Bước tới nội dung

Lo ngại và tranh cãi tại Thế vận hội Mùa hè 2024

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đã có nhiều lo ngại và tranh cãi liên quan đến Thế vận hội Mùa hè 2024, bao gồm những lo ngại về an ninh, vấn đề nhân quyền, và tranh cãi về việc cho phép các vận động viên Israel tham dự trong bối cảnh cuộc chiến tranh Israel–Hamas, cũng như cho phép các vận động viên Nga và Belarus tham dự với tư cách trung lập trong bối cảnh cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina. Mặc dù trên danh nghĩa vẫn có một Hiệp định đình chiến Olympic như thường lệ, các cuộc chiến ở Ukraina và Palestine đã tạo ra bối cảnh chính trị ngày càng xung đột hơn cho Thế vận hội Mùa hè 2024, trước khi xét đến các vấn đề trong nước và thể thao.[1] Nhà báo thể thao Andy Bull đã nêu ý kiến trước Thế vận hội Mùa hè 2024 rằng đại hội "đã được định nghĩa lại là Thế vận hội Xung đột".[2]

Các vấn đề về tổ chức trong nước

[sửa | sửa mã nguồn]

Sông Seine trong lễ khai mạc

[sửa | sửa mã nguồn]

Một phần của buổi lễ khai mạc Thế vận hội Mùa hè 2024 diễn ra trên sông Seine, đánh dấu lần đầu tiên một nghi lễ của Thế vận hội được tổ chức trên một con sông. Điều này đã dẫn đến một số lo ngại.[3][4]

Vào tháng 2 năm 2024, chính phủ Pháp thông báo rằng số lượng khán giả đến dự lễ khai mạc trên khắp sông Seine sẽ giảm từ 600.000 xuống còn 300.000 như một biện pháp phòng ngừa an ninh. Kế hoạch này đã được Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin đề xuất vào năm 2022.[5] Kế hoạch dựng một vành đai an ninh xung quanh khu vực dành cho khán giả ra vào đã được thiết lập trong những ngày trước khi diễn ra đại hội, nhằm hạn chế sự ra vào của công chúng. Lý do cho việc sử dụng sông Seine như một không gian công cộng ngoài trời là để lễ khai mạc có thể tiếp cận được với nhiều người hơn so với bình thường.[3] Du khách và những người đi bộ sẽ không thể theo dõi trực tiếp buổi lễ trên sông Seine; thay vào đó họ sẽ có cơ hội để đăng ký vé miễn phí.[4] Vào tháng 7 năm 2024, một báo cáo cho biết sẽ có khoảng 220.000 người theo dõi cùng với 45.000 cảnh sát và nhân viên an ninh.[6]

Một phần trong kế hoạch đảm bảo an ninh cho không gian công cộng quanh sông Seine là di dời các bouquiniste – những người bán sách truyền thống với những quầy sách riêng biệt ven sông – ra khỏi bờ sông Seine. Những người bán sách đã phản đối mạnh mẽ việc di chuyển nhà sách của họ, ngay cả khi phải đóng cửa, và Tổng thống Emmanuel Macron cuối cùng đã ra phán quyết rằng họ không nên di chuyển nhà sách của mình và yêu cầu một kế hoạch an ninh khác. Ông cho biết các bouquiniste là một phần của "di sản sống" của thành phố.[7]

Đe dọa khủng bố

[sửa | sửa mã nguồn]

Sự chuẩn bị

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào tháng 3 năm 2024, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin đã gặp các cơ quan tình báo để đánh giá về mối đe dọa khủng bố đối với đất nước, sau vụ tấn công vào một phòng hòa nhạc ở Moscow làm dấy lên những lo ngại mới về an ninh đối với Thế vận hội.[8] Cuộc tấn công ở Moscow được tiến hành bởi băng nhóm Trung Á ISIS-K, được các cơ quan an ninh Pháp coi là "điểm mù tình báo" trước vụ tấn công và họ đã nỗ lực mở rộng mạng lưới tình báo của mình trước Thế vận hội.[9]

Những mối đe dọa khác cũng được điều tra. Vào ngày 22 tháng 5, một người đàn ông 18 tuổi đến từ Chechnya đã bị bắt vì nghi ngờ có kế hoạch tấn công các trận đấu trong giải bóng đá Thế vận hội được tổ chức tại Saint-Étienne.[10] Vào đầu tháng 6, một báo cáo do công ty an ninh mạng Recorded Future công bố cho biết mặc dù khả năng xảy ra các cuộc tấn công mạng là rất cao, nhưng rủi ro lớn nhất đối với Thế vận hội sẽ đến từ các mối đe dọa trực tiếp thay vì từ không gian mạng.[11]

Video đe dọa giả mạo

[sửa | sửa mã nguồn]

Một video được chia sẻ trên mạng xã hội vài ngày trước lễ khai mạc, được cho là cảnh Hamas đe dọa tấn công Thế vận hội, đã được Trung tâm phân tích mối đe dọa của Microsoft xác định là thông tin sai lệch của Nga. Hamas đã phủ nhận trên các kênh mạng xã hội rằng họ là người đứng sau đoạn video này. Video dường như đến từ cùng một nhóm thông tin sai lệch của Nga đã thực hiện các video giả mạo trước đó - được cho là Hamas, phù hợp với "chiến dịch bôi nhọ" của Nga trước đó được Microsoft xác định.[12]

Gián điệp người Nga

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào ngày 24 tháng 7, chính quyền Pháp đã bắt giữ một công dân Nga bị tình nghi "có kế hoạch phá hoại Thế vận hội".[13] Danh tính của người này đã được xác định là Kirill Gryaznov, cựu ngôi sao truyền hình thực tế chuyển sang làm điệp viên FSB, là một đầu bếp 40 tuổi và đã sống ở Pháp 14 năm. Chính quyền Pháp không tin rằng ông là mối đe dọa khủng bố, nhưng ông đã tham gia vào hoạt động gián điệp dài hạn và có liên quan đến một âm mưu với các thế lực nước ngoài để thực hiện hành động "gây bất ổn [...] trên quy mô lớn". Cuộc đột kích vào khối tài sản của người đàn ông này và vụ bắt giữ sau đó của ông đã được tiến hành sau khi điện thoại của ông đã bị nghe lén vào tháng 5, và ông đã được nghe nói về các kế hoạch liên quan đến lễ khai mạc Thế vận hội với các cơ quan tình báo Nga.[14][15]

Gây gián đoạn cho người dân Paris

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhiều người dân Paris bày tỏ mối lo ngại rằng Thế vận hội sẽ làm gián đoạn cuộc sống thường ngày của họ. Các cuộc thăm dò cho thấy một nửa cư dân đang có kế hoạch rời khỏi thành phố và ba phần tư lo lắng về vấn đề giao thông và an ninh tại đại hội. Trưởng ban tổ chức Thế vận hội Paris Tony Estanguet đã tuyên bố rằng Thế vận hội "thần kỳ" này sẽ xứng đáng cho sự gián đoạn.[16]

Các hoạt động đình công và phản đối của công nhân

[sửa | sửa mã nguồn]

Hàng ngàn công đoàn viên ở Pháp đã tuyên bố họ sẽ phá hoại Thế vận hội bằng các hành động đình công, với việc Tổng Liên đoàn Lao động đệ đơn thông báo đình công trong toàn bộ thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic và Paralympic.[17]

Các công đoàn của công nhân sân bay Pháp đã yêu cầu nhóm quản lý điều hành các sân bay Paris phải trả tiền thưởng cho nhân viên làm việc trong thời gian diễn ra Olympic đầy bận rộn, cũng như tuyển thêm nhân viên cho công việc này. Để gây sức ép với nhóm, các công đoàn đã kêu gọi đình công vào ngày 24 tháng 7 năm 2024, ngày đầu tiên của Thế vận hội và hai ngày trước buổi lễ khai mạc. Ba công đoàn đã đồng ý một thỏa thuận với nhóm quản lý về tiền thưởng trước ngày đình công, và cuộc đình công đã bị hủy bỏ.[18]

Vào ngày 22 tháng 7 năm 2024, các vũ công thuộc Liên đoàn Nghệ sĩ Biểu diễn (SFA) tham gia biểu diễn trong lễ khai mạc, thay vì diễn tập ,đã thực hiện một màn phản đối bằng cách giơ nắm đấm lên không trung theo cách tương tự như kiểu chào sức mạnh của người da đen. Đây được coi là cuộc biểu tình phản đối việc "mức lương thấp và điều kiện làm việc kém" của người dân trên khắp nước Pháp. Một đại diện của SFA cho biết các thành viên của họ tỏ ra không hài lòng và "rất tiếc khi phải thông báo về việc nộp đơn đình công" trong những ngày diễn ra lễ khai mạc Thế vận hội Olympic và Paralympic. SFA lưu ý rằng nhiều người trong số 3.000 người được giao nhiệm vụ biểu diễn trong buổi lễ sẽ nhận được mức lương thấp hoặc không nhận được tiền lương.[17] Các vũ công đã hủy bỏ cuộc đình công của mình trước lễ khai mạc.[19]

Đội ngũ nhân viên của Hôtel du Collectionneur, nơi các quan chức IOC lưu trú, đã tổ chức cuộc đình công kéo dài hai giờ vào ngày 25 tháng 7 để phản đối việc không được tăng lương trong bảy năm. IOC dự định tổ chức nhiều bữa tối và cuộc họp tại khách sạn, và lo ngại về nguy cơ xảy ra những cuộc đình công tiếp theo. Cuộc đình công nổ ra sau vòng đàm phán mới nhất kéo dài nhiều tháng không đạt được thỏa thuận vào ngày 24 tháng 7.[20]

Lệnh cấm hijab cho vận động viên Pháp

[sửa | sửa mã nguồn]

Các chính sách thế tục của chính phủ Pháp đã bị các nhà hoạt động đặt dấu hỏi, những người đặc biệt phản đối quyết định của Ủy ban Olympic và Thể thao Quốc gia Pháp cấm các vận động viên mang mặc các biểu tượng tôn giáo - bao gồm cả hijab - trong suốt Thế vận hội.[21] Lệnh cấm chỉ áp dụng cho các thành viên của đội tuyển Pháp và không ảnh hưởng đến các đoàn khác tại Thế vận hội.[22]

Sounkamba Sylla, một thành viên của đội chạy tiếp sức 4 × 400 m nữ của Pháp, tố cáo rằng cô đã bị cấm tham dự lễ khai mạc vì đội hijab. Có thông tin cho rằng Sylla đã đồng ý một thỏa hiệp cho phép cô đội thay thế. Nữ võ sĩ người Úc và cũng là người Hồi giáo Tina Rahimi đã lên tiếng phản đối lập trường của đội tuyển Pháp về các biểu tượng tôn giáo, cho rằng "thật không may cho các vận động viên ở Pháp vì nó chẳng liên quan gì đến thành tích của bạn. Và điều đó không nên cản trở bạn trở thành một vận động viên."[22]

Bản sắc Pháp trong các tài liệu quảng bá

[sửa | sửa mã nguồn]

Linh vật của Thế vận hội lần này là Phryges, những chiếc mũ Phrygian được thiết kế theo hình dạng con người. Các đồ chơi nhồi bông mô phỏng linh vật được sản xuất và quảng cáo bởi các công ty Pháp. Bộ phân sản xuất của các công ty này chủ yếu nằm ở Trung Quốc, điều này trở thành chủ đề gây ra sự chỉ trích ở Pháp.[23]

Áp phích cho Thế vận hội Mùa hè được công bố vào tháng 3 năm 2024, là một bức tranh hoạt hình siêu thực về Paris với một số tòa nhà nổi tiếng và biểu tượng của thành phố cũng như của đất nước này. Những người phản đối cho rằng áp phích nghệ thuật đã xóa bỏ các biểu tượng của Kitô giáobản sắc Pháp. Một số chính trị gia cánh hữu của Pháp chỉ trích bức áp phích này là "woke" và mô tả nó là một nỗ lực nhằm "phủ nhận" lịch sử của nước Pháp hoặc là sự xấu hổ vì có lòng tự hào dân tộc. Tranh cãi lớn nhất nằm ở việc điện Invalides, một phần của tượng đài lịch sử quân sự của Pháp, không có cây thánh giá trên đỉnh.[24][25]

Các lo ngại về an toàn

[sửa | sửa mã nguồn]

Bùng phát dịch COVID-19

[sửa | sửa mã nguồn]

Một đợt bùng phát COVID-19 đã xảy ra giữa các vận động viên thể thao dưới nước tại Thế vận hội.[26] Vào ngày 24 tháng 7, có thông tin năm thành viên của đội tuyển bóng nước nữ Úc đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Trưởng đoàn Anna Meares cho biết các trường hợp này chỉ giới hạn ở đội bóng nước và các phương thức phòng ngừa bệnh đường hô hấp tiêu chuẩn đã được đặt ra.[27] Vào ngày 29 tháng 7, vận động viên bơi lội người Anh Adam Peaty đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 sau khi xuất hiện các triệu chứng vào ngày hôm trước, trước khi anh tham dự chung kết bơi ếch 100m;[28] vận động viên bơi lội người Úc Lani Pallister có kết quả xét nghiệm dương tính vào ngày 30 tháng 7, và đã rút lui khỏi cuộc thi đấu của cô vào ngày hôm đó.[29] Mặc dù không bắt buộc, các vận động viên bơi lội và huấn luyện viên đã bắt đầu đeo khẩu trang tại các địa điểm thi đấu. Việc xác nhận các kết quả xét nghiệm dương tính của Peaty và Pallister được tiếp nối bằng báo cáo sau đó vào ngày 30 tháng 7 rằng ba vận động viên bơi lội khác (hai của Hoa Kỳ và một của Rômania) đã mắc COVID-19, trong đó các vận động viên Hoa Kỳ đã được điều chuyển đến một khách sạn.[26] Đã có hơn 40 vận động viên có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 tại Thế vận hội Mùa hè 2024 ở nhiều môn thi.[30][31] Họ được phép tham gia thi đấu nếu không có triệu chứng, trái ngược với các quy định nghiêm ngặt được áp dụng tại Thế vận hội Mùa hè 2020Thế vận hội Mùa đông 2022.[32]

Thu hồi chai nước có thương hiệu

[sửa | sửa mã nguồn]

Một loạt các chai nước tái sử dụng mang nhãn hiệu Olympic dành cho trẻ em, được cấp phép nhưng không được ban tổ chức sản xuất, đã bị thu hồi một tuần trước khi Thế vận hội bắt đầu do chứa hàm lượng quá cao Bisphenol A, chất đã bị cấm ở Pháp từ năm 2015.[33][34]

Lo ngại về an ninh

[sửa | sửa mã nguồn]

Một bản tin trên tở The Times đã trích dẫn một phân tích của công ty an ninh và địa chính trị Dragonfly, theo đó mức độ đe dọa khủng bố đối với Thế vận hội Paris 2024 vẫn ở mức "nghiêm trọng", bao gồm cả khả năng sử dụng các cuộc tấn công ném bom bằng bằng máy bay không người lái. Hiệp hội Olympic Anh được cho là sẽ cung cấp một ứng dụng cho các vận động viên và nhân viên để họ có thể được trợ giúp ngay lập tức và chia sẻ vị trí của mình với nhân viên an ninh.[35]

