Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2008/06
| |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Trường trung học phổ thông Chu Văn AnTrường trung học phổ thông Chu Văn An (còn được gọi là trường Chu Văn An, trường Bưởi, trường Chu) là một trường trung học phổ thông công lập ở Hà Nội. Được thành lập từ năm 1908, cho đến nay Chu Văn An là một trong những trường phổ thông lâu đời và có truyền thống nhất của nền giáo dục Việt Nam. Được người Pháp thành lập với tên chính thức Lycée du Protectorat (Trường Trung học Bảo hộ) nhằm đào tạo nhân viên cho bộ máy cai trị của họ tại Bắc Kỳ, trường lại thường được biết tới với tên trường Bưởi, vốn được các học sinh dùng để thể hiện lòng yêu nước của mình. Năm 1945, trường được đổi tên thành Quốc lập Trung học hiệu Chu Văn An dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim và giữ cái tên này từ đó cho tới nay. Cơ sở của trường ban đầu được đặt tại làng Thụy Khuê (nay là phường Thụy Khuê) bên cạnh hồ Tây, sau một thời gian phải sơ tán đi nhiều nơi do hoàn cảnh chiến tranh, trường chuyển về địa điểm cũ từ năm 1954 và cố định ở đó đến hiện tại. Là một trong các trường phổ thông có tiếng ở Đông Dương khi xưa và Việt Nam hiện nay, trường Bưởi–Chu Văn An là nơi đào tạo các thế hệ trí thức có tinh thần dân tộc cao, trong đó có các nhân vật nổi tiếng của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như Phạm Văn Đồng, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Khắc Viện… Trong số các giáo viên từng dạy ở trường Bưởi–Chu Văn An cũng có những thầy giáo nổi tiếng như Dương Quảng Hàm, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Xuân Hãn… Hiện nay, trường Chu Văn An và trường Trung học chuyên Hà Nội–Amsterdam là hai trường có hệ thống lớp chuyên của Sở giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Cùng với Quốc học Huế và chuyên Lê Hồng Phong thành phố Hồ Chí Minh, trường đang được chính phủ đầu tư trong Dự án 3 trường trung học phổ thông trọng điểm của Việt Nam. |
BrasilBrasil (tiếng Bồ Đào Nha: Brasil, phiên âm tiếng Việt: Bra-xin, Hán Việt: Ba Tây), tên gọi chính thức là Cộng hòa Liên bang Brasil (tiếng Bồ Đào Nha: República Federativa do Brasil), là một quốc gia thuộc khu vực Nam Mỹ. Brasil là quốc gia có diện tích rộng thứ 5 thế giới và dân số cũng đứng hàng thứ 5 thế giới. Nước này tiếp giáp với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Nam Mỹ: giáp với Venezuela, Guyana, Suriname và Guyane thuộc Pháp về phía bắc, Colombia về phía tây bắc, Bolivia và Peru về phía tây, Argentina và Paraguay về phía tây nam và Uruguay về phía nam. Phía đông Brasil là một đường bờ biển dài tiếp giáp với Đại Tây Dương. Phần lớn diện tích Brasil nằm giữa đường xích đạo và chí tuyến nam nên có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Đó là điều kiện hình thành nên một hệ động thực vật rất phong phú tại Brasil. Dân cư Brasil tập trung chủ yếu ở những vùng duyên hải và những vùng đô thị lớn trong nội địa. Brasil từng là thuộc địa của Bồ Đào Nha trong quá khứ cho đến năm 1822 khi nước này trở thành một quốc gia độc lập. Ngày nay, Brasil là một quốc gia theo thể chế cộng hòa liên bang. Brasil hiện là nước có thu nhập trung bình và đồng thời là nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ Latinh. Brasil còn là nước duy nhất tại Nam Mỹ nói tiếng Bồ Đào Nha và nước này có số dân theo đạo Thiên Chúa lớn nhất thế giới. Về mặt văn hóa, Brasil rất nổi tiếng với lễ hội Carnaval sôi động và là một cường quốc trong môn thể thao bóng đá. | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Cách mạng tháng BảyCách mạng tháng Bảy là cuộc cách mạng tại Pháp, diễn ra chủ yếu ở Paris, vào tháng 7 năm 1830 dưới thời Bourbon phục hoàng. Trong giai đoạn cai trị của Charles X, những mâu thuẫn giữa hai phe tự do và bảo hoàng cực đoan đã gây nên các biến động chính trị kéo dài. Mùa hè năm 1829, Charles X đưa Jules de Polignac, một người bảo hoàng, lên giữ chức thủ tướng, thành lập một chính phủ mới. Trước những chống đối của các nghị sĩ phái tự do, nhà vua giải tán Nghị viện mà đỉnh điểm là chiếu dụ Saint-Cloud ngày 26 tháng 7 năm 1830 đã khiến những người đối lập