Bước tới nội dung

Joseph Saidu Momoh

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Joseph Saidu Momoh, OOR, OBE
Chức vụ
Tổng thống thứ hai của Sierra Leone
Nhiệm kỳ28 tháng 11, 1985 – 29 tháng 4, 1992
Tiền nhiệmSiaka Stevens
Kế nhiệmYahya Kanu
Thông tin cá nhân
Quốc tịchSierra Leone
Sinh(1937-01-26)26 tháng 1, 1937
Binkolo, Quận Bombali, Sierra Leone thuộc Anh
Mất3 tháng 8, 2003(2003-08-03) (66 tuổi)
Conakry, Guinée
Đảng chính trịĐảng Đại hội Toàn dân (APC)
Con cáiJS Momoh jr

Joseph Saidu Momoh, OOR, OBE (26 tháng 1 năm 1937 - 3 tháng 8 năm 2003) là thiếu tướng quân đội và chính trị gia Sierra Leone, từng đảm nhiệm ghế Tổng thống thứ hai trong lịch sử quốc gia này từ tháng 11 năm 1985 đến 29 tháng 4 năm 1992.[1]

Momoh là người Limba và hoạt động dân sự một thời gian ngắn trước khi tòng quân năm 1956. Sau khi Siaka Stevens lên nắm quyền, Momoh được giữ chức chỉ huy năm 1971, thăng thiếu tướng năm 1983 và trở thành tổng thư ký Đảng Đại hội toàn dânđảng hợp pháp duy nhất tại Sierra Leone năm 1985.

Cuối năm 1985, Stevens nghỉ hưu, Momoh là ứng viên duy nhất và đắc cử tổng thống. Ông thừa hưởng nền kinh tế đang sa sút và đã có những cải thiện đáng kể trong việc chống tham nhũng. Về đối ngoại, Momoh đặt quan hệ tích cực với Hoa Kỳ và Anh. Năm 1991, nhóm phiến quân Mặt trận Liên minh Cách mạng (RUF) kích động nội chiến để lật đổ Momoh. Cuối năm 1991, ông đưa ra hiến pháp mới cho phép đa đảng. Năm 1992, Valentine Strasser lãnh đạo đảo chính lật đổ ông. Momoh chạy sang lưu vong tại Guinée và qua đời vào năm 2003, một năm sau khi kết thúc nội chiến.

Đầu đời

[sửa | sửa mã nguồn]

Joseph Saidu Momoh sinh ngày 26 tháng 1 năm 1937 trong một gia đình người Limba theo Cơ Đốc giáo tại Binkolo, Quận Bombali, Tỉnh Bắc của Sierra Leone thuộc Anh. Đầu thập niên 1940, gia đình chuyển đến Freetown, rồi sống ở Wilberforce.[2]

Năm 1951-1955, Momoh theo học Đại học Giám lý Tây Phi. Là người khỏe mạnh, ông rất thích chơi thể thao như quần vợt, bóng rổ và bóng chuyền. Ông từng thi đấu bóng đá cho Young Stars FC tại Makeni và Blackpool FC.[2]

Ông cũng hoàn thành chương trình tại Trường Thư ký Chính phủ, Viện Kỹ thuật.[2]

Sự nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Hoạt động dân sự

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1956, Momoh làm thư ký cấp ba trong cơ quan dân sự Sierra Leone cho đến năm 1958 thì nghỉ để nhập ngũ.[2]

Binh nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1958, Momoh khởi đầu binh nghiệp là binh nhì Lực lượng Biên phòng Hoàng gia Tây Phi (RWAFF). Ông được đào luyện tại Trường Đào tạo Sĩ quan Chính quy ở Ghana và Học viện Huấn luyện Quân sự Nigeria. Sau đó, Momoh đến Anh học tại Trường Bộ binh ở Hythe và Trường Sĩ quan Mons ở Aldershot.[2]

Năm 1963, Momoh được thăng thiếu úy Quân lực Hoàng gia Sierra Leone, rồi lên thiếu tá chỉ huy Trại Moa, Kailahun.[2]

Năm 1969, Momoh thăng trung tá, chỉ huy Tiểu đoàn 1. Năm 1970, ông mang quân hàm Đại tá.[2]

