Bước tới nội dung

Frangula

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Frangula
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Plantae
(không phân hạng)Angiospermae
(không phân hạng)Eudicots
(không phân hạng)Rosids
Bộ (ordo)Rosales
Họ (familia)Rhamnaceae
Phân họ (subfamilia)Rhamnoideae
Tông (tribus)Rhamneae
Chi (genus)Frangula
Mill., 1754[1]
Loài điển hình
Frangula alnus
Mill., 1768[2][3]
Các loài
56 và 1 lai ghép. Xem văn bản
Danh pháp đồng nghĩa[3][4]
  • Rhamnus subgen. Frangula (Miller) S. F. Gray, 1821
  • Rhamnus sect. Frangula DC., 1825
  • Perfonon Raf., 1838
  • Rhamnus sect. Frangula Boiss., 1872
  • Rhamnus subgen. Frangula Rouy, 1897
  • Frangularia Samp., 1913

Frangula là danh pháp khoa học của một chi thực vật có hoa trong họ Rhamnaceae, được Philip Miller mô tả chính thức năm 1754,[1][5] mặc dù tên gọi Frangula đã từng được sử dụng trước khi Carl Linnaeus xuất bản Species Plantarum năm 1753, như trong Josephi Pitton Tournefort Aquisextiensis, doctoris medici Parisiensis, Academiae regiae scientiarum socii, et in horto regio botanices professoris, Institutiones rei herbariae Quyển I, trang 612 in năm 1719 của Joseph Pitton de Tournefort hay Enumeratio methodica stirpium Helvetiae indigenarum của Albrecht von Haller năm 1742.[6]

Chi này bao gồm khoảng 50-60 loài bản địa chủ yếu là Bắc MỹTrung Mỹ, vùng nhiệt đới Nam Mỹ; nhưng khoảng 11 loài cũng được tìm thấy ở Châu Âu, Châu Á và tây bắc Châu Phi.[4] Tại Nga người ta gọi các loài Frangula là крушина, được các từ điển Nga - Việt dịch thành cây buốc đen.

Phân loại

[sửa | sửa mã nguồn]

Chi này có quan hệ họ hàng gần nhất với Rhamnus, vì thế từng có thời người ta gộp cả Frangula vào chi Rhamnus, với khởi đầu là Samuel Frederick Gray khi năm 1821 hạ cấp Frangula xuống thành một phân chi trong Rhamnus.[7] Cụ thể, xem Rhamnus#Phân loại. Phân tích phát sinh chủng loài năm 2004 của Bolmgren và Oxelman cho thấy cả Alaternus, FrangulaOreoherzogia đều có sự hỗ trợ mạnh cũng như hỗ trợ cho sự công nhận Frangula là một chi đơn ngành. Dung giải giữa Alaternus, Oreoherzogia và phần còn lại của Rhamnus s.str. ít rõ ràng, vì thế các tác giả chỉ đề xuất phục hồi chi Frangula.[8]

Đặc điểm

[sửa | sửa mã nguồn]

Về mặt hình thái học, các loài Frangula khá giống với Rhamnus. Tuy nhiên, các đặc trưng thuyết phục nhất để công nhận Frangula bao gồm thiếu các vảy chồi nụ, hạch quả không nứt, hạt nhẵn bóng với mỏ ở đáy dạng sụn dày lên thò ra qua đáy của hạch quả. Ngược lại, ở Rhamnus thì có các vảy chồi nụ, hạch quả nứt ở mặt bụng và hạt có rãnh, không có phần dày lên ở đáy và được bao bọc hoàn toàn trong hạch quả trước khi nứt.[9]

Các đặc trưng phân biệt khác bao gồm:[9]

  • Frangula hoàn toàn không có gai; lá chủ yếu mọc so le (hiếm khi mọc đối); hoa lưỡng tính thường mẫu 5 (hiếm khi mẫu 4); chén hoa nứt theo đường vòng ở xa phía dưới đáy lá đài (hiếm khi không nứt); lá đài mọng với gờ rõ nét; cánh hoa khá phát triển, có vuốt ở đáy; bầu nhụy thường 3 ngăn (hiếm khi 2); vòi nhụy đơn, thường không thò ra, với đầu nhụy chẻ ba; hạch quả không nứt, mở tại đáy.
  • Rhamnus thì gai có hoặc không; lá mọc so le hoặc mọc đối hoặc cả hai; hoa hoặc đơn tính hoặc lưỡng tính mẫu 4 hoặc 5 nhưng chủ yếu là đơn tính mẫu 4; chén hoa không nứt theo đường vòng (hiếm khi nứt tại hoặc ngay phía dưới đáy lá đài); lá đài thường mỏng dạng giấy với gờ không rõ nét; cánh hoa kém phát triển, không có vuốt ở đáy hoặc đôi khi không có cánh hoa ở các hoa cái; bầu nhụy 2-4 ngăn; vòi nhụy với 2-4 khe chẻ, thường thò ra, với đầu nhụy đơn; hạch quả nứt, đóng tại đáy trước khi nứt.

