Bước tới nội dung

Thành viên:Nguyenmy2302/The Room

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
The Room
Đạo diễnTommy Wiseau
Kịch bảnTommy Wiseau
Diễn viênTommy Wiseau
Greg Seresto
Juliette Danielle
Philip Haldiman
Carolyn Minnott
Âm nhạcMladen Milicevic
Hãng sản xuất
Wiseau-Films
Phát hànhWiseau-Films
Công chiếu
27 tháng 6 năm 2003
Thời lượng
99 phút[1]
Quốc gia Hoa Kỳ
Ngôn ngữTiếng Anh
Kinh phí6 triệu USD[2]
Doanh thu1.900 USD (ban đầu)[3]

The Room là một bộ phim điện ảnh chính kịch độc lập của Mỹ năm 2003 do Tommy Wiseau viết kịch bản, sản xuất và đạo diễn, đồng thời thủ vai nam chính cùng với Juliette DanielleGreg Sestero. Phim có nội dung xoay quanh mối tình tay ba đầy kịch tính giữa Johnny – một nhân viên ngân hàng tốt bụng, cùng vị hôn thê gian xảo Lisa và người bạn thân đầy mâu thuẫn Mark. Một phần thời lượng đáng kể của phim được dành ra cho các tuyến truyện phụ không liên quan tới mạch truyện chính. Hầu hết những tuyến truyện trên đều đề cập đến ít nhất một nhân vật phụ và thường không có tác dụng trong việc phát triển câu chuyện; ngoài ra, các tuyến truyện này sau đó cũng không được giải quyết triệt để do sự thiếu nhất quán và nhiều sai sót trong nội dung phim. Bộ phim được cho là mang tính chất bán tự truyện; theo Wiseau, tiêu đề phim nhằm ám chỉ tới việc một căn phòng bình thường có thể trở thành nơi diễn ra cả những hành động tốt đẹp lẫn xấu xa.[4] Vở kịch nguyên tác của bộ phim cũng có tên gọi như vậy do nhiều sự kiện trong đó chỉ diễn ra tại một căn phòng duy nhất.[5]

Quá trình quay phim chính của dự án diễn ra trong khoảng bốn tháng, chủ yếu tại Los Angeles. Wiseau được cho là nảy sinh nhiều mâu thuẫn với đoàn làm phim trong quá trình ghi hình; giữa giám sát kịch bản Sandy Schklair và Wiseau cũng có xảy ra tranh chấp khi Schklair là người chịu trách nhiệm chỉ đạo nhiều cảnh quay nhưng Wiseau lại từ chối đề tên ông dưới vai trò này. Phần nhạc nền của phim do nhà soạn nhạc Mladen Milicevic sáng tác. Tại thời điểm phát hành, The Room đã bị nhiều nhà phê bình chỉ trích và gọi là "bộ phim tệ nhất trong lịch sử". Một phó giáo sư nghiên cứu về điện ảnh cũng gọi bộ phim này là kiệt tác điện ảnh của phim dở, hay "Citizen Kane của phim dở".[3][6] Dù vậy, sau các suất chiếu giới hạn tại một rạp chiếu chọn lọc ở California, một nhà làm phim đã nhận ra tính giải trí của tác phẩm và giới thiệu nhiều bạn bè đến xem; cùng việc phim xuất hiện trong chương trình hài kịch Tim and Eric Awesome Show, Great Job! đã giúp cho The Room nhanh chóng trở nên nổi tiếng và thu hút được một lượng lớn khán giả trung thành. Phim sau đó được xếp vào hàng “phim cult”[a] và trở thành tác phẩm đi vào lịch sử dòng phim điện ảnh hạng B.[7]

The Disaster Artist, cuốn hồi ký của Sestero và Tom Bissell nói về hậu trường thực hiện The Room đã được xuất bản vào năm 2013. Một bộ phim cùng tên dựa trên cuốn sách do James Franco làm đạo diễn kiêm thể hiện vai nam chính cũng đã được công chiếu vào ngày 1 tháng 12 năm 2017.[8] Cả cuốn sách lẫn bộ phim đều nhận được nhiều lời tán dương từ khán giả và giới chuyên môn, cũng như thu về vô số giải thưởng và đề cử tại các liên hoan phim quốc tế. The Room ngoài ra còn là nguồn cảm hứng cho một trò chơi điện tử chuyển thể không chính thức mang tên The Room Tribute, được phát hành trên trang Newgrounds vào năm 2010.

Nội dung

[sửa | sửa mã nguồn]

Johnny là nhân viên ngân hàng thành đạt sống trong một khu căn hộ chung cư mặt phố ở San Francisco cùng người vợ sắp cưới Lisa. Bắt đầu cảm thấy chán ghét về một cuộc sống nhàm chán với Johnny, Lisa lên kế hoạch quyến rũ người bạn thân nhất của anh là Mark và cả hai đã có một cuộc tình bí mật. Trong khi đó, Johnny sau khi nghe lén Lisa thú nhận sự không chung thủy của mình với mẹ cô là bà Claudette, đã gắn một máy ghi âm vào điện thoại bàn để cố gắng xác định danh tính người mà cô đang vụng trộm.

Denny, người hàng xóm là sinh viên đại học được Johnny hỗ trợ cả về tài chính lẫn tinh thần, đã đụng độ với một tay buôn ma túy có vũ trang tên Chris-R, nhưng Johnny và Mark chế ngự kịp thời và đã bắt giữ anh ta. Denny cũng có ham muốn với Lisa, và đã thú nhận điều này với Johnny, người hiểu và khuyến khích cậu theo đuổi một trong những người bạn cùng lớp của mình. Khi Johnny rơi vào tình trạng hoang mang với mối quan hệ của anh và Lisa, anh đã gọi Peter – bạn của anh và Mark, đồng thời là một nhà tâm lý học đến giúp đỡ. Mark cũng tâm sự với Peter rằng anh cảm thấy có lỗi về chuyện tình cảm của mình. Khi Peter hỏi Mark có phải anh ngoại tình với Lisa không, Mark đã tấn công Peter và định giết anh ta, nhưng sau đó họ lại nhanh chóng làm hòa.

Trong một bữa tiệc sinh nhật bất ngờ dành cho Johnny, bạn của anh – Steven đã vô tình bắt gặp Lisa hôn Mark trong khi những vị khách khác đang ở bên ngoài và chúc mừng cho Johnny vì sắp cưới Lisa. Johnny thông báo rằng anh và Lisa sắp có con, mặc dù Lisa sau đó thú nhận cô đã nói dối về điều đó để che đậy sự thuật về cuộc tình bí mật của mình. Vào cuối bữa tiệc hôm đó, Lisa đã không để ý mà thể hiện tình yêu của mình với Mark trước mặt Johnny và khiến cả anh cùng người bạn thân của mình xô xát với nhau. Sau bữa tiệc ngày hôm đó, Johnny đã tự nhốt mình trong phòng tắm một cách tuyệt vọng. Khi chuẩn bị rời đi, anh lấy máy ghi âm gắn vào điện thoại từ trước và nghe được cuộc gọi thân mật giữa Lisa và Mark. Cảm thấy bị xúc phạm, Johnny mắng Lisa vì đã phản bội anh, chính thức chia tay cô và cho phép cô được đến với Mark. Cú sốc tình cảm này sau đó đã khiến anh suy sụp về mặt tinh thần, tức giận phá hủy cả căn hộ và cuối cùng tự sát bằng cách bắn vào họng.

Nghe thấy tiếng động, Denny, Mark và Lisa lao lên cầu thang và phát hiện ra Johnny đã chết. Mark sau đó đổ lỗi cho Lisa về cái chết của Johnny, chỉ trích cô về hành vi gian dối của mình và bảo Lisa hãy biến khỏi cuộc sống của anh. Denny thì nói với Lisa và Mark rằng hãy để cậu được ở một mình với Johnny. Ở cuối phim, tất cả đều ở lại và an ủi nhau khi cảnh sát đến.

Diễn viên

[sửa | sửa mã nguồn]
Greg Sestero, nam diễn viên thủ vai Mark và cũng là một trong những nhà sản xuất chính của The Room. Anh sau này là tác giả của cuốn sách The Disaster Artist, với nội dung dựa trên những kinh nghiệm thực tế của bản thân khi làm việc cho dự án phim.
  • Tommy Wiseau vai Johnny, một nhân viên ngân hàng thành đạt, người đã đính hôn với Lisa
  • Juliette Danielle vai Lisa, vợ chưa cưới của Johnny, người có quan hệ tình cảm với Mark
  • Greg Sestero vai Mark, bạn thân nhất của Johnny, người đang ngoại tình với Lisa
  • Philip Haldiman vai Denny, hàng xóm của Johnny, là một sinh viên đại học trẻ được Johnny hỗ trợ cả về mặt tài chính lẫn tinh thần
  • Carolyn Minnott vai Claudette, mẹ của Lisa
  • Robyn Paris vai Michelle, bạn thân của Lisa
  • Scott Holmes vai Mike, bạn trai của Michelle
  • Dan Janjigian vai Chris-R, tay muôn ma túy đã đe dọa Denny
  • Kyle Vogt vai Peter, nhà tâm lý học và là bạn của Mark và Johnny
  • Greg Ellery vai Steven, một người bạn của Johnny và Lisa

Sản xuất

[sửa | sửa mã nguồn]

Phát triển

[sửa | sửa mã nguồn]

