Bước tới nội dung

Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2007/07

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024
Bài viết chọn lọc
tháng 7 năm 2007
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

Liên Hiệp Quốc

Cờ Liên Hiệp Quốc
Cờ Liên Hiệp Quốc

Liên Hiệp Quốc là một tổ chức quốc tế bao gồm nhiều thành viên quốc gia trên thế giới. Hầu như mọi quốc gia trên thế giới đều là thành viên của tổ chức này. Tuy được thành lập vào ngày 24 tháng 10 năm 1945 tại San Francisco, California (dựa vào Hội nghị Durbarton OaksWashington, D.C.) nhưng Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (General Assembly) đầu tiên, tham dự bởi 51 nước, không được tổ chức cho mãi đến ngày 10 tháng 1 năm 1946 (tại Nhà họp chính WestminsterLuân Đôn). Tiền thân của Liên Hiệp Quốc là Hội Quốc Liên (League of Nations), vốn là một sáng kiến của Tổng thống Hoa Kỳ Wilson sau Đệ nhất thế chiến. Dù hội đạt được một số thành tựu đáng kể trong công cuộc giải phóng phụ nữ cũng như những hoạt động nhân đạo nhưng Đệ nhị thế chiến bùng nổ và buộc Hội Quốc Liên phải giải tán. Sau Đệ nhị thế chiến, chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của chiến tranh cũng như sự cần thiết của một tổ chức quốc tế để đứng ra nhận vai trò điều phối hòa bình cũng như khắc phục kinh tế, giải quyết hậu quả chiến tranh, Liên Hiệp Quốc được thành lập. Hội viên của LHQ là tất cả những “nước yêu hoà bình”, chấp nhận bổn phận trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc và, dựa theo ý kiến của tổ chức, có khả năng đáp ứng những bổn phận đó. Đại hội đồng của LHQ sẽ chọn một thành viên mới dựa theo lời khuyên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Cho đến ngày 28 tháng 6 năm 2006, Liên Hiệp Quốc có 192 thành viên, thành viên mới nhất là Montenegro.

Lịch sử Trái Đất

Hình ảnh Trái đất chụp năm 1972
Hình ảnh Trái đất chụp năm 1972

Lịch sử Trái Đất trải dài khoảng 4,55 tỷ năm, từ khi Trái Đất cùng với Hệ Mặt Trời hình thành từ Tinh vân mặt trời cho tới hiện tại. Trái Đất buổi ban đầu ở thời Liên đại Hỏa Thành không có các đại dương và cũng không có ôxi trong khí quyển. Hành tinh luôn bị bắn phá bởi các tiểu hành tinh và các vật chất khác còn sót lại sau khi hình thành nên Hệ Mặt Trời, những vụ núi lửa phun trào diễn ra thường xuyên, hành tinh nóng như bị nấu chảy. Bề mặt dần lạnh đi, tạo nên vỏ cứng trong vòng 150 triệu năm. Hơi nước và khí thoát ra từ lớp vỏ khi các khí gas bị núi lửa phun lên tạo cho Trái Đất một lớp khí quyển. Các đám mây được tạo thành. Mưa tạo nên biển và đại dương.

Mầm mống của sự sống bắt đầu vào khoảng 4 tỷ năm trước. Trong sự hoạt động hóa học mạnh mẽ thời kỳ đầu của Trái Đất, một phân tử (hay thậm chí là một thứ gì khác) đã có khả năng tự phân chia thành các bản sao của chính nó. Tế bào sống đầu tiên, tổ tiên của mọi sự sống trên Trái Đất, đã xuất hiện trong buổi đầu thời kỳ Archean, khoảng 3,5 tỷ năm trước. Khoảng 3 tỷ năm trước, một thứ tương tự như sự quang hợp ngày nay có lẽ đã bắt đầu phát triển. Khoảng 1 tỷ năm trước, các thực vật đa bào đầu tiên xuất hiện. , những động vật có xương sống sớm nhất, đã bắt đầu xuất hiện tại các đại dương từ khoảng 530 triệu năm trước. Khoảng hai triệu năm trước đây, những động vật đầu tiên được xếp loại Con người đã xuất hiện. Tác động của con người đối với môi trường thiên nhiên đã gây ra những thay đổi lớn và nhanh chóng, cũng như dẫn đến nguy cơ về các thảm họa sinh học toàn cầu.

