Cổng thông tin:Thiên nhiên/Thiên thể/Lưu trữ
Deimos (vệ tinh)
Deimos là vệ tinh nhỏ hơn và ở xa hơn phía ngoài trong số hai vệ tinh của Sao Hỏa, được đặt theo tên Deimos trong Thần thoại Hy Lạp. Deimos có lẽ là một tiểu hành tinh đã bị ảnh hưởng từ Sao Mộc làm rối loạn quỹ đạo và trở thành vệ tinh của Sao Hỏa, dù giả thuyết này còn gây một số tranh luận. Giống như hầu hết các vật thể cùng kích thước, Deimos không có hình tròn, các kích thước 15×12×10 km. Deimos được cấu tạo từ đá có thành phần vật liệu carbon cao, rất giống các tiểu hành tinh kiểu C và các thiên thạch carbonaceous chondrite. Nó có các miệng núi lửa do va chạm, nhưng bề mặt nói chung phẳng hơn nhiều so với Phobos, một phần nhờ các miệng núi lửa đã được điền đầy bởi regolith.
Phobos (vệ tinh)
Phobos là vệ tinh lớn và sát bề mặt sao Hỏa nhất trong số hai vệ tinh của nó, được đặt theo tên của con trai của Ares và Aphrodite trong Thần thoại Hy Lạp. Thực tế ra, Phobos là vệ tinh ở gần bề mặt hành tinh chính hơn bất kỳ một vệ tinh tự nhiên nào khác trong hệ mặt trời, với khoảng cách đến Sao Hỏa chưa tới 6.000 km. Nó cũng là một trong số những vệ tinh tự nhiên nhỏ nhất từng được phát hiện trong hệ mặt trời.
Europa (vệ tinh)
Europa là vệ tinh thứ sáu, tính theo quỹ đạo từ trong ra ngoài, của Sao Mộc. Europa được Galileo Galilei và Simon Marius phát hiện năm 1610. Hai nhà khoa học này có thể đã phát hiện ra vệ tinh này đồng thời và độc lập nhau. Trong số 4 vệ tinh lớn của Sao Mộc được phát hiện trong năm 1610, Europa là vệ tinh nhỏ nhất. Europa có đường kính 3.100 km, nhỏ hơn Mặt Trăng một chút. Trong Hệ Mặt Trời, Europa là vệ tinh lớn thứ 6 và là vệ tinh nhỏ nhất trong nhóm Galileo, sau 3 vệ tinh lớn hơn của Sao Mộc, Titan của Sao Thổ và Mặt Trăng của Trái Đất. Mặc dù vậy, Europa vẫn có khối lượng lớn hơn tổng cộng những vệ tinh nhỏ hơn trong hệ Mặt trời cộng lại.
Ceres (hành tinh lùn)
Ceres là hành tinh lùn nhỏ nhất được biết trong Hệ Mặt Trời và là hành tinh lùn duy nhất trong vành đai tiểu hành tinh chính ở khoảng giữa Sao Mộc và Sao Hỏa. Hành tinh lùn này được Giuseppe Piazzi phát hiện vào ngày 1 tháng 1 năm 1801, và được đặt tên theo nữ thần Hy Lạp Ceres – nữ thần của cây cỏ, mùa màng và tình mẫu tử. Trong một nửa thế kỷ nó được cho là hành tinh thứ 8. Với đường kính khoảng 950 km, Ceres là vật thể lớn nhất và nặng nhất trong vành đai chính, và chiếm 32% tổng khối lượng vành đai chính. Các quan sát gần đây xác định được nó có dạng hình cầu, không giống như hình dạng bất định của các vật thể nhỏ hơn với lực hấp dẫn yếu hơn. Bề mặt của Ceres có thể là một hỗn hợp của băng nước và các khoáng vật hydrat khác nhau như carbonat và sét. Ceres có biểu hiện phân dị thành lõi đá và manti băng. Có thể có đại dương nước lỏng bên dưới bề mặt của nó.
