Bước tới nội dung

Chi Riềng

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Chi Riềng
Riềng đỏ (Alpinia purpurata)
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Plantae
(không phân hạng)Angiospermae
(không phân hạng)Monocots
(không phân hạng)Commelinids
Bộ (ordo)Zingiberales
Họ (familia)Zingiberaceae
Phân họ (subfamilia)Alpinioideae
Tông (tribus)Alpinieae
Chi (genus)Alpinia
Roxb., 1810 nom. cons.
Loài điển hình
Alpinia galanga
(L.) Willd., 1797
Các loài
Khoảng 244-245 loài và 2 loài lai ghép. Xem văn bản.
Danh pháp đồng nghĩa
Danh sách
  • Albina Giseke, 1792 nom. rej.
  • Allagas Raf., 1838
  • Buekia Giseke, 1792 nom. rej. không Nees, 1834
  • Catimbium Juss., 1789
  • Cenolophon Blume, 1827
  • Doxanthes Raf., 1838
  • Eriolopha Ridl., 1916
  • Galanga Noronha, 1827 nom. inval.
  • Guillainia Vieill., 1866
  • Hellenia Willd., 1797 nom. illeg. không Retz., 1791
  • Hellwigia Warb., 1891
  • Heritiera Retz., 1791 nom. illeg. không Aiton, 1789 không J.F.Gmel., 1791 nom. illeg.
  • Kolowratia C.Presl, 1827
  • Languas J.Koenig, 1783 nom. inval.
  • Languas J.Koenig ex Small, 1913 nom. illeg.
  • Martensia Giseke, 1792
  • Monocystis Lindl., 1836
  • Odontychium K.Schum., 1904
  • Strobidia Miq., 1861
  • Tonemone C.K.Lim, 2016 nom. illeg.
  • Zerumbet J.C.Wendl., 1798 nom. rej. không Garsault, 1764 không T.Lestib., 1841

Chi Riềng (danh pháp khoa học: Alpinia) là một chi thực vật lớn, chứa trên 240 loài thuộc họ Gừng (Zingiberaceae).

Các loài trong chi này có mặt tại các vùng có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới của châu Á và các đảo trên Thái Bình Dương, và có nhu cầu lớn như là những loại cây cảnh do những bông hoa sặc sỡ của chúng.

Các loài thực vật này được trồng từ các thân rễ lớn. Thân cây là các lá phiến ôm sát nhau thành bẹ, giống như ở các loài chuối. Hoa mọc trên các thân khí.

Từ nguyên

[sửa | sửa mã nguồn]

Tên khoa học Alpinia được đặt theo Prospero Alpini (1553-1617), một nhà thực vật học người Italia chuyên về các loại thực vật kỳ dị.[1]

Ghi chép về chữ riềng trong Từ điển Việt–Bồ–La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) của Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1651 như sau: "rièng, củ rièng: rays como gingiure que traua: radix in modum zinziberis, quod ſtrangulat.".[2]

Trong Nam Việt–Dương Hiệp Tự vị (南越洋合字彙, Dictionarium Anamitico-Latinum) của Jean-Louis Taberd xuất bản năm 1838 thì từ riềng được viết bằng Hán-Nôm là 萾. Cụ thể, tại trang 423 tác giả viết như sau: "萾 Riềng, galanga; amomum galanga.".[3] Từ điển Trần Văn Kiệm còn cho rằng nó cũng được viết là giềng (trong cây/củ giềng) và có âm khác là giền (trong rau giền). Tuy nhiên, từ điển Taberd dùng chữ 𧁶 để chỉ giền trong rau giền, "𧁶 Giền species blitti seù amaranthi oleracei.; 蔞𧁶 rau giền, id.",[4] và chỉ ghi nhận từ giềng (𦀚) trong giềng mối, giềng lưới.[5]