Tommy Wiseau ban đầu viết kịch bản của The Room vào năm 2001 dưới dạng một vở kịch.[3][9] Sau đó, ông chuyển thể vở kịch thành tiểu thuyết dài hơn 500 trang.[10] Chán nản khi cuốn sách bị hầu hết các nhà xuất bản từ chối, Wiseau quyết định sẽ tự chuyển thể tác phẩm của mình thành phim điện ảnh để có thể tự do sáng tác theo ý muốn.[10][11]

Wiseau đã giữ im lặng về cách mà ông kiếm được nguồn kinh phí sản xuất bộ phim, nhưng trong một bài phỏng vấn với tờ Entertainment Weekly, ông tiết lộ rằng nguồn tiền này được lấy từ doanh thu của việc nhập khẩu áo khoác da từ Hàn Quốc.[3] Tuy nhiên theo cuốn hồi ký The Disaster Artist, Sestero lại cho rằng Wiseau có được nguồn tiền trên nhờ việc tích lũy tài sản từ kinh doanh và phát triển bất động sản ở Los AngelesSan Francisco khoảng vài năm trước thời điểm phim đi vào sản xuất.[12] Wiseau đã chi toàn bộ nguồn ngân sách tổng cộng 6 triệu USD (tương đương khoảng 8,4 triệu USD vào năm 2020) cho The Room, trong đó đã bao gồm các khoản chi cho công tác sản xuất và tiếp thị.[3] Wiseau cũng cho biết chi phí sản xuất của bộ phim tương đối tốn kém vì nhiều thành viên trong đoàn phim đã phải thay thế đến hai lần.[13] Nhưng theo Sestero, chính những quyết định sai lầm của Wiseau trong quá trình quay phim mới khiến ngân sách của bộ phim bị đội lên một cách không cần thiết.[14] Wiseau đã xây dựng nhiều bối cảnh cho các phân cảnh vốn có thể quay ngay tại địa điểm thực, đồng thời mua nhiều thiết bị không cần thiết.[15] Wiseau cũng thường xuyên quên lời thoại của mình khi diễn ở mỗi cảnh phim, dẫn đến việc một số cảnh đối thoại vốn chỉ kéo dài vài phút nhưng tốn đến hàng giờ hoặc thậm chí nhiều ngày mới có thể hoàn thành.[14]

Cũng theo Sestero và Greg Ellery, Wiseau đã thuê một trường quay tại khu phim trường Birns & Sawyer và mua một "gói Đạo diễn Tập sự hoàn chỉnh" bao gồm hai máy quay phim và một máy quay HD. Dù vậy Wiseau luôn nhầm lẫn về sự khác biệt giữa định dạng phim 35mm và video độ nét cao.[16] Ông muốn trở thành đạo diễn đầu tiên quay toàn bộ một bộ phim đồng thời ở cả hai định dạng, vậy nên ông đã quyết định sử dụng hai máy song song bằng cách lắp máy HD cạnh một máy quay phim 35mm; vì thế thiết bị này cần tới hai đội quay phim vận hành. Tuy nhiên, chỉ có bản phim 35mm được sử dụng trong lần chỉnh sửa cuối cùng trước khi phim ra rạp.[17]

Kịch bản

[sửa | sửa mã nguồn]

Kịch bản gốc ban đầu của The Room dài hơn nhiều so với phần kịch bản được sử dụng và có một loạt các đoạn độc thoại tương đối dài dòng. Kịch bản này sau đó đã được các diễn viên cùng giám sát kịch bản Sandy Schklair biên tập lại trên phim trường để loại bỏ những trường đoạn khó hiểu. Một diễn viên giấu tên cũng nói với tờ Entertainment Weekly rằng kịch bản chứa "những thứ chẳng thốt nổi nên lời. Tôi biết thật khó để có thể tưởng tượng ra những điều tồi tệ hơn [trong kịch bản], nhưng nó thực sự đã có".[3][18] Wiseau ngoài ra còn nhất quyết yêu cầu các diễn viên phải thoại đúng như những gì được ghi trong phần kịch bản, dù vậy một số diễn viên đã lén biến tấu các đoạn ad libitum và những đoạn thoại này vẫn được xuất hiện trong bản cắt cuối cùng của phim.[19]

Phần lời thoại trong phim cũng thường xuất hiện một số câu cửa miệng khó hiểu như: khi Johnny gặp ai đó, anh sẽ nói "Ồ, chào!" ("Oh, hi!") hoặc "Ồ, xin chào [tên nhân vật]!" ("Oh, hi [tên nhân vật]"); khi kết thúc cuộc trò chuyện, nhiều nhân vật thường nói "Đừng lo lắng về điều đó" ("Don't worry about it") và hầu hết các nhân vật nam trong phim đều thảo luận về sức hấp dẫn thể xác của Lisa, bao gồm cả một nhân vật không tên duy nhất xuất hiện trong phim với dòng thoại "Lisa đêm nay trông thật nóng bỏng" ("Lisa looks hot tonight").[20] Nhân vật Lisa trong phim cũng thường dừng các cuộc thảo luận về Johnny bằng cách nói "Tôi/Em/Chị không muốn nói về điều đó" ("I don't want to talk about it").[20][21] Mặc dù có rất nhiều cuộc đối thoại liên quan đến đám cưới sắp tới của Johnny và Lisa, nhưng hầu như các nhân vật chỉ sử dụng những từ như "chồng tương lai" hoặc "vợ tương lai" chứ không phải "hôn phu" hoặc "hôn thê" để nói về sự kiện này.[22]

Trong The Disaster Artist, Sestero đã kể lại rằng Wiseau từng có ý định đưa vào bộ phim một mạch truyện phụ, trong đó nhân vật Johnny sẽ được hé lộ là một ma cà rồng; lý do là vì Wiseau có niềm đam mê với loại sinh vật này.[23] Sestero cũng nhớ Wiseau đã yêu cầu nhân sự làm phim phải nghĩ ra cách để thể hiện phân cảnh Johnny lái chiếc Mercedes-Benz bay qua bầu trời San Francisco, qua đó tiết lộ bản chất ma cà rồng của nhân vật.[24]

Tuyển vai

[sửa | sửa mã nguồn]
Tommy Wiseau trong một hình ảnh quảng cáo cho The Room với vai Johnny. Ngoài vai trò diễn viên chính trong phim, Wiseau còn là biên kịch, đạo diễn và nhà sản xuất chính.

Wiseau đã chọn và tuyển lọc diễn viên từ hơn 5.000 ứng viên, mặc dù hầu hết những người này đều chưa từng tham gia một dự án điện ảnh nào.[9] Sestero dù có kinh nghiệm làm phim hạn chế nhưng vẫn đồng ý tham gia vào đội ngũ sản xuất như để giúp đỡ Wiseau, do Sestero và Wiseau đã là bạn bè một thời gian trước khi dự án bắt đầu thực hiện. Sestero cũng nhận lời vào vai nhân vật Mark sau khi Wiseau sa thải diễn viên được tuyển chọn ban đầu ngay trong ngày đầu tiên ghi hình. Dù vậy, ở một số cảnh nóng, Sestero đã phải mặc quần jean vì cảm thấy không thoải mái mỗi khi diễn cảnh "ân ái" với bạn diễn.[19]

Lúc biết tin mình được chọn vào vai chính của The Room, Juliette Dannielle rất vui mừng và đã thông báo cho bạn bè của mình biết. Để chuẩn bị cho vai diễn, Wiseau nói với cô rằng hãy xem phim E‎yes Wide Shut để có thể hiểu rõ hơn về nhân vật. Dannielle sau đó đã ngồi nhà và tự viết ra thư tưởng tượng suy nghĩ của "Juliette" về từng nhân vật trong phim để nhập vai.[25][26] Theo Greg Ellery, khi Juliette Danielle vừa mới bước xuống xe buýt từ Texas lúc phim mới bắt đầu khởi quay, cô đã rất sốc khi thấy Wiseau nhảy bổ tới và yêu cầu cô phải ngay lập tức bắt đầu diễn cảnh "ân ái" giữa hai người.[27] Sestero sau đó đã phản đối việc này vì cho rằng những cảnh phim trên nên được thực hiện ở những buổi quay cuối cùng.[28] Wiseau cho biết Danielle ban đầu chỉ là một trong ba hoặc bốn ứng viên cho nhân vật Lisa, nhưng sau đó cô đã được lựa chọn khi nữ diễn viên ban đầu rời khỏi bộ phim.[13] Cũng theo Sestero, nữ diễn viên ban đầu của phim là một người phụ nữ Latinh đến từ quốc gia Nam Mỹ;[29] và theo Danielle, nữ diễn viên này có độ tuổi gần với tuổi của Wiseau và có giọng phương ngữ rất "ngẫu nhiên". Danielle cũng từng được chọn vào vai Michelle, nhưng sau đó lại được giao cho vai Lisa khi nữ diễn viên ban đầu rời khỏi dự án vì cảm thấy "không phù hợp" với tính cách nhân vật.[30] Danielle cũng xác nhận rằng nhiều diễn viên đã bị đuổi khỏi dự án trước khi quá trình ghi hình được khởi động, trong đó có cả nữ diễn viên vốn ban đầu được lựa chọn vào vai Michelle.[27][30][31]

