Bước tới nội dung

Wikipedia:Mệnh đề cầu tuyết

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Địa ngục. Chú ý rằng không có quả cầu tuyết nào ở đây.

Mệnh đề cầu tuyết (SNOW, tiếng Anh: snowball clause) là một hình thức khuyến khích mọi người áp dụng lẽ thường và tránh xa hành vi phá rối, quan liêu. Phát biểu của mệnh đề như sau:

Nếu một vấn đề nào đó không có khả năng được chấp nhận bởi một quy trình nhất định thì việc đi qua toàn bộ quy trình đó là không cần thiết.[1]

Mệnh đề cầu tuyết được thiết kế để ngăn biên tập viên khỏi bị rối tung trong các cuộc thảo luận lê thê và quan liêu liên quan đến những gì mà kết cục đã quá rõ ràng. Chẳng hạn, nếu một bài viết bị xóa nhanh bởi lý do ngoài tiêu chí quy định, nhưng cũng không có cơ hội được giữ lại sau quy trình xóa trang thông thường, thì việc phục hồi lại bài đó và buộc mọi người quay lại quy trình xóa bài một cách hình thức là vô nghĩa.

Mệnh đề trên không phải là quy định và nên được coi là yêu cầu tế nhị nhằm tránh lãng phí thời gian của người khác.

Tuyết lở

[sửa | sửa mã nguồn]

Đôi lúc một đề xuất được ủng hộ mạnh mẽ đến mức xác suất thất bại gần như bằng không, hoặc ngược lại. Loại đề xuất này có thể được thông qua hoặc bác bỏ theo mệnh đề cầu tuyết với sự thận trọng và suy xét thích hợp.

Bài kiểm tra "cầu tuyết"

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Nếu một vấn đề đã trải qua một phần quy trình nào đó và kết quả là đồng thuận tuyệt đối, thì mệnh đề cầu tuyết có thể áp dụng được cho vấn đề đó.
  • Nếu ai đó về sau đưa ra ý kiến phản đối hợp lý cho một vấn đề, thì mệnh đề cầu tuyết có lẽ không nên được áp dụng để kết luận vấn đề này từ trước đó. Song, nếu lập luận phản đối được đưa ra là bất hợp lý hoặc trái quy định thì cuộc thảo luận nên được tập trung lại, và các biên tập viên khi đó cần được khuyến cáo tránh phá rối Wikipedia nhằm chứng minh một quan điểm.

Cảnh báo

[sửa | sửa mã nguồn]

Mệnh đề cầu tuyết không hẳn là phù hợp nếu một kết quả cụ thể nào đó chỉ đơn giản là "có khả năng cao xảy ra" và tồn tại cơ sở phản đối hợp lý cho kết quả này. Đó là bởi thảo luận không đồng nghĩa với bỏ phiếu; điều quan trọng là chắc chắn rằng cuộc thảo luận khi kết thúc sớm sẽ không có nguy cơ vô tình bỏ sót ý kiến hay góc nhìn quan trọng, hoặc làm sức nặng của những quan điểm khác nhau bị thay đổi. Đặc biệt, người kết luận thảo luận nên hết sức chú ý rằng kết quả từ những ý kiến "đổ về sớm" không thể dự báo chính xác kết quả cuối cùng mà cuộc thảo luận sẽ đạt được. Điều này đôi lúc xảy ra khi một chủ đề thu hút sự chú ý lớn từ những thành viên năng nổ (hoặc có góc nhìn cụ thể) nhưng ít được biên tập viên khác (vốn có thể có quan điểm không giống với số thành viên trên) quan tâm. Một số trường hợp có thể cần thêm vài ngày chờ đợi ngay cả khi thảo luận hiện tại đang đi theo chiều hướng rất rõ ràng, nhằm đảm bảo đã có sự nhất trí thực sự và sẽ không có ý kiến quan trọng nào bị bỏ qua nếu thảo luận đó kết thúc quá sớm. Tuy vậy, những trường hợp này liên quan đến óc phán đoán hơn là quy tắc.

Mục đích của mệnh đề cầu tuyết là để tránh lãng phí thời gian của cộng đồng, nhưng điều đó cũng cần phải đi đôi với việc ứng xử công bằng với biên tập viên ở phía thiểu số. Cần cẩn trọng trong việc kết luận sớm theo mệnh đề trên đối với thảo luận vốn thường diễn ra trong một khoảng thời gian cố định, đã có hoạt động gần đây hoặc độ chắc chắn của kết quả không rõ ràng.

Hiểu sai về mệnh đề cầu tuyết

[sửa | sửa mã nguồn]

Đối với vấn đề bất đồng thực sự trong cộng đồng Wikipedia, cách tốt nhất là giải quyết mâu thuẫn bằng thảo luận và tranh luận. Hành động này nên được tiến hành để đi đến kết luận đúng đắn chứ không nhằm xoa dịu dư luận rằng quy trình không được thực thi. Việc cho phép một quy trình đi từ đầu đến cuối có thể giúp thảo luận diễn ra thấu tình đạt lý, đảm bảo rằng mọi lập luận được xem xét đầy đủ và duy trì cảm giác công bằng. Tuy nhiên, quy trình mang tính hình thức không phải là bộ phận của quy định Wikipedia.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Dịch nghĩa từ cụm từ tiếng Anh: snowball's chance in hell, nghĩa đen là "làm quả cầu tuyết ở địa ngục lửa", nghĩa bóng là "không có cơ hội làm gì đó, làm điều gì đó vô vọng". Y Vân (24 tháng 1 năm 2016). “Những cụm từ 'lạnh mà không lạnh' trong tiếng Anh”. VnExpress. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2023.