Bước tới nội dung

Wikipedia:Xung đột lợi ích

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Wikipedia:XĐLITSNDS)

Sửa đổi xung đột lợi ích (XĐLI) bao gồm đóng góp cho Wikipedia về bản thân bạn, gia đình, bạn bè, khách hàng, chủ lao động, quan hệ tài chính hoặc bất cứ quan hệ nào khác. Bất kỳ quan hệ bên ngoài nào đều có thể gây ra một xung đột lợi ích. Việc ai đó có xung đột lợi ích chỉ là mô tả về một thực trạng nhất định, không phải là phán xét về quan điểm, độ chính trực hoặc thiện chí của người đó.

Sửa đổi XĐLI rất không được khuyến khích trên Wikipedia. Việc này làm suy giảm niềm tin của công chúng và có nguy cơ gây ảnh hưởng đến danh dự của cá nhân và doanh nghiệp được quảng bá. Biên tập viên có XĐLI đôi khi không biết nó có làm ảnh hưởng đến việc biên tập của họ không hoặc ở mức độ nào. Nếu sửa đổi XĐLI gây hại, một bảo quản viên có thể đặt lệnh cấm đến các tài khoản dính líu.

Biên tập viên có XĐLI, bao gồm người được trả thù lao, cần công bố nó bất cứ khi nào muốn thay đổi nội dung của một bài viết bị ảnh hưởng. Người sửa đổi nhằm mục đích nhận thù lao phải công bố người thanh toán, khách hàng và các quan hệ liên quan; đây là yêu cầu của Wikimedia Foundation. Biên tập viên XĐLI không được khuyến khích sửa đổi trực tiếp các bài viết bị ảnh hưởng nhưng được phép đề xuất thay đổi trên trang thảo luận. Tuy nhiên, quy định về nội dung liên quan đến người đang sống cho phép các lỗi rất rõ ràng được nhanh chóng chỉnh sửa, kể cả bởi chủ thể.

Khi thẩm tra sửa đổi XĐLI, đừng tiết lộ danh tính của biên tập viên mà không có sự cho phép. Quy định chống quấy rối của Wikipedia, đặc biệt là việc cấm công khai thông tin cá nhân, có thẩm quyền cao hơn hướng dẫn này. Để báo cáo sửa đổi XĐLI, hãy làm theo chỉ dẫn tại mục Cách giải quyết xung đột lợi ích bên dưới. Biên tập viên thực hiện hoặc thảo luận về thay đổi đối với hướng dẫn này hoặc hướng dẫn liên quan khác cần khai báo về thù lao đã nhận để sửa đổi Wikipedia nếu có.

Lập trường của Wikipedia

[sửa | sửa mã nguồn]

Mục đích của Wikipedia

[sửa | sửa mã nguồn]

Với tư cách bách khoa toàn thư, nhiệm vụ của Wikipedia là cung cấp cho công chúng các bài viết tổng hợp tri thức được chấp nhận, được viết một cách trung lập và dẫn nguồn đáng tin cậy. Độc giả đến đây nhằm tìm những bài trung lập được chắp bút một cách độc lập với chủ thể, chứ không phải trang web cá nhân hay doanh nghiệp, hoặc nền tảng quảng cáo và tự quảng bá. Bài viết chỉ nên chứa nội dung phù hợp với quy định và thông lệ về nội dung của Wikipedia, và các thành viên Wikipedia cần đặt lợi ích của bách khoa toàn thư và độc giả cao hơn vấn đề cá nhân.

Sửa đổi XĐLI

[sửa | sửa mã nguồn]

Biên tập viên có XĐLI cần tuân thủ cẩn thận các quy định và thông lệ của Wikipedia:

  • bạn cần công bố XĐLI của bạn khi có dính líu đến bài viết bị ảnh hưởng;
  • bạn không được khuyến khích sửa đổi trực tiếp bài viết bị ảnh hưởng;
  • bạn có thể yêu cầu sửa đổi trên trang thảo luận (bằng cách sử dụng bản mẫu {{sửa đổi XĐLI}}) hoặc để lại thông báo trên trang thảo luận chung để sửa đổi được xét duyệt;
  • bạn chỉ nên khởi tạo bài mới thông qua xét duyệt từ thành viên khác thay vì tạo trực tiếp;
  • bạn không nên làm xét duyệt viên của (các) bài bị ảnh hưởng qua tuần tra trang mới hoặc bất cứ nơi nào khác;
  • bạn cần tôn trọng các biên tập viên khác qua việc giữ cho thảo luận súc tích.

Lưu ý rằng không ai trên Wikipedia kiểm soát bài viết. Nếu Wikipedia có bài viết về bạn hoặc tổ chức của bạn, những người khác có thể thêm vào đó thông tin mà lẽ ra ít được biết đến. Họ cũng có thể quyết định xóa bài, hoặc quyết định giữ lại nó nếu bạn về sau đưa ra đề nghị xóa. Báo chí đã nhiều lần đưa tin về doanh nghiệp tham gia biên tập XĐLI trên Wikipedia (xem Sửa đổi có tính xung đột lợi ích ở Wikipedia), dẫn đến thiệt hại về danh dự đối với các tổ chức có liên quan.

Sửa đổi được trả thù lao

[sửa | sửa mã nguồn]

Việc nhận thù lao để đóng góp cho Wikipedia là một hình thức XĐLI về tài chính; nó đặt biên tập viên nhận thù lao vào thế mâu thuẫn giữa mục tiêu của chủ lao động và mục tiêu của Wikipedia. Loại hình sửa đổi được trả thù lao đáng lo ngại nhất đổi với cộng đồng là sử dụng Wikipedia cho mục đích quan hệ công chúng và quảng bá. Đôi khi được gọi là "vận động hành lang có thù lao", đây là vấn đề đáng bàn do nó luôn phản ánh lợi ích của khách hàng hoặc chủ lao động.

Tổng quát hơn, một biên tập viên có xung đột lợi ích về tài chính khi viết về một chủ đề mà người đó có quan hệ tài chính gần gũi. Đó có thể là quan hệ chủ sở hữu, nhân viên, nhà thầu, nhà đầu tư hoặc cổ đông khác.

