Bước tới nội dung

Đền thờ Trần Hưng Đạo (Thành phố Hồ Chí Minh)

10°47′26″B 106°41′40″Đ / 10,7906855°B 106,6944488°Đ / 10.7906855; 106.6944488
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đền thờ
Đức Thánh Trần Hưng Đạo
Cổng vào đền
Thờ phụng
Hưng Đạo đại vương
Trần Quốc Tuấn
? – 1300
Công tích2 lần đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược.
Thông tin đền
Thờanh hùng dân tộc
Địa chỉViệt Nam số 36 đường Võ Thị Sáu, phường Tân Định, Quận 1, Thành phố Hồ Chí MinhViệt Nam
Tọa độ10°47′26″B 106°41′40″Đ / 10,7906855°B 106,6944488°Đ / 10.7906855; 106.6944488
Thành lập1932
Xây mới1957 - 1958
Map

Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở số 36 đường Võ Thị Sáu, phường Tân Định, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Đây là một ngôi đền có lịch sử ở Thành phố Hồ Chí Minh và được xem là một trong những địa điểm tín ngưỡng linh thiêng của Thành phố.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]
Tượng Trần Hưng Đạo ở sân đền

Đền được xây dựng năm 1932, trong một khuôn viên rộng lớn của chùa Vạn An cũ. Đến năm 1957, theo đồ án của kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Bảo, Hội Bắc Việt tương tế đã khởi công xây dựng lại đền vào ngày 28 tháng 7, và hoàn thành vào ngày 11 tháng 7 năm 1958. Về sau, đền còn được tu bổ nhiều lần

Kiến trúc, bài trí

[sửa | sửa mã nguồn]

Lần lượt từ ngoài vào trong có:

Cổng và sân

[sửa | sửa mã nguồn]
Đền thờ Trần Hưng Đạo

Có ba cổng vào đền, cổng chính ở giữa và hai cổng phụ ở hai bên. Cổng chính được thiết kế bề thế và đẹp đẽ, với mái ngói uốn cong, có trang trí hình rồng, phụng. Hai bên chân cột có đặt đôi tượng kỳ lân bằng đá cẩm thạch trắng, thực chất đây là tượng Sư tử đá Trung Quốc nhưng nay đã được rà soát xem là linh vật ngoại lai và đã trục xuất khỏi đền. Hiện nay tại Đền Trần Hưng Đạo không trưng bày tượng Sư tử hay kỳ lân mà chỉ có tượng ông Hổ (cọp) vốn là linh vật bản địa của người Việt. Trên trán cổng nổi bật 4 chữ Hán cỡ lớn (phiên âm): "Hưng Đạo Đại Vương", và tên ngôi đền cùng địa chỉ bằng tiếng Việt. Ở mặt ngoài của hai cột chính, có đôi câu đối viết bằng chữ Hán (tạm dịch):

Xem sử nhà Trần, nhớ mãi những chiến tích oanh liệt tích tụ lại
Vào cửa miếu, thấy ánh sáng linh thiêng tỏa rạng ra.

Mặt trong của cổng, ở trên cao có bốn chữ triện: "Trần Triều Hiển Thánh", và phía dưới trên 2 cột chính cũng có đôi câu đối viết bằng chữ Hán. Cổng chính chỉ mở vào ngày rằm, ngày 30 (âm lịch) hằng tháng, và những ngày có lễ hội lớn trong năm. Hằng ngày, khách đến viếng thăm bằng cổng phụ. Qua cổng chính là một khoảng sân rộng lát gạch. Ở đầu sân, có đặt một pho tượng Trần Hưng Đạo bằng xi măng cốt sắt.

Đền thờ

[sửa | sửa mã nguồn]
Trong tiền điện

Đền thờ xây ở cuối sân, cấu trúc theo hình chữ "đinh" (chữ Hán: 丁), trên một diện tích khoảng 200 m2. Đây là một căn nhà 5 gian (ở 3 gian chính có 3 cửa liền nhau) xây bằng vật liệu gỗ và bê tông cốt thép, mái lợp ngói vẩy cá. Phía trên ba cửa nổi bật 10 chữ Hán (phiên âm): "Hiển thánh Trần triều Hưng Đạo Đại Vương linh từ" (Đền thờ của bậc hiển thánh linh thiêng là Hưng Đạo Đại Vương họ Trần).

