Bước tới nội dung

Mizoguchi Kenji

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia


Mizoguchi Kenji
Ảnh Mizoguchi Kenji những năm 1950.
Sinh(1898-05-16)16 tháng 5, 1898
Hongō, Tokyo, Nhật Bản
Mất24 tháng 8, 1956(1956-08-24) (58 tuổi)
Kamigyō, Kyōto, Nhật Bản
Nguyên nhân mấtBệnh bạch cầu
Quốc tịch Nhật Bản
Tên khácGoteken
Dân tộcngười Nhật
Trường lớpTrung học Mỹ thuật Tokyo
Nghề nghiệpĐạo diễn, nhà biên kịch, biên tập phim
Giám đốc Hiệp hội Đạo diễn Nhật Bản (1937–43, 49–55)
Năm hoạt động1922 – 1956
Tác phẩm nổi bậtZangiku monogatari
Gion no kyōdai
Saikaku ichidai onna
Ugetsu monogatari
Sanshō dayū
Phối ngẫuĐộc thân
Giải thưởngGiải thưởng Liên hoan phim Venezia
Giải Sư tử Bạc
Giải Mainichi Film Awards
WebsiteIMDB 0003226

Mizoguchi Kenji ( (みぞ) (ぐち) (けん) () (Câu Khẩu Kiện Nhị) Mizoguchi Kenji?, 16 tháng 05 năm 1898 – 24 tháng 08 năm 1956), hay Goteken là một đạo diễn, nhà biên kịch, biên tập phim của điện ảnh Nhật Bản. Trong suốt sự nghiệp của mình từ thời kỳ Đế quốc Nhật Bản, trải qua chiến tranh thế giới cho đến hồi phục đất nước, ông có khoảng 100 tác phẩm điện ảnh thuộc các thể loại phim câm, phim lập cảnh, phim nói đen trắngphim màu. Với phong cách điện ảnh nghệ thuật, văn học vừa giữ vững truyền thống văn hóa, vừa áp dụng ảnh hưởng của phương Tây theo chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự nhiên, mô phỏng tình hình xã hội phức tạp, các bộ phim sử dụng hình ảnh để thay cho lời nói. Đồng thời, Goteken nhấn mạnh bị kịch, sự gánh chịu áp bức và cuộc đời gian khổ của số đông người phụ nữ Nhật Bản trong suốt nhiều thời kỳ, ông được cho là bậc thầy của điện ảnh về phái nữ.[1]

Mizoguchi Kenji tập trung chú trọng vào kỹ thuật điện ảnh, sử dụng phổ biến xuyên suốt và giới thiệu mở rộng trong cộng đồng kỹ xảo quay trường đoạn cảnh phối hợp giữa nhóm đạo cụ, trang trí dựng cảnh, đội ngũ quay phim, tổ chức sản xuất và diễn viên, tích hợp nhiều tình tiết vào cùng một cảnh quay, cùng với đó là tính nghiêm khắc trong tạo hình, khiến bố cục khung hình như một bức tranh hoàn chỉnh mang nhiều ý nghĩa.[2]

Với những tác phẩm đi ngược tình hình chung trong thời kỳ rối động như Zangiku monogatari, Gion no kyōdai rồi đến chuỗi tác phẩm liên tục gây tiếng vang thế giới với ba lần liên tiếp đoạt giải ở Liên hoan phim Venezia như Saikaku ichidai onna, Ugetsu monogatariSanshō dayū, ông tạo ra ảnh hưởng lớn đối với xã hội. Cùng với Kurosawa Akira, Ozu YasujirōNaruse Mikio, ông được coi là biểu tượng của nền điện ảnh Nhật Bản, là nhân vật nổi tiếng của thế kỷ XX trong lịch sử nước Nhật.[3]

Niên thiếu và thời kỳ đầu

[sửa | sửa mã nguồn]

