Bước tới nội dung

Nghị định 168/2024/NĐ–CP

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nghị định 168/2024/NĐ–CP
Chính phủ Việt Nam
Văn bảnNghị định
Phạm vi áp dụngToàn bộ Việt Nam
Ban hành bởiVăn phòng Chính phủ
Ngày ký26 tháng 12 năm 2024 (2024-12-26)
Ký tên bởiTrần Hồng Hà
Ngày hiệu lực1 tháng 1 năm 2025 (2025-01-01)
Lịch sử lập pháp
Ngày trình diện2 tháng 8 năm 2023 (2023-08-02)
Trình diện bởiBộ Công an
Trạng thái: Có hiệu lực

Nghị định 168/2024/NĐ–CP (gọi tắt: Nghị định 168) là một nghị định do Chính phủ Việt Nam ban hành về việc "Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ và trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX)". Dự thảo về nghị định được Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) thuộc Bộ Công an soạn thảo sau 5 năm kể từ khi Nghị định 100/2019 và được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021 ban hành. Dự thảo này được công khai để ghi nhận ý kiến và góp ý từ ngày 2 tháng 8 năm 2024 trước khi chính thức ký thông qua bởi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 26 tháng 12 năm 2024. Nghị định bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2025, chỉ vài ngày sau khi được thông qua.

Trong nghị định, vấn đề nâng cao mức xử phạt đã trở thành một chủ đề gây tranh cãi tại Việt Nam khi mức xử phạt tăng cao nhất thậm chí lên tới gấp 50 lần so với mức xử phạt cũ. Truyền thông Việt Nam cho rằng, việc tăng cao mức độ xử phạt là để răn đe và nâng cao ý thức của người. Trong khi đó, vẫn nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quyền lực đang "tận thu ngân sách" và "làm lợi cho lực lượng Công an" khi mức độ xử phạt được cho là cao hơn cả thu nhập bình quân ở Việt Nam. Không chỉ vậy, việc thực thi thủ tục một cách gấp rút và mức phạt trong nghị định chính thức cao hơn mức phạt trong dự thảo mà Cục Cảnh sát giao thông lấy ý kiến cũng trở thành các chủ đề tranh cãi.

Bối cảnh và cơ sở pháp lý

[sửa | sửa mã nguồn]

Nghị định số 168 được ban hành trong giai đoạn sau 5 năm kể từ khi Nghị định 100/2019 về việc "Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt" thông qua, nhưng theo Bộ Công an Việt Nam, mặc dù công tác xử lý vi phạm được "thực hiện quyết liệt" nhưng vẫn còn tồn đọng "một bộ phận người tham gia giao thông có ý thức chấp hành còn hạn chế" và "mang tính đối phó".[1] Ngoài ra, ở Việt Nam, tai nạn giao thông cũng được cho đã gây ra cái chết cho khoảng 10 nghìn người.[2] Cơ quan này cũng cho rằng, mức xử phạt cũ từ Nghị định 100/2019 vẫn còn khá nhẹ và chưa mang tính chất răn đe với người vi phạm.[1] Đến ngày 2 tháng 8 năm 2024, toàn văn dự thảo của Nghị định đã được Bộ Công an Việt Nam đăng tải công khai và cho lấy ý kiến trong vòng 4 tháng.[3][4] Theo báo Lâm Đồng, để ban hành Nghị định, Cục Cảnh sát giao thông đã tham khảo nhiều quốc gia trên thế giới và tìm phương án phù hợp nhất để áp dụng với tình hình giao thông ở Việt Nam để tạo sự răn đe và nâng cao ý thức người dân.[5]

Trong giai đoạn dự thảo còn đang lấy ý kiến, truyền thông Việt Nam cũng thường xuyên đăng tải các đoạn video về số lượng người tham gia giao thông vi phạm pháp luật.[6][7] Cho đến ngày 26 tháng 12 năm 2024, Nghị định chính thức được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt Thủ tướng Phạm Minh Chính thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2025, chưa đầy một tuần sau đó.[8] Mặc dù dự thảo được ban hành công khai và có 4 tháng lấy ý kiến nhưng chỉ khi nghị định được ban hành đưa vào thực tiễn thì nhiều người dân mới nhận ra.[4] Ngoài ra, trong toàn văn nghị định chính thức được thông qua thì mức phạt đã thay đổi khác biệt so với toàn văn dự thảo nghị định.[3][8] Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vào năm 2015 của Quốc hội Việt Nam khóa XIII, thì Thủ tướng Việt Nam có quyền ban hành Nghị định và về mặt pháp lý chỉ sau Hiến pháp; Bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, nghị quyết từ Ủy ban thường vụ Quốc hội; Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.[9]

Nội dung

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong Nghị định 168/2024, nhiều hành vi vi phạm giao thông đã được điều chỉnh lên mức phạt rất cao, thậm chí còn gấp hàng chục lần so với Nghị định trước đó, mặc dù đã được sửa đổi vào năm 2021 bởi Nghị định 123/2021/NĐ–CP.[8][10] Lỗi vi phạm có mức xử phạt tăng đột biến nhất thuộc về phương tiện ô tô, bao gồm hành viː "Mở cửa xe hoặc để cửa xe mở không bảo đảm an toàn gây tai nạn" tăng từ 400–600.000 đồng lên 20–22.000.000 đồng, tăng từ 36–50 lần.[11] Nghị định bao gồm khoảng 4 chương, 55 điều bao gồm các vấn đề về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Đồng thời, cũng lần đầu đề cập đến việc trừ điểm Giấy phép lái xe đối với các hành vi vi phạm.[12]