Các sân bay chính ở Paris đã đóng cửa vào ngày 26 tháng 7 - trong thời điểm diễn ra lễ khai mạc Thế vận hội Mùa hè - vì lý do an ninh. Các vành đai an ninh được thiết lập xung quanh các địa điểm tổ chức sự kiện, hạn chế nghiêm ngặt việc di chuyển của ô tô, bao gồm cả taxi.[36]

Một tên trộm vặt, được cảnh sát Paris biết đến với tội danh ăn cắp túi xách trên phương tiện giao thông công cộng, đã lấy trộm chiếc túi của một nhân viên Tòa thị chính Paris có chứa một số kế hoạch an ninh cho Thế vận hội. Sau đó người ta xác nhận rằng không có thông tin nhạy cảm nào trong túi và tên trộm đã bị kết án bảy tháng tù.[37]

Cuộc đột kích vào nhà tổ chức

[sửa | sửa mã nguồn]

Các công tố viên tài chính Pháp đã đột kích trụ sở Olympic Paris 2024 vào ngày 18 tháng 10 năm 2023 và đồng thời nhắm vào các đơn vị quản lý sự kiện. Các cuộc đột kích này nằm trong một phần của cuộc điều tra được mở ra nhằm vào nghi ngờ "lợi dụng trái phép, thiên vị và che giấu" liên quan đến việc trao các hợp đồng khác nhau.[38]

Chiến dịch "bôi nhọ" của Azerbaijan

[sửa | sửa mã nguồn]

Một báo cáo từ cơ quan chống can thiệp kỹ thuật số từ bên ngoài của Pháp đã phát hiện một số trang web và các hồ sơ mạng xã hội giả mạo của Azerbaijan đã cố gắng thực hiện một chiến dịch thông tin sai lệch nhằm hạ thấp khả năng tổ chức của chủ nhà Pháp và đe dọa tẩy chay.[39] Chiến dịch bôi nhọ này được cho là nhằm trả đũa việc Pháp liên tục chỉ trích Azerbaijan kể từ năm 2020 sau khi xung đột bùng nổ ở Nagorno-Karabakh.[40]

Chiến dịch "bôi nhọ" của Nga

[sửa | sửa mã nguồn]

Trung tâm phân tích mối đe dọa của Microsoft cho biết Nga đã tiến hành một chiến dịch thông tin sai lệch nhắm vào Thế vận hội Paris 2024 để trả đũa việc Pháp hỗ trợ quân sự cho Ukraina trong bối cảnh cuộc chiến tranh chống lại Nga. Việc sử dụng các video, tin tức giả mạo và hoạt động mạo danh do AI tạo ra, bao gồm cả giọng nói của Tom Cruise cùng các nhóm diễn viên mạng Nga Storm-1679 và Doppelganger, được cho là nhằm làm hoen ố danh tiếng của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và kích động nỗi sợ bạo lực. Họ đã phát hành một bộ phim tài liệu giả có tựa đề "Thế vận hội đã sụp đổ" và phát tán những thông tin sai sự thật về việc hủy vé và mua bảo hiểm liên quan đến khủng bố. Doppelganger cũng tăng cường truyền bá thông điệp chống Thế vận hội và làm giả nội dung để bôi nhọ Emmanuel Macron. Microsoft nghi ngờ các nhóm này đã phát tán những hình ảnh graffiti giả mạo đe dọa sẽ tái diễn vụ thảm sát tại Thế vận hội Munich năm 1972.[41]

Tội phạm ở Paris

[sửa | sửa mã nguồn]

Sự an toàn cho người Úc

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào ngày 19 tháng 7 năm 2024, một nữ du khách 25 tuổi người Úc đã bị năm người đàn ông cưỡng hiếp tập thể ở Paris. Trưởng đoàn thể thao Úc Anna Meares đã bày tỏ lời chia buồn sâu sắc đến nạn nhân và "hy vọng cô ấy được chăm sóc và hỗ trợ cho những tổn thương mà cô đã trải qua".[42]

Hai nhân viên của Nine Network đã bị thương trong một vụ cướp bất thành khi đang đi bộ đến chỗ ở của họ tại Le Bourget. Do hệ quả của vụ việc này và vụ hiếp dâm tập thể du khách người Úc, Meares đã khuyến cáo các vận động viên Úc không nên mặc đồng phục của đội khi rời khỏi làng Olympic một mình.[43]

Vụ cướp tại khu tập luyện của đội tuyển bóng đá Argentina

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào ngày 25 tháng 7 năm 2024, huấn luyện viên đội tuyển bóng đá Olympic nam Argentina Javier Mascherano cho biết khu huấn luyện của đội đã bị cướp trước trận thua Maroc vào thứ tư, trong đó đồng hồ của tiền vệ Thiago Almada nằm trong số những đồ vật bị đánh cắp. Đoàn Argentina đã đệ đơn trình báo lên cảnh sát tại Lyon, văn phòng công tố tại Saint-Etienne gần đó đã công bố vào ngày thứ năm.[44]

Sự cố công nghệ thông tin toàn cầu năm 2024

[sửa | sửa mã nguồn]

Hoạt động công nghệ thông tin của Thế vận hội đã bị cản trở bởi sự cố toàn cầu vào ngày 19 tháng 7 năm 2024 do một bản cập nhật bị lỗi của CrowdStrike, khiến các máy tính chạy Windows gặp phải lỗi màn hình xanh. Sự cố xảy ra một ngày sau khi làng Thế vận hội mở cửa và ban tổ chức đang xử lý việc tiếp đón các vận động viên và đại biểu. Ban tổ chức cho biết một kế hoạch dự phòng đã được kích hoạt và chỉ có việc cung cấp đồng phục và thẻ chứng nhận bị ảnh hưởng.[45] Sự cố này đã làm chậm các hoạt động, với việc đóng cửa quầy cấp thẻ tác nghiệp tại trung tâm báo chí và thực hiện kiểm tra an ninh thủ công bằng danh sách tên.[46][47]

Các vấn đề chính trị và nhân quyền

[sửa | sửa mã nguồn]

Bóc lột nhân công

[sửa | sửa mã nguồn]

Tờ báo Pháp Libération cho biết các công nhân được trả khoảng 80 euro (86,7 đô la) mỗi ngày mà không cần khai báo chính thức, an sinh xã hội hoặc ngày nghỉ. Một số công nhân tỏ ra tức giận và không hài lòng vì họ chưa bao giờ nhận được mức lương đúng như đã đảm bảo trong hợp đồng, trong khi một số khác cho biết không có vật liệu an toàn phù hợp cho họ khi thực hiện những công việc có mức độ rủi ro cao.[48]

Buộc trục xuất các trại di cư

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào tháng 4 năm 2024, những người di cư từ một số trại tạm thời ở Paris đã bị trục xuất khỏi nhà của họ, nằm trong những gì các nhóm cứu trợ gọi là chiến dịch "thanh lọc xã hội" trước Thế vận hội Mùa hè.[49]

Bầu cử trong quá trình chuẩn bị

[sửa | sửa mã nguồn]

Một tháng trước Thế vận hội, cuộc bầu cử lập pháp Pháp đã được tổ chức vào các ngày 30 tháng 6 và 7 tháng 7 năm 2024, sau khi Tổng thống Emmanuel Macron giải tán Quốc hội và quyết định triệu tập một cuộc bầu cử sớm. Quyết định được đưa ra sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2024 tại Pháp, trong đó Đảng Quốc đại cực hữu và phe cánh tả Mặt trận Bình dân Mới đã giành được đa số phiếu bầu áp đảo.[50] Các quan chức Thế vận hội không quan tâm đến mối đe dọa tiềm tàng do một chính phủ cực hữu gây ra. Michael Payne, cựu giám đốc tiếp thị của IOC, nói với AFP rằng mức độ ủng hộ về mặt chính trị và trên khắp nước Pháp trong suốt cuộc rước đuốc đang diễn ra cho thấy "bản thân Thế vận hội sẽ không bị vướng vào bất kỳ cuộc đấu súng chính trị nào".[51][52]

Trong đại hội

[sửa | sửa mã nguồn]

Canada do thám đối thủ bằng máy bay không người lái

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào ngày 22 tháng 7, đội tuyển bóng đá nữ quốc gia New Zealand đã phát hiện một máy bay không người lái bay ngang qua buổi tập của họ tại Saint-Étienne và báo cáo vấn đề này với cảnh sát địa phương. Lực lượng an ninh sau đó đã phát hiện và bắt giữ người điều khiển máy bay là Joseph Lombardi, một chuyên gia phân tích của đội tuyển bóng đá nữ Canada. Ủy ban Olympic New Zealand (NZOC) đã báo cáo vụ việc lên IOC, trước khi công bố tình hình vào ngày hôm sau. NZOC và New Zealand Football đã đưa ra một tuyên bố chung bày tỏ sự thất vọng đối với đội tuyển Canada. Đáp lại, Ủy ban Olympic Canada (COC) đã xin lỗi NZOC và cho biết sẽ xem xét các bước tiếp theo với tất cả các cơ quan quản lý có liên quan.[53][54] COC cũng thông báo vào ngày 24 tháng 7 rằng một thành viên không được công nhận trong đoàn, người điều khiển máy bay, đã bị bắt giữ[55] và thừa nhận đã ghi hình hoạt động tập luyện của New Zealand vào ngày 19 tháng 7.[56][57] Lombardi và trợ lý huấn luyện viên Jasmine Mander ngay lập tức bị trục xuất về nước, còn huấn luyện viên Bev Priestman tuyên bố sẽ không chỉ đạo đội Canada trong trận mở màn của giải bóng đá nữ gặp New Zealand vào ngày 25 thàng 7,[53][58] và trợ lý Andy Spence sẽ đồng hành cùng đội.[59] Priestman phủ nhận tham gia vào kế hoạch do thám,[55] và COC ban đầu tiết lộ bà vẫn là huấn luyện viên trưởng;[56] sau khi có thêm thông tin được làm sáng tỏ, Priestman bị loại khỏi đội Olympic vào ngày 26 tháng 7, để lại vị trí chỉ đạo cho Spence.[60]

COC cho biết thêm New Zealand đã yêu cầu FIFA không trao điểm cho Canada trong trận đấu của họ, trong khi New Zealand Football cho biết họ đã yêu cầu "hành động khẩn cấp" từ Ủy ban kỷ luật của FIFA.[56] Vào ngày 27 tháng 7, FIFA chính thức thông báo trừ đội Canada sáu điểm trong giải đấu, phạt Canada Soccer 200.000 franc Thụy Sĩ và cấm Priestman, Lombardi và Mander tham gia mọi hoạt động bóng đá trong vòng một năm.[61]

Truyền thông hai nước ghi nhận vợ của Priestman, Emma Humphries, từng chơi cho đội tuyển New Zealand,[57] và anh trai của Mander là thành viên của Liên đoàn bóng đá New Zealand tại Thế vận hội 2024.[62] Vào khoảng nửa đêm tại Paris trong các ngày 25 và 26 tháng 7, nhà báo Canada Rick Westhead của The Sports Network đã đăng tải một bài điều tra chỉ ra rằng hoạt động do thám bằng máy bay không người lái đã trở nên phổ biến ở Canada Soccer trong vài năm trở lại.[63]

Trận đấu bóng đá nam giữa Argentina và Maroc

[sửa | sửa mã nguồn]

Trận đấu mở màn của giải bóng đá nam giữa ArgentinaMaroc đã có đến 15 phút bù giờ được cộng thêm vào cuối trận, một biện pháp gây tranh cãi nhằm tránh lãng phí thời gian thường thấy trong các giải đấu của FIFA. Khi trận đấu bước vào phút bù giờ thứ 16 – thời điểm này Maroc đang dẫn trước 2–1 – Argentina thực hiện cú sút từ rìa vòng cấm và bị thủ môn Maroc đẩy ra; và sau hai lần liên tiếp các cầu thủ Argentina dứt điểm chạm xà ngang, Cristian Medina kịp đánh đầu đưa bóng dội ngược vào khung thành, gỡ hòa cho đội bóng áo sọc trắng xanh.[64] Cho rằng thời gian đã hết và trận đấu lẽ ra phải kết thúc trước khi Argentina ghi bàn, các cổ động viên Maroc ngay lập tức bắt đầu gây náo loạn trong sân vận động. Các khán giả quá khích đã ném chai lọ, đốt pháo hoa và tràn xuống sân, khiến trận đấu phải tạm dừng để bảo vệ sự an toàn cho các cầu thủ.[65][66] Phản ứng rất tức giận cũng một phần đến từ việc người hâm mộ vốn dĩ không có thiện cảm với Argentina (đội đã bị la ó trong suốt trận đấu) vì đội tuyển quốc gia nước này đã hô vang bài hát mang tính phân biệt chủng tộc (trực tiếp nhắm đến các cầu thủ Pháp, bại tướng của Argentina tại chung kết World Cup 2022) sau khi vô địch Copa América hồi đầu tháng 7.[67]

Trận đấu được cho là đã hết giờ, với việc người hâm mộ được yêu cầu rời khỏi sân vận động và các cầu thủ cùng quan chức bước vào đường hầm, trước khi trang chủ Thế vận hội cập nhật thông tin trận đấu là "bị gián đoạn". Trọng tài chính chưa cho trận đấu kết thúc mà để VAR tiến hành kiểm tra bàn thắng của Medina và yêu cầu hai đội ngồi chờ trong phòng thay đồ. Sau một giờ rưỡi trận đấu bị tạm dừng, tỷ số đã được cập nhật để không công nhận bàn thắng của Medina vì lỗi việt vị mà không có thông tin nào khác. ESPN cho rằng công nghệ việt vị bán tự động sẽ từ chối bàn thắng gần như ngay lập tức, nhưng với việc đám đông đã làm gián đoạn trận đấu vào thời điểm đó, các trọng tài có thể đã quyết định giữ lại thông tin này để ngăn chặn khả năng khiến vấn đề về đám đông trở nên tồi tệ hơn.[64][68]

Sau gần hai tiếng, các cầu thủ được yêu cầu trở lại sân thi đấu và bàn thắng cũng chính thức bị hủy bỏ, do lỗi việt vị của một cầu thủ Argentina trước đó. Cả hai đội phải thi đấu tiếp ba phút bù giờ nữa trong tình trạng không khán giả, và cuối cùng Maroc đã giành chiến thắng chung cuộc 2–1.[64][69][70] Phía Argentina đã chỉ trích về việc trì hoãn quyết định của VAR và giữ các cầu thủ lại trong hơn hai tiếng chỉ để đá thêm vài phút bù giờ ít ỏi;[71] huấn luyện viên Javier Mascherano của đội thậm chí còn cảm thán đây là "rạp xiếc lớn nhất" mà ông từng chứng kiến.[67][72][73] Trước đó, có thông tin cho rằng cả Argentina lẫn Maroc đều không muốn tiếp tục thi đấu khi sự cố xảy ra, và đã được FIFA ủng hộ.[72]

