Bước tới nội dung

Quang Trung

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Hoàng đế Quang Trung)
Quang Trung
光中
Hoàng đế Việt Nam
Tượng đài vua Quang Trung tại Bảo tàng Quang Trung, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định
Hoàng đế Đại Việt
Trị vì22 tháng 12 năm 1788 – 16 tháng 9 năm 1792
(3 năm, 269 ngày)
Đăng quang22 tháng 12 năm 1788
Núi Bân, Phú Xuân
Tiền nhiệmThái Đức Đế
Lê Chiêu Thống (nhà Hậu Lê)
Kế nhiệmCảnh Thịnh Đế
Thông tin chung
Sinh1753
Bình Định, Đàng Trong, Đại Việt
Mất16 tháng 9, 1792(1792-09-16) (38–39 tuổi)
Phú Xuân, Đại Việt
An tángĐan Dương lăng (丹陽陵) (còn nghi vấn và nhiều giả thuyết quan trọng khác)
Thê thiếp
Hậu duệ
Tên thật
Hồ Thơm (胡𦹳)

Nguyễn Huệ (阮惠)

Nguyễn Văn Huệ (阮文惠)
Niên hiệu
Quang Trung (光中)
Thụy hiệu
Vũ Hoàng đế (武皇帝)
Miếu hiệu
Thái Tổ (太祖)
Triều đạiNhà Tây Sơn
Thân phụHồ Phi Phúc
Thân mẫuNguyễn Thị Đồng

Quang Trung (175316 tháng 9 năm 1792), tước hiệu khi chưa lên ngôi là Bắc Bình Vương, tên thuở nhỏ là Thơm (hay Hồ Thơm), quê gốc Nghệ An sau đổi tên thành Nguyễn Huệ (阮惠), là một nhà chính trị, nhà quân sự người Việt Nam, vị hoàng đế thứ 2 của Nhà Tây Sơn, sau khi Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc thoái vị và nhường ngôi cho ông.

Nguyễn Huệ và 2 người anh em của ông, được biết đến với tên gọi Tây Sơn tam kiệt, là những lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã chấm dứt cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn phân tranh giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh ở phía bắc và Nguyễn ở phía nam, lật đổ hai tập đoàn này cùng Nhà Hậu Lê, chấm dứt tình trạng phân biệt Đàng TrongĐàng Ngoài kéo dài suốt 2 thế kỷ. Ngoài ra, Quang Trung còn là người đánh bại các cuộc xâm lược Đại Việt của Xiêm La từ phía nam, của Đại Thanh từ phía bắc. Bản thân ông đã cầm quân chiến đấu từ năm 18 tuổi, trong 20 năm liền đã trải qua hàng chục trận đánh lớn, và chưa thua một trận nào.

Nhà sử học Phan Huy Lê đã đánh giá "Quang Trung không chỉ là một nhà quân sự lỗi lạc mà còn là một nhà chính trị có biệt tài"[1] Với nhãn quan tiến bộ, chỉ trong 3 năm, ông đã liên tiếp đề ra nhiều kế hoạch cải cách tiến bộ trong kinh tế, văn hóa, giáo dục, quân sự,... nhằm xây dựng đất nước và tiếp thu khoa học kỹ thuật hiện đại từ phương Tây.[2] Về nhân sự, ông đã xuống chiếu cầu hiền và trọng dụng nhiều nhân tài như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thiệp, Nguyễn Huy Lượng,... Về quân sự, ông cho xây dựng quân đội trang bị hiện đại. Về kinh tế, ông cải cách chế độ đinh điền và ruộng đất, khuyến khích thủ công nghiệp, mở rộng ngoại thương với phương Tây. Về giáo dục, ông cải tiến thi cử theo hướng thiết thực và ban hành chính sách khuyến học, khuyến khích dùng chữ Nôm thuần Việt thay cho chữ Hán, sắp xếp lại chùa chiền dư thừa và bài trừ mê tín dị đoan. Giới sử học đánh giá rất cao những cải cách này bởi chúng mang xu hướng rất tiến bộ và vượt trên các nước châu Á đương thời, có thể đưa đất nước thoát khỏi sự trì trệ đã kéo dài trên 100 năm của chế độ phong kiến thời Trịnh – Nguyễn. Đến tận mãi sau này (1822), Hoa kiều từng sống ở Huế dưới thời Tây Sơn vẫn còn hoài niệm về sự cai trị của Nguyễn Huệ, họ nhận xét với thương gia người Anh cho rằng Quang Trung cai trị ôn hòa và công bằng hơn các vua nhà Nguyễn (Gia LongMinh Mạng)[3] (xem chi tiết tại những cải cách tiến bộ của vua Quang Trung).

