Bước tới nội dung

Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2014/02

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024
Bài viết chọn lọc
tháng 2 năm 2014
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

SMS Goeben

Tàu chiến-tuần dương SMS Goeben

SMS Goeben là chiếc thứ hai thuộc lớp tàu chiến-tuần dương Moltke của Hải quân Đế quốc Đức. Nó được hạ thủy vào năm 1911 và được đặt tên theo August Karl von Goeben, vị tướng Phổ từng phục vụ trong cuộc Chiến tranh Pháp-Phổ. Cùng với con tàu chị em Moltke, Goeben là một phiên bản mở rộng tương tự như thiết kế của chiếc tàu chiến-tuần dương Đức Von der Tann trước đó, nhưng có vỏ giáp được tăng cường và được bổ sung thêm một tháp pháo. So với đối thủ Anh đương thời, lớp Indefatigable, Goeben cùng với con tàu chị em Moltke lớn hơn đáng kể và có vỏ giáp tốt hơn. Nhiều tháng sau khi được đưa ra hoạt động vào năm 1912,Goeben cùng với tàu tuần dương hạng nhẹ Breslau hình thành nên Hải đội Địa Trung Hải (Đức) để tuần tra tại đây trong giai đoạn các cuộc Chiến tranh Balkan. Khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất bùng nổ vào ngày 28 tháng 7 năm 1914, GoebenBreslau lẫn tránh lực lượng hải quân Anh tại Địa Trung Hải và đi đến Constantinople. Hai con tàu được chuyển cho Đế quốc Ottoman vào ngày 16 tháng 8 năm 1914, và Goeben trở thành soái hạm của Hải quân Ottoman như là chiếc Yavuz Sultan Selim, vốn thường được gọi tắt là Yavuz. Đến năm 1936 nó được chính thức đổi tên thành TCG Yavuz. Nó từng đưa di hài của Mustafa Kemal Atatürk từ Istanbul đến İzmit vào năm 1938. Yavuz tiếp tục là soái hạm của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi nó ngừng hoạt động vào năm 1950. [ Đọc tiếp ]

Stephen Hawking

Hawking tại NASA những năm 1980

Stephen Hawking (8 tháng 1 năm 1942) là một nhà vật lý lý thuyết, vũ trụ học, tác giả viết sách khoa học thường thức người Anh, hiện là Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Vũ trụ học lý thuyết thuộc Đại học Cambridge. Trong số những công trình khoa học quan trọng của ông, nổi bật nhất là sự hợp tác với Roger Penrose về lý thuyết kỳ dị hấp dẫn trong khuôn khổ thuyết tương đối tổng quát, và tiên đoán lý thuyết hố đen phát ra bức xạ (tức bức xạ Hawking). Hawking là người đầu tiên khởi đầu một nền vũ trụ học dựa trên sự thống nhất giữa thuyết tương đối tổng quátcơ học lượng tử. Ông là người ủng hộ mạnh mẽ cách diễn giải đa vũ trụ về cơ học lượng tử. Ông nhận nhiều vinh dự khác nhau, trong đó có Huân chương Tự do Tổng thống, Giải Wolf, là thành viên của Hội Nghệ thuật Hoàng gia và Viện Hàn lâm Khoa học Giáo hoàng. Trong 40 năm (1979-2009), Hawking đảm nhiệm vị trí Giáo sư Toán học Lucas tại Đại học Cambridge. Hawking cũng nổi tiếng với việc viết những cuốn sách phổ biến khoa học trong đó ông thảo luận lý thuyết của ông cũng như vũ trụ học nói chung; cuốn Lược sử thời gian đứng trong danh sách bán chạy nhất của Sunday Times trong thời gian kỷ lục 237 tuần. Hawking mắc một căn bệnh về thần kinh vận động liên quan tới hội chứng teo cơ bên, khiến cho ông hầu như liệt toàn thân và phải giao tiếp qua một thiết bị hỗ trợ phát giọng nói. Ông đã kết hôn hai lần và có ba người con. [ Đọc tiếp ]

