aeschylus, Aristophanes, Euripides và Sophocles, các nhà triết học Aristotle, Plato và Socrates, các nhà sử học Herodotus, Thucydides và Xenophon, nhà thơ Simonides và nhà điêu khắc Pheidias. Theo ngôn từ của Pericles, thành phố trở thành "trường học của Hy Lạp".
Những vùng khác của Hy Lạp ban đầu chấp nhận sự lãnh đạo của Athena trong cuộc chiến triền miên chống lại người Ba Tư, nhưng sau khi nhà chính trị bảo thủ Cimon mất quyền vào năm 461 TCN, Athena trở thành một chính quyền theo đường lối đế quốc ngày càng mở. Sau khi Hy Lạp giành chiến thắng ở trận Eurymedon năm 466 TCN, người Ba Tư không còn là mối đe dọa nữa, và vài nơi như Naxos, đã cố rút khỏi liên minh nhưng vẫn bị quy phục. Những người lãnh đạo mới của Athena, Pericles và Ephialtes, đã khiến mối quan hệ giữa Athena và Sparta trở nên xấu hơn, và năm 458 TCN chiến tranh đã nổ ra. Sau vài năm không kết quả, 30 năm hòa bình đã được ký kết giữa Liên minh Delos và Liên minh Peloponnesus (bao gồm Sparta và liên minh của họ). Thời gian này trùng với trận đánh cuối giữa Hy Lạp cổ và Ba Tư, một trận đánh ngoài biển Salamis tại Kypros, sau đó là Hiệp ước Hòa bình Callias (450 TCN) giữa Hy Lạp cổ và Ba Tư.
Cuộc chiến với Peloponnesus
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 431 TCN chiến tranh nổ ra giữa Athena và Sparta cùng các đồng minh. Nguyên nhân trực tiếp đến từ tranh chấp giữa Corinth và một trong những thuộc địa của nó, Corcyra (ngày nay là Corfu), mà Athena đã can thiệp vào. Nguyên nhân sâu xa là sự bất bình của Sparta và các đồng minh trước việc Athena ngày càng có ảnh hưởng lớn trong Hy Lạp cổ. Cuộc chiến kéo dài 27 năm, một phần bởi Athena (sức mạnh hải quân) và Sparta (sức mạnh lục quân) không bên nào giành được ưu thế hoàn toàn.
Chiến lược ban đầu của Sparta là xâm lấn Attica, nhưng dân thành Athena đã kịp lùi về trong thành của họ. Sự bùng phát của dịch bệnh trong thành phố đã gây ra những tổn thất nặng nề, trong đó có cả Pericles. Cùng thời gian này hải quân Athena đã tấn công Peloponnesus, chiến thắng trong các trận đánh tại Naupactus (429 TCN) và Pylos (425 TCN). Tuy nhiên cả hai bên đều không giành được một chiến thắng quyết định. Sau vài năm chiến tranh không đem lại kết quả, người lãnh đạo ôn hòa của Athena là Nicias đã ký kết Hòa ước Nicias (421 TCN).
Tuy nhiên, sự đối đầu giữa Sparta và một đồng minh của Athena là Argos vào năm 418 TCN lại làm bùng lên cuộc chiến. Tại Mantinea, Sparta đã đánh bại liên quân của Athena. Chiến tranh lại tiếp tục, và Alcibiades lên nắm quyền lực tại Athena. Năm 415 TCN Alcibiades đã thuyết phục Nghị viện Athena mở cuộc viễn chinh chống Syracuse, một đồng minh của phe Peloponnesus ở Sicilia. Mặc dù Nicias là người hoài nghi về cuộc viễn chinh Sicilia, ông ta cũng được chỉ định theo Alcibiades để chỉ huy cuộc viễn chinh. Do bị buộc tội, Alcibiades đã trốn đến Sparta và thuyết phục Sparta gửi cứu viện đến Syracuse. Kết quả là cuộc viễn chinh hoàn toàn thất bại và toàn bộ đội quân viễn chinh bị giết. Nicias đã bị hành quyết bởi những người bắt sống ông ta.
Sparta giờ đây đã dựng xong một đội quân (với sự trợ giúp của quân Ba Tư) và thách thức thủy quân Athena, và cũng tìm được người lãnh đạo tài giỏi là Lysander, người đã có một bước đi chiến lược ban đầu là chiếm Hellespont, kho lương của Athena. Bị đe dọa vì nạn đói, Athena đã gửi một đội quân cuối cùng còn lại đến đối đầu Lysander, và bị đánh bại tại Aegospotami (405 TCN). Việc mất nốt đội quân này đã khiến Athena sụp đổ hoàn toàn. Năm 404 TCN Athena đã cầu hòa, nhưng Sparta đã cương quyết chiếm đóng Athena, chiếm lấy lực lượng và của cải còn lại của Athena ở các thuộc địa của thành phố này. Đảng phái chống dân chủ đã lên nắm quyền lực tại Athena với sự ủng hộ của Sparta.
Sparta và sự trỗi dậy của Thebes
[sửa | sửa mã nguồn]Cuộc chiến Peloponnesus kết thúc đã khiến cho nước Sparta vươn lên làm Bá chủ trong thế giới Hy Lạp cổ đại, nhưng cái nhìn hẹp hòi của những chiến binh xuất sắc Sparta lại không thích hợp với cái ngôi vị đàn anh đó. Chỉ trong vài năm, phe cánh dân chủ được hồi phục tại Athena và những thành phố khác. Năm 395 TCN, Triều đình Sparta đã cách chức Lysander và Sparta đã mất ưu thế về thủy quân. Athena và Argos, cùng với hai đồng minh của Sparta trước đây là Thebes và Corinth, đã tuyên chiến với Sparta trong cuộc Chiến tranh Corinth, và cuộc chiến này đã kết thúc bất phân thắng bại năm 387 TCN. Cùng năm người Sparta đã khiến toàn dân Hy Lạp sốc khi ký kết Hiệp ước Antalcidas với Ba Tư, đồng nghĩa với việc dâng hai thành phố của Hy Lạp là Ionia và Cyprus; như vậy đã đảo ngược một trăm năm lịch sử chiến thắng của quân dân Hy Lạp trước người Ba Tư. Người Sparta sau đó còn nỗ lực tiêu diệt thành bang Thebes, do đó người Thebes đâm ra lo sợ bèn quay sang liên minh với kẻ thù cũ của họ là Athena.
