Bước tới nội dung

Văn hóa Lê–Mạc

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Văn hóa Lê-Mạc)

Văn hóa Mạc (hoặc được khái quát hóa lên là Thời đại Lê–Mạc hay cụ thể hơn nữa là Thời kỳ chuyển giao Lê–Mạc) là một khái niệm mang tính tổng hợp dùng để chỉ những đặc trưng văn hóa của hai triều đại quân chủ nối tiếp nhau trong lịch sử Việt Nam. Cũng gần giống thời kỳ Lý–Trần (1009–1400) trước đó, nhà Mạc soán ngôi nhà Lê sơ (1527) sau những toan tính chính trị và quân sự đầy khôn ngoan của một viên tướng tài đồng thời là đại thần dưới triều Hậu Lê - Mạc Đăng Dung. Sự ra đời của nhà Mạc được nhiều nhà nghiên cứu ngày nay xem là giải pháp lịch sử tất yếu sau hơn 20 năm đại loạn của xã hội cũng như chính trường Đại Việt cuối thời Lê. Văn hóa Lê–Mạc và văn hóa Lý–Trần là hai thời kỳ văn hóa đặc biệt quan trọng, mang tính chất đặt nền trong lịch sử văn hóa của Việt Nam. Hai thời kỳ văn hóa có tính chất bản lề này cách quãng nhau bởi một giai đoạn cầm quyền ngắn ngủi vài năm của nhà Hồ (1400–1407), kéo dài thêm vài năm nữa bởi nhà Hậu Trần (1407–1414) nhưng chịu ảnh hưởng bao trùm bởi 20 năm dưới ách đô hộ khắc nghiệt của quân Minh xâm lược (1407–1427). Và như vậy văn hóa Lê–Mạc (1428–1592) còn mang tính chất như giai đoạn phục hồi và định hướng lại văn hóa Đại Việt sau gần 30 năm khủng hoảng và mất mát trầm trọng trước đó. Con số 30 năm mang tính ước lệ ở đây là chưa tính đến thời kỳ suy thoái từ từ về nhiều mặt của nhà Trần kể từ sau các cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông xâm lược dù kết thúc bằng thắng lợi trên trận địa.

Khác với Trần Thủ Độ, Mạc Đăng Dung (Mạc Thái Tổ) sau khi lên ngôi đã tỏ ra khoan dung và nương tay hơn nhiều trong cách đối xử với con cháu họ Lê. Cũng giống như khi họ Trần thay họ Lý cai trị, họ Mạc có gốc xứ Đông khi cầm quyền đã cho thấy mức độ tôn trọng rất cao những di sản kiến trúc và văn hóa của thời Lê sơ để lại. Dù có xung đột lịch sử sâu sắc với các dòng họ thế phiệt Lê–Trịnh–Nguyễn gốc xứ Thanh nhưng về nhiều mặt, nhà Mạc vẫn kế thừa nguyên vẹn phần lớn di sản văn hóa chính trị của nhà Hậu Lê như nhà Trần đã kế thừa nhà Hậu Lý. Nho giáo (đặc biệt là Tống Nho) thời Lê–Mạc đạt tới đỉnh cao quyền lực chưa từng thấy ở những thời kỳ trước đó trong lịch sử Việt Nam, ngay cả ở thời Lý–Trần. Tuy nhiên, nhà Mạc khoan dung và cởi mở hơn hẳn nhà Hậu Lê trong chính sách tôn giáo tín ngưỡng. Bởi vậy ở thời Mạc, Phật giáo đã có một cuộc chấn hưng hoặc hồi sinh mạnh mẽ chưa từng có kể từ sau thời đại Lý–Trần. Đây là đặc điểm đã được nhiều học giả (trong đó có Trần Lâm BiềnTrần Quốc Vượng) nghiên cứu sâu.