Wikimedia Foundation yêu cầu mọi hoạt động biên tập có thù lao đều phải được khai báo. Ngoài ra, theo quy định toàn cục bạn phải cung cấp liên kết trên trang thành viên đến tất cả tài khoản đang hoạt động trên các trang web bên ngoài mà thông qua đó bạn quảng cáo, chào mời hoặc nhận công việc biên tập có thù lao (nếu có thể). Nếu bạn nhận hoặc dự kiến nhận thu nhập (tiền, hiện vật hoặc dịch vụ) cho đóng góp của mình trên Wikipedia, quy định của Wikipedia tiếng Việt là:

  • bạn phải công bố người thanh toán, đối tượng của việc thực hiện biên tập và bất kỳ quan hệ có liên quan nào khác;
  • bạn cần thực hiện công bố trên trang thành viên, trên các trang thảo luận bị ảnh hưởng, và tại mọi thời điểm bạn thảo luận về chủ đề;
  • bạn không được khuyến khích sửa đổi trực tiếp bài viết bị ảnh hưởng;
  • bạn có thể yêu cầu sửa đổi trên trang thảo luận (bằng cách sử dụng bản mẫu {{sửa đổi XĐLI}}) hoặc để lại thông báo trên trang thảo luận chung để sửa đổi được xét duyệt;
  • bạn chỉ nên khởi tạo bài mới thông qua xét duyệt từ thành viên khác thay vì tạo trực tiếp;
  • bạn không nên làm xét duyệt viên của (các) bài bị ảnh hưởng qua tuần tra trang mới hoặc bất cứ nơi nào khác;
  • bạn cần tôn trọng các biên tập viên khác qua việc giữ cho thảo luận súc tích (xem WP:THULAOTHAOLUAN).

Sửa đổi theo yêu cầu phải tuân theo quy chuẩn giống bất kỳ sửa đổi nào khác, và biên tập viên có thể từ chối thực hiện chúng. Hướng dẫn yêu cầu sửa đổi XĐLI hiệu quả là trang cung cấp chỉ dẫn cần thiết cho việc này. Để tìm trang thảo luận của một bài viết, hãy nhấn nút "Thảo luận" ở đầu bài. Xem WP:GSD nếu có câu hỏi về các vấn đề trên. Nếu bạn là bảo quản viên, bạn không được sử dụng công cụ bảo quản cho hoạt động biên tập có thù lao (ngoại trừ với tư cách Wikipedian in Residence hoặc được thanh toán bởi Wikimedia Foundation hay một tổ chức liên kết).

Điều khoản sử dụng Wikimedia Foundation

[sửa | sửa mã nguồn]

Điều khoản sử dụng của Wikimedia Foundation yêu cầu biên tập viên được thanh toán cho đóng góp của mình phải công bố chủ lao động (cá nhân hoặc tổ chức thanh toán cho sửa đổi); khách hàng (cá nhân hoặc tổ chức thay mặt cho việc thực hiện sửa đổi); và bất kỳ mối liên kết có liên quan nào khác. Đây cũng là quy định của Wikipedia tiếng Việt.

Hướng dẫn công bố XĐLI

[sửa | sửa mã nguồn]

XĐLI chung

[sửa | sửa mã nguồn]

Nếu bạn dính líu đến bài viết mà bạn có XĐLI, bạn cần luôn luôn để các biên tập viên khác biết về điều đó, bất cứ khi nào và bất cứ đâu bạn thảo luận về chủ đề. Có ba cách thực hiện việc này.

1. Nếu muốn sử dụng bản mẫu, đặt {{thành viên có liên quan}} ở đầu trang thảo luận bị ảnh hưởng, điền như dưới đây rồi lưu lại:

Bản mẫu Thành viên có liên quan
{{Thành viên có liên quan|User1=Tên tài khoản|U1-declared=yes|U1-otherlinks=(Tùy chọn) Thêm các quan hệ liên quan, công bố, bản thảo bài viết hoặc khác biệt sửa đổi thể hiện đóng góp XĐLI.}}

Lưu ý rằng có thể có người khác thêm bản mẫu này giúp bạn.

2. Bạn cũng có thể đưa ra công bố trên tóm lược sửa đổi của các đóng góp XĐLI.

3. Nếu muốn công bố XĐLI trên trang thành viên, bạn có thể sử dụng bản mẫu {{người dùng xung đột lợi ích}}:

Bản mẫu Người dùng xung đột lợi ích

Khi sửa mã nguồn trang thành viên, nhập {{Người dùng xung đột lợi ích|1=Tên bài viết Wikipedia}}, sau đó nhấn "lưu".

Ví dụ
Đối với công bố XĐLI, xem Thảo luận:World of Tanks
Trong sửa đổi này, một thành viên tạo công bố XĐLI giúp thành viên khác.

Ngoài ra, khi đề nghị thay đổi quan trọng hoặc có khả năng gây tranh cãi đến bài viết bị ảnh hưởng, bạn có thể sử dụng bản mẫu {{sửa đổi XĐLI}}. Đặt nó vào cuối trang thảo luận và nêu đề xuất của bạn bên dưới (nhớ ký tên bằng bốn dấu ngã, ~~~~). Nếu sửa đổi đề xuất là phù hợp và kiểm chứng được, nó sẽ thường được chấp nhận. Trong trường hợp từ chối, biên tập viên thường sẽ thêm phần giải thích bên dưới đề nghị của bạn.

