Bước tới nội dung

Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2013/04

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024
Bài viết chọn lọc
tháng 4 năm 2013
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

Virus

Virus

Virus là một tác nhân truyền nhiễm chỉ nhân lên được khi ở bên trong tế bào sống của một sinh vật khác. Virus có thể xâm nhiễm vào tất cả các dạng sinh vật, từ động vật, thực vật cho tới vi khuẩnvi khuẩn cổ. Kể từ bài viết đầu tiên của Dmitri Ivanovsky năm 1892, mô tả về một dạng mầm bệnh không thuộc vi khuẩn mà lây nhiễm vào cây thuốc lá, và sự khám phá ra virus khảm thuốc lá của Martinus Beijerinck năm 1898, cho đến nay có khoảng 5.000 loại virus đã được miêu tả chi tiết, mặc dù vẫn còn có tới hàng triệu dạng virus khác nhau. Virus được tìm thấy ở hầu hết mọi hệ sinh thái trên Trái Đất và là dạng có số lượng nhiều nhất trong tất cả các thực thể sinh học. Khoa học nghiên cứu virus được biết với tên virus học (virology), một chuyên ngành phụ của vi sinh vật học. Các phần tử (hay hạt) virus (được gọi là virion) được tạo thành từ hai hoặc ba bộ phận: i) phần vật chất di truyền được tạo nên từ ADN hoặc ARN, là những phân tử dài có mang thông tin di truyền; ii) một lớp vỏ protein - được gọi với tên capsid - có chức năng bảo vệ hệ gen; và trong một số trường hợp còn có iii) một lớp vỏ bọc bên ngoài làm từ lipid mà bao bọc bên ngoài lớp vỏ protein khi virus ở ngoài tế bào. Hình dạng của virus có sự khác nhau, từ dạng xoắn ốc hay khối hai mươi mặt đều đơn giản cho tới những cấu trúc phức tạp hơn. Một virus có kích thước trung bình vào khoảng 1/100 kích cỡ trung bình của một vi khuẩn. [ Đọc tiếp ]

Tiến hóa

Hình vẽ Cây phát sinh của Ernst Haeckel khoảng năm 1879. Ngày nay các thông tin trên cây này không còn đúng nữa, nhưng nó vẫn là một minh họa cho sự phát triển các sinh vật từ một tổ tiên chung.

Trong sinh học, tiến hóa là sự thay đổi đặc tính di truyền của một quần thể sinh học qua những thế hệ nối tiếp nhau. Các quá trình tiến hóa làm nảy sinh sự đa dạng ở mọi mức độ tổ chức sinh học bao gồm loài, các cá thể sinh vật và cả các phân tử như ADNprotein. Sự sống trên Trái Đất khởi nguồn và sau đó tiến hóa từ một tổ tiên chung từ khoảng 3,8 tỷ năm trước. Sự tiến hóa thành loài mới và sự phân nhánh sự sống lặp lại có thể suy luận ra từ tập hợp những đặc tính sinh hóa và hình thái học chung, hay những chuỗi ADN chung. Những nét tương đồng này giống nhau hơn giữa những loài có tổ tiên chung gần gũi nhau hơn, và có thể dùng để tái dựng lịch sử tiến hóa từ những loài hiện tồn và những dấu vết hóa thạch. Hình ảnh về sự đa dạng sinh học trên hành tinh ngày nay hình thành từ cả sự hình thành loài và sự tuyệt chủng. Charles Darwin và Alfred Wallace là những người đầu tiên hệ thống hóa những luận cứ khoa học cho lý thuyết tiến hóa theo con đường chọn lọc tự nhiên. Tiến hóa do chọn lọc tự nhiên là một quá trình có thể suy ra từ ba thực kiện về các quần thể sinh học. [ Đọc tiếp ]