Nhiều nhà nghiên cứu cho đến nay thường lấy cuộc xâm lược của nhà Minh đối với triều Hồ là lý do chính cho nhiều mất mát về văn hóa của Đại Việt từ thời Lý–Trần, trong đó có nhiều trước tác thơ văn giá trị không để lại gì ngoài tiêu đề và có thể là một vài dòng mô tả nội dung của các học giả đời sau. Nhưng cũng cần phải nhớ rằng, so với thời kỳ Lý–Trần ngót 400 năm thì thời kỳ Lê–Mạc gần 170 năm còn được hưởng số năm bình yên ít hơn nhiều. Những biến cố chính trị đầu thời Lê sơ (như thảm án Lệ Chi viên khiến Nguyễn Trãi bị xử tru di tam tộc và nhiều trước tác thơ văn của ông bị tiêu hủy) rồi hơn 20 năm đại loạn ở thời kỳ nhà Lê sơ đã ở tận cùng suy thoái cho tới những giai đoạn Lê–Mạc giao tranh ác liệt trong thế kỷ 16 và còn cả thời kỳ nhà Lê–Trịnh (Lê trung hưng) tàn phá không nương tay những di sản của triều Mạc để lại sau năm 1592 cũng đã khiến không ít những công trình văn hóa quan trọng xung quanh vùng đồng bằng Bắc bộ bị mất đi vĩnh viễn. Vậy nhưng, xét riêng trong các lĩnh vực sáng tác thơ văn và khảo cứu học thuật thì trước tác còn lưu lại đến ngày nay của thời đại Lê–Mạc với chưa đầy 170 năm vẫn có sự vượt trội hơn hẳn cả về lượng và chất so với di sản trước tác của tất cả các thời kỳ trước đó trong lịch sử Việt Nam (gộp lại), bao gồm cả thời kỳ gần 400 năm của nền văn học Lý–Trần. Việc sáng tác thơ văn bằng tiếng mẹ đẻ (tức tiếng Việt) sử dụng chữ Nôm của người Việt (còn được gọi là người Kinh) đã có những bước đi chập chững đáng ghi nhận ở thời kỳ Lý–Trần nhưng chỉ thực sự tạo ra những bước đột phá vững chắc đầu tiên trong thời đại Lê–Mạc. Điển hình là 3 tập thơ Nôm còn được lưu truyền đến ngày nay bao gồm Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Hồng Đức quốc âm thi tập của vua Lê Thánh Tông cùng các triều thần, và Bạch Vân quốc ngữ thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm.[1][2][3] Đây thực sự là những thành tựu có ý nghĩa rất trọng đại với nền văn học dân tộc bởi vì như nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Khiêu (1985) đã nhận xét rằng "suốt bao nhiêu thế kỷ học chữ Hán và làm thơ bằng chữ Hán, các nhà trí thức Việt Nam trước những khó khăn về ngôn từ và thể loại đã lẩn tránh việc cố gắng làm thơ bằng tiếng mẹ đẻ."

Những tên tuổi nổi bật trong thơ văn, học thuật của thời kỳ Lê–Mạc có thể kể ra như: Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Ngô Sĩ Liên, Lê Thánh Tông (cùng với hội Tao đàn Nhị thập bát Tú), Thái Thuận, Lương Thế Vinh, Nguyễn Dữ (cũng đôi khi được gọi là Nguyễn Dư hay Nguyễn Tự), Nguyễn Bỉnh Khiêm, Dương Văn An, Hoàng Sĩ Khải, Phùng Khắc Khoan. Một vài người trong số này, điển hình như Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể được xem là những tác gia văn học thực sự lớn đầu tiên của Việt Nam.[4] Và về nhiều phương diện, họ có thể được xem là những tác gia tập đại thành đầu tiên của nền thơ ca Việt Nam. Đó là những người mà tác phẩm của họ có sự dồi dào về số lượng, phong phú về thể tài và có ảnh hưởng quan trọng đến tiến trình phát triển của một nền văn học mang tính dân tộc. Một yếu tố quan trọng nữa ở các tác gia này là phần lớn tác phẩm của họ vẫn còn được lưu truyền qua nhiều biến động của lịch sử để hậu thế ngày nay có thể nghiên cứu và đánh giá một cách tương đối toàn diện về sự nghiệp văn chương của họ.[5]