Tại Thebes khi đó, Epaminondas - người có tài triết học nhưng chưa có công danh gì trong đời - thống lĩnh ba quân.[9] Những điềm xấu khiến một số cận thần Sparta phản đối chiến tranh, nhưng vua Agesilaus II quá ngoan cố nên ông ta quyết tâm phải trừng trị người Thebes. Vua Sparta là Cleombrotus I thân hành khởi binh. Hai đoàn quân xáp chiến ác liệt tại Leuctra (371 TCN); cuối cùng, Epaminondas đại thắng và tiêu diệt được rất nhiều quân Sparta, trong số đó có cả Cleombrotus I.[10] Kết quả của chiến thắng vang dội tại Leuctra là sự kết thúc ách bá quyền của Sparta và đánh dấu sự trỗi dậy của Thebes. Tuy nhiên nhờ đó Athena cũng đã khôi phục được sức mạnh trước đây của mình nên ưu thế của Thebes chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Lúc tin đại bại báo về, người dân Sparta đang làm lễ linh đình và họ liền phải dẹp bỏ hội hè.[10] Pelopidas - vị danh tướng Thebes đã góp phần mang lại thắng lợi này - được cử làm Tổng trấn vùng Boetia.[11] Quân Thebes thừa thắng liền đánh phá vùng Laconia, làm Agesilaus II phải đau khổ vì đất nước của ông đã mất đi những năm tháng huy hoàng xưa. Sau đó, người Arcadia lại lâm chiến với Sparta. Quân Sparta do Hoàng tử Archidamus chỉ huy không chết một ai, còn quân Arcadia thảm bại. Trong khi đó, trong cuộc chiến giữa người Thebes và tên bạo chúa khét tiếng Alexandros xứ Thessaly, quân Thebes do danh tướng Pelopidas chỉ huy đánh tan nát quân đội của Alexandros. Tuy Pelopidas hy sinh nhưng viện binh Thebes đến diệt sạch quân của Alexandros.[12]
Khi chiến tranh Thebes - Sparta lại bùng nổ một lần nữa, quân đội tinh nhuệ của vua Agesilaus II đánh tan nát quân Thebes trong một trận đánh khốc liệt. Trong một trận đánh lớn khác diễn ra tại Mantinea (362 TCN), Epaminondas bị một cung thủ Sparta hạ sát. Sau đó, các thành bang Hy Lạp ký kết hoà ước dù vua Agesilaus II chẳng hề muốn.[13] Thebes đã mất người lãnh đạo vĩ đại, và những người kế vị ông đã sai lầm khi lao vào cuộc chiến mười năm với Phocis. Năm 346 TCN người Thebes thỉnh cầu vua xứ Macedonia là Philippos II giúp họ đánh quân Phocis, tạo cơ hội cho Vương quốc Macedonia lần đầu tiên can thiệp vào Hy Lạp cổ.
Sự trỗi dậy của Macedonia
[sửa | sửa mã nguồn]Vương quốc Macedonia (ngày nay là Macedonia) được thành lập vào thế kỷ thứ VII TCN từ các bộ lạc ở phía bắc của Hy Lạp cổ. Trước đầu thế kỷ thứ IV, họ chỉ đóng một vai trò không đáng kể vào chính trị Hy Lạp cổ nhưng Philip, một người có nhiều tham vọng và đã được đào tạo ở Thebes, muốn có một vai trò lớn hơn. Đặc biệt, ông ta muốn được chấp nhận như một lãnh đạo mới của Hy Lạp để lấy lại những thành phố Hy Lạp tại châu Á từ người Ba Tư. Bằng việc chiếm lấy những thành phố Hy Lạp như Amphipolis, Methone và Potidaea, ông ta đã kiếm soát các mỏ vàng và bạc ở Macedonia. Điều này giúp ông có được những nguồn lực để thực hiện tham vọng của mình.
Philip đã đặt sự thống trị của Macedonia lên các thành Thessaly (352 TCN) và Thrace, và vào năm 348 TCN ông ta kiểm soát toàn bộ phần phía bắc của Thermopylae. Ông đã sử dụng sự giàu có để mua chuộc những chính trị gia Hy Lạp và lập ra "Đảng Macedonia" ở khắp các thành phố Hy Lạp. Sự can thiệp của ông vào cuộc chiến giữa Thebes và Phocis, đã đem lại cho ông ta sự thừa nhận là người lãnh đạo Hy Lạp, và cho ông ta cơ hội để trở thành nhân vật có ảnh hưởng trong chính trường Hy Lạp. Nhưng bất chấp sự ngưỡng mộ thực sự của ông ta dành cho Athena, người lãnh đạo Athena Demosthenes, trong một loại những bài diễn thuyết nổi tiếng (philippic) đã khích động các thành bang Hy Lạp ngăn cản sự thăng tiến của ông.
Năm 339 TCN Thebes, Athens, Sparta và những bang Hy Lạp khác đã liên minh chống lại Philip và trục xuất ông ta khỏi những thành phố Hy Lạp mà ông chiếm ở miền bắc. Tuy nhiên Philip tấn công trước, tiến sâu vào Hy Lạp và đánh bật liên minh này tại Chaeronea năm 338 TCN. Sự kiện này thường được coi là chấm dứt thời kì thành-bang Hy Lạp cổ như những đơn vị chính trị độc lập, mặc dù trên thực tế Athena và những thành phố khác vẫn tồn tại như những bang độc lập tận đến thời La Mã.
Philip đã cố chinh phục Athena bằng việc xu nịnh và quà cáp, nhưng cách này không thật sự thành công. Ông ta tổ chức những thành phố thành Liên minh Corinth và loan báo sẽ tiến hành một cuộc xâm lược Ba Tư để giải phóng những thành phố Hy Lạp và trả thù các cuộc xâm lấn của Ba Tư vào đầu thế kỷ trước. Tuy nhiên ông đã bị ám sát (336 TCN) trước khi thực hiện ý đồ này.
Những cuộc chinh phạt của Alexander
[sửa | sửa mã nguồn]Người con trai 20 tuổi Alexandros của Philip kế thừa ông ta, và ngay tức khắc thực thi những kế hoạch của cha mình. Khi nhận thấy Athena suy sụp, Alexandros muốn khôi phục lại chiến tích cũ như của Athena bằng cách đánh bại Ba Tư. Ông đi đến Corinth để được liên minh các thành phố Hy Lạp công nhận là lãnh tụ của người Hy Lạp, sau đó đi về phía bắc để tập trung lực lượng. Đội quân ông đưa đi đánh Đế chế Ba Tư về cơ bản là người Macedonia, nhưng nhiều người cùng lý tưởng ở các thành phố khác của Hy Lạp cũng đầu quân. Tuy nhiên trong khi Alexandros tiến hành chiến dịch ở Thrace, ông nghe tin ở Hy Lạp có nổi loạn. Ông lập tức trở lại phía nam, chiếm Thebes và phá huỷ thành phố này như một lời cảnh báo đến những thành bang Hy Lạp khác, rằng sức mạnh của ông sẽ không thể kháng cự được.
Năm 334 TCN Alexandros tiến vào châu Á và đánh bại quân Ba Tư tại sông Granicus. Chiến thắng này cho phép ông kiểm soát vùng biển Ionia, và ông đã mở một cuộc diễu hành chiến thắng qua những thành phố Hy Lạp được giải phóng. Sau khi sắp xếp xong mọi việc tại Anatolia, ông tiến về phía nam đến Syria qua Cilicia, nơi ông đã đánh bại Darius III của Ba Tư tại Issus (333 TCN). Sau đó ông lại tiến vào Ai Cập qua Phoenicia, nơi ông chỉ gặp một sự kháng cự nhỏ, và người Ai Cập đã chào đón ông như một người giải phóng họ khỏi ách thống trị của người Ba Tư.
Darius lúc đó sẵn sàng đàm phán hoà bình và Alexandros có thể trở về quê hương ăn mừng chiến thắng, nhưng ông vẫn quyết tâm xâm chiếm Ba Tư để trở thành bá chủ thế giới. Ông tiến về đông bắc ngang qua Syria và Lưỡng Hà, tiếp tục đánh bại Darius tại Gaugamela (331 TCN). Darius chạy trốn và đã bị chính những người theo ông ta giết chết. Lúc này Alexandros trở thành hoàng đế của Đế chế Ba Tư, chiếm Susa và Persepolis mà không gặp phải sự kháng cự nào.