Biểu tình ủng hộ Palestine

[sửa | sửa mã nguồn]

Các tổ chức ủng hộ Palestine đã khuyến khích các hoạt động biểu tình tại các sự kiện ngoài trời được tổ chức ở Thế vận hội.[74]

Đã có những cuộc biểu tình diễn ra tại sân vận động trước trận đấu mở màn của đội tuyển bóng đá Olympic Israel gặp Mali, mặc dù chúng được mô tả là nhỏ.[74] Một vành đai an ninh rộng lớn đã được thiết lập quanh sân vận động, với một đoàn xe an ninh hộ tống đội Israel đến sân.[75] Quốc ca của Israel đã bị la ó trong trận đấu, và ở phút thứ 10, một cuộc đã nổ ra khi các cổ động viên Israel bắt đầu có hành động lăng mạ những người mang dưa hấu bơm hơi. An ninh bên trong sân vận động đã can thiệp và ngăn cách nhóm người biểu tình ủng hộ Palestine với người hâm mộ Israel; một số người người mặc áo phông có dòng chữ "Free Palestine" (Palestine tự do) đã bị đưa ra khỏi sân vận động. Nhóm ủng hộ Palestine tiếp tục biểu tình ôn hòa trong sân vận động với lá cờ Palestined và tấm biển, mặc dù đã bị các nhân viên an ninh "đánh dấu". Các cổ động viên Israel được yêu cầu giữ bình tĩnh.[75][76]

Tại giải judo, Abderrahmane Boushita của Maroc và Nurali Emomali của Tajikistan đã từ chối bắt tay vận động viên Israel Baruch Shmailov, với việc Emomali hét lên Allah Akbar trước khi rời thảm.[77][78][79] Võ sĩ judo người Algeria Messaoud Dris đã bị cáo buộc là cố ý tránh việc thi đấu với đối thủTohar Butbul của Israel; trong đó vận động viên Algeria được cho là đã cố tình vượt cân nặng cho phép vừa đủ để không đủ điều kiện thi đấu và để tránh án phạt từ Liên đoàn Judo Quốc tế (IJF).[80][81] Hãng tin Pháp Ouest-France cho biết Dris đã được dự kiến sẽ bỏ trận đấu, dẫn đến một cuộc điều tra được tiến hành bởi cơ quan quản lý.[82][83][84]

Biểu tình của Algeria

[sửa | sửa mã nguồn]

Các thành viên của đoàn thể thao Algeria đã ném hoa hồng xuống sông Seine trong buổi lễ khai mạc để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ thảm sát Paris năm 1961, nơi có tới 200 người Algeria biểu tình đòi độc lập của đã bị lực lượng an ninh giết chết và ném xác xuống sông.[85]

Phá hoại đường sắt cao tốc Pháp

[sửa | sửa mã nguồn]
Các tuyến tàu cao tốc bị các cuộc tấn công nhắm đến

Jean-Pierre Farandou, người đứng đầu nhà điều hành đường sắt quốc gia SNCF, cho biết mạng lưới đường sắt cao tốc của họ đã hứng chịu nhiều vụ phá hoại đồng loạt, gây ra sự tê liệt đáng kể đến các dịch vụ tàu. Vụ việc xảy ra chỉ vài giờ trước lễ khai mạc Thế vận hội, được coi là sự kiện có nguy cơ cao. Các tuyến bị ảnh hưởng nằm ở các khu vực phía tây, phía bắc và phía đông của Pháp, không chỉ ảnh hưởng đến các chuyến tàu nội địa mà còn cả các dịch vụ Eurostar đi đến nước láng giềng Bỉ và đến Luân Đôn qua Đường hầm eo biển. Ước tính đã có khoảng 800.000 du khách bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công này.[86][87][88][89]

Đe dọa ném bom

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Vào ngày 24 tháng 7, một chiếc túi khả nghi đã được phát hiện gần địa điểm diễn ra trận đấu bóng đá nam giữa UzbekistanTây Ban Nha. Việc xử lý sự cố trước khi trận đấu diễn ra đã khiến một số khán giả bị giữ lại và bỏ lỡ phần đầu của trận đấu.[75]
  • Vào ngày 26 tháng 7, sân bay Basel Mulhouse nằm trên biên giới Pháp-Thụy Sĩ đã nhận được lời đe doạ đánh bom và tiến hành sơ tán và đóng cửa do những lo ngại về sự an toàn cho hành khách và nhân viên. Sau đó, sân bay được mở cửa trở lại và các chuyến bay đã được tiếp tục sau khi chính quyền Pháp kiểm tra an ninh.[90][91][92][93]
  • Cũng vào ngày 26 tháng 7, cảnh sát Pháp đã nhận được một lời đe dọa ném bom nhắm vào ga Bắc tại Paris sau khi hai gói hàng khả nghi được phát hiện trên đường tàu chỉ 6 tiếng trước buổi lễ khai mạc. Chính quyền đã ngay lập tức đóng cửa và sơ tán khẩn cấp ga tàu để bảo vệ sự an toàn cho các hành khách và nhân viên.[94][95][96]

Lễ khai mạc

[sửa | sửa mã nguồn]

Lễ khai mạc của Thế vận hội đã vấp phải hàng loạt chỉ trích và những phản hồi tiêu cực từ dư luận. Ngay khi ca sĩ Aya Nakamura được công bố là một trong những nghệ sĩ trình diễn tại buổi lễ, một số nhân vật cực hữu người Pháp đã phẫn nộ trước sự hiện diện của cô.[97][98] Theo một cuộc khảo sát của Odoxa [fr] trước sự kiện, 63% người Pháp không chấp nhận việc Nakamura biểu diễn tại Thế vận hội.[99]

Một màn trình diễn của các drag queen và DJ bị nhiều nhà bình luận chỉ trích là đã xúc phạm đến bức họa "Bữa tối cuối cùng" của Leonardo da Vinci.[100][101] Mặc dù giám đốc nghệ thuật của buổi lễ Thomas Jolly đã lên tiếng thanh minh rằng họ không có ý định xúc phạm tác phẩm của Leonardo da Vinci mà chỉ muốn truyền đi thông điệp về sự hòa nhập, đa dạng và không chia rẽ,[102] nhiều nhà quảng cáo bị thất vọng về sự việc – trong đó có công ty công nghệ Hoa Kỳ C Spire – đã tuyên bố sẽ rút việc quảng cáo của mình khỏi Thế vận hội.[103][104] Video tóm tắt những diễn biến nổi bật của buổi lễ đã bị ẩn khỏi tài khoản YouTube chính thức của Thế vận hội trong vài giờ,[105] trước khi xuất hiện trở lại với hàng loạt bình luận phẫn nộ.[106]

Trong phần diễu hành, đoàn thể thao Hàn Quốc đã được giới thiệu là "Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên" bằng cả tiếng Pháp và tiếng Anh – tên chính thức của Triều Tiên – thay vì "Đại Hàn Dân Quốc".[107][108] Jang Mi-ran, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, đã yêu cầu IOC phải đưa ra lời xin lỗi chính thức và được làm việc với Chủ tịch Thomas Bach về sự cố này.[109] Lá cờ Thế vận hội thậm chí còn bị treo ngược khi được kéo lên cho phần cử hành Bài ca chính thức của Olympic.[110]

Cáo buộc chống Israel

[sửa | sửa mã nguồn]

Cảnh sát đã mở một cuộc điều tra về các tội ác chống người Do Thái có thể đã được thực hiện trong trận đấu bóng đá nam bảng D giữa Israel và Paraguay.[111][112]

Nhầm lẫn quốc kỳ và quốc ca

[sửa | sửa mã nguồn]

Trước trận đấu bóng rổ nam giữa hai đội tuyển Nam SudanPuerto Rico, ban tổ chức đã phát quốc ca của Sudan trong phần chào cờ của đội Nam Sudan. Đoạn nhạc bị nhầm lẫn đã được tắt đi sau khoảng 20 giây, để lại sự bối rối cho các vận động viên và những tiếng la ó trên các khán đài. Phải mất ba phút sau, ban tổ chức mới phát đúng quốc ca của Nam Sudan và trận đấu được diễn ra.[113] Vận động viên Nuni Omot của Nam Sudan bức xúc cho rằng đội của họ không được tôn trọng, nhưng nói thêm rằng họ vẫn sẽ phải nỗ lực để chứng tỏ khả năng của mình; trong khi huấn luyện viên Royal Ivey của tuyển Nam Sudan bày tỏ ai cũng có thể mắc sai lầm, điều quan trọng là các cầu thủ đã thi đấu với tinh thần tự tôn dân tộc và sự đoàn kết.[114]

Tại bán kết nội dung bơi 100m ếch của nữ, bảng điện tử đã hiển thị lá cờ Trung Quốc khi kình ngư Macarena Ceballos của Argentina bước ra cho phần giới thiệu, trong khi lượt thi này không có một vận động viên Trung Quốc nào.[115] Ceballos kết thúc phần thi ở vị trí cuối cùng và không bình luận về sự cố này trong cuộc phỏng vấn sau đó. Nhiều người hâm mộ quê nhà tỏ ra phẫn nộ khi hình ảnh này được lan truyền trên mạng, cho rằng họ đã bị trả đũa cho vụ việc Enzo Fernandez hát vang bài hát phân biệt chủng tộc các cầu thủ Pháp sau khi đội tuyển bóng đá quốc gia của họ giành chức vô địch Copa America 2024.[114]

Trong lễ trao giải nội dung quyền Anh hạng nặng vào ngày 9 tháng 8, quốc kỳ của Thái Lan đã được kéo lên thay vì Tajikistan, quốc tịch của vận động viên đoạt huy chương đồng Davlat Boltaev.[116] Ủy ban Olympic Paris đã lên tiếng xin lỗi về vấn đề này.[117]

Chất lượng thức ăn tại làng vận động viên

[sửa | sửa mã nguồn]

Vận động viên từ nhiều nước, trong đó có Vương quốc Anh, đã lên tiếng phàn nàn về việc thịt sống được phục vụ tại làng Thế vận hội. Hình ảnh bữa ăn được một vận động viên Trung Quốc đăng tải trên mạng cho thấy các món ăn được chế biến sơ sài, nhiều rau và dường như không đảm bảo chất lượng.[118][119] Cùng với đó, đã có những báo cáo cho biết một số vận động viên không nhận được đủ khẩu phần ăn do thiếu hụt lương thực. Nhiều vận động viên đã bắt đầu tránh các cơ sở ăn uống tại làng Thế vận hội và tìm đến nơi khác, trong khi một số quốc gia phải gửi đầu bếp riêng và cung cấp thức ăn cho đoàn của họ.[120][121][122]

Kình ngư Adam Peaty của Vương quốc Anh đã tiết lộ rằng một số vận động viên trong làng phát hiện "có giun trong cá" trong bữa ăn của họ, và nói thêm về việc họ phải xếp hàng dài đến nửa giờ chỉ để được phục vụ đồ ăn không có đủ protein.[123][124] Phía Soxedo Live - công ty cung cấp dịch vụ ăn uống cho Thế vận hội lần này - đã lên tiếng bác bỏ những tố cáo của Peaty, cho rằng không có bằng chứng xác thực nào cho tuyên bố trên.[125]

Chỉ trích địa điểm đua xe đạp

[sửa | sửa mã nguồn]

Địa điểm tổ chức các nội dung đua xe đạp đường trường và xe đạp leo núi đã nhận nhiều lời chỉ trích từ những người tham gia. Remco Evenepoel phê phán tình trạng đường sá tại điểm bắt đầu và kết thúc địa điểm đua tính giờ: "Mặt đường khá tệ ở lúc đầu và lúc cuối. Vậy nên đó có thể là vấn đề nếu bạn thấy những điểm đen trước mắt ở những km cuối." Trong khi đó, Nino Schurter cho biết đường đua xe đạp leo núi tại Colline d'Élancourt "trơn trượt" và "khá lỏng lẻo", than thở rằng nó "lẽ ra có thể tự nhiên hơn một chút" vì "bạn có thể cảm nhận được trước đây không có xe đạp leo núi ở đây".[126]

Trận đấu quần vợt giữa Emma Navarro và Trịnh Khâm Văn

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi tay vợt Emma Navarro để thua đối thủ Trịnh Khâm Văn ở vòng 1/8, Navarro đã lớn tiếng với Trịnh Khâm Văn ở lưới trong khi bắt tay, trong khi Trịnh đáp lại "bằng một vài cái gật đầu ngắn gọn"[127] và vài cái nhún vai. Trả lời AFP, Navarro cho biết cô đã nói với Trịnh Khâm Văn rằng cô không coi Trịnh như một đối thủ cạnh tranh, nghĩ rằng đối thủ đã "làm mọi thứ theo cách khá tàn nhẫn". Nói về cuộc trao đổi ở lưới, Trịnh Khâm Văn cho biết: "Có vẻ như cô ấy không hài lòng với cách cư xử của tôi đối với cô ấy. Nếu không hài lòng về cách đối xử của tôi, cô ấy có thể đến và nói với tôi. Tôi muốn được sửa chữa để trở thành một vận động viên tốt hơn và một con người tốt hơn".[128] Bình luận của Navarro đã gây tranh cãi và nhận phải chỉ trích từ tờ báo Tây Ban Nha Marca.[129][130]

Phóng viên đạp gãy vợt bóng bàn

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào ngày 30 tháng 7, sau khi các vận động viên bóng bàn Trung Quốc Vương Sở KhâmTôn Anh Sa giành huy chương vàng ở nội dung đôi nam nữ, một phóng viên ảnh trong khi tiến hành tác nghiệp đã giẫm phải chiếc vợt của Vương Sở Khâm khiến vợt bị gãy. Ngay khi phát hiện, anh bày tỏ sự giận dữ yêu cầu lời giải thích, nhưng sau đó được huấn luyện viên Xiao Zhan ngăn cản. Vương Sở Khâm đã phải thi đấu với một cây vợt khác vào ngày hôm sau, trong trận đấu với Truls Moregard của Thụy Điển tại vòng hai nội dung đơn nam. Dư âm của sự việc ngày hôm trước đã khiến anh thua trận với tỷ số 2–4, tạo nên một trong những thất bại gây sốc nhất môn bóng bàn lần này.[131][132][133] Ban tổ chức Thế vận hội cho biết họ đã can thiệp để điều tra vụ việc và nhắc nhở các nhiếp ảnh gia phải tuân thủ các quy định hiện hành và ở trong khu vực chụp ảnh được chỉ định.[134]

Tranh cãi giới tính của nữ võ sĩ quyền Anh

[sửa | sửa mã nguồn]