Biên tập viên được trả thù lao

[sửa | sửa mã nguồn]

Nếu bạn được thanh toán cho việc đóng góp trên Wikipedia, bạn phải công bố người thanh toán cho bạn, khách hàng, và bất kỳ vai trò hoặc mối quan hệ liên quan khác. Bạn có thể công bố trên trang thành viên, trên trang thảo luận của các bài viết bị ảnh hưởng, hoặc trên tóm lược sửa đổi. Do bạn có xung đột lợi ích, bạn cần đảm bảo rằng tất cả thành viên bạn tương tác đều được biết về tư cách biên tập viên được trả thù lao trong mọi thảo luận tại các trang Wikipedia thuộc mọi không gian tên. Nếu muốn sử dụng bản mẫu để công bố XĐLI trên trang thảo luận, đặt {{đóng góp (trả thù lao) được liên kết}} ở đầu trang, điền như sau rồi lưu lại:

Bản mẫu Đóng góp (trả thù lao) được liên kết
{{Đóng góp (trả thù lao) được liên kết|User1=Tên biên tập viên được trả thù lao|U1-employer=Tên cá nhân/tổ chức thanh toán cho sửa đổi|U1-client= Tên khách hàng|U1-otherlinks=Thêm khác biệt sửa đổi cần công bố trên trang Thành viên của bạn.}}

Chủ lao động là bên trả thù lao để được liên kết trong bài viết (ví dụ như công ty PR). Khách hàng là đối tượng của việc thực hiện thanh toán (thường là chủ thể bài viết). Nếu chủ lao động và khách hàng là cùng một thực thể—ví dụ, công ty A thanh toán cho bạn để viết về công ty A—tham số khách hàng có thể để trống. Xem {{đóng góp (trả thù lao) được liên kết}} để biết thêm thông tin. Lưu ý rằng có thể có biên tập viên khác thêm bản mẫu này giúp bạn.

Bạn nên giữ một danh sách đóng góp có thù lao dễ thấy trên trang thành viên của mình. Nếu quảng cáo, chào mời hoặc nhận công việc biên tập có thù lao thông qua một tài khoản trên trang web bên ngoài, bạn phải cung cấp liên kết trên trang thành viên đến tất cả các tài khoản như vậy.

Khi đề nghị thay đổi đến bài viết bị ảnh hưởng, bạn có thể sử dụng bản mẫu {{sửa đổi XĐLI}}. Đặt nó vào trang thảo luận và thêm đề xuất của bạn bên dưới.

Việc sử dụng công cụ bảo quản cho hoạt động biên tập có thù lao, ngoại trừ với tư cách Wikipedian in Residence hoặc khi khoản thanh toán được thực hiện bởi Wikimedia Foundation hoặc một tổ chức liên kết với WMF, được xem là hành vi lạm dụng nghiêm trọng và có thể dẫn đến chế tài hoặc bất tín nhiệm.

Xung đột lợi ích là gì?

[sửa | sửa mã nguồn]

Vai trò và quan hệ bên ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]

Khi biên tập Wikipedia, vai trò chính của biên tập viên là làm gia tăng lợi ích của bách khoa toàn thư. Khi một vai trò hoặc quan hệ bên ngoài có thể nói một cách hợp lý là làm suy yếu vai trò chính này, thì biên tập viên đó có xung đột lợi ích. Điều này cũng tương tự như việc vai trò chính của thẩm phán với tư cách là người xét xử công bằng sẽ bị suy giảm nếu thẩm phán kết hôn với một trong các bên liên quan.

Bất kỳ quan hệ bên ngoài nào—cá nhân, tôn giáo, chính trị, học thuật, pháp lý hoặc tài chính (bao gồm nắm giữ tiền mã hóa)—đều có thể gây ra một XĐLI. Việc quan hệ này thân thiết đến đâu trước khi trở thành mối lo ngại trên Wikipedia thì được điều chỉnh bởi lẽ thường. Ví dụ, một bài viết về nhóm nhạc không nên được viết bởi quản lý nhóm nhạc đó, và một tiểu sử không nên là tự truyện hoặc được chắp bút bởi vợ/chồng của chủ thể. Có thể xảy ra XĐLI khi viết thay mặt cho đối thủ cạnh tranh hoặc người phản đối chủ thể trang, cũng như khi viết thay mặt cho chủ thể.

Người có chuyên môn trong lĩnh vực cụ thể (subject-matter expert) được hoan nghênh tại Wikipedia trong phạm vi chuyên môn, theo hướng dẫn về xung đột lợi ích tài chính và về trích dẫn tác phẩm của chính mình. Họ cần đảm bảo rằng các vai trò và quan hệ bên ngoài trong phạm vi chuyên môn không can thiệp vào vai trò chính trên Wikipedia.

XĐLI không đơn giản chỉ là thiên lệch

[sửa | sửa mã nguồn]

Việc xác định ai đó có XĐLI chỉ là mô tả về một thực trạng nhất định. Đó không phải là phán xét về trạng thái tinh thần hoặc độ chính trực của người này. Một XĐLI có khả năng tồn tại mà không có thiên lệch, và thiên lệch thường tồn tại ngay cả khi không có XĐLI. Niềm tin và mong muốn có thể dẫn đến biên tập thiên lệch, nhưng chúng không cấu thành XĐLI. XĐLI xuất hiện từ vai trò và quan hệ của biên tập viên, và thiên hướng thiên lệch mà chúng ta giả định thì xảy ra khi các vai trò và quan hệ này mâu thuẫn nhau.

Vì sao XĐLI là vấn đề cấp thiết?

[sửa | sửa mã nguồn]

Tại Wikipedia, biên tập viên có xung đột lợi ích vốn thêm vào nội dung một cách đơn phương thì thường vi phạm các quy định và hướng dẫn về nội dung và ứng xử. Nội dung họ thêm thường không có nguồn hoặc dẫn nguồn yếu, cũng như vi phạm quy định về thái độ trung lập do có tính quảng bá và bỏ qua thông tin tiêu cực. Họ có thể tham gia bút chiến để giữ lại nội dung phục vụ cho lợi ích bên ngoài của mình. Họ cũng có thể sử dụng nguồn sơ cấpnguồn không độc lập hay nhấn mạnh quan điểm nào đó một cách quá mức.

XĐLI thực tế, tiềm tàng và nghi vấn

[sửa | sửa mã nguồn]

XĐLI thực tế xảy ra khi biên tập viên có XĐLI liên quan đến một quyết định nhất định đang ở tình thế phải thực hiện quyết định đó.

Ví dụ: Một chủ doanh nghiệp có XĐLI thực tế nếu người này sửa đổi bài viết và tham gia thảo luận về doanh nghiệp đó.

XĐLI tiềm tàng xảy ra khi biên tập viên có XĐLI liên quan đến một quyết định nhất định nhưng không đang ở tình thế phải thực hiện quyết định đó.

Ví dụ: Một chủ doanh nghiệp có XĐLI tiềm tàng liên quan đến bài viết và thảo luận về doanh nghiệp đó, nhưng không có XĐLI thực tế nếu người này tránh xa khỏi các trang đó.