Năm 1971, sau khi Chuẩn tướng John Amadu Bangura đảo chính bất thành, tổng thống Siaka Stevens bổ nhiệm Momoh làm tư lệnh phó rồi chính thức làm tư lệnh vào tháng 11.[2]

Năm 1974, Momoh là Quốc vụ khanh nội các. Năm 1983, ông được thăng thiếu tướng.[1]

Tổng thống Sierra Leone

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1985, Momoh là tổng thư ký lãnh đạo Đảng Đại hội toàn dân (APC). Ông là ứng viên duy nhất trong trưng cầu dân ý bầu tổng thống ngày 8 tháng 10 và đắc cử tổng thống.[1] Ông là tổng thống thứ hai của Sierra Leone từ 28 tháng 11 năm 1985 đến 29 tháng 4 năm 1992.[3]

Thừa hưởng hệ thống tham nhũng tràn lan, Momoh đã có những bước tiến lớn để khắc phục loại bỏ. Các nhà quan sát quốc tế đánh giá nỗ lực của ông coi như thành công. Điều này giúp ông hình thành quan hệ tốt đẹp với Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, góp phần đưa Sierra Leone thoát khỏi tình trạng bất ổn đã diễn ra phần lớn thập niên 1970 và 1980. Cả hai nhà lãnh đạo đều tăng cường viện trợ và hợp tác với chính quyền Momoh suốt năm 1987 và đầu năm 1988.[4]

Vụ xét xử phản quốc năm 1987

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 23 tháng 3 năm 1987, sau khi đột kích một căn hộ ở Freetown và phát hiện kho vũ khí có cả súng phóng tên lửa, cảnh sát báo cáo về một nhóm đang âm mưu ám sát Momoh và tiến hành đảo chính.[5]

Tổng thanh tra Cảnh sát Sierra Leone James Bambay Kamara lập tức lệnh bắt giữ Phó Tổng thống thứ nhất Francis Minah, G.M.T. Kaikai, Jamil Sahid Mohamed và 15 đối tượng khác.[5][6]

Minah là bạn thân của Momoh nhưng tổng thống không muốn phản đối Karama nên không can thiệp vào vụ này.[6]

Tháng 10 năm 1987, sau phiên tòa xử tội phản quốc kéo dài 5 tháng, bồi thẩm đoàn đưa ra phán quyết có tội. Cựu Phó Tổng thống thứ nhất và 17 người khác bị kết tội phản quốc chịu án tử hình. Jamil Sahid Mohamed trốn sang Liban lưu vong.[5] Chính Momoh ký lệnh hành quyết. Một nhóm quan sát viên quốc tế từ Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ, AlgérieHàn Quốc đều đồng tình với bản án cho rằng không có động cơ chính trị bên trong.[6]

Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991

[sửa | sửa mã nguồn]

Dưới sự lãnh đạo của Momoh, Sierra Leone gia nhập liên minh các nước phản đối Saddam Hussein chiếm Kuwait.[7]

Tập đoàn SCIPA

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1989, Nir Guaz của Tập đoàn khoáng sản SCIPA, Israel đến Sierra Leone. Momoh ưu ái cho SCIPA khi họ đưa ra các khoản vay và tạo điều kiện cho Sierra Leone tham gia đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Đêm Giáng sinh năm 1989, Momoh cho bắt giữ Guaz, buộc tội phá hoại kinh tế và trục xuất khỏi Sierra Leone.[8]{

Tháng 9 năm 1991, Nội chiến Sierra Leone bùng nổ, Momoh đưa ra hiến pháp mới hủy bỏ chế độ độc đảng từ năm 1978 để thiết lập nền dân chủ đa đảng, đồng thời đóng vai trò lớn xóa bỏ chủ nghĩa bộ tộc cục bộ.Thủ tướng Anh John Major và Tổng thống Mỹ George HW Bush lên tiếng chúc mừng và tuyên bố đây là "những bước quan trọng hướng tới dân chủ hóa" và "các bước tiến thiết yếu". Momoh cho biết John Major là "người bạn thực sự của Sierra Leone" còn gọi George HW Bush là một "nhà lãnh đạo vĩ đại của thế giới".[4]