Tại trận đấu quyền Anh thuộc vòng 1/8 hạng 66 kg đơn nữ, võ sĩ người Algeria Imane Khelif đã giành chiến thắng trước Angela Carini của Ý chỉ sau 46 giây thi đấu. Đáng nói, sau khi nhận một cú đấm rất mạnh vào mặt từ phía đối thủ, Carini đã xin bỏ cuộc và bật khóc trên sàn đấu; cô thừa nhận sau trận đấu rằng đã phải bỏ cuộc sớm vì bị đấm quá đau.[135] Trước đây, Imane Khelif từng gây tranh cãi về giới tính của mình khi bị loại ngay trước trận chung kết giải vô địch thế giới 2023 tại Ấn Độ do có kết quả xét nghiệm vượt nồng độ testosterone quy định; kết quả xét nghiệm DNA của cô cũng phát hiện bộ nhiễm sắc thể XY (của nam giới) tăng cao đột ngột.[136][137] Khelif sau đó đã bị Hiệp hội quyền Anh Quốc tế (IBA) cấm tham dự các giải đấu; tuy nhiên, vì IBA không có quyền tổ chức các trận đấu tại Thế vận hội Paris mà là một ban quyền Anh được thành lập riêng (PBU) với các quy định ít nghiêm ngặt hơn, cô vẫn được phép tham dự giải đấu lần này.[136][137][138] Ban tổ chức cũng tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ Imane Khelif trong suốt Thế vận hội và sẽ xử phạt thích đáng nếu phát hiện bất thường.[136]

Trục xuất và phá hủy biểu ngữ của cổ động viên Đài Loan

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào ngày 2 tháng 8, lực lượng an ninh tại một trận đấu cầu lông có sự góp mặt của đội tuyển Đài Loan đã áp chế một người đàn ông giương biểu ngữ với nội dung "Taiwan go for it" (Đài Loan cố lên). Đài Loan tham dự Thế vận hội với tên gọi Đài Bắc Trung Hoa và mọi sự hiện diện của Đài Loan đều bị cấm.[139][140][141] Cũng trong trận đấu đó, an ninh đã áp giải một cổ động viên phá hủy biểu ngữ ủng hộ Đài Loan ra ngoài, và tịch thu một chiếc khăn có dòng chữ "Đài Loan" từ một cổ động viên khác; chiếc khăn sau đó được xác định là quà lưu niệm từ Thế vận hội Tokyo 2020.[139] Taiwan News cho biết các tấm biển một lần nữa bị tịch thu ở trận chung kết, bao gồm một tấm biển có hình ảnh trà sữa trân châu nhưng không đề cập trực tiếp tới Đài Loan.[142] Trong khi đó, không có lệnh cấm nào được áp đặt với các biểu ngữ và lá cờ Trung Quốc, được xuất hiện nổi bật tại địa điểm thi đấu.[143]

Xô xát trong trận đấu bóng đá nam giữa Argentina và Pháp

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi tiếng còi mãn cuộc trận đấu bóng đá nam giữa ArgentinaPháp vang lên, một cuộc xô xát đã nổ ra giữa các cầu thủ.[144][145][146] Nguyên nhân được tờ Goal tiết lộ là do cầu thủ Pháp Enzo Millot đã tiến đến khu vực kỹ thuật của Argentina và ăn mừng khiêu khích trước mặt các cầu thủ đối phương ngay khi trận đấu vừa kết thúc, dẫn đến việc anh bị trọng tài rút thẻ đỏ.[147] Trung vệ Nicolas Otamendi của Argentina cũng lên tiếng chỉ trích một cầu thủ khác của đối thủ, Loic Bade, về việc anh ăn mừng ngay trước mặt những người thân của các cầu thủ đội mình.[148] Các cổ động viên của đội chủ nhà được ghi nhận đã la ó đội Argentina trong suốt trận đấu.[149]

Trận đấu bóng đá nam giữa Maroc và Tây Ban Nha

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào phút bù giờ trận đấu bán kết môn bóng đá giữa MarocTây Ban Nha (Tây Ban Nha đang dẫn trước 2–1), một cổ động viên Maroc đã nhảy xuống sân cướp bóng, rồi tự mình dẫn bóng và ghi bàn trước khi bị lực lượng an ninh bắt giữ và khống chế.[150][151]

Truyền hình Trung Quốc không phát sóng chung kết cầu lông đôi nam

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo Đài Á Châu Tự do, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã cắt bỏ phần phát sóng trận chung kết cầu lông nội dung đôi nam khi hai vận động viên Đài Loan Lee YangWang Chi-lin giành chiến thắng trước Lương Vĩ KhangVương Xương của Trung Quốc, do những căng thẳng chính trị giữa hai quốc gia. Lễ trao huy chương và phần ăn mừng của khán giả cũng đã bị CCTV loại bỏ ngay sau chiến thắng của cặp đôi người Đài Loan.[152]

Lỗi tính giờ đạp xe đuổi bắt đồng đội nữ

[sửa | sửa mã nguồn]

Tại vòng loại nội dung đua xe đuổi bắt đồng đội nữ vào ngày 6 tháng 8, đội tuyển Canada đã phải thực hiện thêm hai vòng đua do chuông báo hiệu vòng đua cuối cùng không vang lên. Dù vậy, toàn đội đã giành quyền bước vào vòng tiếp theo.[153]

Đô vật Ấn Độ mất huy chương vì thừa cân

[sửa | sửa mã nguồn]

Nữ đô vật Vinesh Phogat của Ấn Độ đã giành quyền vào trận chung kết vật tự do hạng cân 50 kg vào ngày 8 tháng 8, và đứng trước cơ hội trở thành vận động viên nữ đầu tiên mang về tấm huy chương vàng Olympic cho Ấn Độ. Cô đã đánh bại hạt giống hàng đầu và nhà vô địch Thế vận hội 2020 Yui Susaki của Nhật Bản ở trận mở màn, sau đó lần lượt vượt qua Oksana Livach của Ukraina ở tứ kết và đương kim vô địch Đại hội Thể thao Liên châu Mỹ 2023 Yusneylis Guzman của Cuba ở bán kết. Khi cân thử sau trận đấu với đối thủ Cuba, Phogat đã thừa 2 kg và đã nỗ lực bằng mọi cách để giảm cân nặng, bao gồm cả việc hút máu ra khỏi cơ thể.[154] Tuy nhiên, cho đến buổi kiểm tra cân nặng vào buổi sáng một ngày trước trận chung kết, cô vẫn vượt mức quy định 150 gram, dẫn đến việc không những bị truất quyền thi đấu mà còn không được trao cả huy chương bạc chung cuộc.[102][155]

Trước thông tin đô vật Ấn Độ bị loại, đối thủ Sarah Hildebrandt của Hoa Kỳ đã nhận được nhiều lời chúc mừng rằng cô đã giành huy chương vàng vật tự do nữ, và bắt đầu ăn mừng cùng ban huấn luyện và người thân dù không quá tin vào sự việc. Nhưng không lâu sau đó, Sarah đã được ban tổ chức thông báo qua điện thoại rằng cô vẫn sẽ phải tham dự trận đấu với Yusneylys Guzman, người được đôn lên tranh huy chương vàng thay cho Phogat. Mặc dù vậy, vận động viên Hoa Kỳ đã dễ dàng đánh bại Guzman với tỷ số 3–0 để đoạt tấm huy chương vàng Thế vận hội đầu tiên trong sự nghiệp.[154][156]

Hiệp hội Olympic Ấn Độ (IOA) bày tỏ sự thất vọng trước tin Vinesh Phogat bị loại khỏi chung kết và quyết định nộp đơn kháng cáo; bản thân Phogat đã bị sốc với quyết định đến mức phải nhập viện sau đó.[157][158] Dư luận và cộng đồng người hâm mộ tại quê nhà đã lên tiếng động viên và ủng hộ Phogat, trong đó Thủ tướng Narendra Modi đã ca ngợi cô là niềm tự hào của Ấn Độ.[159] Vinesh Phogat sau đó đã tuyên bố giải nghệ trong một bài viết trên trang cá nhân.[160]

Huy chương kém chất lượng

[sửa | sửa mã nguồn]

Vận động viên Hoa Kỳ Nyjah Huston đã đăng một video trên mạng xã hội Instagram ghi lại hình ảnh tấm huy chương đồng bị xỉn màu và bong tróc (đặc biệt là ở mặt sau), chỉ hơn một tuần sau khi anh giành được nó tại nội dung trượt ván đường phố cá nhân nam.[161] Huston cho biết tấm huy chương đã tiếp xúc với mồ hôi cũng như được cho bạn bè mượn đeo thử trước khi trở nên biến sắc.[162] Anh cũng chia sẻ thêm chiếc huy chương không đạt chất lượng như mong đợi, "trông thô kệch và không được trau chuốt" "như thể đã trải qua chiến tranh và trở về".[163] Một vài bình luận phản hồi cho rằng anh đã kém may mắn khi đa số vận động viên khác chưa gặp phải tình trạng tương tự. Trước thông tin này, ban tổ chức đã thông báo họ đang phối hợp với các bên liên quan để tìm hiểu nguyên nhân và sẵn sàng thay thế bất kỳ huy chương nào bị hư hỏng.[164] Trước đó, tại lễ trao huy chương nội dung bơi tiếp sức hỗn hợp 4 × 100m nam, kình ngư Tôn Gia Quân của Trung Quốc đã phát hiện tấm huy chương vàng của mình bị xước.[165][166]

Bị loại ở môn breaking

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào ngày 9 tháng 8, b-girl Manizha Talash, đại diện cho đoàn thể thao người tị nạn, đã bị loại khỏi môn breaking do cô đã mang áo choàng có dòng chữ "Free Afghan Women" (tự do cho phụ nữ Afghanistan) tại vòng sơ loại. Điều này đã vi phạm điều 50 của Hiến chương Olympic, trong đó ghi rõ cấm các vận động viên mang những thông điệp chính trị hoặc phản đối trên sân thi đấu tại Thế vận hội.[167][168]

Kiểm duyệt của Iran

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong và sau trận đấu taekwondo nữ giữa Kimia Alizadeh và Nahid Kiani, đài truyền hình nhà nước Iran IRIB đã cắt bỏ những hình ảnh của Alizadeh và lễ ăn mừng trên bục vinh quang khi AlizadehKiani ôm nhau, sau khi đã kiểm duyệt lễ khai mạc vài tuần trước đó.[169][170][171][172][173] Alizadeh đã đào tẩu khỏi Iran từ nhiều năm trước.[174][175]

Hành động của các cầu thủ khúc côn cầu trên cỏ nữ

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong trận bán kết khúc côn cầu trên cỏ nữ vào ngày 8 tháng 8 giữa Trung Quốc và Bỉ, sau tiếng còi báo hiệu kết thúc thời gian thi đấu chính thức, cầu thủ Trung Quốc Fan Yunxia trong cơn tức giận đã đánh bóng về phía cầu thủ Delphine-Daphne Marien của Bỉ; bóng đập mạnh vào chân Marien khiến cô ngã xuống đất.[176] Một số thành viên của đội tuyển Bỉ đã đối đầu với Fan và dẫn đến xô xát. Trọng tài đã rút thẻ vàng cho cả Fan và cầu thủ Bỉ Judith Vandermeiren, trong khi bình luận tại chỗ của trận đấu cho biết hành động của cô là nguy hiểm, liều lĩnh và không cần thiết. Vandermeiren phản đối với án phạt, nói rằng cô chỉ đang bảo vệ đồng đội,[177] trong khi phía Trung Quốc dường như đã chấp nhận hình phạt của Fan.[178]

Trang phục và đồ dùng của golf thủ Philippines

[sửa | sửa mã nguồn]

Hai vận động viên Philippines Bianca PagdangananDottie Ardina đã phải tham dự nội dung golf của nữ trong tình trạng thiếu trang phục và đồ dùng thi đấu chính thức, sau khi bộ trang phục và dụng cụ ban đầu do Adidas cung cấp không được IOC chấp thuận và các vật phẩm thay thế bị hải quan Pháp giữ lại. Cả hai đều được phát hiện đã phải che logo của câu lạc bộ chơi golf để tuân thủ chính sách của Thế vận hội về việc trưng bày thương hiệu không được phép.[179][180][181]

Phản ứng trước breaker Úc

[sửa | sửa mã nguồn]

Màn trình diễn của b-girl người Úc Rachael "Raygun" Gunn trong trận đấu vòng tròn với đối thủ Logan "Logistx" Edra trở thành chủ đề đàm tiếu rộng rãi trên mạng.[182][183] Gunn xếp cuối cùng trong bảng đấu của mình với tổng tỷ số 0-54 sau ba trận đấu. Trước phản ứng này, trưởng đoàn thể thao Úc Anna Meares đã lên tiếng bảo vệ Gunn, lên án những gì cô gọi là "trò đùa cợt và anh hùng bàn phím".[184]

Phán quyết trong các trận đấu

[sửa | sửa mã nguồn]

Vòng 32 đấu kiếm ba cạnh nữ

[sửa | sửa mã nguồn]

Ở vòng 32 nội dung kiếm ba cạnh nữ, kiếm thủ Trung Quốc và đương kim vô địch Olympic Tôn Di Văn đã bị loại sau khi trọng tài cho rằng đối thủ Yoshimura Miho đã chạm vào cô. Tôn nói rằng "cô ấy đã không chạm vào tôi trong lần thử cuối cùng, nhưng khi tôi yêu cầu trọng tài xem lại thì ông ấy đã làm rồi và sẽ không xem nữa", bày tỏ sự tức giận và thất vọng khi không thể thay đổi được kết quả sau khi xem lại.[185]

Tứ kết judo hạng dưới 60 kg nam

[sửa | sửa mã nguồn]

Võ sĩ judo người Nhật Bản Nagayama Ryuju đã không thể tiến tới trận tranh huy chương vàng sau một phán quyết gây tranh cãi. Đối thủ Francisco Garrigós đến từ Tây Ban Nha đã giành chiến thắng trong cuộc thi bằng ippon sau một pha kẹp cổ, nhưng đã không thả ra sau khi trọng tài gọi matte (đợi) và do đó vi phạm các quy tắc của lời gọi. Không đồng ý với quyết định của trọng tài, Nagayama nhún vai không tin và từ chối bắt tay đối thủ khiến khán giả la ó.[186] Theo Essentially Sports, cộng đồng judo đã chỉ trích Nagayama vì tinh thần thể thao tồi tệ.[187] Garrigos sau đó đã lên tiếng giải thích rằng anh chỉ tiếp tục siết cổ Nagayama vì tiếng ồn làm anh không nhận ra tín hiệu từ trọng tài, và đã thả ra sau khi phát hiện tín hiệu.[188] Vài ngày sau trận đấu, Nagayama đã đăng một bức ảnh chụp với Garrigos lên mạng xã hội và cho biết hai người đã làm hòa với nhau.[189]