Trong thời kỳ Lê–Mạc, vai trò về văn hóa tư tưởng, văn học nghệ thuật, chính trị, kinh tế của xứ Đông hay trấn Hải Đông (một tiểu vùng văn hóa cổ mà vành đai trung tâm nằm trong hai tỉnh thành Hải DươngHải Phòng ngày nay, ngoài ra cũng bao gồm một phần của Hưng YênQuảng Ninh)[6] đối với lịch sử Việt Nam là đặc biệt quan trọng với những nhân vật có ảnh hưởng lớn như Nguyễn Trãi, Vũ Hữu, Mạc Đăng Dung, Nguyễn Dữ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đặng Huyền Thông. Sau thời Lê–Mạc, vai trò hàng đầu về văn hóa của xứ Đông trong lịch sử Việt Nam dần suy yếu, đồng thời chứng kiến sự trỗi dậy mạnh về văn hóa của một số tiểu vùng khác như xứ Sơn Namxứ Nghệ. Cũng sau thời Lê–Mạc, vai trò tiên phong dẫn đường của xứ Đông đối với việc sáng tạo thơ văn trong lịch sử văn học Việt Nam (với những đại diện tiêu biểu như Nguyễn Trãi, Nguyễn Dữ, Nguyễn Bỉnh Khiêm) phải chờ cho đến thời của nhóm cách tân văn chương Tự Lực Văn Đoàn (gồm những thành viên trụ cột có gốc gác xứ Đông như Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam) mới một lần nữa lặp lại ở thế kỷ 20.[7]

Trong lĩnh vực tạo tác gốm sứ, yếu tố minh văn (thường bằng chữ Hán) khắc trên sản phẩm là một trong những đặc trưng dễ nhận diện của đồ gốm sứ thời Lê–Mạc so với những thời đại trước đó, đặc biệt là thời kỳ Lý–Trần.[8][9] Hai trung tâm sản xuất đồ gốm sứ nổi tiếng nhất trong thời kỳ Lê–Mạc là Chu ĐậuBát Tràng.[10][11] Hai gia tộc nghệ nhân gốm Chu Đậu họ Bùi và họ Đặng (nổi danh nhất có Đặng Huyền Thông)[12][13]xứ Đông là thuộc số những dòng họ tạo tác gốm sứ danh tiếng nhất trong thời kỳ Lê–Mạc.

Trong lĩnh vực kiến trúc tâm linh, nhiều nhà nghiên cứu có chung nhận định rằng ngôi đình làng Việt Nam có khả năng xuất hiện sớm nhất vào thời Lê sơ (thế kỷ XV) để rồi thực sự định hình trong thời Mạc (thế kỷ XVI).

Xét về nhiều mặt (đặc biệt là về tôn giáo tín ngưỡng, chính trị, kinh tế, văn học - nghệ thuật), văn hóa thời Lê–Trịnh kể từ đầu thế kỷ 17 trở đi và cả thời Nguyễn kể từ đầu thế kỷ 19 trở đi là sự kế thừa và phát triển của nền văn hóa Lê–Mạc đã đạt tới đỉnh cao trước đó.

Về mặt trái của văn hóa Lê–Mạc là thể chế chính trị - xã hội Nho giáo trung ương tập quyền cao của thời đại gần 170 năm này dường như có xu hướng tạo ra nhiều quân vương cai trị hiếu sát quá mức cần thiết (thậm chí xuất hiện những hôn quân, bạo chúa) nếu so với thời kỳ Lý–Trần ngót 400 năm khi mà Phật giáo vẫn giữ vị thế dẫn dắt tư tưởng - tín ngưỡng của tầng lớp cai trị.