90482 Orcus
Orcus là một hành tinh lùn bên ngoài Sao Hải Vương với một vệ tinh lớn Vanth. Nó có đường kính 910 km. Bề mặt của Orcus tương đối sáng với suất phản chiếu đạt 23%, có màu trung tính và nhiều nước. Nó được Michael Brown thuộc nhóm Caltech, Chad Trujillo của Đài thiên văn Gemini và David Rabinowitz ở trường Đại học Yale cùng phát hiện ra. Bức ảnh dùng để phát hiện ra Orcus được chụp vào ngày 17 tháng 2 năm 2004.
90377 Sedna
Sedna là một thiên thể nằm ở rất xa trong hệ Mặt Trời, ngoài quỹ đạo Sao Hải Vương và có thể xếp vào loại hành tinh lùn, được phát hiện bởi Michael Brown, Chad Trujillo và David Rabinowitz ngày 14 tháng 11 năm 2003. Hiện tại Sedna cách mặt trời 88 đơn vị thiên văn, xa hơn Sao Hải Vương 3 lần. Trong quỹ đạo của mình, Sedna thường ở khoảng cách lớn hơn mọi thiên thể đang được xem xét để công nhận là hành tinh lùn.
50000 Quaoar
Quaoar là một thiên thể bên ngoài Sao Hải Vương dạng đất đá nằm trong vành đai Kuiper. Nó được phát hiện năm 2002 và được đặt tên tạm thời là 2002LM60. Sau này nó được đặt tên chính thức là Quaoar năm 2008. Nó có ít nhất là một vệ tinh. Một số nhà thiên văn coi nó là một hành tinh lùn mặc dù IAU vẫn chưa chính thức công nhận điều này.
Sao chổi Hale-Bopp
Sao chổi Hale-Bopp có lẽ là sao chổi được quan sát rộng rãi nhất của thế kỷ 20 và là một trong những thiên thể sáng nhất từng được nhìn thấy trong nhiều thập kỷ. Nó có thể thấy được bằng mắt thường trong suốt 18 tháng, thời gian dài gấp đôi kỉ lục trước đó của Sao chổi lớn năm 1811. Sao chổi Hale-Bopp được phát hiện vào ngày 23 tháng 7 năm 1995, ở một khoảng cách rất xa từ Mặt Trời, làm tăng kỳ vọng rằng sao chổi này sẽ có độ sáng biểu kiến cao đáng kể khi bay qua gần Trái Đất. Mặt dù việc dự đoán độ sáng tối đa của sao chổi này ở bất kỳ độ chính xác nào là một chuyện khó khăn, nhưng sao chổi Hale-Bopp đã đạt tới hoặc vượt qua những dự đoán từng được đưa ra khi bay qua điểm cận nhật vào này 1 tháng 4 năm 1997, với độ sáng biểu kiến tối đa đạt −1,8.
Sao chổi Halley
Sao chổi Halley là một sao chổi được đặt tên theo nhà vật lý thiên văn học người Anh Edmund Halley, là một sao chổi có thể nhìn thấy cứ mỗi 75 đến 76 năm. Nó là sao chổi nổi tiếng nhất trong các sao chổi theo chu kỳ. Dù trong mỗi thế kỷ đều có nhiều sao chổi có chu kỳ dài xuất hiện với độ sáng và ngoạn mục hơn nhưng sao chổi Halley là một ngôi sao chổi chu kỳ ngắn có thể thấy rõ bằng mắt thường và do đó, là sao chổi có thể nhìn thấy bằng mắt thường chắc chắn có thể trở lại trong một đời người. Sao chổi Halley xuất hiện lần cuối bên trong Hệ Mặt Trời vào năm 1986, và sẽ xuất hiện trở lại vào giữa năm 2061.
Tempel 1
Tempel 1 là sao chổi có chu kỳ do nhà thiên văn học Wilhelm Tempel phát hiện vào năm 1867. Chu kỳ quỹ đạo của nó quanh Mặt Trời kéo dài khoảng 5,5 năm. Tempel 1 là mục tiêu thám hiểm của tàu Deep Impact, với nhiệm vụ chụp ảnh độ phân giải cao từ lớp vật chất bắn ra khi tàu này phóng một khối va chạm vào sao chổi năm 2005. Tàu vũ trụ Stardust đã đến chụp lại sao chổi một lần nữa vào ngày 15 tháng 2 năm 2011.