XĐLI nghi vấn xảy ra khi có căn cứ tin rằng một biên tập viên có XĐLI.

Ví dụ: Biên tập viên có XĐLI nghi vấn nếu họ sửa bài viết về một doanh nghiệp, và vì lý do nào đó họ có vẻ như là chủ doanh nghiệp hoặc có quan hệ với chủ doanh nghiệp, dù thực tế họ có thể không có liên hệ này. XĐLI nghi vấn làm dấy lên mối lo ngại trong cộng đồng và cần được giải quyết thông qua thảo luận bất cứ khi nào có thể.

Xử lý yêu cầu sửa đổi từ biên tập viên có XĐLI hoặc được trả thù lao

[sửa | sửa mã nguồn]

Đáp ứng yêu cầu

[sửa | sửa mã nguồn]

Biên tập viên đứng trước yêu cầu sửa đổi từ người có XĐLI hoặc được trả thù lao cần phản hồi một cách cẩn thận, đặc biệt khi có sự dính líu lợi ích thương mại. Khi một lượng lớn văn bản được thêm vào bài viết thay mặt cho chủ thể, thì trên thực tế, bài đã được chủ thể "chắp bút ma" mà độc giả không biết. Vì lý do này, các thành viên muốn phản hồi cần kiểm tra văn bản và nguồn dẫn đề xuất một cách kỹ càng. Việc một bài viết được mở rộng không có nghĩa là nó trở nên tốt hơn.

  • Hãy chắc chắn rằng phần văn bản có thù lao được đề xuất thỏa mãn WP:NHANMANH.
  • Tìm chi tiết không cần thiết vốn có thể được thêm vào để át đi cái gì đó tiêu cực.
  • Đảm bảo không có gì quan trọng bị thiếu sót. Biên tập viên muốn phản hồi cần tự tìm kiếm nguồn độc lập. Đừng tin vào nguồn do biên tập viên được trả thù lao đưa ra.
  • Kiểm tra văn viết không trung lập và nội dung không có nguồn hoặc dẫn nguồn yếu.
  • Cẩn trọng khi chấp nhận nội dung dựa trên nguồn tự xuất bản như trang web cá nhân, hoặc nguồn sơ cấp như trang web công ty hoặc thông cáo báo chí.

Nếu văn bản có thù lao được thêm vào bài, tóm lược sửa đổi phải ghi công đầy đủ.

Ghi công trong tóm lược sửa đổi

[sửa | sửa mã nguồn]

Nếu lựa chọn thêm nội dung vào bài viết thay mặt cho người có XĐLI hoặc được trả thù lao, biên tập viên phải cung cấp ghi công cho văn bản trong tóm lược sửa đổi. Tóm lược sửa đổi cần bao gồm tên của biên tập viên có XĐLI hoặc được trả thù lao, liên kết đến bản nháp hoặc yêu cầu sửa đổi, và xác nhận sửa đổi có XĐLI hoặc đóng góp được trả thù lao. Ví dụ:

Văn bản được thêm thay mặt cho biên tập viên được trả thù lao Thành viên:X; sao chép từ [[Thành viên:X/nháp thù lao]].

hoặc bạn cũng có thể sử dụng định dạng sau, từ văn bản được yêu cầu trong trang thảo luận,

Sửa đổi được thực hiện theo yêu cầu sửa đổi [[WP:XĐLI]] của Thành viên:SVeatch; sao chép hoặc chuyển thể từ "Chỉnh sửa hộp thông tin, Giới thiệu và Lịch sử" tại [[Đặc biệt:Liên kết thường trực/63729307]]

Liên kết thường trực giúp tránh tạo ra liên kết hỏng khi các mục được lưu trữ.

Sự minh bạch trên giúp biên tập viên và độc giả xác định mức độ tác động của XĐLI đến bài viết, đồng thời tuân thủ các yêu cầu về bản quyền.

Biên tập viên được trả thù lao trên trang thảo luận

[sửa | sửa mã nguồn]

Biên tập viên được trả thù lao phải tôn trọng bản chất tình nguyện của dự án và giữ cho thảo luận súc tích. Khi đề xuất sửa đổi lên bài viết, họ cần mô tả các chỉnh sửa theo yêu cầu và giải thích lý do cho sự thay đổi đó. Bất kỳ sửa đổi nào có khả năng gây tranh cãi, chẳng hạn như lược bỏ văn bản tiêu cực, thì cần được nêu rõ.

Trước khi bị lôi kéo vào trao đổi lâu dài với biên tập viên được trả thù lao, tình nguyện viên nên biết rằng biên tập viên được trả thù lao có thể gửi bằng chứng về các bài đăng trên trang thảo luận cá nhân để biện minh cho khoản lương hoặc chi phí của họ. Không thành viên nào được yêu cầu tham gia các cuộc thảo luận kéo dài hoặc lặp đi lặp lại với người được trả tiền để tranh luận với họ.

Những ai không chấp nhận đồng thuận qua việc tranh cãi ad nauseam thì có thể xem là vi phạm hướng dẫn về sửa đổi gây hại.

Bản quyền của đóng góp được trả thù lao

[sửa | sửa mã nguồn]

Các biên tập viên được nhắc lại rằng mọi văn bản nào họ đóng góp cho Wikipedia, trên giả sử họ là người giữ bản quyền, đều được cấp phép không thể hủy ngang dưới giấy phép Creative Commons Ghi công–Chia sẻ tương tựGiấy phép Tài liệu Tự do GNU. Nội dung trên Wikipedia, bao gồm bản nháp bài viết và bình luận trên trang thảo luận, có thể được sao chép và chỉnh sửa tự do bởi các bên thứ ba vì mục đích thương mại và phi thương mại, với yêu cầu duy nhất là ghi công nội dung này đến người đóng góp Wikipedia.

Biên tập viên được trả thù lao cần chắc chắn rằng họ đang sở hữu bản quyền của văn bản mà họ được thanh toán để thêm vào Wikipedia; ngược lại, họ sẽ không thể phát hành nó. Tác giả của văn bản thường được giả sử là người giữ bản quyền. Các công ty đôi khi cung cấp văn bản được người khác viết cho biên tập viên được trả thù lao. Một trường hợp khác là biên tập viên được trả thù lao viết văn bản cho Wikipedia trong phạm vi việc làm ("tác phẩm được thuê làm"), trường hợp này bản quyền thuộc về chủ lao động.