Một số mức xử phạt vi phạm hành chính điển hình[8][13]
STT Hành vi vi phạm Xe máy Xe ô tô
Mức xử phạt cũ[a] Mức xử phạt mới[b] So sánh Mức xử phạt cũ[a] Mức xử phạt mới[b] So sánh
1 Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông 800.000–1 triệu đồng 4–6 triệu đồng Tăng 5–6 lần 4–6 triệu đồng 18–20 triệu đồng Tăng 3,3–4,5 lần
2 Đi ngược chiều của đường một chiều 1–2 triệu đồng 4–6 triệu đồng Tăng 3–4 lần
3 Điều khiển xe lạng lách, đánh võng 6–8 triệu đồng 8–10 triệu đồng Tăng 1,25–1,3 lần 10–12 triệu đồng 40–50 triệu đồng Tăng 4–4,16 lần
4 Vi phạm nồng độ cồn mức 2[c] 4–5 triệu đồng 6–8 triệu đồng Tăng 1,5–1,6 lần 16–18 triệu đồng 18–20 triệu đồng Tăng 1,11–1,125 lần
5 Vi phạm nồng độ cồn kịch khung[d] 6–8 triệu đồng 8–10 triệu đồng Tăng 1,25–1,3 lần 30–40 triệu đồng Không thay đổi
6 Mở cửa xe, để cửa xe ô tô mở không bảo đảm an toàn gây tai nạn giao thông[e] 400–600 nghìn đồng 20–22 triệu đồng Tăng 36,6–50 lần
7 Hành vi vận chuyển hàng hóa là phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị kỹ thuật, hàng dạng trụ không chằng buộc hoặc chằng buộc không theo quy định[f] 600–800 nghìn đồng 18–22 triệu đồng Tăng 27,5–30 lần
8 Chuyển hướng không nhường quyền đi trước cho người đi bộ, xe lăn, xe thô sơ[g] 300–400 nghìn đồng 4–6 triệu đồng Tăng 13,3–15 lần

Đối với việc điểm số trên giấy phép lái xe, mỗi hành vi vi phạm giao thông sẽ có mỗi mức độ trừ điểm giấy phép lái xe khác nhau từ 2–12 điểm trong khi mỗi giấy phép lái xe sẽ có tối đa 12 điểm. Trong trường hợp phục hồi điểm, người vi phạm phải để giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ thêm điểm nào nữa trong thời hạn một năm kể từ khi bị trừ điểm thì sẽ được phục hồi về 12 điểm. Theo Nghị định, khi người vi phạm bị trừ hết điểm giấy phép lái xe thì sẽ phải thực hiện kiểm tra kiến thức trong thời hạn ít nhất 6 tháng kể từ khi bị trừ hết điểm.[14] Ngoài ra, để hạn chế tình trạng người dân bỏ phương tiện, không nộp phạt theo Nghị định thì người vi phạm cũng có thể bị cưỡng chế thi hành xử phạt qua việc khấu trừ lương hoặc thu nhập, khấu trừ tiền trong tài khoản của người vi phạm hoặc kê biên tài sản của người vi phạm ứng với tiền phạt để đấu giá. Trong trường hợp, người vi phạm cố tình tẩu tán tài sản sẽ bị cưỡng chế thu tiền và tài sản khác.[15]

Thực thi

[sửa | sửa mã nguồn]
Các phương tiện giao thông chấp hành Nghị định 168/2024 dù ùn tắc giao thông.
Các phương tiện giao thông chấp hành Nghị định 168/2024 dù ùn tắc giao thông.

Chưa đầy một tuần kể từ khi được ký, Nghị định đã được áp dụng toàn lãnh thổ Việt Nam từ ngày 1 tháng 1 năm 2025. Trên báo Lao động thủ đô, trong ngày đầu Nghị định được ban hành, lực lượng cảnh sát giao thông đã thắt chặt và xử phạt nhiều trường hợp vi phạm. Trong đó, nhiều trường hợp thậm chí sau khi bị xử phạt, số tiền vi phạm hành chính đã gần bằng cả tháng lương.[16] Nhiều người dân khi bị xử phạt cũng bày tỏ sự bất ngờ và choáng váng vì mức xử phạt được cho là quá cao. Không chỉ bị xử phạt, nhiều hành vi dừng xe không đúng vạch kẻ đường còn bị trừ thêm 2 điểm giấy phép lái xe theo Nghị định.[17] Không chỉ bị xử phạt hành chính 5 triệu đồng, một người lao động vượt đèn đỏ ở Hà Nội thậm chí còn bị trừ 4 điểm giấy phép lái xe và tạm giữ phương tiện trong vòng 7 ngày.[18]

Theo các phương tiện truyền thông Việt Nam, sau một tuần Nghị định 168 được thực thi thì hành vi vượt đèn đỏ và chạy xe trên vỉa hè thì ý thức người dân được cho là đã cải thiện so với trước khi Nghị định được ban hành.[19][20] Trong vòng một tuần, số lượng trường hợp vi phạm bị xử phạt lên tới 92.000 và trung bình mỗi ngày có 350–380 trường hợp bị xử phạt do vi phạm về việc không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu.[21] Tuy nhiên, tạp chí Tri thứcĐài tiếng nói Việt Nam lại cho góc nhìn khác khi trong các khung giờ cao điểm tại Hà Nội vẫn diễn ra tình trạng xe máy chạy lên vỉa hè hay việc ô tô đậu trên vỉa hè chiếm mất phần đường của người đi bộ sau một tuần Nghị định được áp dụng.[22] Các trường hợp vi phạm vẫn được cho là "khá phổ biến" trên đường phố.[23]

Sau tuần đầu tiên triển khai Nghị định, Hà Nội đã xử lý 5.654 trường hợp vi phạm giao thông trong đó tạm giữ 1.679 phương tiện và tước giấy phép lái xe 190 trường hợp. Tổng số tiền xử phạt theo Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội là hơn 14,3 tỷ đồng. Tại đây, các trường hợp bị xử phạt nhiều nhất là không đội mũ bảo hiểm và vi phạm nồng độ cồn.[24] Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã xử lý 11.830 trường hợp vi phạm giao thông trong đó tạm giữ 4.333 phương tiện và tước giấy phép lái xe 2.091 trường hợp. Tổng số tiền xử phạt được ghi nhận là ước tính 42,5 tỷ đồng. Theo công an thành phố, trật tự giao thông địa phương đã được cải thiện rõ rệt sau khi Nghị định được áp dụng. Trong những khung giờ cao điểm, tình hình giao thông vẫn trật tự và chờ tín hiệu nghiêm túc và phản bác quan điểm "việc chấp hành nghiêm Nghị định 168 dẫn đến tình trạng ùn tắc phương tiện".[25]

Sau nửa tháng thực thi kéo dài đến ngày 14 tháng 1, toàn bộ Việt Nam đã có tổng cộng 174.653 trường hợp vi phạm, 17.595 trường hợp bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ 955 ô tô và 49.649 xe mô tô cùng 12.691 trường hợp bị trừ điểm giấy phép lái xe. Cũng theo số liệu từ Cục CSGT, số lượng trường hợp vi phạm đã giảm kể từ khi nghị định được ban hành. Ngoài ra, số lượng vụ tai nạn giao thông, người chết và bị thương cũng sụt giảm từ 11–34%. Tình trạng này được đánh giá là do người tham gia giao thông đã nâng cao ý thức, đặc biệt là ở các khu đô thị lớn.[26]

Tranh cãi

[sửa | sửa mã nguồn]

Mức xử phạt tăng cao và gia tăng tình trạng tham nhũng

[sửa | sửa mã nguồn]
Ùn tắc giao thông tại Thành phố Hồ Chí Minh
Ùn tắc giao thông tại Thành phố Hồ Chí Minhcơ sở hạ tầng yếu kém là một trong các nguyên nhân gây ra làn sóng phản đối Nghị định.