Sao chổi West
Sao chổi West là một sao chổi được mô tả là một trong những vật thể sáng nhất đi qua hệ mặt trời bên trong năm 1976. Nó thường được mô tả như là một "sao chổi lớn". Với quỹ đạo gần như parabol, ước tính chu kỳ quỹ đạo của sao chổi này dao động từ 254.000 đến 558.000 năm, và thậm chí cao tới 6,5 triệu năm. Việc tính toán quỹ đạo phù hợp nhất cho sao chổi thời gian dài này trở nên khó khăn hơn vì nó đã trải qua một sự kiện tách có thể gây ra sự nhiễu loạn không hấp dẫn của quỹ đạo.
Sao chổi Shoemaker-Levy 9
Sao chổi Shoemaker-Levy 9 là một sao chổi va vào Sao Mộc năm 1994, và các nhà thiên văn đã được chứng kiến lần đầu hiện tượng hai thiên thể trong Hệ Mặt Trời đâm vào nhau. Sự kiện này được báo chí trên thế giới đăng tải và nhiều nhà thiên văn khắp thế giới theo dõi sát. Vụ va chạm gợi mở nhiều thông tin về Sao Mộc, như khí quyển và vai trò của hành tinh này trong việc dọn dẹp rác vũ trụ cho vòng trong của Hệ Mặt Trời.
Eris (hành tinh lùn)
Eris là hành tinh lùn lớn thứ hai trong hệ Mặt Trời sau Sao Diêm Vương và là thiên thể thứ 11 quay quanh Mặt Trời. Đầu tiên, Eris được nhận diện là thiên thể bên ngoài Sao Hải Vương mà các nhà thiên văn California tại đài thiên văn trên đỉnh Palomar miêu tả là "lớn hơn rõ rệt" so với hành tinh Diêm Vương. Thiên thể này được các nhà phát hiện, NASA và một số phương tiện thông tin đại chúng coi là hành tinh thứ mười, nhưng vẫn chưa rõ ràng là nó sẽ được chấp nhận rộng rãi như là một hành tinh mới hay không. Nó có ít nhất một vệ tinh, điều này sẽ cho phép các nhà điều tra đo đạc khối lượng của hệ thống này.
Makemake
Makemake là hành tinh lùn lớn thứ 3 trong hệ Mặt Trời và là một trong 2 vật thể vòng đai Kuiper. Đường kính của nó vào khoảng 2/3 của Sao Diêm Vương. Makemake có một vệ tinh đã được phát hiện. Nhiệt độ trung bình cực kì thấp nghĩa rằng bề mặt của nó được bao bọc bởi mêtan, êtan và có thể nitơ băng.
Makemake được phát hiện vào ngày 31 tháng 3 năm 2005 bởi một đội ngũ do Michael Brown đứng đầu, và công bố vào ngày 29 tháng 7 năm 2005. Ngày 11 tháng 6 năm 2008, Hiệp hội Thiên văn Quốc tế đã đưa Makemake vào danh sách những ứng cử viên cho tình trạng "giống Sao Diêm Vương", một thuật ngữ cho những hành tinh lùn ở ngoài quỹ đạo của Sao Hải Vương mà giống Sao Diêm Vương và Eris. Makemake được trang trọng xếp vào loại "plutoid" vào tháng 6 năm 2008.
Haumea
Haumea, định danh hành tinh vi hình là (136108) Haumea (biểu tượng: ), là một hành tinh lùn đã biết có vị trí nằm ở bên ngoài quỹ đạo của Sao Hải Vương. Nó được phát hiện năm 2004 bởi một nhóm do Mike Brown dẫn đầu tại Đài thiên văn Palomar, Mĩ, và được phát hiện một cách độc lập vào năm 2005 bởi một nhóm do José Luis Ortiz Moreno dẫn đầu tại đài thiên văn Sierra Nevada, Tây Ban Nha. Vào ngày 17 tháng 9 năm 2008, nó được đặt tên theo Haumea, nữ thần sinh sản Hawaii, với kì vọng của Liên đoàn Thiên văn Quốc tế (IAU) rằng nó sẽ được chứng minh là một hành tinh lùn. Có khả năng nó là thiên thể ngoài Sao Hải Vương đã biết lớn thứ ba, sau Eris và Sao Diêm Vương.