Liên quan đến các vận động viên quyền Anh của Anh Quốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Các bình luận viên của BBC Sport đã bị sốc trước trận thua đầy tranh cãi của nữ võ sĩ người Anh Rosie Eccles, người đã chiến thắng trong suốt 32 trận đấu gần nhất và đối thủ của cô (Aneta Rygielska của Ba Lan) đã bị trừ một điểm và nhận cảnh cáo vì không ngẩng cao đầu.[190][191] Steve Bunce bày tỏ sự choáng váng trước những quyết định chia rẽ và việc hai trọng tài - vốn đánh giá cả hai đấu thủ ngang nhau - đã ra hiệu cho võ sĩ vi phạm Rygielska giành chiến thắng: "Tôi thực sự khó chịu. Đó là một quyết định tồi tệ."[192] Ngày hôm trước, võ sĩ nữ cũng của Anh Quốc Charley Davison đã thua trong một trận đấu có quyết định sít sao,[193] và bình luận viên Ian Darke của TNT đã tweet sau đó rằng cô "đã thắng rất rất rõ ràng" nhưng "bị cướp một cách đầy tai tiếng".[194] Một võ sĩ nam của Anh Quốc Pat Brown cũng đã để thua trong trận đầu tiên; cây viết Barney Ronay của The Guardian, khi nói về ba võ sĩ, đã nhận định "ít nhất hai trong số những quyết định của các trọng tài cần được đặt dấu hỏi."[195]

Vào ngày 29 tháng 7, võ sĩ nam người Anh Delicious Orie cũng bất ngờ thua ngay ở trận đầu tiên, dù được xếp hạt giống số 2 ở Thế vận hội và thi đấu với một đối thủ mà anh đã từng dễ dàng đánh bại tại Đại hội Thể thao châu Âu 2023. Orie không bình luận về tính công bằng của các phán quyết, và nói thêm rằng anh không nghĩ đối thủ của mình đã làm đủ để giành chiến thắng.[195] Bunce cũng bình luận các võ sĩ người Anh "đều có mục tiêu ở sau lưng" và gọi giải đấu là "một cuộc kiểm tra một chút thực tế".[191]

Chung kết đấu kiếm liễu nam

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong trận chung kết nội dung kiếm liễu nam, Trương Gia Lãng của Hồng Kông đã đánh bại Filippo Macchi của Ý với tỷ số 15-14, bảo vệ thành công danh hiệu vô địch Thế vận hội. Liên đoàn đấu kiếm Ý phản ứng với phán quyết của trọng tài là "không thể chấp nhận được" và đưa ra phản đối chính thức tới Liên đoàn Đấu kiếm Quốc tế và IOC; chủ tịch Giovanni Malagò nhấn mạnh rằng "không có môn thể thao nào mà trọng tài 'giáp sát một vận động viên'".[196] Trọng tài chính Huang Hao Chih đến từ Trung Quốc, trong khi trọng tài video Suh Sang Won đến từ Hàn Quốc.[197]

Sau phán quyết được cho là bất công, đám đông người hâm mộ Ý đã tràn vào tài khoản Instagram của Trương Gia Lãng và để lại những bình luận như "Ý đã bị cướp" và "Cheung nên 'trao huy chương lại cho Macchi'".[198]

Loại trọng tài môn lướt sóng

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi trọng tài môn lướt sóng người Úc Benjamin Lowe đăng một bức ảnh lên mạng xã hội chụp ông chụp cùng vận động viên người Úc Ethan Ewing và huấn luyện viên Bede Durbidge, Lowe đã bị Hiệp hội Lướt sóng Quốc tế loại khỏi danh sách trọng tài vào ngày 1 tháng 8.[199]

Tranh cãi bắn trượt nội dung bắn đĩa bay skeet

[sửa | sửa mã nguồn]

Trận chung kết bắn đĩa bay skeet nữ kết thúc với tỷ số hòa giữa các tay súng và bước vào loạt bắn shoot-off. Ở một trong số các lần bắn, Amber Rutter đã bắn trúng mục tiêu nhưng kết quả lại tính cô đã bắn trượt. Rutter đã dùng quyền challenge để khiếu nại, nhưng các trọng tài đã không xem xét đoạn phát lại chuyển động chậm (trong đó cho thấy cô đã thực sự bắn trúng mục tiêu) và tiếp tục tính là trượt, khiến Rutter thua trong loạt shoot-off và giành huy chương bạc chung cuộc.[200]

Kháng cáo điểm số nội dung thể dục nghệ thuật nữ

[sửa | sửa mã nguồn]

Tại chung kết thể dục nghệ thuật nội dung biểu diễn trên sàn của nữ, các vận động viên Ana Maria BarbosuSabrina Maneca-Voinea của România ban đầu xếp vị trí thứ ba, ngay trước Jordan Chiles của Hoa Kỳ, trong đó Barbosu nghĩ rằng cô đã nắm chắc tấm huy chương đồng nhờ một động tác đạt điểm số cao mà cô đã thực hiện. Huấn luyện viên của Chiles', Cécile Canqueteau-Landi, đã yêu cầu xem xét lại điểm số của Chiles, và đã phát hiện ra rằng điểm độ khó của cô đã không được nhập chính xác. Nó sau đó đã được điều chỉnh từ 5,8 thành 5,9 và tổng điểm được nâng lên 13,766, đưa cô từ vị trí thứ năm lên vị trí giành huy chương đồng.[201] Mặc dù các khiếu nại về điểm số không phải là hiếm trong thể dục dụng cụ,[202] một cuộc tranh cãi khác đã nổ ra khi có thông tin tiết lộ rằng Voinea đã bị trừ 0,1 điểm vì ra khỏi giới hạn. Đoạn quay lại cho thấy Voinea có thể đã không ra khỏi giới hạn; và nếu bị không trừ điểm, Voinea sẽ đạt 13,800 điểm, giúp cô giành được huy chương đồng ngay cả khi điểm của Chiles tăng lên.[203]

Cựu vận động viên thể dục dụng cụ Olympic người România Nadia Comăneci và chủ tịch Ủy ban Thể thao và Olympic nước này Mihai Covaliu đã yêu cầu Morinari Watanabe, chủ tịch Liên đoàn Thể dục dụng cụ Quốc tế, được phép phân tích lại bài thi của Voinea.[203][204] Thủ tướng România Marcel Ciolacu tuyên bố sẽ tẩy chay lễ bế mạc do "tình hình tai tiếng trong bộ môn thể dục dụng cụ, nơi các vận động viên [România] đã bị đối xử theo cách hoàn toàn vô danh dự".[203][205]

Vào ngày 10 tháng 8, năm ngày sau sự kiện, IOC thông báo tước huy chương đồng của Chiles để trao lại cho Barbosu. Tòa án Trọng tài Thể thao phán quyết rằng khiếu nại về điểm số của Chiles đã được nộp bốn giây sau khi đã hết thời gian một phút để nộp đơn kháng cáo. Do đó, phía Hoa Kỳ đã khiếu nại sai luật và số điểm ứng với vị trí thứ năm ban đầu của Chiles đã được khôi phục.[206][207]

Hành vi sai phạm của các vận động viên

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào ngày 26 tháng 7, kình ngư Ana Carolina Vieira đã trốn khỏi làng vận động viên để hẹn hò cùng bạn trai Gabriel Santos ngay trong đêm, sau khi cả hai cùng tuyển Brasil thi đấu không thành công ở nội dung 4 × 100m tiếp sức tự do. Khi sự việc bị Ủy ban Olympic Brasil (BOC) phát hiện qua mạng xã hội, Vieira thậm chí đã lăng mạ các quan chức thể thao nước này. Kết quả là cả Vieira và Santos đều bị buộc phải rời khỏi Thế vận hội ngay ngày hôm sau.[208][209]

Vào ngày 5 tháng 8, có thông tin cho rằng kình ngư người Paraguay Luana Alonso đã bị yêu cầu trục xuất khỏi làng Thế vận hội sau khi đã tạo ra "bầu không khí không phù hợp" theo lời của một quan chức thể thao nước này.[210] Tuy nhiên, Alonso đã lên tiếng phủ nhận việc này và cho biết cô tự ý rời khỏi làng là vì ý muốn cá nhân.[211][212]

Vào ngày 7 tháng 8, vận động viên khúc côn cầu trên cỏ người Úc Tom Craig đã bị cảnh sát bắt giữ sau khi anh bị phát hiện đang mua chất cấm cocaine từ một người buôn bán vị thành niên trên đường phố.[213] Craig sau đó được trả tự do mà không bị buộc tội, nhưng đã bị tước tất cả các đặc quyền còn lại tại Thế vận hội và phải bỏ lỡ lễ bế mạc.[214][215]

Vào ngày 8 tháng 8, đô vật người Ấn Độ Antim Panghal đã bị đuổi khỏi làng Olympic sau khi người chị gái của cô cố gắng đột nhập vào làng bằng thẻ thi đấu của cô.[216] Đáp lại, Hiệp hội Olympic Ấn Độ thông báo rút Antim Panghal và đội ngũ hỗ trợ của cô trở về nước.[217]

Vào ngày 9 tháng 8, đô vật người Ai Cập Mohamed Ibrahim El-Sayed đã bị cảnh sát Pháp bắt giữ vì cáo buộc sờ mó một phụ nữ tại một quán cà phê ở Paris.[218][219]

Tranh cãi khác

[sửa | sửa mã nguồn]

Gian hàng Ả Rập Xê Út ở Les Invalides

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhiều NOC đã xây dựng "làng Olympic", giống như các gian hàng triển lãm, ở thành phố đăng cai để làm nơi quảng bá quốc gia và để người hâm mộ nước họ tụ tập. Ủy ban Olympic Ả Rập Xê Út muốn xây dựng một ngôi làng Olympic tại điện Invalides, một khu phức hợp quân sự lịch sử và là nơi có lăng mộ của Napoléon; điều này đã gây ra sự chỉ trích ở Pháp. Bộ Lực lượng Vũ trang đã tổ chức các cuộc thảo luận với Ả Rập Xê Út, gây ra sự kinh ngạc trong chính phủ, với lời khẳng định của một chính trị gia người Pháp rằng địa điểm này "không phải để bán". Ả Rập Xê Út được cho là muốn giành vị trí để tạo cho mình sự nổi bật tại Thế vận hội, như một phần trong chính sách rộng lớn hơn nhằm cải thiện hình ảnh quốc tế của mình thông qua thể thao. Trong khi Bộ Lực lượng Vũ trang đàm phán về việc sử dụng địa điểm này với Ả Rập Xê Út, họ muốn đặt ra những điều kiện rất nghiêm ngặt nhưng phía Ả Rập Xê Út không đồng ý, và Pháp cũng từ chối cho phép họ sử dụng Les Invalides.[220][221][222]

Điều tra cáo buộc hành vi tình dục sai trái của Bruce Mwape

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2022, một cuộc điều tra về cáo buộc tấn công tình dục của Bruce Mwape, huấn luyện viên đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Zambia, đã được tiến hành; cuộc điều tra vẫn tiếp diễn vào thời điểm diễn ra Thế vận hội 2024, với thêm các báo cáo về hành vi sai trái đối với các cầu thủ và nhân viên nữ trong thời gian diễn ra Giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2023.[223] Phía IOC cho biết họ "sẽ theo dõi chặt chẽ kết quả của vụ việc này để xem xét nếu có liên quan đến Thế vận hội".[224][225] Mwape đã phải rất khó khăn để xin được thị thực du lịch vì những người bị cáo buộc phạm tội tình dục không được cấp thị thực theo luật pháp Pháp, nhưng cuối cùng ông đã được cấp, với những điều kiện nghiêm ngặt bao gồm việc không được tiếp xúc riêng tư với các cầu thủ. Thị thực được cấp sau khi Hiệp hội bóng đá Zambia thông báo với các quan chức Pháp rằng họ không có đủ thời gian để thay thế huấn luyện viên và đã đồng ý một kế hoạch bảo vệ với IOC và FIFA.[225]

Chiến dịch quảng bá của Adidas

[sửa | sửa mã nguồn]

Để quảng bá cho Thế vận hội lần này, Adidas đã ra mắt các sản phẩm mới dựa trên các Thế vận hội trước, bao gồm giày "SL72" lấy cảm hứng từ Thế vận hội Mùa hè 1972 ở Munich. Chiến dịch tiếp thị của họ có sự góp mặt của người mẫu Bella Hadid, người mang nửa dòng máu Palestine và từng lên tiếng ủng hộ Palestine. Israel, thông qua tài khoản X/Twitter chính thức đã chỉ trích sự xuất hiện của Hadid trong chiến dịch của Adidas bởi Thế vận hội năm 1972 là nơi đã xảy ra vụ thảm sát của một nhóm người Palestine khiến một số thành viên của đoàn Israel thiệt mạng. Adidas đã xóa quảng cáo có hình Hadid, nói rằng họ không đề cập đến vụ thảm sát trong chiến dịch và gửi lời xin lỗi Hadid sau khi cô thuê một luật sư liên quan đến cuộc tranh cãi.[226][227][228][229]

Phân biệt giới tính trong báo chí thể thao

[sửa | sửa mã nguồn]

Một số nhà báo đã bị chỉ trích vì những bình luận về các vận động viên nữ trong Thế vận hội. Một sự cố liên quan đến Bob Ballard của Eurosport với lời bình: "Bạn biết phụ nữ như thế nào rồi đấy... loanh quanh, trang điểm" sau khi Shayna Jack, Mollie O'Callaghan, Emma MckeonMeg Harris giành chiến thắng ở nội dung tiếp sức tự do 4 × 100m.[230] Ballard đã bị cách chức sau đó, và đăng trên mạng xã hội rằng ông không có ý định xúc phạm.[230] Một sự cố khác liên quan đến một bình luận viên giới thiệu một vận động viên quần vợt bằng câu nói "cô ấy làm mọi thứ: rửa bát, nấu ăn, lau dọn".[231] Olympic Broadcasting Services cũng nhắc nhở các nhà quay phim không được ghi hình phụ nữ theo cách khác với cách mà họ ghi hình nam giới.[232]