Mặt trước cửa chính, có đôi câu đối viết bằng chữ Hán:

Núi Vạn Kiếp không có ngọn nào là không có hơi kiếm bốc hỏa,
Sông Lục Đầu không có cơn sóng nào lại không có tiếng thu ầm vang.

Trong đền có hai khu vực là tiền điện và hậu điện.

  • Tiền điện được bày trí đẹp đẽ và trang nghiêm với tàn lọng, đồ bát bửu, đôi hạc, ngựa hồng, ngựa bạch, xương sườn cá ông (cong vút, dài gần 3 m), v.v...Ngoài ra, ở đây còn có nhiều tác phẩm chạm gỗ, được sơn son thiếp vàng rất mỹ thuật như: hương án, bao lam, hoành phi, liễn đối...; và nhiều bức phù điêu vẽ lại chiến trận Bạch Đằng 1288 và quang cảnh bốn mùa do các nghệ dân nhân gian thực hiện. Ở giữa tiền điện có bàn thờ thờ các vị tướng lĩnh tài giỏi đời Trần như: Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng.
  • Nội điện (hậu cung) cũng được trang trí đẹp đẽ và trang nghiêm như tiền điện. Đặc biệt, ngoài những hoành phi, liễn đối, phù điêu. Phù điêu ở đây diễn tả lại những sự kiện lớn của lịch sử đời Trần như: Hội nghị Diên Hồng (1824), Lời thề sông Hóa (1287), Trận Bạch Đằng (1288). Thông tin thêm: Cuối năm 1287, quân Nguyên Mông sang đánh nước Việt lần thứ ba. Khi nghe tin tướng của đối phương là Ô Mã Nhi kéo quân đến sông Bạch Đằng, Hưng Đạo Vương (Trần Hưng Đạo) liền cho quân tiến qua sông Hóa (một nhánh sông của sông Thái Bình), nhưng nước sông cạn làm voi trận bị sa lầy mà chết. Để giữ vững tinh thần binh sĩ, ông chỉ xuống dòng sông Hóa mà thề: "Trận này không phá xong giặc Nguyên, thì không về đến khúc sông này nữa". Nghe vậy, quân sĩ ai nấy đều xin quyết chiến[1].
Tại nơi đây còn có tượng Trần Hưng Đạo nơi khám thờ ông. Pho tượng bằng đồng cao 1,7 m, được đúc ở tư thế người ngồi trên long ỷ, tay cầm quyển binh thư, và có thanh kiếm bạc dựng một bên; được nhóm thợ đúc đồng Ngũ Xã (Hà Nội) khởi công đúc từ ngày 25 tháng 10 năm 1957 và khánh thành vào ngày 1 tháng 7 năm 1958. Phía trên pho tượng là bức hoành phi, giữa có thêu mấy chữ Hán (phiên âm): "Nam Quốc Cơ Công" (Công trạng xây dựng nền móng nước Nam). Cũng trên bức hoành phi này, phía trái có thêm 2 chữ "Đại nghĩa" (vì Nghĩa lớn), và phía phải có thêm hai chữ "Chí trung" (Hết lòng Trung). Hai bên bức hoành phi, còn có đôi câu đối chữ Hán (tạm dịch):
Dòng dõi nhà vua, ngựa đá bao phen lo việc nước,
Trần Triều danh tướng, bình vàng xã tắc điện sáng ngời.

Ngoài ra, ở hai bên tượng còn có bàn thờ đặt bài vị ba người con gái (trái) và ba người con trai (phải) của Trần Hưng Đạo. Bên cạnh các hạng mục trên, bên phải sân đền (ngoài cổng nhìn vào) còn có nhà "Trưng bày lịch sử đời Trần" được xây kiên cố. Bên trong ngôi nhà trưng bày một số hiện vật, như văn bản, bản đồ, đoạn trích bài hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo. Hằng năm, đền thờ đều có tổ chức các ngày lễ lớn, trong số đó có lễ giỗ (20 tháng 8 âm lịch) và lễ sinh (10 tháng chạp) của Trần Hưng Đạo[2]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nhà xuất bản Tân Việt, Sài Gòn, 1968, tr. 153
  2. ^ Tổng hợp từ các nguồn đã dẫn.