Mizoguchi Kenji sinh ngày 16 tháng 05 năm 1898 tại khu vực Yushima, quận Hongō, Tokyo, Nhật Bản (nay là khu vực Bunkyō, Tokyo)[4] trong một gia đình năm người với bố là Zentaro, thợ mộc lợp mái nhà, mẹ là Masa, chị gái Suzu, em trai Yoshio. Ban đầu, gia đình của ông thuộc về tầng lớp trung lưu cho đến khi biến cố xảy ra. Năm 1904, Chiến tranh Nga – Nhật nổ ra, bố của ông quyết định chuyển sang làm công nhân sản xuất trang bị quân đội phục vụ để kinh doanh. Cuộc chiến chỉ kéo dài hơn một năm, kết thúc nhanh chóng khiến cho việc đầu tư của bố ông thất bại, thiệt hại tài sản gia đình. Sau đó, gia đình phải đưa một người con gái, chị của ông là Suzuko hoặc Suzu tới quận Asakusa, gần với rạp chiếu phim và nhà thổ, trở thành một geisha. Sự kiện này đã khiến cho gia đình của ông nảy sinh mâu thuẫn, bố đối xử bạo lực với mẹ cùng chị em của ông, gây ảnh hưởng lớn tới hồi ức của ông về gia đình, xuyên suốt quãng thời gian dài trong đời.[5]

Năm 1911, gia đình trở nên nghèo túng, không thể chu cấp cho các con theo học, phải chuyển ông đến nhà cậu ở thành phố Morioka, miền Bắc Nhật Bản. Ông ở đây một năm, mắc phải bệnh viêm khớp dạng thấp, khiến suốt thời niên thiếu và cả cuộc đời phải đi khập khiễng. Sang năm 1912, ông về nhà và phải nằm trên giường vì căn bệnh. Sau đó, chị gái Suzu của ông đã giới thiệu và giúp ông tham gia học việc, thiết kế các mẫu kimonoyukata. Năm 1915, mẹ ông qua đời, hai em trai cùng đến sống với chị gái và được chị chăm sóc, lúc này Suzu đã kết hôn với Tử tước Matsudaira Tadamasa, người chủ của geisha ban đầu. Năm 1916, ông tham gia khóa học ở Trường Mỹ thuật Aoibashi Yoga Kenkyuko ở Tokyo, nơi dạy kỹ thuật hội họa phương Tây. Những năm này, ông theo đuổi sự quan tâm với opera bằng cách tham gia công việc trang trí Royal Theatre ở Asakura. Năm 1917, chị gái Suzu tiếp tục giúp ông tìm kiếm việc làm, tới Kobe làm thiết kế quảng cáo tại tạp chí Yuishin Nippon. Tuy nhiên, ông cảm thấy không phù hợp với công việc này, sau chưa đầy một năm ở Kobe, trở lại Tokyo và làm những gì mình thích. Ông tốt nghiệp Trung cấp Mỹ thuật Tokyo vào năm 1920.[6]

Sự nghiệp điện ảnh

[sửa | sửa mã nguồn]

Giai đoạn 1920 – 1930

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1920, sau một thời gian dài với nhiều công việc khác nhau, Mizoguchi Kenji bắt đầu sự nghiệp điện ảnh của mình. Ông được nhận vào Công ty Điện ảnh Nikkatsu, là một diễn viên, trợ lý đạo diễn Tadashi Oguchi.[7] Ba năm sau tức 1923, ông trở thành đạo diễn chính thức tại xưởng phim Nikkatsu, bắt đầu với Ai-ni yomigaeru hi (Ngày tình yêu trở lại, 1922), bộ phim điện ảnh đầu tiên của ông, giữa cuộc đình công của công nhân;[8] cốt truyện xoay quanh mối tình của người học trò một nghệ nhân làm gốm với cô con gái thứ xinh đẹp của thầy, song khi sắp diễn ra ngày cưới thì nhân vật nữ tự tử cùng một người đàn ông khác. Bộ phim sau đó được trình chiếu, bị cắt nhiều cảnh liên quan đến xung đột giữa nông dân và địa chủ, tư bản, bởi những ảnh hưởng mà nó mang lại cho tầng lớp lãnh đạo.[9]