Trong lúc đó, những thành phố của Hy Lạp tiếp tục cố gắng thoát khỏi sự kiểm soát của Macedonia. Tại Megalopolis năm 331 TCN, nhiếp chính của Alexandros là Antipater đánh bại người Sparta, vốn đã từ chối gia nhập liên minh Corinth hay công nhận quyền lực của Macedonia. Alexandros tiếp tục chinh chiến, đánh tan tác người Scythia tại sông Jaxartes (329 TCN),[14] hành quân qua những nơi mà bây giờ là Afghanistan và Pakistan, đến lưu vực sông Ấn Độ, và vào năm 326 TCN ông đã tới Punjab. Ông đã có thể tiến xuống sông Hằng để vào Bengal nhưng quân đội của ông cho rằng họ đang ở nơi tận cùng của thế giới, nên đã không tiến thêm nữa. Alexandros miễn cưỡng quay trở về, và chết vì một cơn sốt tại Babylon năm 323 TCN, khi đó ông mới 33 tuổi.
Đế chế Alexandros sớm tan vỡ sau khi ông chết, nhưng những cuộc viễn chinh của ông đã làm thay đổi thế giới Hy Lạp một cách lâu dài. Hàng ngàn người đi cùng hay sau ông đã đến định cư ở những thành phố mới của Hy Lạp mà ông đã lập ra khi chinh chiến, trong đó có thành phố mang tên ông là Alexandria ở Ai Cập. Các vương quốc nói tiếng Hy Lạp cũng được thiết lập ở Ai Cập, Syria, Iran và Bhalika. Thời kỳ Hy Lạp hoá đã bắt đầu.
Hy Lạp thời Hy Lạp hóa
[sửa | sửa mã nguồn]Cũng được hiển thị trên bản đồ:
Các khu vực màu cam thường bị tranh chấp sau năm 281 trước Công nguyên. Vương quốc Pergamon chiếm một số khu vực này. Không được hiển thị: Vương quốc Ấn-Hy Lạp.
Thời kỳ Hy Lạp hóa kéo dài từ năm 323 TCN, đánh dấu sự kết thúc của các cuộc chiến tranh của Alexandros Đại đế, tới khi sáp nhập Hy Lạp bởi Cộng hòa La Mã vào năm 146 TCN. Mặc dù sự thiết lập của luật lệ La Mã đã không phá vỡ sự liên tục của xã hội Hy Lạp hóa và văn hóa, mà về cơ bản vẫn không thay đổi cho đến khi sự ra đời của Kitô giáo, nó đã đánh dấu sự kết thúc của nền độc lập chính trị Hy Lạp.
Trong thời kỳ Hy Lạp hóa, tầm quan trọng của " Hy Lạp chính quốc" (nghĩa là lãnh thổ của Hy Lạp hiện đại) trong thế giới nói tiếng Hy Lạp suy giảm mạnh. Các trung tâm lớn của văn hóa Hy Lạp là Alexandria và Antioch, thủ đô của triều đại Ptolemaios Ai Cập và Seleukos Syria tương ứng.
Những cuộc chinh phạt của Alexandros đã có một số hậu quả cho các thành bang Hy Lạp. Nó mở ra chân trời rộng mở cho người Hy Lạp, làm cho các cuộc xung đột giữa các thành phố trở nên bất tận và một làn sóng di cư ổn định, đặc biệt là giới trẻ và đầy tham vọng, tới những đế quốc Hy Lạp mới ở phía đông. Nhiều người Hy Lạp di cư đến Alexandria, Antioch và nhiều thành phố Hy Lạp khác mới được thành lập theo sự đánh dấu của Alexandros, ca tới tận những gì được bây giờ là Afghanistan và Pakistan, nơi các vương quốc Hy Lạp-Bactria và Vương quốc Ấn-Hy Lạp tồn tại cho đến cuối thế kỷ I TCN.
Sau cái chết của Alexandros và sau các cuộc xung đột khá lâu, đế chế của ông đã bị phân chia giữa các tướng của mình, kết quả là hình thành Vương quốc Ptolemaios (ở Ai Cập), vương quốc Seleukos (nằm ở Cận đông, Lưỡng Hà và Ba Tư) và triều đại Antigonos tại Macedonia. Trong giai đoạn này, các thành bang (poleis) của Hy Lạp đã có thể giành lại một số quyền tự do của họ, mặc dù vẫn còn trên danh nghĩa chịu sự cai trị của Vương quốc Macedonia.
Các thành bang tự thành lập hai liên minh, Liên minh Achaea (bao gồm cả Thebes, Corinth và Argos) và Liên minh Aetolia (bao gồm Sparta và Athen). Trong phần lớn thời gian cho đến khi La Mã chinh phục, các liên minh của họ thường là có chiến tranh với nhau, hoặc liên minh với các bên khác nhau trong các cuộc xung đột giữa các Diadochi (các quốc gia kế tục đế chế của Alexandros).
Vương quốc Antigonos đã tham gia vào một cuộc chiến tranh với Cộng hòa La Mã vào cuối thế kỷ thứ III. Mặc dù cuộc chiến tranh Macedonia lần thứ nhất đã bất phân thắng bại, người La Mã, đã tiếp tục tiến hành cuộc chiến với Macedonia cho đến khi nó đã hoàn toàn bị sáp nhập vào Cộng hòa La Mã (năm 149 trước Công nguyên). Trong khi ở phía đông đế chế Seleukos cồng kềnh dần dần tan rã, mặc dù một phần còn tồn tại cho đến năm 64 trước Công nguyên, trong khi Vương quốc Ptolemaios ở Ai Cập tiếp tục tồn tại cho đến năm 30 trước Công nguyên, khi nó cũng bị chinh phục bởi những người La Mã. Liên minh Aetolia đã tăng cường cảnh giác với sự hiện diện của La Mã ở Hy Lạp, và đứng về phía vương quốc Seleukos trong chiến tranh La Mã-Syria, khi người La Mã đã chiến thắng, liên minh đã bị sáp nhập vào nước Cộng hoà. Mặc dù liên minh Achaea tồn tại lâu hơn cả liên minh Aetolia và Macedonia, nó cũng nhanh chóng bị đánh bại và bị sáp nhập bởi những người La Mã vào năm 146 TCN, mang đến dấu chấm hết cho sự độc lập của tất cả các thành bang Hy Lạp.
Hy Lạp thời La Mã
[sửa | sửa mã nguồn]Bán đảo Hy Lạp đã nằm dưới sự cai trị của La Mã trong năm 146 TCN, Macedonia trở thành một tỉnh của La Mã, trong khi phía Nam Hy Lạp nằm dưới sự giám sát của thái thú của Macedonia. Tuy nhiên, một số thành bang Hy Lạp đã cố gắng để duy trì nền độc lập một phần và tránh thuế. Những hòn đảo ở Aegea đã được thêm vào vùng lãnh thổ này trong năm 133 TCN. Athens, và các thành phố Hy Lạp khác nổi dậy trong năm 88 TCN, và bán đảo bị đè bẹp bởi tướng La Mã Sulla. Các cuộc nội chiến La Mã tàn phá vùng đất này hơn nữa, cho đến khi Augustus tổ chức bán đảo thành tỉnh Achaea trong năm 27 trước Công nguyên.
