Bước tới nội dung

Thái Kỳ

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thái Kỳ
蔡奇
Thái Kỳ, 2022
Chức vụ
Nhiệm kỳ23 tháng 10 năm 2022 – nay
2 năm, 64 ngày
Tổng Bí thưTập Cận Bình
Kế nhiệmđương nhiệm
Vị tríTrung Quốc
Bí thư thứ Nhất Ban Bí thư
Nhiệm kỳ23 tháng 10 năm 2022 – nay
2 năm, 62 ngày
Tổng Bí thưTập Cận Bình
Tiền nhiệmVương Hỗ Ninh
Kế nhiệmđương nhiệm
Vị tríTrung Quốc
Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIX, XX
Nhiệm kỳ24 tháng 10 năm 2017 – nay
7 năm, 61 ngày
Tổng Bí thưTập Cận Bình
Kế nhiệmđương nhiệm
Nhiệm kỳ13 tháng 3 năm 2023 – nay
1 năm, 286 ngày
Tổng Bí thưTập Cận Bình
Tiền nhiệmĐinh Tiết Tường
Kế nhiệmđương nhiệm
Các chức vụ khác
Bí thư Thành ủy Bắc Kinh
Nhiệm kỳ
27 tháng 5 năm 2017 – 13 tháng 11 năm 2022
5 năm, 170 ngày
Lãnh đạoTập Cận Bình
Tiền nhiệmQuách Kim Long
Kế nhiệmDoãn Lực
Thị trưởng Bắc Kinh
Nhiệm kỳ
30 tháng 10 năm 2016 – 27 tháng 5 năm 2017
209 ngày
Lãnh đạoQuách Kim Long
Tiền nhiệmVương An Thuận
Kế nhiệmTrần Cát Ninh
Phó Tỉnh trưởng Chiết Giang
Nhiệm kỳ
22 tháng 11 năm 2013 – 27 tháng 3 năm 2011
125 ngày
Lãnh đạoLý Cường
Tiền nhiệmCung Chính
Kế nhiệmViên Gia Quân
Bộ trưởng Tổ chức Tỉnh ủy Chiết Giang
Nhiệm kỳ
4 tháng 1 năm 2010 – 22 tháng 11 năm 2013
3 năm, 322 ngày
Lãnh đạoTriệu Hồng Chúc
Hạ Bảo Long
Tiền nhiệmTư Hâm Lương
Kế nhiệmHồ Hòa Bình
Thông tin cá nhân
Quốc tịch Trung Quốc
Sinh5 tháng 12, 1955 (69 tuổi)
Vưu Khê, Tam Minh, Phúc Kiến, Trung Quốc
Nghề nghiệpChính trị gia
Dân tộcHán
Tôn giáoKhông
Đảng chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc
Học vấnCử nhân Giáo dục chính trị
Tiến sĩ Kinh tế học
Alma materĐại học Sư phạm Phúc Kiến
Trường Đảng Trung ương
WebsiteLý lịch Thái Kỳ
Quê quánTấn Vân, Lệ Thủy, Chiết Giang

Thái Kỳ (tiếng Trung: 蔡奇; bính âm: Cài Qí; sinh ngày 5 tháng 12 năm 1955, người Hán) là chính trị gia nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ông hiện là Uỷ viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX, lãnh đạo cấp quốc gia, Bí thư thứ Nhất Ban Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Tổng Bí thư. Ông cũng là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIX, từng là Phó Bí thư Thành ủy, Thị trưởng Chính phủ Nhân dân thành phố Bắc Kinh; Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Ủy ban An toàn Quốc gia Trung Quốc; Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Tỉnh trưởng thường trực Chính phủ Nhân dân tỉnh Chiết Giang; Bộ trưởng Bộ Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Chiết Giang, Hiệu trưởng Trường Đảng Tỉnh ủy tỉnh Chiết Giang.