Kyle Vogt, người đóng vai Peter vào thời điểm quay phim đã nói với đoàn làm phim rằng anh chỉ có thể dành một khoảng thời gian nhất định cho dự án; dù vậy, các cảnh quay có mặt anh đều chưa thực hiện xong xuôi khi khoảng thời gian giới hạn trên kết thúc. Mặc dù thực tế là nhân vật Peter sẽ đóng một vai trò quan trọng trong giai đoạn cao trào của kịch bản, Vogt đã quyết định rời khỏi dự án. Lời thoại của Peter trong nửa cuối phim sau đó được chuyển sang cho Ellery, một nhân vật mới xuất hiện nhưng chưa bao giờ thực sự được giới thiệu, lý giải hay gọi tên.[16][19][32]

Quá trình quay phim chính của bộ phim diễn ra trong khoảng bốn tháng. Các cảnh phim của The Room được quay chủ yếu tại phim trường Birns & Sawyer ở Los Angeles, một số cảnh quay khác được thực hiện bởi tổ máy phụ ở San Francisco, California. Phân cảnh trên sân thượng cũng được thực hiện tại phim trường này, với toàn bộ khung hình của San Francisco đã xử lý và chèn vào phần phông nền xanh trong khâu hậu kỳ sau đó.[3] Một video hậu trường cho biết một số cảnh quay trên sân thượng đã được ghi hình từ trước vào tháng 8 năm 2002. Dự án này chiêu mộ tổng cộng hơn 400 nhân sự, trong đó có Wiseau với vai trò diễn viên, biên kịch, nhà sản xuất, đạo diễn kiêm giám đốc sản xuất của bộ phim. Hai giám đốc sản xuất khác cũng được đề tên là Chloe Lietzke và Drew Caffrey. Tuy nhiên, theo Sestero, vì Lietzke vốn chỉ là gia sư tiếng Anh của Wiseau nên cô không hề có đóng góp nào cho tác phẩm; còn Caffrey, người từng là cố vấn kinh doanh cho Wiseau, cũng đã qua đời vào năm 1999.[33] Wiseau được cho là nảy sinh nhiều mâu thuẫn với ê-kíp của mình trong quá trình quay phim và đã phải thay thế toàn bộ đoàn phim tới bốn lần.[3][34] Ông cũng giao nhiều nhiệm vụ – thường là những thứ không liên quan tới nhau – cho cùng một nhân sự trong đoàn, điều mà Sestero mô tả là "kẹp hai vai vào một người". Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra sự chậm trễ trong khâu ghi hình. Ngoài việc vào vai Mark, Sestero còn làm việc trong dự án dưới vai trò một điều phối sản xuất, giúp sức trong công tác tuyển vai cũng như hỗ trợ Wiseau; Schklair đồng thời đảm nhiệm thêm cả vai trò trợ lý đạo diễn thứ nhất và Peter Anway, đại diện kinh doanh của Birns & Sawyer, cũng đóng vai trò là một trợ lý khác của Wiseau.[35][32] Wiseau thường xuyên quên lời thoại và các cử chỉ diễn xuất dẫn đến việc các cảnh quay phải ghi hình lại nhiều lần. Hầu hết phần lời thoại của Wiseau sau đó đều phải lồng tiếng lại trong khâu hậu kỳ.[36]

Nhạc phim

[sửa | sửa mã nguồn]

Phần nhạc nền của The Room do nhà soạn nhạc Mladen Milicevic – giáo sư âm nhạc tại trường Đại học Loyola Marymount – chịu trách nhiệm biên soạn. Milicevic sau này cũng đảm nhiệm phần nhạc phim cho phim tài liệu Homeless America (2004) của Wiseau và Room Full of Spoon, một bộ phim tài liệu ra mắt năm 2016 nói về The Room.[37][38][39]

Phần nhạc phim có tổng cộng bốn bài hát R&B chậm được chơi trong bốn trên năm cảnh ân ái trong phim; duy có cảnh quan hệ tình dục bằng miệng giữa Michelle và Mike thì chỉ sử dụng nhạc nền không lời. Những bài hát trong các cảnh ân ái trên lần lượt là: "I Will" do Jarah Gibson trình bày, "Crazy" do Clint Gamboa trình bày, "Baby You and Me" do Gamboa và Bell Johnson trình bày, và "You're My Rose" do Kitra Williams trình bày. "You're My Rose" sau đó đã phát lại lần nữa trong cảnh danh đề của phim. Album nhạc phim với tựa đề The Room: Original Motion Picture Soundtrack được phát hành chính thức bởi hãng thu âm TPW Records của Wiseau vào năm 2003.[39]

The Room: Original Motion Picture Soundtrack
của Mladen Milicevic
Phát hành2003
Thể loạiNhạc phim, R&B
Thời lượng56:28
Hãng đĩaTPW Records

Tất cả các ca khúc được viết bởi Mladen Milicevic, ngoại trừ các bài đã được chú thích bởi tác giả trong hàng.

STTNhan đềTác giả (ngoài)Thời lượng
1."The Room" 2:14
2."Red Dress" 1:09
3."I Will (Kitra Williams, Jarah Gibson)"Wayman Davis3:28
4."Lisa and Mark" 1:30
5."You're My Rose (Kitra Williams, Wayman Davis)"Kitra Williams2:22
6."Red Roses" 3:15
7."Street" 0:53
8."Life" 2:43
9."Street Two" 1:05
10."Crazy (Clint Gamboa, Wayman Davis)"Clint Gamboa2:52
11."Chocolate is the symbol of love" 1:52
12."Chris-R" 1:43
13."Reason" 0:52
14."Johnny Mark and Denny on the Roof" 1:09
15."Lisa, Michelle, and Johnny" 1:55
16."Yes or No" 1:20
17."I'll record everything" 1:13
18."XYZ"" 1:05
19."Mark and Peter" 1:08
20."Jogging" 1:36
21."Baby You and Me (Kitra Williams, Clint Gamboa, Jarah Gibson)"Clint Gamboa, Bell Johnson3:17
22."Happy birthday, Johnny" 1:36
23."Lisa and Mark" 0:52
24."Fight During the Party" 1:16
25."Johnny in the Bathroom" 1:42
26."Tape Recorder" 3:56
27."Johnny Becomes Crazy" 2:48
28."Why? Why Johnny?" 2:39
29."Reflection (You're My Rose) (Kitra Williams, Wayman Davis)"Kitra Williams2:42
Tổng thời lượng:56:28

Tranh chấp vai trò đạo diễn

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong một bài viết của tạp chí Entertainment Weekly xuất bản ngày 11 tháng 2 năm 2011, Schklair cho biết ông muốn được ghi danh dưới vai trò là đạo diễn điện ảnh của The Room.[40] Ông tiết lộ rằng Wiseau do quá bận bịu với công việc diễn xuất nên không thể thực hiện phần chỉ đạo đạo diễn một cách chuẩn chỉnh, và chính Wiseau đã yêu cầu Schklair phải "chỉ dẫn cho diễn viên biết việc cần làm, hô "Diễn" hay "Cắt" cũng như cho bên quay phim biết cần lấy góc quay ở các cảnh quay như thế nào". Schklair cũng xác nhận rằng trong quá trình quay phim, Wiseau đã yêu cầu ông "đạo diễn cho bộ phim của mình", nhưng lại từ chối đề tên ông dưới vai trò đạo diễn.[40]

Câu chuyện này sau đó cũng đã được Sestero và một diễn viên thuộc đoàn phim trong cuốn hồi ký The Disaster Artist xác nhận. Sestero cho biết Schklair đã chịu trách nhiệm thực hiện nhiều cảnh quay, trong đó có cả những cảnh quay có mặt Wiseau mà Wiseau không hề nhớ lời thoại hay tương tác đầy đủ với các bạn diễn. Anh còn đùa rằng yêu cầu ghi danh vai trò đạo diễn của Schklair cũng giống như việc "đòi xác thực mình là kỹ sư hàng không trưởng của Hindenburg", đồng thời cũng cho biết Schklair đã rời đội ngũ sản xuất trước khi kết thúc quá trình quay phim chính để chuyển sang dự án phim ngắn Jumbo Girl với Janusz Kamiński là nhà quay phim.[41][42] Tuy nhiên Wiseau sau đó đã bác bỏ những điều trên kèm lời giải thích: "Chà, chuyện này thật nực cười... bạn biết không? Tôi không biết nhưng có lẽ chỉ ở Mỹ mới có thể xảy ra những chuyện như thế này". Wiseau cũng ngụ ý rằng việc Schklair rời bỏ dự án ở giữa khâu quay phim chính là lý do khiến ông không được đề tên dưới vai trò đạo diễn.[11]

Phân tích

[sửa | sửa mã nguồn]

Diễn giải, chủ đề và ảnh hưởng

[sửa | sửa mã nguồn]
Những chiêm nghiệm cuộc sống của Tommy về sự tương tác giữa người với người đã được đưa vào một chiếc máy xay, đồng thời rắc thêm vào đó những điều đen tối mà anh ấy đã phải trải qua trong suốt chín tháng qua. Điều duy nhất mà kịch bản của Tommy không đề cập đến, bất chấp lời tuyên bố của các nhân vật? [Đó chính là] tình yêu.
Tôi đã nhận ra một điều vô cùng sáng tỏ, u sầu và mạnh mẽ: tình bạn của chúng tôi là trải nghiệm nhân văn nhất mà Tommy từng có được trong mấy năm vừa qua. May mắn thay là dù Tommy có đang chạy trốn khỏi điều gì, anh ấy vẫn sẽ quay đầu lại và đối mặt với nó trong chính kịch bản phim của mình. Thay vì tự sát, anh đã viết hết [mọi thứ] ra để tự giải thoát bản thân khỏi sự dằn vặt. Anh ấy thực hiện nó bằng cách tự biến nhân vật của mình [Johnny] trở thành một con người hoàn hảo mặc kệ những hỗn loạn, dối trá và phản bội [bên ngoài].
– Sestero nói về lần đọc kịch bản đầu tiên.[43]

