Bước tới nội dung

Nguyễn Văn Huệ (Thanh Hóa)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nguyễn Văn Huệ
Chức vụ
Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hóa
Nhiệm kỳTháng 1, 1946 – Tháng 5, 1946
Tiền nhiệmLê Tất Đắc
Kế nhiệmLê Chủ
Vị trí Việt Nam
Thông tin cá nhân
Sinh1910
Hà Tân, Hà Trung, Thanh Hóa
Mất2009
Dân tộcViệt
Đảng chính trịĐảng Cộng sản Đông Dương
Đảng khácTân Việt Cách mệnh Đảng

Nguyễn Văn Huệ (1910–2009) là một nhà cách mạng Việt Nam, nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hóa.

Cuộc đời

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguyễn Văn Huệ sinh ngày 20 tháng 5 năm 1910 ở làng Đô Mỹ, xã Hà Tân, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1927, ông là thành viên của tổ tiểu Tân (hạt nhân cơ sở của Đảng Tân Việt) ở Hà Tân, phụ trách tuyên truyền, giáo dục và tập hợp quần chúng đấu tranh chống Pháp cùng các đồng chí Phạm Tiến Năng, Lê Hữu Thiềm, Lê Tất Đắc, Trịnh Đình Chí, Mai Tự Cường, Lê Viết Bính, Đào Xuân Nghinh, Đào Xuân Tỵ.[1] Năm 1929, ông và năm đồng chí trong tổ chức bị bắt giam.[2]

Năm 1930, ông vượt ngục thành công và được Nguyễn Xuân Phương, một thành viên của phong trào Hội Xích sinh (tức Hội học sinh đỏ) liên hệ, cùng nhau bàn kế hoạch thành lập chi bộ Cộng sản. Ngày 10 tháng 10 năm 1930, tại gác chuông chùa Trần ở làng Trần, tổng Ngọ Xá (nay là thôn Kim Liên, xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung), chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Hà Trung được thành lập (gồm Nguyễn Xuân Phương, Mai Tự Cường, Nguyễn Văn Huệ, Đào Xuân Nghinh, Đào Xuân Tỵ) do Nguyễn Xuân Phương làm Bí thư.[3][4][5] Ngay sau khi thành lập, chi bộ Hà Trung đã tổ chức in ấn tài liệu, rải truyền đơn kêu gọi công-nông đoàn kết đấu tranh, tích cực mở rộng phạm vi hoạt động từ Hà Lâm ra Hà Ngọc, Hà Bình, Bỉm Sơn lên Hà Tiến, Hà Tân, xây dựng một số cơ sở Nông hội Đỏ. Đêm 22 ngày 23 tháng 12 năm 1931, chi bộ tổ chức đợt rải truyền đơn lớn từ phủ lỵ Hà Trung, phố Trần (bắc cầu Đò Lèn), nhà ga Đò Lèn, ga Cầu Cừ, ga Bỉm Sơn lên vùng Hà Tân, Hà Tiến giáp huyện Thạch Thành xuống vùng Đa Nam giáp huyện Nga Sơn, gây được tiếng vang lớn.[6] Thực dân Pháp tiến hành truy quét, ông và Đào Xuân Tỵ bị bắt về nhà lao tỉnh.[7]

Sau khi thoát khỏi nhà tù, ông tiếp tục hoạt động xây dựng lực lượng ở Hà Trung cùng với các đồng chí Tố Hữu, Lê Tất Đắc, Trịnh Ngọc Điệt, Ngô Đức,...[8] Năm 1942, ông chủ trì thành lập Hội Thanh niên ái quốc Hà Trung ở hang Chùa (xã Hà Tiến). Năm 1943, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Lê Tất Đắc, Hội Thanh niên ái quốc hợp nhất với Thanh Hóa Ái quốc hội Hà Trung của Tỉnh ủy thành Mặt trận Việt Minh tỉnh Thanh Hóa do Nguyễn Văn Huệ phụ trách.[9][10] Năm 1943, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh ủy Thanh Hóa.[11]

Ngày 13 tháng 8 năm 1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa triệu tập Hội nghị mở rộng ở làng Mao Xá (nay là thôn Toán Tỵ, xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa), quyết định thời gian khởi nghĩa giành chính quyền, thành lập Ủy ban khởi nghĩa gồm Lê Tất Đắc, Trịnh Ngọc Điệt, Hoàng Tiến Trình, Lê Chủ, Nguyễn Văn Huệ, Đinh Chương Lân, Ngô Đức, do Lê Tất Đắc làm Chủ tịch, kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời.[12] Ngày 23 tháng 8, tại phố Vườn Hoa, thị xã Thanh Hóa, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thanh Hóa, dẫn đầu là Chủ tịch Lê Tất Đắc, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Huệ ra mắt người dân.[13][14][15] Trước tình hình phức tạp ở các huyện miền núi, Tỉnh ủy thành lập Ủy ban Thượng du do ông làm Cố vấn.[16][17]

Tháng 1 năm 1946, ông trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa I, được phân công làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa.[18][19] Sau đó ông ra Việt Bắc, công tác tại Cục Thông tin Bộ Tổng tham mưu, Ban Tuyên huấn Trung ương.[20]

