Bước tới nội dung

Trần Viên Viên

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Trần Viên Viên
陳圓圓
Tranh vẽ Trần Viên Viên tuyển chọn từ Thanh Sử Đồ Điển.Thuận Trị Triều (清史图典·顺治朝)
SinhHình Nguyên (邢沅)
1624
Thường Châu, Giang Tô
Mất?
Vân Nam
Quốc tịchĐại Minh
Tên khácUyển Phân (畹芬)
Nghề nghiệpKỹ nữ
Phối ngẫuNgô Tam Quế
Trần Viên Viên
Phồn thể陳圓圓
Giản thể陈圆圆
Hình Nguyên
(tên khai sinh)
Tiếng Trung邢沅
Uyển Phân
Tiếng Trung畹芬

Trần Viên Viên (1624-?[1]) là một kỹ nữ nổi danh trong lịch sử Trung Quốctự Uyển Phân (畹芬),[2] vợ lẽ của danh tướng Sơn Hải quan Ngô Tam Quế. Đồng thời cũng bị quy cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Ngô Tam Quế dẫn quân Thanh chiếm Trung Nguyên.[3]

Thân thế

[sửa | sửa mã nguồn]

Bà nguyên họ tên là Hình Nguyên (tiếng Trung: 邢沅),[4][5] quê ở Thường Châu, Giang Tô, sống vào thời thời Minh mạt, Thanh sơ. Mẹ mất sớm, cha vốn là một người buôn bán nhỏ nhưng do hoàn cảnh bần hàn nên đã bỏ đi xa, để lại cô con gái duy nhất cho người em vợ nuôi. Do hoàn cảnh mồ côi sớm, nên lớn lên Viên Viên mang theo họ Trần của người dượng, chồng của dì. Lớn lên là danh kỹ tại khu vực Đào Hoa Ổ nhai đạo, Tô Châu với nhan sắc khuynh quốc khuynh thành, hoa minh tuyết diễm, hát hay múa đẹp, sắc nghệ quán thế.[6]

Bấy giờ, vua Sùng Trinh đang sủng ái Điền Quý phi, làm cho Chu hoàng hậu rất ghen tức. Biết chuyện, ngoại thích Chu Khuê (周奎) là cha của Chu hoàng hậu muốn tìm mỹ nhân dâng lên hoàng đế, để giải tỏa ưu tư, truyền lệnh cho cha của Điền Quý Phi là Điền Thích Uyển tìm mỹ nữ Giang Nam. Sau đó, Điền Thích Uyển đem các danh kỹ Trần Viên Viên, Dương Uyển (楊宛), Cố Tần (顧秦) dâng lên cho vua Sùng Trinh. Lúc này, chiến tranh diễn ra liên miên, vua mải mê khoái lạc. Trần Viên Viên trở lại Điền phủ, bị Điền Thích Uyển chiếm luôn làm của riêng. Một ngày, Ngô Tam Quế tới Điền phủ tình cờ nhìn thấy Trần Viên Viên, nhất kiến chung tình, bèn nạp làm vợ lẽ.[7][8]

Kiếp gian truân

[sửa | sửa mã nguồn]

Hai lần lận đận

[sửa | sửa mã nguồn]

Trần Viên Viên ở chốn dân gian làm ca kỹ, khó tránh khỏi kiếp dùng sắc bán thân. Có rất nhiều truyền thuyết về đoạn thời gian này của bà, nổi tiếng nhất là câu chuyện trong Thiên Hương các tùy bút (天香阁随笔) về người Giang Âm tên Cống Nhược Phủ (贡若甫) từng lấy số tiền lớn chuộc Trần Viên Viên làm thiếp, nhưng chính thê của Nhược Phủ không dung túng được Viên Viên. Nhưng khi cha của họ Cống thấy Viên Viên thì kinh hô lên; ["Là quý nhân"], do vậy mà đuổi Viên Viên đi, không đòi bồi thường tiền[9].