Nếu có nghi ngờ về việc biên tập viên được trả thù lao là người sở hữu bản quyền, họ (hoặc chủ lao động hay tác giả) được khuyến cáo chuyển tiếp thư xác nhận phát hành từ người giữ bản quyền đến Volunteer Response Team (permissions-vi@wikimedia.org). Xem WP:XINBQ về hướng dẫn thực hiện.

Nếu lựa chọn thêm nội dung vào bài viết thay mặt cho người được trả thù lao, biên tập viên phải cung cấp ghi công cho văn bản trong tóm lược sửa đổi. Xem WP:XĐLIGHICONG về hướng dẫn thực hiện.

Quảng cáo trá hình

[sửa | sửa mã nguồn]

Pháp luật Hoa Kỳ về quảng cáo không khai báo được Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đưa ra trong Endorsement GuidelinesDot Com Disclosures. FTC xem quảng cáo là dễ gây nhầm lẫn nếu nó bắt chước một định dạng nội dung, chẳng hạn như một bản tin, và dường như đến từ một nguồn độc lập, khách quan:

Nhiều nhà tiếp thị và nhà xuất bản đang sử dụng các phương pháp đổi mới để tạo, định dạng và phân phối quảng cáo kỹ thuật số. Một hình thức trong đó là "quảng cáo tự nhiên" (native advertising), tức nội dung tương tự với tin tức, bài viết nổi bật, đánh giá sản phẩm, giải trí và nội dung khác xung quanh nó trực tuyến. ...

Trong phương tiện truyền thông kỹ thuật số, quảng cáo tự nhiên thường giống với thiết kế, phong cách và chức năng của phương tiện truyền thông mà chúng được phổ biến. ... Quảng cáo tự nhiên càng có định dạng và chủ đề tương tự với nội dung trên trang web của nhà xuất bản thì càng có nhiều khả năng cần phải khai báo để ngăn chặn hành vi lừa dối. —Ủy ban Thương mại Liên bang, 2015

Để xác định việc một quảng cáo gây nhầm lẫn theo Đạo luật Ủy ban Thương mại Liên bang năm 1914, FTC xem xét "cả những gì quảng cáo nói và định dạng mà nó sử dụng để truyền tải thông tin đó ... Quảng cáo hoặc thông điệp quảng cáo đều là lừa dối nếu chúng truyền tải đến người tiêu dùng một cách rõ ràng hoặc ngụ ý rằng chúng độc lập, công bằng hoặc đến từ một nguồn khác ngoài nhà quảng cáo tài trợ ...".

Năm 2012, Tòa án Cấp cao Munich phán quyết rằng nếu một công ty hoặc đại diện công ty chỉnh sửa Wikipedia nhằm mục đích gây ảnh hưởng đến khách hàng thì việc chỉnh sửa đó cấu thành quảng cáo trá hình và như vậy là vi phạm luật thương mại công bằng của châu Âu. Phán quyết tuyên bố rằng người đọc không thể tìm kiếm các trang thành viên và trang thảo luận để tìm công bố của biên tập viên về công ty liên kết của họ. Cùng năm, Cơ quan Tiêu chuẩn Quảng cáo (ASA) của Anh xác định nội dung tweet của hai cầu thủ bóng đá đã được "đồng ý với sự giúp đỡ của một thành viên trong đội ngũ tiếp thị của Nike". Các dòng tweet này không được nêu rõ là thông tin tiếp thị của Nike và do đó đã vi phạm quy tắc của ASA. Luật Tiêu chuẩn Quảng cáo do Advertising Standards Canada quản lý quy định: "Quảng cáo không được trình bày theo hình thức hoặc phong cách làm che giấu sự thật rằng đó là quảng cáo."

Luật Quảng cáo năm 2012 hiện hành của Việt Nam chưa có quy định về quản lý tin bài được tài trợ để quảng cáo sản phẩm trên báo chí.

Các loại XĐLI khác

[sửa | sửa mã nguồn]

Tranh chấp pháp lý và tranh chấp khác

[sửa | sửa mã nguồn]

Quy định về tiểu sử người đang sống nêu: "Biên tập viên dính líu đến một cuộc tranh cãi hoặc tranh chấp nghiêm trọng với cá nhân khác—cả trong hay ngoài wiki—hoặc người được thừa nhận là đối thủ của cá nhân đó, không nên chỉnh sửa tiểu sử hoặc nội dung khác về người đó, vì lý do xung đột lợi ích tiềm tàng."

Tương tự, biên tập viên không nên viết về vụ án mà họ hoặc những người thân cận đã tham gia, cũng như về các bên hoặc công ty luật có liên quan đến vụ việc.

Chiến dịch, chính trị

[sửa | sửa mã nguồn]

Những hoạt động được người trong cuộc coi đơn giản là "truyền đạt thông tin" có thể có vẻ mang tính quảng cáo hoặc tuyên truyền ra bên ngoài. Nếu bạn chỉnh sửa bài viết trong khi tham gia vào các chiến dịch trong cùng lĩnh vực, bạn có thể gặp phải xung đột lợi ích. Ứng viên chính trị và nhân sự của họ không nên chỉnh sửa các bài viết về bản thân mình, những người ủng hộ hoặc đối thủ của mình. Nhân viên chính phủ không nên chỉnh sửa bài viết về cơ quan, chính phủ, đảng phái chính trị, đối thủ chính trị hoặc các chủ đề chính trị gây tranh cãi.

Viết về chính mình, gia đình, bạn bè

[sửa | sửa mã nguồn]

Bạn cần tránh tạo bài viết về chính mình hoặc bất kỳ ai bạn biết, dù đang sống hay đã qua đời, trừ khi được thành viên khác xét duyệt độc lập. Nếu có quan hệ thân thiết với một chủ đề hoặc cá nhân, bạn được khuyến cáo nên tránh sửa đổi trực tiếp các bài viết này và cung cấp công bố đầy đủ về mối liên hệ này khi bình luận về bài trên trang thảo luận hoặc trong các cuộc thảo luận khác. Yêu cầu cập nhật bài viết về chính bạn hoặc người có quan hệ cá nhân với bạn có thể được tạo trên trang thảo luận bằng cách làm theo hướng dẫn tại WP:XĐLIYC.

