Vạn Hạnh
Vạn Hạnh 萬行 | |
---|---|
Tôn giáo | Phật giáo Đại thừa Pháp môn Thiền tông Thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi (thế hệ thứ 12) |
Tên khác | Không rõ, chỉ biết là họ Nguyễn, Lê và Lý |
Cá nhân | |
Quốc tịch | Đại Cồ Việt |
Sinh | 938 châu Cổ Pháp, Tĩnh Hải quân (nay là thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) |
Mất | 1018 (80 tuổi) Chùa Lục Tổ, châu Cổ Pháp, Đại Cồ Việt |
An nghỉ | Chùa Tiêu Sơn (nay thuộc phường Tương Giang, thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh) |
Sự nghiệp tôn giáo | |
Tấn phong | Thiền sư |
Chức vụ | Trụ trì chùa Lục Tổ |
Vạn Hạnh (chữ Hán: 萬行) (938–1018) là một tăng sĩ Phật giáo Đại Cồ Việt, người châu Cổ Pháp (Bắc Ninh). Ông là một trong những Tăng sĩ làm cố vấn cho vua Lê Đại Hành, đồng thời là người thầy của Lý Công Uẩn, đã hướng dẫn cho vị này lên ngôi thay đổi triều đại và triều Lý thành lập.
Hành trạng
[sửa | sửa mã nguồn]Thiền sư họ Nguyễn, quê châu Cổ Pháp (古法) (nay thuộc thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), từ thuở nhỏ đã thông minh, học thông Nho, Lão, Phật và nghiên cứu hàng trăm bộ luận Phật giáo. Năm 21 tuổi ông xuất gia, tu học với bạn là Thiền sư Định Tuệ dưới sự chỉ dẫn của Thiền sư Thiền Ông tại chùa Lục Tổ. Sau khi Thiền Ông mất, ông bắt đầu chuyên thực tập Tổng Trì Tam Ma Địa, nên sau này hễ ông nói lời gì đều được thiên hạ cho là phù sấm. Vua Lê Đại Hành rất tôn kính ông. Năm 980, hoàng đế Đại Tống sai tướng Hầu Nhân Bảo mang quân sang đóng ở núi Cương Giáp Lãng định xâm chiếm nước Đại Cồ Việt, Lê Đại Hành triệu ông vào hỏi nếu đánh thì thắng hay bại. Ông đáp trong vòng từ ba đến bảy ngày quân Tống sẽ rút lui. Lời này sau ứng nghiệm. Khi Lê Đại Hành muốn xuất quân đánh Chiêm Thành để cứu sứ giả bị vua Chiêm bắt giữ nhưng còn do dự, thì Vạn Hạnh nói đây là cơ hội đừng để mất. Sau đó lời này nghiệm, và Lê Đại Hành đánh tan quân Chiêm.[1]
Theo sách Thiền Uyển tập anh, thời bấy giờ có người tên Đỗ Ngân muốn ám hại thiền sư; việc chưa xảy ra thì thiền sư đã biết trước, gửi cho Đỗ Ngân bài thơ:
- "Cây đất sinh nhau bạc với vàng,
- Cớ sao thù địch mãi cưu mang.
- Bấy giờ năm miệng hồn thu dứt,
- Thật đến về sau chẳng hận lòng."
Đỗ Ngân bèn từ bỏ dã tâm.
Trong cuộc vận động Thân vệ Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) lên ngôi, ông đã tác động dư luận quần chúng bằng sấm truyền rất hữu hiệu. Sách Thiền Uyển tập anh nói những loại sấm truyền và tiên tri ông dùng có rất nhiều thứ không kể hết được. Sách này kể ra một vài phương pháp đã dùng: Hồi Lê Ngọa Triều đang thi hành chính sách bạo ngược [2] bị thiên hạ ghét bỏ, thì tại Cổ Pháp có một con chó trắng xuất hiện trên lưng nó có hai chữ "thiên tử" lấm tấm bằng lông đen. Thiên hạ bèn đồn rằng con chó là tượng trưng cho năm Tuất, và một bậc thiên tử sinh vào năm Tuất sẽ xuất hiện cũng vào năm Tuất (tức năm 1010). Ngày vua Lý Thái Tổ lên ngôi, thiền sư ở trong chùa Lục Tổ nhưng đã biết trước, nói với người bác và chú của Thái Tổ rằng: "Thiên tử đã băng, Lý thân vệ hiện đang ở nhà, tay chân họ Lý túc trực trong thành lên tới số ngàn. Trong trưa này, Thân vệ ắt được lên ngôi". Bác và chú vua Thái Tổ thấy lo bèn sai người đi dò tin tức, mới thấy lời thiền sư nói đúng.
