Bước tới nội dung

Chùa Đất Sét

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Chùa Đất Sét
Bửu Sơn Tự
寶山寺
Phần mặt tiền của ngôi chính điện
Vị trí
Quốc gia Việt Nam
Địa chỉSố 286, đường Tôn Đức Thắng, phường 5, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Thông tin
Tôn giáoPhật giáo
Khởi lậpĐầu thế kỷ 20
icon Cổng thông tin Phật giáo

Chùa Đất Sét (tên chính thức là Bửu Sơn Tự, chữ Hán: 寶山寺) là một ngôi chùa nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng, vì có hàng ngàn pho tượng bằng đất sét và 4 đôi nến (đèn cầy) cao lớn.

Chùa Đất Sét tọa lạc tại số 286 đường Tôn Đức Thắng thuộc phường 5, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam.

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Chùa Đất Sét được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, do dòng họ Ngô tự lập để tu tại gia. Ban đầu, chỉ là một am nhỏ bằng cây lá trên một diện tích nhỏ hẹp, và trong sảnh điện thờ cũng rất đơn sơ. Mãi đến đời trụ trì thứ tư là ông Ngô Kim Tòng, am nhỏ mới được tôn tạo, mở rộng và có thêm nhiều tượng thờ như ngày nay.

Kiến trúc, thờ phụng

[sửa | sửa mã nguồn]

Chùa hiện nay tọa lạc trên một diện tích khoảng 400 m2. Cổng tam quan được xây kiên cố, lợp ngói. Ngôi chánh điện ngó về hướng Đông. Phần mặt tiền của điện được xây kiến cố bằng vật liệu thời hiện đại, hai cột chính có đắp nổi hình rồng uốn lượn khá tinh xảo. Phần còn còn lại của điện chỉ là "cột gỗ, mái tôn", không lầu và có kết cấu đơn giản. Cả mái chùa được chống đỡ bằng 24 cây cột cây. Mỗi cây được ốp bằng đất sét, đắp hình rồng uốn lượn và những hoa văn trang trí khác.

Trong nội điện không rộng, và vì chứa nhiều thứ nên chật chội. Ở đây có trên ngàn tượng pho tượng các vị Phật, Tiên, Thánh, Thần...và linh thú do ông Ngô Kim Tòng làm ra trong suốt 42 năm (từ 1928 đến 1970) để thờ và trang trí [1]. Tất cả được làm chủ yếu từ đất sét, có pha trộn bột hương (nhang) cùng với keo ô dước để không bị nứt nẻ, và đều được sơn phết tỉ mỉ bằng sơn và dầu bóng.

Qua sự sắp xếp các pho tượng thờ: A Di Đà, Di Lặc, Quan Thế Âm, Khổng Tử, Ngọc Hoàng Thượng đế, Lão Tử, Diêu Trì Kim Mẫu, v.v... đã nói lên tư tưởng "Tam giáo đồng nguyên" (Phật, Nho, Lão) của người lập chùa và các thế hệ truyền thừa. Và cũng vì chùa Đất Sét lập ra để tu tại gia nên chùa không có sư, không nhận tiền công đức của khách thập phương. Hiện nay chùa do người trong gia đình thay nhau quản lý [2].

Hiện vật

[sửa | sửa mã nguồn]
Đôi đèn cây cao lớn nơi bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chùa Đất Sét không chỉ nổi tiếng bởi hàng ngàn pho tượng làm bằng đất sét, cột chùa cũng được ốp bằng đất sét, mà còn được nhiều người biết đến bởi 4 đôi nến (đèn cầy) cao lớn được đúc năm 1940. Trong đó, có ba đôi mà mỗi cây cao 2,6 m, ngang 1 m, và được đúc bằng 200 kg sáp. Cặp còn lại nhỏ hơn, và mỗi cây được đúc bằng 100 kg sáp. Tổng cộng là 1,4 tấn sáp. Để đúc được nó phải dùng sáp nguyên chất, chặt nhỏ, cho vào chảo nấu lỏng, đổ vào khuôn (dùng tôn lợp nhà cuộn lại). Sau một tháng, nến nguội rồi mới gỡ khuôn ra và trang trí. Hiện nay, hai nến nhỏ vẫn cháy suốt ngày đêm từ khi ông Ngô Kim Tòng qua đời (ngày 18 tháng 7 năm 1970) mà vẫn chưa hết. Phỏng tính bình quân mỗi cây nến cháy suốt ngày đêm phải mất 70-80 năm. Ngoài ra, tại đây còn có 3 cây hương (nhang), mỗi cây cao 1,5 m, nặng 50 kg và hiện chưa được đốt.

