Thảo luận:Tỏa dương
Thêm đề tàiTên gọi tỏa dương
[sửa mã nguồn]Tôi không rõ tại sao cụ Đỗ Tất Lợi trong "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" (trang 914, xuất bản lần đầu năm 1962) lại gọi Balanophora spp. là tỏa dương bên cạnh các tên gọi khác như gió đất, ngọt núi, hoa đất, hoa không lá, cu chó, xà cô [tên gọi "xà cô" này là phiên dịch từ tên tiếng Trung 蛇菰, nghĩa đen là nấm rắn, tên gọi chung trong tiếng Trung để chỉ Balanophora spp.]. Đây có lẽ chính là nguồn gốc mà sau này một vài sách báo ở Việt Nam (như Tên cây rừng Việt Nam của Vụ Khoa học công nghệ và Chất lượng sản phẩm - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; NXB Nông nghiệp; năm 2000) cho rằng Balanophora spp. có một tên gọi là tỏa dương.
Lưu ý rằng bên cạnh tên gọi "tỏa dương" viết bằng tiếng Việt thì cụ còn viết thêm tên gọi bằng chữ Hán phồn thể 鎖陽 (Hán Việt: tỏa dương) cùng dòng và ngay bên cạnh. Trong phần tác dụng cụ viết rằng "nhân dân dùng vị tỏa dương làm thuốc bổ máu, kích thích ăn ngon miệng, hồi phục sức khỏe, còn dùng chữa nhức mỏi chân tay, đau bụng, hồi phục sức khỏe cho phụ nữ sau khi sinh nở", không đề cập gì tới tác dụng tráng dương. Tôi cho rằng nguyên nhân của sự nhầm lẫn này (tôi nhấn mạnh đây là sự nhầm lẫn, do thành phần các hóa chất thực vật của Balanophora không giống của Cynomorium - có thể tra cứu Google với từ khóa Balanophora + phytochemical và từ khóa Cynomorium + phytochemical để tìm một loạt các bài báo khoa học liên quan tới các hóa chất thực vật có trong 2 loại thực vật ký sinh này - dẫn tới tác dụng y học của chúng không thể coi là giống nhau được).
Nguyên nhân của sự nhầm lẫn này có thể là do:
- Cả hai loại thực vật này ([dó dất/gió đất/ngọt núi/hoa đất/hoa không lá/cu chó/xà cô/"tỏa dương" theo Đỗ Tất Lợi và một vài tác giả Việt Nam muộn hơn] ở một bên và [tỏa dương] thật sự ở bên kia) đều là thực vật toàn ký sinh, với hình dáng bề ngoài khá giống nhau.
- Vào thời đó (thập niên 1960) cũng như sớm hơn hay muộn hơn một chút thì người ta từng coi họ Balanophoraceae chứa cả chi Cynomorium (Ví dụ: (i) Hooker J. D.: On the structure and affinities of Balanophoraceae. Trans. Linn. Soc. London 1856, 22:1-68; (ii) Cronquist A. et al., 1966. On the higher taxa of Embryobionta. Bot. Zhurn. 51: 629-634 [bằng tiếng Nga]; (iii) Cronquist A. 1981. An Integrated System of Classification of Flowering Plants. Columbia University Press, New York.; (iv) Takhtajan A. 1997. Diversity and Classification of Flowering Plants. Columbia University Press, New York. v.v.) nên việc coi xà cô cũng có thể là/giống như tỏa dương là điều dễ hiểu. Mãi tới gần đây thì người ta mới nhận ra rằng Balanophoraceae không có quan hệ họ hàng gần với Cynomorium (Nickrent et al.: Discovery of the photosynthetic relatives of the Maltese mushroom Cynomorium. BMC Evol. Biol., 2005, 5:38. doi:10.1186/1471-2148-5-38); với Balanophoraceae gần/hoặc thuộc bộ Santalales, trong khi Cynomorium có thể gần với họ Crassulaceae trong bộ Saxifragales.
Về tên gọi 鎖陽 (Hán phồn thể) hay 锁阳 (Hán giản thể) thì tra cứu bằng Google đều cho thấy nó gắn liền với Cynomorium songaricum và được miêu tả từ lâu đời trong y văn Trung Hoa, với một trong các lợi ích được đông y/y học cổ truyền Trung Hoa cho là có tác dụng tráng dương. Loài này cho tới nay chưa được tìm thấy ở Việt Nam. Vì thế, theo tôi phải hết sức rạch ròi về tên gọi "tỏa dương" này để tránh sự nhầm lẫn cũng như phòng tránh sự lừa đảo, trục lợi của giới lang băm Việt Nam (xem thêm bài viết về "tỏa dương" Việt Nam tại Sự thật về loại nấm “tan cửa nát nhà”). Khonghieugi123 (thảo luận) 20:49, ngày 12 tháng 1 năm 2016 (UTC)
- Vì thực tế tôi cho rằng bài tên gọi tỏa dương không nên dành riêng cho loài nào trong cả 2 trường hợp này, do vậy đã tạo ra trang định hướng này và tới mỗi bài được dẫn tới đều dùng tên latin. Nếu người tìm kiếm quan tâm thì họ có thể đọc theo mỗi chỉ dấu tới nội dung tương ứng họ cần. Wiki có lẽ không phải là nơi đi chứng minh hay phản biện khoa học. --Gió Đông (thảo luận) 21:18, ngày 12 tháng 1 năm 2016 (UTC)
- Bạn hình như quên mình đã làm gì rồi thì phải. Để tôi nhắc lại cho bạn nhớ. Hồi 04:38 GMT ngày 20 tháng 10 năm 2014 thành viên Gió Đông đã đổi Balanophora laxiflora thành Tỏa dương (xem lịch sử bài Dó đất hoa thưa) trong khi tên gọi tỏa dương không phải chỉ dành cho loài này mà cũng không phải là tên gọi phổ biến của nó, cộng với nếu ai đó nghe/biết rằng tỏa dương có tác dụng tráng dương mà đọc bài viết "tỏa dương" vào thời điểm đó thì họ đã bị dẫn sai đường rồi. Khonghieugi123 (thảo luận) 21:28, ngày 12 tháng 1 năm 2016 (UTC)
- Đúng là thời điểm đó tôi đổi hướng sai do nguồn tài liệu tiếng Việt tôi tham khảo từ một số bài báo tiếng Việt dẫn lại ý kiến của một số tiến sỹ, dược sỹ chứ chưa có nguồn hàn lâm. Tuy nhiên cái tên gọi tỏa dương lại vẫn có nguồn hàn lâm tiếng Việt trích dẫn (với loài khác loài tôi đã từng đổi hướng sai), do vậy tôi nghĩ chúng ta cũng không nên xóa bỏ hoàn toàn những tham khảo này. Đối với những loài thực vật dịch từ ngôn ngữ nước ngoài sang, nếu nó hoàn toàn không có phân bổ tự nhiên ở Việt Nam, không có tên trong tiếng Việt mà tên dịch nghĩa ngoại ngữ lại mang tranh chấp với loài khác trong tiếng Việt thì chúng ta cũng chỉ nên dùng tên latin và giải thích tên dịch trong bài viết. Do vậy tỏa dương không dành làm tên riêng cho bất kỳ loài nào trong trường hợp này. Gọi Balanophora spp. là tỏa dương đúng sai như thế nào thì xin nhường lại ở các báo cáo khoa học cho các nhà khoa học chuyên môn.--Gió Đông (thảo luận) 05:26, ngày 13 tháng 1 năm 2016 (UTC)