Nối tiếp thời kỳ Lý–Trần và thời thuộc Minh, thời kỳ văn hóa Lê–Mạc cơ bản kết thúc sau khi thế kỷ 16 khép lại. Sự kết thúc này cũng đồng thời đánh dấu chấm dứt cả một thời kỳ gần như liên tục trên một nghìn năm có lẻ khi ảnh hưởng ngoại lai đáng kể nhất với văn hóa Việt Nam đến từ trung tâm truyền thống là Hoa-Hán ở phương Bắc. Bởi vì sau thời kỳ văn hóa Lê–Mạc (chủ yếu bắt đầu từ thế kỷ 17 trở đi), với sự cai trị thực quyền của các chúa TrịnhĐàng Ngoàichúa NguyễnĐàng Trong (dù cả hai họ Trịnh và Nguyễn cầm quyền trên danh nghĩa vẫn "xưng thần" với vua nhà Lê Trung hưng) thì văn hóa Việt Nam lần đầu tiên có sự tiếp xúc ở mức độ đáng kể và tương đối cởi mở, chủ động với những nền văn hóa phi Hoa-Hán, trong đó có sự tiếp xúc giữa văn hóa Việt – Nhật và đặc biệt là Việt – Âu (chủ yếu thông qua các đoàn thương thuyền châu Âu và những giáo sĩ Dòng Tên). Có ba sự kiện quan trọng ảnh hưởng lâu dài về nhiều mặt đến lịch sử Việt Nam về sau, xảy ra gần như ngay sau khi thời kỳ văn hóa Lê–Mạc khép lại. Sự kiện thứ nhất: sự phân liệt hai xứ Đàng TrongĐàng Ngoài chính thức bắt đầu với những cuộc xung đột quân sự Trịnh – Nguyễn đầu tiên được sử sách ghi nhận. Sự kiện thứ hai: sự truyền bá của Đạo Thiên chúa, cụ thể hơn là Công giáo La Mã, lần đầu tiên ở quy mô đáng kể trên dải dất chữ S bắt đầu từ thể kỷ 17 trở đi, dù trước đó đã có vài nỗ lực truyền giáo được ghi nhận của các giáo sĩ phương Tây rải rác trong thế kỷ 16, thường lấy mốc thời gian bắt đầu từ năm 1533. Sự kiện thứ ba: sự hình thành sơ khai của bộ ký tự Latin về sau được gọi là chữ Quốc ngữ dùng để ghi âm tiếng Việt, với vai trò tiên phong của những giáo sĩ Dòng Tên người Bồ Đào Nha, người Italia và đặc biệt là của A Lịch Sơn Đắc Lộ (với hai cuốn sách Từ điển Việt–Bồ–LaPhép giảng tám ngày được xuất bản lần đầu tại Roma năm 1651).

Hình ảnh

[sửa | sửa mã nguồn]

Tài liệu nghiên cứu

[sửa | sửa mã nguồn]

Sách:

  • Đinh Khắc Thuân (chủ biên), Tuyển tập thơ, phú thời Mạc, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2016. (Ngày 24 tháng 3 năm 2015, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tổ chức nghiệm thu cấp bộ đề tài "Di sản Hán Nôm thời Mạc" do PGS.TS. Đinh Khắc Thuân làm chủ nhiệm.)
  • Đinh Khắc Thuân (sưu tập, khảo cứu, dịch chú), Văn khắc Hán Nôm thời Mạc, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2017
  • Kiều Thu Hoạch, Thơ Nôm Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2021
  • Lâm Giang (chủ biên), Hội Tao Đàn, tác gia - tác phẩm, Viện nghiên cứu Hán Nôm & Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994
  • Nguyễn Công Lý, Văn học Việt Nam thời Lê - Mạc, Nam Bắc phân tranh, Giáo trình, Nhà xuất bản ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, 2018
  • Nguyễn Đình Chiến, Đặng Huyền Thông – Tượng nhân gốm tài hoa thời Mạc, Bảo tàng Lịch sử quốc gia & Nhà xuất bản Thanh Niên, Hà Nội, 2017