Năm 1923, trận động đất Kantō diễn ra, ông chuyển tới xưởng phim Nikkatsu ở Kyōto. Có một khoảng thời gian phải tạm dừng công việc vì xô xát với Ichijo Yuriko, một gái mại dâm mà ông đang chung sống đã dùng dao lam để lại những vết thương ở lưng ông. Thời gian ở nơi cố đô này, ông dành sự chú tâm hơn cho nghệ thuật truyền thống, học hỏi Kabuki.[10] Đối với điện ảnh, trong giai đoạn 1920 – 1930, ông chủ yếu làm các tác phẩm thể loại chung với số lượng lớn, thường theo các đơn đặt hàng lấy đề tài trinh thám, đề tài về những kẻ đứng đường và đề tài tiểu thuyết thời đại Meiji, nhiều tác phẩm đã bị thất lạc ngày nay. Các bộ phim Kami-Ning-Yo Haru No Sasayaki (Những tiếng thì thầm mùa xuân của một con búp bê bằng giấy, 1926);[11] Jihi Shincho (Con chim thương cảm, 1927);[12] Tokai Kokyogaku (Bản giao hưởng của một thành phố lớn, 1929)[13] là những tác phẩm được tạp chí Kinema Junpo xếp vào các phim hay từ hạng một đến mười trong năm. Tokai Kokyogaku đã bộc lộ rõ nét quan điểm của ông: phim mô tả số phận của một người đàn bà là trò chơi của tỉ phú. Người đàn bà này gặp một công nhân trẻ yêu công lý, hai người quyết định trả thù kẻ tư sản. Khi thực hiện bộ phim xã hội này, ông cùng các cộng sự gặp nhiều trở ngại về việc vượt qua sự cấm đoán của xưởng sản xuất và việc điều tra truy hỏi của cảnh sát về kịch bản phim. Trong cùng thời, Mizoguchi Kenji và Kinugasa Teinosuke, Uchida Tomu đã đặt nền móng cho sự cách tân nền điện ảnh Nhật Bản, phá bỏ phong cách ước lệ sân khấu trước đó.[14]

Giai đoạn chiến tranh

[sửa | sửa mã nguồn]
Đạo diễn Goteken đang giám sát quay phim.

Từ năm 1930, Nhật Bản bắt đầu đẩy mạnh thời kỳ kiểm soát đất nước và bành trướng vị tri, mở màn là việc chiếm lĩnh Mãn Châu từ 1931, thành lập trục Berlin, Roma, Tokyo từ 1937. Đến 1939, chiến tranh bùng nổ, Đạo luật điện ảnh số 66 được ban hành,[15] quy định đưa điện ảnh Nhật Bản trở thành công cụ tuyên truyền phục vụ khối độc tài đế quốc.[16] Trong bối cảnh này, Mizoguchi Kenji kế nhiệm Murata Minoru, trở thành Giám đốc Hiệp hội Đạo diễn Nhật Bản,[17] vẫn tiếp tục làm phim tại hãng Nikkatsu lẫn Shinko, đi ngược lại quy phạm pháp luật, nổi bật nhất với hai phim Naniwa hika (Bản bi ca Naniwa, 1936)[18]Gion no kyōdai (Chị em Gion, 1936) tiến hành tại xưởng phim độc lập của người bạn Nagata Masaichi.[19]

Naniwa hika là bức tranh chi tiết của một phụ nữ và bối cảnh xã hội nơi cô sống: cô gái trẻ, sau khi bỏ công việc điện thoại viên, trở thành vợ của một giám đốc công ty. Cha cô đã biển thủ một khoản lớn, cô bị tên chủ ruồng bỏ. Bộ phim mô tả số phận nghiệt ngã của một cô gái nghèo khổ, bị hủy hoại cả cuộc đời chỉ vì một lỗi lầm của người khác. Còn Gion no kyōdai mô tả cuộc đời của hai cô geisha ở khu Gion. Người chị tuân thủ những luật pháp của nền luân lý truyền thống, trung thành với chủ cũ dù đã bị phá sản. Em gái là thiếu nữ tân thời, thù ghét đàn ông, luôn tìm cách lợi dụng. Sau cùng, chị em gặp nhau trong bệnh viện: em gái bị gãy chân do người đàn ông bị cô lừa đảo gây ra; người chị bị chủ cũ bỏ rơi. Hai bộ phim đều được Kinema Junpo xếp vào top 10 phim hàng năm. Cả hai bộ phim đều được xây dựng trong số vốn ít và điều kiện khó khăn vào lúc đó, về sau được các nhà phê bình đánh giá cao, cho rằng đã tạo ra hài hòa giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự nhiên. Song, giới quân phiệt đã tỏ thái độ cảnh cáo khiến ông phải dừng chủ đề này, rút lui và làm những bộ phim khác nói về đời sống diễn viên, phim chính kịch. Tuy nhiên, mối quan tâm đối với số phận con người trong xã hội của ông vẫn tồn tại và được chuyển sang cách thể hiện khác. Các bộ phim Zangiku monogatari (Chuyện hoa cúc nở muộn, 1939);[20] Naniwa Onna (Người đàn bà Naniwa, 1940);[21] Geido Ichidai Otoko (Cuộc đời của một người hy sinh cho nghệ thuật, 1941);[22] Genroku chūshingura (47 Rōnin, 1942);[23] Yoru no onnatachi (Những người đàn bà của đêm, 1948)[24] tiếp tục lọt vào top 10 hàng năm.[25] Về hoạt động thực hiện điện ảnh, ông đã phối hợp cùng các đạo diễn, nhà làm phim trong và ngoài nước như Kurosawa Akira, Orson Welles, Shinoda Masahiro, Shindo Kaneto, Jean-Luc Godard, Andrei Tarkovsky, Jean-Marie Straub, Victor Erice, Jacques RivetteTheo Angelopoulos.[26]

