Bước tới nội dung

Wikipedia:Tên người dùng

Trang hạn chế sửa đổi (bán khóa)
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Wikipedia:Tên thành viên)

Khi bạn tạo một tài khoản mới để có thể đăng nhập vào Wikipedia tiếng Việt, một trong những điều bạn cần làm là chọn cho mình một tên người dùng.

Tên người dùng để làm gì?

Tên người dùng sẽ đi kèm với tất cả các sửa đổi của bạn khi bạn đã đăng nhập để thực hiện sửa đổi. Đây cũng là một phần lí do cho trách nhiệm giải trình. Nó cũng có ích ở góc độ bản quyền: thí dụ nếu có ai đó muốn dùng phần đóng góp của bạn theo cách không được cho phép dưới bản quyền của Wikipedia, họ có thể hỏi bạn trên trang thảo luận của bạn. Cũng vậy, GFDL khuyến khích việc ghi nhận công sức của tác giả, và tên người dùng của bạn được dùng cho việc ghi nhận đó. Các lí do khác được nêu tại Wikipedia:Tại sao tạo tài khoản?.

Chọn một tên người dùng

Tên người dùng có thể là tên thật của bạn, bút danh được dùng lâu đời trên Internet, hoặc một tên mới chỉ dùng cho Wikipedia, tuỳ thuộc vào mức độ ẩn danh bạn muốn khi thực hiện sửa đổi.

Xin hãy chọn tên người dùng giúp chúng ta viết một bách khoa toàn thư. Điều này có nghĩa là không chỉ bạn cảm thấy thoải mái khi dùng tên đó, mà cả những người khác cũng thấy thoải mái khi nhìn thấy và cộng tác. Hãy nhớ là các tên gây tranh luận có thể ảnh hưởng lên quan điểm của người dùng khác về tính tin cậy và quan điểm chính trị của chính bạn. Bên cạnh đó, Wikipedia được sử dụng trên toàn cầu, do đó hãy cẩn thận tránh bất cứ điều gì có thể gây xúc phạm đến một nhóm dân tộc, tôn giáo hay văn hoá khác.

Wikipedia khuyến cáo người dùng tránh

  1. tên của nhà chính trị, nhân vật hay sự kiện quân sự, tôn giáo
  2. bất cứ tên nào khác có khả năng gây xúc phạm, hoặc ủng hộ hoặc chống đối chính trị, chính sách hoặc niềm tin về một nhân vật công cộng.

Hãy để cho người khác đánh giá bạn đơn thuần dựa trên đóng góp của bạn, chứ không phải trên mối xúc cảm từ cái tên gây tranh luận. Tránh những cái tên như vậy chính là quyền lợi của bạn. Vì vậy bạn hãy cẩn thận. Hãy nhớ rằng bạn đang làm việc như là một bộ phận của cộng đồng. Hãy cho mọi người khác thấy sự tôn trọng đối với niềm tin của họ - cũng chính là điều mà bạn mong muốn họ thể hiện đối với bạn.

Tên thật và biệt danh

Trong lịch sử đã có nhiều wiki khuyến khích người dùng sử dụng tên thật của họ làm tên người dùng, như ở MeatBall, vì họ tin rằng người dùng sẽ có nhiều đóng góp mang tính xây dựng hơn khi họ có nhiều khả năng hơn phải chịu trách nhiệm cho hành động của họ. Hầu hết người dùng Wikipedia chọn cách dùng biệt danh, mặc dù nhiều người trong số đó cho biết tên thật của mình trên trang người dùng. Những người tham gia viết Wikipedia cũng đôi khi phải chịu những quấy rối bên ngoài Wikipedia với lí do từ những đóng góp của họ hoặc từ các hoạt động chống phá hoại của họ trên Wikipedia.

Nếu bạn dùng biệt danh mà không tiết lộ danh tính thật, luật bản quyền Hoa Kì chỉ cho phép giữ bản quyền phần đóng góp trong một thời gian cố định kể từ lúc tạo ra, chứ không tính từ lúc bạn mất.[1] Tuy nhiên, vấn đề này có thể không quan trọng đối với bạn vì phần đóng góp của bạn trên Wikipedia được phân phối theo giấy phép GFDL.