DES

Hàm Feistel trong DES
Hàm Feistel trong DES

DES (viết tắt của Data Encryption Standard, hay Tiêu chuẩn Mã hóa Dữ liệu) là một phương pháp mật mã hóa được FIPS (Tiêu chuẩn Xử lý Thông tin Liên bang Hoa Kỳ) chọn làm chuẩn chính thức vào năm 1976. Sau đó chuẩn này được sử dụng rộng rãi trên phạm vi thế giới. Ngay từ đầu, thuật toán của nó đã gây ra rất nhiều tranh cãi, do nó bao gồm các thành phần thiết kế mật, độ dài khóa tương đối ngắn, và các nghi ngờ về cửa sau để Cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA) có thể bẻ khóa. Do đó, DES đã được giới nghiên cứu xem xét rất kỹ lưỡng, việc này đã thúc đẩy hiểu biết hiện đại về mật mã khối (block cipher) và các phương pháp thám mã tương ứng.

Hiện nay DES được xem là không đủ an toàn cho nhiều ứng dụng. Nguyên nhân chủ yếu là độ dài 56 bit của khóa là quá nhỏ. Khóa DES đã từng bị phá trong vòng chưa đầy 24 giờ. Đã có rất nhiều kết quả phân tích cho thấy những điểm yếu về mặt lý thuyết của mã hóa có thể dẫn đến phá khóa, tuy chúng không khả thi trong thực tiễn. Thuật toán được tin tưởng là an toàn trong thực tiễn có dạng Triple DES (thực hiện DES ba lần), mặc dù trên lý thuyết phương pháp này vẫn có thể bị phá. Gần đây DES đã được thay thế bằng AES (Advanced Encryption Standard, hay Tiêu chuẩn Mã hóa Tiên tiến).

Hướng đạo

Biểu tượng của phong trào Hướng đạo
Biểu tượng của phong trào Hướng đạo

Hướng đạo (Scouting), hay còn được biết với tên là Phong trào Hướng đạo (Scout Movement), là một phong trào thanh thiếu niên có phạm vi toàn cầu với mục đích được nêu rõ là trợ giúp giới trẻ trong việc phát triển tâm linh, tâm trí và sức khỏe để đóng những vai trò xây dựng trong xã hội.

Hướng đạo bắt đầu vào năm 1907 khi Robert Baden-Powell, một trung tướng trong quân đội Anh, tổ chức một cuộc cắm trại Hướng đạo đầu tiên tại Đảo BrownseaAnh. Baden-Powell viết ra các nguyên tắc của Hướng đạo trong sách Hướng đạo cho nam (London, 1908), dựa vào các sách quân đội trước đây của ông, cùng với sự ảnh hưởng và trợ lực từ Ernest Thompson Seton của phong trào Woodcraft Indians, William Alexander Smith của Lữ đoàn Nam (Boys' Brigade) và nhà xuất bản Cyril Arthur Pearson của ông. Trong nửa đầu thế kỷ 20, phong trào phát triển bao gồm ba lứa tuổi chính (Ấu, Thiếu, Kha).

Phong trào dùng Phương pháp Hướng đạo, một chương trình giáo dục không chính thức chú ý đặc biệt vào các hoạt động thực hành ngoài trời, bao gồm cắm trại, kỹ năng sống trong rừng, trò chơi dưới nước, du hành, mang trang bị sau lưng, và các trò thể thao. Một đặc điểm của phong trào dễ được nhận ra là đồng phục Hướng đạo với khăn quàngmũ vận động hay mũ đội đầu tương ứng. Huy hiệu đặc biệt trên đồng phục bao gồm hoa bách hợphình ba lá, cũng như các chuyên hiệu (bằng chuyên môn hay phù hiệu chuyên môn) và những phù hiệu đẳng cấp khác.