Cuộc đời hoạt động của Nguyễn Huệ đã đóng góp quyết định vào sự nghiệp thống nhất đất nước của triều đại Tây Sơn[4] Sau 20 năm liên tục chinh chiến và 3 năm trị nước, khi tình hình đất nước bắt đầu có chuyển biến tốt thì Quang Trung đột ngột qua đời ở tuổi 39. Sau cái chết của ông, Nhà Tây Sơn suy yếu nhanh chóng. Người kế vị ông là Quang Toản vẫn còn quá nhỏ (9 tuổi) nên không đủ khả năng để lãnh đạo Đại Việt, triều đình lâm vào mâu thuẫn nội bộ và đã thất bại trong việc tiếp tục chống lại Nguyễn Ánh.

Nguyễn Huệ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch liệt kê vào danh sách 14 vị Anh hùng dân tộc tiêu biểu của Việt Nam.[5] Nhiều trường học và đường phố ở các địa phương được đặt các tên Quang Trung và Nguyễn Huệ.

Nguồn gốc và giáo dục

Nguồn gốc dòng Tây Sơn

Theo sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, Đại Nam thực lục: Tổ tiên Nguyễn Huệ là người huyện Hưng Nguyên, xứ Nghệ An, khoảng năm Thịnh Đức (niên hiệu Lê Thần Tông) (1653–1657) bị quân Chúa Nguyễn bắt được đem về, cho ở tại huyện Tuy Viễn thuộc phủ Hoài Nhơn, kế tiếp vài đời, đến Nguyễn Nhạc được giữ chức Biện lại ở tuần Vân Đồn. Sách Việt Nam sử lược viết thêm rằng: Thân sinh Nguyễn Huệ là Hồ Phi Phúc dời nhà sang ở ấp Kiên Thành, sinh được 3 người con: trưởng là Nhạc, thứ là Huệ, thứ ba là Lữ.[6][7].Mẹ là Nguyễn Thị Đồng.

Theo sách Lịch sử nội chiến Việt Nam từ 1771 đến 1802, tổ tiên Nhà Tây Sơn vốn là họ Hồ ở làng Hương Cái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, dòng dõi Hồ Quý Ly,[8] theo chân Chúa Nguyễn vào Nam lập nghiệp khi Chúa Nguyễn vượt Lũy Thầy đánh ra đất Lê – Trịnh tới Nghệ An (năm 1655). Ông cố (cụ nội) của Nguyễn Huệ tên là Hồ Phi Long (vào giúp việc cho nhà họ Đinh ở thôn Bằng Châu, huyện Tuy Viễn, tức An Nhơn) cưới vợ họ Đinh và sinh được một trai tên là Hồ Phi Tiễn. Hồ Phi Tiễn không theo việc nông mà bỏ đi buôn trầu ở ấp Tây Sơn, cưới vợ và định cư tại đó. Vợ của Hồ Phi Tiễn là Nguyễn Thị, con gái duy nhất của một phú thương đất Phú Lạc, do đó họ đổi họ của con cái mình từ họ Hồ sang họ Nguyễn của mẹ.[9] Người con là Nguyễn Phi Phúc cũng chuyên nghề buôn trầu và làm ăn phát đạt. Cũng có tài liệu cho rằng họ Hồ đã đổi theo họ Chúa Nguyễn ngay từ khi mới vào Nam.[8][9][10] Ông Nguyễn Phi Phúc có 8 người con, trong đó có 3 con trai: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ.