Đừng dùng tên thật của một nhân vật nổi tiếng, đặc biệt là những người còn đang sống, trừ khi bạn chính là người đó. Đăng kí tên người dùng của một nhân vật nổi tiếng và rồi thực hiện các sửa đổi mang tính phá hoại với "tên" đó, hoặc toan tính gây tai tiếng cho nó, sẽ có thể dẫn đến bị cấm lập tức và vĩnh viễn. Mạo danh nhân vật nổi tiếng, như "George W. Bush" hoặc "Winston Churchill", "Hồ Chí Minh", v.v sẽ bị cấm ngay khi bị phát hiện.

Tên công ty/hãng/tập đoàn

Wikipedia không cho phép sử dụng tên hoặc URL của một công ty, tập đoàn, tổ chức hoặc sản phẩm làm tên người dùng. Tên người dùng của bạn cần đại diện cho bạn. Wikipedia không cho phép các tài khoản đại diện cho cả một tập đoàn hoặc công ty; xem Tài khoản chung ở dưới. Do các tên người dùng là tên của công ty hay tập đoàn có vẻ như là chủ ý quảng bá tập đoàn đó, các tài khoản với tên người dùng là tên công ty hay tập đoàn bị cấm vô thời hạn.

Viết hoa tên người dùng

Tên người dùng phân biệt hoa thường, và để nhất quán, chữ cái đầu tiên của tất cả tên người dùng đều được viết hoa khi bạn tạo tài khoản. Điều này có nghĩa là nếu bạn muốn tạo tên người dùng "tên bạn" thì tài khoản sẽ có tên là "Tên bạn".

Nếu tên bạn gồm nhiều từ bạn có thể chọn cách viết hoa chữ cái đầu tiên của từng từ, như vậy chữ kí của bạn sẽ nhất quán: "Tên Bạn", "Tên Của Bạn". Điều này cũng phù hợp với quy tắc viết hoa, vì dù sao tên cũng là danh từ riêng.

Tên người dùng không thích hợp

Mục đích chính của tên người dùng là để định danh và phân biệt những người đóng góp. Điều này tạo thuận lợi cho trao đổi và lưu trữ. Tên người dùng không phải là diễn đàn để gây xúc phạm hoặc để đưa ra tuyên bố.

Tên người dùng không thích hợp gồm những tên rõ ràng hoặc được nguỵ trang. Dù công bằng hay không, ranh giới giữa tên chấp nhận được và không chấp nhận được được vẽ ra bởi người nhận thấy tên đó không thích hợp, không phải bởi người tạo ra tên đó.

Tên người dùng không thích hợp sẽ bị cấm, và có thể đổi sang tên khác nếu người dùng yêu cầu (xem Đổi tên người dùng).

Wikipedia không cho phép một số loại tên người dùng, bao gồm:

Tên gây nhầm lẫn hoặc phiền toái

  • Tên gây nhầm lẫn với người dùng Wikipedia khác
  • Tên được phần mềm hoặc cộng đồng Wikipedia sử dụng phổ biến, hoặc để chỉ một vị trí chính thức trên Wikipedia. Các tên bị cấm bao gồm, nhưng không giới hạn, những từ tương tự:
    • "Người quản lý", "Quản lý viên", "Administrator", "Admin", hay "Sysop"
    • "Phục hồi", "Lùi sửa", "Thái độ trung lập", "POV", v.v
    • Các từ miêu tả quá trình biên tập: "Xoá", "Tải lên", "Chuyển hướng", v.v
    • "Bot", "Robot", "Script", "Daemon", v.v, trừ khi tên đó được sử dụng cho tài khoản bot.
    • Tên các nút công cụ, không gian tên, thuật ngữ kĩ thuật dùng trên Wikipedia.
    • Chú ý đến chữ i hoa, chữ L thường và số 1 trông giống nhau ở một số phông chữ (I/l/1); tương tự cho chữ O thường/hoa và số 0 (O/o/0). Dùng tên tạo ra bằng cách thay thế qua lại các kí tự này, thay vì dùng đúng, không được khuyến khích trên Wikipedia vì nó từng liên quan đến các phá hoại (như ở đây).
  • Tên của người nổi tiếng hoặc nhân vật lịch sử nổi tiếng.