Sestero từng đưa ra một giả thiết rằng Wiseau xây dựng nhân vật trong phim dựa trên vai diễn Tom Ripley của Ngài Ripley tài ba vì có cảm xúc sâu sắc và sự đồng cảm với nhân vật; đồng thời, Wiseau cũng lấy ba nhân vật chính của tác phẩm này làm nguồn cảm hứng cho ba nhân vật chính của The Room. Sestero còn chỉ ra rằng nhân vật Mark vốn được đặt theo tên của Matt Damon – nam diễn viên thủ vai nhân vật Tom Ripley, tuy nhiên Wiseau đã nghe nhầm tên Matt thành Mark.[44] Ngoài ra Wiseau cũng lấy nguồn cảm hứng từ các vở kịch của nhà soạn kịch Tennessee Williams, vốn chứa đựng nhiều phân cảnh xúc động mà Wiseau rất thích biểu diễn lúc còn đang theo học tại trường kịch. Nhiều ấn phẩm quảng cáo của The Room cũng đã thể hiện mối tương quan rõ ràng với tác phẩm của nhà soạn kịch trên thông qua khẩu hiệu "Một bộ phim với niềm đam mê của Tennese Williams".[45][46]

The Room được coi là bộ phim "bán tự truyện" vì có dựa trên một số tình tiết có thật trong cuộc sống của Wiseau, chẳng hạn như chi tiết về cách Johnny đi đến San Francisco và gặp Lisa, hay bản chất của tình bạn giữa Johnny và Mark.[47][45] Theo Sestero, nhân vật Lisa dựa trên khuôn mẫu là tình cũ của Wiseau. Ông đã định cầu hôn cô gái này với chiếc nhẫn đính hôn bằng kim cương trị giá 1.500 USD, nhưng vì bị "phản bội" quá nhiều lần nên mối quan hệ của họ sau đó đã chấm dứt. Với việc định nghĩa kịch bản phim như một "lời cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn trong các mối quan hệ bạn bè", Sestero đã mô tả The Room là "những chiêm nghiệm cuộc sống của Tommy về sự tương tác giữa người với người", đồng thời đề cập đến lòng tin, nỗi sợ hãi và sự thật.[5]

Về chỉ đạo, đạo diễn và diễn xuất, Wiseau đã cố gắng bắt chước Orson Welles, Clint Eastwood, Marlon BrandoJames Dean, đặc biệt là phần diễn xuất của Dean trong phim điện ảnh Giant (1956)[13][48] và đi xa hơn là việc sử dụng trực tiếp các trích dẫn từ phim của họ – nổi bật trong số đó là câu thoại nổi tiếng "Em đang xé nát tôi, Lisa!" ("You are tearing me apart, Lisa!") có nguồn gốc từ một câu thoại tương tự do Dean thể hiện trong Rebel Without a Cause (1955).[48][49]

Sự thiếu nhất quán và sai sót trong nội dung phim

[sửa | sửa mã nguồn]

Kịch bản phim có nhiều sự chuyển biến về mặt tâm lý cùng những tính cách khó hiểu ở các nhân vật. Khi nhắc đến điều này, Sestero đã nhấn mạnh đến hai phân cảnh cụ thể. Phân cảnh đầu tiên là khi Johnny bước vào sân thượng với tâm trạng tức giận vì bị buộc tội oan là người bạo hành gia đình nhưng đột ngột trở nên vui vẻ khi nhìn thấy Mark; cũng sau đó, anh đã bật cười một cách vô cớ khi biết rằng một người bạn của Mark bị đánh đập dã man. Trên trường quay, Sestero và người giám sát kịch bản Sandy Schklair liên tục cố gắng thuyết phục Wiseau rằng không nên sắp xếp lời thoại như một bộ phim hài, nhưng Wiseau đã từ chối và tiếp tục sử dụng đúng câu thoại như ban đầu.[50] Phân cảnh ví dụ thứ hai, xảy ra ở phần sau của bộ phim, khi Mark đang cố gắng giết Peter bằng cách đẩy anh xuống từ tầng thượng sau khi Peter nghi ngờ rằng Mark đang ngoại tình với Lisa; tuy nhiên, chỉ vài giây sau, Mark đã kéo Peter trở lại từ mép mái nhà, xin lỗi và cả hai tiếp tục cuộc trò chuyện trước đó như chưa có chuyện gì xảy ra.[51]

Bên cạnh các lỗi trong tính cách nhân vật xuất hiện đầy rẫy và liên tục, bộ phim còn bao gồm nhiều tuyến truyện cũng như tâm lý của nhân vật mâu thuẫn với nhau.[52] Cụ thể, trong một cảnh ở đầu phim, khi đang trò chuyện về việc lên kế hoạch tổ chức tiệc sinh nhật cho Johnny, Claudette đã nói với Lisa: "Mẹ đã nhận lại kết quả xét nghiệm. Mẹ chắc chắn bị ung thư vú rồi".[10] Vấn đề này sau đó bị bỏ qua và không bao giờ xuất hiện trong suốt phần còn lại của bộ phim.[10][13] Tương tự, khán giả cũng sẽ không bao giờ biết được các chi tiết xung quanh khoản nợ liên quan đến ma túy của Denny với Chris-R, hoặc điều gì đã dẫn đến màn đối đầu đầy bạo lực của họ trên mái nhà.[10][53]

Ngoài việc là bạn của Johnny thì lý lịch của Mark cũng không được tiết lộ. Từ lần đầu tiên xuất trên phim, nhân vật đã tự tuyên bố mình là một người "rất bận rộn" khi ngồi trong một chiếc ô tô đang đỗ vào giữa trưa mà không có lời giải thích cụ thể nào về nghề nghiệp cũng như những gì anh đang làm. Trong The Disaster Artist, Sestero cho biết anh đã tạo ra một câu chuyện nền cho nhân vật mà trong đó Mark sẽ là một phó thám tử ẩn danh, điều mà Sestero cảm thấy phù hợp nhất với một số khía cạnh khác biệt trong tính cách của Mark, bao gồm cả việc sử dụng cần sa; sự thay đổi thất thường về tâm trạng cũng như cách xử lý sự cố Chris-R của nhân vật. Tuy nhiên sau đó Wiseau đã bác bỏ việc thêm bất kỳ tuyến truyện nào về quá khứ của Mark vào kịch bản.[54]

Cũng tại một cảnh các nhân vật nam chính mặc tuxedo tụ tập trong con hẻm phía sau căn hộ của Johnny để chơi bóng bầu dục, khi Mark đến, máy quay từ từ phóng to vào khuôn mặt nhẵn râu của anh trong khi phần nhạc nền kịch tính phát ra. Không có gì xảy ra trong cảnh này và cảnh quay cũng không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến cốt truyện. Cảnh quay sau đó đột ngột kết thúc khi các nhân vật quyết định quay trở lại căn hộ của Johnny sau khi Peter vấp ngã. Tương tự như hầu hết các tình tiết phụ khác của phim, phân cảnh này đã được giới thiệu đột ngột và không bao giờ được đề cập đến xuyên suốt thời lượng còn lại của tác phẩm. Wiseau đã nhận rất nhiều câu hỏi về phân cảnh trên mà ông quyết định sẽ giải quyết nó trong chuyên mục Hỏi & Đáp có tại bản phát hành DVD. Tuy nhiên, thay vì lý giải phân cảnh đó, Wiseau chỉ nói rằng chơi bóng bầu dục khi không mang thiết bị bảo hộ thích hợp thật vui và đầy thử thách.[4] Sestero cũng đã được hỏi về tầm quan trọng của phân cảnh Mark cạo râu, tuy vậy câu trả lời duy nhất của anh trong suốt vài năm chỉ là "ước gì có người biết được". Anh cũng mô tả trong The Disaster Artist rằng Wiseau bắt anh cạo râu trên phim trường chỉ để Wiseau có cớ cho Johnny gọi Mark là "Babyface", biệt danh riêng của Wiseau dành cho Sestero.[55] Và vì không thể giải thích lý do cho sự xuất hiện của cảnh phim trên, nhiều nhà bình luận phim cũng chỉ có thể gắn mác cho nó như là "nghệ thuật ngoại vi".[56]

Phát hành

[sửa | sửa mã nguồn]

Quảng bá

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo Sestero, Wiseau từng gửi bộ phim cho Paramount Pictures, với hy vọng hãng nhận vai trò làm nhà phân phối. Thông thường sẽ mất khoảng hai tuần để một bộ phim có được phản hồi, tuy nhiên, The Room đã bị từ chối chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ. Cũng chình vì điều này, tác phẩm gần như chỉ được quảng bá thông qua một bảng quảng cáo duy nhất ở Hollywood, nằm trên Đại lộ Highland, ngay phía bắc Đại lộ Fountain với hình ảnh trên bảng quảng cáo mà Wiseau gọi là "Ác nhân" khi cho thấy cận cảnh khuôn mặt của chính ông với một mắt đang trũng xuống.[9][13] Vào thời điểm phim ra mắt, áp phích trên đã khiến nhiều người đi đường tin rằng The Room thực sự là một bộ phim kinh dị.[13] Wiseau cũng trả tiền cho một chiến dịch truyền hình và báo in nhỏ tại địa phương Los Angeles[3] và thuê nhà báo Edward Lozzi trong nỗ lực nhằm quảng bá và phân phối bộ phim sau khi phim bị Paramount Pictures từ chối phát hành.[46]

