Bước tới nội dung

Wikipedia:Sửa đổi gây hại

Trang hạn chế sửa đổi (bán khóa)
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Wikipedia:TOIKHONGNGHE)

Sửa đổi gây hại là một hình thức sửa đổi nội dung làm thụt lùi tiến độ cải thiện chất lượng bài viết và công cuộc xây dựng dự án từ điển bách khoa. Việc này có thể diễn ra trong một thời gian dài, xuyên suốt nhiều bài viết. Sửa đổi gây hại không hẳn là phá hoại, nhưng phá hoại luôn luôn là sửa đổi gây hại. Mỗi trường hợp đều cần được xử lý độc lập, tính đến việc hành động đó có vi phạm quy địnhhướng dẫn của Wikipedia hay không.

Cần thận trọng nhằm tránh "gán nhãn" phá hoại cho tình huống gây hại một cách sai lầm do việc này làm xa lánh các thành viên khác và đặc biệt là người mới đến.

Sửa đổi gây hại không phải luôn luôn cố ý. Một biên tập viên có thể vô tình gây hại vì họ không hiểu làm thế nào để biên tập một cách chuẩn xác, hoặc bởi vì họ thiếu kỹ năng xã hội và các kỹ năng cần thiết khác để có thể làm việc trong một cộng đồng. Nhưng sửa đổi gây hại, dù xuất phát từ ý định tốt đi chăng nữa, vẫn là một hành động gây hại cho Wikipedia.

Tóm tắt

Tính mở của Wikipedia đôi lúc bị một bộ phận thành viên tự ý lạm dụng để cố biến nơi đây thành nơi đăng tải các quan điểm một chiều, các nghiên cứu chưa được công bố, kêu gọi vận động vì một mục đích riêng, hay tự quảng bá bản thân. Dù quan điểm nổi bật của thiểu số vẫn được chấp nhận nếu nó có nguồn uy tín kiểm chứng và thành viên xây dựng tích cực vẫn có lúc mắc sai lầm, nhưng cũng có lúc một biên tập viên tạo ra vấn đề dài hạn do cứ cố sửa đổi một hay nhiều trang mà các thông tin đưa vào không được kiểm chứng bởi nguồn đáng tin cậy, hay nhấn mạnh quá mức luận điểm của thiểu số.

Tập hợp lại, những biên tập viên gây rối đang gây hại bằng cách làm suy giảm độ tin cậy của Wikipedia và/hoặc khiến thành viên mất hết kiên nhẫn và từ bỏ dự án trong sự thất vọng.

Một sửa đổi không gây hại khi đứng đơn lẻ vẫn có thể là một phần của quy luật biên tập gây hại. Một nhóm sửa đổi gây hại có thể đứng gần nhau hoặc cách xa nhau về mặt thời gian; chúng có thể xảy ra tại cùng một trang hoặc phân tán ra nhiều trang; chúng có thể rất giống nhau hoặc khác biệt nhau rất lớn.

Những biên tập viên gây hại có thể ngụy trang hành vi của họ dưới dạng đóng góp có ích, nhưng có một số điểm đặc trưng nhằm phân biệt họ với biên tập viên thực sự có ích. Khi thảo luận ban đầu không giải quyết được mâu thuẫn và khi những thành viên không dính líu đã đạt một sự đồng thuận công bình (qua thảo luận cộng đồng hoặc phương thức tương tự), việc phá hoại tiếp diễn là cơ sở cho lệnh cấm và có thể kéo theo chế tài kỷ luật mạnh hơn qua quy trình giải quyết mâu thuẫn. Trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, chế tài này có thể bao gồm cấm chỉ toàn trang từ Ủy ban Trọng tài hoặc đồng thuận.

Quy định ba lần hồi sửa, nếu được biên tập viên gây hại tuân theo, không được xem là một hình thức tự vệ để đối phó với hành động thực thi quy định này chống lại biên tập viên gây hại. Như được nêu trong quy định đó, "Quy định không phải là quyền được phép lùi sửa một trang một số lần cụ thể nào đó." Quy định ba lần hồi sửa không nên bị vi phạm kể cả bởi biên tập viên đang cố gắng lùi lại sửa đổi gây hại. Phá hoại chắc chắn là gây hại, nhưng sửa đổi gây hại không hẳn là phá hoại; cách tốt hơn hết là làm theo quy trình gợi ý bên dưới thay vì phá vỡ quy tắc này.