Về phần các hiện vật khác (cũng đều làm bằng đất sét), đáng chú ý có:

-Pho tượng "Bảo tòa thỉnh Phật trụ thế truyền tháp luận" có đến 1000 cánh sen, mỗi cánh sen là một vị thần ngự. Phía dưới đài sen lại có "Bát quái Thiên tiên" gồm 8 cung, đó là Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài". Mỗi cung có hai tiên nữ đứng hầu; dưới đài sen và Bát quái có Tứ Đại Thiên vương trấn giữ.
-Tháp Đa Bảo cao 3,5 m, có 13 tầng với 208 cửa vị thần, và dưới chân tháp có 126 con rồng nâng đỡ tháp.

Ngoài ra, còn có lục long đăng (có 3 chóp đỉnh lớn), 7 lư hương nhỏ và các cặp Kim Lân, Thanh Sư, Bạch Tượng, Bạch Hổ, Long Mã... đều là những hiện vật được tạo tác khá tinh xảo [3].

Tháng 3 năm 2011, chùa Đất Sét đã được UBND tỉnh Sóc Trăng công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa (thuộc lĩnh vực kiến trúc – nghệ thuật) cấp tỉnh.

Tiểu sử Ngô Kim Tòng

[sửa | sửa mã nguồn]
Bàn thờ Ngô Kim Tòng tại chùa

Cha là ông Ngô Kim Đính, và mẹ là bà Đỗ Thị Ngọc. Ông là người con thứ 4 (nên thường được gọi là Cậu Năm, theo cách gọi của người miền Nam). Vì gia đình nghèo, nên ông chỉ học hết lớp 3 trường làng, rồi ở nhà để coi sóc am tu của ông bà để lại. Năm 18 tuổi, ông đến xã Phú Hữu (huyện Long Phú) thuê 2 công đất để làm rẫy. Vì thiếu ăn, lại làm quá sức, nên ông ngã bệnh. Sau khi được cha mẹ rước về nhà chữa trị và khỏi bệnh, ông đi đào đất sét đem về phơi khô, giã nhuyễn,...rồi nhào nắn nên những cốt tượng theo trí tưởng tượng của minh. Với lòng say mê hiếm có, ông đã miệt mài vừa làm, vừa học để làm ra tác phẩm, chứ không kinh qua trường lớp.

Năm ông 38 tuổi, cha ông mất. Kể từ đó, ông và người chị ba cùng nối nghiệp cha, trường chay tu học, và ông trở thành người kế thừa đời thứ tư của dòng họ "Ngô Cư Sĩ Học Phật Tu Nhơn". Sau khi tạo tác xong những tác phẩm bằng đất sét, bằng sáp...đã kể trên, ông mất vào ngày 18 tháng 7 năm Canh Tuất (1970), hưởng thọ 62 tuổi (tuổi ta)[4].

Khen ngợi tài năng và sức sáng tạo của ông, một nhà văn đã nói: "Có thể nói Cậu Năm Ngô Kim Tòng là người sống vì đất. Suốt 42 năm miệt mài với từng gánh đất, nâng niu từng vốc đất, cậu đã tạo dáng cho đất, phả hồn thiêng vào đất, tạo nhịp đập trái tim cho đất để trăm năm sau đất cất tiếng nói thay người"...[5]. Hiện nay, trong chùa Đất Sét có bàn thờ ông.

Nguồn tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Theo bảng "Tóm tắt tiểu sử Bửu Sơn Tự" do Ban Quản lý di tích Bửu Sơn Tự soạn, hiện dựng tại chùa.
  2. ^ Nguồn: "Ngôi chùa đất sét độc nhất tại Việt Nam", đăng ngày 21/01/2012 trên website Đạo Phật ngày nay [1].
  3. ^ Nguồn: "Chùa Đất Sét Sóc Trăng: Ngôi chùa độc nhất vô nhị" của Trương Công Khả trên báo Đất Mũi online ngày 14/08/2006) [2][liên kết hỏng].
  4. ^ Lược kể theo bảng "Tóm tắt tiểu sử Bửu Sơn Tự" do Ban Quản lý di tích Bửu Sơn Tự soạn, hiện dựng tại chùa.
  5. ^ Lời của nhà văn nữ Trần Ngọc Phượng. Xem bài viết "Chùa Đất Sét" trên website của Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2013.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]