Thập niên 50

[sửa | sửa mã nguồn]
Mizoguchi Kenji thập niên 50.

Năm 1945, chiến tranh kết thúc, Nhật Bản đầu hàng, bị chiếm đóng cho đến năm 1952, tới kỷ nguyên hồi phục đất nước. Sau giai đoạn chiến tranh tạm dừng các tổ chức điện ảnh trong nước (1943 – 1949), ông tiếp tục là Giám đốc Hiệp hội Đạo diễn Nhật Bản khi hội trở lại hoạt động (1949 – 1955).[27] Vào thời kỳ này, Mizoguchi Kenji đã trải qua sự nghiệp dài với nhiều chiêm nghiệm, cùng với tác động của căn bệnh từ thiếu niên, ông bước vào giai đoạn cuối đời. Và đây cũng là lúc Mizoguchi Kenji liên tiếp xây dựng và tung ra những bộ phim làm chấn động nền điện ảnh thế giới. Đó là các bộ phim Saikaku ichidai onna (Cuộc đời của người kỹ nữ Oharu, 1952) được đề cử Sư tử Vàng và nhận Giải Quốc tế ở Liên hoan phim Venezia 1952,[28] giải Mainichi Film Awards 1953;[29] Ugetsu monogatari (Những câu chuyện dưới ánh trăng mờ sau cơn mưa hay Bạch Xà Nương, 1953),[30] giải Sư tử Bạc 1953; Sanshō dayū (Viên quản lý Sansho, 1954), giải Sư tử Bạc 1954.[31] Ông đã đoạt giải liên tiếp trong ba năm liền ở Liên hoan phim Venezia, góp phần giúp điện ảnh Nhật Bản vươn tầm ra thế giới.[28][32]

Saikaku ichidai onna trình bày sự thất thế xã hội của một bậc phu nhân quyền quý, kết thúc bằng việc trở thành gái điếm hạng tồi, rồi phải đi ăn xin.[33] Ugetsu monogatari nói về bi kịch của hai người phụ nữ, khi chồng của họ vì dục vọng đã chạy theo những ảo ảnh về sắc đẹp và danh thế. Sanshō dayū đề cập đến sự sa sút, phân rã của một gia đình quý tộc: người cha cai quản lãnh địa, đã đứng về phía phong trào nông dân rồi bị lưu đầy; vợ và hai con bị bọn buôn bán nô lệ bắt cóc. Cuối cùng, vào nhiều năm sau, cậu con trai lớn tìm lại được mẹ mình thì bà đã bị bán làm gái điếm, trở thành mù lòa, hành khất.[34] Akasen Chitai (Đường phố sỉ nhục, 1956) mô tả cuộc đời của năm cô gái điếm tại một khu buôn bán hương phấn ở Tokyo, trong tình cảnh xảy ra sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khi mà Quốc hội Nhật Bản đang thảo luận về Luật Cấm hành nghề mại dâm.[35]

Phong cách

[sửa | sửa mã nguồn]
Phim Ugetsu phối hợp quay trường cảnh (plan séquuence).