Nguyễn Huệ sinh năm Quý Dậu 1753 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13 dưới triều vua Lê Hiển Tông Nhà Hậu Lê. Ông còn có tên là Quang Bình,[11] Văn Huệ[12] hay Hồ Thơm. Sau này, người dân địa phương thường gọi ông là Đức ông Bình[13] hoặc Đức ông Tám.[8] Theo Quang Trung anh hùng dân tộc thì "Nguyễn Huệ tóc quăn, da sần, mắt như chớp sáng, tiếng nói sang sảng như tiếng chuông, nhanh nhẹn, khỏe mạnh, can đảm". Sách Tây Sơn lược còn miêu tả đôi mắt Quang Trung "ban đêm khi ngồi không có đèn thì ánh sáng từ đôi mắt soi sáng cả chiếu".

Về thứ tự của Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ trong các anh em, các nguồn tài liệu ghi không thống nhất: Các sách Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam chính biên liệt truyện, Tây Sơn thủy mạt khảo đều thống nhất ngôi thứ trong ba anh em Tây Sơn đã khẳng định rằng: "Con trưởng là Nhạc, kế là Lữ, kế nữa là Huệ"; Dân phủ Quy Nhơn xưa truyền lại rằng: Nguyễn Nhạc thuở đi buôn trầu nên gọi anh Hai Trầu, Nguyễn Huệ còn có tên là Thơm nên gọi là chú Ba Thơm, Nguyễn Lữ gọi là thầy Tư Lữ.[a] Theo thư từ của các giáo sĩ phương Tây hoạt động ở Đại Việt khi đó như Labartette, Eyet và Varen thì Nguyễn Huệ là em của Nguyễn Lữ. Nguyễn Lữ được gọi là Đức Ông Bảy còn Nguyễn Huệ là Đức Ông Tám; Lê Trọng Hàm trong sách Minh đô sử lại cho rằng Hồ Phi Phúc sinh "Nhạc, Lữ đến hai cô con gái rồi đến Huệ".

Lớn lên, ông và Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ được đưa đến thụ giáo cả văn lẫn võ với thầy Trương Văn Hiến. Trương Văn Hiến là môn khách của Trương Văn Hạnh, còn Trương Văn Hạnh là thầy dạy của Nguyễn Phúc Luân – cha của Nguyễn Ánh. Sau khi Trương Văn Hạnh bị quyền thần Trương Phúc Loan hãm hại, Trương Văn Hiến chạy vào Bình Định. Chính người thầy này đã phát hiện được khả năng của Nguyễn Huệ và khuyên bảo ba anh em khởi nghĩa để xây dựng đại nghiệp. Tương truyền câu sấm "Tây khởi nghĩa, Bắc thu công" là của Trương Văn Hiến.[14] Tương truyền Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ đều là những người rất giỏi võ nghệ và là những người khai sáng ra một số võ phái Bình Định. Nguyễn Huệ khai sáng Yến phi quyền, Nguyễn Lữ sáng tạo Hùng kê quyền, và cả ba anh em Tây Sơn sáng tạo Độc lư thương. Tây Sơn tam kiệt có vai trò rất lớn cho sự hình thành, phát triển võ phái Tây Sơn Bình Định, là những đầu lĩnh sáng tạo, cải cách các bài quyền, bài binh khí để truyền dạy cho ba quân trong giai đoạn đầu khởi nghĩa.[15]