Tên gây kích động

  • Tên khơi gợi sự hận thù
  • Tên gây xúc phạm
  • Tên là biểu tượng của sự hận thù, gồm các nhân vật hoặc sự kiện lịch sử có liên quan
  • Tên của, hoặc ám chỉ đến chức năng sinh sản hoặc bài tiết của cơ thể
  • Tên ủng hộ hành động bạo lực hoặc các hành động bất hợp pháp ở đời thực
  • Tên tục tĩu, khiêu dâm
  • Tên của hình tượng hoặc nhân vật tôn giáo như "Trời", "Chúa", "Phật", "Allah"... có thể xúc phạm đến niềm tin của người khác
  • Tên ủng hộ một quan điểm còn tranh luận
  • Viết sai chính tả hoặc dùng tên chế xuất phát từ các loại tên bên trên.

Tên quấy rối hoặc phỉ báng

Tên người dùng không nên nhằm xúc phạm phẩm giá người dùng, tên người dùng khác, bài viết, hoặc hành động nào đó. Ngoài ra, tên người dùng không nên được dùng để nói xấu người, công ty hoặc nhóm khác, bất kể họ có tham gia trên Wikipedia hay không. Tên người dùng cũng không được tiết lộ thông tin cá nhân của người khác, như số điện thoại, số nhà.

Tên gần giống với tên của thành viên phá hoại

Tên tương tự (hoặc gần tương tự) với tên từng được dùng để thực hiện phá hoại trên Wikipedia, như Willy on Wheels..., sẽ bị cấm ngay khi phát hiện.

Tên với dụng ý quảng cáo

Những kiểu tên người dùng sau không được chấp nhận vì chúng bị xem là có dụng ý quảng cáo:

  • Tên người dùng dễ thấy là tên của một công ty, nhóm, tổ chức hoặc sản phẩm (như AlexTownWidgets, MyWidgetsUSA.com, TrammelMuseumofArt).
  • Địa chỉ thư điện tửURL (như "Aliceexample.com" và "Example.com"). Tuy chỉ tên miền (không có .com, .co.kr, v.v.) tuy đôi khi được chấp nhận, ví dụ khi mục đích của nó để xác định thành viên là một người, chúng sẽ không thích hợp nếu dùng để quảng cáo một trang web thương mại.

Thành viên sử dụng tên quảng cáo có hành vi quảng cáo trong bài viết về công ty, tổ chức, hoặc sản phẩm, có thể bị cấm sửa đổi. Trong trường hợp đó, bảo quản viên cần kiểm tra sửa đổi của thành viên để xác định xem có cho phép họ tạo tên người dùng mới hay không. Nếu có bằng chứng cho thấy người dùng tiếp tục sửa đổi vi phạm dưới tên người dùng khác, bảo quản viên đã cấm nên kích hoạt "cấm tự động" và "ngăn không cho mở tài khoản". Ngược lại, người dùng nên được trao cơ hội mở tài khoản mới. Thành viên sử dụng tên người dùng như vậy, nhưng không có vấn đề khi sửa đổi trong các bài viết liên quan, không nên bị cấm. Thay vào đó, họ cần được khuyến khích tạo tên người dùng mới.

Chữ kí

Bằng cách thiết lập Tùy chọn, người dùng có thể chọn một tên hiệu (nickname) dùng trong chữ kí, độc lập với tên người dùng. Nói chung, các quy định cho tên người dùng cũng được áp dụng cho chữ kí. Chữ kí không nên gây hiểu nhầm.

Để biết thêm thông tin về chữ kí, hãy đọc hướng dẫn ở Wikipedia:Kí tên trên trang thảo luận.

Đổi tên người dùng

Bạn có thể yêu cầu thay đổi tên người dùng sang một tên chưa tồn tại ở trang Wikipedia:Đổi tên người dùng, tuy nhiên điều này có thể ít nhiều gây rối rắm cho người dùng khác, và cho chính bạn, nếu bạn đã đóng góp qua một thời gian.

