Bước tới nội dung

Wikipedia:Năng lực là phải có

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Wikipedia:CIR)

Wikipedia rất rộng lớn, với nhiều biên tập viên, nhiều quan điểm làm việc. Tuy khó tin, nhưng thông thường chúng ta có thể hợp tác với nhau tương đối tốt.

Một trong những điều cốt lõi xây dựng nên môi trường này là giữ thiện ý. Đó là lời khuyên hữu ích nhắc nhở chúng ta rằng, khi chúng ta không đồng ý, mọi người liên quan (thường) cố gắng làm những gì họ cho là tốt nhất. Chúng ta cũng gặp những người cố tình phá hỏng dự án, nhưng họ thường khá dễ giải quyết. Họ có thể bị cấm sửa đổi khi cần thiết, ít gây phiền phức và nói chung là không có tranh cãi.

Thế nhưng, những tranh cãi đáng kể thường xảy ra nhiều hơn khi biên tập viên vô tình làm hại bách khoa toàn thư trong khi đang cố cải thiện nó. Trong những trường hợp này, họ có thể đã không có khả năng kỳ vọng nguy cơ gây hại từ các sửa đổi của mình ngay từ đầu. Tất nhiên, các biên tập viên khác thường được khuyến khích giữ thiện ý trong hành động của mình. Song, không nên hiểu sai nguyên tắc này đến mức coi thiện chí là tất cả những gì cần thiết để trở thành người đóng góp có ích, bởi vì năng lực là phải có. Một mớ hỗn độn được tạo ra với nỗ lực chân thành giúp đỡ vẫn là một mớ hỗn độn cần được dọn dẹp. Khi các quy luật hành vi xuất hiện cho thấy một biên tập viên không có khả năng đóng góp mang tính xây dựng cho bách khoa toàn thư, cộng đồng có thể cần phải can thiệp.

Mọi người đều có một phạm vi năng lực hạn chế. Ví dụ, một ai đó có thể giỏi về vật lý hạt nhân nhưng lại không giỏi về múa ba lê hoặc ngược lại. Một số người vốn có sẵn năng lực có khi lại thiếu những kỹ năng cần thiết để biên tập Wikipedia. Thay vì dán nhãn cho họ là "bất tài" theo nghĩa miệt thị, chúng ta nên loại họ ra khỏi cộng đồng Wikipedia một cách nhã nhặn nhất mà vẫn giữ nguyên phẩm giá của họ.

"Năng lực là phải có" nghĩa là gì?

[sửa | sửa mã nguồn]

Về cơ bản, chúng ta giả sử những người đóng góp cho Wikipedia tiếng Việt phải có các năng lực như sau:

  • Khả năng đọc và viết tiếng Việt đủ tốt để tránh đưa văn viết khó hiểu vào bài và để giao tiếp một cách rõ ràng.
  • Khả năng đọc nguồn và đánh giá độ tin cậy của chúng. Biên tập viên cần làm quen với hướng dẫn của Wikipedia về nhận diện nguồn đáng tin cậy và phải xác định được nguồn nào là phù hợp và không phù hợp để trích dẫn trong bài viết.
    • (Điều trên chỉ phù hợp trong chú thích nguồn gốc; việc hiệu đính có thể thực hiện được mà không cần hiểu biết quy định về nguồn dẫn).
  • Khả năng giao tiếp với các biên tập viên khác và tuân thủ đồng thuận.
  • Khả năng am hiểu năng lực của bản thân; tránh sửa đổi tại những khu vực mà việc thiếu kỹ năng hay kiến thức khiến họ tạo ra sai sót nghiêm trọng mà người khác phải dọn dẹp.

Hiểu sai về "năng lực là phải có"