Bài viết (tạp chí chuyên ngành), luận văn:

  • Bùi Duy Dương, Thành ngữ gốc Hán trong ba kiệt tác thơ Nôm Lưu trữ 2022-08-08 tại Wayback Machine, Tạp chí Hán Nôm, số 5(96), 2009
  • Dương Thị Hoàn, Sự vận động tư tưởng nhàn từ thơ Nôm Nguyễn Trãi đến thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm. (Luận văn Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn, Đại học Thái Nguyên, 2012)
  • Hoàng Thị Thu Thủy, Thi pháp thơ Nôm Nguyễn Trãi. (Luận văn Thạc sĩ Văn học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 2002)
  • Hoàng Tịnh Thủy, Nghiên cứu chữ Nôm và tiếng Việt trong văn bản "Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập". (Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Hán Nôm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, 2012)
  • Nguyễn Kim Châu, Sự phát triển của tiếng Việt văn học thế kỷ XVI qua cái nhìn đối sánh giữa "Quốc âm thi tập" của Nguyễn Trãi với "Bạch Vân quốc ngữ thi" của Nguyễn Bỉnh Khiêm. (Tạp chí Khoa học, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ, 2012)
  • Tạ Thị Hoa, Thế giới quan của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua hai tác phẩm "Bạch Vân am thi tập" và "Bạch Vân quốc ngữ thi tập". (Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015)
  • Trần Nguyên Việt, Vấn đề con người trong tư tưởng triết học của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tạp chí Triết học số 1, 2000

Nguồn khác (báo, tạp chí điện tử):

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Khiêu trong bài viết "Kỷ niệm 400 năm ngày mất của Nguyễn Bỉnh Khiêm: Những vấn đề khoa học trong nghiên cứu Nguyễn Bỉnh Khiêm" (1985) đã có đánh giá mang tính tổng kết về những đóng góp quan trọng của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng như Nguyễn Trãi trong dòng chảy của lịch sử thơ văn Việt Nam: "...Trước hết, phải thấy rằng suốt bao nhiêu thế kỷ học chữ Hán và làm thơ bằng chữ Hán, các nhà trí thức Việt Nam trước những khó khăn về ngôn từ và thể loại đã lẩn tránh việc cố gắng làm thơ bằng tiếng mẹ đẻ. Trước sự sáng tạo của Nguyễn Thuyên, sự quan tâm đặc biệt của Nguyễn Trãi, thành quả bước đầu của Lê Thánh Tôngnhóm Tao Đàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã suốt cuộc đời dành bao tâm huyết để làm thơ bằng tiếng Việt. Không chỉ nói với đồng bào mình những điều muốn nói. Ông cũng như Nguyễn Trãi đã đem hết nhiệt tình xây dựng nền văn học dân tộc mà lòng yêu nước và óc tự cường đã hằng ngày thôi thúc các ông. Với một di sản lớn lao mà ông để lại, thơ Nôm của ông đã đánh dấu một chặng đường quang vinh trong lịch sử văn học Việt Nam. Thơ văn ông vừa mang những nét mộc mạc và rắn chắc của thơ Nguyễn Trãi, vừa tiếp thu truyền thống trau chuốt và nhuần nhuyễn của thơ Lê Thánh Tông và nhóm Tao Đàn. Thơ của ông chính là sự chuẩn bị cần thiết cho sự phát triển rực rỡ của thơ Nôm thế kỷ XVIII."
  2. ^ Trong cuốn sách Tổ quốc ăn năn (xuất bản lần đầu ở Paris năm 2001), tác giả Nguyễn Gia Kiểng có đưa ra những nhận xét:

    ...Nói tới văn hóa Việt Nam thực ra chỉ là nói đến thơ văn. Và thơ văn của chúng ta chỉ xuất hiện từ thời nhà Lý, nghĩa là từ thế kỷ 11 trở đi. Trước đó chúng ta có rất ít dấu tích thơ văn Việt Nam. Có thể là do hoàn cảnh lịch sử, những thơ văn của người Việt đã có trước thế kỷ 11 nhưng đã bị thất lạc. Nhưng cứ nhìn vào thành tích thơ văn của bốn thế kỷ Lý Trần, ta có thể khẳng định là thơ văn Việt Nam trước đó nếu có cũng không đáng kể, cả về phẩm lẫn lượng. Bốn trăm năm độc lập, dưới hai triều đại mà chúng ta cho là huy hoàng nhất trong lịch sử, chắc chắn thơ văn Việt Nam đã làm một bước nhảy vọt vĩ đại so với thời gian trước. Vậy nhìn vào thơ văn Lý Trần ta có thể hình dung được thơ văn trước đó.

    Những công trình khảo cứu đã tổng kết được khoảng hơn sáu trăm bài thơ và văn đủ loại trong bốn thế kỷ. Cứ coi là một số đã bị thất lạc và cộng thêm một ngàn bài nữa để đưa con số này lên một ngàn sáu trăm thì, nói chung, chúng ta cũng chỉ sáng tác được mỗi năm bốn bài. Các bài lại thường thường rất ngắn, có khi chỉ vài câu thôi. Trung bình mỗi bài chưa tới một trăm chữ. Như vậy, ngay cả nếu ước lượng một cách rất rộng rãi thì trung bình trong bốn thế kỷ cực thịnh đó cả nước đã chỉ sáng tác được mỗi ngày một chữ!

    Có một sự kiện cần lưu ý là sau khi tiêu diệt được nhà Hồ (năm 1407), hoàng đế Trung Quốc là Minh Thành Tổ đã ra lệnh cho quân Minh thu thập rồi tiêu hủy hay chở về Trung Quốc các tác phẩm bằng chữ Nho của Việt Nam. Lệnh này đã không được thi hành nghiêm túc (tại sao? phải chăng là các quan nhà Minh thấy chẳng có gì đáng kẻ?) nên Minh Thành Tồ phải ra một lệnh thứ hai quở trách quan tướng nhà Minh và đòi phải thi hành triệt đề. Nhà Minh đã cướp mất của chúng ta những gì không ai biết rõ. Trong "Việt Nam sử lược", Trần Trọng Kim dựa vào các pho sử có trước nói rằng quân Minh đã lấy của chúng ta 24 bộ sách. Thực tế có thể là hơn. Nhưng dựa vào những gì còn lại ta có thể kết luận là cũng không có gì đáng tiếc lắm, ít nhất về phẩm. Chúng ta hay nói tới các tác phầm của Chu Văn An, nhưng dựa vào những gì còn sót lại của Chu Văn An thì cũng có thể kết luận rằng các tác phẩm của ông cũng không có giá trị đặc biệt nào.

    Thơ văn Việt Nam thực ra chỉ khởi sắc dưới thời Hậu Lê với các tác giả Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, và chỉ phát triển mạnh từ thế kỷ 18 trở đi để đạt tới cao điểm vào thế kỷ 19 dưới triều Nguyễn, với các tác giả lớn như Lê Quý Đôn, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Đặng Trần Côn, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Huy Tự, Phan Huy Chú, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Dương Khuê… Sự khởi sắc đột ngột này có một nguyên nhân quan trọng, đó là thắng lợi của chữ Nôm trên chữ Hán.