Địa lý
[sửa | sửa mã nguồn]Các vùng đất
[sửa | sửa mã nguồn]Các lãnh địa của Hy Lạp có nhiều đồi núi, và kết quả là, Hy Lạp cổ đại bao gồm nhiều khu vực nhỏ hơn đều có ngôn ngữ riêng của mình, đặc thù văn hóa và bản sắc. Khu vực và xung đột khu vực đã được một đặc trưng nổi bật của Hy Lạp cổ đại. Các thành phố có xu hướng được đặt tại thung lũng giữa núi, hoặc ở đồng bằng ven biển, và thống trị một khu vực nhất định xung quanh.
Ở phía nam nằm trên bán đảo Peloponnese, tự nó bao gồm các vùng Laconia (đông nam), Messenia (tây nam), Elis (phía tây), Achaia (phía Bắc), Korinthia (đông bắc), Argolis (phía đông), và Arcadia (trung tâm). Những tên này tồn tại cho đến ngày nay là quận của Hy Lạp hiện đại, mặc dù có ranh giới hơi khác nhau. Vùng đất chính của Hy Lạp ở phía bắc, ngày nay gọi là Trung Hy Lạp, bao gồm Aetolia và Acarnania ở phía tây, Locris, Doris, và Phocis ở trung tâm, trong khi ở phía đông là Boeotia, Attica, và Megaris. Thessaly nằm phía đông bắc, trong khi Epirus nằm về phía tây bắc. Epirus kéo dài từ Vịnh Ambracia ở phía Nam đến vùng núi và sông Ceraunian Aoos ở phía bắc, và bao gồm Chaonia (phía Bắc), Molossia (trung tâm), và Thesprotia (phía nam). Ở góc phía đông bắc là Macedonia,[16] ban đầu bao gồm hạ Macedonia và khu vực của nó, chẳng hạn như Elimeia, Pieria, và Orestis. Khoảng thời gian của Alexandros I của Macedonia, các vị vua triều đại Argead của Macedonia bắt đầu mở rộng tới Thượng Macedonia, vùng đất nơi sinh sống của bộ lạc Macedonia độc lập như Lyncestae và Elmiotae, về phía Tây, vượt sông Axius, là Eordaia, Bottiaea, Mygdonia, và Almopia, nơi các bộ tộc Thracian định cư [17]
Thuộc địa
[sửa | sửa mã nguồn]Trong thời kì cổ xưa, dân số Hy Lạp đã tăng vượt quá khả năng canh tác của đất vốn bị giới hạn (theo một ước tính, dân số của Hy Lạp cổ đại tăng thêm hơn mười lần trong khoảng thời gian từ 800 TCN đến 400 TCN, tăng từ dân số là 800.000 đến một số lượng dân số ước tính tổng số 10-13000000).[18]
Từ khoảng năm 750 TCN người Hy Lạp bắt đầu 250 năm mở rộng, xây dựng các thuộc địa theo tất cả các hướng. Về phía đông, bờ biển Aegea của Tiểu Á được chiếm làm thuộc địa đầu tiên, tiếp theo là Cyprus và các bờ biển của Thrace, vùng biển Marmara và bờ biển phía nam Biển Đen.
Cuối cùng thuộc địa của Hy Lạp đã đạt đến tận phía đông bắc là Ukraine và Nga ngày nay (Taganrog). Về phía tây bờ biển Illyria, Sicilia và miền Nam Ý đã có người định cư, tiếp theo là miền Nam nước Pháp, Corse, và thậm chí cả phía đông bắc Tây Ban Nha. Thuộc địa của Hy Lạp cũng đã được thành lập tại Ai Cập và Libya.
Syracuse, Napoli, Marseille và Istanbul ngày nay đã có sự khởi đầu là thuộc địa của Hy Lạp như Syracusae (Συρακούσαι), Neapolis (Νεάπολις), Massalia (Μασσαλία) và Byzantion (Βυζάντιον). Các thuộc địa đã đóng một vai trò quan trọng trong sự truyền bá ảnh hưởng của Hy Lạp khắp châu Âu, và cũng hỗ trợ trong việc thành lập mạng lưới kinh doanh khoảng cách dài giữa các thành phố Hy Lạp, quốc gia, thúc đẩy nền kinh tế của Hy Lạp cổ đại.
Chính trị và xã hội
[sửa | sửa mã nguồn]Chính trị
[sửa | sửa mã nguồn]Hy Lạp cổ đại bao gồm nhiều hơn hoặc ít hơn hàng trăm thành bang độc lập (polei). Đây là một tình huống không giống như hầu hết các xã hội đương thời khác, mà hoặc một bộ tộc, hay một vương quốc cai trị một vùng lãnh thổ tương đối lớn. Chắc chắn vị trí địa lý của Hy Lạp - chia cắt và phân chia bởi những ngọn đồi, núi và con sông - góp phần vào tính rời rạc của Hy Lạp cổ đại. Một mặt, người Hy Lạp cổ đại đã không có nghi ngờ rằng họ là "một dân tộc, họ có cùng tôn giáo, văn hóa cơ bản giống nhau, và cùng một ngôn ngữ. Hơn nữa, người Hy Lạp đã rất ý thức về nguồn gốc bộ lạc của họ, Herodotus đã có thể để phân loại rộng rãi các thành bang theo bộ lạc. Tuy nhiên, mặc dù những mối quan hệ cao hơn này tồn tại, chúng dường như hiếm khi có một vai trò quan trọng trong chính trị Hy Lạp. Sự độc lập của những poleis được bảo vệ rất mãnh liệt, thống nhất đất nước là một cái gì đó hiếm khi có trong dự tính của người Hy Lạp cổ đại. Ngay cả khi, trong cuộc xâm lược Hy Lạp lần thứ hai của người Ba Tư, một nhóm các thành bang đã tự mình liên minh để bảo vệ Hy Lạp, phần lớn các polei vẫn trung lập, và sau khi đánh bại Ba Tư, các đồng minh nhanh chóng quay ra tranh giành.[19]
Như vậy, đặc thù chính của hệ thống chính trị Hy Lạp cổ đại; trước hết, là tính chất rời rạc của nó, và thứ hai là sự tập trung đặc biệt vào các trung tâm thành thị trong số các quốc gia nhỏ bé khác. Các đặc thù của hệ thống Hy Lạp tiếp tục chứng minh bằng các thuộc địa mà họ thiết lập trên khắp vùng biển Địa Trung Hải, mặc dù chúng có thể coi như một Polis Hy Lạp nhất định như thành bang 'mẹ' của chúng(và vẫn có cảm tình với nó), chúng đã là một thành bang hoàn toàn độc lập.
Chắc chắn những Poleis nhỏ hơn có thể bị thống trị bởi các nước láng giềng lớn hơn, nhưng cuộc chinh phục hoặc sự cai trị trực tiếp của một thành bang khác xuất hiện khá hiếm. Thay vào đó, một hóm poleis lập thành một liên minh. Sau đó trong thời kỳ cổ điển, các liên minh sẽ trở nên ít hơn và lớn hơn, được thống trị bởi một thành phố (đặc biệt là Athen, Sparta và Thebes), và thường các poleis sẽ bị ép buộc phải tham gia do bị đe dọa chiến tranh (hoặc như là một phần của một hiệp ước hòa bình). Ngay cả sau khi Philippos II của Macedonia 'chinh phục' phần trung tâm của Hy Lạp cổ đại, ông đã không cố gắng để sáp nhập vùng lãnh thổ ấy, hoặc thống nhất thành một tỉnh mới, nhưng chỉ đơn giản là bắt buộc các poleis tham gia Liên minh Corinth của riêng mình.
