Giáo dục khoa cử thời Mạc
Giáo dục khoa cử thời Mạc trong lịch sử Việt Nam phản ánh hệ thống trường học và chế độ khoa cử nước Đại Việt từ năm 1527 đến năm 1592 trong vùng nhà Mạc kiểm soát.
Hệ thống trường học
[sửa | sửa mã nguồn]Thừa kế nền giáo dục từ thời Lê sơ, nhà Mạc vẫn dùng Nho giáo làm tư tưởng chính thống trong việc thể chế hoá các chính sách cai trị và xây dựng bộ máy triều đình.
Quốc Tử Giám và nhà Thái học vẫn là trung tâm giáo dục lớn nhất cả nước. Qua các cuộc chiến xung đột cuối thời Lê, nhiều công trình kiến trúc ở Văn Miếu bị hư hại. Năm 1536, Mạc Thái Tông sai Mạc Đình Khoa tu sửa lại trường Quốc Tử Giám.
Năm 1537, thượng hoàng Mạc Thái Tổ đích thân đến nhà Thái học làm lễ tế Khổng Tử.
Tại các lộ trong nước tiếp tục duy trì các trường học như thời Lê sơ và các trường tư.
Tài liệu học tập
[sửa | sửa mã nguồn]Tài liệu học tập, giảng dạy và thi cử chính thức vẫn như thời Lê sơ, gồm có:
Chế độ khoa cử
[sửa | sửa mã nguồn]Nhà Mạc rất chú trọng phát triển nhân tài trong nước và tổ chức đều đặn các kỳ thi 3 năm 1 lần, từ khi mới thành lập đến năm tồn tại cuối cùng. Năm 1592, dù quân Nam triều tiến ra đánh chiếm, chiến sự đã áp sát kinh thành Thăng Long, Mạc Mậu Hợp vẫn tổ chức thi cử đúng định kỳ ở bên kia sông Hồng. Việc chọn sĩ tử tới ra đề, quan coi thi, tổ chức thi, lệ ban thưởng bia đá... đều theo nếp cũ của nhà Lê sơ[1].
Tương tự như thời Lê sơ, có 3 kỳ thi chính và quan trọng nhất là thi Hương, thi Hội và thi Đình.
Các khoa thi
[sửa | sửa mã nguồn]Từ năm 1529 thời Mạc Thái Tổ đến năm 1592 thời Mạc Mậu Hợp, nhà Mạc đã tổ chức 22 khoa thi, lấy đỗ 485 tiến sĩ, trong đó có 13 trạng nguyên.
- Triều Mạc Thái Tổ tổ chức 1 khoa:
- Khoa Kỷ sửu (1529), lấy đỗ 27 tiến sĩ
- Triều Mạc Thái Tông tổ chức 3 khoa:
- Khoa Nhâm thìn (1532), lấy đỗ 27 tiến sĩ
- Khoa Ất mùi (1535), lấy đỗ 32 tiến sĩ
- Khoa Mậu tuất (1538), lấy đỗ 36 tiến sĩ
- Triều Mạc Hiến Tông tổ chức 2 khoa:
- Khoa Tân sửu (1541), lấy đỗ 30 tiến sĩ
- Khoa Giáp thìn (1544), lấy đỗ 17 tiến sĩ
- Triều Mạc Tuyên Tông tổ chức 6 khoa:
- Khoa Đinh mùi (1547), lấy đỗ 30 tiến sĩ
- Khoa Canh tuất (1550), lấy đỗ 26 tiến sĩ
- Khoa Quý sửu (1553), lấy đỗ 21 tiến sĩ
- Khoa Bính thìn (1556), lấy đỗ 24 tiến sĩ
- Khoa Kỷ mùi (1559), lấy đỗ 20 tiến sĩ
- Khoa Nhâm tuất (1562), lấy đỗ 18 tiến sĩ
- Triều Mạc Mậu Hợp tổ chức 10 khoa:
- Khoa Ất sửu (1565), lấy đỗ 16 tiến sĩ
- Khoa Mậu thìn (1568), lấy đỗ 17 tiến sĩ
- Khoa Tân mùi (1571), lấy đỗ 17 tiến sĩ
- Khoa Giáp tuất (1574), lấy đỗ 24 tiến sĩ