  3. ^ Bùi Duy Dương, Thành ngữ gốc Hán trong ba kiệt tác thơ Nôm Lưu trữ 2017-09-18 tại Wayback Machine. (Tạp chí Hán Nôm, Số 5 [96], 2009)
  4. ^ Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Huệ Chi trong bài viết "Bước đầu suy nghĩ về văn học thời Mạc Lưu trữ 2016-03-07 tại Wayback Machine" (2009) đã nhấn mạnh: "Ông [Nguyễn Bỉnh Khiêm] là một nhà văn hóa, và riêng ở bình diện văn hóa mà nói thì tầm vóc không thua kém Nguyễn Trãi là mấy, phần nào đấy còn khai phá vào một vài lĩnh vực sâu hơn. Bởi ông chuyên về dịch học... Là một nhà dịch học nên ông nổi tiếng là bậc tiên tri, nhưng ông cũng lại là một nhà thơ lớn. Ông viết đến một nghìn bài thơ chữ Hán. Đây là con số mà từ thời đại Mạc trở về trước hoàn toàn chưa có. Đến như Nguyễn Trãi cũng chỉ có 105 bài (không nói về tầm vóc, thơ Nguyễn Trãi kết tinh những tư tưởng nghệ thuật đột xuất, thể hiện một cái "tôi" thao thức trước những vấn đề có thể nói là vấn nạn lịch sử, chắc chắn về số lượng thơ ông đã bị mất mát nhiều nhưng không rõ nếu còn thì có đến 1.000 bài hay không). Lê Thánh Tông tuy tỏ rõ tài năng hùng hậu về thơ, đề tài lại đa dạng, song đứng về số lượng, so với Nguyễn Bỉnh Khiêm hẳn vẫn không bằng. Bên cạnh thơ chữ Hán, thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng rất dồi dào. Thơ Nôm ông có mặt không thể sánh với thơ Nôm Nguyễn Trãi, lại có mặt đánh dấu một chặng phát triển mới so với thơ Nguyễn Trãi. Rất may mắn cho chúng ta, hiện nay đã tìm được khoảng 800 bài thơ chữ Hán, 180 bài thơ Nôm của ông."
  5. ^ Trong bài viết "Thói háo danh và bệnh vĩ cuồng của trí thức" đăng trên trang mạng Tuanvietnam.net (31/7/2009), nhà nghiên cứu phê bình văn học Vương Trí Nhàn nhấn mạnh thực trạng mất cân bằng đáng kể giữa số lượng những nhà khoa bảng, cùng với số lượng những người được xếp vào danh mục nhà văn, nhà thơ trong lịch sử Việt Nam thời kỳ tự chủ (tính từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX) đặt trong sự so sánh với số lượng trước tác thơ văn còn lưu lại tới ngày nay:

    Tự hào về nền giáo dục xưa, ta hay đưa dẫn chứng là trong lịch sử, các triều đại đã mở nhiều khoa thi và đã lấy được nhiều tiến sĩ, các bia tiến sĩ đó còn được đặt trong văn miếu. Nhưng thử hỏi trước tác của các vị tiến sĩ đó là gì hay chỉ là những bài văn mòn sáo sau khi dâng vua thì chính người viết ra nó cũng quên nó luôn.

    Có thể chứng minh sự kém cỏi của nền giáo dục cổ ở một khía cạnh khác. Nhân xem xét danh sách các tác gia văn học Việt Nam bằng con mắt thống kê, người ta đã phát hiện ra một nghịch lý vui vui. Đó là nhiều nhà văn nhà thơ Việt Nam thời trước nổi tiếng mà không có tác phẩm (đây là nói những tác phẩm dày dặn, có chất lượng đáng kể, được truyền tụng về sau và trở thành một đối tượng mô tả bắt buộc của các bộ từ điển).

    "Từ điển văn học Việt Nam" do Lại Nguyên Ân biên soạn với sư cộng tác của Bùi Văn Trọng Cường có 276 mục dành cho tác giả trong khi chỉ có 132 mục dành cho tác phẩm. Từ thế kỷ thứ X đến hết thế kỷ XIX, tính đổ đồng, mỗi thế kỷ chỉ có 7 tác phẩm; riêng thế kỷ XIX khá hơn, có tới 68 tác phẩm được ghi vào từ điển, nhưng số tác giả cũng lớn hơn, tới 78 người.