Truyền hình Việt Nam mua bản quyền phát sóng vào những ngày cuối

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào tối ngày 8 tháng 8, truyền thông Việt Nam đưa tin đài truyền hình quốc gia nước này (VTV) đã có bản quyền phát sóng Thế vận hội Mùa hè 2024 trong năm ngày cuối cùng của đại hội (8–12 tháng 8), ngay sau khi tất cả các vận động viên Việt Nam đều đã bị loại và đoàn thể thao Việt Nam hết cơ hội giành huy chương tại Thế vận hội. Điều này đã gây nên sự ngỡ ngàng và thất vọng cho khán giả trong nước, những người mong muốn được theo dõi trực tiếp và trọn vẹn sự kiện ngay từ những ngày đầu tiên. Trong bối cảnh sự quan tâm và kỳ vọng cho đại hội tại đây đã giảm đi đáng kể và ngày càng ít nội dung thi đấu đáng chú ý còn lại, động thái của VTV cũng không nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả, nhất là khi họ đã quen xem các môn thi tại Thế vận hội thông qua những trang mạng không chính thống từ nhiều ngày trước.[233][234][235] Trước đó, Việt Nam cùng với Lào là hai quốc gia trong khu vực Đông Nam Á chưa sở hữu bản quyền truyền hình Thế vận hội Paris;[236] có thông tin cho rằng mức giá được chào bán cho các đơn vị trong nước lên đến vài trăm tỷ đồng, nhưng không cao hơn so với các sự kiện được quan tâm hàng đầu như UEFA Euro hay FIFA World Cup.[237]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Ingle, Sean (20 tháng 7 năm 2024). “Liberté, egalité ... fraternité? Conflict looms large as Paris welcomes world to Olympics”. The Guardian (bằng tiếng Anh). ISSN 0261-3077. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2024.
  2. ^ Bull, Andy (24 tháng 7 năm 2024). “After Tokyo's Covid Olympics, Paris has been reframed as the Conflict Games”. The Guardian (bằng tiếng Anh). ISSN 0261-3077. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
  3. ^ a b Ataman, Joseph; Bairin, Pierre (6 tháng 3 năm 2024). “Paris 2024: Olympic Opening Ceremony capacity slashed in half to ensure security”. CNN (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2024.
  4. ^ a b “Paris won't allow tourists free access to the Olympics opening ceremony along the Seine River”. AP News (bằng tiếng Anh). 5 tháng 3 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2024.
  5. ^ Muñana, Gustavo (4 tháng 2 năm 2024). “Fewer fans allowed at Paris opening ceremony”. Inside the Games. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 19 tháng 2 năm 2024.
  6. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên :152
  7. ^ “President's intervention keeps Paris' riverside bookstalls in place for the Olympics”. AP News (bằng tiếng Anh). 13 tháng 2 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2024.
  8. ^ Chrisafis, Angelique (28 tháng 3 năm 2024). “France assesses Paris Olympics terrorist threat in light of Moscow attack”. The Guardian (bằng tiếng Anh). ISSN 0261-3077. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2024.
  9. ^ Stargardter, Gabriel; Jabkhiro, Juliette (19 tháng 7 năm 2024). “France races to head off ISIS-K threat to Paris Olympics”. Reuters. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 7 năm 2024.
  10. ^ “Plan to attack soccer events during Paris Olympics foiled, French authorities say - CBS News”. www.cbsnews.com (bằng tiếng Anh). 31 tháng 5 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2024.
  11. ^ “Terror attacks headline threats to upcoming Paris Olympics”. Voice of America (bằng tiếng Anh). 4 tháng 6 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2024.
  12. ^ “Fake video of threat to Olympic Games appears to be from Russia, researchers say”. NBC News (bằng tiếng Anh). 24 tháng 7 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2024.
  13. ^ “Russian arrested for plan to destabilize Olympics”. ESPN.com (bằng tiếng Anh). 24 tháng 7 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2024.
  14. ^ Boffey, Daniel (24 tháng 7 năm 2024). “Russian chef arrested in Paris over alleged 'large scale' Olympic Games plot”. The Guardian (bằng tiếng Anh). ISSN 0261-3077. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2024.
  15. ^ “The secret life of Agent Griaznov, the Russian spy suspected of trying to 'destabilize' the Paris Olympics”. Le Monde. 25 tháng 7 năm 2024.
  16. ^ Abboud, Leila; White, Sarah (20 tháng 12 năm 2023). 'Magical' Olympics will be worth the disruption, promises Paris 2024 chief”. Financial Times. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 12 năm 2023. Truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2023.
  17. ^ a b Allen, Peter (23 tháng 7 năm 2024). “Watch: Paris Olympics dancers stage protest – and they're threatening to ruin opening ceremony”. The Telegraph (bằng tiếng Anh). ISSN 0307-1235. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
  18. ^ “Paris airport staff call off pre-Olympics strike after reaching deal”. France 24 (bằng tiếng Anh). 16 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
  19. ^ “Paris Olympics opening ceremony dancers call off strike after reaching pay deal, union says”. France 24 (bằng tiếng Anh). 24 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
  20. ^ Ames, Nick (25 tháng 7 năm 2024). “Olympic breakfast off the menu? Staff at IOC's luxury Paris hotel go on strike”. The Guardian (bằng tiếng Anh). ISSN 0261-3077. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
  21. ^ “Activists slam France hijab ban: "Sports should be inclusive". Inside the Games. 15 tháng 6 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2024.
  22. ^ a b Kassam, Ashifa (25 tháng 7 năm 2024). “French athlete may swap hijab for a cap to avoid Olympic opening ceremony ban”. The Guardian (bằng tiếng Anh). ISSN 0261-3077. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2024.
  23. ^ “China-made Paris Olympics mascots fuel criticism in France”. AP News. 17 tháng 11 năm 2022. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2024.
  24. ^ 'Wokism' row overshadows launch of Paris Olympics poster”. France 24 (bằng tiếng Anh). 5 tháng 3 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2024.
  25. ^ McNamee, Michael Sheils (6 tháng 3 năm 2024). “Paris Olympics: Row over 'woke' map as Paris gears up for games”. BBC News. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2024.
  26. ^ a b Murray, Ewan (30 tháng 7 năm 2024). “Olympic swimmers wear masks as concerns over Covid rise across camps”. The Guardian (bằng tiếng Anh). ISSN 0261-3077. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2024.
  27. ^ “5 Aussie women's water polo players have COVID”. ESPN.com (bằng tiếng Anh). 24 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2024.
  28. ^ Ingle, Sean (29 tháng 7 năm 2024). “Adam Peaty's Olympic relay hopes suffer blow after positive Covid test”. The Guardian. ISSN 0261-3077. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2024.
  29. ^ Pender, Kieran (30 tháng 7 năm 2024). “Australian swimming camp hit by Covid as medal hope Lani Pallister tests positive”. The Guardian (bằng tiếng Anh). ISSN 0261-3077. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.
  30. ^ “Olympics sees 40-plus cases of Covid and respiratory disease: WHO”.
  31. ^ “What Are COVID-19 Protocols at the Olympics in Paris?”.
  32. ^ “COVID-Positive Olympic Athletes Are Still Competing”. Scientific American.
  33. ^ Menocal Pareja, Marcos (21 tháng 7 năm 2024). “France recalls Olympic water bottles due to contamination”. Inside the Games. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 7 năm 2024.
  34. ^ “France recalls contaminated Olympic-branded water bottles”. BBC News (bằng tiếng Anh). 20 tháng 7 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2024.
  35. ^ Lawton, Matt; Ziegler, Martyn (24 tháng 7 năm 2023). “Paris 2024: Team GB to use emergency app for 'severe' terror threat”. The Times (bằng tiếng Anh). ISSN 0140-0460. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2023.
  36. ^ Moity, Steven (29 tháng 11 năm 2023). “A Subway Ride at the Paris Olympics Could Cost You Almost Double”. The New York Times (bằng tiếng Anh). ISSN 0362-4331. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 12 năm 2023. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2023.
  37. ^ “Thief who stole bag with Paris Olympics security plans jailed for seven months”. France 24. 2 tháng 3 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2024.
  38. ^ Pretot, Julien; Vidalon, Dominique; Henault, Blandine (19 tháng 10 năm 2023). Overstraeten, Benoit Van (biên tập). “Paris 2024 Olympics headquarters, event management firms raided”. Reuters (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 26 tháng 10 năm 2023.
  39. ^ Muñana, Gustavo (14 tháng 11 năm 2023). “France denounces a smear campaign against the Paris Olympics from Azerbaijan”. Inside the Games. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 12 năm 2023. Truy cập ngày 19 tháng 2 năm 2024.
  40. ^ “Exclusive: Azerbaijani Officials Targeted France With New Caledonia Disinformation Campaign”. Radio Free Europe/Radio Liberty. 6 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2024. At the time of the military campaign, France had repeatedly criticized Azerbaijani authorities over the blocking of the Lachin Corridor, the key road that linked Armenia...According to the Viginum report, the campaign featured images of riots, the city of Paris, and the logo of the Olympic Games, under two hashtags, #PARIS2024 and #BOYCOTTPARIS2024.
  41. ^ “Russian disinformation campaign targets Paris Games, Microsoft says”. 3 tháng 6 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2024.
  42. ^ Rimmer, Michelle (23 tháng 7 năm 2024). “Police investigate alleged gang rape of Australian woman in Paris”. ABC News AU. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2024.
  43. ^ Sharma, Shweta (24 tháng 7 năm 2024). “Australian tourist's complaint of gang-rape fuels safety concerns ahead of 2024 Paris Olympics”. The Independent. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2024.
  44. ^ Robson, James (26 tháng 7 năm 2024). “Argentina soccer says its Olympic training base was robbed before chaotic game vs Morocco”. Associated Press. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
  45. ^ Butler, Alex (19 tháng 7 năm 2024). “Cyber outage impacts Paris Olympics accreditation, uniform deliveries”. United Press International (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2024.
  46. ^ “Massive worldwide IT outage could take some time to fix, cybersecurity boss says”. BBC News. 19 tháng 7 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2024.
  47. ^ “Global cyber outage hits Olympics preparations”. ESPN.com (bằng tiếng Anh). 19 tháng 7 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2024.
  48. ^ Donmez, Umit (23 tháng 1 năm 2023). “Migrant workers' distress grows ahead of 2024 Paris Olympics”. Anadolu Agency. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2023.
  49. ^ Le Deley, Jade; Garriga, Nicolas (23 tháng 4 năm 2024). “Police clear out migrant camp in Paris. Activists say it's a pre-Olympics sweep”. ABC News. Associated Press. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2024.
  50. ^ Pareja, Marcos Menocal (27 tháng 6 năm 2024). “Paris Mayor Anne Hidalgo: 'Elections could ruin the party'. Inside the Games. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2024.
  51. ^ “French snap-election call 'extremely unsettling' ahead of Olympics, Paris mayor says”. France 24. 10 tháng 6 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2024.
  52. ^ “Paris Olympics organisers hope for peaceful reaction to French election”. France 24. 2 tháng 7 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 7 năm 2024.
  53. ^ a b “Olympic spying claim: New Zealand report Canada for flying drone over football training”. The Guardian (bằng tiếng Anh). Reuters. 24 tháng 7 năm 2024. ISSN 0261-3077. Truy cập ngày 25 tháng 7 năm 2024.
  54. ^ Linehan, Meg. “Canada's Olympic Committee apologizes after alleged spying attempt”. The New York Times (bằng tiếng Anh). ISSN 0362-4331. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2024.
  55. ^ a b Cecco, Leyland (24 tháng 7 năm 2024). “Canada 'shocked' after spying scandal hits Olympic women's football champions”. The Guardian (bằng tiếng Anh). ISSN 0261-3077. Truy cập ngày 25 tháng 7 năm 2024.
  56. ^ a b c Puleo, Mark; Linehan, Meg. “Canada's Olympic soccer spying scandal explained: Who's involved, what's next and more”. The New York Times (bằng tiếng Anh). ISSN 0362-4331. Truy cập ngày 25 tháng 7 năm 2024.
  57. ^ a b “Canada analyst gets suspended jail sentence over NZ drone scandal”. 1News (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 25 tháng 7 năm 2024.
  58. ^ “Canadian coaches kicked out of Oly for spy drone”. ESPN.com (bằng tiếng Anh). 24 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2024.
  59. ^ Hồng Duy (28 tháng 7 năm 2024). “Canada bị trừ 6 điểm vì dùng drone do thám đối thủ tại Olympic”. VnExpress. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2024.
  60. ^ “Paris 2024: Canada suspend Beverly Priestman over drone incident”. BBC Sport (bằng tiếng Anh). 26 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2024.
  61. ^ Dunbar, Graham (27 tháng 7 năm 2024). “Drone-spying scandal: FIFA strips Canada of 6 points in Olympic women's soccer, bans coaches 1 year”. Associated Press. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2024.
  62. ^ “Canadian staff sent home from Olympics have long history”. National Post. 24 tháng 7 năm 2024.
  63. ^ Westhead, Rick (25 tháng 7 năm 2024). “Canada's men's and women's soccer teams have relied on drones and spying for years, sources say”. TSN (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2024.
  64. ^ a b c “Why it took two hours for VAR to disallow Argentina's dramatic goal at Olympics”. ESPN.com (bằng tiếng Anh). 24 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 25 tháng 7 năm 2024.
  65. ^ “2024 Paris Olympics chaos: Argentina lose to Morocco after last-minute equalizer disallowed after hour delay”. CBS News (bằng tiếng Anh). 24 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 25 tháng 7 năm 2024.
  66. ^ “Video: Argentina vs Morocco suspended as fans storm field at Paris 2024 Olympics”. BolaVIP (bằng tiếng Anh). 24 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 25 tháng 7 năm 2024.
  67. ^ a b sport, Guardian (24 tháng 7 năm 2024). “Argentina v Morocco at Olympics mired in chaos following pitch invasion”. The Guardian (bằng tiếng Anh). ISSN 0261-3077. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
  68. ^ “Vì sao trận đấu của U23 Argentina tại Olympic 2024 tạm hoãn gần 2 tiếng?”. laodong.vn. 25 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.
  69. ^ “Argentina v Morocco at Olympics mired in chaos following pitch invasion”. The Guardian (bằng tiếng Anh). 24 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 25 tháng 7 năm 2024.
  70. ^ “Morocco beat Argentina in game marred by crowd trouble”. BBC Sport (bằng tiếng Anh). 24 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 25 tháng 7 năm 2024.
  71. ^ McVeigh, Niall (25 tháng 7 năm 2024). “Argentina, Morocco and 'the biggest circus ever seen'. The Guardian (bằng tiếng Anh). ISSN 0261-3077. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