Mặc dù bộ phim không đạt được thành công ngay lập tức, Wiseau đã trả tiền để duy trì bảng quảng cáo trong hơn 5 năm, với chi phí 5.000 USD một tháng.[57][58] Với hình ảnh kỳ lạ và tuổi thọ của áp phích đã khiến nó trở thành một điểm thu hút khách du lịch nhỏ.[3][59] Khi được hỏi làm cách nào mà ông có đủ khả năng để giữ bảng quảng cáo lâu như vậy ở một vị trí khá nổi bật, Wiseau đã trả lời rằng vì ông thích thế và cũng vì ông thích vị trí đặt bảng, nếu phim không chiếu nữa thì ông vẫn sẽ bán DVD.[9]

Đánh giá chuyên môn

[sửa | sửa mã nguồn]

The Room được công chiếu lần đầu vào ngày 27 tháng 6 năm 2003 tại rạp Laemmle Fairfax và Fallbrook ở Los Angeles. Wiseau cũng đã sắp xếp một buổi chiếu cho dàn diễn viên và báo chí tại một trong những địa điểm trên, thuê đèn chiếu để ngồi trước rạp và tới tham dự buổi chiếu bằng xe limousine.[3] Người mua vé sẽ được tặng một bản CD nhạc phim miễn phí. Sau khi buổi công chiếu kết thúc, nữ diễn viên Robyn Paris cho biết khán đã giả cười nhạo bộ phim và phóng viên Scott Foundas của Variety, người cũng có mặt tại sự kiện, sau đó viết rằng bộ phim đã khiến "hầu hết người xem yêu cầu trả lại tiền – thậm chí còn trước cả khi 30 phút phim chưa trôi qua".[3] IFC.com mô tả giọng nói của Wiseau trong phim "[...] như một Borat (Magaret Sagdiyev) đang cố gắng giả giọng Christopher Walken đóng vai bệnh nhân tâm thần". The Guardian thì lại mô tả bộ phim là sự kết hợp của "Tennessee Williams, Ed Wood và Trapped in the Closet của R. Kelly".[60]

The Room sau đó đã bị các nhà phê bình nhất trí cho điểm thấp do những yếu kém về diễn xuất (đặc biệt là Wiseau), kịch bản, lời thoại, giá trị sản xuất, chỉ đạo và kỹ thuật quay phim. Bộ phim cũng được một số ấn phẩm tạp chí mô tả là một trong những bộ phim tệ nhất từng được thực hiện.[61][62] Trên Metacritic, phim có điểm trung bình là 9 trên 100, dựa trên 5 nhà phê bình, cho thấy "điểm đánh giá thấp áp đảo". Bất chấp sự coi thường từ các nhà phê bình, bộ phim vẫn nhận được những tán thưởng mỉa mai từ khán giả vì sự thiếu sót trong câu chuyện, với một số nhà phê bình đã gọi nó là "bộ phim tệ hay nhất từ ​​trước đến nay" hay "Citizen Kane của phim dở".[6][63]

Trong năm 2013, Adam Rosen đã viết một bài báo trên The Atlantic có tựa đề "Should Gloriously Terrible Movies Like The Room Be Considered 'Outsider Art'?",[b] nơi ông đưa ra lập luận rằng "Cái mác 'nghệ thuật ngoại vi' chỉ thường được áp dụng cho các tác phẩm của họa sĩ và nhà điêu khắc... thế nhưng sẽ thật khó hiểu nếu không thể dùng tiêu chí này cho phim của Wiseau".[64] Cũng trong một cuộc phỏng vấn năm 2017 với Vox, đồng tác giả cuốn hồi ký The Disaster Artist Tom Bissell đã đưa ra cảm nhận của ông về The Room, cũng như khẳng định giá trị của tác phẩm qua thời gian:[65]

Đây như thể là một tác phẩm được làm ra bởi người ngoài hành tinh chưa bao giờ xem bất kỳ bộ phim nào nhưng lại được giải thích cặn kẽ về điện ảnh. [...] Đối với tôi, The Room đã xóa mờ lằn ranh giữa tốt và xấu. Tôi có nghĩ đó là một bộ phim hay không? Không. Tôi có nghĩ rằng đó là một bộ phim đủ sức nặng để đưa tôi lên tầm cao mới về nghệ thuật không? Tuyệt đối không. Nhưng tôi không thể nói nó tệ vì nó rất dễ xem. Nó vô cùng dí dỏm. Nó đã đem lại cho tôi rất nhiều niềm vui. Làm sao một thứ tồi tệ lại có thể đem lại những điều đó cho tôi cơ chứ?

Suất chiếu lúc nửa đêm

[sửa | sửa mã nguồn]
Tommy Wiseau và Greg Seresto đang trả lời câu hỏi từ người hâm mộ tại một suất chiếu phim lúc nửa đêm.

The Room đã chiếu ở Laemmle Fairfax và Fallbrook trong hai tuần tiếp theo, thu về tổng cộng 1.800 USD (tương đương 2.673 USD vào năm 2020) trước khi bị rút khỏi rạp.[3][66] Vào cuối thời gian phát hành của tuần thứ hai, rạp Laemmle Fallbrook đã trưng bày hai tấm biển ở bên trong cửa sổ bán vé phim: một tấm biển ghi "KHÔNG HOÀN TIỀN" và tấm biển khác trích dẫn lời giới thiệu từ đánh giá trước đó: "Xem phim này như là bị dao đâm vào đầu".[67] Trong một buổi chiếu vào tuần kế tiếp, một trong số ít khán giả tham dự là Michael Rousselet của 5-Second Films đã tìm thấy sự hài hước vô tình trong lời thoại cũng như giá trị sản xuất nghèo nàn của phim. Sau đó Rousselet bắt đầu khuyến khích bạn bè tham gia các buổi chiếu phim trong 3 ngày cuối cùng để chế giễu bộ phim và khởi đầu một chiến dịch truyền miệng dẫn đến khoảng 100 người đã tham dự suất chiếu cuối cùng của tác phẩm. Rousselet và bạn bè của anh đã xem bộ phim bốn lần trong ba ngày, từ đó tạo nên truyền thống xem phim của The Room cùng với một số thói quen khác như ném thìa và ném bóng, hay hóa trang thành nhân vật trong phim.[10]

Sau khi The Room rút khỏi các rạp, những người tham dự buổi chiếu cuối cùng ngày hôm đó đã bắt đầu gửi email cho Wiseau để nói với ông rằng họ thích bộ phim như thế nào. Phấn khích với số lượng thư ủng hộ mà ông nhận được, Wiseau đã đặt một suất chiếu duy nhất vào lúc nửa đêm của The Room vào tháng 6 năm 2004, và thành công của suất chiếu này là tiền đề để Wiseau đặt tiếp suất chiếu thứ hai vào tháng 7 và thứ ba vào tháng 8. Những suất chiếu trên thậm chí còn thành công hơn nữa, sau đó các suất chiếu hàng tháng vào thứ Bảy cuối cùng của tháng đã được tổ chức và liên tục cháy vé cho đến khi rạp bị bán vào năm 2012.[68] Wiseau cũng thường xuyên xuất hiện tại các buổi chiếu phim này và giao lưu, chụp ảnh cùng người hâm mộ. Thậm chí, vào kỷ niệm 5 năm ngày công chiếu phim lần đầu, tất cả suất chiếu đã hết sạch vé tại Sunset 5 và cả Tommy Wiseau và Greg Sestero đều thực hiện phỏng vấn sau đó.[3] Bộ phim ngoài ra còn được giới thiệu trong chuyến lưu diễn Range Life năm 2008, cũng như mở rộng suất chiếu nửa đêm ra một số thành phố khác.[69] The Room cuối cùng đã trở nên nổi tiếng toàn cầu, với việc Wiseau sắp xếp các suất chiếu trên khắp Hoa Kỳ và ở Canada, Scandinavie, Vương quốc Anh, ÚcNew Zealand.[18]

Cho đến nay, The Room vẫn được công chiếu đều đặn tại nhiều quốc gia trên thế giới, với nhiều suất chiếu như sự kiện hàng tháng.[70] Những người hâm mộ khi xem phim thường hóa trang thành các nhân vật yêu thích của họ, ném những chiếc thìa nhựa liên quan đến bức ảnh chiếc thìa được đóng khung không rõ nguyên nhân trên bàn trong bối cảnh phòng khách của Johnny, ném bóng bầu dục cho nhau từ khoảng cách ngắn và hét lên những lời bình luận xúc phạm về chất lượng của bộ phim cũng như lời thoại từ các nhân vật.[3][61][71][72] Wiseau từng tuyên bố rằng mục đích cho những suất chiếu này là giúp khán giả tìm thấy tiếng cười trong phim, mặc dù nhiều người vẫn chỉ coi đây là một tác phẩm kém chất lượng.[73][74]

Phương tiện gia đình

[sửa | sửa mã nguồn]