Phong cách điện ảnh của Mizoguchi Kenji hướng tới mục đích điện ảnh đại biểu cho đời sống và những tập quán của một xã hội cụ thể cho mỗi bộ phim; tập trung nhấn mạnh môi trường xã hội, đưa môi trường trở nên quan trọng hơn so với chủ đề, nội dung xoay quanh vấn đề về bi kịch của kiếp người.[36] Từ bộ phim đầu tay Ai-ni yomigaeru hi cho đến bộ phim cuối cùng Akasen Chitai, hầu hết đều là bi kịch có nguyên do xuất phát từ môi trường xã hội, và yếu tố chủ quan từ dục vọng của con người. Phần đông các bộ phim của ông đề cập phái nữ,[37] những nhân vật nữ trong các tác phẩm được bao phủ bởi nhiều lớp áo khác nhau, từ bà hoàng, quý tộc, công nhân, gái điếm, đủ mọi giai tầng trong xã hội Nhật Bản, mang điểm chung là trải qua những truân chuyên của cuộc đời,[38] hướng về ý nghĩa nhân văn, xã hội, đấu tranh cho phái nữ.[39] Phong cách của Mizoguchi Kenji đã vạch ra khả năng suy đồi đạo lý, xuống cấp tinh thần của con người, từ đó chuẩn bị cho sự ra đời của chủ nghĩa nhân bản mới.[40]

Về kỹ thuật, trong thập niên 30, 40, ông đã hoàn thiện được cho mình một thủ pháp thể hiện đặc biệt, đó là quay trường đoạn cảnh (plan séquence),[41] gộp nhịp điệu, thay đổi diễn xuất liên tục trong nhiều cỡ cảnh vào làm một, chỉ một lần bấm máy. Bên cạnh đó là sử dụng phân chia khoảng cảnh kích cỡ trung bình (plan moyen), toàn cảnh (plan général) và viễn cảnh (plan éloigné).[42] Là một đạo diễn xuất thân từ hội họa, Mizoguchi Kenji rất chú trọng đến bố cục khung hình. Mỗi một cảnh trong phim của ông có thể được xem là một bức tranh hoàn chỉnh mặc dù kỹ thuật quay trường đoạn cảnh đòi hỏi trình độ cao ở quay phim và diễn viên. Phong cách này nhận được đánh giá rất cao từ các nhà phê bình quốc tế về sau, tạo ra ảnh hưởng lớn đến nền điện ảnh Nhật Bản.[43]

Qua đời và tưởng nhớ

[sửa | sửa mã nguồn]

Mizoguchi Kenji qua đời tại Kyotobệnh bạch cầu vào ngày 24 tháng 08 năm 1956, ở tuổi 58, không có con. Những năm này, ông được công nhận là một trong ba bậc thầy của điện ảnh Nhật Bản, cùng với Ozu YasujirōKurosawa Akira. Ông thường lấy cảm hứng từ nihonga (tranh truyền thống của Nhật Bản) và các bản in khắc gỗ. Vào thời điểm ông qua đời, Mizoguchi Kenji đang thực hiện một bộ phim có tên Osaka Story. Tổng cộng, ông đã thực hiện khoảng 100 bộ phim, mặc dù hầu hết những bộ phim ban đã bị thất lạc, trở thành một trong những đạo diện hiếm có trên thế giới đạt đến thành tích này.[44] Từ đó đến nay, ông được tưởng nhớ với những cống hiến, đóng góp cho điện ảnh của mình.[45] Năm 1975, đạo diễn Shindō Kaneto đã quay phim tài liệu về ông, bộ phim Aru eiga-kantoku no shōgai Mizoguchi Kenji no kiroku (Mizoguchi Kenji: cuộc đời của một đạo diễn phim, 1975),[46] cũng như viết một cuốn sách về ông, xuất bản năm 1976. Năm 2014, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản đã xây dựng một loạt phim hồi tưởng về những tác phẩm điện ảnh còn sót lại của ông, đem lưu diễn tại một số thành phố của Mỹ, châu Âu.[47]

Các tác phẩm điện ảnh

[sửa | sửa mã nguồn]