Sau khi rời khỏi nhà họ Cống, Trần Viên Viên gặp được Mạo Tương (冒襄), cả hai có một đoạn tình duyên, đến nỗi từng ước hẹn hôn nhân, cả hai hay cùng hẹn gặp ở Tô Châu. Khoảng năm Sùng Trinh thứ 14 (1641), Trần Viên Viên mạo hiểm đến tận nhà họ Mạo, gặp mẹ của Mạo Tương mà bái lạy, nói ra ước hẹn hôn nhân giữa bà cùng Mạo Tương. Hai người cảm tình lưu luyến, nhưng từ đó Mạo Tương lại lấy lý do loạn lạc chết chóc mà chần chừ không chịu cưới hẳn Viên Viên, trong lúc bà thất vọng thì gặp được Điền Hoằng Ngộ, lúc ấy phụng mệnh đến Giang Nam tìm ca kỹ phục vụ Hoàng đế. Theo Ảnh Mai am ức ngữ (影梅庵忆语) của Mạo Tương, cả hai đính ước là vào mùa thu năm Sùng Trinh thứ 14, từ nay về sau trong nhà có chuyện, không thể hoàn thiện tâm nguyện một đời của Viên Viên, nhưng về sau Viên Viên tích cực gửi thư nên Mạo Tương dần có quyết tâm, đến năm Sùng Trinh thứ 15 muốn cùng Viên Viên hẹn gặp khi "Trọng xuân" (仲春), tức tháng 2 nông lịch. Không ngờ Viên Viên vào 10 ngày trước đã bị đưa đến kinh sư.

Vào kinh làm thiếp

[sửa | sửa mã nguồn]

Khoảng năm Sùng Trinh thứ 15 đến năm thứ 16 (1642 - 1643), Sùng Trinh Đế đang gặp chuyện không vui ở chính sự, làm cho cha của Chu Hoàng hậuChu Khuê (周奎) rất lo lắng, muốn tìm mỹ nhân dâng lên Hoàng đế để giải tỏa ưu tư, truyền lệnh cho cha của Điền Quý phiĐiền Hoằng Ngộ (田戚畹) tìm mỹ nữ Giang Nam. Sau đó, Điền Hoằng Ngộ đem các danh kỹ Trần Viên Viên, cùng với Dương Uyển (楊宛), Cố Tần (顧秦) dâng lên cho Sùng Trinh Đế[10][11]. Lúc này, chiến tranh diễn ra liên miên, Hoàng đế không muốn nghe đến áp lực nên mải mê khoái lạc.

Phục vụ được một thời gian, không rõ lý do gì mà Trần Viên Viên trở lại Điền phủ, bị Điền Hoằng Ngộ chiếm luôn làm của riêng. Khi ấy, Điền Hoằng Ngộ đang dần thất thế do Điền Quý phi đã qua đời, cho nên tích cực tìm đồng minh, trong đó có Ngô Tam Quế đang nắm nhiều binh quyền, vì vậy Điền Hoằng Ngộ thường mời Ngô Tam Quế đến nhà riêng. Một ngày, Ngô Tam Quế tới Điền phủ tình cờ nhìn thấy Trần Viên Viên nhan sắc diễm lệ động lòng người, nhất kiến chung tình, nên hỏi chuyện Điền Hoằng Ngộ. Họ Điền vì muốn lấy lòng Tam Quế mà hoan hỉ đưa Viên Viên đến nhà họ Ngô, thế là Viên Viên trở thành thiếp của Ngô Tam Quế bắt đầu từ đấy[7][8]. Có nguồn khác lại ghi:「"Viên Viên được vào Hoàng cung để hầu hạ Sùng Trinh Đế, nhưng chỉ được 3 ngày, bị Hoàng hậu đưa ra cung. Sau được Chu quốc trượng gả cho Ngô Tam Quế"」. Về sau, Viên Viên cũng được họ Ngô sủng ái, tuy nhiên, khi Ngô Tam Quế được cử ra trấn thủ Sơn Hải quan để ngăn chặn quân Mãn Châu thì bà không theo ra trận mà vẫn ở lại Bắc Kinh.

Năm Sùng Trinh thứ 17 (1644), lực lượng của Sấm vương Lý Tự Thành vào chiếm lấy Bắc Kinh, lên ngôi Hoàng đế. Sùng Trinh Đế bỏ chạy rồi tự vẫn ở Môi Sơn. Trần Viên Viên bị thuộc tướng của Lý Tự Thành là Lưu Tông Mẫn chiếm đoạt và cướp vào trong cung hầu hạ Lý Tự Thành.