The Room đã được phát hành dưới định dạng DVD vào ngày 4 tháng 11 năm 2003 và Blu-ray vào tháng 12 năm 2012.[2][75][76] Các tình tiết bổ sung đi kèm DVD bao gồm một bài phỏng vấn Wiseau với người đặt câu hỏi là Greg Sestero đứng bên ngoài màn hình. Khung cảnh cuộc phỏng vấn cho thấy Wiseau ngồi ngay trước lò sưởi và bên cạnh là một tấm áp phích sân khấu đóng khung lớn của bộ phim.[77] Một số câu trả lời của Wiseau đã được lồng tiếng vào, mặc cho phần lồng tiếng này không khớp với khẩu hình miệng của ông. Wiseau cũng không trả lời được một số câu hỏi mà thay vào đó đưa ra những câu trả lời ngẫu nhiên và không theo thứ tự.[78]

Cũng giống với phiên bản DVD, định dạng Blu-ray còn có những tình tiết bổ sung tương tự, đồng thời thêm một đoạn phim bổ sung khác là bộ phim tài liệu theo phong cách tường thuật miêu tả quá trình tạo ra The Room. Phim tài liệu này không có lời dẫn, rất ít đối thoại và chỉ có một cảnh phỏng vấn với diễn viên Carolyn Minnott, trong đó chủ yếu phần lớn là các đoạn phim mà đoàn phim đang chuẩn bị quay.[78]

Wiseau sau đó đã công bố kế hoạch vào tháng 4 năm 2011 cho một phiên bản 3D của The Room, được quét từ âm bản 35mm.[11] The Room cũng được Wiseau đăng tải trên kênh YouTube của ông vào ngày 21 tháng 9 năm 2018, nhưng bị xóa chỉ một ngày sau đó.[79]

Các phương tiện khác

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào tháng 6 năm 2011, có tin xác nhận rằng Sestero đã ký hợp đồng với nhà xuất bản Simon & Schuster để viết một cuốn sách dựa trên kinh nghiệm làm phim của anh với tựa đề The Disaster Artist. Cuốn sách này sau đó được xuất bản vào tháng 10 năm 2013.[3]

Cuốn hồi ký thứ hai mang tên Yes, I Directed The Room: The Truth About Directing the "Citizen Kane of Bad Movies" do Schklair viết cũng đã được xuất bản vào ngày 4 tháng 12 năm 2017, trong đó một lần nữa tác giả khẳng định mong muốn được công nhận là đạo diễn của bộ phim.[80]

Phim điện ảnh

[sửa | sửa mã nguồn]

Một bộ phim chuyển thể từ cuốn hồi ký The Disaster Artist đã được công bố vào tháng 2 năm 2014, với Seth Rogen đảm nhận vai trò sản xuất và James Franco với vai trò đạo diễn.[81] Phim có sự tham gia của Franco trong vai Wiseau cùng em trai Dave Franco trong vai Sestero với phần kịch bản do Scott NeustadterMichael H. Weber thực hiện. Tác phẩm đã được công chiếu rộng rãi từ ngày 8 tháng 12 năm 2017.[82]

Một bộ phim tài liệu của Canada có tựa đề Room Full of Spoons do Rick Harper đạo diễn cũng đã được công chiếu vào tháng 4 năm 2016. Tuy nhiên, phim sớm bị rút khỏi rạp cùng với việc phát hành The Disaster Artist bị cản trở khi Wiseau đâm đơn kiện, buộc tội vi phạm bản quyền và phỉ báng cá nhân. Cuối cùng, vụ kiện của Wiseau đã bị bác bỏ vào năm 2020 bởi thẩm phán Paul Schabas của Tòa án Thượng thẩm Ontario cũng như yêu cầu cho Wiseau phải trả cho các nhà làm phim gần 1 triệu CAD tiền bồi thường thiệt hại.[83][84]

Video game

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào tháng 9 năm 2010, chủ sở hữu của Newgrounds, Tom Fulp đã phát hành một trò chơi điện tử chuyển thể không chính thức mang tên The Room Tribute, được chơi dưới dạng một trò chơi phiêu lưu phong cách 16-bit với lối chơi hoàn toàn theo góc nhìn từ Johnny. Đồ họa của trò chơi được thiết kế bởi Jeff "JohnnyUtah" Bandelin, với âm nhạc do Chris O'Neill chuyển soạn từ phần nhạc phim của Mladen Milicevic.[85]

Trình diễn trực tiếp

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào ngày 10 tháng 6 năm 2010, Trung tâm Văn hóa và Nhà hát AFI Silver đã trình chiếu một vở kịch sân khấu dựa trên kịch bản gốc của bộ phim, trong đó Wiseau diễn lại vai Johnny của mình cùng với Sestero trong vai Mark.[86]

Năm 2011, Wiseau đã đề cập đến kế hoạch chuyển thể bộ phim thành một vở nhạc kịch ở Broadway,[87] trong đó ông chỉ xuất hiện trong đêm khai mạc: "Nó sẽ tương tự như những gì bạn thấy trong phim, ngoại trừ việc đó là một vở nhạc kịch với hơn 10 "Johnny" cùng nhảy, múa và cười... Tôi sẽ tham gia với tư cách là một Johnny duy nhất".[11] Cũng trong một cuộc phỏng vấn năm 2016, Wiseau đã đề cập đến kế hoạch một lần nữa, mô tả ý tưởng của ông về một vở "nhạc kịch hài".[88]

Phim chiếu mạng

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào ngày 21 tháng 10 năm 2014, Robyn Paris đã khởi động một chiến dịch trên Kickstarter nhằm tăng ngân sách cho loạt phim tài liệu chiếu mạng hài giả tưởng của cô mang tên The Room Actors: Where Are They Now? A Mockumentary.[c][89] Chiến dịch sau đó huy động được 31.556 USD (tương đương 34.080 USD vào năm 2019) từ 385 người ủng hộ.[90] Mặc dù có một số diễn viên trong phim gốc ban đầu xuất hiện trong loạt phim, Wiseau, Sestero và Holmes đã không tham gia.[91] Bộ phim được công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim Raindance lần thứ 24 vào ngày 30 tháng 9 năm 2016 và trên trang web Funny or Die vào ngày 30 tháng 11 năm 2017.[92]

Nhạc kịch

[sửa | sửa mã nguồn]

Một vở nhạc kịch châm biếm do người hâm mộ thực hiện có tên OH HAI!: The Rise of Chris-R do Tony Orozco và Peter Von Sholly viết kịch bản đã được phát hành trên SoundCloud vào ngày 27 tháng 7 năm 2017. Tác phẩm dựa trên cốt truyện gốc của bộ phim nhưng đặc biệt có thêm phần mở rộng về nhân vật Denny và mối quan hệ của anh với Chris-R.[93]

Vào năm 2018, Oh Hi, Johnny! 'Room'sical Parody' đã công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim Orlando Fringe do Bryan Jager và Alex Syiek viết kịch bản.[94] Chương trình sau đó được tổ chức tại Liên hoan Sân khấu Nhạc kịch Chicago vào tháng 2 năm 2019.[95]

Trong văn hóa đại chúng

[sửa | sửa mã nguồn]

Một chương trình hài kịch mang tên Tim and Eric Awesome Show, Great Job! phát sóng trên kênh Adult Swim đã mời Wiseau đến tham gia với tư cách khách mời trực tiếp (đóng vai Pig Man) trong số phát sóng ngày 9 tháng 3 năm 2009 với tựa đề "Tommy". Adult Swim sau đó cũng phát sóng lại bộ phim ba lần từ năm 2009 đến năm 2011 trong khuôn khổ chương trình Ngày Cá tháng Tư của họ.[96] Vào ngày 18 tháng 6 năm 2009, RiffTrax đã phát hành phần bình luận phim The Room do Michael John Nelson, Bill Corbett và Kevin Murphy làm người bình luận.[97] Phần bình luận cũng xuất hiện trong một buổi biểu diễn trực tiếp sau đó của RiffTrax vào ngày 6 tháng 5 năm 2015 và được chiếu tại 700 rạp trên khắp Hoa Kỳ và Canada.[98] Buổi biểu diễn đã được phát lại một lần nữa vào ngày 28 tháng 1 năm 2016 như là một phần của Best of RiffTrax Live.[99]

The Room cũng bị chế giễu trong loạt chương trình hài Nostalgia Critic, trong đó nêu bật diễn xuất và kịch bản tệ hại của bộ phim, nhưng lại khuyến khích khán giả xem nó: "Đây thực sự là một trong những phim bạn phải xem thì mới có thể tin được". Tuy nhiên video đã bị gỡ xuống vì có khiếu nại về vi phạm bản quyền từ Wiseau-Films. Vài ngày sau, tập phim trên được thay thế bằng một đoạn video ngắn có tiêu đề "The Tommy Wi-Show", trong đó người dẫn chương trình Doug Walker hóa trang thành Wiseau và chế giễu các hành động pháp lý bị đe dọa. Bài đánh giá chính sau đó đã được phục hồi. Sestero cũng xuất hiện với tư cách khách mời trên Nostalgia Critic trong tập phim Dawn of the Commercials. Cả Wiseau và Sestero sau đó đều xuất hiện trong các tập riêng biệt trên chương trình trò chuyện của Walker, Shut Up and Talk.[100]