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Nó không có nghĩa là "trừng phạt một ai đó thật mạnh ngay khi họ mắc sai lầm". Chúng ta cần bỏ qua cho các biên tập viên (đặc biệt là người mới) và giúp họ hiểu cách chỉnh sửa thành thạo. Sai sót là một phần không thể tránh khỏi của quá trình wiki.
  • Nó không có nghĩa là cần có sự hoàn hảo. Các bài viết có thể được nâng cấp theo từng bước nhỏ, thay vì được hoàn thiện ngay lập tức. Những cải tiến nhỏ chính là nền móng của bài viết.
  • Nó không có nghĩa là một người phải nói tiếng Việt bản xứ. Những người khác có thể dễ dàng sửa được lỗi chính tả hoặc ngữ pháp, và các biên tập viên có kỹ năng tiếng Việt ở mức trung bình trở lên có khả năng làm việc rất tốt tại các khu vực bảo trì. Nếu khả năng tiếng Việt kém ngăn cản một biên tập viên viết văn bản dễ hiểu trực tiếp trong các bài viết, họ có thể đăng yêu cầu sửa đổi tại trang thảo luận bài viết.
  • Nó không có nghĩa là chúng ta cần lờ đi người khác và không cố gắng hỗ trợ nâng cao năng lực của họ.
  • Nó không có nghĩa là chúng ta nên gán cho mọi người là "không đủ năng lực". Gọi ai đó không đủ năng lực là hành vi tấn công cá nhân và không có ích gì. Phải luôn đề cập đến những đóng góp chứ không phải người đóng góp, đồng thời tìm cách diễn đạt những điều không khiến mọi người rơi vào thế phòng thủ hoặc tấn công tính cách hoặc con người của họ. Nỗ lực cần thiết bổ sung để làm điều đó là một phần công việc và một phần trách nhiệm của một biên tập viên giỏi.
  • Nó không có nghĩa là quy định về thái độ văn minh của Wikipedia không áp dụng khi nói với người khác về năng lực cần có. Những nhận xét thô lỗ và thiếu văn minh gây nản lòng và có thể tạo ra rào cản tâm lý khiến một người không thể nhận ra sai lầm hoặc cải thiện kỹ năng của mình.

Cách phản ứng khi nghi ngờ thiếu năng lực

[sửa | sửa mã nguồn]

Cần cẩn thận khi phản ứng với sự thiếu năng lực ở người khác. Hãy lưu tâm đến việc đâu không phải là thiếu năng lực. Bất tài không phải là thiếu kiến thức. Việc giải quyết các vấn đề về năng lực đòi hỏi sự quan tâm và hiểu biết về ngữ cảnh của một tình huống.

  • Vấn đề ngôn ngữ: Wikipedia tiếng Việt là dự án Wikimedia lớn nhất, và vì vậy mọi người thường sẽ đến đây đóng góp trước. Việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt không tốt có thể dẫn đến nhận thức về vấn đề năng lực. Thông thường, người ta có thể không biết rằng có thể có Wikipedia bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, vốn là nơi mà họ có thể đóng góp hiệu quả hơn và là nơi cần đến sự đóng góp của họ. Nếu vấn đề dường như nảy sinh do rào cản ngôn ngữ, hãy cân nhắc hướng dẫn người dùng tới Wikipedia bằng ngôn ngữ mẹ đẻ; sổ lưu bút có thể hỗ trợ.
  • Sai sót lặp lại: Nếu một thành viên lặp lại sai sót, hãy xác minh xem người đó đã tiếp nhận bất kỳ lời khuyên hoặc hướng dẫn nào về cách thức làm việc đúng đắn hay không. Hầu hết thành viên muốn đóng góp một cách hiệu suất nhưng có thể không biết cách thực hiện. Nếu có vẻ như chưa có ai giải thích vấn đề với các chỉnh sửa của họ thì việc làm như vậy luôn luôn là bước đầu tiên. Có hai cách giải thích sai lầm, (a) giải thích trực tiếp và (b) chỉ ra cách tốt hơn. Dù là cách nào đi nữa, hãy sử dụng trang thảo luận của họ để giới thiệu bản thân, đưa ra khác biệt sửa đổi trong khi giải thích vấn đề và điều hướng họ đến các bài đọc thêm hoặc diễn đàn như Wikipedia:Giúp sử dụng Wikipedia. Trong phần lớn trường hợp, hành động này là đủ và không cần làm thêm gì khác.
  • Viện lý thiếu năng lực: Nói chung, không nên gọi một người hoặc sửa đổi của người đó là "bất tài". Mặc dù thẳng thắn với vấn đề là điều nên làm, nhưng bạn có thể giữ thẳng thắn mà không xúc phạm người khác. Việc nói với mọi người rằng sản phẩm họ làm ra thể hiện sự kém cỏi thường không giúp cải thiện sản phẩm; nó chỉ khiến họ rơi vào thế phòng thủ, khiến họ ít tiếp thu sự chỉ dẫn hơn.
  • Khi mọi biện pháp khác thất bại: Các chế tài như cấm hoặc cấm chỉ luôn được xem là phương sách cuối cùng khi tất cả các con đường khắc phục vấn đề khác đã được áp dụng và đều thất bại. Trước khi báo cáo lên người có thẩm quyền, bạn cần nỗ lực hết sức để liên lạc với người dùng và điều chỉnh hành vi của người đó. Sử dụng trang thảo luận thành viên, giải thích mọi thứ và trình bày cách làm thích hợp. Trong một số trường hợp hiếm hoi, nếu một quy luật hành vi được thiết lập và một thành viên cho thấy người này khó có khả năng làm việc một cách đúng đắn, thì cấm hoặc cấm chỉ có thể là giải pháp duy nhất giúp giảm thiểu tác hại đối với bách khoa toàn thư.