Khởi nghĩa chống chúa Nguyễn ở Đàng Trong

Vào thời bấy giờ, nước Việt chia làm hai, lấy sông Gianh làm giới tuyến; từ sông Gianh ra Bắc là đất của vua Lê–chúa Trịnh; phía Nam là bờ cõi do các Chúa Nguyễn cai trị, truyền từ đời này qua đời kia, việc chính trị, kinh tế sắp xếp như một nước tự chủ. Các Chúa Nguyễn làm chúa truyền đời Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát, ông định đô ở Phú Xuân, phong cho người con thứ 9 là Nguyễn Phúc Hiệu làm Thế tử. Năm 1765, Vũ vương mất, bây giờ thế tử Nguyễn Phúc Hiệu đã chết trước, con của Thế tử còn nhỏ, mà người con trưởng của Vũ vương cũng đã mất. Vũ vương lập di chiếu lập người con thứ hai tên Nguyễn Phúc Luân lên nối nghiệp chúa, nhưng viên quan phụ chính, cậu ruột của Vũ vương là Trương Phúc Loan có ý chuyên quyền, bèn đổi tờ di chiếu mà lập người con thứ 16 mới 12 tuổi lên ngôi, tức Chúa Nguyễn thứ 9, Định vương Nguyễn Phúc Thuần. Trương Phúc Loan làm phụ chính, là người tham lam, cậy quyền làm nhiều điều tàn ác, người dân trong nước ai cũng oán giận.[16]

Tham gia khởi nghĩa

Tượng ba anh em nhà họ Nguyễn: Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ

Theo các sách sử Đại Nam thực lục, Khâm định Việt sử Thông giám cương mục của nhà Nguyễn: Gia đình anh em Nguyễn Nhạc trú tại huyện Tuy Viễn thuộc phủ Hoài Nhơn, kế tiếp vài đời, đến Nguyễn Nhạc được giữ chức Biện lại ở tuần Vân Đồn. Theo các sách này thì do đánh bạc tiêu mất tiền thu thuế, Nguyễn Nhạc bèn trốn vào Tây Sơn làm trộm cướp, những người vô lại và người nghèo đói phần nhiều phụ theo, vì thế thủ hạ có đến vài ngàn người. Nhạc cùng em là Văn Huệ, Văn Lữ chia nhau quản lãnh, rồi đi đánh cướp đồn ấp, viên tướng giữ trấn không sao kiềm chế được.[17][18][b] Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, tình tiết "Nguyễn Nhạc thua bạc nên đi trộm cướp" thực chất là chuyện thêu dệt của Nhà Nguyễn sau khi họ đã đánh bại Tây Sơn nhằm hạ uy tín đối thủ[19]. Việc anh em Nguyễn Nhạc khởi nghĩa chắc chắn phải được mưu tính từ lâu, từ việc chuẩn bị căn cứ, lương thực cho đến thu hút lực lượng tham gia, không thể chỉ là hành vi bột phát do "thua bạc".

Anh em Nguyễn Huệ làm học trò cho Giáo Hiến ở An Thái, người này đã diễn giải lời sấm Tây khởi nghĩa, Bắc thu công để khuyên Nguyễn Nhạc khởi binh. Nguyễn Nhạc cất binh khởi nghĩa năm 1771, xây dựng căn cứ chống chính quyền Chúa Nguyễn tại Tây Sơn, với danh nghĩa diệt trừ quyền thần Trương Phúc Loan, tôn phò Hoàng tôn Dương (tức Nguyễn Phúc Dương, cháu của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát).[20] Trong giai đoạn xây dựng thế lực, Nguyễn Huệ đã giúp Nguyễn Nhạc xây dựng kinh tế và huấn luyện quân sự. Với sự ngầm trợ giúp về mặt tâm lý của thầy giáo Hiến và bản lĩnh cá nhân, Nguyễn Huệ đã nhanh chóng xây dựng được uy tín cho lực lượng Tây Sơn và cả cho cá nhân mình. Chẳng bao lâu sau, lực lượng của Nhà Tây Sơn mỗi ngày mỗi lớn và vững vàng. Những người hợp tác đầu tiên với Nhà Tây Sơn có Nguyễn Thung, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Võ Đình Tú, Trần Quang Diệu, Trương Mỹ Ngọc, Võ Xuân Hoài. Về sau, kẻ sĩ gần xa đến hưởng ứng thêm đông.