Tên của ông được đặt cho một con đường ở thành phố Thanh Hóa[21][22], thị xã Bỉm Sơn[23] và đề xuất đặt cho một con đường ở thị trấn Hà Trung.[24]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (2010). Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, 1930 - 1954. Thanh Hóa: Nhà xuất bản Thanh Hóa.
  • Đỗ Thanh Bình; Nguyễn Thị Hạnh; Phan Ngọc Huyền; Lê Hiến Chương; Nguyễn Thị Thu Thủy; Phạm Thị Thanh Huyền; Tống Thị Quỳnh Hương; Trần Văn Thịnh (2020). Địa chí Thanh Hóa, Tập V: Tổng quan, Tổng mục lục và chỉ dẫn tra cứu Tổng tập địa chí Thanh Hóa. Thanh Hóa: Nhà xuất bản Khoa học xã hội. ISBN 978-604-308-065-0.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Ban Tuyên giáo (7 tháng 10 năm 2014). “84 năm ngày thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên huyện Hà Trung (10/10/1930-10/10/2014)”. Cổng thông tin điện tử huyện Hà Trung. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2024.
  2. ^ “Khái quát về Hà Tân”. Trang thông tin điện tử xã Hà Tân huyện Hà Trung. 15 tháng 11 năm 2018. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2024.
  3. ^ “Các đồng chí lãnh đạo huyện dâng hương tại Gác chuông chùa Trần và mộ đồng chí Nguyễn Xuân Phương – nguyên Bí thư chi bộ Đảng đầu tiên huyện Hà Trung”. Trang thông tin điện tử xã Hà Ngọc huyện Hà Trung. 2 tháng 11 năm 2022. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2024.
  4. ^ Trang Hằng (4 tháng 2 năm 2023). “Tọa đàm kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ huyện Hà Trung (10/10/1930 - 10/10/2015))”. Cổng thông tin điện tử huyện Hà Trung. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2024.
  5. ^ Lê Như Cương (22 tháng 4 năm 2020). “Khi di tích cách mạng được quan tâm đúng mức”. Báo Thanh Hóa. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2024.
  6. ^ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa 2010, tr. 62–63
  7. ^ Ngọc Anh (14 tháng 8 năm 2021). “Gác chuông chùa Trần - nơi thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên huyện Hà Trung”. Báo Thanh Hóa. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2024.
  8. ^ Nguyễn Sự (4 tháng 2 năm 2023). “Chuyện về lão thành cách mạng 75 năm tuổi Đảng”. Báo Công lý. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2024.
  9. ^ Phan Nga (8 tháng 10 năm 2020). “Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Đảng bộ huyện Hà Trung”. Báo Thanh Hóa. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2024.
  10. ^ Hải Yến (26 tháng 3 năm 2022). “Hành trình về nguồn thăm lại Hang Chùa - xã Hà Tiến - nơi thành lập Hội Thanh niên Ái quốc Hà Trung”. Cổng thông tin điện tử huyện Hà Trung. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2024.
  11. ^ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa 2010, tr. 301–302
  12. ^ Vũ Quý Tùng Anh (30 tháng 8 năm 2021). “Mùa thu Cách mạng Tháng Tám ở Thanh Hóa”. Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 30 tháng 3 năm 2024.
  13. ^ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa 2010, tr. 156–159
  14. ^ Minh Lê (11 tháng 8 năm 2015). “Cách mạng tháng Tám thành công trên quê hương Thanh Hóa”. Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 11 năm 2018. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2024.
  15. ^ Vũ Quý Tùng Anh; Nguyễn Thị Thu Hà (30 tháng 8 năm 2023). “Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lãnh đạo nhân dân giành chính quyền năm 1945”. Tạp chí Lịch sử Đảng. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2024.
  16. ^ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa 2010, tr. 176
  17. ^ “Truyền thống lịch sử Đảng bộ huyện Lang Chánh tỉnh Thanh Hóa: (Phần 2)”. Cổng thông tin điện tử huyện Lang Chánh. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2024.
  18. ^ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa 2010, tr. 302
  19. ^ Văn Như Tước (29 tháng 9 năm 2020). “Đi đâu rồi cũng nhớ về quê cha đất mẹ của mình”. Chuyên trang Văn hóa & Đời sống điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2024.
  20. ^ Đỗ Thanh Bình và đồng nghiệp 2020, tr. 766
  21. ^ Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa (19 tháng 11 năm 2019). “Tờ trình 224/TTr-UBND về việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Thanh Hóa” (PDF). Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2024.
  22. ^ “Xin ý kiến đặt tên đường phố và công trình công cộng trên địa bàn TP Thanh Hóa”. Báo Thanh Hóa. 11 tháng 6 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2024.
  23. ^ Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa (10 tháng 12 năm 2021). “Nghị quyết 207/NQ-HĐND về việc đặt tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa”. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2024.
  24. ^ “Xin ý kiến đặt tên đường, phố trên địa bàn thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung”. Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hoá. 6 tháng 7 năm 2023. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2024.