    Cái hiện tượng cây không trái này (đúng hơn, có thể là toàn những trái chua trái héo, không cần cho ai, đời sau không ai buồn nhớ) càng thấy rõ khi nhìn vào hàng ngũ các ông trạng - chúng tôi muốn nói tới trạng chính thống chứ không phải trạng theo nghĩa dân gian.

    Theo Vũ Ngọc Khánh trong cuốn "Kho tàng về các ông trạng Việt Nam" thì không kể triều Nguyễn không lấy trạng nguyên, các triều đại Lý Trần Lê có tới 47 người được phong trạng. Nhưng phần lớn họ không có tên trong danh sách các tác gia nổi tiếng ở nước ta.

    Ngược lại, xét chung các nhà sáng tác thơ văn, từ Nguyễn Du tới Nguyễn Đình Chiểu, từ Nguyễn Gia Thiều, Phạm Thái cho tới Tú Xương, nhiều người không thuộc loại đỗ đạt cao. Riêng về biên khảo, một học giả thực thụ như Phan Huy Chú, tác giả của bộ sách đồ sộ, mang tính cách tổng kết lớn, một thứ bách khoa toàn thư là "Lịch triều hiến chương loại chí", chỉ đỗ đến tú tài.

  6. ^ Xứ Đông cũng còn được gọi là xứ Hải Đông hay trấn Hải Dương. Ở thời kỳ nhà Mạc đóng đô tại Thăng Long thì xứ Đông nội thuộc vào vùng Dương Kinh, thường được nhiều nhà nghiên cứu xem là kinh đô thứ hai đương thời của triều Mạc (sau trung tâm chính trị Thăng Long). Do tầm quan trọng đặc biệt về kinh tế xã hội đương thời ở thế kỷ 16 đối với nhà Mạc mà vai trò lịch sử của Dương Kinh khác với Đình Bảng thời nhà Lý hay Thiên Trường thời nhà Trần. Xét về mặt kinh tế xã hội, Dương Kinh (thời Mạc) có vai trò năng động hơn hẳn Đình Bảng (thời Lý) cũng như Thiên Trường (thời Trần).
  7. ^ Về vai trò lịch sử của nhóm Tự Lực văn đoàn đã có không ít bình luận và nhận định của cả những nhà nghiên cứu trong nước và hải ngoại. Ở đây có thể dẫn ra tổng kết ngắn gọn của Hoàng Xuân Hãn (Tạp chí Sông Hương, số 37, 1989) rằng trong lịch sử văn học Việt Nam thì "nhóm Tự Lực không phải là nhóm duy nhất nhưng là nhóm quan trọng nhất và là nhóm cải cách đầu tiên của nền văn học hiện đại."
  8. ^ Phạm Thị Huyền, Tìm hiểu về gốm minh văn triều Mạc qua sưu tập chân đèn ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, 05/02/2017)
  9. ^ Nguyễn Đình Chiến, Ghi chú về những chân đèn gốm Bát Tràng thời Mạc có minh văn. (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, 20/01/2018)
  10. ^ Phạm Quốc Quân, Có một phong cách gốm "Quan dụng" triều Mạc. (Tạp chí điện tử Thế giới Di sản, 30/03/2016)
  11. ^ Nguyễn Đình Chiến, Ghi chú về những chân đèn gốm Bát Tràng thời Mạc có minh văn. (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, 20/01/2018)
  12. ^ Nguyễn Đình Chiến, Chân đèn gốm men lam xám có minh văn của Đặng Huyền Thông. (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, 04/06/2017)
  13. ^ Nguyễn Đình Chiến, Đặng Huyền Thông – Tượng nhân gốm tài hoa thời Mạc. (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, 19/12/2018)