Lực lượng Tây Sơn không những đánh đâu thắng đó mà còn nổi tiếng vì bình đẳng, bình quyền, không tham ô của dân và lấy của người giàu chia cho người nghèo.[21] Điều đó được các giáo sĩ Tây Ban Nha, điển hình là Diego de Jumilla ghi lại trong sách "Les Espagnols dans l'Empire d'Annam" như sau:

"Ban ngày họ xuống các chợ, kẻ đeo gươm, người mang cung tên, có người mang súng. Họ không hề làm thiệt hại đến người và của. Trái lại họ tỏ ra muốn bình đẳng giữa mọi người Đàng Trong; họ vào nhà giàu, nếu đem nộp họ ít nhiều thì họ không gây tổn hại, nhưng nếu chống cự lại thì họ cướp lấy những của quý đem chia cho người nghèo; họ chỉ giữ gạo và lương thực cho họ mà thôi... Người ta gọi họ là bọn cướp đạo đức và nhân từ đối với quần chúng nghèo khổ...".[22]

Theo Lịch sử nội chiến Việt Nam từ 1771 đến 1802, lực lượng ban đầu của Nguyễn Nhạc có nhiều nhóm cư dân sở tại, bao gồm người Việt, người Thượng và người Hoa ở Tây Sơn. Có cả những người làm cướp như Nhưng Huy, Từ Linh ở vùng An Tượng, đám quân người Hoa của Tập Đình, Lý Tài, tất cả khối người sẵn sàng bạo động đó được Nguyễn Nhạc nối kết thành một lực lượng vững chắc.[20]

Quân Tây Sơn đánh chiếm các huyện, thành, thôn ấp, tuần phủ Quy Nhơn Nguyễn Khắc Tuyên cùng đề đốc Lý Trình đi đánh dẹp. Quân Khắc Tuyên đến Phù Ly gặp quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy. Hai bên giao chiến, Lý Trình bị Nguyễn Huệ chém chết, Khắc Tuyên bỏ chạy về Quy Nhơn. Năm 1773, anh em Tây Sơn hạ được thành Quy Nhơn (kinh thành Đồ Bàn cũ của Chiêm Thành). Nguyễn Nhạc bèn thả tù phạm, lùa dân làm binh, dựng cờ hiệu của Tây Sơn lên thành, khiến cho Đàng Trong náo động. Chúa Nguyễn hay tin, sai Chưởng cơ Nguyễn Cửu Thống mang quân đi đánh Tây Sơn, bị Tây Sơn đánh bại. Thời Đàng Trong vốn hòa bình đã lâu, lính không quen việc binh, trong triều Trương Phúc Loan lại làm mất lòng người, lính ra trận là bỏ chạy, do vậy quân Tây Sơn ngày càng mạnh. Đến tháng 12 năm 1773, Chúa Nguyễn sai Tôn Thất Hương làm Tiết chế, đem nội quân và quân Tam Kỳ đến núi Bích Kê (thuộc Bình Định) bị quân Tây Sơn do Lý Tài, Tập Đình chỉ huy giết chết. Quân Tây Sơn làm chủ Quảng Ngãi, quân Nguyễn phải rút về, Nguyễn Nhạc sai quân chiếm các phủ Bình Khang, Diên Khánh. Bấy giờ, quân Tây Sơn chiếm một dải đất từ Quảng Ngãi vào Nam cho tới Bình Thuận.[23]

Tái chiếm Phú Yên

Tây Sơn lâm nguy

Không lâu sau khi làm chủ phần lớn khu vực Nam Trung Bộ, anh em Tây Sơn bắt đầu gặp khó khăn trước những diễn biến mới. Giữa năm 1774, Chúa Nguyễn cử Tống Phước Hiệp mang quân từ Gia Định theo hai đường thủy bộ ra đánh Nam Trung Bộ, và nhanh chóng lấy lại được Bình Thuận, Diên KhánhBình Khang. Tây Sơn từ đó chỉ còn làm chủ từ Phú Yên ra Quảng Ngãi.[24]