Chính quyền và luật pháp
[sửa | sửa mã nguồn]Ban đầu nhiều thành bang Hy Lạp dường như đã là các vương quốc nhỏ, thường có một quan chức thành phố thực hiện một số chức năng, nghi lễ của vua (basileos), ví dụ như basileos Archon tại Athens [21] Tuy nhiên, vào thời kỳ cổ xưa và những sự hiểu biết lịch sử đầu tiên, hầu hết đã chuyển thành chế độ một nhóm quý tộc đầu sỏ. Vẫn chưa rõ chính xác làm thế nào sự thay đổi này xảy ra.
Chắc chắn, sự thống trị về chính trị và đi kèm với nó là sự tập trung toàn bộ của cải vào tay một nhóm nhỏ các gia đình dễ gây ra bất ổn xã hội trong thành bang. Ở nhiều thành phố, một bạo chúa (không phải trong ý nghĩa hiện đại chỉ chế độ độc đoán đàn áp), vào một thời điểm nào đó sẽ nắm quyền kiểm soát và cai trị theo ý mình.
Xã hội
[sửa | sửa mã nguồn]Những nét đặc trưng của xã hội Hy Lạp cổ đại là sự chia phân chia giữa người tự do và nô lệ, vai trò khác nhau giữa nam giới và nữ giới, sự ít phân biệt địa vị xã hôi dựa trên gốc gác ra đời, và sự quan trọng của tôn giáo. Lối sống của người Athena là phổ biến trong thế giới Hy Lạp so với chế độ đặc biệt của Sparta.
Cấu trúc xã hội
[sửa | sửa mã nguồn]Chỉ có những người tự do mới có quyền làm cư dân thành phố và được bảo vệ đầy đủ bởi luật pháp trong một thành-bang. Trong hầu hết các thành bang, không giống như La Mã, sự nổi trội trong xã hội không cho phép những quyền lợi đặc biệt. Chẳng hạn, sinh ra trong một gia đình nào đó không có nghĩa là có những đặc quyền. Vài gia đình kiểm soát chức năng tôn giáo cộng đồng, nhưng nói chung điều này không có nghĩa là có quyền lực nào đó trong chính quyền. Tại Athena, dân chúng được chia thành bốn tầng lớp dựa theo sự giàu có. Người ta có thể thay đổi tầng lớp của mình nếu có nhiều tiền hơn. Tại Sparta, tất cả các nam công dân của thành phố đều được xác định là "bình đẳng" nếu họ kết thúc việc học hành của họ. Tuy vậy, các vua người Sparta lãnh đạo tôn giáo và quân đội của thành bang thường đến từ hai gia đình khác nhau.
Nô lệ không có quyền lực và địa vị. Họ có quyền có gia đình và tài sản riêng, tuy nhiên không có quyền chính trị. Năm 600 TCN chế độ chiếm hữu nô lệ đã trải rộng khắp Hy Lạp. Đến thế kỷ thứ V TCN, nô lệ chiếm đến một phần ba số dân ở một số thành bang. Nô lệ bên ngoài Sparta hầu như không bao giờ nổi dậy bởi vì họ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau và tản mát khó có thể tổ chức lại với nhau.
Hầu hết các gia đình đều sở hữu nô lệ làm người giúp việc nhà và lao động tay chân, ngay cả những gia đình nghèo cũng có thể có một hay hai nô lệ. Những người sở hữu không bao giờ được phép đánh đập hay giết hại nô lệ. Những người sử hữu thường hứa sẽ trả tự do cho những nô lệ trong tương lai để họ làm việc chăm chỉ hơn. Không như ở La Mã, những người nô lệ được trả tự do không thể trở thành những công dân thành phố.
Thay vào đó, họ gia nhập vào thành phần các metic, bao gồm những người từ nước ngoài hay những thành bang khác được cho phép sinh sống trong thành bang này.
Những thành bang cũng được pháp luật cho phép sở hữu nô lệ. Những nô lệ cộng đồng này có sự độc lập lớn hơn so với những nô lệ do các gia đình sở hữu, tự kiếm sống và làm những công việc chuyên môn. Trong Athena, những nô lệ cộng đồng được đào tạo để theo dõi việc làm ra tiền giả, trong khi những nô lệ tại các đền thờ thì làm việc như những kẻ phục dịch của vị thần trong đền.
Sparta có một dạng nô lệ đặc biệt gọi là helot. Helot là những tù nhân của cuộc chiến Hy Lạp do các thành bang sở hữu và đưa vào các gia đình. Helot chuyên đi kiếm thực phẩm và làm những công việc vặt nội trợ cho các gia đình, cho phép phụ nữ có thể tập trung nuôi dạy con cái tốt hơn và nam giới có thời gian để huấn luyện thành lính hoplite. Những ông chủ của họ thường xuyên đối xử rất khắc nghiệt với họ nên rất hay có những cuộc nổi dậy.
Lối sống
[sửa | sửa mã nguồn]Trong suốt một thời gian dài, lối sống trong các thành - bang Hy Lạp gần như không thay đổi đáng kể. Người Hy Lạp tại các thành phố thường ở trong những khu nhà với những căn hộ thấp hoặc những ngôi nhà dành cho một gia đình, tuỳ theo thu nhập. Nhà ở, chung cư, và đền đài thường nằm quanh các agora (chợ). Công dân cũng sống trong các làng nhỏ và các nông trại nằm trong vùng nông thôn của thành bang. Tại Athena, nhiều người sống bên ngoài hơn là bên trong cổng thành.
Một hộ gia đình Hy Lạp tương đối đơn giản, thường có phòng ngủ, phòng chứa đồ đạc, và bếp được bố trí ở sân nhỏ bên trong nhà. Mỗi hộ thường có cha mẹ và con cái, tuy nhiên thường không có họ hàng sống chung. Đàn ông trong nhà có trách nhiệm đi làm nuôi sống gia đình hoặc đầu tư vào đất đai và buôn bán. Đàn bà có nhiệm vụ quản lý chi tiêu trong nhà và nô lệ, lấy nước từ các vòi nước công cộng mang về nhà, nấu nướng, chăm sóc con cái. Đàn ông có phòng riêng để tiếp khách vì khách nam giới không được phép vào trong phòng phụ nữ và trẻ em. Những người đàn ông giàu có đôi khi có thể mời bạn bè đến dự symposium (tiệc uống). Người ta lấy ánh sáng từ những ngọn đèn dùng dầu olive, và sưởi bằng các lò than củi. Đồ đạc trong nhà ít và đơn sơ, thường gồm ghế, bàn, và giường bằng gỗ.
Thực phẩm Hy Lạp cổ đại cũng hết sức đơn giản. Người nghèo thường ăn cháo lúa mạch bỏ thêm hành, rau và phô mai hay dầu ôliu. Chỉ có ít người được ăn thịt thường xuyên, ngoại trừ khi được phân phối miễn phí từ các buổi hiến tế động vật tại các lễ hội của thành bang. Các lò nướng bánh bán bánh mì nóng hằng ngày, còn các tiệm nhỏ hơn thì có bán đồ ăn nhanh. Rượu pha thêm nước là thức uống được ưa chuộng.
Trang phục người Hy Lạp ít thay đổi theo thời gian. Cả đàn ông và phụ nữ đều mặc trang phục quấn đơn giản. Trang phục thường có các hoạ tiết nhiều màu và có thắt dây nịt. Người Hy Lạp mặc áo choàng và đội mũ khi trời lạnh, và khi trời ấm thường mang dép thay cho giầy da. Phụ nữ dùng đồ trang sức và mỹ phẩm - đặc biệt là chì bột, để tạo ra nước da sáng. Đàn ông thường để râu đến khi Alexander đại đế đưa ra mốt cạo râu.