nổi dậy. Trong ba ngày 27, 28, 29, người dân Paris dựng chướng ngại vật trên đường phố, chống lại quân đội của Thống chế Marmont. Cuộc xung đột đã khiến 200 quân hoàng gia và 800 người nổi dậy thiệt mạng. Charles X cùng gia đình chạy khỏi Paris. Sau khi do dự giữa nền cộng hòa và quân chủ, các nghị sĩ đồng ý đưa Công tước Orléans, thuộc nhánh thứ của dòng họ Bourbon, lên ngôi vua. Cách mạng tháng Bảy diễn ra trong thời gian ngắn ngủi, không chấm dứt nền quân chủ mà chỉ kết thúc thời kỳ trị vì của Charles X. Công tước Orléans trở thành Louis-Philippe I, đăng quang ngày 9 tháng 8 với tước hiệu Vua của người Pháp – không còn xưng Vua nước Pháp như các vị quân vương nhà Bourbon trước đó – bắt đầu cho nền Quân chủ tháng Bảy. |
Max WeberMaximilian Carl Emil Weber (21 tháng 4 năm 1864 – 14 tháng 6 năm 1920) là nhà kinh tế chính trị học và xã hội học người Đức, ông được nhìn nhận là một trong bốn người sáng lập ngành xã hội học và quản trị công đương đại. Khởi đầu sự nghiệp tại Đại học Berlin, sau đó Weber làm việc tại các trường đại học Freiburg, Heidelberg, Wien và München. Ông là người am tường nền chính trị Đức, từng là cố vấn cho các nhà thương thuyết Đức tại Hiệp ước Versaille và tham gia soạn thảo Hiến pháp Weimar. Các công trình nghiên cứu chính của Weber tập trung vào việc hợp lý hóa ngành xã hội học tôn giáo và chính quyền học, nhưng ông cũng đóng góp đáng kể cho ngành kinh tế học. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Đạo đức Kháng Cách và tinh thần chủ nghĩa tư bản (Die protestantische Ethik und der Geist des Kapitalismus) , đánh dấu sự khởi đầu của một loạt khảo cứu của ông về ngành xã hội học tôn giáo. Trong tác phẩm này, Weber lập luận rằng tôn giáo là một trong những nhân tố quan trọng cấu thành sự dị biệt văn hóa giữa phương Đông và phương Tây, và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những đặc điểm của triết lý Kháng Cách khổ hạnh, xem đây là một trong những nhân tố chính giúp phát triển chủ nghĩa tư bản, hệ thống hành chính, và khái niệm nhà nước pháp quyền tại phương tây. Trong một tác phẩm quan trọng khác, Politik als Beruf (Chính trị là một nghề chuyên môn), Weber định nghĩa nhà nước là thực thể độc quyền hành xử quyền pháp định, định nghĩa này được xem như khái niệm mấu chốt trong ngành khoa học chính trị đương đại. Những nghiên cứu quan trọng nhất của ông được nhắc đến với một tên chung “Luận đề Weber”. | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Sông ColumbiaSông Columbia là con sông lớn nhất vùng Tây Bắc Thái Bình Dương của Bắc Mỹ. Nó được đặt theo tên của Columbia Rediviva, con tàu đầu tiên từ thế giới phương tây được ghi nhận đã du hành lên dòng sông này. Dòng sông kéo dài từ tỉnh bang British Columbia của Canada đi qua tiểu bang Washington của Hoa Kỳ; hình thành phần lớn ranh giới giữa Washington và Oregon trước khi đổ ra Thái Bình Dương. Con sông dài 2.000 km, và lưu vực nhận nước là 668.217 km². Tính theo lưu lượng nước, sông Columbia là con sông lớn nhất chảy vào Thái Bình Dương từ Bắc Mỹ và là con sông lớn thứ tư tại Hoa Kỳ. Dòng nước mạnh của sông và độ cao đổ xuống lớn trên một đoạn đường tương đối ngắn làm cho nó có tiềm năng rất lớn để sản xuất điện năng. Sông Columbia là con sông sản xuất thủy điện lớn nhất Bắc Mỹ với 14 đập thủy điện tại Hoa Kỳ và Canada. Sông Columbia và các sông nhánh của nó là nơi sinh sống của vô số các loại cá di cư giữa các sông nhánh nước ngọt nhỏ và Thái Bình Dương. Các loài cá này - đặc biệt là những loài thuộc nhiều nhóm cá hồi khác nhau - đã và đang là phần quan trọng của hệ sinh thái sông và kinh tế địa phương trong hàng ngàn năm qua. Việc khai thác dòng sông để phục vụ con người và một số trường hợp ô nhiễm công nghiệp đã rất nhiều lần đi ngược với việc bảo tồn hệ sinh thái kể từ khi người Mỹ và người châu Âu bắt đầu đến định cư trong khu vực này trong thế kỷ 18. Việc "lợi dụng dòng sông" như trong văn hóa bình dân của thế kỷ 20 thường diễn tả bao gồm việc nạo vét đáy sông cho tàu thuyền lớn lưu thông, sản xuất năng lượng nguyên tử, nguyên cứu và chế tạo vũ khí nguyên tử, xây đập sản xuất thủy điện, tưới tiêu, hàng hải, và kiểm soát lụt lội. |