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Tên chi Alpinia lần đầu tiên được Carl Linnaeus sử dụng năm 1753 cho Alpinia racemosa,[6] một loài nhiệt đới Tân thế giới, danh pháp chính thức hiện nay là Renealmia pyramidalis. Sau đó nhiều loài châu Á đã được thêm vào Alpinia, trong khi các tác giả sau này có xu hướng đưa các loài ở châu Mỹ vào chi Renealmia. Schumann (1904) đã hoàn thiện các khái niệm phân loại này và sau đó khái niệm chi Alpinia năm 1810 của William Roxburgh đã được bảo tồn cho các loài châu Á với Alpinia galanga là loài điển hình của nó.[7][8]

Alpinia là chi điển hình của tông Alpinieae trong họ Zingiberaceae. Tông này bao gồm các loại cây thân thảo thường xanh, trong đó không có lớp cắt bỏ giữa thân rễ và các chồi lá, mặt phẳng xếp hai dãy của các lá nằm ngang theo hướng phát triển của thân rễ, và các nhị lép bên nhỏ, hoặc là suy giảm thành các vết phồng ở hai bên của đáy cánh môi hoặc là hoàn toàn không có. Không có các tuyến mật bên ngoài hoa, và quả thường là hình cầu và không nứt hoặc mọng thịt. Rất khó để xác định một đặc điểm dạng phái sinh mới hay đặc điểm chung cho các loài hiện được gán vào Alpinia. Hầu như tất cả các loài đều có hoa đầu cành trên các chồi lá và tất cả đều là loài ở châu Á, Australia và các đảo trên Thái Bình Dương. Các đặc trưng này giúp phân biệt Alpinia với chi Renealmia ở châu Mỹ và châu Phi, trong đó phần lớn các loài tạo ra các cụm hoa trên một chồi riêng biệt không lá mọc ra từ thân rễ, nhưng điều này không giúp tách biệt nó với các thành viên khác của tông Alpinieae. Do đó, ở một mức độ lớn nào đó, người ta buộc phải công nhận Alpinia bằng cách loại bỏ các chi khác, nghĩa là nó chỉ được phân biệt bằng các đặc điểm dạng gần của tông này.[8]

Schumann (1904) chia Alpinia thành 5 phân chi (Autalpinia, Probolocalyx, Catimbium, Dieramalpinia, Rhizalpinia) và 27 tổ. Smith (1990) lại chia Alpinia thành 2 phân chi (Alpinia, Dieramalpinia) với 11 tổ và 12 phân tổ.[8]

Nghiên cứu dựa theo trình tự ADN của Kress et al. (2005) chỉ ra rằng các loài trong chi này phát sinh từ nhiều nguồn gốc khác nhau. Nó tương ứng với cả 6 nhánh (Fax, Galanga, Carolinensis, Zerumbet, Eubractea, Rafflesiana) được phân bố trong tông Alpinieae, và nó không phù hợp với phân loại của Smith (1990) về chi này. Các nghiên cứu tiếp theo là cần thiết để làm rõ sự xếp loại của chi này.[8]

Đặc điểm

[sửa | sửa mã nguồn]

Thân rễ bò lan, mập. Thân giả nhiều, phát triển tốt, hiếm khi không có. Lá nhiều, ít khi 1-4; phiến lá thuôn hay hình mác. Cụm hoa ở đầu cành, là chùy hoa, cành hoa hay cành hoa bông thóc, dày dặc hoặc lỏng lẻo, được bao phủ bởi 1-3 lá bắc tổng bao hình thìa khi chưa trưởng thành; các lá bắc (khi có) hở tới đáy, hiếm khi có nắp, mỗi lá bắc đỡ 1 hoa hoặc 1 xim hoa bọ cạp xoắn ốc chứa từ 2 hoa trở lên; lá bắc con hở tới đáy hoặc hình ống, hiếm khi có nắp, đôi khi không có. Đài hoa thường hình ống, đôi khi chẻ 1 bên. Thùy tràng trung tâm có nắp nhiều hay ít, thường rộng hơn các thùy tràng bên. Các nhị lép bên nhỏ hoặc không có, hình giùi hoặc tương tự như hình răng, hợp sinh ở đáy cánh môi. Cánh môi thường sặc sỡ, thường lớn hơn các thùy tràng hoa, đôi khi không dễ thấy, mép có thùy khác nhau tùy theo từng trường hợp hoặc nguyên. Có hoặc không có chỉ nhị; mô liên kết dạng mào hoặc không. Bầu nhụy thường 3 ngăn và noãn đính trụ. Đầu nhụy thường khá mở rộng, đôi khi hình chùy, hiếm khi quặp. Các nhụy lép thường rất lớn. Quả nang thường hình cầu, khô hoặc mọng thịt, không nứt hoặc nứt không đều. Hạt nhiều, thường có góc cạnh, có áo hạt.[9]