Dấu hiệu nhận biết biên tập viên gây hại

Hướng dẫn này chỉ liên quan đến việc vi phạm quy định một cách nghiêm trọng, rõ ràng và lặp lại, không phải vấn đề tế nhị mà những người hợp lý có thể sẽ bất đồng.

Một biên tập viên gây hại có những dấu hiệu sau:

  1. Có dụng ý: tiếp tục sửa bài hoặc nhóm bài viết theo ý mình trong một thời gian dài bất chấp sự phản đối của nhiều thành viên khác. Biên tập viên có dụng ý không chỉ thêm nội dung vào bài; một số người còn tham gia xóa nội dung theo cách gây hại, ví dụ như liên tục loại bỏ nguồn uy tín do thành viên khác đăng lên.
  2. Không muốn hoặc không thể thỏa mãn Wikipedia:Thông tin kiểm chứng được; không dẫn được nguồn, dẫn nguồn không bách khoa, bẻ cong nội dung nguồn hoặc tự sản xuất nội dung chưa được công bố.
  3. Tham gia "gắn thẻ chú thích gây hại"; lạm dụng tiêu bản {{cần chú thích}} hoặc {{chú thích trong bài}} vào bài viết khi nội dung được gắn thẻ đã có nguồn; vặn vẹo với nội dung có nguồn uy tín kiểm chứng.
  4. Không tham gia xây dựng đồng thuận:
    1. liên tục phớt lờ câu hỏi hay đề nghị giải thích của các thành viên khác liên quan đến sửa đổi hoặc phản biện đối với sửa đổi;
    2. không để tâm đến lời giải thích của các thành viên khác cho sửa đổi của họ.
  5. Không hiểu, từ chối hay phớt lờ ý kiến của cộng đồng: chống đối hành động quản lý và/hoặc đề nghị cho ý kiến, tiếp tục sửa đổi bài viết theo ý mình bất chấp đồng thuận phản đối của các thành viên khách quan.

Ngoài ra, những biên tập viên dạng này còn có thể:

  1. Mở chiến dịch để xua đuổi thành viên đóng góp cho Wikipedia: vi phạm các chính sách cơ bản của dự án như Wikipedia:Quy tắc ứng xử, Wikipedia:Không tấn công cá nhân, Wikipedia:Sở hữu bài viết, dùng rối/rối thịt, vốn có thể không làm cạn kiệt sự kiên nhẫn của cộng đồng nói chung nhưng vẫn nhằm mục đích làm cạn kiệt sự kiên nhẫn của biên tập viên năng suất và tuân thủ quy định, đối với một số bài viết nhất định.

Chứng minh một quan điểm

Khi cảm thấy thất vọng với cách thức mà một quy định hoặc hướng dẫn đang được áp dụng, một ai đó có thể cố gắng hạ thấp quy tắc hoặc cách hiểu quy tắc bằng cách áp dụng nó liên tục dưới góc nhìn của người này. Đôi khi việc này được thực hiện nhằm chứng minh một quan điểm trong tranh chấp nội bộ. Ở những trường hợp khác, một người có thể cố thực thi quy tắc theo hướng trái với lợi ích chung nhằm khiến nó bị thay đổi.

Hành vi như vậy, bất kể xảy ra ở đâu, đều là gây hại nghiêm trọng và có thể dẫn đến cấm hoặc cấm chỉ. Nếu bạn cảm thấy rằng một quy tắc có vấn đề, trang thảo luận của quy tắc là nơi thích hợp để trình bày quan điểm của bạn. Nếu đơn giản bạn không đồng tình với hành động của thành viên trong một bài viết, đã có trang thảo luận của thành viên hay bài viết liên quan để giải quyết. Nếu việc đối thoại trực tiếp không giải quyết được vấn đề, hãy tham khảo quy trình giải quyết mâu thuẫn.