Nhân cơ hội Chúa Nguyễn suy yếu, tháng 10 năm 1774, chúa Trịnh Sâm sai Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc dẫn 3 vạn quân[25] tiến đánh Đàng Trong. Quân Trịnh vượt sông Gianh đánh chiếm Phú Xuân. Định Vương Nguyễn Phúc Thuần và các quan phải chạy vào Quảng Nam, Nguyễn Nhạc mang quân hai đường thủy bộ tiến ra đánh, vội theo đường biển trốn vào Gia Định, Chúa Nguyễn gặp tướng Tống Phước Hiệp vào tháng 2 năm 1775; để Nguyễn Phúc Dương ở lại. Quân Trịnh vượt đèo Hải Vân đã đụng độ với quân Tây Sơn cũng đang tiến ra để lùng bắt Nguyễn Phúc Dương. Hoàng Ngũ Phúc đang đà thắng lợi, đánh bại quân Tây Sơn ở Cẩm Sa. Nguyễn Nhạc phải rút quân về Quy Nhơn, sau khi đã bắt được Phúc Dương. Lợi dụng Nguyễn Nhạc thua trận, Tống Phúc Hiệp từ Bình Khang tiến ra đánh Phú Yên, quân Tây Sơn thua trận phải co về Quy Nhơn. Phần lãnh thổ mà anh em Tây Sơn còn kiểm soát chỉ còn Quy Nhơn và Quảng Ngãi.

Như vậy lúc này, quân Trịnh từ Bắc tiến vào, Chúa Nguyễn rút vào Nam, tình thế của quân Tây Sơn lúc đó rất nguy ngập bị kẹp vào giữa, nếu mang quân ra đương đầu với cả hai phía thì chắc chắn Tây Sơn sẽ bị tiêu diệt. Nguyễn Nhạc quyết định xin giảng hòa với Chúa Trịnh để tập trung vào chiến trường phía Nam, bèn sai người đến chỗ Hoàng Ngũ Phúc xin đầu hàng và làm tiên phong cho Chúa Trịnh để đánh Chúa Nguyễn. Hoàng Ngũ Phúc cũng muốn mượn sức Tây Sơn diệt họ Nguyễn nên nhân danh Chúa Trịnh thuận cho Nguyễn Nhạc hàng, phong làm "Tây Sơn trưởng hiệu tráng tiết tướng quân". Dù thế, Hoàng Ngũ Phúc vẫn không cho lui quân, đóng sát địa giới Quảng Ngãi, có ý chờ nếu Tây Sơn bại trận sẽ tiến vào chiếm Quảng Ngãi và Quy Nhơn.[26]

Xuất quân thắng trận

Tạm yên phía Bắc nhưng Tây Sơn vẫn còn ở vào tình thế nguy hiểm, chỉ có một lựa chọn là phải thắng trận để chiếm lại Phú Yên từ tay quân Nguyễn, nếu không sẽ bị quân Trịnh đánh từ phía sau. Trong tình thế các tướng đều bạc nhược do thua trận, Nguyễn Nhạc quyết định cử Nguyễn Huệ khi đó mới 23 tuổi, làm chủ tướng mang quân vào Nam. Để hỗ trợ cho Nguyễn Huệ, nhân nắm con bài Nguyễn Phúc Dương trong tay, Nguyễn Nhạc gả con gái cho Dương, rồi sai người vào Phú Yên điều đình với Tống Phúc Hiệp bàn việc lập Phúc Dương làm chúa và cùng đánh Trịnh. Tướng Nguyễn Tống Phước Hiệp tin lời, không phòng bị gì cả. Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ đánh úp phá được.[27] Nguyễn Huệ bắt sống Nguyễn Khoa Kiên, giết Nguyễn Văn Hiền. Tướng của Chúa Nguyễn ở Bình Khang là Bùi Công Kế mang quân ra cứu bị Nguyễn Huệ bắt sống, lưu Lý Tài ở lại Phú Yên. Tướng Chúa Nguyễn khác là Tống Văn Khôi ở Khánh Hoà ra đánh cũng bị Nguyễn Huệ giết tại trận.[28]