Đăng tải trên Đài Á Châu Tự Do, nhiều ý kiến cho rằng, từ việc mức xử phạt tăng cao sẽ làm gia tăng tệ nạn tham nhũng ở cảnh sát giao thông khi hiện tại tất cả các phiếu phạt đều do cảnh sát trực tiếp viết và đưa cho người vi phạm. Tình trạng tham nhũng này cũng đã tồn tại trước khi mức phạt được gia tăng. Theo ý kiến này, việc "thay đổi cách giám sát, thay đổi cách phạt" mới là cách giải quyết tốt thay vì tăng mức xử phạt cho người vi phạm.[2] Tương tự, một số ý kiến khác trên các diễn đàn cũng cho rằng Nghị định 168 đã trở thành công cụ để "tận thu ngân sách" và "làm lợi cho lực lượng Công an". Đồng thời, chỉ trích Nghị định là "hút máu dân" và "bóc lột".[27] Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, mức lương trung bình của người dân Việt Nam chỉ vào khoảng 7,6 triệu đồng mỗi tháng và việc xử phạt với mức cao nhất thì người dân có thể mất đi thu nhập từ một tháng cho đến vài tháng. Ngoài việc đưa ra những ý kiến chỉ trích Nghị định 168, các vấn đề hạ tầng cơ sở, đèn hiệu và biển báo nhiều nơi ở Việt Nam chưa đạt chuẩn cũng được đưa ra trích dẫn cho việc càng làm gia tăng sự bất công khi nếu không được khắc phục thì nó chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.[28]

Tình trạng xử phạt nghiêm khắc còn có thể làm tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng trở nên nghiêm trọng. So sánh về mức xử phạt đối với hành vi vượt đèn đỏ tối đa ở các quốc gia trên thế giới thì theo tạp chí Luật khoa, mức phạt ở Việt Nam đã tương đương 218% thu nhập bình quân hàng tháng của người dân, trong khi mức phạt này ở Nhật Bản và Đức lần lượt là 2,93% và 9,6% so với thu nhập bình quân hàng tháng.[29] Mức xử phạt cũng được cho là cao hơn nhiều cho với những quốc gia có thu nhập đầu người cao trên thế giới.[30] Thậm chí mức xử phạt vượt đèn đỏ ở Việt Nam chỉ đứng thứ hai Đông Nam Á, sau Singapore.[31] Trên báo Tuổi Trẻ, nhà báo Thành Chung Ghi cho rằng việc gọi "mức xử phạt không phù hợp với thu nhập của người dân" chính là "sự biện hộ" của những người vi phạm giao thông. Tờ báo này cũng khẳng định Nghị định này được "đa số dư luận" đồng tình.[32] Ngoài ra, trên VTC News đã ví von những người "mặc cả" và "bỏ lại xe chứ không nộp phạt" là "Chí Phèo thời nay". Không chỉ vậy, tờ báo này còn cho rằng những câu từ "phạt quá nặng" hay "ảnh hưởng đến cuộc sống người nghèo" là những lời than của "người thể hiện ý thức pháp luật quá kém".[33] Đại tá Nguyễn Quang Nhật dẫn lời trên báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, đã so sánh mức phạt ở Việt Nam với bang AlabamaHoa Kỳ khi hành vi này bị xử phạt thậm chí là 500 đô la Mỹ cùng 3 tháng tù và thậm chí lên tới 6 tháng ở bang Arkansas, Oklahoma trong khi mức phạt ở Việt Nam tối đa là 20 triệu đồng.[34]

Tỷ lệ kinh phí xử phạt giao thông được trích qua các năm.[35]
Năm Trích về Bộ Công an
2018
70(%)
2019
70(%)
2020
70(%)
2021
70(%)
2022
79(%)
2023
79(%)
2024
85(%)

Trong năm 2024, Thường vụ Quốc hội Việt Nam cũng đã thông tin đồng ý cho phép cảnh sát giao thông trích lại từ số tiền xử lý vi phạm theo các năm mà năm 2024 là lên tới 85% cho Bộ Công an và địa phương chỉ giữ 15% còn lại. Con số này đã không thấp hơn 70% kể từ năm 2018.[35] Tuy nhiên, thông tin CSGT giữ lại 85% tiền xử phạt vi phạm giao thông sau đó đã bị Cục CSGT bác bỏ.[36] Trước những ý kiến trái chiều về hướng cảnh sát giao thông, báo Công an nhân dân đã cho rằng đây là những thông tin "xuyên tạc, bóp méo sự thật, lan truyền thông tin sai lệch" từ các tổ chức phản động như Việt Tân, "Nhật ký yêu nước" thực hiện. Tờ báo này khẳng định mục tiêu của Nghị định 168 là để "nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông".[27] Trong phỏng vấn với Kênh Truyền hình Công an nhân dân, đại diện từ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã cho rằng các "thế lực thù địch" đã cố gắng chia rẽ chính quyền, lực lượng công an nhân dân với người dân thông qua các việc như kích động biểu tình, tụ tập đông người, dừng xe ở giữa đường hoặc tài xế đồng loạt ngưng việc với mục đích bất tuân, phản đối nghị định.[37]

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đã ra yêu cầu tuyên truyền, phổ biến để cho người dân chấp hành nhằm "đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc".[38] Trên báo Công an nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng ý thức của người dân đã tốt hơn sau khi Nghị định 168 chính thức có hiệu lực. Tương tự, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng tán thành với ý kiến đó và khẳng định "chỉ sau 1 ngày" mà ý thức đã được cải thiện.[38] Ngoài ra, trên cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Lai Châu đã có nhận định cho rằng mức phạt cao là điều cần thiết khi nó "phù hợp với xu thế chung trên thế giới" và từ mức phạt này mới nâng cao ý thức và giảm thiểu tai nạn giao thông.[39]