Có một sự thật là Wikipedia không thể là hình mẫu thống nhất 100%, và những quy tắc của dự án sẽ không bao giờ thực sự hoàn hảo. Nếu đồng thuận của cộng đồng trái ý một cách mạnh mẽ với bạn ngay cả sau khi bạn đã nỗ lực thích đáng, hãy tôn trọng đồng thuận thay vì cố vặn vẹo nó bằng chiến thuật gây hại.

Lưu ý rằng bạn có thể tạo ra một quan điểm mà không phá rối Wikipedia để chứng minh nó.

Không biết đặt "dấu chấm hết"

Tranh vẽ một người đưa ngón tay bịt tai lại.
"Sửa đổi của tôi chẳng có gì sai cả!"

Trong một số trường hợp, biên tập viên cố ý bám vào một quan điểm làm kéo dài tranh chấp ngay cả khi đồng thuận cộng đồng quyết định rằng bỏ qua nó là việc làm có ích hơn. Đây là hành vi gây hại.

Việc tin rằng bạn có quan điểm hợp lệ không mang lại cho bạn quyền hành động như kiểu quan điểm của bạn phải được cộng đồng chấp nhận khi bạn đã được cho biết điều ngược lại. Việc cộng đồng từ chối quan niệm của bạn không phải là do họ không nghe lời bạn. Hãy ngừng viết, lắng nghe, và xem xét những gì người khác nói với bạn. Cố gắng xem kỹ khía cạnh của họ trong cuộc tranh luận và tìm những điểm mà bạn có thể đồng ý. Đừng nhầm lẫn "lắng nghe" và "đồng ý với".

Đôi lúc, ngay cả khi biên tập viên hành động với ý tốt thì đóng góp của họ vẫn có thể làm lãng phí thời gian, nhất là khi họ không thể hiểu vấn đề ở đây là gì. Mặc dù các thành viên được khuyến khích mạnh dạn làm những gì họ cho là đúng, nhưng có khi sự thiếu sót năng lực làm cản trở họ. Nếu cộng đồng tốn thời gian để dọn dẹp sai sót của biên tập viên và chỉ dẫn họ về quy định và hướng dẫn nhiều hơn mức cần thiết, chế tài có thể được áp dụng.

Phân biệt với biên tập có ích

Biên tập viên có nhiều lúc đăng quan điểm thiểu số vào bài viết. Điều này phù hợp với nhiệm vụ của Wikipedia miễn rằng đóng góp này có khả năng kiểm chứng, không gây nhấn mạnh quá mức và tuân theo WP:NGOAILUONG nếu thích hợp. Nghĩa vụ dẫn chứng nằm ở biên tập viên cung cấp thông tin ban đầu hoặc mong muốn giữ lại thông tin đó.

Theo Wikipedia:Thái độ trung lập:

Tính trung lập yêu cầu mỗi bài viết hoặc trang khác thuộc không gian chính phải thể hiện một cách công bằng tất cả các quan điểm quan trọng được xuất bản bởi nguồn đáng tin cậy, theo tỉ lệ thuận với mức độ nổi bật của từng quan điểm. Việc nhấn mạnh vừa đủ và tránh nhấn mạnh quá mức tức là bài viết không nên mô tả quan điểm thiểu số ở mức độ chi tiết ngang bằng hoặc lớn hơn quan điểm đa số.

Thành viên có thể trình bày tranh chấp công khai đang diễn ra hoặc tranh cãi được nguồn đáng tin cậy ghi lại; bản thân việc trích dẫn một góc nhìn được nêu trong tạp chí học thuật chính thống, sách giáo khoa hoặc chuyên khảo không phải là sửa đổi gây hại. Ngoại lệ trên không áp dụng cho tranh chấp đã giải quyết, ví dụ như rằng Mặt Trời quay quanh Trái Đất. (Bản thân tranh chấp đó là nổi bật.)