Năm 2011, Greg DeLiso và Peter Litvin đã đăng tải một video trên YouTube có tựa đề The Room Rap, kể về quá trình sản xuất của The Room và chế giễu những điểm yếu kém như diễn xuất và kịch bản phim thông qua rap, sau đó đã được liệt kê vào danh sách tham khảo trong cuốn hồi ký của Greg Sestero.[101] Năm 2015, Sestero đóng vai chính trong bộ phim Dude Bro Party Massacre III của đạo diễn Michael Rousselet, là một bệnh nhân F0 bị nhiễm bệnh sau khi xem The Room.[63][102] Cũng trong truyện tranh Marvel phát hành năm 2016 Spider-Man/Deadpool # 12, nhân vật Đại úy Marvel (Carol Danvers) đã nhận được món quà Giáng sinh là bản sao DVD của The Room từ Deadpool, nhưng lại phàn nàn rằng cô thực sự muốn Room, với sự tham gia của Brie Larson. Cô cũng tiếp tục nói rằng Tommy Wiseau thực sự là một tên tội phạm ngoài hành tinh bị truy nã bởi những Vệ binh dải Ngân Hà.[103]

Vào ngày 5 tháng 7 năm 2015, trong chuyên mục tư vấn của Amy Dickinson Ask Amy, một lá thư chơi khăm đã được gửi đến, nêu lên nội dung The Room dưới dạng vấn đề cá nhân, với một số chi tiết giống trong phim từ cách gọi "vợ tương lai" hay chi tiết "bị ung thư vú" đến trích dẫn những câu thoại kinh điển như "Cô ấy đang xé nát tôi ra thành từng mảnh" ("She is tearing me apart").[104][105] Dickinson sau đó đã đề cập đến chuyện này trong một chương trình hài radio công cộng quốc gia[106] và chương trình Wait Wait... Don't tell me! cũng như tại chuyên mục của cô vào ngày 11 tháng 7 cùng năm.[107][108] Trong truyện tranh trực tuyến xkcd số #1400 đăng ngày 28 tháng 7 năm 2014, tác giả đã so sánh một cách châm biếm giữa Wiseau và D. B. Cooper bằng sự tương đồng giữa tài sản, tuổi tác và giọng nói, từ đó suy đoán về nguồn gốc của Wiseau liệu có liên quan đến Cooper.[109]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Phim cult (từ gốc: "cult film"; "cult movie") là một bộ phim đình đám, hay còn được gọi chung là một tác phẩm kinh điển đình đám, là một bộ phim đã có được một lượng người theo dõi và tạo thành nhiều trào lưu khác nhau.
  2. ^ Tạm dịch: "Có nên coi những phim điện ảnh dở tệ một cách rực rỡ như The Room là 'nghệ thuật ngoại vi'?"
  3. ^ Tạm dịch: Các diễn viên của The Room: Giờ họ đang ở đâu? Một phim tài liệu châm biếm