Thời gian hiệu lực

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngoài các vấn đề về nội dung nghị định thì việc thực thi nghị định gấp rút của Chính phủ Việt Nam cũng trở thành một vấn đề tranh cãi khi Nghị định 168 chỉ có 5 ngày để thực thi sau khi được thông qua và 2 ngày đối với Nghị định 176. Trong tổng cộng 20 nghị định được Chính phủ Việt Nam ban hành có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2025 thì chỉ có duy nhất hai nghị định vừa rồi được ban hành chỉ vài ngày trước khi thực thi. Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh (từng thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) thì theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì "thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành" trừ trường hợp đặc biệt cần "thủ tục rút gọn". Đối với Nghị định 168 và Nghị định 176 theo vị luật sư này thì "không mang tính chất khẩn cấp" nên có thể xem như vô pháp. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì việc ban hành gấp rút một nghị định sẽ có thể xảy ra những hậu quả không lường trước và nó "chỉ phản ánh ý muốn của nhà hoạch định chính sách".[40]

Phản bác trước thông tin Nghị định 168/2024 bị xem là vô pháp, Cục CSGT cho rằng nó đã được thực hiện theo "trình tự rút gọn" do "tính chất cấp thiết liên quan đến tình hình trật tự an toàn giao thông".[41] Theo báo Tin tức, các thông tin về nghị định thực thi gấp rút được xem là "sai sự thật gây hoang mang dư luận" và "không chính xác về chủ trương, quy định pháp luật của nhà nước". Tờ báo này cũng khẳng định thêm việc thực hiện lan truyền "thông tin sai sự thật" sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.[42] Chia sẻ trên RFA, một tài xế lái xe cũng cho rằng nghị định này không thông qua người dân hay phổ biến đến công chúng chỉ đến khi người dân bị xử phạt thì họ mới biết.[43]

Giới hạn thời gian lái xe

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong Nghị định 168 cũng quy định thêm về việc giới hạn thời gian lái xe với các đối tượng áp dụng dành cho các tài xế ô tô chở khách, chở người và các loại xe tương tự. Cộng với tình trạng ùn tắc giao thông, điều này dẫn đến việc lái xe "khó chạy, thời gian không phù hợp, mức phạt cao" dẫn đến việc "không đủ kinh tế" và "chạy không đủ năng suất".[43]

Ảnh hưởng

[sửa | sửa mã nguồn]
Ảnh hưởng từ Nghị định 168/2024
Đèn tín hiệu tại giao lộ Pasteur – Điện Biên Phủ, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tín hiệu rẽ phải khi đèn đỏ cho xe máy được gắn bổ sung do ùn tắc giao thông sau Nghị định.
Nhiều phương tiện dừng đèn đỏ giai đoạn đầu Nghị định 168/2024.
Nhiều phương tiện dừng đèn đỏ giai đoạn đầu Nghị định 168/2024.

Việc tăng nặng mức xử phạt từ hành vi vượt đèn đỏ được cho là sẽ gây ra tình trạng ùn tắc giao thông do người dân không dám rẽ phải khi đèn đỏ,[44] hoặc còn 5 giây đèn xanh nhưng đã dừng lại. Tương tự, hành vi leo lên lề khi ùn tắc giao thông cũng bị xử phạt tăng cao khiến cho giao thông càng trở nên ùn ứ.[45] Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều giao lộ thậm chí trở nên "vỡ trận".[46] Mật độ xe tập trung cao ở khu vực trung tâm và sân bay Tân Sơn Nhất với lưu lượng xe tăng từ 2,8–11,4%.[47] Ngoài ra, sau khi Nghị định thực thi, quá trình di chuyển đi làm của người dân cũng bị kéo dài hơn so với trước khi thực thi.[44] Theo chia sẻ một số người dân trên Đài Á Châu Tự Do, tại Hà Nội, tình trạng ùn tắc đã càng ngày càng nghiêm trọng khi xe ô tô đã dừng trước giao lộ ngay cả khi đèn xanh còn, để hạn chế bị phạt cùng với tình trạng vẫn còn tồn đọng các đèn tín hiệu giao thông bị lỗi.[48] Để hạn chế tình trạng ùn tắc do nghị định, Thành phố Hồ Chí Minh đã bổ sung biển báo phụ cho phép rẽ phải khi đèn đỏ ở nhiều giao lộ, như một phần trong việc giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông.[44][49] Mặc dù vậy, nhiều người dân vẫn lo sợ và không dám rẽ phải.[50] Tình trạng này vẫn kéo dài từ sáng cho đến chiều tối.[51] Vấn đề tắc đường gia tăng đã làm ảnh hưởng đến một bộ phận người lao động.[48] Theo chia sẻ của bộ phận người lao động khi đi làm đều trong tâm trạng "phờ phạc" và "mồ hôi nhễ nhại". Kết hợp với tình trạng nắng nóng ở Thành phố Hồ Chí Minh càng khiến cho người lao động cảm thấy mệt mỏi.[46]

Do tình trạng kẹt xe ùn ứ kéo dài, xu hướng đi chơi của nhiều người cũng trở nên hạn chế do một phần đã có mệt mỏi với việc di chuyển trong tuần và tâm lý e ngại lo sợ bị xử phạt.[50][52] Một số khác cũng đã thay đổi thói quen đi làm, thay vì trực tiếp di chuyển thì lại thay thế bằng xe ôm công nghệ. Thời gian chết của người lao động cũng tăng lên do phải "trừ hao kẹt xe".[52][53] Theo tạp chí Kinh tế Sài Gòn, các tài xế xe công nghệ cũng đã trở thành đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề sau khi nghị định được ban hành khi cộng hưởng giữa việc bị kẹt xe nhu cầu di chuyển giảm trong khi đó tiền xăng lại tăng cao làm suy giảm thu nhập cho các đối tượng này.[54] Ngoài ra, nhiều người cũng đã hủy chuyến trước khi tài xế tới nơi sau khi đã chờ 10–15 phút. [52] Những gia đình có nguồn thu nhập chính từ tài xế sẽ làm nhiều gia đình dễ rơi vào tình trạng túng quẫn, không đủ tiền sinh hoạt hay cho con cái học tập khi một người bị xử phạt.[55] Không chỉ vậy, tâm lý lo sợ bị phạt của người dân thậm chí còn được thể hiện qua việc phải dẫn bộ xe máy qua các giao lộ khi đèn giao thông bị hỏng.[56] Khủng hoảng tâm lý từ nghị định cũng ảnh hưởng đến người dân từ việc bật khóc khi bị xử phạt, thở dốc vì sốc, hay không dám nhường đường cho xe cứu thương hay xe cứu hỏa khi lo sợ bị ngạt nguội khi việc phạt nguội thường diễn ra từ 1–3 tháng, dẫn đến việc khó khăn trong minh chứng bản thân không vi phạm.[55] Nhiều tài xế xe ôm công nghệ đã lần lượt nghỉ việc do quan ngại "bị phạt nhiều quá".[57]