- Khoa Đinh sửu (1577), lấy đỗ 18 tiến sĩ
- Khoa Canh thìn (1580), lấy đỗ 24 tiến sĩ
- Khoa Quý mùi (1583), lấy đỗ 18 tiến sĩ
- Khoa Bính tuất (1586), lấy đỗ 23 tiến sĩ
- Khoa Kỷ sửu (1589), lấy đỗ 17 tiến sĩ
- Khoa Nhâm thìn (1592), lấy đỗ 17 tiến sĩ
Việc khắc tên tiến sĩ vào bia đá chỉ được thực hiện 1 lần năm 1529. Sau đó do chiến tranh, việc này không còn được chú trọng. Năm 1582, Trần Thì Thầm kiến nghị với Mạc Mậu Hợp khôi phục việc khắc bia tiến sĩ, nhưng do chiến tranh nên vẫn bị gác lại[2].
Nhận định
[sửa | sửa mã nguồn]Giáo dục và khoa cử thời Mạc đã tạo ra một đội ngũ quan lại cho bộ máy triều đình, trong đó có không ít người danh vọng rất cao như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Hà Nhậm Đại, Hoàng Sĩ Khải...[3].
Nguyễn Dữ tuy không đỗ đạt nhưng cũng trở thành danh Nho đương thời. Hệ thống giáo dục thời Mạc tạo ra một đội ngũ Nho sĩ đông đảo ở các làng xã; từ đó Hội tư văn được thành lập. Họ có ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng cổ lệ phong kiến địa phương[2].
Phạm Đình Hổ sống thời Lê mạt đã nhận định về việc khoa cử thời Mạc như sau[4]:
- "Những kẻ tao nhân văn sĩ đều đua nhau theo lối phù phiếm, so với thời Tiền Lê (tức Lê sơ) lại càng kém. Song thói học chưa đến nỗi hủ lậu nên học vấn, văn chương, chính sự, công nghiệp cũng không kém cổ nhân mấy"
- "Đầu bài văn sách khi đó có 200 chữ... hỏi một cách bao hàm, rộng rãi, không phải người học quán xuyến cổ kim thì không thể hạ bút viết được. Vậy nên chọn được nhiều người tài giỏi. Những đời gần đây (chỉ khoa cử thời Lê trung hưng) không thể sánh kịp. Từ đời Diên Thành[5] trở lên, nề nếp ấy vẫn còn..."
Theo đánh giá của Phan Huy Chú vào thế kỷ 19[3]:
- "Nhà Mạc dẫu bận chiến tranh mà vẫn không bỏ thi cử, vì thế được nhiều người tài giỏi giúp việc, chống đối với nhà Lê, kéo dài đến hơn 60 năm. Ấy cũng là công hiệu của khoa cử đó."
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]- Nhà Mạc
- Chiến tranh Lê-Mạc
- Giáo dục khoa cử thời Lê Sơ
- Giáo dục khoa cử Đàng Ngoài thời Lê trung hưng
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Viện Sử học (2007), Lịch sử Việt Nam, tập 3, Nhà xuất bản Khoa học xã hội
- Viện Sử học (1996), Vương triều Mạc, Nhà xuất bản Khoa học xã hội
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]Khoa bảng | ||
---|---|---|
Thi Hương | Thi Hội | Thi Đình |
Giải nguyên | Hội nguyên | Đình nguyên |
Hương cống Sinh đồ |
Thái học sinh Phó bảng |
Trạng nguyên Bảng nhãn Thám hoa Hoàng giáp Đồng tiến sĩ xuất thân |