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Scott Foundas (ngày 17 tháng 7 năm 2003). “Review: 'The Room'. Variety. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2017.
  2. ^ a b Nate Jones (ngày 27 tháng 6 năm 2013). “How The Room Became the Biggest Cult Film of the Past Decade”. Vulture. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2017.
  3. ^ a b c d e f g h i j k l m n o p Clark Collis (12 tháng 12 năm 2008). “The crazy cult of The Room. Entertainment Weekly. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2017.
  4. ^ a b The Room DVD Bonus Features: Q&A
  5. ^ a b Sestero & Bissell 2013, tr. 228.
  6. ^ a b Gene Park (1 tháng 12 năm 2017). 'The Room' is the worst movie ever made, but I've seen it a hundred times — without irony”. Washington Post. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 9 năm 2018. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2021.
  7. ^ Declan Green (19 tháng 4 năm 2018). “The Room and its Bizarre Cult Following”. Nerd Daily. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 9 năm 2021. Truy cập ngày 3 tháng 9 năm 2021.
  8. ^ Nguyễn Tuấn (21 tháng 3 năm 2018). “Xem Hollywood tôn vinh bộ phim dở nhất mọi thời đại”. Tuổi trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 3 năm 2018. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2021.
  9. ^ a b c d Elina Shatkin (24 tháng 7 năm 2007). “LAist Interviews Tommy Wiseau, The Face Behind The Billboard”. LAist. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2017.
  10. ^ a b c d e f Led Lannaman (13 tháng 8 năm 2009). “Tommy Wiseau: The Complete Interview(s)”. Potland Mecury. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2017.
  11. ^ a b c d Sloan Will (27 tháng 4 năm 2011). "The Varsity Interview: Tommy Wiseau". The Varsity. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2017.
  12. ^ Sestero & Bissell 2013, tr. 246–50.
  13. ^ a b c d e f Heisler Steve (24 tháng 6 năm 2009). “Tommy Wiseau”. The A.V. Club. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 11 năm 2017. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2017.
  14. ^ a b Sestero & Bissell 2013, tr. 71.
  15. ^ Sestero & Bissell 2013, tr. 98.
  16. ^ a b Conor Lastowka (12 tháng 6 năm 2009). “RiffTrax Interview with The Room's Greg Ellery”. RiffTrax. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 6 năm 2009. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2017.
  17. ^ Danielle Bacher (4 tháng 10 năm 2013). “Remembering 'The Room'. Rolling Stone. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2017.
  18. ^ a b Nate Jones (27 tháng 6 năm 2013). “How The Room Became the Biggest Cult Film of the Past Decade”. Vulture. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2021.
  19. ^ a b c Sam Weisberg (20 tháng 7 năm 2011). “Greg Sestero: The new cult classic The Room's rising star”. Screen Comment. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2021.
  20. ^ a b Aja Romano (19 tháng 12 năm 2017). “The Room: how the worst movie ever became a Hollywood legend as bizarre as its creator”. Vox. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2021.
  21. ^ Bill Gibron (8 tháng 6 năm 2010). "I Don't Want to Talk About It": The Room (2003)”. PopMatters. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2021.
  22. ^ Jeremy Glass (5 tháng 1 năm 2014). “Greg Sestero Tells Us About The Room and What's In Tommy Wiseau's Pockets”. Thrillist. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2021.
  23. ^ Sestero & Bissell 2013, tr. 84.
  24. ^ Sestero & Bissell 2013, tr. 92.
  25. ^ EJ Dickson (28 tháng 6 năm 2013). “Lisa Exits "The Room". The Awl. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2021.
  26. ^ Danny Salemme (8 tháng 12 năm 2017). “15 Things You Didn't Know About The Room”. Screen Rant. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 4 năm 2019. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2021.
  27. ^ a b Conor Lastowka (12 tháng 6 năm 2009). “RiffTrax Interview with The Room's Greg Ellery”. RiffTrax. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 6 năm 2009. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2021.
  28. ^ Sestero & Bissell 2013, tr. 234.
  29. ^ Sestero & Bissell 2013, tr. 122.
  30. ^ a b Ryan Ryan. “Interview with The Room's Juliette Danielle”. Praxis Magazine. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2017.
  31. ^ Steve Heisler (23 tháng 2 năm 2010). “The Room's Greg Sestero, best friend extraordinaire”. A.V. Club. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 10 năm 2017. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2017.
  32. ^ a b Heisler Steve (23 tháng 2 năm 2010). The Room's Greg Sestero, Best Friend Extraordinaire”. The A.V. Club. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 10 năm 2017. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2017.
  33. ^ Danielle Bacher (ngày 4 tháng 10 năm 2013). “Remembering 'The Room'. Rolling Stone. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2017.
  34. ^ Doug Walker (30 tháng 4 năm 2015). “Shut Up and Talk: Tommy Wiseau”. Channel Awesome. YouTube. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 20 tháng 6 năm 2017.
  35. ^ Sestero & Bissell 2013, tr. 152.
  36. ^ Sestero & Bissell 2013, tr. 128.
  37. ^ Drew Litowitz (1 tháng 11 năm 2013). “Meet Mladen Milicevic, the College Professor Who Composed the Music for "The Room". Vice. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2021.
  38. ^ Milicevic Mladen. “Credits: Mladen Milicevic – Composer” (PDF). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 19 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2021.
  39. ^ a b “Release "The Room" by Various Artists”. MusicBrainz. 24 tháng 4 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2021.
  40. ^ a b Alex Ritman (10 tháng 1 năm 2018). “Did Tommy Wiseau Really Direct 'The Room'?”. The Hollywood Reporter. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2021.
  41. ^ Sestero & Bissell 2013, tr. 27.
  42. ^ Sestero & Bissell 2013, tr. 211.
  43. ^ Sestero, Greg; Bissell, Tom (10/2013). The Disaster Artist: My Life Inside The Room, the Greatest Bad Movie Ever Made (First Hardcover ed.). New York: Simon & Schuster. ISBN 978-1-4516-6119-4.
  44. ^ Sestero & Bissell 2013, tr. 189.
  45. ^ a b James Franco (18 tháng 5 năm 2016). "James Franco Interviews the Men Behind the "The Worst Film Ever Made" Lưu trữ 2017-07-27 tại Wayback Machine". V magazine. Truy cập ngày 18 tháng 5 năm 2016.
  46. ^ a b Sestero & Bissell 2013, tr. 263.
  47. ^ Sestero & Bissell 2013, tr. 5.
  48. ^ a b Madelyne Xiao (ngày 7 tháng 4 năm 2015). 'The Room' director talks new sitcom project, directorial influences”. The Stanford Daily. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 20 tháng 6 năm 2017.
  49. ^ Sestero & Bissell 2013, tr. 126.
  50. ^ Sestero & Bissell 2013, tr. 66.
  51. ^ Sestero & Bissell 2013, tr. 36.
  52. ^ Jones Nate (26 tháng 5 năm 2010). The Room: The Awful Movie Everyone Wants to See”. Time. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 24 tháng 6 năm 2017.
  53. ^ Scott Tobias (26 tháng 3 năm 2009). The Room. The A.V. Club. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 9 năm 2017. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2017.
  54. ^ Sestero & Bissell 2013, tr. 195–196.
  55. ^ Sam Weisberg (20 tháng 7 năm 2011). “An Interview with The Room's Main Actor, Greg Sestero”. Screen Comment. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2017.
  56. ^ Sestero & Bissell 2013, tr. 196–198.
  57. ^ Sestero & Bissell 2013, tr. 100.
  58. ^ Maloney Devon (4 tháng 9 năm 2013). “10 Years After The Room, Tommy Wiseau Is Still Hollywood's Biggest Mystery”. Wired. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2017.
  59. ^ Sestero & Bissell 2013, tr. 262.
  60. ^ Steve Rose (ngày 9 tháng 9 năm 2009). “Is This the Worst Movie Ever Made?”. The Guardian. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 20 tháng 6 năm 2017.
  61. ^ a b Tim Walker (ngày 19 tháng 7 năm 2009). “The Couch Surfer: 'It May Be Sublimely Rubbish, but The Room Makes Audiences Happy'. The Independent. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2017.
  62. ^ Collis Clark (30 tháng 12 năm 2008). 'The Room': Worst movie ever? Don't tell that to its suddenly in-demand star”. Entertainment Weekly. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2017.
  63. ^ a b John Cassaras (ngày 14 tháng 1 năm 2011). “A 'Room' with a cult following”. CNN. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 8 năm 2017. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2017.
  64. ^ Rosen Adam (8 tháng 10 năm 2013). “Should Gloriously Terrible Movies Like The Room Be Considered 'Outsider Art'?”. The Atlantic. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 20 tháng 6 năm 2017.
  65. ^ Petersen Dean (14 tháng 6 năm 2017). “Why people keep watching the worst movie ever made”. Vox. YouTube. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 11 năm 2017. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2017.
  66. ^ Uncle's John (27 tháng 12 năm 2010). “The Worst Movie of All Time?”. World’s Strangest. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 20 tháng 6 năm 2017.
  67. ^ Sestero & Bissell 2013, tr. xiv.
  68. ^ Cellania Miss (27 tháng 12 năm 2010). “Midnight Madness”. Neatorama. AICN. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2021.
  69. ^ Scott Macaulay (14 tháng 12 năm 2008). “Tour De Fours: Episode 5”. Filmmaker Magazine. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2021.
  70. ^ “Showings”. Wiseau-Films. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 20 tháng 6 năm 2017.
  71. ^ Bather Luke (16 tháng 3 năm 2017). “Everything You Need to Know About Cult Film 'The Room' & Disaster Artist Tommy Wiseau”. Highsnobiety. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2017.
  72. ^ Barton Steve (10 tháng 12 năm 2009). “Motion Picture Purgatory: The Room”. Dread Central. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2017.
  73. ^ Robyn Paris (30 tháng 4 năm 2012). “How 'The Room' Turned Me Into a Cult Movie 'Star'. Backstage. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2021.
  74. ^ Nihar Patel (ngày 5 tháng 5 năm 2006). 'The Room': A Cult Hit So Bad, It's Good (audio)”. National Public Radio. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2017.
  75. ^ "The Room Blu-ray Lưu trữ 2017-06-20 tại Wayback Machine". Blu-ray.com. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2012.
  76. ^ Gencarelli Mike (2 tháng 1 năm 2013). “Blu-ray Review "The Room". MediaMikes. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 11 năm 2017. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2017.
  77. ^ Singer Matt (24 tháng 3 năm 2009). "Everyone Betray Me!": A Primer on 'The Room'. IFC.com. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 20 tháng 6 năm 2017.
  78. ^ a b Bennett Eric (3 tháng 2 năm 2015). “The Room Blu-ray Review”. High-Def Digest. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2017.
  79. ^ Morgan Little (21 tháng 9 năm 2018). "You can now watch The Room for free on YouTube Lưu trữ 2021-01-27 tại Wayback Machine". CNET. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2021.
  80. ^ Yes, I Directed The Room: The Truth About Directing the "Citizen Kane of Bad Movies". ASIN 1775175502.
  81. ^ “James Franco's Production Company Acquires Book About So-Bad-It's-Good Cult Movie 'The Room'. Deadline Hollywood. ngày 7 tháng 2 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 20 tháng 6 năm 2017.
  82. ^ Anita Busch (15 tháng 5 năm 2017). “A24 & New Line To Release James Franco's 'The Disaster Artist' In December”. Deadline. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2021.
  83. ^ Ontario Superior Court of Justice (J. Paul Schabas) (23 tháng 4 năm 2020). “Wiseau Studio, LLC et al. v. Harper et al., 2020 ONSC 2504 (CanLII)”. CanLII. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 9 năm 2020. Truy cập ngày 2 tháng 6 năm 2020.
  84. ^ Brock Thiessen (ngày 4 tháng 5 năm 2020). “Tommy Wiseau Ordered to Pay Nearly $1 Million to Canadian Documentary Filmmakers”. Exclaim!. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2020.
  85. ^ Ward Kate (ngày 6 tháng 9 năm 2010). "'The Room: The Game': Good thinking! Lưu trữ 2021-03-10 tại Wayback Machine". Entertainment Weekly. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2010
  86. ^ “The Room: Live announcement”. AFI Silver. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 5 năm 2010. Truy cập ngày 20 tháng 6 năm 2017.
  87. ^ Rao Mallika (7 tháng 9 năm 2011). 'The Room': Tommy Wiseau On His Cult Hit, Broadway And Why Fans Are Finally Starting To 'Get It'. HuffPost. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2017.
  88. ^ Yakas Ben (28 tháng 7 năm 2016). “An Interview With Tommy Wiseau, Creator Of The Greatest Disasterpiece: 'The Room'. Gothamist. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 11 năm 2016. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2017.
  89. ^ "The Room Actors: Where Are They Now? A Mockumentary Lưu trữ 2017-06-20 tại Wayback Machine". Kickstarter. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2014.
  90. ^ Robyn Paris (22 tháng 11 năm 2014). “The Room Actors: Where Are They Now? A Mockumentary”. Kickstarter. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 20 tháng 6 năm 2017.
  91. ^ Robertson Murray (8 tháng 11 năm 2016). “Interview: The Room actress Robyn Paris – 'I think we all went through the various stages of grief'. The List. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 10 năm 2017. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2017.
  92. ^ “The Room Actors: Where Are They Now? (robynparis) – Funny Or Die”. Funny Or Die. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 12 năm 2017. Truy cập ngày 1 tháng 12 năm 2017.
  93. ^ “Oh Hail ! The Room Musical”. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 12 năm 2017. Truy cập ngày 27 tháng 9 năm 2020.
  94. ^ Russon Gabrielle (18 tháng 5 năm 2018). “Review: Oh, Hi Johnny The Roomsical Parody Musical - Fringe 2018”. Orlando Sentinel. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2020.
  95. ^ “Photo Flash: OH HI, JOHNNY! Tears Audiences Apart At The Chicago Musical Theatre Festival”. BroadwayWorld.com. 12 tháng 2 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2020.
  96. ^ Kylia Cobb (18 tháng 4 năm 2017) "10 of The Craziest And Most Controversial Things Adult Swim Has Done Lưu trữ 2017-07-18 tại Wayback Machine". Decider. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2017.
  97. ^ Michael John Nelson, Bill Corbett, Kevin Murphy (17 tháng 6 năm 2009). “The Room – RiffTrax”. RiffTrax. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 20 tháng 6 năm 2017.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  98. ^ “RiffTrax Live The Room”. Fathom Events. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2017.
  99. ^ “Best of RiffTrax Live The Room”. Fathom Events. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2017.
  100. ^ Channel Awesome (16 tháng 1 năm 2014) "Shut up and Talk: Greg Sestero Lưu trữ 2017-06-21 tại Wayback Machine". YouTube. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2021.
  101. ^ Greg DeLiso, Peter Litvin (18 tháng 10 năm 2011). “The Room Rap”. YouTube. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 5 tháng 8 năm 2021.
  102. ^ Collis Clark (18 tháng 5 năm 2015). “Dude Bro Party Massacre III trailer: Patton Oswalt explains why the movie isn't what it seems”. Entertainment Weekly. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2017.
  103. ^ Spider-Man/Deadpool #12. Marvel Comics. Xuất bản ngày 28 tháng 12 năm 2016.
  104. ^ Amy Dickinson (ngày 5 tháng 7 năm 2015). “Ask Amy: She hasn't been faithful to me”. Omaha World-Herald. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2017.
  105. ^ Kyle Daly (7 tháng 6 năm 2015). “Someone trolled "Ask Amy" by pretending to be Johnny from The Room”. The A.V Club. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2021.
  106. ^ “Bluff The Listener”. NPR. Wait Wait... Don't Tell Me!. 11 tháng 7 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2017.
  107. ^ Amy Dickinson (10 tháng 7 năm 2015). “Ask Amy: Dysfunctional relationship should not progress to marriage”. The Washington Post. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2017.
  108. ^ Amy Dickinson (20 tháng 7 năm 2015). “Ask Amy: Father and sons flee when mom starts to attack”. The Washington Post. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2017.
  109. ^ Randall Munroe (28 tháng 7 năm 2014). “D.B. Cooper”. xkcd. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 6 năm 2018. Truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2018.

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]