Hoàng Ngũ Phúc nhân lúc Tây Sơn mang quân vào Nam liền lấn tới đóng quân ở Châu Ổ thuộc Quảng Ngãi. Nguyễn Nhạc lấy công việc Nguyễn Huệ phá được quân Chúa Nguyễn, xin với Hoàng Ngũ Phúc phong cho Nguyễn Huệ làm "Tây Sơn hiệu tiền tướng quân". Gặp có dịch bệnh, quân Trịnh chết quá nửa, trước đó đất Thuận Hóa bị mất mùa lớn nên quân lương bị thiếu. Bản thân Hoàng Ngũ Phúc cũng tuổi già sức yếu, tới mức không thể tự đi đứng được, đều phải có người hầu nâng nhấc[29] Nguyễn Nhạc đã biết tin Hoàng Ngũ Phúc bệnh nặng nhưng không đem quân tấn công lại[30] (để Hoàng Ngũ Phúc yên tâm mà tự rút quân). Quả nhiên Hoàng Ngũ Phúc đặt mật kế hồi binh về Phú Xuân. Có người khuyên Hoàng Ngũ Phúc ở lại, Phúc không nghe, xin rút quân về giữ đất Thuận Hóa, Trịnh Sâm y cho. Đến tháng 10 năm 1775, Hoàng Ngũ Phúc chết trên đường về Bắc, như vậy quân Đàng Ngoài đã mất đi viên tướng thiện chiến nhất của mình.[31]

Đến tháng 11 năm 1775, nhân lúc quân Trịnh rút khỏi Quảng Nam, 2 người con của Chúa Nguyễn Phúc Khoát khởi binh chiếm giữ. Năm ấy mất mùa, quân Nguyễn bị thiếu lương. Nguyễn Nhạc bèn điều Nguyễn Huệ từ Phú Yên ra đánh tan quân Nguyễn, lấy lại Quảng Nam. Chiến thắng Phú Yên là dấu ấn đầu tiên của Nguyễn Huệ trên con đường binh nghiệp của ông sau này. Từ đây ông trở thành chỗ dựa vững chắc cho Nhà Tây Sơn.

Nguyễn Nhạc bảo Nguyễn Văn Duệ giữ đất Quảng Nam. Cùng tháng, Chu Văn Tiếp người Phú Yên đem 1000 quân theo về Chúa Nguyễn. Về phía Tây Sơn, tướng người Hoa Lý Tài do Nguyễn Nhạc dần đối xử bạc nên đem quân đầu hàng Chúa Nguyễn (có sách khác cho rằng Lý Tài không được phong tướng quân như Nguyễn Huệ nên bất mãn). Năm 1776, Nguyễn Nhạc tự xưng là Tây Sơn vương, phong cho Nguyễn Huệ làm Long Nhương tướng quân. Sai em là Nguyễn Lữ đem thủy quân đi vào đánh Gia Định, vào tháng 6 quân của Nguyễn Lữ bị đánh bại, phải rút theo đường biển về Quy Nhơn mang theo 200 thuyền lương. Cùng năm tướng Nguyễn là tướng Tống Phước Hiệp mất.[32]

Tiến công Gia Định

Bấy giờ quân của Chúa Nguyễn – Định vương Nguyễn Phúc Thuần có hai lực lượng chính do Đỗ Thanh Nhân và Lý Tài chỉ huy. Khi Lý Tài đầu hàng tướng Nguyễn là Tống Phước Hiệp, Đỗ Thanh Nhân lúc ấy mắng Lý Tài là vì thế nên hai người xảy ra hiềm khích. Tống Phước Hiệp chết, Đỗ Thanh Nhân lên làm chủ tướng, Lý Tài lo sợ bèn đưa quân giữ núi Chiêu Thái. Thanh Nhân đánh không được, đắp lũy để giữ. Đến tháng 10 năm 1776, Đông cung Nguyễn Phúc Dương bị Tây Sơn tấn công nên vượt biển từ Quy Nhơn vào Gia Định. Chúa Nguyễn Nguyễn Phúc Thuần ra đón về tại nơi ở của mình. Lúc ấy, Lý Tài đem quân đến đánh, quân Chúa Nguyễn do Đỗ Thanh Nhân chỉ huy bỏ chạy, Đông cung Nguyễn Phúc Dương ra mặt, quân của Lý Tài đều rạp xuống quỳ lạy. Lý Tài ép Nguyễn Phúc Thuần nhường ngôi cho Nguyễn Phúc Dương làm Tân chính vương, còn Nguyễn Phúc Thuần làm Thái Thượng Vương, Lý Tài trở thành Bảo giá Đại tướng quân.[33][34][35]

