Tây châu Nam Cực
Tây châu Nam Cực (tiếng Anh: West Antarctica), hay còn được gọi là Tiểu Nam Cực (tiếng Anh: Lesser Antarctica), là một phần của châu Nam Cực nằm ở Tây Bán cầu, bao gồm cả Bán đảo Nam Cực, và là một trong hai khu vực chính của Nam Cực. Nó được ngăn cách với Đông châu Nam Cực bởi dãy núi Xuyên Nam cực (Transantarctic) và được Tấm băng ở Tây Nam Cực bao phủ. Nó nằm giữa biển Ross (được bao phủ một phần bởi Thềm băng Ross) và biển Weddell (được bao phủ phần lớn bởi Thềm băng Filchner-Ronne). Tây châu Nam Cực có thể được coi là một bán đảo khổng lồ, trải dài từ Nam Cực về phía mũi Nam Mỹ.
Tây châu Nam Cực phần lớn được bao phủ bởi Tấm băng Nam Cực, nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy biến đổi khí hậu đang có một số ảnh hưởng và tấm băng này có thể đã bắt đầu thu hẹp lại một chút. Trong 50 năm qua, bờ biển phía tây của Bán đảo Nam Cực đã và đang là một trong những khu vực nóng lên nhanh nhất trên hành tinh,[1][2] và các bờ biển của Bán đảo là những phần duy nhất của Tây châu Nam Cực không có băng vào mùa hè. Chúng tạo thành đài nguyên Tây châu Nam Cực và có khí hậu ấm nhất ở Nam Cực. Những tảng đá được bao phủ bởi rêu và địa y có thể chống chọi với cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông và mùa sinh trưởng ngắn ngủi.
Vị trí và miêu tả
[sửa | sửa mã nguồn]Tây châu Nam Cực nằm ở phía Thái Bình Dương của dãy núi Xuyên Nam cực. Khu vực bao gồm bán đảo Nam Cực (với Vùng đất Graham và Vùng đất Palmer), Vùng đất Ellsworth, Vùng đất Marie Byrd và Vùng đất King Edward VII, các đảo ngoài khơi như đảo Adelaide và thềm băng, đặc biệt là thềm băng Filchner-Ronne trên biển Weddell và thềm băng Ross trên biển Ross.
Tây châu Nam Cực được đặt tên vào đầu thế kỷ 20.[3] Tên gọi này đã được chính thức hóa sau Năm Vật lý Địa cầu Quốc tế (1957–1958), và các cuộc thám hiểm tiết lộ rằng Dãy núi Xuyên Nam cực tạo thành một đường ranh giới khu vực hữu ích giữa Tây châu Nam Cực và Đông châu Nam Cực. Ủy ban Cố vấn về Địa danh châu Nam Cực (Advisory Committee on Antarctic Names, viết tắt: US-ACAN) đã phê duyệt tên này vào năm 1962.[4]
Tây châu Nam Cực chủ yếu được bao phủ bởi Tấm băng ở Tây Nam Cực. Trong những thập kỷ gần đây, tảng băng này có dấu hiệu giảm khối lượng.[5]
Lịch sử địa chất của Tây châu Nam Cực đã được tóm tắt trong một ấn phẩm năm 2020.[6]
Đài nguyên Tây châu Nam Cực
[sửa | sửa mã nguồn]Các bờ biển của Bán đảo Nam Cực là các phần của Tây châu Nam Cực không bị băng bao phủ (ốc đảo Nam Cực). Chúng tạo thành một khu vực đa dạng sinh học được gọi là Đài nguyên Tây châu Nam Cực (Marielandia Antarctic tundra) (theo tên của Vùng đất Marie Byrd).[7] Khu vực này có khí hậu ấm nhất Nam Cực[8][9] với những tảng đá phủ đầy rêu và địa y không có tuyết trong những tháng mùa hè, mặc dù thời tiết vẫn rất lạnh và mùa sinh trưởng rất ngắn.[7]
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Bài viết này kết hợp các tài liệu thuộc phạm vi công cộng từ website hay thư mục thuộc Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ thư mục "Tây châu Nam Cực" (nội dung từ Hệ thống Thông tin Địa danh).
- ^ “Impacts of climate change”. Discovering Antarctica (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2021.
- ^ “WMO verifies one temperature record for Antarctic continent and rejects another”. public.wmo.int (bằng tiếng Anh). 30 tháng 6 năm 2021. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2021.
- ^ Swift Balch, Edwin (1912). Antarctic Names. Bulletin of the American Geographical Society. 44. JSTOR. tr. 5–6. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2023.
- ^ G. Alberts, Fred (1995). Geographic Names of the Antarctic. National Science Foundation. tr. 804.
- ^ “Antarctic ice sheet is an 'awakened giant'”. New Scientist. 2 tháng 2 năm 2005. Truy cập ngày 26 tháng 1 năm 2008.
- ^ Jordan, Tom A.; Riley, Teal R.; Siddoway, Christine S. (2020). “The geological history and evolution of West Antarctica”. Nature Reviews Earth & Environment (bằng tiếng Anh). 1 (2): 117–133. doi:10.1038/s43017-019-0013-6. ISSN 2662-138X.
- ^ a b Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (2001). “Marielandia Antarctic tundra”. Hồ sơ vùng sinh thái thế giới động vật. Hội địa lý Quốc gia Hoa Kỳ. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 3 năm 2010.
- ^ R. Winston, Revie (18 tháng 5 năm 2011). Uhlig's Corrosion Handbook. Wiley. tr. 329.
- ^ Kalman Dubov 2020, tr. xem trang.
Sách
[sửa | sửa mã nguồn]- J. B. Anderson (1999). Antarctic Marine Geology. Cambridge University Press. tr. 289. ISBN 978-0-52159-317-5.
- Kalman Dubov (2020). Journeys to Antarctica: Review & Analysis. Columbia University Press. tr. 208.