Thái Ký là Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, học vị Cử nhân Giáo dục chính trị, Thạc sĩ Pháp luật kinh tế, Tiến sĩ Kinh tế học, Nghiên cứu sinh sau đại học. Với quá trình hoạt động thời gian dài ở tỉnh Chiết Giang, phối hợp và thực thi ở địa phương các chính sách được giao, ông được nhận định là một chính trị gia thuộc nhóm của Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình. Thái Kỳ cũng được biết đến vì sử dụng phương tiện truyền thông xã hội đáng chú ý.[1]

Xuất thân và giáo dục

[sửa | sửa mã nguồn]

Thái Kỳ sinh ngày 5 tháng 12 năm 1955 tại huyện Vưu Khê, địa cấp thị Tam Minh, tỉnh Phúc Kiến, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.[2] Quê tổ ông tại Tấn Vân, Chiết Giang. Cha ông di cư tới Phúc Kiến sau khi cuộc cách mạng của Phương Chí Mẫn thành công. Trong những năm sau cùng của Cách mạng Văn hoá, Thái Kỳ làm việc tại một công xã nông thôn. Năm 1975, ông gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Thái Kỳ theo học Đại học Sư phạm Phúc Kiến từ năm 1975 và tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành Giáo dục chính trị năm 1978. Từ năm 1994 đến năm 1997, ông theo học lớp nghiên cứu sinh thạc sĩ, Học viện Pháp luật Kinh tế thuộc Đại học Sư phạm Phúc Kiến, nhận bằng Thạc sĩ Pháp luật kinh tế. Cũng trong giai đoạn này, từ tháng 3 đến tháng 7 năm 1996, ông tham gia lớp bồi dưỡng cán bộ cấp sảnh tại Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ năm 1998 đến 2001, ông là nghiên cứu sinh tại Khoa Kinh tế chính trị, Đại học Sư phạm Phúc Kiến, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, trở thành Tiến sĩ Kinh tế học.[3]

Sự nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Các thời kỳ

[sửa | sửa mã nguồn]

Phúc Kiến

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1978, Thái Kỳ bắt đầu sự nghiệp của mình khi được nhận ở lại trường và làm công tác Đảng tại Văn phòng Đảng ủy nhà trường. Năm 1983, ông được chuyển đến làm việc tại Văn phòng Tỉnh ủy Phúc Kiến và bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình. Năm 1983, ông giữ chức Phó Trưởng phòng Tổng hợp, Sảnh Văn phòng Tỉnh ủy Phúc Kiến. Tháng 3 năm 1983, sau khi vụ án "thuốc giả Tấn Giang" (晋江假药案) xảy ra, Tỉnh trưởng Cam Túc Trần Quang Nghị được điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến. Một năm rưỡi sau, Thái Kỳ được chọn làm Thư ký của Bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến Trần Quang Nghị.[1]

Tháng 1 năm 1991, ông nhậm chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Cải cách Tỉnh ủy Phúc Kiến (cấp phó sảnh, địa) kiêm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Xây dựng Đảng. Sau đó, từ năm 1993 đến 1996, ông là Phó Chủ nhiệm Sảnh Văn phòng Tỉnh ủy Phúc Kiến. Tháng 3 năm 1994, Thái Kỳ được Tỉnh ủy Phúc Kiến điều động về địa cấp thị Tam Minh, nhậm chức Phó Bí thư Thị ủy Tam Minh và sau đó được bổ nhiệm Thị trưởng Chính phủ Nhân dân địa cấp thị Tam Minh, tỉnh Phúc Kiến từ tháng 11 năm 1997. Sau hơn 20 năm công tác ở quê nhà Phúc Kiến, ông được điều chuyển tới địa phương khác vào năm 1999.[1]