Chính Minh sử chép lại, khi nghe tin quân nổi dậy uy hiếp kinh đô, Ngô Tam Quế liền dẫn binh về cứu. Dọc đường, biết Bắc Kinh đã thất thủ, Minh Đế đã chết, lại nghe Lý Tự Thành dụ dỗ nên họ Ngô đã định hàng[12]. Nhưng khi đến Loan Châu, Tam Quế hay tin ái thiếp của mình là Trần Viên Viên bị Lý Tự Thành chiếm đoạt, thế là Ngô Tam Quế nổi giận, đến xin hợp với quân của Duệ Thân vương Đa Nhĩ Cổn đem quân quay về đánh kinh thành[13]. Đây là một quyết định rất quan trọng ảnh hưởng nhất đến lịch sử Trung Quốc bấy giờ[14][15]. Cuộc chiến tranh lần hai này được sử sách ghi chép lại đã trở thành cuộc nội chiến vô cùng đẫm máu, khiến rất nhiều binh lính và dân thường thương vong, làng mạc xác xơ hoang tàn, cảnh tượng máu chảy đầu rơi khắp chốn. Chẳng thế mà, người đời đều oán than, căm thù, phỉ báng Trần Viên Viên, vì cho rằng nàng chính là nguyên nhân gây ra tất cả, cứ như vậy, nỗi oan khuất chiến tranh đã giáng xuống đầu của nàng kỹ nữ tài sắc vô tội này. Lực lượng Lý Tự Thành, sau đó bị liên quân Ngô Tam Quế và Mãn Thanh đánh bại, phải bỏ chạy khỏi kinh đô, rồi Lý Tự Thành bị dân làng giết chết[16]. Tiếp theo, Ngô Tam Quế diệt luôn được nhà Nam MinhNam Kinh, nên được nhà Thanh phong là Tây Bình vương, cho trấn thủ ở Vân Nam.

Kết cục

[sửa | sửa mã nguồn]

Kết cục của Trần Viên Viên không rõ ràng. Theo nhiều tài liệu ghi chép lại lẫn sự truyền miệng của nhiều người thì nàng có nhiều kết cục khác nhau[17][18][19][20].

Theo một số tài liệu được ghi lại thì sau khi chiến thắng và thành lập nhà Thanh, Trần Viên Viên đã được đoàn tụ với Ngô Tam Quế, khi ấy đã được nhà Thanh phong làm Bình Tây vương và làm chủ một vùng Vân Nam rộng lớn. Về sau, Ngô Tam Quế có phú quý, ngày càng nạp nhiều thiếp thất, Viên Viên vốn bất hòa với vợ cả của Tam Quế, mà nhan sắc ngày càng suy mà cũng thất sủng, vì vậy dần rời khỏi phủ họ Ngô quyết định xuất gia. Cũng có tài liệu ghi rằng Trần Viên Viên đã bị giết trong loạn binh khi Bắc Kinh thất thủ.

Tuy nhiên, kết cục phổ biến nhất được nhiều người kể lại là: Sau khi quân Mãn Thanh dẹp được Lý Tự Thành, mở ra một trang mới cho lịch sử Trung Quốc. Ngô Tam Quế nhờ vậy cũng trở thành một vị đại tướng của nhà Thanh. Thế nhưng, cay đắng thay cho Trần Viên Viên, do lo ngại bị điều tiếng lấy phải kỹ nữ, Ngô Tam Quế liền đưa nàng lên sống cô đơn trên một ngôi chùa vắng ở Côn Sơn - Vân Nam. Cuối đời, nàng kỹ nữ nổi tiếng nhất đời Minh Thanh trở thành một vị Đạo cô, nàng sống ẩn dật và chết một cách âm thầm trong cô quạnh[1]. Mỗi lời truyền miệng mang sắc thái khác nhau nhưng lại được phổ biến trong văn hóa dân gian[21][22].

Nhận định

[sửa | sửa mã nguồn]

Các sử gia chính thống Trung Quốc ngày xưa luôn coi kỹ nữ Trần Viên Viên là kẻ tội đồ, kẻ đốt đền làm sụp đổ triều đại nhà Minh, một dòng dõi Hán tộc. Nhưng nếu nhìn ở góc độ khác, sẽ thấy sự sụp đổ của triều Minh là một tất yếu của lịch sử sau hơn 276 năm tồn tại. Bởi nhiều nguyên nhân nội tại và ngoại nhân.