Tại Hà Nội, xu hướng kẹt xe xuất hiện ở cả những lúc không phải giờ cao điểm. Các địa điểm ùn tắc có một điểm chung là bị ùn ứ lại tại những nhịp đèn ở nút giao. Theo Đài Tiếng nói Việt Nam, tình trạng kẹt xe này xảy ra là do người dân có nhu cầu "nhu cầu đi lại, mua sắm" trong dịp Tết Nguyên Đán.[58] Tương tự ở Bình Dương, tình trạng ùn tắc giao thông cũng kéo dài được cho là vì "bất cập về hạ tầng và cách điều phối giao thông chưa đồng bộ" bao gồm các đèn tín hiệu ở các nút giao. Địa phương này cũng đã phải tăng cường các biển phụ cho phép rẽ phải khi đèn đỏ đối với xe hai bánh sau Nghị định để giảm thiểu tình trạng này.[59] Cùng với nghị định và do mật độ phương tiện di chuyển trong dịp Tết Nguyên Đán, quá trình vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp bị chậm trễ gây ảnh hưởng đến các thương nhân. Theo đại diện của Saigon Co.op, doanh nghiệp này có nguy cơ phải đối với việc việc bị đứt gãy hàng cục bộ khiến cho các mặt hàng có nguy cơ tăng giá trong dịp Tết.[60] Cũng trong giai đoạn này, thu nhập của các tài xế xe ôm công nghệ cũng sụt giảm từ 30–50%, thậm chí, có nhiều người cũng đã nghỉ làm và về quê ăn Tết Nguyên Đán sớm do lo ngại về vấn đề bị xử phạt.[45]

Đánh giá và phản ứng

[sửa | sửa mã nguồn]

Đánh giá

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo giáo sư Carlyle Alan Thayer thuộc Đại học UNSW Canberra thì công tác cải thiện cơ sở hạ tầng phải được thực thi ngay trước khi Nghị định được ban hành và thông tin đến người dân như việc để các tín hiệu giao thông hoạt động bình thường. Theo ông, trách nhiệm đứng đầu ở đây sẽ thuộc về Tô Lâm khi nếu sự hỗn loạn và người dân phẫn nộ thì ông sẽ phải vào cuộc và ra lệnh đình chỉ Nghị định. Nghị định này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến Tô Lâm khi Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIV chỉ còn chưa đầy một năm nữa diễn ra, trong khi, ông cũng đang cố gắng tìm cách xóa bỏ đi hình ảnh của Nguyễn Phú Trọng. Ngoài ra, theo tiến sỹ Nguyễn Huy Vũ, nghị định đồng thời đã làm nhiều người nghĩ rằng kinh nghiệm từ một công an sẽ "không thể dẫn dắt quốc gia và xã hội". Ông cũng cho rằng, những thông tin tuyên truyền về "kỷ nguyên mới" của Việt Nam cũng sẽ kết thúc khi nhận ra các chính sách của ông sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi cho đất nước.[61]

Trên Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà báo Hà Khánh và Hoàng Minh đã có ý kiến cho rằng, mặc dù mang lại những chuyển biến tích cực nhưng Nghị định vẫn còn "những bất cập và điểm chưa hợp lý" và cần phải có "giải pháp để giải quyết".[57] Theo Thạc sĩ Trương Thế Nguyễn thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thì nghị định được thiết kế cho mọi cá nhân chứ không được thiết kế chỉ điều chỉnh vào hành vi của người thu nhập thấp. Ông cho rằng mức xử phạt hiện tại là cao, nhưng nó phù hợp để cải thiện văn hóa giao thông ở Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng nên nghiên cứu và có các đều xuất khác như xử phạt theo phương pháp lũy tiến - được hiểu như vi phạm càng nhiều thì mức xử phạt càng cao, thay vì như hiện nay.[31]

Phản ứng

[sửa | sửa mã nguồn]

Trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội cho đến ngoài đời thực ở Việt Nam, nhiều người dân cũng đã bày tỏ sự lo lắng về mức phạt của Nghị định khi quá cao so với thực tế thu nhập.[4] Việc gia tăng mức phạt đột biến và nhanh chóng thực thi nghị định đã gây ra cảm giác bất ổn trong dân chúng.[40] Trên mạng xã hội TikTok, bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh cũng được xuất hiện khi ông lên án chế độ thực dân Pháp như cách để ám chỉ sự bất công mà Nghị định 168/2024 gây ra. Ngoài ra, bài hát "Trả lại cho dân" của nhạc sĩ Việt Khang cũng được sử dụng làm nền nhạc cho các video liên quan đến Nghị định. Nhiều người dân cũng đang tìm cách phản kháng gián tiếp thông qua những lời phát biểu từ các vị lãnh đạo quan trọng trong lịch sử đối với Nghị định khi không thể bày tỏ sự bất mãn một cách công khai.[55] Một người dân ở Đồng Nai cũng đã bị xử phạt hành chính về việc "hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật trên không gian mạng về việc triển khai thực hiện Nghị định 168".[62]

Dẫn lời một công nhân ở Bình Dương trên Đài Á Châu Tự Do, người phụ nữ này đã gọi mức xử phạt mà chính quyền thực thi là "vô lương tâm", "bóc lột người dân". Người này cũng bày tỏ cảm xúc cho rằng bản thân "không thể chịu nổi mức phạt đó" do thu nhập chỉ dao động 5–6 triệu đồng. Một người dân khác ở TP. HCM cũng bày tỏ phẫn nộ và cho rằng "nên phạt cơ quan chức năng trước khi phạt dân" khi người dân "không thể tự mở rộng đường hay tự dẹp quán xá lấn vỉa hè". Một người dân khác cũng bày tỏ sự ám ảnh mà nghị định mang lại mỗi khi bước chân ra đường.[63] Mức độ kẹt xe mà nghị định mang lại cũng làm gia tăng "thời gian chết" của người lao động, một số người cho biết trong thời gian đó bản thân có thể "làm được thêm rất nhiều việc".[52] Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến khác từ người dân trên báo Đại biểu nhân dân cho rằng, "nếu lái xe chuẩn chỉnh thì một đồng cũng không mất", đồng thời, cho rằng việc dùng "thu nhập thấp" để chỉ trích nghị định là "bao biện cho thói quen tùy tiện, coi thường luật". Hay ca ngợi nghị định như một "biện pháp răn đe hiệu quả, góp phần giảm đáng kể các hành vi vi phạm".[64]