Chiết Giang

[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 5 năm 1999, Thái Kỳ được điều chuyển tới tỉnh Chiết Giang, giữ chức Phó Bí thư Thị ủy, Thị trưởng địa cấp thị Cù Châu.[2] Bí thư Thị ủy Cù Châu lúc đó là Mao Lâm Sinh được đề bạt vào Thường vụ Tỉnh ủy cùng thời kỳ với ông. Tháng 3 năm 2002, ông được bầu làm Bí thư Thị ủy Cù Châu, Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Nhân Đại Cù Châu, lãnh đạo địa cấp thị này.[2] Tháng 4 năm 2004, Tỉnh ủy Chiết Giang điều động ông tới địa cấp thị Thai Châu nhậm chức Bí thư Thị ủy Thai Châu; vào thời điểm đó, Tập Cận Bình là Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang, lãnh đạo trực tiếp cấp trên của ông.[2] Ở Cù Châu, Thai Châu, ông đã tích cực thực hiện chính sách "Chiến lược Bát Bát" (战略) của Tập Cận Bình để phát triển Chiết Giang. Tháng 4 năm 2007, Thái Kỳ được điều tới thủ phủ Hàng Châu của Chiết Giang, nhậm chức Phó Bí thư Thành ủy, Thị trưởng Hàng Châu và là Thị trưởng Hàng Châu không phải người Chiết Giang đầu tiên sau thời kỳ Cách mạng Văn hóa.[2]

Tháng 1 năm 2010, ông được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Chiết Giang kiêm chức Bộ trưởng Bộ Tổ chức Tỉnh ủy Chiết Giang, Hiệu trưởng Trường Đảng Tỉnh ủy Chiết Giang, cấp phó tỉnh, bộ.[2] Tháng 11 năm 2013, ông được bổ nhiệm làm Phó Bí thư Đảng tổ Chính phủ Nhân dân tỉnh Chiết Giang, được bầu và được Tổng lý Quốc vụ viện Lý Khắc Cường phê chuẩn bổ nhiệm làm Phó Tỉnh trưởng thường trực Chính phủ Nhân dân tỉnh Chiết Giang. Thái Kỳ thông báo sự thay đổi trong công việc trên tài khoản Weibo của ông.[4] Tính đến năm 2014, ông đã có 15 năm công tác ở tỉnh Chiết Giang trước khi bước sang giai đoạn mới.[2]

Luân chuyển

[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 3 năm 2014, Thái Kỳ được điều về thủ đô Bắc Kinh, được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban An ninh Quốc gia, một cơ quan do Tổng Bí thư Tập Cận Bình lãnh đạo. Ông nhậm chức Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Ủy ban An ninh Quốc gia, cấp chính bộ, tỉnh từ tháng 4 năm 2015 đến tháng 10 năm 2016, giai đoạn chuyển giao chức vụ trước khi bước sang quá trình mới.[5]