Derfflinger

Tàu chiến-tuần dương SMS Derfflinger

Lớp tàu chiến-tuần dương Derfflinger là một lớp bao gồm ba tàu chiến-tuần dương của Hải quân Đế quốc Đức. Các con tàu này được đặt hàng trong Kế hoạch Chế tạo Hải quân 1912–1913 như là sự đáp trả lại việc Hải quân Hoàng gia Anh chế tạo ba chiếc tàu chiến-tuần dương mới thuộc lớp Lion vốn được hạ thủy vài năm trước đó. Lớp Moltke dẫn trước cùng với chiếc Seydlitz được nâng cấp đôi chút là tiêu biểu cho việc kết thúc sự tiến hóa thế hệ tàu chiến-tuần dương thứ nhất của Đức. Lớp Derfflinger tích hợp nhiều cải tiến đáng kể, bao gồm dàn pháo chính lớn hơn và được bố trí toàn bộ trên trục dọc nhằm loại bỏ việc tháp pháo giữa tàu có góc bắn giới hạn. Con tàu cũng lớn hơn đáng kể so với lớp dẫn trước; tuy nhiên, lớp Derfflinger lại sử dụng cùng một hệ thống động lực như lớp trước, và kết quả là với một trọng lượng choán nước lớn hơn, chúng chậm hơn đôi chút. Lớp tàu này bao gồm ba chiếc: Derfflinger, LützowHindenburg, cả ba đều đã hoạt động cùng Hạm đội Biển khơi Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Derfflinger được đưa vào hoạt động không lâu sau khi chiến tranh nổ ra, và đã hiện diện trong hầu hết các hoạt động hải quân tại Bắc Hải, bao gồm trận Dogger Bank và trận Jutland. Lützow được đưa vào hoạt động vào tháng 8 năm 1915. [ Đọc tiếp ]

Istanbul

Quang cảnh thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Istanbul là thành phố lớn nhất, đồng thời là trái tim kinh tế, văn hóa và lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ. Với dân số 13,5 triệu người, nó hình thành một trong số các vùng đô thị lớn nhất châu Âu và xếp vào một trong những thành phố đông dân nhất thế giới xét về dân cư trong địa phận thành phố. Diện tích của thành phố là 5343 km², đây cũng là khuôn khổ của tỉnh Istanbul mà nó là thủ phủ. Istanbul là một thành phố liên lục địa, bắc ngang qua eo biển Bosphorus - một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới - ở tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ, nối biển Marmarabiển Đen. Trung tâm lịch sử và thương mại của Istanbul nằm ở phần thuộc châu Âu, và chỉ có một phần ba dân số cư trú ở phần thuộc châu Á. Kiến tạo trên mũi đất Sarayburnu khoảng năm 660 trước Công nguyên với tên gọi Byzantium, thành phố mà nay được gọi là Istanbul đã phát triển trở thành một trong những đô thành huy hoàng nhất trong lịch sử. Trong gần mười sáu thế kỉ sau sự tái thiết thành Constantinopolis năm 330 sau Công nguyên, nó từng là kinh đô của bốn đế quốc: Đế quốc La Mã (330-395); Đế quốc Byzantine (395-1204 và 1261-1453), Đế quốc Latin (1204-1261) và Đế quốc Ottoman (1453-1922). Thành phố đã đóng vai trò quan trọng trong sự lớn mạnh của Cơ đốc giáo dưới các thời đại La Mã và Byzantine, trước khi người Ottoman chinh phục vào năm 1453 và biến nó thành một pháo đài Hồi giáo, nơi trị vì của triều đại khalip cuối cùng. [ Đọc tiếp ]

Thảm sát Batavia năm 1740

Tranh mô tả những tù bình người Hoa bị sát hại.

Cuộc thảm sát Batavia năm 1740 là một cuộc tàn sát đối với người Hoa tại thành phố cảng Batavia (nay là Jakarta) tại Đông Ấn Hà Lan. Bạo lực trong thành phố kéo dài từ ngày 09 tháng 10 năm 1740 cho đến ngày 22 tháng 10, những cuộc đụng độ nhỏ bên ngoài các thành lũy tiếp tục cho đến cuối tháng 11 năm đó. Đây là sự kiện phân biệt đối xử đối với người gốc Hoa ở Indonesia được ghi nhận sớm nhất. Các nhà sử học đã ước tính rằng ít nhất 10.000 người Hoa đã bị tàn sát, số người sống sót là không chắc chắn, mặc dù con số này được dự đoán nằm trong khoảng từ 600 đến 3.000 người. Trong tháng 9 năm 1740, tình trạng bất ổn bắt đầu nổi lên từ các cụm dân cư gốc Hoa, chúng được châm ngòi từ hoạt động đàn áp của chính phủ và thu nhập giảm do giá đường sụt giảm trước khi diễn ra vụ thảm sát. Để đáp lại, tại một cuộc họp của Hội đồng Ấn (Raad van indie), cơ quan quản lý của Công ty Đông Ấn Hà Lan, Toàn quyền Adriaan Valckenier tuyên bố rằng bất kỳ cuộc nổi dậy sẽ bị đáp trả bằng vũ lực trí mạng. Nghị quyết của ông có hiệu lực từ ngày 07 tháng 10 sau khi hàng trăm người Hoa, nhiều người trong số họ là các công nhân máy mía đường, đã giết chết 50 binh sĩ Hà Lan. Người Hà Lan đã phái quân đội đến tịch thu tất cả các loại vũ khí của người Hoa và đặt cộng đồng người Hoa dưới lệnh giới nghiêm. [ Đọc tiếp ]