Bước tới nội dung

Quan Âm Phật Đài (Bạc Liêu)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Quan Âm Phật Đài Bạc Liêu
Chùa Quan Âm Phật Đài còn trong quá trình xây dựng
Vị trí
Quốc gia Việt Nam
Địa chỉKhóm Bờ Tây, phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Thông tin
Tôn giáoPhật giáo
Tông pháiPhật giáo Bắc Tông
Khởi lập1973
Người sáng lậpHòa thượng Thích Trí Đức
Quản lýThượng tọa Thích Quảng Thới[1]
Trụ trìThượng tọa Thích Quảng Thới
icon Cổng thông tin Phật giáo

Quan Âm Phật Đài (còn gọi là Mẹ Nam Hải [2]) là tên một ngôi chùa thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông; hiện tọa lạc ở phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, Việt Nam. Đây là một công trình văn hóa tâm linh nổi bật của tỉnh,[3] với pho tượng Bồ Tát Quán Thế Âm[a] cao 11 mét, đứng giữa một không gian thoáng đãng hướng nhìn ra Biển Đông.[4]

Tượng Thiên Thủ Quán Âm

Chùa nằm cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 8 km.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Ban đầu, chùa chỉ là một căn nhà rộng đơn sơ bằng cây lá, trên một khu đất nhỏ ở ven biển có nhiều ao đầm, bãi bùn với nhiều cây mắm, đước,...

Năm 1973, Hòa thượng Thích Trí Đức đứng ra chủ trì việc xây tượng Quán Thế Âm lộ thiên (cao 11 m, không kể phần bệ tượng), và hoàn thành vào đầu năm 1975. Lúc mới xây dựng, tượng đài được đặt sát mé biển, khi thủy triều lên, nước biển tràn vào có lúc ngập cả chân đế. Qua nhiều năm, do sự bồi đắp của thiên nhiên, vị trí đặt tượng đài đã cách biển gần 1 km.

Tượng Địa Tạng Bồ Tát

Năm 2004, chính quyền tỉnh Bạc Liêu đã cấp phép cho mở rộng và san lấp khu đất nơi chùa tọa lạc. Nhờ vậy mà một số hạng mục đã lần lượt được dựng lên nhờ vào sự đóng góp của các tín đồ và khách thập phương.

Đầu năm 2013, việc xây dựng vẫn còn đang tiến hành trên phạm vi rộng khoảng 3 ha, và chỉ mới hoàn thành được một số hạng mục, như cổng Tam quan, điện Thiên Thủ, điện Địa Tạng, nhà chư tăng, nhà khách,...

Cấu trúc

[sửa | sửa mã nguồn]

Điện Thiên Thủ thờ Thiên thủ Quán Âm (thờ chính). Đây là một trong nhiều danh xưng của Bồ Tát Quán Thế Âm, tiếng Phạn là Avalokitesvara, cũng gọi là Quán Tự Tại. Tượng của vị Bồ Tát này có đến ngàn cánh tay và ngàn con mắt (thiên thủ, thiên nhãn).[5]

Điện Địa Tạng thờ Địa Tạng Bồ Tát (thờ chính). Đây là một vị Bồ Tát chuyên cứu độ sinh linh trong Địa ngục. Bên cạnh đó, trong hai tòa điện này còn có các tượng thờ (phối thờ): Quán Thế Âm Bồ Tát, Chuẩn Đề Vương Bồ Tát, Diệm Diêm Vương Bồ Tát, v.v...

Tượng Quán Thế Âm cao 11 m

Hằng năm, nhà chùa có tổ chức lễ hội Quán Âm Nam Hải vào ba ngày: 22, 23 và 24 tháng 3 âm lịch. Đây cũng là một trong 6 lễ hội đặc trưng của tỉnh Bạc Liêu đã được công nhận là lễ hội chính thức.[6]

Ngoài ra, nhà chùa còn tổ chức các ngày lễ khác, như ba ngày lễ vía Quán Thế Âm: 19 tháng 2 âm lịch (giáng sanh), 19 tháng 6 âm lịch (thành đạo), 19 tháng 9 âm lịch (xuất gia), lễ Rằm tháng Giêng, lễ Vu Lan, v.v... Tất cả đều được đông đảo tín đồ và khách thập phương đến tham dự.

Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, thì "Khu du lịch Nhà Mát – Quan Âm Phật Đài" đang được đầu tư xây dựng với diện tích 98,5 ha. Trong tương lai không xa, nơi đây sẽ trở thành một khu du lịch sinh thái biển kết hợp với du lịch lễ hội hành hương, cùng với hệ thống nhà hàng khách sạn và khu vui chơi, giải trí đa dạng.[7]

  1. ^ Có nhiều người dân ở vùng miền này gọi pho tượng Quán Thế Âm (cao 11 m) ở đây là Mẹ Quan Âm. Tại Việt Nam, Phật Bà Quan Âm với tượng nhìn hướng ra biển Đông còn gọi là Mẹ Nam Hải, với ý nghĩa phù hộ người đi biển.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “LỄ BÀN GIAO Quan Âm Phật Đài BẠC LIÊU”. PHẬT GIÁO BẠC LIÊU. 21 tháng 12 năm 2017.
  2. ^ Dòng người đổ về Mẹ Nam Hải xin lộc đầu năm, Đại Đoàn Kết,17/02/2024
  3. ^ Theo Trần Phước Thuận, "Quan Âm Phật Đài Bạc Liêu: Một công trình văn hóa tâm linh", đăng trên báo Giác Ngộ online ngày 27 tháng 3 năm 2008 [1] Lưu trữ 2013-04-17 tại Wayback Machine
  4. ^ Theo Mai Lý, "Quan Âm Phật Đài ở Bạc Liêu" đăng trên báo Kinh tế Sài Gòn online ngày 15 tháng 1 năm 2013 [2] Lưu trữ 2016-03-04 tại Wayback Machine.
  5. ^ Nguồn: "Thiên thủ Quán Âm" trên báo Giác ngộ online đăng ngày 4 tháng 8 năm 2012 [3] Lưu trữ 2013-01-27 tại Wayback Machine.
  6. ^ Nguồn: "Về Bạc Liêu, dự lễ Quán Âm Nam Hải" của Quỳnh Anh, đăng trên website Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu ngày 26 tháng 5 năm 2011 [4] Lưu trữ 2016-03-06 tại Wayback Machine.
  7. ^ “Khu du lịch Nhà Mát – Quan Âm Phật Đài”. baclieu.gov.vn. ngày 28 tháng 6 năm 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 9 năm 2021. Truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2021.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]