  72. ^ a b “Scandal lịch sử ở Olympic 2024: VAR hủy bàn thắng sau 2 tiếng đồng hồ, U23 Argentina thua tức tưởi”. Báo điện tử Tiền Phong. 25 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.
  73. ^ VTV, BAO DIEN TU (27 tháng 7 năm 2024). “Nhìn lại sự cố hi hữu "có một không hai" trong trận Olympic Argentina - Morocco”. BAO DIEN TU VTV. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.
  74. ^ a b Boffey, Daniel (25 tháng 7 năm 2024). “Pro-Palestinian athletes could show 'solidarity' in Olympics opening ceremony”. The Guardian (bằng tiếng Anh). ISSN 0261-3077. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
  75. ^ a b c Boffey, Daniel (24 tháng 7 năm 2024). “Israeli national anthem booed at Parc des Princes but no major disruption”. The Guardian (bằng tiếng Anh). ISSN 0261-3077. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
  76. ^ Green, Sam; Bagchi, Rob; Morgan, Tom (24 tháng 7 năm 2024). “Police defuse scuffles in crowd during Israel's first outing at Paris Olympics”. The Telegraph (bằng tiếng Anh). ISSN 0307-1235. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
  77. ^ “Moroccan Judoka refuses Israeli handshake”. aussiedlerbote.de (bằng tiếng Anh). 28 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2024.
  78. ^ Grossman, Hannah (28 tháng 7 năm 2024). “Tajikistan Olympian refuses to shake Israeli athlete's hand, yells 'Allah Akbar' during Judo competition”. Fox News (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2024.
  79. ^ “Judo athlete cops instant karma after Paris Olympics handshake snub”. News.com.au.
  80. ^ baogiaothong.vn. “Tự loại mình khỏi Olympic 2024, võ sĩ judo nguy cơ nhận án phạt cực nặng”. Báo Giao thông. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2024.
  81. ^ Hồng Duy (29 tháng 7 năm 2024). “Võ sĩ judo tẩy chay đối thủ Israel ở Olympic Paris 2024”. VnExpress. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2024.
  82. ^ “Paris 2024: Algerian judoka disqualified before facing Israeli opponent at Olympic Games”. BBC Sport (bằng tiếng Anh). 28 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.
  83. ^ “Judo governing body to investigate Algerian who missed weight before Olympic bout against Israeli”. AP News (bằng tiếng Anh). 28 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.
  84. ^ “Algeria's judoka Olympic competitor accused of avoiding competing with Israel”. The Jerusalem Post | JPost.com (bằng tiếng Anh). 29 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.
  85. ^ Presse, AFP-Agence France. “Algeria Olympic Delegation Pays Rose Tribute To 'Massacre' Victims”. www.barrons.com (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
  86. ^ TOI World Desk (26 tháng 7 năm 2024). “Several French train lines hit by malicious acts disrupting traffic ahead of Olympics”. Times of India (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
  87. ^ Vidalon, Dominique (26 tháng 7 năm 2024). “Arson attacks hit France's train network hours before Olympic ceremony”. Reuters (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
  88. ^ Tessier, Benoît (26 tháng 7 năm 2024). “French rail network hit by arson attacks before Olympics opening ceremony”. The Guardian (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
  89. ^ ROSSIGNOL, PASCAL (26 tháng 7 năm 2024). 'Massive attack' on fast train network”. Deutsche Welle (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
  90. ^ SALISBURY, Josh (26 tháng 7 năm 2024). “Basel-Mulhouse airport at French-Swiss border evacuated due to bomb alert”. The standard (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
  91. ^ Hong Kong, Dimsumdaily (26 tháng 7 năm 2024). “Bomb threat sparks evacuation of Basel-Mulhouse Airport in France on Olympics eve”. The standard (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
  92. ^ Lynch, Benjamin (26 tháng 7 năm 2024). “French airport evacuated for 'security reasons' after arson attack on rail network”. The mirror (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
  93. ^ PENTY, SABRINA (26 tháng 7 năm 2024). “train lines paralysed”. The dailymail (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
  94. ^ Scars, Alice (26 tháng 7 năm 2024). “Gare du Nord chaos as bomb threat sparks train station evacuation”. The express (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
  95. ^ Riservata, Riproduzione (26 tháng 7 năm 2024). “Bomb alert in Paris: Gare du Nord evacuated”. The unionesarda (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
  96. ^ Levy, Samuel (26 tháng 7 năm 2024). “Major train station in Paris 'evacuated' amid a 'bomb threat'. The londonlovesbusiness (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
  97. ^ “L'extrême droite est bien la seule à ne pas apprécier la cérémonie d'ouverture des JO”. Le HuffPost (bằng tiếng Pháp). 26 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
  98. ^ Leicester, John (27 tháng 7 năm 2024). “Paris' Olympics opening was wacky and wonderful — and upset bishops. Here's why”. AP News. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2024.
  99. ^ Fourny, Marc (12 tháng 3 năm 2024). “Aya Nakamura pour chanter aux JO : ce qu'en pensent les Français” [Aya Nakamura to sing at the Olympics: what French people think]. Le Point (bằng tiếng Pháp). Truy cập ngày 8 tháng 6 năm 2024.
  100. ^ VTV, BAO DIEN TU (30 tháng 7 năm 2024). “BTC Olympic Paris lên tiếng xin lỗi sau làn sóng chỉ trích tiết mục trong lễ khai mạc”. BAO DIEN TU VTV. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.
  101. ^ Zhuang, Yan (28 tháng 7 năm 2024). “An Olympics Scene Draws Scorn. Did It Really Parody 'The Last Supper'?”. The New York Times. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2024.
  102. ^ a b H. Long (12 tháng 8 năm 2024). “Top 5 vụ bê bối gây tranh cãi lớn ở Olympic 2024”. Báo điện tử Dân Trí. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2024.
  103. ^ News, V. T. C. (28 tháng 7 năm 2024). “Olympic Paris 2024 đầy 'sạn', ban tổ chức bị chỉ trích”. Báo điện tử VTC News. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.
  104. ^ NLD.COM.VN. “Thảm họa Olympic Paris 2024”. Báo Người Lao Động Online. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.
  105. ^ “Video lễ khai mạc Olympic Paris bị xóa sổ”. Báo điện tử Tiền Phong. 28 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.
  106. ^ “Chuyện gì đã xảy ra với Olympic Paris 2024”. Znews.vn. 29 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.
  107. ^ “(2nd LD) (Olympics) 'Games Wide Open': 33rd Summer Olympic Games kick off in Paris”. Yonhap News Agency. 27 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2024. As the boat carrying the delegation came into view, the French-speaking announcer said, "Republique populaire democratique de Coree," and the English-speaking announcer followed with "Democratic People's Republic of Korea," the official designation of North Korea.
  108. ^ "대한민국이 북조선인민공화국(DPRK)이라고?" 초황당 파리올림픽 개회식→문체부X체육회 적극 대응[파리live]”. Sports Chosun (bằng tiếng Hàn). 27 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2024. 대한민국을 DPRK로 소개한 장내 아나운서의 치명적인 실수에 새벽 TV로 개회식을 지켜보던 국민들이 경악했다. 남성 아나운서가 한국을 프랑스어로 'Republique populaire democratique de coree'로 소개한 후 여성 아나운서가 영어로 'Democratic People's Republic of Korea'라고 반복해 소개했다.
  109. ^ “(Olympics) S. Korea demands meeting with IOC chief over opening ceremony gaffe”. Yonhap News Agency. 27 tháng 7 năm 2024.
  110. ^ Braidwood, Jamie (26 tháng 7 năm 2024). “Olympic flag raised upside down at end of rain-soaked opening ceremony”. The Independent (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2024.
  111. ^ “Investigation into alleged antisemitism at Olympic football match”. BBC. 31 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2024.
  112. ^ Liakos, Chris (30 tháng 7 năm 2024). “French officials investigating antisemitism at Olympic soccer match”. CNN. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2024.
  113. ^ Thành An (29 tháng 7 năm 2024). “Ban tổ chức Olympic 2024 phát sai quốc ca của đội bóng rổ Nam Sudan”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.
  114. ^ a b Trung Thu (29 tháng 7 năm 2024). “Ban tổ chức Olympic 2024 phát sai quốc ca, hiện nhầm quốc kỳ”. VnExpress. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.
  115. ^ Trí, Dân (29 tháng 7 năm 2024). “Olympic 2024: VĐV Israel bị dọa giết, ban tổ chức phát nhầm quốc ca”. Báo điện tử Dân Trí. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.
  116. ^ “Olympians baffled as Thai flag raised without Thai athlete”. Bangkok Post (bằng tiếng Anh). 10 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  117. ^ “Paris 2024 statement regarding the medal ceremony of the men's 92 KG boxing co”. Truy cập 1 tháng 9 năm 2024.
  118. ^ Thương, Báo Công (28 tháng 7 năm 2024). “Thất vọng về chất lượng bữa ăn tại Olympic Paris 2024”. Báo Công Thương điện tử, kinh tế, chính trị, xã hội. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2024.
  119. ^ Trí, Dân (29 tháng 7 năm 2024). “VĐV than trời vì đói ăn, cơm thiếu thịt tại Olympic”. Báo điện tử Dân Trí. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2024.
  120. ^ MUSCHI, CHRISTINNE (27 tháng 7 năm 2024). 'Raw meat': British team hits out at Olympic Village food”. lemonde (bằng tiếng Anh).
  121. ^ Pasifika, Moana (27 tháng 7 năm 2024). “Great Britain snub Paris Olympic Village food after complaints of raw meat”. nzherald.
  122. ^ “Great Britain calls in emergency chef at Olympics because of food complaints at village”. sportsnet. 27 tháng 7 năm 2024.
  123. ^ Như Đạt (7 tháng 8 năm 2024). “Thực phẩm Olympic lại gây tranh cãi: VĐV tiết lộ thức ăn có giun”. VOV.VN. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2024.
  124. ^ Thanh Hải (6 tháng 8 năm 2024). “Sốc: Phát hiện giun trong đồ ăn ở làng Olympic Paris 2024”. Báo điện tử Tiền Phong. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2024.
  125. ^ Sông Lam (7 tháng 8 năm 2024). “Tố cáo thức ăn ở Olympic có giun, kình ngư Anh bị phản ứng”. Báo điện tử Dân Trí. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2024.
  126. ^ “Cyclists criticize Paris streets, mountain bike site”. ESPN.com (bằng tiếng Anh). 27 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2024.
  127. ^ DEGRAZIA, LEAH (30 tháng 7 năm 2024). “2024 Olympics: What USA Tennis' Emma Navarro Told "Cut-Throat" Opponent Zheng Qinwen in Heated Exchange”. E! News (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  128. ^ Livaudais, Stephanie (30 tháng 7 năm 2024). “Quote of the Day: Emma Navarro had some words for "cut-throat" Zheng Qinwen after Olympics defeat”. Tennis.com (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  129. ^ “Emma Navarro's bitter exit: U.S. Tennis star's comments ignite controversy after Olympic loss”. MARCA (bằng tiếng Anh). 30 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  130. ^ Banerjee, Ankita (11 tháng 8 năm 2024). “Emma Navarro Keeps Paris Olympics' Controversy Aside as She Unfolds Surreal Experience With Coco Gauff at the Event”. EssentiallySports (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  131. ^ Văn Trình (31 tháng 7 năm 2024). “VĐV bóng bàn số 1 thế giới bị loại sốc ở Olympic vì... phóng viên làm gãy vợt?”. Thanh Niên. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  132. ^ Sông Lam (31 tháng 7 năm 2024). “Vận động viên bóng bàn Trung Quốc bị loại sốc sau sự cố gãy vợt”. Báo điện tử Dân Trí. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  133. ^ Trung Thu (31 tháng 7 năm 2024). “VĐV bóng bàn số một Trung Quốc gãy vợt, thua sốc ở Olympic 2024”. VnExpress. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  134. ^ “王楚钦球拍被踩断,巴黎奥组委回应”. Guancha. 2 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  135. ^ “Nữ võ sĩ khóc vì bị đấm quá mạnh, phải bỏ cuộc trước đối thủ bị nghi là đàn ông tại Olympic Paris”. Báo điện tử Tiền Phong. 1 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2024.
  136. ^ a b c Văn Trình (1 tháng 8 năm 2024). “Thực hư võ sĩ có bộ nhiễm sắc thể XY, đấm đối thủ nữ gẫy mũi!”. Thanh Niên. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2024.
  137. ^ a b Vương Hãn (1 tháng 8 năm 2024). “Nữ võ sĩ bị nghi chuyển giới hủy diệt đối thủ sau 46 giây ở Olympic Paris 2024”. Báo điện tử VTV. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2024.
  138. ^ Trung Thu (1 tháng 8 năm 2024). “Nữ võ sĩ boxing gây tranh cãi giới tính thắng sau 46 giây”. VnExpress. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2024.
  139. ^ a b Wei-li, Fang; Chin, Jonathan. “Ministry slams sign-snatching at Paris Games”. taipeitimes.com. Taipei Times. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2024.
  140. ^ Berlinger, Joshua. “Spectator dragged from arena for holding up Taiwan banner during Olympic badminton match”. cnn.com. cnn.com. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2024.
  141. ^ Naidu, Richa. “Taiwan condemns tearing up of banner at badminton venue”. reuters.com. Reuters. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2024.
  142. ^ Everington, Keoni. “Security guard snatches bubble tea sign from Taiwanese fan at Olympic badminton final”. Taiwan News. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2024.
  143. ^ “Fans blame China for Paris sign confiscations”. taipeitimes.com. Taipei Times. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2024.
  144. ^ “France beats Argentina 1-0 to reach Olympics men's soccer semifinals. Skirmish after final whistle”. Associated Press News.
  145. ^ “Paris Olympics: Crowd jeers Argentina during France quarterfinal”.
  146. ^ “Argentina, France Brawl After Olympic Soccer Match”.
  147. ^ Quốc Thắng (3 tháng 8 năm 2024). “Cầu thủ Olympic Argentina và Pháp ẩu đả sau trận tứ kết”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2024.
  148. ^ Hùng Văn (4 tháng 8 năm 2024). “Nguyên nhân Argentina đánh nhau với cầu thủ Pháp ở tứ kết Olympic Paris 2024”. Pháp luật TP.HCM. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2024.
  149. ^ Phương Quỳnh (4 tháng 8 năm 2024). “Hình ảnh xấu xí ở môn bóng đá nam Olympic 2024”. Thanh Niên. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2024.
  150. ^ Văn Trình (6 tháng 8 năm 2024). “Những tình huống dở khóc dở cười trận Olympic Tây Ban Nha thắng Ma Rốc: Trọng tài bị thay”. Thanh Niên. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2024.
  151. ^ Khương Thượng (6 tháng 8 năm 2024). “Loạt sự cố hy hữu ở trận Tây Ban Nha thắng Morocco tại Olympic 2024”. Bongdaplus. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2024.
  152. ^ Huang, Chun-mei; Chung, Ray; Li, Edward (5 tháng 8 năm 2024). “Chinese state TV pulls plug on Taiwan's badminton victory”. Radio Free Asia. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2024.
  153. ^ “Extra laps”. www.eurosport.com. 6 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2024.
  154. ^ a b Hoàng An (8 tháng 8 năm 2024). “Đô vật bị gọi đi đánh chung kết khi đang ăn mừng HC vàng”. VnExpress. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2024.
  155. ^ THAO, CHUYÊN TRANG THỂ (8 tháng 8 năm 2024). “Phản ứng tuyệt vọng từ Ấn Độ khi đô vật bị loại khỏi trận chung kết vì thừa 100gram”. CHUYÊN TRANG THỂ THAO. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2024.
  156. ^ Quyết Thắng (8 tháng 8 năm 2024). “Đô vật Mỹ hai lần ăn mừng HCV tại Olympic Paris 2024”. Báo điện tử Dân Trí. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2024.