Thuốc men tại Hy Lạp cổ đại khá hạn chế. Hippocrates đã tách biệt mê tín với việc chữa trị bằng thuốc vào thế kỷ thứ V TCN. Các vị thảo dược được dùng để giảm đau, và thầy thuốc có thể thực hiện một số phẫu thuật đơn giản. Tuy thế họ vẫn chưa chữa được các bệnh truyền nhiễm, do đó những người khoẻ mạnh vẫn có thể tử vong bất kỳ lúc nào khi mắc bệnh.
Để có sức khoẻ và sẵn sàng cho nghĩa vụ quân sự, đàn ông phải thường xuyên luyện tập. Hầu như mỗi thành-bang đều có ít nhất một gymnasium, bao gồm một khu nhà để tập luyện nhiều môn, đường chạy, bể bơi, phòng thuyết trình và khuôn viên, và chỉ mở cửa cho đàn ông vào. Các lễ hội thành bang thường có nhiều trò giải trí. Thần linh thường được cúng tế trong các cuộc đua tài trong âm nhạc, ca kịch và văn thơ. Người Athena hay ba hoa rằng thành phố của họ tổ chức lễ hội gần như mỗi ngày. Các lễ hội toàn Hy Lạp lớn được tổ chức tại Olympia, Delphi, Nemea và Isthmia. Các vận động viên và nhạc sĩ thắng trong các cuộc tranh tài này thường trở nên giàu có và nổi tiếng. Cuộc tranh tài phổ thông và cũng là tốn kém nhất là môn đua xe ngựa.
Giáo dục
[sửa | sửa mã nguồn]Trong phần lớn lịch sử Hy Lạp, giáo dục là tư thục, ngoại trừ ở Sparta. Trong suốt thời kỳ Hy Lạp hoá, một số thành-bang mở các trường công. Chỉ có các gia đình khá giả mới mời được thầy về nhà. Con trai được học đọc, viết và trích giảng văn học. Họ cũng được học hát và chơi một thứ nhạc cụ cũng như được huấn luyện để trở thành vận động viên và phục vụ quân đội. Họ học không phải để có việc làm mà để trở thành một công dân hữu ích. Con gái cũng học đọc, học viết và số học để có thể quản lý được gia đình. Họ gần như không bao giờ được học tiếp sau thời niên thiếu.
Một số ít nam thanh niên tiếp tục học sau thời niên thiếu. Khi còn là thiếu niên thì họ học triết học với chức năng là môn học hướng dẫn cách sống, và thuật hùng biện để có thể nói năng thuyết phục người khác khi ở trong nghị trường. Vào thời kỳ Cổ điển, việc đào tạo như thế này là cần thiết cho một thanh niên có tham vọng. Một phần quan trọng trong giáo dục của một thiếu niên giàu có là một sự hướng dẫn với một người cao tuổi, mà ở một vài nơi và thời gian có thể bao gồm cả tình yêu quan hệ yêu đương thầy trò với một người lớn tuổi. Người thiếu niên học bằng cách quan sát thầy mình thuyết trình về chính trị ở trong chợ (agora), đồng thời giúp thầy tiến hành những nghĩa vụ cộng đồng, tập luyện thể thao (gymnasium) và tham dự tiệc tùng (symposium) với thầy. Những sinh viên có khả năng có thể tiếp tục việc học tại các trường trung học (collegium), rồi đến học đại học (universitas) ở một thành phố lớn. Những trường đại học này do các giáo sư nổi tiếng tổ chức. Hai trong số những trường đại học lớn nhất của Athena là Lyceum (trường Peripatetic được thành lập bởi Aristoteles) và Học viện Platon (được thành lập bởi Platon). Hệ thống giáo dục của người Hy Lạp cổ đại giàu có còn được gọi là Paideia.
Kinh tế
[sửa | sửa mã nguồn]Ở thời đỉnh cao kinh tế, trong thế kỷ thứ 5 và thế kỷ thứ 4 TCN, Hy Lạp cổ đại là nền kinh tế tiên tiến nhất trên thế giới. Theo một số nhà sử học kinh tế, nó là một trong những nền kinh tế tiền công nghiệp phát triển nhất. Điều này được chứng minh bởi mức lương trung bình hàng ngày của người lao động Hy Lạp là 12 kg lúa mì. Con số này cao gấp 3 lần mức lương trung bình hàng ngày của một người lao động Ai Cập trong thời kỳ La Mã, chỉ khoảng 3,75 kg.[20]
Nền dân chủ
[sửa | sửa mã nguồn]Kể từ "thời kỳ cổ điển" của Hy Lạp cổ đại, nhiều thành bang Hy Lạp đã thiết lập nên các chính quyền dân chủ đầu tiên trong lịch sử loài người. Ở các nền dân chủ này, những công dân là nam giới trưởng thành (không phải nô lệ) và là người bản xứ (không phải người nước ngoài) của thành bang đóng vai trò trực tiếp trong việc quản lý các vấn đề của nhà nước, như tuyên chiến, phái các đoàn ngoại giao và phê chuẩn các hiệp ước. Nền dân chủ ở Hy Lạp cổ đại là một hình thức dân chủ trực tiếp, trong đó Hội đồng công dân là cơ quan quyền lực tối cao, với sự tham gia vào bộ máy chính quyền của công dân là rất rộng lớn. Cho đến nay, nổi tiếng nhất và được biết đến nhiều nhất vẫn là nền dân chủ ở thành bang Athens. Tuy nhiên, ít nhất năm mươi hai thành bang Hy Lạp cổ đại khác bao gồm Corinth, Megara và Syracuse cũng đã từng trải qua chế độ dân chủ trong một phần lịch sử của họ.
Nền dân chủ Athens
[sửa | sửa mã nguồn]Chế độ dân chủ ở thành bang Athens được mô tả là nền dân chủ đầu tiên được biết đến trên thế giới. Các thành bang khác của Hy Lạp cũng đã thiết lập các nền dân chủ, hầu hết đều phỏng theo mô hình của Athens, nhưng không có ở đâu mà nền dân chủ lại thành fai như ở Athens.
Solon (năm 594 trước Công nguyên), Cleisthenes (năm 508/7 trước Công nguyên) và Ephialtes (năm 462 trước Công nguyên) đã những người đóng vai trò quan trọng nhất cho sự hình thành và phát triển của nền dân chủ Athens.
Trước khi những cải cách của Solon diễn ra, thành bang Athens được quản lý bởi chín người quý tộc gọi là Archon hay quan chấp chính, những người này được bổ nhiệm hoặc bầu lên hàng năm bởi một hội đồng quý tộc gọi là Areopagus hay hội đồng trưởng lão. Việc bầu hoặc bổ nhiệm các quan chấp chính thường dựa trên cơ sở địa vị của gia tộc và sự giàu có của họ, do đó mang tính chất phản dân chủ rõ rệt. Thời kỳ này đã xuất hiện cái gọi là "Hội đồng công dân Athens" (Ekklesia) nhưng quyền lực của cơ quan này gần như là không có.