Số kiếp hồng nhan họa thủy của Trần Viên Viên đã cho người đời thấy cảnh tượng “vùi hoa dập liễu” mấy lần, mấy lượt, rốt cuộc chỉ là hư không. Nhan sắc bi kịch của Trần Viên Viên đã gây nên hệ lụy sóng gió, binh đao của những anh hùng trong thiên hạ lúc bấy giờ. Nhưng chung quy, những đánh giá về Viên Viên đều có cảm thông và quy tội Ngô Tam Quế đơn giản là vì bản thân tự chuốc lấy, Trần Viên Viên hoàn toàn vô tội. Danh sĩ Lục Thứ Vân (陸次雲) trong Trần Viên Viên truyện (陳圓圓傳) có đánh giá về Trần Viên Viên tương đối ca ngợi: 「Thanh giáp thiên hạ chi thanh, Sắc giáp thiên hạ chi sắc; 聲甲天下之聲,色甲天下之色。」. Có lẽ những suy nghĩ cảm thông như vậy mà đời sau vẫn còn cảm thông chuyện tình, chuyện đời kỹ nữ Trần Viên Viên với "Viên Viên khúc" (圓圓曲) kinh điển. Sau thời đại của Trần Viên Viên không lâu, một bài thơ dài có tên Viên Viên khúc trở thành một khúc hát kinh điển về Trần Viên Viên.

Tác giả bài thơ là Ngô Vĩ Nghiệp (吳偉業, 1609-1672), quê ở Thái Thương (nay thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc). Ông đỗ Tiến sĩ năm Sùng Trinh thứ 4 (1631), ra làm quan với nhà Minh một thời gian. Khi quân Thanh chiếm Trung Quốc, ông về ẩn cư ở quê nhà. Năm Thuận Trị thứ 10 (1653), ông buộc phải tuân chiếu chỉ ra làm quan với nhà Thanh, giữ chức Quốc tử giám Tế tửu, tức Hiệu trưởng của trường Quốc Tử Giám. Ba năm sau thì từ quan. Ngô Vĩ Nghiệp là nhà thơ nổi tiếng, đồng thời cũng giỏi cả từ, khúchội họa[23]. Bài Viên Viên khúc của Ngô Vĩ Nghiệp là một trong những khúc thơ văn nổi tiếng nhất nói về Trần Viên Viên.