  157. ^ Quốc Thắng (8 tháng 8 năm 2024). “Nữ đô vật Ấn Độ kiện lên Tòa án thể thao vì bị loại khỏi trận tranh HCV do thừa... 100g”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2024.
  158. ^ Thùy Dung (7 tháng 8 năm 2024). “Cắt tóc, rút máu để giảm cân, nữ đô vật bị loại khỏi trận tranh HCV Olympic”. Đời sống pháp luật. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2024.
  159. ^ Quỳnh Phương (8 tháng 8 năm 2024). “Nữ đô vật Ấn Độ bị loại trước trận tranh HCV vì thừa... vài trăm gram cân nặng”. Thanh Niên. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2024.
  160. ^ Nguyên Trang (8 tháng 8 năm 2024). “Mất huy chương Olympic vì thừa 100 gram, VĐV Ấn Độ giải nghệ”. Báo điện tử VTC News. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2024.
  161. ^ Trung Thu (9 tháng 8 năm 2024). “Huy chương Olympic 2024 kém chất lượng”. VnExpress. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2024.
  162. ^ Duy Anh (9 tháng 8 năm 2024). “Olympic Paris 2024 lại có "phốt", huy chương dùng 1 tuần đã hỏng”. Báo Giao thông. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2024.
  163. ^ “Huy chương Olympic Paris 2024 bị gỉ sét chỉ sau một tuần”. Báo điện tử Tiền Phong. 9 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2024.
  164. ^ Tây Nguyên (10 tháng 8 năm 2024). “Ban tổ chức Olympic 2024 lên tiếng về huy chương bị 'biến chất' chỉ sau 1 tuần”. Thanh Niên. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  165. ^ Sông Lam (9 tháng 8 năm 2024). “Nhiều vận động viên chê huy chương Olympic Paris như hàng phế liệu”. Báo điện tử Dân Trí. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2024.
  166. ^ Phương Linh (9 tháng 8 năm 2024). “Huy chương Olympic 2024 bị rỉ sét sau một tuần”. Znews.vn. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2024.
  167. ^ Schad, Tom. “Refugee breaker disqualified for wearing 'Free Afghan Women' cape at Paris Olympics”. USA TODAY (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2024.
  168. ^ Cooper, Mark. “B-girll Talash reveals 'Free Afghan Women' cape during Olympic performance”. The New York Times.
  169. ^ “سانسور بی‌سابقه نام کیمیا علیزاده در تلویزیون”. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2024.
  170. ^ “صداوسیما سانسور کرد؛ ناهید کیانی در آغوش کیمیا علیزاده”. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2024.
  171. ^ “موج انتقادات از صداوسیما به خاطر سانسور در پوشش المپیک”.
  172. ^ Alinejad, Masih [@AlinejadMasih]. “This hug was censored by the Islamic Republic's state television. Kimia Alizadeh, who refused to bow to forced hijab or compete under the Islamic Republic's flag, and Nahid Kiani, who participated wearing the regime's mandatory hijab, both women medals. Yet, the misogynistic regime fears even the sight of their embrace. For years, this regime has pitted us women against each other, but a day will come when we reclaim Iran and free our sports from the clutches of the apartheid Islamic Republic” (Tweet) – qua Twitter.
  173. ^ Dagres, Holly [@hdagres]. “Iranian state media censored the embrace of former teammates Nahid Kiyani Chandeh and Kimia Alizadeh at the end of the #Olympics 57kg Taekwondo match. The now-viral video has evoked many emotions in Iranians: joy, pride, and, for some in the diaspora, the pangs of exile” (Tweet) – qua Twitter.
  174. ^ “Two Friends Make Olympics History for Iran and Bulgaria”. Iranwire. 9 tháng 8 năm 2024.
  175. ^ Specia, Megan (13 tháng 1 năm 2020). “Iran's Only Female Olympic Medalist Defects over 'Lies' and 'Injustice'. The New York Times.
  176. ^ Smart, Ryan (8 tháng 8 năm 2024). “Chinese hockey player sparks fury after smashing the ball at opponent at the end of Olympic match”. Sport Bible. United Kingdom. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  177. ^ Chi, Huanheng; Li, Xiangyang (9 tháng 8 năm 2024). “巴黎奧運|完場仍擊球打中對手 中國女曲噓聲中晉級決賽”. Radio Free Asia. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  178. ^ Grant, Joe (8 tháng 8 năm 2024). “PARIS OLYMPICS: HUGE MELEE BREAKS OUT AFTER CHINA'S FAN YUNXIA 'RIFLES' HOCKEY BALL AT BELGIUM'S DELPHINE-DAPHNE MARIEN”. Eurosport. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024. The Chinese side seemed to accept Fan's punishment, but Vandermeiren was far from impressed with the officials' decision, shouting "you cannot do that" as the referee raised the yellow card.
  179. ^ 'Embarrassing' lack of uniforms for PH Olympic golfers angers fans”. Philippine Daily Inquirer (bằng tiếng Anh). 10 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  180. ^ Veran, Jan (10 tháng 8 năm 2024). “Filipina golfers left in the shadows at Paris Olympics”. The Philippine Star. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  181. ^ Villanueva, Ralph Edwin (10 tháng 8 năm 2024). 'Isolated case': Olympic body addresses Filipina golfers' apparel woes”. The Philippine Star. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  182. ^ “Raygun fails to fire in Breaking's Olympics debut”. ESPN.com (bằng tiếng Anh). 9 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  183. ^ “Australia's first Olympic breaker 'Raygun' vows to keep being herself amid online jibes”. The Guardian (bằng tiếng Anh). 9 tháng 8 năm 2024. ISSN 0261-3077. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  184. ^ “Australia exec upset by trolling of breaker Raygun”. ESPN.com (bằng tiếng Anh). 10 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  185. ^ “Fencing-Defending champion Sun defeated in sudden-death epee shock”. The Straits Times. Reuters. 28 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2024.
  186. ^ Coskrey, Jason (27 tháng 7 năm 2024). “Ryuju Nagayama falls in controversial ruling in Paris, later earns bronze”. The Japan Times. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2024.
  187. ^ Pinto, Simone (27 tháng 7 năm 2024). “Japanese Star's 'Unsportsmanlike' Behavior After Losing at Paris Olympics Bashed by Judo Community: 'What a Shame'. MSN Sports. Essentially Sports. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2024.
  188. ^ “VĐV bị đe dọa khi giành huy chương Olympic”. Znews.vn. 28 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2024.
  189. ^ Tomoko Nakayama. “「ガリゴス」トレンドに 永山竜樹がガリゴスからの謝罪明かす「誰がなんと言おうと...」X投稿 - 五輪一般 - パリオリンピック2024 : 日刊スポーツ”. Nikkan Sports (bằng tiếng Nhật). Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  190. ^ “Olympic boxing: Rosie Eccles loses by split decision in women's 66kg”. BBC Sport. 28 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2024.
  191. ^ a b “Olympics boxing: Delicious Orie loses on split decision in men's 92kg at Paris 2024”. BBC Sport. 29 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.
  192. ^ Bunce, Steve (28 tháng 7 năm 2024). “Olympics 2024 LIVE: 12:21 'I'm genuinely shocked'. BBC Sport (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2024.
  193. ^ Stafford, Katie (27 tháng 7 năm 2024). “Olympics boxing: GB's Charley Davison loses in opening round”. BBC Sport (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2024.
  194. ^ Ian, Darke [@IanDarke]. “Charley Davison of GB scandalously robbed in Olympic boxing. Judges must have been wearing blindfolds. She won very very clearly” (Tweet) – qua Twitter.
  195. ^ a b Ronay, Barney (29 tháng 7 năm 2024). “Delicious Orie's shock defeat adds to Team GB's boxing woes at Olympics”. The Guardian. ISSN 0261-3077. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2024.
  196. ^ “Giochi Olimpici Parigi 2024 – 'Arbitraggio inaccettabile'. La Federazione Italiana Scherma inoltra una protesta ufficiale per l'oro negato a Filippo Macchi” [Paris 2024 Olympic Games – 'Unacceptable refereeing'. The Italian Fencing Federation files an official protest over the gold denied to Filippo Macchi]. Italian Fencing Federation. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.
  197. ^ “Fencing - Men's Foil Individual Gold Medal Bout Bout 64 (MACCHI Filippo vs CHEUNG Ka Long Results)”. Olympics.com. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.
  198. ^ “Paris Olympics / Italians blame referee for rigging the finals ? Swarms into Cheung's instagram account : "The gold medal that was stolen!" (巴黎奧運|意大利觀眾輸劍賴黑哨? 湧入張家朗IG大罵:「偷回來的金牌!」)”. Am730 News. 30 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.
  199. ^ Milko, Victoria (1 tháng 8 năm 2024). “Judge removed from Olympics surfing panel after photo with athlete circulates on social media”. Associated Press.
  200. ^ “Amber Rutter: Team GB shooter takes silver in controversial skeet final at Paris 2024”. BBC Sport. 4 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2024.
  201. ^ Schad, Tom (5 tháng 8 năm 2024). “Why Jordan Chiles' score changed, giving her bronze medal in Olympic floor final”. USA Today.
  202. ^ Kaur, Barhmjot (5 tháng 8 năm 2024). “2024 Olympics: Gymnast Ana Barbosu Speaks Out After Missing Medal Due to Jordan Chiles' Score Change”. E! News.
  203. ^ a b c Liddy, Kaetlyn (6 tháng 8 năm 2024). “Romanian leader to skip closing ceremony after gymnastics dispute”. NBC.
  204. ^ Price, Caroline (6 tháng 8 năm 2024). 'Romania Robbed:' Judging Error Overshadows 2024 Olympic Gymnastics Floor Final”. Forbes.
  205. ^ Tây Nguyên (7 tháng 8 năm 2024). “Nóng: Thủ tướng Romania tẩy chay lễ bế mạc Olympic 2024 khi VĐV bị 'mất' huy chương”. Thanh Niên. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  206. ^ Graves, Will (11 tháng 8 năm 2024). “Jordan Chiles has been stripped of a gymnastics bronze medal, but the USOPC says it will appeal”. Associated Press.
  207. ^ Hoàng An (11 tháng 8 năm 2024). “VĐV Mỹ buộc phải trả lại huy chương Olympic 2024”. VnExpress. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2024.
  208. ^ Hồng Nam (30 tháng 7 năm 2024). “Thi đấu bết bát còn lén lút hẹn hò, hai VĐV Brazil bị đuổi khỏi Olympic”. Thanh Niên. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  209. ^ Hồng Duy (30 tháng 7 năm 2024). “VĐV Brazil bị trục xuất khỏi Olympic vì lén đi chơi với bạn trai”. VnExpress. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  210. ^ Naughton, Philippe (5 tháng 8 năm 2024). “Swimmer and Influencer Sent Packing From Olympic Village”. The Daily Beast (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  211. ^ Naughton, Philippe (6 tháng 8 năm 2024). “Swimmer and Influencer Denies She Was Thrown Out of Olympics”. The Daily Beast (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  212. ^ Hoàng Trang (6 tháng 8 năm 2024). “Thực hư việc người đẹp làng bơi bị đuổi khỏi Olympic vì đi Disneyland”. Ngôi sao VnExpress. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  213. ^ Chammas, Michael; Juanola, Marta Pascual. 'I've embarrassed you all': Hockey star released as photo emerges of cocaine arrest”. The Sydney Morning Herald. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2024.
  214. ^ Doyle, Michael (7 tháng 8 năm 2024). “Australian Olympic hockey player Tom Craig arrested in Paris trying to buy cocaine”. ABC News. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2024.
  215. ^ THAO, CHUYÊN TRANG THỂ (8 tháng 8 năm 2024). “Vận động viên Australia bị bắt vì mua ma túy tại Olympic Paris lên tiếng”. CHUYÊN TRANG THỂ THAO. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  216. ^ Murray, Ewan. “Indian wrestler Antim Panghal's sister held by police after using accreditation”. The Guardian. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2024.
  217. ^ Ghoshal, Sudeshna (8 tháng 8 năm 2024). “Wrestler Antim Panghal, team sent back home from Paris over disciplinary breach”. Live mint. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2024.
  218. ^ “Paris 2024 Olympics: Egypt wrestler Mohamed 'Kesho' Ibrahim arrested for alleged sexual assault”.
  219. ^ Văn Trình (10 tháng 8 năm 2024). “Đang uống cà phê, đô vật Ai Cập bị bắt vì cáo buộc tấn công tình dục”. Thanh Niên. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  220. ^ Muñana, Gustavo (2 tháng 3 năm 2024). “Paris 2024: Possible Saudi pavilion at Napoleon's tomb sparks row”. Inside the Games (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2024.
  221. ^ “Possible Saudi Olympic pavilion at Napoleon's tomb sparks unease”. France 24 (bằng tiếng Anh). 28 tháng 2 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2024.
  222. ^ “Saudi athletes won't be allowed to set up their 'Olympic village' at Les Invalides”. RFI (bằng tiếng Anh). 27 tháng 3 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2024.
  223. ^ Giang Lao (21 tháng 7 năm 2024). “Vì sao HLV bị cáo buộc quấy rối tình dục vẫn dự Olympic 2024?”. Thanh Niên. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2024.
  224. ^ Aarons, Ed; Molina, Romain (8 tháng 7 năm 2024). “Zambia women's football team head coach accused of sexual misconduct”. The Guardian. ISSN 0261-3077. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2024.
  225. ^ a b Aarons, Ed (18 tháng 7 năm 2024). “Bruce Mwape banned from private contact with Zambia players at Olympics”. The Guardian (bằng tiếng Anh). ISSN 0261-3077. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2024.
  226. ^ “Adidas apologises to Bella Hadid after she threatens legal action over Olympic campaign controversy”. Images (bằng tiếng Anh). 22 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2024.
  227. ^ Sang, Lucia Suarez (20 tháng 7 năm 2024). “Adidas pulls Bella Hadid ad from campaign linked to 1972 Munich Olympics after Israeli criticism - CBS News”. CBS News (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2024.
  228. ^ Nanji, Noor (20 tháng 7 năm 2024). “Bella Hadid's Adidas advert dropped after Israeli criticism”. BBC News (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2024.
  229. ^ Ambrose, Tom (19 tháng 7 năm 2024). “Adidas removes Bella Hadid from ad campaign after criticism from Israel”. The Guardian (bằng tiếng Anh). ISSN 0261-3077. Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2024.
  230. ^ a b Turnbull, Tiffanie (29 tháng 7 năm 2024). “Bob Ballard: Olympics commentator axed over sexist remark”. BBC News (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2024.
  231. ^ Stechyson, Natalie (2 tháng 8 năm 2024). “It's the 'gender equal' Olympics, but that's not stopping the sexist remarks”. CBC News. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2024.
  232. ^ “Olympics camera operators urged to avoid 'sexism' in filming female athletes”. The Guardian. Agence France-Presse. 28 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2024.
  233. ^ Long Nguyên (9 tháng 8 năm 2024). “Khán giả "ngỡ ngàng" khi VTV có bản quyền phát sóng Olympic 2024 những ngày cuối”. Dân Việt. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  234. ^ Viết Thành (8 tháng 8 năm 2024). “VTV có bản quyền phát sóng Olympic 2024 những ngày cuối”. Thể thao & Văn hóa. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  235. ^ Mai Phương (8 tháng 8 năm 2024). “Việt Nam có bản quyền Olympic Paris 2024 khi toàn bộ VĐV đã bị loại”. Báo điện tử VTC News. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  236. ^ Huy Đăng (11 tháng 8 năm 2024). “Chuyện bản quyền truyền hình Olympic”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  237. ^ Trọng Vũ (2 tháng 8 năm 2024). “Câu chuyện bản quyền truyền hình Olympic 2024 tại Đông Nam Á”. Báo điện tử Dân Trí. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.