Solon được bầu làm quan chấp chính vào năm 594 TCN, ngay sau đó ông đã ban hành một loạt các cải cách, đặt nền móng cho nền dân chủ của Athens sau này. Nhũng cải cách chính của ông bao gồm:
- Cho phép tất cả các công dân Athens, bất kể tầng lớp nào, đều trở thành thành viên của Hội đồng công dân (Ekklesia). Hội đồng công dân có bốn chức năng chính: đưa ra các quyết định hành pháp (các sắc lệnh, chẳng hạn như quyết định tham chiến hoặc trao quyền công dân cho người nước ngoài), bầu một số quan chức, bên cạnh đó còn có quyền lập pháp và xét xử các tội phạm chính trị.
- Thành lập một tòa án tối cao (Heliaia), gồm 6.000 thẩm phán, lựa chọn bằng hình thức bốc thăm trong số những công dân từ 30 tuổi trở lên.
- Thành lập một cơ quan hành pháp gọi là Hội đồng 400 (boule), chịu trách nhiệm điều hành các công việc hàng ngày của thành phố.
Cleisthenes tiếp tục kế thừa những cải cách của Solon và nâng nó lên một tầm cao hơn nữa. Có thể coi Athens đã thực sự trở thành một nền dân chủ vào khoảng năm 508 trước Công nguyên, các nhà sử học đương đại đã ví Cleisthenes là "cha đẻ của nền dân chủ Athens". Ông đã tổ chức lại Boule, mở rộng quy mô của nó từ 400 thành viên dưới thời Solon lên thành 500 thành viên. Bên cạnh đó, Cleisthenes đã sáng tạo ra một thủ tục được gọi là ostrakismos, cho phép công dân Athens có thể bỏ phiếu để trục xuất khỏi thành phố những phần tử được xem là mối nguy hại cho nền dân chủ.
Ephialtes cũng là một chính trị gia vĩ đại khác đã đóng góp rất lớn vào quá trình hoàn thiện nền dân chủ Athens. Vào cuối những năm 460 trước Công nguyên, ông đã ban hành các cải cách làm giảm sức mạnh của hội đồng quý tộc Areopagus, thế lực bảo thủ đang kìm hãm đà phát triển của nền dân chủ. Tuy vậy chính điều này đã khiến ông bị giới quý tộc thù hận, dẫn đến cái chết của ông.
Chiến tranh
[sửa | sửa mã nguồn]Nền văn minh và văn hóa Hy Lạp cổ đại
[sửa | sửa mã nguồn]Xin hãy đóng góp cho bài viết này bằng cách phát triển nó. Nếu bài viết đã được phát triển, hãy gỡ bản mẫu này. Thông tin thêm có thể được tìm thấy tại trang thảo luận. |
Văn học và sân khấu, kịch nghệ
[sửa | sửa mã nguồn]Nhà thơ Hy Lạp sớm nhất được biết đến là Homer với hai bản anh hùng ca Iliad và Odyssey. Những nhà thơ trữ tình Sappho, Alcaeus và Pindar có ảnh hưởng lớn trong thời kỳ đầu phát triển của thơ ca truyền thống Hy Lạp. Aeschylus là nhà viết kịch bi kịch lớn đầu tiên của Hy Lạp, với tác phẩm được biết đến nhièu nhất là là vở kịch Prométhée bị xiềng. Sophocles nổi tiếng với những vở bi kịch của ông về vua Oedipus. Euripides được biết đến với những vở kịch thường xuyên vượt qua ranh giới của thể loại bi kịch, đặc biệt là vở Médeé. Thể loại hài kịch có những cái tên tiêu biểu là Aristophanes và Menander. Các nhà sử gia Hi Lạp nổi tiếng thời kì này là Herodotus và Thucydides, cả hai đều sống trong thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, đã viết về các sự kiện xảy ra ngay trước và trong suốt cuộc đời của chính họ.
Văn học Hy Lạp cổ đại đã có tác động sâu sắc đối với văn học Hy Lạp sau này và cả văn học phương Tây nói chung.
Triết học
[sửa | sửa mã nguồn]Triết học Hy Lạp cổ đại là nền triết học được hình thành vào khoảng thế kỷ VI trước công nguyên đến thế kỷ VI tại Hy Lạp. Triết học Hy Lạp cổ đại được xem là thành tựu rực rỡ của văn minh phương tây, tạo nên cơ sở xuất phát của triết học châu Âu sau này. Alfred Whitehead nhận xét rằng "triết học phương tây thực ra chỉ là một loạt các chú thích cho Plato". Các nhà triết học Hy Lạp cổ đại tập trung vào hai chủ đề chính. Thứ nhất là mối liên hệ giữa nguyên nhân và hệ quả, hay nói cách khác, tìm câu trả lời cho câu hỏi phải chăng các sự vật hiện tượng vận động theo một chuỗi nguyên nhân-hệ quả tất yếu khách quan hay chỉ là sự trùng hợp, tình cờ ngẫu nhiên. Thứ hai là bản chất và khởi thủy của thế giới tồn tại. Những đại diện tiêu biểu nhất của nền triết học này là Socrates, Plato, Aristotle và Epicurus.
Âm nhạc
[sửa | sửa mã nguồn]Khoa học và Công nghệ
[sửa | sửa mã nguồn]Các nhà toán học Hy Lạp cổ đại đã đóng góp nhiều sự phát triển quan trọng cho lĩnh vực toán học. Những khám phá của một số nhà toán học Hy Lạp, bao gồm Pythagoras, Euclid, và Archimedes, vẫn còn được sử dụng trong giảng dạy toán học ngày nay.
Người Hy Lạp đã phát triển thiên văn học đến một mức độ cao. Mô hình ba chiều đầu tiên giải thích rõ ràng chuyển động của các hành tinh đã được phát triển vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên bởi Eudoxus và Callippus. Heraclides Ponticus là người đầu tiên tin rằng Trái Đất tự quay quanh trục của nó. Vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, Aristarchus xứ Samos là người đầu tiên nêu lên thuyết nhật tâm. Eratosthenes đã tính được chu vi của Trái Đất với sai số rất nhỏ. Cơ chế Antikythera, một thiết bị để tính toán chuyển động của các hành tinh, có niên đại từ khoảng năm 80 TCN, và là tổ tiên của máy tính thiên văn ngày nay. Nó được phát hiện trong một con tàu đắm cổ xưa ngoài khơi đảo Antikythera của Hy Lạp, giữa Kythera và Crete.
Người Hy Lạp cổ đại cũng đã có những khám phá quan trọng trong lĩnh vực y học. Hippocrates sống trong thời kì này, và là một trong những nhân vật nổi bật nhất trong lịch sử y học. Ông được mệnh danh là "cha đẻ của y học"[21].
Nghệ thuật Hy Lạp cổ đại
[sửa | sửa mã nguồn]Lịch sử nghệ thuật của thời kỳ Hellenic thường được chia thành bốn giai đoạn: Hình học nguyên thủy (Protogeometric) (1100-900 TCN), Hình học (Geometric) (900-700 TCN), Archaic (700-500 TCN) và cổ điển (500-332 TCN) với các tác phẩm điêu khắc được được tiếp tục phân loại trong về Cổ điển giản dị (Severe Classical), Cổ điển cao (High Classical) và Hậu Cổ điển.
Kiến trúc Hy Lạp cổ đại
[sửa | sửa mã nguồn]Hai quần thể kiến trúc công cộng phổ biến trong đô thị cổ đại lúc bấy giờ là agora (quảng trường công cộng, mang tính dân dụng) và acropol (là những quần thể kiến trúc với nhiều đền đài, được xây dựng trên những khu đồi cao).