Các loài

[sửa | sửa mã nguồn]

Tại thời điểm tháng 4 năm 2021, POWO công nhận 244 loài và 2 loài lai ghép,[10] cộng 1 loài mô tả năm 2020.[11]

Hình ảnh

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Tư liệu liên quan tới Alpinia tại Wikimedia Commons
  • Dữ liệu liên quan tới Alpinia tại Wikispecies
  • Smith, R.M. (1990) "Alpinia (Zingiberaceae): a proposed new infrageneric classification". Edinburgh Journal of Botany 47(1): 37, fig. 6B.
  • W. John Kress, Ai-Zhong Liu, Mark Newman và Qing-Jun Li - The molecular phylogeny of Alpinia (Zingiberaceae): a complex and polyphyletic genus of gingers; American Journal of Botany; 2005; 92:167-178
  1. ^ Simonetti G. (1990). Stanley Schuler (biên tập). Simon & Schuster's Guide to Herbs and Spices. Simon & Schuster, Inc. ISBN 0-671-73489-X.
  2. ^ Alexandre de Rhodes, 1651. Rièng trong Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum.
  3. ^ Jean-Louis Taberd, 1838. Dictionarium Anamitico-Latinum (Nam Việt-Dương Hiệp tự vị): 萾 Riềng, trang 423.
  4. ^ Jean-Louis Taberd, 1838. Dictionarium Anamitico-Latinum (Nam Việt-Dương Hiệp tự vị): 𧁶 Giền, trang 174.
  5. ^ Jean-Louis Taberd, 1838. Dictionarium Anamitico-Latinum (Nam Việt-Dương Hiệp tự vị): 𦀚 Giềng, trang 174.
  6. ^ Linnaeus C., 1753. Alpinia. Species Plantarum 1: 2.
  7. ^ Roxburgh W., 1810. VII. Descriptions of several of the Monandrous plants of India, belonging to the natural order called Scitamineae by Linnaeus, Cannae by Jussieu and Drimyrhizae by Ventenat: Alpinia. Asiatic Researches, or Transactions of the Society 350-356.
  8. ^ a b c d W. John Kress, Ai‐Zhong Liu, Mark Newman & Qing‐Jun Li, 2005. The molecular phylogeny of Alpinia (Zingiberaceae): a complex and polyphyletic genus of gingers Lưu trữ 2021-01-31 tại Wayback Machine. American Journal of Botany 92(1): 167-178, doi:10.3732/ajb.92.1.167.
  9. ^ Alpinia trong e-flora. Tra cứu ngày 55-2021.
  10. ^ Alpinia trong Plants of the World Online. Tra cứu ngày 28-4-2021.
  11. ^ a b Shuichiro Tagane, Nguyen Van Ngoc, Hoang Thi Binh, Ai Nagahama, Meng Zhang, Truong Quang Cuong, Le Van Son, Van-Son Dang, Hironori Toyama, Natsuki Komada, Hidetoshi Nagamasu, Tetsukazu Yahara, 2020. Fifteen New Species of Angiosperms from Bidoup-Nui Ba National Park, Southern Highlands of Vietnam. Acta Phytotaxonomica et Geobotanica 71(3): 201-229, doi:10.18942/apg.202002.