Đảo chính quân sự

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 29 tháng 4 năm 1992, binh lính dưới quyền Đại úy Valentine Strasser thông báo đảo chính quân sự trên đài phát thanh. Momoh trốn sang Guinée xin tị nạn chính trị.[9]

Lưu vong và qua đời

[sửa | sửa mã nguồn]

Tổng thống Guinée Lansana Conté cho Momoh tị nạn chính trị. Ông sống trong một biệt thự tại Nongo Tadi, Conakry đến khi qua đời ngày 2 tháng 8 năm 2003, thọ 66 tuổi.[10]

Huân chương

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1971, Momoh nhận Huân chương Đế quốc Anh. Năm 1974, tổng thống Siaka Stevens trao tặng Huân chương Rokel cho Momoh.[1]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c d e f Jalloh 2018, tr. 176.
  2. ^ a b c d e f g h Jalloh 2018, tr. 175.
  3. ^ Coppa 2006, tr. 189-191.
  4. ^ a b Kpundeh 1994, tr. 139-157.
  5. ^ a b c “Former Vice President Convicted Of Treason, Sentenced To Death” [Cựu phó tổng thống bị kết tội phản quốc, chịu tử hình]. AP News (bằng tiếng Anh). 18 tháng 10 năm 1987. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2018.
  6. ^ a b c Berewa 2011, tr. 84.
  7. ^ “Gulf War Fast Facts” [Thông tin nhanh Chiến tranh vùng Vịnh]. CNN (bằng tiếng Anh). 15 tháng 9 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2023.
  8. ^ Pham 2005, tr. 72-73.
  9. ^ Mansaray, Ibrahim Sourie (1 tháng 5 năm 2013). “Was The 1992 Coup A Blessing Or A Curse For Sierra Leone?” [Cuộc đảo chính năm 1992 là phúc hay họa cho Sierra Leone?]. Sierra Express Media. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 17 tháng 10 năm 2023.
  10. ^ “On Ex-President Momoh's will. Wife reveals it all” [Phu nhân tiết lộ hết di chúc cựu tổng thống Momoh]. cocorioko.net. 24 tháng 12 năm 2005. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2023.

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Berewa, Solomon E. (tháng 12 năm 2011). A New Perspective on Governance, Leadership, Conflict and Nation Building in Sierra Leone [Cái nhìn mới về quản trị, lãnh đạo, xung đột và xây dựng đất nước ở Sierra Leone] (bằng tiếng Anh). AuthorHouse. ISBN 9781467888868.
  • Coppa, Frank J. biên tập (2006), Encyclopedia of Modern Dictators [Bách khoa thư độc tài hiện đại] (bằng tiếng Anh), New York: Peter Lang, ISBN 9780820450100
  • Jalloh, Alusine (2018). Muslim Fula business elites and politics in Sierra Leone [Giới tinh hoa kinh doanh và chính trị Fula Hồi giáo ở Sierra Leone] (bằng tiếng Anh). Rochester, NY: University of Rochester Press. ISBN 9781580461146. OCLC 1006316899.
  • Kpundeh, Sahr John (tháng 3 năm 1994). “Limiting Administrative Corruption in Sierra Leone” [Hạn chế tham nhũng hành chính ở Sierra Leone]. The Journal of Modern African Studies (bằng tiếng Anh). 32 (1).
  • Pham, John-Peter (2005). Child Soldiers, Adult Interests: The Global Dimensions of the Sierra Leonean Tragedy [Trẻ em đi lính vì quyền lợi người lớn: Chiều kích toàn cầu của bi kịch Sierra Leone] (bằng tiếng Anh). Nova Publishers. ISBN 9781594546716.
  • Reno, William. Corruption and State Politics in Sierra Leone (New York: Cambridge University Press), 1995.
  • Tuchscherer, Konrad. “Joseph Saidu Momoh: A Legacy of Missed Opportunity,” Awoko (Freetown, Sierra Leone), 25 July 2003, p. 7.
  • Tuchscherer, Konrad. “Joseph Saidu Momoh: Human Rights,” Daily Observer (Banjul, The Gambia), 14 August 2003, p. 12.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
Chức vụ chính trị
Tiền nhiệm:
Siaka Stevens
Tổng thống Sierra Leone
1985–1992
Kế nhiệm:
Ahmad Tejan Kabbah