Một ngoại lệ trong sửa đổi bài viết về chính mình hoặc người khác bạn biết là khi bài chứa nội dung phỉ báng hoặc một sai sót nghiêm trọng cần được chỉnh sửa nhanh chóng. Nếu bạn thực hiện sửa đổi như vậy, xin hãy gửi thư đến WP:VRT, nhóm phản ứng tình nguyện của Wikipedia, hoặc yêu cầu giúp đỡ tại WP:TSNDSTB, bàn thông báo của chúng tôi cho bài viết về người đang sống, hoặc trang thảo luận của bài viết liên quan.

Trích dẫn chính mình

[sửa | sửa mã nguồn]

Việc sử dụng nội dung bạn đã viết hoặc xuất bản được cho phép nếu có lý do chính đáng, chỉ khi nó thích hợp với bài, tuân thủ quy định về nội dung bao gồm WP:TUXUATBAN và không ở mức quá nhiều. Cước chú nên ở ngôi thứ ba và không được đặt nhấn mạnh quá mức vào tác phẩm của bạn. Bạn sẽ được định danh vĩnh viễn trên lịch sử trang là người đã thêm chú thích cho tác phẩm của chính mình. Nếu có vướng mắc, hãy tôn trọng quan điểm của cộng đồng: đề xuất sửa đổi trên trang thảo luận bài viết và cho phép người khác xét duyệt nó. Song, việc thêm nhiều chú thích đến tác phẩm do chính bạn xuất bản thay vì các nhà nghiên cứu khác được xem như là một hình thức spam.

Lĩnh vực văn hóa

[sửa | sửa mã nguồn]

Giám tuyển viên bảo tàng, thủ thư, lưu trữ viên và nhân sự tương tự được khuyến khích hỗ trợ nâng cao chất lượng Wikipedia hoặc chia sẻ thông tin dưới hình thức liên kết đến nguồn tài nguyên của họ. Trong trường hợp không thể sử dụng làm nguồn đáng tin cậy, liên kết có thể được đặt dưới mục đọc thêm hoặc liên kết ngoài nếu nó tuân theo hướng dẫn về liên kết ngoài. Chú ý rằng Wikipedia không phải là danh mục hoặc trang lưu trữ liên kết, hình ảnh hoặc tập tin phương tiện.

Xem thêm WP:Biên tập viên chuyên gia.

Wikipedian in Residence, bảng treo thưởng

[sửa | sửa mã nguồn]

Có một số hình thức biên tập có thù lao mà cộng đồng Wikimedia xem là chấp nhận được. Chúng bao gồm Wikipedian in residence (WiR)—thành viên Wikipedia được trả thù lao để cộng tác với các tổ chức phù hợp với sứ mệnh của dự án như kho ảnh, thư viện, kho lưu trữ và bảo tàng. WiR không được tham gia quan hệ công chúng hoặc quảng cáo cho tổ chức của mình tại Wikipedia và phải hoạt động theo nguyên tắc chung của Wikimedia. Họ cần làm việc thân cận với một dự án Wikipedia hoặc cộng đồng chung Wikipedia và định danh tư cách WiR trên trang thành viên cũng như các trang thảo luận liên quan đến tổ chức khi đăng thảo luận tại đây.

Một ví dụ khác về biên tập có thù lao được chấp nhận là bảng treo thưởng, tại đây biên tập viên có thể đăng khoản thưởng khuyến khích khi nâng cấp bài viết lên trạng thái tốt hoặc chọn lọc, chẳng hạn. Nếu bạn tham gia, sự minh bạch và tính trung lập là quan trọng nhất.

Vấn đề khác

[sửa | sửa mã nguồn]

Gạ gẫm từ biên tập viên được trả thù lao

[sửa | sửa mã nguồn]

Đối với gạ gẫm được gửi đến khách hàng tiềm năng, biên tập viên được trả thù lao cần công bố các thông tin sau:

  • Biên tập viên được trả thù lao không đại diện cho Wikimedia Foundation hoặc cộng đồng biên tập Wikipedia, và họ không có thẩm quyền nào vượt quá thẩm quyền của một biên tập viên tình nguyện bất kỳ.
  • Biên tập viên được trả thù lao phải công bố chủ lao động, khách hàng và mối liên kết trên Wikipedia. Không có sự bảo mật cho khách hàng.
  • Sửa đổi được trả thù lao có thể được xét duyệt và chỉnh lý trong quá trình làm việc bình thường trên Wikipedia. Cả khách hàng và biên tập viên được trả thù lao đều không sở hữu bài viết.
  • Biên tập viên được trả thù lao không thể đảm bảo bất kỳ kết quả nào cho một bài viết trên Wikipedia. Bài có thể được sửa đổi hoặc xóa bởi các biên tập viên khác bất cứ lúc nào.

Việc cung cấp liên kết đến mục này cho khách hàng là công bố phù hợp nếu được thực hiện theo cách trung lập và không lừa đối.

  • Biên tập viên được trả thù lao cũng cần cung cấp liên kết đến trang thành viên, trong đó có công bố về tư cách biên tập được trả thù lao. Nếu một trang web bên ngoài tuyên bố rằng một biên tập viên Wikipedia cụ thể đang làm việc cho họ nhưng trang thành viên của biên tập viên đó không công bố như vậy, đây có thể là dấu hiệu cho thấy trang web đang mạo danh biên tập viên này.

Nếu bạn nhận được gạ gẫm từ một biên tập viên được trả thù lao không chứa thông tin trên, chúng tôi khuyên bạn không nên hợp tác với họ, do họ không tuân thủ các quy định và hướng dẫn của chúng tôi.

