Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2008/Tuần 25
Maximilian Carl Emil Weber (21 tháng 4 năm 1864 – 14 tháng 6 năm 1920) là nhà kinh tế chính trị học và xã hội học người Đức, ông được nhìn nhận là một trong bốn người sáng lập ngành xã hội học và quản trị công đương đại. Khởi đầu sự nghiệp tại Đại học Berlin, sau đó Weber làm việc tại các trường đại học Freiburg, Heidelberg, Wien và München. Ông là người am tường nền chính trị Đức, từng là cố vấn cho các nhà thương thuyết Đức tại Hiệp ước Versaille và tham gia soạn thảo Hiến pháp Weimar.
Các công trình nghiên cứu chính của Weber tập trung vào việc hợp lý hóa ngành xã hội học tôn giáo và chính quyền học, nhưng ông cũng đóng góp đáng kể cho ngành kinh tế học. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Đạo đức Kháng Cách và tinh thần chủ nghĩa tư bản (Die protestantische Ethik und der Geist des Kapitalismus) , đánh dấu sự khởi đầu của một loạt khảo cứu của ông về ngành xã hội học tôn giáo. Trong tác phẩm này, Weber lập luận rằng tôn giáo là một trong những nhân tố quan trọng cấu thành sự dị biệt văn hóa giữa phương Đông và phương Tây, và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những đặc điểm của triết lý Kháng Cách khổ hạnh, xem đây là một trong những nhân tố chính giúp phát triển chủ nghĩa tư bản, hệ thống hành chính, và khái niệm nhà nước pháp quyền tại phương tây. Trong một tác phẩm quan trọng khác, Politik als Beruf (Chính trị là một nghề chuyên môn), Weber định nghĩa nhà nước là thực thể độc quyền hành xử quyền pháp định, định nghĩa này được xem như khái niệm mấu chốt trong ngành khoa học chính trị đương đại. Những nghiên cứu quan trọng nhất của ông được nhắc đến với một tên chung “Luận đề Weber”.