Tên người dùng của bạn cũng có thể bị thay đổi khi có đủ than phiền về nó (trên các trang thảo luận, danh sách gửi thưMeta-Wikipedia). Các than phiền lẫn việc sửa đổi tên người dùng không nên tuỳ tiện hoặc độc đoán, nhưng nếu tên người dùng bị phản đối bởi một số người đáng kể thì nó sẽ được thay đổi với thông báo đi kèm, nhưng không chấp nhận kháng cáo.

Người có liên quan nên được thông báo về chính sách này tên người dùng trên trang thảo luận của họ. Thay đổi tự nguyện (qua Wikipedia:Đổi tên người dùng) nên được khuyến khích: người dùng từ các nước và/hoặc nhóm tuổi khác có thể nhầm lẫn về cách chọn tên -- cấm lập tức hoặc liệt kê vào Wikipedia:Yêu cầu bình luận có thể xua đuổi người dùng mới có thiện ý. Thời gian thảo luận về việc đổi tên có thể chỉ 1-2 ngày đối với những trường hợp rõ ràng, hoặc có thể cả tháng nếu còn nhiều tranh luận. Người quản lí chỉ thay đổi tên người dùng khi họ nhận thấy đã đạt được "đồng thuận thô" rằng tên đó không thích hợp. Điều này sẽ đi kèm với việc cấm tên người dùng không thích hợp đó (xem thêm Wikipedia:Chính sách cấm).

Tuy nhiên, người quản lí có thể cấm tên người dùng không thích hợp ngay khi phát hiện: khi tên người dùng không thích hợp hoặc ở biên của không thích hợp và đi kèm với phá hoại, hoặc tên người dùng được đặt để giả mạo người dùng hợp lệ khác,... Địa chỉ IP của những người này cũng nên được để cho tự động bị cấm.

Dùng nhiều tài khoản người dùng

Wikipedia khuyến cáo người dùng không nên sửa đổi dưới nhiều tên người dùng, trừ khi họ có những lí do rất chính đáng. Xem Wikipedia:Tài khoản con rối.

Xoá tài khoản

Tài khoản có đóng góp không thể được xoá vì điều này sẽ cho phép người dùng khác tạo lại tài khoản và tuyên bố quyền tác giả trên những sửa đổi đó. Các sửa đổi của bạn cũng không thể được xoá bỏ toàn bộ, mà chúng chỉ có thể được quy chuyển sang một thứ khác để không xâm phạm đến GFDL.

Nếu sau khi tạo một tài khoản, đặc biệt là nếu tài khoản đó dùng tên thật của bạn, nay bạn quyết định ẩn danh, bạn có thể yêu cầu đổi tên tài khoản. Yêu cầu này có thể được đặt tại Wikipedia:Đổi tên người dùng, hoặc bạn liên lạc với một Người đổi tên toàn cục để yêu cầu đổi tên. Sau khi đổi tên, các đóng góp của bạn sẽ được chuyển sang tên người dùng mới.

Bạn cũng có thể yêu cầu xoá trang người dùng (trang thành viên), như được giải thích tại Wikipedia:Trang người dùng. Trang thảo luận người dùng được khuyến khích giữ lại; chỉ trong một số trường hợp ngoại lệ bạn mới có thể đề nghị xóa trang thảo luận của mình.

Các trang thảo luận bạn đã kí tên vẫn hiện tên người dùng cũ. Chúng cần được đổi bằng tay trên những trang liên quan. Nếu bạn thực sự mong muốn chữ kí của mình không xuất hiện trên trang web nữa, bạn có thể sửa đổi để bỏ chữ kí, hoặc nhờ người dùng khác giúp làm điều này ở trang Wikipedia:Cần giúp đỡ. Cách dễ nhất để tìm các chữ kí cũ là bấm lên "Các liên kết đến đây" ở cột bên trái trên trang người dùng của bạn, hoặc xóa trang mà chữ ký đó liên kết đến. Hiện tại chưa có cách nào để gỡ bỏ chữ kí khỏi các phiên bản cũ ở lịch sử trang.

Xem thêm