Đền thờ Hy Lạp cổ đại có đặc điểm là nhiều cột chạy vòng phía bên ngoài. Mặt bằng đền thờ Hy Lạp cổ đại được tạo thành bởi ba thành phần chính: pronaos (tiền sảnh), naos (gian thờ) và pathenon (phòng để châu báu). Ngoài ra, trong một số đền còn có thêm opisthodomos (hậu sảnh). Vẻ đẹp của đền đài Hy Lạp cổ đại gắn liền với sự ra đời và phát triển của các loại thức cột.
Các công trình tiêu biểu cho kiến trúc thời kỳ này là Đền Parthenon, Acropolis (Ακρόπολη) ở Athena, Propylaia (Προπυλαια) - Sơn môn, đền Athena Nike (Đền thờ thần Athena Chiến thắng), Đền Erecteyon
Tín ngưỡng và thần thoại
[sửa | sửa mã nguồn]Thần thoại Hy Lạp là tập hợp những huyền thoại và truyền thuyết của người Hy Lạp cổ đại liên quan đến các vị thần, các anh hùng, bản chất của thế giới, và nguồn gốc cũng như ý nghĩa của các tín ngưỡng, nghi lễ tôn giáo của họ. Các vị thần Hy Lạp nổi tiếng nhất là mười hai vị thần trên đỉnh Olympics gồm Zeus, vợ Hera, Poseidon, Ares, Hermes, Hephaestus, Aphrodite, Athena, Apollo, Artemis, Demeter và Dionysus. Các vị thần quan trọng khác bao gồm Hebe, Hades, Helios, Hestia, Persephone và Heracles. Cha mẹ của Zeus là Cronus và Rhea cũng là bố mẹ của Poseidon, Hades, Hera, Hestia và Demeter.
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]- Thế Vận Hội cổ đại
- Kiến trúc Hy Lạp cổ
- Nghệ thuật Hy Lạp cổ
- Những huyền bí Eleusis
- Niên đại Hy Lạp cổ đại
- Danh sách người Hy Lạp cổ
- Danh sách các thành phố Hy Lạp cổ
- Lịch sử thành Athena
- Nhà hát Hy Lạp
- Thần thoại Hy Lạp
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Carol G. Thomas (1988). Paths from ancient Greece. BRILL. tr. 27–50. ISBN 978-90-04-08846-7. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2011.
- ^ Maura Ellyn; Maura McGinnis (2004). Greece: A Primary Source Cultural Guide. The Rosen Publishing Group. tr. 8. ISBN 978-0-8239-3999-2.
- ^ John E. Findling; Kimberly D. Pelle (2004). Encyclopedia of the Modern Olympic Movement. Greenwood Publishing Group. tr. 23. ISBN 978-0-313-32278-5.
- ^ Wayne C. Thompson; Mark H. Mullin. Western Europe, 1983. Stryker-Post Publications. tr. 337.
for ancient Greece was the cradle of Western culture ...
- ^ Osborne, Robin (2009). Greece in the Making: 1200–479 BC. Luân Đôn: Routledge. tr. xvii.
- ^ Shapiro 2007, tr. 1
- ^ Shapiro 2007, tr. 2–3
- ^ Hadas, Moses (1950). A History of Greek Literature. Columbia University Press. tr. 273. ISBN 0-231-01767-7.
- ^ Plutarch, John Laghorne, William Laghorne, Plutarch's lives, trang 426
- ^ a b Plutarch, John Laghorne, William Laghorne, Plutarch's lives, trang 427
- ^ Plutarco, John Laghorne, William Laghorne, Plutarch's lives, trang 211
- ^ Plutarch, John Laghorne, William Laghorne, Plutarch's lives, các trang 214-216.
- ^ Plutarch, John Laghorne, William Laghorne, Plutarch's lives, các trang 428-430.
- ^ Trevor Nevitt Dupuy, The military life of Alexander the Great of Macedon, trang 114
- ^ Sources for the map: "Historical Atlas of Peninsular India" Oxford University Press (dark blue, continuous line), A.K. Narain "The coins of the Indo-Greek kings" (dark blue, dotted line, see File:Indo-GreekWestermansNarain.jpg for reference), Westermans "Atlas zur Weltgeschichte" (light blue, dotted line, see File:WestermannVerlagIndoGreeks.jpg for reference).
- ^ “Macedonia”. Encyclopædia Britannica. Encyclopædia Britannica Online. 2008. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2008.
- ^ The Cambridge ancient history: The fourth century B.C. edited by D.M. Lewis et al. I E S Edwards, Cambridge University Press, D. M. Lewis, John Boardman, Cyril John Gadd, Nicholas Geoffrey Lemprière Hammond, 2000, ISBN 0521233488, pp. 723-724.
- ^ “Population of the Greek city-states”. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 3 năm 2007. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2011.
- ^ Holland, T. Persian Fire, Abacus, ISBN 978-0-349-11717-1
- ^ W. Schiedel, "Real slave prices and the relative cost of slave labor in the Greco-Roman world", Ancient Society, vol. 35, 2005.
- ^ Hippocrates Lưu trữ 2009-10-29 tại Wayback Machine, Microsoft Encarta Online Encyclopedia 2006. Microsoft Corporation. 2009-10-31.
Đọc thêm
[sửa | sửa mã nguồn]- Bowersock, G. W. (1985). “The literature of the Empire”. Trong Easterling, P. E.; Knox, Bernard M. W. (biên tập). The Cambridge History of Classical Literature. Cambridge: Cambridge University Press.
- Bulloch, A. W. (1985). “Hellenistic Poetry”. Trong Easterling, P. E.; Knox, Bernard M. W. (biên tập). The Cambridge History of Classical Literature. Cambridge: Cambridge University Press.
- Handley, E. W. (1985). “Comedy”. Trong Easterling, P. E.; Knox, Bernard M. W. (biên tập). The Cambridge History of Classical Literature. Cambridge: Cambridge University Press.
- Hornblower, Simon (2011). The Greek World: 479–323 BC (ấn bản thứ 4). Abingdon: Routledge.
- Kirk, G. S. (1985). “Homer”. Trong Easterling, P. E.; Knox, Bernard M. W. (biên tập). The Cambridge History of Classical Literature. Cambridge: Cambridge University Press.
- König, Jason (2016). “Literature in the Roman World”. Trong Hose, Martin; Schenker, David (biên tập). A Companion to Greek Literature. John Wiley & Sons.
- Martin, Thomas R. (2013). Ancient Greece: From Prehistoric to Hellenistic Times (ấn bản thứ 2). New Haven: Yale University Press.
- McGlew, James (2016). “Literature in the Classical Age of Greece”. Trong Hose, Martin; Schenker, David (biên tập). A Companion to Greek Literature. John Wiley & Sons.
- Mori, Anatole (2016). “Literature in the Hellenistic World”. Trong Hose, Martin; Schenker, David (biên tập). A Companion to Greek Literature. John Wiley & Sons.
- Power, Timothy (2016). “Literature in the Archaic Age”. Trong Hose, Martin; Schenker, David (biên tập). A Companion to Greek Literature. John Wiley & Sons.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- The Canadian Museum of Civilization—Greece Secrets of the Past
- Ancient Greece website from the British Museum
- Economic history of ancient Greece
- The Greek currency history
- Limenoscope Lưu trữ 2011-05-11 tại Wayback Machine, an ancient Greek ports database
- The Ancient Theatre Archive, Greek and Roman theatre architecture
- Illustrated Greek History, Dr. Janice Siegel, Department of Classics, Hampden–Sydney College, Virginia