Các tác phẩm điện ảnh của Mizoguchi Kenji được ông chỉ đạo sản xuất với vai trò đạo diễn và cả biên kịch chính thức, hỗ trợ biên kịch ở một số bộ phim. Tính đến nay, còn 34 bộ phim được lưu trữ tại trung tâm thư viện điện ảnh Nhật Bản, đã thất lạc gần 70 bộ phim, chủ yếu trong thập niên 20 lúc ông bắt đầu sự nghiệp.[48] Một số bộ phim được sửa chữa, khôi phục lại bằng kỹ thuật hình ảnh. Theo diễn biến chung của điện ảnh thế giới, các tác phẩm của ông chủ yếu theo dạng phim câm đen trắng, phim nói đen trắng, có hai bộ phim màu từ thập niên 50 trong thời đại mới của kỹ xảo. Các hãng, công ty, xưởng sản xuất chủ yếu được liên kết là Nikkatsu (ở Tokyo và Kyoto), Nikkatsu Tahata Photo Studio, Daiichi Eiga, Shochiku Kinema, Shochiku Photo Studio, Daiei Kyoto Studio.[49]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Thomas, Kevin (ngày 15 tháng 2 năm 2021). “The subject was women”. Los Angeles Times. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2021.
  2. ^ Rafferty, Terrence (ngày 3 tháng 9 năm 2007). “Kenji Mizoguchi's Movies Seek Beauty”. The New York Times. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2021.
  3. ^ Thomas Kevin (ngày 6 tháng 1 năm 1997). “A Closer Look at a Japanese Master”. Los Angeles Times. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2021.
  4. ^ Le Fanu Mark 2005, tr. 22.
  5. ^ Sato Tadao 2006, tr. 3–4.
  6. ^ Sato Tadao 2006, tr. 6.
  7. ^ Sâm Thương, Phạm Thùy Nhân 1998, tr. 115.
  8. ^ Le Fanu Mark 2005, tr. 23.
  9. ^ Sâm Thương, Phạm Thùy Nhân 1998, tr. 116.
  10. ^ Sato Tadao 2008, tr. 10.
  11. ^ “Kaminingyo haru no sasayaki”. Movie.me. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2021.
  12. ^ “慈悲心鳥 (じひしんちょう)” [Jihi shinchô]. Nikkatsu (bằng tiếng Nhật). Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2021.
  13. ^ “都会交響楽 (トカイコウキョウガク)” [Tokai kokyogaku]. JP Cinema Database (bằng tiếng Nhật). Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2021.
  14. ^ Sâm Thương, Phạm Thùy Nhân 1998, tr. 130.
  15. ^ Sâm Thương, Phạm Thùy Nhân 1998, tr. 117–18.
  16. ^ Đỗ Thúy Hà, Vũ Quang Chính 1978, tr. 347, tập 3.
  17. ^ “日本映画監督協会略年表” [Danh sách Giám đốc Hiệp hội Đạo diễn]. Hiệp hội Đạo diễn Nhật Bản (bằng tiếng Nhật). Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 7 năm 2010. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2021 – qua Archive.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  18. ^ Scharres, Barbara (ngày 5 tháng 6 năm 1995). “Osaka Elegy”. The Criterion Collection. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2021.
  19. ^ Kehr, Dave (ngày 27 tháng 10 năm 2008). “New DVDs: Kenji Mizoguchi”. The New York Times. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2021.
  20. ^ Malcolm, Derek (ngày 2 tháng 12 năm 1999). “Kenji Mizoguchi: The Story of the Late Chrysanthemums”. TheGuardian.com. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2021.
  21. ^ “Naniwa onna”. Thư viện Australia. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2021.
  22. ^ “【作品データベース】芸道一代男 げいどういちだいおとこ” [Tác phẩm Geidô ichidai otoko]. Sochiku (bằng tiếng Nhật). Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2021.
  23. ^ “元禄忠臣蔵” [Trung thần Genroku]. kotobank (bằng tiếng Nhật). Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2021.
  24. ^ “Women of the Night”. The Criterion Collection. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2021.
  25. ^ Sâm Thương, Phạm Thùy Nhân 1998, tr. 120.
  26. ^ Sato Tadao 2006, tr. 11.
  27. ^ “Giới thiệu Hiệp hội”. Hiệp hội Đạo diễn Nhật Bản. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2021 – qua Archive.
  28. ^ a b Linden, Sheri (ngày 3 tháng 7 năm 2013). “Kenji Mizoguchi's 'The Life of Oharu' an enduring tale of struggle”. LA Times. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2021.
  29. ^ “西鶴一代女” [Saikaku ichidai onna]. JP Cinema Database (bằng tiếng Nhật). Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2021.
  30. ^ Crowther, Bosley (ngày 8 tháng 9 năm 1954). “Ugetsu (1953): The Screen in Review; Ugetsu,' From Japan, Offered at Plaza”. The New York Times. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2021 – qua Archive.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  31. ^ “Kenji Mizoguchi, Sanshō Dayū [Sansho the Bailiff (Japan, 1954; 124 minutes)”. King's College London. ngày 15 tháng 3 năm 2019. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2021.
  32. ^ “Factbox: Venice, the world's oldest film festival”. Reuters. ngày 29 tháng 8 năm 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2021.
  33. ^ A.H. Wielhr (ngày 21 tháng 4 năm 1964). “Life of Oharu'. The New York Times. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2021.
  34. ^ “KENJI MIZOGUCHI - SANSHŌ DAYŪ (SANSHO THE BAILIFF)”. Liên hoan phim Venezia. ngày 6 tháng 9 năm 2017. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2021.
  35. ^ “AKASEN CHITAI (STREET OF SHAME)”. Liên hoan phim Venezia. ngày 2 tháng 9 năm 2018. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2021.
  36. ^ Le Fanu Mark 2005, tr. 1.
  37. ^ “Eclipse Series 13: Kenji Mizoguchi's Fallen Women”. The Criterion Collection. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2021.
  38. ^ Sato Tadao 2008, tr. 581.
  39. ^ Alexander, Jacoby (ngày 26 tháng 8 năm 2006). “KENJI MIZOGUCHI: The enduring relevance of a master of cinema”. Japan Times. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2021.
  40. ^ Sâm Thương, Phạm Thùy Nhân 1998, tr. 122.
  41. ^ “世界大百科事典 第2版「溝口健二」の項” [Ấn bản thứ hai về Mizoguchi Kenji]. Kotobank (bằng tiếng Nhật). Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2021.
  42. ^ Sâm Thương, Phạm Thùy Nhân 1998, tr. 127.
  43. ^ Sâm Thương, Phạm Thùy Nhân 1998, tr. 121–22.
  44. ^ “Kenji Mizoguchi: A Life in Film”. Hongkong Arts Centre. ngày 15 tháng 2 năm 2021. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2021.
  45. ^ Sharp, Jasper (ngày 15 tháng 5 năm 2020). “Kenji Mizoguchi: 10 essential films”. BFI. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2021.
  46. ^ “Kenji Mizoguchi: The Life of a Film Director (1975)”. BFI. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2021.
  47. ^ “Touring Japanese Film Festival in Switzerland”. Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2021.
  48. ^ Paul Spicer (2011), Bản điện tử The Films of Kenji Mizoguchi: Authorship and Vernacular Style, Nhà xuất bản Đại học Portsmouth.
  49. ^ “THE TALES AND TRAGEDIES OF KENJI MIZOGUCHI”. Harvard Film Archive. ngày 16 tháng 5 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2021.