Các loài

[sửa | sửa mã nguồn]

Danh sách dưới đây lấy theo Plants of the World Online.[4]

Sử dụng

[sửa | sửa mã nguồn]

F. alnus từng có vai trò quan trọng trong quân sự giai đoạn từ thế kỷ 15 tới thế kỷ 19, do gỗ của nó dùng để sản xuất loại than củi có chất lượng tốt nhất tại châu Âu để sản xuất thuốc súng.[10]

Vỏ và quả của F. purshiana tạo ra một chất nhuộm màu vàng và khi trộn với phèn tạo ra một chất nhuộm màu xanh lục từng được sử dụng trong nghệ thuật.[11]

Các loài ở Việt Nam

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo POWO, ở Việt Nam có 4 loài Frangula như dưới đây.[4]

Tên gọi

[sửa | sửa mã nguồn]

Tên gọi của các loài trong tiếng Việt chưa có sự thống nhất, có thể là do số lượng loài ít, sinh sống trong rừng khó tìm thấy và ít giá trị. Các tác giả nói chung vẫn ghi nhận các loài này trong chi Rhamnus. Phạm Hoàng Hộ (1999) trong Cây cỏ Việt Nam Quyển 2, khi viết về các mục từ từ 5749 (trang 447) đến 5758 (trang 449) chỉ có tên gọi cho mục từ 5750 R. crenatus (= F. crenata) là bút mèo, vang trầm.[12] Các tác giả khác như:

  • Nguyễn Tuấn Bằng (2014)[13] tại Phụ lục 1 Mục từ 371 gọi R. crenata (= F. crenata) là mận rừng.
  • Nguyễn Thị Hoa (2015)[14] gọi Rhamnus và các loài R. henryi (= F. henryi), R. crenata (= F. crenata) và các thứ R. crenata var. crenata, R. crenata var. parvifolia, R. longipes (= F. longipes), R. grisea (= F. grisea) tương ứng là chi Mận rừng, mận rừng henryi, mận rừng, mận rừng, mận rừng lá nhỏ, mận rừng cuống dài, mận rừng cám.
  • Đinh Thị Hoa (2017)[15] tại Phụ lục 01 các mục từ 763-764 gọi R. crenatus (= F. crenata) là mận rừng, R. henryi (= F. henryi) là mận rừng henry.
  • Trần Văn Hải (2020)[16] tại trang 204 (mục từ 969 Bảng 3.11) và trang 349 (Danh lục cây chữa mụn nhọt) gọi R. crenata (= F. crenata) là bốt mèo.

Hình ảnh

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b Miller P., 1754. Frangula. The Gardeners Dictionary 1 (ấn bản 4): FR-FR.
  2. ^ Miller P., 1768. Frangula alnus. The Gardeners Dictionary 2 (ấn bản 8): FRA-FRA.
  3. ^ a b Salvador Rivas-Martínez & José María Pizarro, 2011. Taxonomical system advance to Rhamnus L. & Frangula Mill. (Rhamnaceae) of Iberian Peninsula and Balearic Islands. International Journal of Geobotanical Research 1: 55-78. Xem: Lectotypus: Swart, Index Nom. Gen., Card n. 21073. 1965.
  4. ^ a b c d Frangula trong Plants of the World Online. Tra cứu ngày 28-8-2021.
  5. ^ “The Plant List: Frangula. Vườn thực vật hoàng gia Kew. 2013.
  6. ^ Haller A., 1742. Frangula. Enumeratio methodica stirpium Helvetiae indigenarum tr. 204.
  7. ^ Gray S. F., 1821. Rhamnus. Natural Arrangement of British Plants 2: 620-621, xem trang 621.
  8. ^ Bolmgren L. & Oxelman B., 2004. Generic limits in Rhamnus L. s.l. (Rhamnaceae) inferred from nuclear and chloroplast DNA sequence phylogenies. Taxon 53(2): 383-390, doi:10.2307/4135616.
  9. ^ a b Amy Pool, 2013. New species, combinations, and lectotypifications in Neotropical and Northern Mexican Frangula (Rhamnaceae). Novon A Journal for Botanical Nomenclature 22(4): 447-467, doi:10.3417/2013009.
  10. ^ Francis Montagu Smith (1871). A handbook of the manufacture and proof of gunpowder, as carried on at the Royal Gunpowder Factory, Waltham Abbey. H.M. Stationery Office. tr. 26–. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2013.
  11. ^ Mozingo H. N., 1987. Shrubs of the Great Basin: A Natural History. Reno, Nevada: Nhà in Đại học Nevada, 342 trang. Trong Habeck R. J., 1992. Rhamnus purshiana. Fire Effects Information System. USDA, Forest Service, Rocky Mountain Research Station, Fire Sciences Laboratory.
  12. ^ Phạm Hoàng Hộ, 1999. Cây cỏ Việt Nam. Quyển II, mục từ 5749-5758, trang 447-449. Nhà xuất bản Trẻ.
  13. ^ Nguyễn Tuấn Bằng, 2014. Nghiên cứu tính đa dạng nguồn tài nguyên cây làm thuốc làm cơ sở cho việc bảo tồn và phát triển bền vững tại khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh Lưu trữ 2021-08-28 tại Wayback Machine. Luận văn thạc sĩ, 116 trang. Đại học Quốc gia Hà Nội.
  14. ^ Nguyễn Thị Hoa, 2015. Bước đầu nghiên cứu phân loại chi Mận rừng (Rhamnus L.) ở Việt Nam. Khóa luận tốt nghiệp đại học, 55 trang. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.
  15. ^ Đinh Thị Hoa, 2017. Nghiên cứu tính đa dạng thực vật tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha, tỉnh Sơn La. Luận án tiến sĩ, 244 trang. Trường Đại học Lâm nghiệp.
  16. ^ Trần Văn Hải, 2020. Nghiên cứu đa dạng hệ thực vật bậc cao có mạch tại Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén, tỉnh Cao Bằng. Luận án tiến sĩ, 447 trang. Học viện Khoa học và Công nghệ.