Nghị định liên quan

[sửa | sửa mã nguồn]
Nghị định 176/2024/NĐ–CP
Chính phủ Việt Nam
Văn bảnNghị định
Phạm vi áp dụngToàn bộ Việt Nam
Ban hành bởiVăn phòng Chính phủ
Ngày ký30 tháng 12 năm 2024 (2024-12-30)
Ký tên bởiHồ Đức Phớc
Ngày hiệu lực1 tháng 1 năm 2025 (2025-01-01)
Lịch sử lập pháp
Ngày trình diện6 tháng 8 năm 2023 (2023-08-06)
Trình diện bởiBộ Công an
Trạng thái: Có hiệu lực

Tương tự như Nghị định 168/2024/NĐ–CP thì Nghị định 176/2024/NĐ–CP cũng được cho là đã ban hành và thông qua trong thời gian khá ngắn khi chỉ có 2 ngày để chính thức có hiệu lực. Nghị định 176 là nghị định về việc "Quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước" do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ký ban hành thay mặt cho Văn phòng Chính phủ.[40][65] Dự thảo của nghị định đã được Bộ Công an cho lấy ý kiến từ ngày 6 tháng 8 năm 2024.[66] Nghị định này đã gây chú ý khi cho phép cá nhân, tổ chức báo tin vi phạm và nhận thưởng không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính với tối đa 5.000.000 đồng đối với mỗi vụ, việc.[40][65] Danh tính người tố cáo đồng thời cũng được cho là sẽ được bảo mật.[67]

Đây được xem là lần đầu tiên Bộ Công an Việt Nam thực hiện cơ chế chi trả tiền để nhận về các tin báo vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông một cách chính thức. Theo Đài Á Châu Tự Do dẫn lời từ một cựu sĩ quan thì mục đích của nghị định này được cho là để "cho dân thấy chính phủ dân chủ, dân tố cáo tội phạm thì được thưởng" và "ăn tiền dân khi vi phạm". Tương tự, Luật sư Nguyễn Văn Miếng (từng thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng đây là cách mà Bộ "hợp thức hóa" tiền phạt đang gây tranh cãi trong dư luận.[68]