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Đỗ Thúy Hà (1978). Lịch sử Điện ảnh thế giới. Nhà xuất bản Văn hóa.
  • Welles, Orson; Bogdanovich, Peter (1998). This is Orson Welles. Da Capo Press. tr. 146. ISBN 0-306-80834-X.
  • Andrew, Dudley; Andrew, Paul (1981). Kenji Mizoguchi, a Guide to References and Resources. Nhà xuất bản G.K. Hall. ISBN 0-8161-8469-0.
  • Le Fanu, Mark (2005). Mizoguchi and Japan. Nhà xuất bản London: BFI Publishing. ISBN 978-1-84457-057-7.
  • Sato Tadao (佐藤忠男) (2006). Mizoguchi 健二 World (平凡社 Library). Nhà xuất bản Bình phàm (平凡社). ISBN 978-4-5827-6593-9.
  • Sato, Tadao (2008). Kenji Mizoguchi and the Art of Japanese Cinema. Chikuma Shobo. ISBN 978-1-84788-230-1.
  • Sâm Thương, Phạm Thùy Nhân (1998). Những đạo diễn nổi tiếng thế giới. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Văn nghệ.
  • Hideo Tsumura (津村秀夫) (1958). Đạo diễn Mizoguchi Kenji [溝口健二というおのこ]. Nhà xuất bản Jitsugyo no Nihon Sha (実業之日本社).
  • Yoda Yoshikata (依田義賢) (1964). Mizoguchi 健二 Human And Art. Nhà xuất bản Tư tưởng xã hội (社会思想社). ISBN 978-4-3901-1588-9.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]