Tiếng Nhật

"Nhật Bản ngữ" bằng Kanji
"Nhật Bản ngữ" bằng Kanji

Tiếng Nhật Bản, hay tiếng Nhật, là một ngôn ngữ được hơn 130 triệu người sử dụng ở Nhật Bản và những cộng đồng dân di cư Nhật Bản khắp thế giới. Nó là một ngôn ngữ chắp dính (khác biệt với tiếng Việt vốn thuộc vào loại ngôn ngữ đơn lập phân tích cao) và nổi bật với một hệ thống các nghi thức nghiêm ngặt và rành mạch, đặc biệt là hệ thống kính ngữ phức tạp thể hiện bản chất thứ bậc của xã hội Nhật Bản, với những dạng biến đổi động từ và sự kết hợp một số từ vựng để chỉ mối quan hệ giữa người nói, người nghe và người được nói đến trong cuộc hội thoại. Kho ngữ âm của tiếng Nhật khá nhỏ, với một hệ thống ngữ điệu rõ rệt theo từ. Tiếng Nhật cổ nhất được biết đến chủ yếu dựa vào trạng thái của nó vào thế kỷ thứ 8, khi ba tác phẩm chủ yếu của tiếng Nhật cổ được dịch (hai bộ sử Kojiki, Nihonsogi và thi tập Manyoshu); nhưng một số lượng tài liệu ít hơn, chủ yếu là chữ khắc, còn cổ hơn. Những chứng thực về tiếng Nhật cổ nhất có thể tìm thấy trong một số tư liệu thành văn của Trung Quốc từ năm 252.

Tiếng Nhật được viết trong sự phối hợp ba kiểu chữ: Hán tự, kanji và hai kiểu chữ đơn âm hiragana (chữ mềm) và katakana (chữ cứng). Kanji để viết các từ Hán (mượn của Trung Quốc) hoặc các từ người Nhật dùng chữ Hán để thể hiện rõ nghĩa. Hiragana dùng để ghi các từ gốc Nhật và các thành tố ngữ pháp như trợ từ, trợ động từ, đuôi động từ, tính từ v.v. Katakana dùng phiên âm từ vựng nước ngoài ngoại trừ tiếng Trung và từ vựng của một số nước dùng chữ Hán khác. Bảng ký tự Latinh, rōmaji, cũng được dùng trong tiếng Nhật hiện đại, đặc biệt là ở tên và biểu trưng của các công ty, quảng cáo, nhãn hiệu hàng hóa, khi nhập tiếng Nhật vào máy tính và được dạy ở cấp tiểu học nhưng chỉ có tính thí điểm. Số Ả Rập theo kiểu phương Tây được dùng để ghi số, nhưng cách viết số theo ngữ hệ Hán-Nhật cũng rất phổ biến.

Kinh tế Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Nền kinh tế của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới nếu tính theo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa. GDP Trung Quốc năm 2006 là 2.680 tỷ USD. GDP bình quân đầu người danh nghĩa năm 2006 là 2.000 USD (7.600 USD nếu tính theo sức mua tương đương (PPP), vẫn còn thấp so với rất nhiều nền kinh tế khác trên thế giới (thứ 110 trên 183 quốc gia năm 2005). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, GDP bình quân đầu người của nước này tăng lên nhanh chóng nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức cao. Năm 2005, 70% GDP của Trung Quốc là trong khu vực tư nhân. Khu vực kinh tế quốc doanh chịu sự chi phối của khoảng 200 doanh nghiệp quốc doanh lớn, phần nhiều ở trong các ngành dịch vụ tiện ích (điện, nước, điện thoại…), công nghiệp nặng, và nguồn năng lượng.

Kể từ năm 1978 chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã cải cách nền kinh tế từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung theo kiểu Liên Xô sang một nền kinh tế theo định hướng thị trường trong khi vẫn duy trì khuôn khổ chính trị do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Chế độ này được người ta gọi là “Chủ nghĩa Xã hội mang màu sắc Trung Quốc” và là một loại kinh tế hỗn hợp. Các cải cách này bắt đầu từ năm 1978 đã giúp hàng triệu người thoát nghèo, đưa tỷ lệ nghèo từ 53% dân số năm 1981 xuống còn 8% vào năm 2001. Để đạt được mục tiêu này, chính quyền đã chuyển đổi từ chế độ hợp tác xã sang chế độ khoán đến hộ gia đình trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng quyền tự chủ của các quan chức địa phương và các thủ trưởng nhà máy, cho phép sự phát triển đa dạng của doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực dịch vụcông nghiệp nhẹ và mở cửa nền kinh tế để tăng ngoại thươngđầu tư nước ngoài.