圓圓曲
...
鼎湖當日棄人間,
破敵收京下玉關。
慟哭六軍俱縞素,
衝冠一怒為紅顏。
紅顏流落非吾戀,
逆賊天亡自荒讌。
電掃黃巾定黑山,
哭罷君親再相見。
相見初經田竇家,
侯門歌舞出如花。
許將戚里箜篌伎,
等取將軍油壁車。
家本姑蘇浣花里,
圓圓小字嬌羅綺。
夢向夫差苑裡遊,
宮娥擁入君王起。
前身合是採蓮人,
門前一片橫塘水。
橫塘雙槳去如飛,
何處豪家強載歸?
此際豈知非薄命,
此時只有淚沾衣。
薰天意氣連宮掖,
明眸皓齒無人惜。
奪歸永巷閉良家,
教就新聲傾座客。
座客飛觴紅日暮,
一曲哀弦向誰訴?
白皙通侯最少年,
揀取花枝屢迴顧。
早攜嬌鳥出樊籠,
待得銀河幾時渡。
恨殺軍書抵死催,
苦留後約將人誤。
相約恩深相見難,
一朝蟻賊滿長安。
可憐思婦樓頭柳,
認作天邊粉絮看。
遍索綠珠圍內第,
強呼絳樹出雕欄。
若非將士全師勝,
爭得蛾眉匹馬還?
蛾眉馬上傳呼進,
雲鬟不整驚魂定。
蠟炬迎來在戰場,
啼妝滿面殘紅印。
專征簫鼓向秦川,
金牛道上車千乘。
斜谷雲深起畫樓,
散關月落開妝鏡。
消息傳來滿江鄉,
烏臼紅經十度霜。
教曲妓師憐向在,
浣紗女伴憶同行。
舊巢共是啣泥燕,
飛上枝頭變鳳凰。
長向尊前悲老大,
有人夫婿擅侯王。
當時祇受聲名累,
貴戚名豪競延致。
一斛明珠萬斛愁,
關山漂泊腰支細。
錯怨狂風颺落花,
無邊春色來天地。
嘗聞傾國與傾城,
翻使周郎受重名。
妻子豈應關大計,
英雄無奈是多情。
全家白骨成灰土,
一代紅妝照汗青。
君不見:館娃初起鴛鴦宿,
越女如花看不足。
香徑塵生鳥自啼,
屜廊人去苔空綠。
換羽移宮萬里愁,
珠歌翠舞古梁州。
為君別唱吳宮曲,
漢水東南日夜流。
Phiên âm
...
Đỉnh hồ đương nhận khí nhân gian,
Phá địch thâu kinh há Ngọc Quan.
Đồng khốc lục quân câu cảo tố,
Xung quan nhất nộ vị hồng nhan.
Hồng nhan lưu lạc phi ngô luyến,
Nghịch tặc thiên vong tự hoang yến.
Điện tảo Hoàng Cân định Hắc Sơn,
Khốc bãi quân thân tái tương kiến.
Tương kiến sơ kinh Điền, Đậu gia,
Hầu môn ca vũ xuất như hoa.
Hứa tương thích lý không hầu kỹ,
Đẳng thủ tướng quân du bích xa.
Gia bản Cô Tô Cán Hoa lý,
Viên Viên tiểu tự kiều la ỷ.
Mộng hướng Phù Sai uyển lý du,
Cung nga ủng nhập quân vương khởi.
Tiền thân hợp thị thái liên nhân,
Môn tiền nhất phiến Hoành Đường thủy.
Hoành Đường song tương khứ như phi,
Hà xứ hào gia cưỡng tải quy.
Thử tế khởi tri phi bạc mệnh,
Thử thì chỉ hữu lệ triêm y.
Huân thiên ý khí liên cung dịch,
Minh mâu hạo xỉ vô nhân tích.
Đoạt quy vĩnh hạng bế lương gia,
Giáo tựu tân thanh khuynh toạ khách.
Toạ khách phi trường hồng nhật mộ,
Nhất khúc ai huyền hướng thuỳ tố.
Bạch tích thông hầu tối thiếu niên,
Giản thủ hoa chi lũ hồi cố.
Tảo huề kiều điểu xuất phàn lung,
Đãi đắc Ngân Hà kỷ thì độ?
Hận sát quân thư để tử thôi,
Khổ lưu hậu ước tương nhân ngộ.
Tương ước ân thâm tương kiến nan,
Nhất triêu nghĩ tặc mãn Trường An,
Khả liên tư phụ lâu đầu liễu,
Nhận tác thiên biên phấn nhứ khan.
Biến sách Lục Châu vi nội đệ,
Cưỡng hô Giáng Thụ xuất điêu lan.
Nhược phi tráng sĩ toàn sư thắng,
Tranh đắc nga mi thất mã hoàn.
Nga mi mã thượng truyền hô tiến,
Vân hoàn bất chỉnh kinh hồn định.
Lạp cự nghênh lai tại chiến trường,
Đề trang mãn diện tàn hồng ấn.
Chuyên chinh tiêu cổ hướng Tần Xuyên,
Kim Ngưu đạo thượng xa thiên thặng.
Tà Cốc vân thâm khởi hoạ lâu,
Tản Quan nguyệt lạc khai trang kính.
Truyền lai tiêu tức mãn giang hương,
Ô cữu hồng kinh thập độ sương.
Giáo khúc kỹ sư liên thượng tại,
Cán sa nữ bạn ức đồng hành.
Cựu sào cộng thị hàm nê yến,
Phi thương chi đầu biến phượng hoàng.
Trường hướng tôn tiền bi lão đại,
Hữu nhân phu tế thiện hầu vương.
Đương thời chỉ thụ thanh danh luỵ,
Quý thích danh hào cạnh diên trí.
Nhất hộc minh châu vạn hộc sầu,
Quan sơn phiêu bạc yêu chi tế.
Thác oán cuồng phong dương lạc hoa,
Vô biên xuân sắc lai thiên địa.
Thường văn khuynh quốc dữ khuynh thành,
Phiên sử Chu Lang thụ trọng danh.
Thê tử khởi ưng quan đại kế,