Cẩn thận với lừa đảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Một số gạ gẫm từ biên tập viên được trả thù lao có liên quan đến gian lận; chẳng hạn, xem Operation Orangemoody. Nhiều doanh nghiệp tuyên bố có cung cấp dịch vụ biên tập, nhưng một số trong đó là lừa đảo. Nếu ai đó tuyên bố có các biên tập viên kinh nghiệm làm việc cho họ, hãy yêu cầu họ cung cấp tên tài khoản của các biên tập viên này và kiểm tra trang thành viên xem họ đã công bố thông tin đóng góp được trả thù lao hay chưa; nếu chưa, thì khả năng cao tuyên bố trên là sai. Thỏa thuận nhận tiền nhằm cam kết để một trang không bị xóa hoặc sử dụng quyền thành viên đặc biệt trên Wikipedia chắc chắn là gian dối.

Nếu bạn nghĩ bạn đã nhận một gạ gẫm lừa đảo, xin hãy chuyển nó đến địa chỉ info-vi@wikimedia.org để được hỗ trợ.

Định luật về hệ quả ngoài mong muốn

[sửa | sửa mã nguồn]

Một khi bài viết đã được tạo về chính bạn, hội nhóm hoặc công ty của bạn, bạn không có quyền kiểm soát nội dung của bài hoặc xóa bài không thông qua kênh chính thống. Nếu có bất cứ điều gì có sẵn một cách công khai về chủ đề mà bạn không muốn đưa vào một bài viết, thì cuối cùng nó vẫn sẽ tìm được đường đến đó.

Không tài khoản dùng chung, không tài khoản công ty

[sửa | sửa mã nguồn]

Đừng tạo tài khoản tổ chức dùng chung hoặc sử dụng tên tổ chức làm tên tài khoản. Đây là tài khoản của bạn, không phải của người chủ.

Thực hiện sửa đổi không gây tranh cãi

[sửa | sửa mã nguồn]

Biên tập viên có xung đột lợi ích chung có thể thực hiện các sửa đổi rõ ràng không gây tranh cãi (tuy nhiên xem WP:XĐLITC). Họ có thể:

  1. xóa nội dung spam hoặc phá hoại rõ ràng,
  2. xóa nội dung rõ ràng vi phạm quy định về tiểu sử người đang sống,
  3. sửa lỗi chính tả, ngữ pháp hoặc định dạng,
  4. sửa liên kết hỏng,
  5. xóa sửa đổi XĐLI của chính mình, và
  6. thêm nguồn đáng tin cậy độc lập khi có biên tập viên khác yêu cầu, mặc dù cách tốt hơn là liệt kê nguồn trên trang thảo luận để người khác thêm vào.

Nếu một biên tập viên khác phản đối với bất kỳ lý do nào, thì đó không phải là sửa đổi không gây tranh cãi. Sửa đổi nằm ngoài phạm vi nêu trên cần được bàn luận trên trang thảo luận. Nếu một bài viết có ít biên tập viên không dính líu, xin hãy đặt câu hỏi tại trang thảo luận của dự án Wiki hoặc tại trang thảo luận chung. Xem thêm WP:XĐLITHAOLUAN.

Cung cấp hình ảnh và tập tin phương tiện

[sửa | sửa mã nguồn]

Biên tập viên có XĐLI được khuyến khích tải lên tập tin phương tiện chất lượng cao có giấy phép phù hợp cho Wikipedia nhằm cải tiến bài viết về chủ thể. Xem hướng dẫn tại Commons để biết thêm thông tin. Trong một số trường hợp, việc thêm tập tin phương tiện vào bài là sửa đổi không gây tranh cãi mà biên tập viên có XĐLI được thực hiện trực tiếp, nhưng các thành viên cần thận trọng và tiến hành thảo luận khi hình ảnh có khả năng gây tranh cãi hoặc mang tính quảng cáo. Nếu hình ảnh được thêm mà có người khác nghi ngờ thì đó được xem là gây tranh cãi.

Việc sử dụng nội dung không tự do bị hạn chế. Nói chung, việc sử dụng ảnh báo chí hoặc hình ảnh do khách hàng cung cấp với mong muốn đưa chúng vào bài viết mà không có ý định nhượng lại bản quyền theo Creative Commons một cách không thể hủy ngang là không chấp nhận được. Biên tập viên không được tải lên hình ảnh do khách hàng cung cấp "chỉ dùng cho mục đích bài viết Wikipedia" và tuyên bố sai lệch rằng chúng được cấp phép theo CC BY-SA, do hình ảnh này về cơ bản không phù hợp với nguyên tắc về nội dung tự do. Chỉ chủ sở hữu bản quyền hoặc người đại diện được ủy quyền mới được cấp phép sử dụng tác phẩm theo giấy phép Creative Commons, chứ không phải chủ thể được chụp ảnh hoặc đại diện quan hệ công chúng của chủ thể đó. Nếu hình ảnh tương tự được phát hiện có bản quyền ở nơi khác trước ngày tải lên thì nó có thể bị xóa do vi phạm bản quyền. Nếu bạn là người giữ bản quyền và muốn chuyển nhượng nội dung cho Creative Commons để sử dụng trên Wikipedia, xem Commons:Volunteer Response Team § Licensing images: when do I contact VRT?.

Cách giải quyết xung đột lợi ích

[sửa | sửa mã nguồn]

Thông báo hoặc báo cáo lên bảo quản viên

[sửa | sửa mã nguồn]

Nếu sửa đổi của một thành viên khiến bạn cho rằng họ có thể có XĐLI (tức là nếu họ có "XĐLI nghi vấn") chưa công bố, trước tiên hãy suy xét xem vấn đề đó có đơn thuần là vận động hành lang hay không. Hầu hết hành vi vận động hành lang không có XĐLI dính líu. Việc một biên tập viên tham gia vận động hành lang trước hết cần được giải quyết trên trang thảo luận thành viên, tiếp theo là WP:TL, trang thảo luận chung của cộng đồng. Nếu có nghi ngờ về rối hoặc rối thịt, xin hãy báo cáo lên WP:YCKDTK.