Bắc Kinh

[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 10 năm 2016, Thái Kỳ được bổ nhiệm làm Quyền Thị trưởng Chính phủ Nhân dân thành phố Bắc Kinh, kế nhiệm Vương An Thuận; sau đó chính thức được bầu giữ chức Thị trưởng Bắc Kinh vào ngày 31 tháng 10.[5] Tháng 5 năm 2017, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc nhất trí bổ nhiệm Thái Kỳ làm Bí thư Thành ủy Bắc Kinh.[6] Việc bổ nhiệm Thái Kỳ làm Bí thư Thành ủy Bắc Kinh được xem là đã phá vỡ gần như tất cả các quy ước trong chức vụ – truyền thống chính trị Cách mạng Văn hóa, trong đó có: Thái Kỳ không là Ủy viên Trung ương Đảng, cũng không là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng và đảm nhận một chức vụ trong hoàn cảnh bình thường, được sự nhất trí của các thành viên Bộ Chính trị. Tháng 10 năm 2017, ông tham gia đại hội đại biểu toàn quốc, được bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19.[7][8] Ngay sau đó, ngày 25 tháng 10 năm 2017, Thái Kỳ được Ủy ban Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Lãnh đạo Trung Quốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Cuối tháng 6 năm 2022, Thái Kỳ được bầu làm đại biểu tham gia Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX từ đoàn đại biểu thành phố Bắc Kinh.[9] Trong quá trình bầu cử tại đại hội,[10][11][12] ông được bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX,[13][14] sau đó tái đắc cử là Ủy viên Bộ Chính trị, rồi tiếp tục được bầu làm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị tại Hội nghị toàn thể lần thứ nhất Ủy ban Trung ương khóa XX vào ngày 23 tháng 10 năm 2022,[15][16] trở thành lãnh đạo quốc gia vị trí thứ 5 trong 7 Ủy viên Thường vụ.[17] Sau đó, ông được bầu làm Bí thư thứ Nhất Ban Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng, kế nhiệm Vương Hỗ Ninh, sau đó kiêm nhiệm vị trí Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Tổng Bí thư, kế nhiệm Đinh Tiết Tường.[18][19]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c “原浙江副省长蔡奇传调任国安委”. South China Morning Post (Chinese). ngày 29 tháng 3 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 10 năm 2016. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2017.
  2. ^ a b c d e f g 蔡奇个人简历 (bằng tiếng Trung). Hangzhou People's Government. tháng 7 năm 2010. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 10 năm 2010. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2010.
  3. ^ “Thái Kỳ tại China Vitae”. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2017.
  4. ^ “蔡奇任浙副省长仅4月即去职 拥有千万微博"粉丝". 163. ngày 28 tháng 3 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 8 năm 2018. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2018.
  5. ^ a b “Cai Qi Appointed Acting Mayor of Beijing”. Caixin. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 1 năm 2017. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2018.
  6. ^ “蔡奇任北京市委书记 郭金龙不再兼任(图/简历)”. 新华社. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 8 năm 2018. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2018.
  7. ^ “Danh sách Ủy viên Ủy ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc khóa XIX”. Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 7 năm 2020. Truy cập Ngày 15 tháng 10 năm 2019.
  8. ^ 聂晨静 (ngày 24 tháng 10 năm 2017). “十九大受权发布:中国共产党第十九届中央委员会候补委员名单”. Tân Hoa Xã (bằng tiếng Trung). Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 2 năm 2019. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2021.
  9. ^ “上海市选举产生出席中国共产党第二十次全国代表大会代表”. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2022.
  10. ^ “中国共产党第二十次全国代表大会开幕会文字实录”. Tân Hoa Xã (bằng tiếng Trung). 16 tháng 10 năm 2022. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 16 tháng 10 năm 2022.
  11. ^ 任一林; 白宇 (ngày 22 tháng 10 năm 2022). “中国共产党第二十次全国代表大会在京闭幕”. Đảng Cộng sản (bằng tiếng Trung). Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 10 năm 2022.
  12. ^ 牛镛; 岳弘彬 (ngày 16 tháng 10 năm 2022). “奋力开创中国特色社会主义新局面(社论)”. CPC News (bằng tiếng Trung). Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 16 tháng 10 năm 2022.
  13. ^ 李萌 (ngày 22 tháng 10 năm 2022). “中国共产党第二十届中央委员会委员名单”. Chính phủ Nhân dân Trung ương (bằng tiếng Trung). Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 10 năm 2022.
  14. ^ 牛镛; 袁勃 (ngày 22 tháng 10 năm 2022). “中国共产党第二十届中央委员会委员名单”. Đại 20 (bằng tiếng Trung). Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 25 tháng 10 năm 2022.
  15. ^ “中共二十届一中全会公报”. 新华社. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2022.
  16. ^ 吴佳潼; 魏婧 (ngày 23 tháng 10 năm 2022). “中国发布丨党的二十届一中全会结束后 新一届中央政治局常委将同中外记者见面”. News China (bằng tiếng Trung). Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2022.
  17. ^ 王頔 (ngày 23 tháng 10 năm 2022). “(二十大受权发布)中共二十届中央领导机构成员简历李希同志简历”. Tân Hoa Xã (bằng tiếng Trung). Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2022.
  18. ^ “习近平对俄罗斯联邦进行国事访问”. 央视新闻. 20 tháng 3 năm 2023. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 20 tháng 3 năm 2023.
  19. ^ “习近平出席中国共产党与世界政党高层对话会并发表主旨讲话”. 新华社. 16 tháng 3 năm 2023. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 20 tháng 3 năm 2023.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]