Đôi lúc biên tập viên thiện chí có thể bị hiểu lầm bởi xuất bản ngoài luồng hoặc mắc sai lầm. Những người này thường bảo vệ lập trường của mình trong một thời gian ngắn, sau đó thừa nhận vấn đề khi thấy bằng chứng tốt hơn hoặc phản hồi khách quan.

Cách thức lách luật

Biên tập viên ác ý gây hại nhiều khi muốn tránh hình thức kỷ luật bằng những cách thức sau:

  • Sửa đổi của họ diễn ra trong một thời gian dài, không có sửa đổi riêng lẻ nào gây hại nhưng xu hướng chung là gây hại.
  • Sửa đổi của họ tập trung chủ yếu ở trang thảo luận; nó không trực tiếp phá hoại nội dung bài viết, nhưng thường ngăn cản các thành viên đóng góp đạt được đồng thuận nhằm nâng cao chất lượng bài viết.
  • Bình luận của họ tránh vi phạm thái độ văn minh do không có ý tấn công cá nhân nhưng vẫn ảnh hưởng xấu đến quá trình biên tập và thảo luận văn minh, hợp tác.
  • Sửa đổi của họ chỉ dừng lại ở một số ít trang có ít thành viên theo dõi.
  • Hay hoàn toàn ngược lại, sửa đổi của họ dàn trải ở nhiều trang nhất có thể nhằm giảm thiểu khả năng một thành viên nào đó theo dõi đầy đủ các bài viết bị ảnh hưởng để nhận diện hành vi gây hại.

Dù gì đi nữa, sửa đổi gây hại nêu trên là vi phạm quy định và tiêu chuẩn của dự án.

Giải quyết

Sau đây là mô hình biện pháp khắc phục hậu quả, mặc dù những bước này không nhất thiết phải được thực hiện theo trình tự đã nêu. Trong một số tình huống khẩn thiết, một thông báo nhanh đến bảo quản viên là bước đầu tiên tốt nhất; đối với các trường hợp khác, có thể cân nhắc thực thi nhanh chính sách cấm. Nhưng nói chung, quá trình thực hiện từng bước sau đây là phù hợp cho hầu hết trường hợp:

  • Nội dung đầu tiên viết thêm không bách khoa của người dường như là một biên tập viên có dụng ý phá hoại:
    • Giữ thiện ý. Không tấn công tác giả mà bạn nghi là gây hại. Tuy nhiên, hãy lùi lại những sửa đổi có nội dung không bách khoa hoặc thiếu nguồn gốc. Sử dụng thanh tóm lược sửa đổi, ghi rõ các vấn đề bằng từ ngữ không gây kích động. Hết sức lịch sự. Đăng trên trang thảo luận yêu cầu thảo luận hoặc yêu cầu nguồn gốc. Lưu ý đừng cắn người mới đến, và ý thức rằng mà bạn có thể đang thỏa thuận với một người mới và mơ hồ về quy tắc, chứ không phải là một thành viên phiền phức.
  • Nếu thành viên không lùi lại:
    • Nếu thông tin có nguồn gốc xuất hiện, đừng làm gì cả, còn ngược lại, hãy lùi sửa đổi lần nữa nếu như họ không trả lời ở trang thảo luận. Hãy đảm bảo rằng bạn đã đưa ra lời giải thích rõ ràng về sự khác nhau về quan điểm tại trang thảo luận bài viết. Để đề mục hiện lên trong thanh tóm lược sửa đổi. Nếu có thể, đề nghị các thỏa hiệp/hòa giải tại trang thảo luận.
  • Nếu việc lùi sửa đổi diễn ra tiếp tục, và họ đưa vào các thông tin không nguồn gốc:
    • Lùi lại, và đề nghị bảo quản viên hỗ trợ tại trang tin nhắn (TNCBQV). Đưa ra bằng chứng nội dung khác biệt của nhiều đợt lùi sửa của thành viên có dụng ý. Cố gắng giữ cho đoạn thông báo của bạn ngắn gọn (không quá 250–500 từ), bằng chứng rõ ràng (nhiều liên kết dẫn chứng), và tập trung vào các vấn đề cư xử (thành viên có dụng ý không tham gia thảo luận, thêm thông tin không nguồn hoặc phớt lờ đồng thuận). Nên tránh đi sâu vào vấn đề nội dung bài viết chi tiết tại TNCBQV để bảo quản viên có thể hiểu và tiếp nhận yêu cầu của bạn. Bất cứ khi nào, hãy giữ thái độ lịch sự và đừng tự tham gia hồi sửa nhiều lần.
  • Nếu thành viên có dụng ý đang sử dụng nguồn, nhưng nguồn yếu hoặc bị hiểu sai:
    • Không báo lên bảo quản viên ngay.
    • Tham khảo Wikipedia:Giải quyết mâu thuẫn.
    • Thông báo tại Wikipedia:Thảo luận, nếu phù hợp.
    • Tiếp tục cố gắng thảo luận với thành viên. Chỉ dẫn đến quy định và hướng dẫn khi có thể.
      • Nếu chỉ có hai biên tập viên dính líu, đề nghị bên thứ ba trợ giúp.
      • Nếu có nhiều biên tập viên dính líu, hãy mở Thảo luận cộng đồng.
  • Nếu nỗ lực giải quyết mâu thuẫn thất bại hoặc vấn đề tái diễn:
    • Thông báo cho biên tập viên mà bạn cho là gây hại trên trang thảo luận thành viên. Thêm liên kết làm bằng chứng cho hành vi có vấn đề. Sử dụng tên đề mục và/hoặc tóm lược sửa đổi để chỉ thị rõ ràng rằng bạn xem hành vi của người này là gây hại, đồng thời tránh khiêu khích không cần thiết. Nếu có biên tập viên khác dính líu, họ cũng nên đăng bình luận của mình để chứng tỏ sự phản đối của cộng đồng.
  • Nếu thành viên có dụng ý tiếp tục lùi sửa:
    • Dùng bản mẫu {{thế:cb-disruptive1}}, {{thế:cb-disruptive2}}, {{thế:cb-disruptive3}} và {{thế:cb-disruptive4}}.
    • Giả sử tại thời điểm này "một người chống nhiều người", tiếp tục lùi sửa thành viên có dụng ý. Nếu người đó lùi sửa quá ba lần trong 24 giờ, hãy báo lên Wikipedia:Tin nhắn cho bảo quản viên (nhưng cần cẩn thận để tránh tự mình lùi sửa quá mức!). Song, một thành viên có dụng ý không thể duy trì nội dung có vấn đề khi nhiều biên tập viên khác hủy bỏ nội dung đã chỉnh sửa.
  • Nếu thành viên có dụng ý không vi phạm quy định ba lần hồi sửa (3RR) hoặc không có đủ biên tập viên dính líu để thực thi quy định của Wikipedia:
    • Báo cáo tại TNCBQV, ngay cả khi bạn đã báo cáo một hay nhiều lần trước đó.
  • Nếu biên tập viên tiếp tục phớt lờ đồng thuận hoặc quyết định đạt được tại TNCBQV:
    • Một lần nữa, yêu cầu bảo quản viên hỗ trợ can thiệp tại Wikipedia:Tin nhắn cho bảo quản viên và chỉ hướng đến đồng thuận từ trang thảo luận hoặc bảng thông báo cũ. Bảo quản viên sẽ phát cảnh báo hoặc thực hiện lệnh cấm tạm thời phù hợp.
  • Nếu việc cấm không thể giải quyết vấn đề, hoặc bạn không nhận được hỗ trợ cần thiết qua TNCBQV, và không còn phương án nào khác có thể được thực hiện:
    • Gửi yêu cầu vụ việc xét xử lên Ủy ban Trọng tài để được giải quyết. Việc này chỉ được lấy cơ sở duy nhất từ hành vi của người dùng thay vì nội dung bài viết.

Cấm và chế tài

  • Sửa đổi gây hại có thể bị cảnh báo, tiếp theo là các lệnh cấm với thời hạn tăng dần, thường bắt đầu từ 24 giờ.
  • Tài khoản được dùng chủ yếu để gây hại thường sẽ bị cấm vô hạn.

Xem thêm