Thương xá TAX
Thương xá TAX | |
---|---|
Thông tin chung | |
Tên cũ | Grands Magasins Charner de Saigon (1914-1960) Cửa hàng Phục vụ Thiếu nhi Thành phố (1978-1981) Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Thành phố (1981-1997) Công ty Bán lẻ Tổng hợp Sài Gòn (1997-1998) |
Địa điểm | Giao lộ Nguyễn Huệ – Lê Lợi |
Quốc gia | Việt Nam |
Địa chỉ | 141 Nguyễn Huệ, Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh |
Tọa độ | 10°46′30″B 106°42′06″Đ / 10,7750449°B 106,7016214°Đ |
Sử dụng | Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (SATRA) |
Xây dựng | |
Hoàn thành | 1880 |
Phá dỡ | 2014 |
Số tầng | 4[1] |
Diện tích sàn | 15.000 m2 (160.000 foot vuông)[1] |
Thương xá TAX từng là một trung tâm thương mại lớn và lâu đời tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam nằm tại góc đường Lê Lợi – Nguyễn Huệ và đối diện Khách sạn Rex trên đường Lê Lợi. Tòa nhà nhà đã bị phá bỏ vào cuối năm 2016 nhằm xây một cao ốc mới[2] nhưng tính đến tháng 7 năm 2022 vẫn là một khu đất bỏ hoang dự định dùng tạm làm bãi giữ xe.[3]
Lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Thời Pháp thuộc
[sửa | sửa mã nguồn]Công trình kiến trúc nguyên thủy được xây từ năm 1880 thời Pháp thuộc ở trung tâm Sài Gòn tại góc đại lộ Charner và đại lộ Bonnard, gần tòa thị chính (hôtel de ville). Năm 1914 công ty Société Coloniale des Grands Magasins mở Grands Magasins Charner de Saigon (viết tắt là SGMC) đến năm 1924 thì khu nhà này được tái thiết và khuếch trương theo phong cách Art Deco đón tiếp khách hàng thượng lưu của đô thị lớn nhất Liên bang Đông Dương. Ngày 27 tháng 11 năm 1924, tiệm bách hóa khai trương là một sự kiện nhộn nhịp đáng ghi nhớ của Sài Gòn được báo chí loan tin rộng rãi.
Tháng 10 năm 1925 tiệm bách hóa gắn thêm một hệ thống còi điện để kêu lên mỗi khi có tin mới từ chính quốc báo sang.[4] Năm 1942 xây thêm lầu bốn, đập bỏ tháp đồng hồ và thay vào đó là bảng gắn dòng chữ GMC.
Thời Việt Nam Cộng hòa
[sửa | sửa mã nguồn]Sang thời Việt Nam Cộng hòa, Đại lộ Bonnard thay tên là đại lộ Lê Lợi và Đại lộ Charner biến thành đại lộ Nguyễn Huệ còn Grands Magasins Charner mãi tới năm 1960 mới chính thức sang tên là Thương xá TAX, với địa chỉ 135 đại lộ Nguyễn Huệ. Thập niên 1960, Tổng giám mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục[5] ủy quyền cho Viện Đại học Đà Lạt mua lại Thương xá này, từ đó trở thành bất động sản của Tổng giáo phận Sài Gòn.[6] Sau Đảo chính Việt Nam Cộng hòa 1963, chính quyền mới tịch thu thương xá này vì cho rằng nó liên quan đến Dòng họ Ngô. Khu thương xá từ đó không còn thuộc một công ty mà do thương nhân mướn lại làm nơi buôn bán.