Tốc độ ánh sáng

Tốc độ ánh sáng trong chân không, ký hiệu là c, là một hằng số vật lý cơ bản quan trọng nhiều lĩnh vực vật lý. Nó có giá trị chính xác bằng 299.792.458 mét trên giây, bởi vì đơn vị độ dài mét được định nghĩa lại dựa theo hằng số này và giây tiêu chuẩn. Theo thuyết tương đối hẹp, c là tốc độ cực đại mà mọi năng lượng, vật chất, và thông tin trong Vũ trụ có thể đạt được. Nó là tốc độ cho mọi hạt phi khối lượng liên kết với các trường vật lý (bao gồm bức xạ điện từ như photon ánh sáng) lan truyền trong chân không. Nó cũng là tốc độ truyền của hấp dẫn (như sóng hấp dẫn) được tiên đoán bởi các lý thuyết hiện tại. Những hạt và sóng truyền với vận tốc c không kể chuyển động của nguồn hay của hệ quy chiếu quán tính của người quan sát. Trong thuyết tương đối, c có liên hệ với không gian và thời gian, và do vậy nó xuất hiện trong phương trình nổi tiếng sự tương đương khối lượng-năng lượng E = mc2. Vận tốc của ánh sáng khi nó làn truyền qua vật liệu trong suốt, như thủy tinh hoặc không khí, nhỏ hơn c. Tỉ số giữa c và vận tốc v của ánh sáng truyền qua vận liệu gọi là chỉ số chiết suất n của vật liệu (n = c / v). Ví dụ, đối với ánh sáng khả kiến chiết suất của thủy tinh có giá trị khoảng 1,5, có nghĩa là ánh sáng truyền qua thủy tinh với vận tốc c / 1,5 ≈ 200000 km/s; chiết suất của không khí cho ánh sáng khả kiến bằng 1,0003, do vậy tốc độ trong không khí của ánh sáng chậm hơn 90 km/s so với c. [ Đọc tiếp ]

HMS Hood (51)

HMS Hood là chiếc tàu chiến-tuần dương cuối cùng của Hải quân Hoàng gia Anh Quốc, được xem là niềm tự hào của Hải quân Hoàng gia trong những năm giữa hai cuộc thế chiến và trong giai đoạn đầu của Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tên của nó được đặt theo vị Đô đốc lừng danh vào thế kỷ 18 Samuel Hood. Hood đã phục vụ cho Hải quân Hoàng gia Anh trong hơn hai thập niên trước khi bị đánh chìm trong cuộc đụng độ với thiết giáp hạm Đức Bismarck trong Trận chiến eo biển Đan Mạch vào ngày 24 tháng 5 năm 1941. Là một trong số bốn tàu chiến-tuần dương thuộc lớp Admiral được đặt hàng vào giữa năm 1916 trong Kế hoạch Chiến tranh Khẩn cấp, thiết kế của Hood được sửa đổi đáng kể nhờ những bài học rút ra được sau trận Jutland. Dù sao, thiết kế đã sửa đổi vẫn có những khiếm khuyết nghiêm trọng, việc đóng các con tàu chị em với nó bị tạm ngừng vào năm 1917, để lại Hood trở thành chiếc tàu chiến-tuần dương Anh Quốc cuối cùng được hoàn tất. Nó đã tham gia một số hoạt động biểu dương lực lượng từ khi đưa vào hoạt động vào năm 1920 cho đến khi chiến tranh nổ ra vào năm 1939, bao gồm các cuộc thực tập huấn luyện tại Địa Trung Hải và chuyến đi vòng quanh thế giới của Hải đội Đặc vụ trong những năm 1923-1924. Hood được phái đến Địa Trung Hải khi nổ ra cuộc Chiến tranh Ý-Abyssinia thứ hai, và khi cuộc Nội chiến Tây Ban Nha bùng phát, nó được chính thức biên chế vào Hạm đội Địa Trung Hải cho đến khi phải quay về Anh để đại tu vào năm 1939. [ Đọc tiếp ]

Trận chiến biển Bismarck

Trận chiến biển Bismarck (2 tháng 3, 1943 - 4 tháng 3, 1943) là một trận đánh diễn ra tại Mặt trận Tây Nam Thái Bình Dương trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong suốt ba ngày diễn ra trận đánh, các máy bay thuộc Không lực 5 Không quân Hoa Kỳ và Không quân Hoàng gia Úc (RAAF) đã tấn công các đoàn tàu chuyển quân của Nhật Bản, đang trên đường đến Lae, New Guinea. Kết quả là phần lớn các tàu Nhật bị đánh chìm và hàng nghìn quân tăng viện Nhật đã bỏ xác trên đường đi. Tháng 12 năm 1942, Bộ tổng chỉ huy Lục quân Nhật quyết định tăng viện cho chiến trường Tây Nam Thái Bình Dương. Theo kế hoạch, 6.900 lính Nhật sẽ được đưa từ căn cứ Rabaul đến Lae. Điều này là vô cùng nguy hiểm vì sức mạnh không quân Đồng Minh trong vùng nhưng buộc phải thực hiện vì nếu không lính Nhật buộc phải hành quân qua các đầm lầy, núi và rừng mà không có đường. Ngày 28 tháng 2 năm 1943, đoàn tàu chuyển vận gồm tám khu trục hạm và tám chuyển vận hạm, yểm trợ bởi 100 máy bay tiêm kích đã bắt đầu xuất phát từ cảng Simpson tại Rabaul. Đồng Minh đã phát hiện được sự chuẩn bị của quân Nhật, đồng thời các nhân viên giải mã hải quân tại Melbourne (FRUMEL) và Washington, D.C. cũng đã giải mã thành công hành trình và điểm đến của đoàn tàu chuyển vận. Bên cạnh đó, Không quân Đồng Minh cũng tìm ra được phương pháp oanh tạc mới để tăng khả năng thành công. [ Đọc tiếp ]