Khi bạn tin rằng một biên tập viên có XĐLI chưa công bố và đang vi phạm hướng dẫn trên trong sửa đổi, hãy đặt vấn đề với thái độ văn minh tại trang thảo luận của người đó, cũng là bước đầu tiên trong quy trình giải quyết vấn đề ứng xử theo quy định giải quyết mâu thuẫn, kèm theo trích dẫn hướng dẫn này. Nếu cách trên vì lý do nào đó không thể thực hiện được hoặc không giải quyết được vấn đề, bước tiếp theo là mở thảo luận tại bàn tin nhắn cho bảo quản viên (TNCBQV). TNCBQV cũng là nơi giải quyết vấn đề xảy ra do XĐLI đã công bố: chẳng hạn, một chủ thể TSNĐS được thừa nhận vốn đang sửa đổi TSNĐS của chính mình. Nếu bạn đang sửa đổi với XĐLI đã công bố, bạn có thể xin lời khuyên tại trang thảo luận chung.

Trong quá trình thảo luận, hãy tránh đưa ra những nhận xét tiêu cực về thành viên được đề cập, động cơ của họ hoặc chủ đề của (các) bài viết. Chỉ đăng những bằng chứng công khai mà bạn có để minh chứng rằng có tồn tại XĐLI hoặc có vấn đề xảy ra từ XĐLI, dưới hình thức sửa đổi của người dùng đó hoặc thông tin mà người này đã đăng tải về chính mình. Đừng đăng thông tin cá nhân; xem WP:TTCN, quy định chính thức, và mục bên dưới, "Tránh đăng thông tin cá nhân".

Khi thông tin cá nhân cần được chia sẻ để giải quyết vấn đề XĐLI, xin hãy gửi đến địa chỉ info-vi@wikimedia.org. Nhớ tuân theo lời khuyên trong WP:TTCN: "Chỉ những thông tin tối thiểu cần thiết nên được truyền đạt và số lượng người được liên lạc nên là ít nhất." Ưu tiên hàng đầu nên là tránh việc vi phạm quyền riêng tư không cần thiết.

Tránh đăng thông tin cá nhân

[sửa | sửa mã nguồn]

Khi thẩm tra sửa đổi XĐLI, quy định chống quấy rối có thẩm quyền ưu tiên. Quy định này yêu cầu thành viên Wikipedia không tiết lộ danh tính của biên tập viên mà không có sự cho phép. Đừng hỏi xem một thành viên nào đó là ai; mà là người đó có mối liên hệ nào chưa công bố hay không. Nếu việc tiết lộ thông tin cá nhân là cần thiết để giải quyết vấn đề biên tập XĐLI, biên tập viên có thể gửi email đến info-vi@wikimedia.org. Cũng xem mục "Thông báo hoặc báo cáo lên bảo quản viên" ở trên.

Xử lý tài khoản một mục đích

[sửa | sửa mã nguồn]

Tài khoản có vẻ chỉ dùng cho một mục đích, chỉ tồn tại với mục đích duy nhất hoặc chủ yếu là quảng bá hoặc công kích cá nhân, doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ, trang web, tổ chức, v.v. mà thông tin đăng lên có dấu hiệu vi phạm hướng dẫn nêu trên, cần được biết về hướng dẫn này và cảnh báo không nên tiếp tục hành vi biên tập như vậy. Nếu hành vi trên tái diễn sau cảnh báo, tài khoản có thể bị cấm.

Bản mẫu

[sửa | sửa mã nguồn]

Trang thảo luận bài viết liên quan có thể được gắn thẻ bằng {{thành viên có liên quan}} hoặc {{đóng góp (trả thù lao) được liên kết}}. Bản thân bài viết có thể được gắn thẻ bằng {{có xung đột lợi ích}}, hoặc một mục cụ thể bằng {{có xung đột lợi ích|mục}}.

Các bản mẫu khác bao gồm:

  • {{cb-coi}} (đặt trên trang Thảo luận thành viên để cảnh báo biên tập viên rằng họ có thể có xung đột lợi ích)
  • {{cb-coi-username}} (cảnh báo trang Thảo luận khác, đối với biên tập viên có tên vi phạm quy định WP:Tên người dùng)
  • {{COI editnotice}} (bản mẫu này nằm tại trang thảo luận bài viết và đưa ra hướng dẫn cho biên tập viên XĐLI về cách tạo yêu cầu sửa đổi đến bài)
  • {{người dùng xung đột lợi ích}} (dành cho người dùng tự công bố trên trang Thành viên các bài viết mà họ có xung đột lợi ích)

Đọc thêm

[sửa | sửa mã nguồn]
(theo trình tự thời gian)
  • Davis, Michael (1982). "Conflict of Interest" ["Xung đột lợi ích"], Business and Professional Ethics Journal, 1(4), tr. 17–27. doi:10.5840/bpej1982149
  • Luebke, Neil R. (1987). "Conflict of Interest as a Moral Category," ["Xung đột lợi ích dưới tư cách phạm trù đạo đức,"] Business & Professional Ethics Journal, 6, tr. 66–81. JSTOR 27799930
  • Davis, Michael (mùa đông 1993). "Conflict of Interest Revisited," ["Nhìn lại xung đột lợi ích,"] Business & Professional Ethics Journal, 12(4), tr. 21–41. JSTOR 27800924
  • Stark, Andrew (2003). Conflict of Interest in American Public Life [Xung đột lợi ích trong đời sống công cộng Hoa Kỳ], Nhà xuất bản Đại học Harvard.
  • Carson, Thomas L. (tháng 1 năm 2004). "Conflicts of Interest and Self-Dealing in the Professions: A Review Essay," ["Xung đột lợi ích và tự trục lợi trong các ngành nghề: Một bài luận đánh giá,"] Business Ethics Quarterly, 14(1), tr. 161–182. JSTOR 3857777
  • Krimsky, Sheldon (2006). "The Ethical and Legal Foundations of Scientific 'Conflict of Interest'" ["Cơ sở đạo đức và luật pháp của 'xung đột lợi ích' khoa học"], trong Trudo Lemmings và Duff R. Waring (biên tập), Law and Ethics in Biomedical Research: Regulation, Conflict of Interest, and Liability [Luật pháp và đạo đức trong nghiên cứu y sinh: Quản lý, Xung đột lợi ích và Trách nhiệm], Nhà xuất bản Đại học Toronto.
  • McDonald, Michael (23 tháng 4 năm 2006). "Ethics and Conflict of Interest" ["Đạo đức học và xung đột lợi ích"], Trung tâm luân lý học ứng dụng W. Maurice Young, Đại học British Columbia.