Sau khi nghị định được ban hành, một trào lưu đã trở nên phổ biến ở Việt Nam được gọi là "thợ săn tiền thưởng" khi nhiều người ra các giao lộ để chụp ảnh người vi phạm giao thông để tố giác.[69][70][71] Nhiều người thậm chí còn đã ví von nó như "vua của mọi nghề".[70] Trước tình trạng này, báo Tiền Phong đã có bài viết kêu gọi người dân không nên xem đây là một nghề và việc tố cáo vi phạm giao thông chỉ nên được xem như "vì lợi ích chung của xã hội".[72] Trong vòng một tuần kể từ khi nghị định 176 được ban hành, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được 87 hình ảnh phản ánh vi phạm giao thông.[73] Mặc dù vậy, cũng có những ý kiến trong nước phản đối về việc thưởng cho người tố cáo do quan ngại về vấn đề chuẩn hóa khi xử lý và gây ức chế, áp lực cho người điều khiển phương tiện giao thông ở Việt Nam.[74]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b Mức xử phạt trước khi Nghị định 168/2024/NĐ–CP có hiệu lực, trước ngày 1 tháng 1 năm 2025.
  2. ^ a b Mức xử phạt sau khi Nghị định 168/2024/NĐ–CP có hiệu lực, sau ngày 1 tháng 1 năm 2025.
  3. ^ Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
  4. ^ Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
  5. ^ Hành vi có mức xử phạt tăng cao nhất so với mức phạt cũ từ 36–50 lần.[11]
  6. ^ Hành vi có mức xử phạt tăng cao thứ hai so với mức phạt cũ từ 27–30 lần.[11]
  7. ^ Hành vi có mức xử phạt tăng cao thứ ba so với mức phạt cũ từ 13–15 lần.[11]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b Tuyến Phan (31 tháng 12 năm 2024). “Nhiều lỗi giao thông mức phạt tăng hàng chục lần”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 1 năm 2025. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2025.
  2. ^ a b Diễm Thi. “Nghị định 168 làm giàu cho cảnh sát giao thông?”. Đài Á Châu Tự Do. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 1 năm 2025. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2025.
  3. ^ a b “Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ”. Báo điện tử Chính phủ. 2 tháng 8 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2025.
  4. ^ a b c Quang Hùng (7 tháng 1 năm 2025). “Phạt nặng, có sợ thật không?”. Đài Tiếng nói Việt Nam. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2025.
  5. ^ Song Hoàng (9 tháng 1 năm 2025). “Cảnh giác trước thủ đoạn xuyên tạc Nghị định 168/2024/NĐ-CP về xử phạt vi phạm an toàn giao thông đường bộ”. Báo Lâm Đồng. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2025.
  6. ^ Minh Quang (2 tháng 12 năm 2024). “164 phương tiện vượt đèn đỏ trong vòng 2 phút tại một ngã tư Hà Nội”. Báo điện tử Dân Trí. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2025.
  7. ^ Bảo Nam. “Cần phạt nguội 164 xe máy vượt đèn đỏ trong hai phút ở Hà Nội”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 12 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2025.
  8. ^ a b c d Trần Hồng Hà (7 tháng 1 năm 2025). “Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ”. Báo điện tử Chính phủ. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2025.
  9. ^ Nguyễn Sinh Hùng (22 tháng 6 năm 2015). “Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13, ngày 22/6/2015 của Quốc hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2025.
  10. ^ Lê Văn Thành (28 tháng 12 năm 2021). “Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng”. Báo điện tử Chính phủ. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2025.
  11. ^ a b c d Việt Sáng (1 tháng 1 năm 2025). “3 lỗi vi phạm giao thông tăng mức phạt hàng chục lần theo Nghị định 168 người dân cần biết”. Báo Dân Việt. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2025.
  12. ^ Lê Hòa. “Mức xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ từ 01/01/2025”. Bộ Công an Việt Nam. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2025.
  13. ^ Đức Toàn (7 tháng 1 năm 2025). “Một số điểm mới Nghị định 168/2024/NĐ-CP về xử phạt giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe”. Công an tỉnh Bắc Giang. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2025.
  14. ^ Hà Minh (4 tháng 1 năm 2025). “Bằng lái bị trừ hết 12 điểm, phải làm gì để phục hồi?”. Đài Tiếng nói Việt Nam. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2025.
  15. ^ Đỗ Thành Nam (13 tháng 1 năm 2025). “Bỏ xe khi vi phạm pháp luật về giao thông: Quyết liệt xử lý, tăng tính răn đe”. Báo Bắc Giang. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2025.
  16. ^ Minh Phương (1 tháng 1 năm 2025). “Ngày đầu áp dụng Nghị định 168/2024, người vi phạm hốt hoảng với mức phạt gần bằng cả tháng lương”. Báo Lao động thủ đô. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2025.
  17. ^ Minh Đức; Phan Linh (2 tháng 1 năm 2025). “Nhiều người bất ngờ trước các mức phạt trong Nghị định 168”. Báo Công an Nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 1 năm 2025. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2025.
  18. ^ Văn Ngân (9 tháng 1 năm 2025). “Cố vượt 1-2 giây, tài xế xe ôm công nghệ thất thần vì nhận cái kết đắng”. Đài Tiếng nói Việt Nam. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2025.
  19. ^ Trần Minnh; Thảo Hiền (7 tháng 1 năm 2025). “Thực hiện Nghị định 168: Người dân TP HCM hết dám "leo lề, vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều". Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2025.
  20. ^ Mạnh Linh (8 tháng 1 năm 2025). “TP Hồ Chí Minh: Không còn cảnh xe máy leo vỉa hè, vượt đèn đỏ khi triển khai Nghị định 168”. Báo Tin tức. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2025.
  21. ^ PV (8 tháng 1 năm 2025). “Xử lý hơn 92.000 trường hợp vi phạm giao thông sau 1 tuần tăng mức xử phạt”. Báo điện tử VTV. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2025.
  22. ^ Việt Hà (8 tháng 1 năm 2025). “Xe máy, ôtô 'cày xới' vỉa hè Hà Nội dù mức phạt tăng đến 6 triệu đồng”. Tạp chí Tri thức. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2025.
  23. ^ PV (8 tháng 1 năm 2025). “Bất chấp mức phạt cao, nhiều người vẫn "vô tư" phạm lỗi giao thông”. Đài Tiếng nói Việt Nam. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2025.
  24. ^ Trần Thanh (8 tháng 1 năm 2025). “Một tuần áp dụng Nghị định 168, Hà Nội phạt 14 tỷ đồng vi phạm giao thông”. Báo điện tử Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 1 năm 2025. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2025.
  25. ^ Phan Anh (9 tháng 1 năm 2025). “Công an TP HCM thông tin việc xử lý vi phạm giao thông khi áp dụng mức phạt "cao ngất". Báo Người Lao Động. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2025.
  26. ^ Hải Ninh (15 tháng 1 năm 2025). “Thấy gì sau 15 ngày thực hiện Nghị định 168?”. Tri thức & Cuộc sống. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2025.
  27. ^ a b Nguyễn Huân (6 tháng 1 năm 2025). “Thủ đoạn xuyên tạc, gây nhiễu Nghị định 168 về xử phạt vi phạm an toàn giao thông đường bộ”. Báo Công an nhân dân. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2025.
  28. ^ “Nghị định 168 về phạt vi phạm giao thông bị xem là 'tận thu', 'tận diệt', 'khắc nghiệt', 'cực đoan'. Đài Tiếng nói Hoa Kỳ. 31 tháng 12 năm 2024. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2025.
  29. ^ Thúc Kháng (6 tháng 1 năm 2025). “Nghị định 168: Làm khổ và làm giàu”. Tạp chí Luật Khoa. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2025.
  30. ^ Đặng Đình Mạnh (4 tháng 1 năm 2025). “Nguyên nhân tăng mức phạt vi phạm giao thông ở Việt Nam”. Báo Người Việt. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2025.
  31. ^ a b Trương Thế Nguyễn (4 tháng 1 năm 2025). “Rón rén dừng đèn đỏ”. VnExpress. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2025.
  32. ^ Thành Chung Ghi (5 tháng 1 năm 2025). “Mức phạt cao không phù hợp với thu nhập người dân: Sự biện hộ cho vi phạm giao thông”. Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2025. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2025.