Sau 1975
[sửa | sửa mã nguồn]Giải thể và phục hồi
[sửa | sửa mã nguồn]Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền mới tịch thu cơ sở này từ Tổng giáo phận Sài Gòn[7], theo tuyên bố của Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn.[6] Với chính sách tập trung kinh tế, cấm tiểu thương, Thương xá TAX bị giải thể. Tòa nhà được giao về cho Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quản lý, không còn là địa điểm kinh doanh sầm uất, mặt bằng thỉnh thoảng được tận dụng làm không gian trưng bày các mặt hàng, máy móc công nghiệp do các đơn vị quốc doanh của thành phố sản xuất.[8]
Đến năm 1978, trong bối cảnh thời bao cấp, Thương xá TAX trở thành một công ty quốc doanh mang tên "Cửa hàng Phục vụ Thiếu nhi Thành phố", người bán hàng được gọi là mậu dịch viên, có thắt khăn quàng đỏ như thiếu nhi để bán mặt hàng chính là đồ chơi cho trẻ em. Đến năm 1981, khu nhà này đổi tên thành "Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Thành phố" do Sở Thương Nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh sở hữu.[9] Từ năm 1997, tòa nhà đổi tên thành "Công ty Bán lẻ Tổng hợp Sài Gòn" do Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) quản lý.[10] Năm 1998, tên gọi Thương xá TAX đã được phục hồi.[9] Năm 2003, tòa nhà đã trải qua một cuộc đại trùng tu cuối cùng.[9]
Phá dỡ
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 25 tháng 9 năm 2014, Thương xá TAX chính thức được ra lệnh đóng cửa để phá tòa nhà nhằm xây một cao ốc 40 tầng tại khu đất,[11] dự kiến tên là Satra Tax Plaza.[12] Nhiều phương án thực hiện bóc tách bảo tồn nội thất đã được thực hiện trước khi chính thức phá dỡ trong vòng 2 năm.[10] Ngày 12 tháng 10 năm 2016, quá trình dỡ bỏ thương xá được bắt đầu tiến hành.[10][13] Tính đến tháng 7 năm 2022, khu đất này bỏ hoang và chính quyền Quận 1 muốn dùng làm bãi giữ xe cho công viên Bến Bạch Đằng và phố đi bộ Nguyễn Huệ.[3] Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) vẫn đang là đơn vị quản lý khu đất.[14]
Hình ảnh
[sửa | sửa mã nguồn]-
Grands Magasins Charner nhìn từ trên cao
-
Tháp đồng hồ của Grands Magasins Charner
-
Thương xá Tax ngày 12 tháng 10 năm 2016 trước khi bị dỡ bỏ
-
Khu đất của Thương xá Tax, nhìn từ đoạn đường Lê Lợi đã được bàn giao sau khi thi công tuyến Metro số 1
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b “Mất 3 tháng tháo dỡ 4 tầng thương xá Tax”. VnExpress. 12 tháng 10 năm 2016.
- ^ Bắt đầu đập bỏ Thương xá Tax để xây cao ốc. Tuoitre.vn.
- ^ a b “Bỏ đất trống sau 7 năm tháo dỡ, 'đất vàng' Thương xá Tax sẽ làm bãi giữ xe”. Tiền Phong Online. 23 tháng 7 năm 2022.
- ^ Guillaume, Xavier & Marie-Christine. Le Terre du Dragon Tome I. Paris: Publibooks, 2004. Tr 29
- ^ Tổng giám mục Ngô Đình Thục: Nhiều tham vọng nhiều cay đắng[liên kết hỏng]
- ^ a b “Giáo phận khởi động dự án liên doanh tạo thu nhập”. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2014.
- ^ Tên cũ Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Tên mới được chính thức đổi từ ngày 23 tháng 9 năm 1976
- ^ “Lịch sử thương xá TAX”. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 10 năm 2014. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2014.
- ^ a b c “Cận cảnh Thương xá Tax 130 năm tuổi ở Sài Gòn”. Báo Tiền Phong. 18 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 27 tháng 1 năm 2023.
- ^ a b c Thuận Thắng (12 tháng 10 năm 2016). “Ngày dỡ bỏ Thương xá Tax nhìn từ flycam”. Báo Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 27 tháng 1 năm 2023.
- ^ Xóa sổ Thương xá TAX
- ^ Ngày dỡ bỏ Thương xá Tax nhìn từ flycam
- ^ Lam Điền (11 tháng 10 năm 2016). “Bắt đầu đập bỏ Thương xá Tax để xây cao ốc”. Báo Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 27 tháng 1 năm 2023.
- ^ Duy Quang (23 tháng 7 năm 2022). “Bỏ đất trống sau 7 năm tháo dỡ, 'đất vàng' Thương xá Tax sẽ làm bãi giữ xe”. Báo Tiền Phong. Truy cập ngày 27 tháng 1 năm 2023.