243 Ida
Ida là một tiểu hành tinh thuộc họ Koronis nằm ở vành đai tiểu hành tinh. Nó được nhà thiên văn học người Áo Johann Palisa phát hiện năm 1884. Tên của nó được đặt theo tên của một thần nữ trong thần thoại Hy Lạp. Thông qua quan sát, các nhà thiên văn xếp Ida vào tiểu hành tinh loại S, loại phổ biến nhất thuộc vành đai phía trong. Vào ngày 28 tháng 8 năm 1993, 243 Ida đã được tàu vũ trụ không người lái Galileo bay ngang qua và thăm dò khi tàu Galileo đang thực hiện nhiệm vụ đến Sao Mộc. Đây là tiểu hành tinh thứ hai mà được một tàu thăm dò bay qua. 243 Ida là tiểu hành tinh đầu tiên được phát hiện có vệ tinh tự nhiên.
Callisto (vệ tinh)
Callisto được Galileo Galilei phát hiện năm 1610, là vệ tinh lớn thứ hai của Sao Mộc. Trong hệ Mặt Trời, Callisto là vệ tinh lớn thứ ba, sau Ganymede cũng của Sao Mộc và vệ tinh Titan của Sao Thổ. Tuy kích thước bằng 99% Sao Thủy nhưng do có khối lượng riêng nhỏ, khối lượng của Callisto chỉ bằng 1/3 so với Sao Thủy. Trong số 4 vệ tinh lớn của Sao Mộc mà Galilei đã phát hiện từ thế kỉ 17, Callisto có khoảng cách với Sao Mộc xa nhất, trung bình 1.880.000 km. Callisto cũng không tạo ra với 3 vệ tinh lớn còn lại hệ quỹ đạo cộng hưởng. Dưới sức hút cực lớn của một "hành tinh khí khổng lồ" như Sao Mộc, một mặt của Callisto luôn luôn hướng về phía Sao Mộc, giống như Mặt Trăng luôn chỉ quay một mặt về phía Trái Đất.
Enceladus (vệ tinh)
Enceladus là vệ tinh lớn thứ sáu của Sao Thổ. Nó được nhà thiên văn học William Herschel phát hiện vào năm 1789. Trước những năm 1980, người ta biết rất ít về Enceladus ngoài việc trên bề mặt vệ tinh này có nước. Enceladus có đường kính khoảng 500 km, bằng 1/10 kích thước của Titan, vệ tinh lớn nhất của Sao Thổ. Nó là thiên thể phản xạ ánh sáng mạnh nhất trong hệ Mặt trời. Tàu Voyager 1 phát hiện thấy quỹ đạo của Enceladus nằm trong vùng dày nhất của vành đai phân tán E. Người ta cho rằng vành đai này được hình thành từ vật chất phun lên từ cực Nam của Enceladus. Tàu Voyager 2 cho thấy vệ tinh này mặc dù rất nhỏ nhưng lại có một địa hình phức tạp: từ những vùng cổ xưa nhiều miệng hố thiên thạch cho đến những vùng trẻ mới được kiến tạo. Một số vùng có lớp bề mặt mới được tạo ra trong khoảng 100 triệu năm trước đây.
Ganymede (vệ tinh)
Ganymede là vệ tinh tự nhiên lớn nhất của Sao Mộc và cũng là vệ tinh lớn nhất trong hệ Mặt Trời; thậm chí nó còn lớn hơn cả Sao Diêm Vương, vốn đã từng được coi là một hành tinh. Ganymede quay một vòng quanh Sao Mộc hết hơn 7 ngày. Tính theo khoảng cách đến Sao Mộc, Ganymede là vệ tinh đứng thứ 7 trong tất cả các vệ tinh và đứng thứ 3 trong 4 vệ tinh lớn của Sao Mộc. Ganymede tham gia vào hiện tượng cộng hưởng quỹ đạo với Europa và Io theo tỉ lệ 1:2:4. Ganymede lớn hơn Sao Thủy nhưng do khối lượng riêng thấp nên nó chỉ nhẹ bằng một nửa Sao Thủy.