  33. ^ Hoàng Hà (9 tháng 1 năm 2025). “Thà bỏ xe chứ không nộp tiền phạt là hành xử kiểu Chí Phèo”. Báo điện tử VTC News. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2025.
  34. ^ Phi Hùng (9 tháng 1 năm 2025). “Vượt đèn đỏ ở Việt Nam chỉ phạt tiền, nước ngoài có thể bị phạt tù”. Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2025.
  35. ^ a b Sơn Hà (11 tháng 6 năm 2024). “Thường vụ Quốc hội đồng ý CSGT được trích lại một phần tiền xử phạt vi phạm”. VnExpress. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2025.
  36. ^ Hồng Quang; Thành Chung (7 tháng 1 năm 2025). “Thông tin CSGT được trích lại 85% tiền xử phạt vi phạm giao thông là không chính xác”. Báo Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2025.
  37. ^ BT (13 tháng 1 năm 2025). “Thủ đoạn xuyên tạc về xử phạt vi phạm an toàn giao thông”. Kênh Truyền hình Công an nhân dân. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2025.
  38. ^ a b Quỳnh Vinh (6 tháng 1 năm 2025). “Nghị định 168 có hiệu ứng tích cực, cần rà soát hệ thống đèn tín hiệu giao thông”. Báo Công an nhân dân. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2025.
  39. ^ Văn Lang; Trần Tùng (3 tháng 1 năm 2025). “Nghị định 168/2024/NĐ-CP và những góc nhìn đa chiều”. Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Lai Châu. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2025. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2025.
  40. ^ a b c d Trung Khang (8 tháng 1 năm 2025). “Nghị định 168 có hiệu lực chỉ năm ngày sau khi ban hành: gấp gáp như phục kích người dân”. Đài Á Châu Tự Do. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2025.
  41. ^ Hoàng Lam (12 tháng 1 năm 2025). “Cục CSGT nói về việc Nghị định 168 có hiệu lực sau 6 ngày ban hành”. Báo Giao thông. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2025.
  42. ^ Nguyễn Thắng (12 tháng 1 năm 2025). “Cẩn trọng khi đăng tải thông tin lên mạng xã hội”. Báo Tin tức. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2025.
  43. ^ a b “Nghị định 168 và 176: Chính phủ ca ngợi, người dân ca thán”. Đài Á Châu Tự Do. 13 tháng 1 năm 2025. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2025.
  44. ^ a b c Đào Trang (9 tháng 1 năm 2025). “Mới: TP.HCM sẽ gắn biển phụ cho rẽ phải khi đèn đỏ ở nhiều vị trí”. Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2025.
  45. ^ a b Đào Phương; Đức An (14 tháng 1 năm 2025). “Tài xế ở TP.HCM giảm 50% thu nhập, tắt app nghỉ Tết sớm vì kẹt xe”. Tạp chí Tri thức. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2025.
  46. ^ a b Đại Việt (10 tháng 1 năm 2025). “Các giao lộ ở TP.HCM liên tục kẹt xe không lối thoát”. Báo VTC News. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2025.
  47. ^ Hà Khánh (13 tháng 1 năm 2025). “Đã lắp hơn 130 đèn tín hiệu cho xe máy rẽ phải tại TP.HCM”. Đài Tiếng nói Việt Nam. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2025.
  48. ^ a b “Người dân bức xúc vì tín hiệu đèn giao thông trục trặc khi áp dụng mức phạt mới”. Đài Á Châu Tự Do. 3 tháng 1 năm 2025. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2025.
  49. ^ Mỹ Quỳnh (10 tháng 1 năm 2025). “TP.HCM lắp 50 biển báo, mũi tên cho phép rẽ phải khi đèn đỏ”. Báo Giao thông. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2025.
  50. ^ a b Hồ Hiền (12 tháng 1 năm 2025). “Ùn ứ sáng cuối tuần ở TP.HCM, có nơi được rẽ phải cũng 'rén không dám quẹo'. Báo Thanh Niên. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2025.
  51. ^ Lương Ý (13 tháng 1 năm 2025). “Kẹt xe khắp nơi, người dân TP.HCM 'ngộp thở' đi làm sáng đầu tuần”. Báo VTC News. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2025.
  52. ^ a b c d Lê Vy; Đinh Phạm; Đức An (13 tháng 1 năm 2025). “Người dân TP.HCM than trời vì 'mở mắt ra đã thấy kẹt xe'. Tạp chí Tri thức. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2025.
  53. ^ Thiên Băng (14 tháng 1 năm 2025). “Dân công sở cất ôtô bắt xe ôm đi làm, đảo lộn giờ giấc vì ùn tắc”. Tạp chí Tri thức. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2025.
  54. ^ Minh Hoàng (10 tháng 1 năm 2025). “Kẹt xe khắp nơi, 'nồi cơm' tài xế xe công nghệ teo tóp”. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2025.
  55. ^ a b c Jacob (8 tháng 1 năm 2025). “Nghị định 168: Những hệ quả tai hại”. Đài Á Châu Tự Do. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2025.
  56. ^ Đông Hoa (10 tháng 1 năm 2025). “Hàng chục xe máy dắt bộ do đèn giao thông không hoạt động”. Báo Người Lao Động. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2025.
  57. ^ a b Hà Khánh; Hoàng Minh (13 tháng 1 năm 2025). “Giao thông tại TP.HCM căng thẳng ngày đầu tuần, tài xế tắt app nghỉ vì phạt cao”. Đài Tiếng nói Việt Nam. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2025.
  58. ^ “Người Hà Nội di chuyển trong sự "bất lực" kể cả không phải giờ cao điểm”. Đài Tiếng nói Việt Nam. 13 tháng 1 năm 2025. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2025.
  59. ^ Dương Chí Tưởng (13 tháng 1 năm 2025). “Đi tìm nguyên nhân gây ùn tắc giao thông tại Bình Dương”. BNews. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2025.
  60. ^ Thế Vinh (14 tháng 1 năm 2025). “Ùn tắc giao thông và nỗi lo vận chuyển chậm làm tăng giá hàng hóa”. Tạp chí điện tử Kinh Doanh. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2025.
  61. ^ Trung Khang (11 tháng 1 năm 2025). “Nghị định 168: Tính toán sai lầm của ông Tô Lâm”. Đài Á Châu Tự Do. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2025.
  62. ^ Hải Vân (15 tháng 1 năm 2025). “Chia sẻ thông tin sai sự thật về Nghị định 168, người đàn ông bị xử phạt”. Người Đưa Tin. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2025.
  63. ^ Diễm Thi (10 tháng 1 năm 2025). “Người dân: Mức phạt theo Nghị định 168 là "bóc lột". Đài Á Châu Tự Do. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2025.
  64. ^ Nguyễn Ngân; Lê Thanh (15 tháng 1 năm 2025). 'Nếu mình tuân thủ pháp luật, lái xe chuẩn chỉnh thì một đồng cũng không mất'. Báo Đại biểu Nhân dân. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2025.
  65. ^ a b Hồ Đức Phớc (30 tháng 12 năm 2024). “Nghị định số 176/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước”. Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2025.
  66. ^ “Dự thảo Nghị định quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe”. Báo Chính phủ. 6 tháng 8 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2025.
  67. ^ “Vietnam to reward traffic offender snitches” [Việt Nam thưởng cho người tố giác tội phạm giao thông]. The Straits Times (bằng tiếng Anh). 8 tháng 1 năm 2025. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2025.
  68. ^ Diễm Thi (7 tháng 1 năm 2025). “Bán tin vi phạm giao thông cho công an: Một hình thức đấu tố?”. Đài Á Châu Tự Do. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2025.
  69. ^ Văn Ngân (9 tháng 1 năm 2025). “Rất dễ vi phạm pháp luật nếu người dân đổ xô "đi săn tiền thưởng" không chú ý”. Đài Tiếng nói Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2025. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2025.
  70. ^ a b Diệu Phú (6 tháng 1 năm 2025). 'Thợ săn tiền thưởng', trào lưu xấu đang thành 'hot trend'. Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2025.
  71. ^ T.Nhung (5 tháng 1 năm 2025). 'Thợ săn tiền thưởng' và nguy cơ trở thành kẻ vi phạm pháp luật”. VietNamNet. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2025.
  72. ^ Thanh Hà (6 tháng 1 năm 2025). “Tố giác vi phạm giao thông: 'Vì lợi ích chung của xã hội, không nên coi là một nghề kiếm tiền'. Báo Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2025. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2025.
  73. ^ Mỹ Diệp (9 tháng 1 năm 2025). “Công an TP.HCM tiếp nhận 2.000 hình ảnh, video phản ánh hành vi vi phạm giao thông”. Báo Thanh Niên. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2025.
  74. ^ Tô Thức (14 tháng 1 năm 2025). “Ra đường sợ kẻ 'săn thưởng'. VnExpress. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2025.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]