Anh hùng vô nại thị đa tình.
Toàn gia bạch cốt thành khói thổ,
Nhất đại hồng trang chiếu hãn thanh.
Quân bất kiến: Quán Oa sơ khởi uyên ương túc,
Việt nữ như hoa khan bất túc.
Hương kính trần sinh điểu tự đề,
Tiếp lang nhân khứ đài không lục.
Hoán vũ di cung vạn lý sầu,
Châu ca thuý vũ cổ Lương Châu.
Vị quân biệt xướng Ngô cung khúc,
Hán thủy đông nam nhật dạ lưu.
Dịch thơ bởi Nguyễn Thị Bích Hải[24]
...
Chí tôn ngày ấy lìa trần,
Phá quân địch, vượt ải quan nhập thành.
Quân áo trắng khóc vua Minh
Tướng quân nổi giận vì tình hồng nhan.
Hồng nhan lưu lạc gian nan,
Chống trời, lũ giặc cũng tàn như ong.
Định Hắc Sơn, quét Khăn Vàng,
Khóc vua xong, vội tìm nàng gặp nhau.
Nhà Điền, Đậu đến tìm mau
Như hoa, một đám con hầu kéo ra.
Dặn tìm ca nữ ngày xưa,
Đợi ta đến rước, ta đưa về nhà.
Nàng xưa vốn ở Cán Hoa,
Viên Viên thuở ấy như hoa, dịu dàng.
Từng mơ gặp gỡ quân vương,
Dạo hoa viên, tiến bệ rồng Phù Sai.
Hái sen thiếu nữ mày ngài,
Hoành Đường một dải ở ngay cửa ngoài.
Thuyền qua thuyền lại như thoi,
Có tên cường bạo bắt người chở đi.
Lệ rơi đẫm ướt xiêm y,
Ai hay bạc mệnh từ khi sẩy vời
Bao phen liễu ép hoa nài,
Má hồng, mắt sáng nào ai thương tình.
Ngõ sâu nhốt gái nhà lành,
Dạy bài ca mới để dành làng chơi.
Khách chơi điên đảo như say,
Khúc đàn ai oán tỏ bày cùng ai?
Có chàng hầu tước trẻ trai,
Đem lòng thương luyến quan hoài nhớ mong
Ra tay tháo cũi sổ lồng,
Đợi ngày gặp gỡ bên sông Ngân Hà.
Bỗng đâu quân vụ gọi ra,
Còn lưu lời hẹn, đời hoa lỡ lầm.
Tình sâu, đôi đoạn ruột tằm,
Một hôm giặc đến ầm ầm TRường An.
Đáng thương thiếu phụ cô đơn
Bị đày vào kiếp phong trần khổ đau.
Vây cung cấm, kiếm Lục Châu,
Gọi hoài... mới dám xuống lầu bước ra.
Vì không toàn thắng về ta,
Sao giành được gái mặt hoa chở về.
Đặt lên mình ngựa chở về
Lệch vòng tóc rối, tỉnh mê bàng hoàng.
Đuốc hoa cưới tại chiến trường,
Còn hoen ngấn lệ trên gương mặt hồng.
Tần Xuyên kèn trống thẳng dong,
Nghìn xe cùng trẩy trên đường Kim Ngưu.
Rẽ mây dày dựng hoa lâu,
Tán Quan trăng xế còn lưu trang đài.
Tin về quê cũ sông dài,
Hàng cây ô cửu trải mười mùa sương.
Thầy đàn còn đó, đáng thương,
Nhớ từng bạn gái thuở cùng giặt sa.
Vẫn con én nhỏ đây mà,
Bay lên cây quý hoá ra phượng hoàng.
Cầm ca tuổi tác mủi lòng,
Ngờ đâu có kẻ lấy chồng hầu vương.
Mệt vì tăm tiếng lẫy lừng,
Rước mời, biếu xén tưng bừng đua nhau
Một hộc châu, vạn hộc sầu,
Quan sơn phiêu bạt dãi dầu mình ve.
Cuồng phong hoa rụng thảm thê,
Vô biên xuân sắc biết về nơi nao.
Nghe xưa từng có Tiểu Kiều,
Khiến Chu Lang được tiếng nêu muôn đời.
Luyến chi thê tử luỵ đời,
Nhưng... anh hùng cũng là người tình chung.
Toàn gia xương trắng hoá bùn,
Chỉ tên người đẹp lưu cùng sử xanh.
Người thấy chăng: Quán Oa xây mộng uyên ương,
Mỹ miều gái Việt Ngô cung dập dìu.
Đường thơm nay cảnh đìu hiu,
Chim kêu khắc khoải, sân rêu xanh rì.
Dời cung, thay áo sầu bi,
Lời ca điệu múa nhớ về Lương Châu.
Khúc Ngô chớ hát thêm sầu,
Ngày đêm sông Hán dạt dào về Đông.