Ngày Rằm tháng 5 năm Thuận Thiên thứ 9 (tức 30 tháng 6 năm 1018), khi công hạnh đã viên mãn, Thiền sư gọi đồ chúng lại dặn dò, đọc bài kệ rồi thị tịch. Vua Lý Thái Tổ và tất cả triều thần nhà Lý đến làm lễ Trà tỳ, thỉnh xá-lợi của ông về thờ tại chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh). Bài kệ của ông có nội dung như sau (Ngô Tất Tố dịch):
- "Thân như bóng chớp có rồi không
- Cây cối xanh tươi thu não nùng
- Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
- Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông"
- Nguồn: Thơ văn Lý Trần (tập I), NXB Khoa học Xã hội, 1977
Ảnh hưởng
[sửa | sửa mã nguồn]Một phần của loạt bài về |
Thiền sư Việt Nam |
---|
Cổng thông tin Phật giáo |
Vua Lý Nhân Tông (1072-1127) có bài kệ "Truy tán Vạn Hạnh Thiền sư" (追贊萬行禪師):
- Nguyên văn chữ Hán:
- 萬行融三際
- 真符古讖詩
- 鄉關名古法
- 拄錫鎮王畿
- Phiên âm Hán Việt:
- Vạn Hạnh dung tam tế
- Chân phù cổ sấm thi
- Hương quan danh Cổ Pháp
- Trụ tích trấn vương kỳ.
- Bản dịch nghĩa của Nguyễn Đức Vân và Đào Phương Bình:
- Vạn Hạnh thông ba cõi
- Thật hợp lời sấm xưa
- Quê hương tên Cổ Pháp
- Chống gậy trấn kinh vua.
- Bản dịch thơ của Nguyễn Văn Trình:
- Học thông tam giới ghê thay
- Rằng thầy Vạn Hạnh thi tài rất cao.
- Cửa làng Cổ pháp tiếng reo
- Gậy tăng đủng đỉnh bay vào Đế đô.
Trước năm 1975, ở miền Nam Việt Nam có một Viện Đại học mang tên ông là Viện Đại học Vạn Hạnh. Hiện nay, nhiều thành phố ở Việt Nam có tên đường "Sư Vạn Hạnh" để tưởng nhớ một vị thiền sư đã ghi lại nhiều dấu ấn trong lịch sử dân tộc.
Đại Việt Sử ký toàn thư có ghi lại bài Sấm – Vĩ của Vạn Hạnh:
- Thọ căn diễu diễu
- Mộc biểu thanh thanh
- Hoa đào mộc lạc
- Thập bát tử thành
- Đông a nhập địa
- Dị mộc tái sanh
- Chấn cung kiến nhật
- Đoài cung ẩn tinh
- Lục thất niên gian
- Thiên hạ thái bình
Dịch là:
- Gốc cây thăm thẳm
- Ngọn cây xanh xanh
- Cây hoa đào rụng
- Mười tám hạt thành
- Cành đông xuống đất
- Cành khác lại sanh
- Đông mặt trời mọc
- Tây sao ẩn hình
- Sáu bảy năm nữa
- Thiên hạ thái bình[3]
Trong văn hoá đại chúng
[sửa | sửa mã nguồn]Năm | Tác Phẩm | Diễn Viên |
2011 | Lý Công Uẩn: Đường tới thành Thăng Long | Phạm Anh Dũng |
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ “Error”. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2009. Truy cập 6 tháng 10 năm 2015.
- ^ Đại Việt Sử ký Toàn thư chép: "Vua thích giết người; phàm người bị hành hình thì sai lấy cỏ tranh quấn vào người mà đốt cho lửa cháy gần hết; hoặc sai người... (lược) lấy dao ngắn, dao cùn, xẻ từng mảnh để không cho chết chóng... (lược). Đi đánh dẹp bắt được tù thì giải đến bờ sông, khi nước triều rút, sai người làm lao dưới nước, dồn cả vào trong ấy, đến khi triều lên thì ngập nước mà chết... (lược), từng róc mía ở đầu sư Quách Ngang, giả lỡ tay, lưỡi dao trượt xuống đầu nhà sư chảy máu, rồi cả cười...
- ^ “naruto888 ศูนย์รวมความบันเทิง เกมสล็อตลิขสิทธิ์แท้”. VNC. Truy cập 30 tháng 8 năm 2024.