Hình ảnh trong Lộc đỉnh ký

[sửa | sửa mã nguồn]

Với một bút pháp kể chuyện có xen mô tả khá tinh tế, nhà văn Kim Dung đã xây dựng một Trần Viên Viên trở thành đệ nhất đại mỹ nhân trong hàng ngàn nhân vật nữ trong tiểu thuyết của mình. Trong tác phẩm Lộc Đỉnh ký, Kim Dung đã mô tả 1 đoạn nhân vật chính Vi Tiểu Bảo gặp Trần Viên Viên tại một ngôi chùa nhỏ ở ngoại ô thành Côn Minh.[25] Dù ít học và thô lậu, lại quen biết nhiều người đẹp, trong đó có con gái của Viên Viên, nhưng Vi Tiểu Bảo vẫn xiêu lòng trước tài sắc của người phụ nữ gấp đôi tuổi mình.

Nhà văn Vũ Đức Sao Biển có bình luận về Trần Viên Viên như sau:

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b Peterson 2000
  2. ^ Đình văn lục (庭聞錄):Trần cơ, tên Nguyên, tự Viên Viên
  3. ^ The Cambridge History of Chinese Literature, Volume 2. Cambridge University Press. 2010. tr. 179. ISBN 9780521855594.
  4. ^ Sách "Đình văn lục" chép: "Trần cơ, danh Nguyên, tự Viên Viên" (Người con gái họ Trần, tên Nguyên, tự là Viên Viên)
  5. ^ Notable women of China: Shang dynasty to the early twentieth century. East Gate. 2000. tr. 330–334. ISBN 0765605040 Kiểm tra giá trị |isbn=: giá trị tổng kiểm (trợ giúp).
  6. ^ Lee & Stephanowska 1998
  7. ^ a b 劉健《庭聞錄》說:“ 辛酉城破,圓圓先死.”
  8. ^ a b 《平吳錄》記載:“桂妻張氏前死,陳沅(圓)及偽后郭氏俱自縊。一云陳沅不食而死.”
  9. ^ 赵霞 向洪编.正说秦淮八艳:哈尔滨出版社,2006年12月第1版
  10. ^ 胡介祉《茨村咏史新乐府》称:“崇祯辛巳年,田贵妃父宏遇进香普陀,道过金阊,渔猎声妓,遂挟沅以归。”
  11. ^ 叶梦珠《阅世编》称:“十六年春,戚畹田宏遇南游吴阊,闻歌妓陈沅、顾寿。名震一时,宏遇使人购得顾寿,而沅尤靓丽绝世,客有私于宏遇者,以八百金市沅进之,宏遇载以还京。”
  12. ^ Wakeman 1985, tr. 291,295
  13. ^ 《明史·流寇》称:“初,三桂奉诏入援至山海关,京师陷,犹豫不进。自成劫其父襄,作书招之,三桂欲降,至滦州,闻爱姬陈沅被刘宗敏掠去,愤甚,疾归山海,袭破贼将。自成怒,亲部贼十余万,执吴襄于军,东攻山海关,以别将从一片石越关外。三桂惧,乞降于我。”
  14. ^ Wakeman 1985, tr. 300
  15. ^ Trung Quốc sử lược, Phan Khoang, tr. 296.
  16. ^ Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc (tập 2), tr. 68.
  17. ^ a b Wakeman 1985, tr. 292-294
  18. ^ Spence 1990, tr. 33
  19. ^ Huang 1997, tr. 205
  20. ^ Lovell 2006, tr. 252
  21. ^ Lee & Stephanowska 1998, tr. 25
  22. ^ Wakeman 2009, tr. 123
  23. ^ Chang & Owen 2010, tr. 179
  24. ^ Nguyễn Thị Bích Hải (1950-) là nhà giáo, dịch giả Việt Nam, quê ở làng Sơn Nam, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Bà là cán bộ giảng dạy môn văn học Trung Quốc tại Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Huế.
  25. ^ Tức thủ phủ của Vân Nam
  26. ^ Trích trong Kim Dung giữa đời tôi (tập 2, chương 7, tr. 70, mục Thiên hạ đệ nhất đại mỹ nhân).

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]