Tháng 3 năm 1777, Nguyễn Nhạc lại cử Nguyễn Huệ làm tướng mang thủy quân vào đánh Gia Định.[35] Lý Tài thua trận bỏ chạy khỏi thành và đưa 2 Chúa Nguyễn về Hóc Môn. Sau Lý Tài rút khỏi Hóc Môn về Ba Giồng[36] bị Đỗ Thanh Nhân đón đường giết chết. Nguyễn Phúc Thuần theo Đỗ Thanh Nhân giữ Tranh Giang, Nguyễn Phúc Dương theo tướng Trương Phúc Thận giữ Tài Phụ. Nguyễn Huệ chia đường đánh bại cả hai cánh quân Nguyễn. Nguyễn Phúc Thuần và Đỗ Thanh Nhân phải bỏ chạy về Cần Thơ cầu viện Tổng binh Hà TiênMạc Thiên Tứ, còn Nguyễn Phúc Dương bỏ chạy về Ba Việt (Bến Tre).

Nguyễn Huệ đánh bại Mạc Thiên Tứ. Nguyễn Phúc Thuần sai Đỗ Thanh Nhân lẻn ra Bình Thuận cầu cứu Chu Văn Tiếp, Trần Văn Thức. Nguyễn Nhạc nhân lúc Nguyễn Huệ thắng trận ở Nam Bộ cũng cử binh đánh Phú Yên, Bình Thuận. Trần Văn Thức chưa ra khỏi Bình Thuận đã bị quân Tây Sơn giết chết, Chu Văn Tiếp bỏ chạy. Nguyễn Nhạc chiếm lại Phú Yên đến Bình Thuận.

Tháng 9 năm 1777, Nguyễn Huệ mang quân bao vây tấn công Ba Việt, bắt sống Nguyễn Phúc Dương và toàn bộ quân tướng. Dương và 18 tướng tuỳ tùng bị đưa về Gia Định xử tử (vào tháng 10 năm 1777).[37] Nguyễn Phúc Thuần bại trận bỏ Cần Thơ sang Long Xuyên, định chờ Mạc Thiên Tứ lấy tàu để chạy sang Trung Quốc cầu viện nhà Thanh[38] nhưng bị quân Tây Sơn đuổi đến nơi, bắt được Nguyễn Phúc Thuần mang về Gia Định xử tử tháng 10 năm 1777. Nguyễn Ánh, Đỗ Thanh Nhân và Mạc Thiên Tứ trốn thoát mỗi người một nơi.

Như vậy trong vòng 7 tháng, Nguyễn Huệ đánh thắng và bắt giết được cả hai Chúa Nguyễn, Nhà Tây Sơn từ chỗ bị dồn về Quy Nhơn đã chủ động giành lại không những Nam Trung Bộ mà cả Nam Bộ, tiêu diệt thế lực của Chúa Nguyễn.

Sau khi Nguyễn Huệ rút đại quân về, Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế (1778), niên hiệu là Thái Đức, ông phong cho Nguyễn Huệ là Long Nhương tướng quân.[39] Các tướng cũ của chúa Nguyễn lại lập Nguyễn Ánh làm chúa, chiếm lại Gia Định. Được các lực lượng phương Tây như Pháp, Bồ Đào Nha giúp sức,[40] Nguyễn Ánh lại mạnh lên. Thái Đức hoàng đế sai tướng vào đánh nhưng lại bị thua và mất thêm Bình Thuận.

Tháng 3 năm 1782, Nguyễn Huệ cùng vua Thái Đức mang quân thủy bộ Nam tiến, phá tan quân Nguyễn, giết chết cai cơ người Pháp là Manuel (Mạn Hoè). Nguyễn Ánh bỏ chạy về Hậu Giang. Vua Thái Đức chiếm lại Nam Bộ, sai người giao hảo với Chân Lạp (Campuchia) và đề nghị hợp tác đánh Nguyễn Ánh. Chân Lạp chia quân đón bắt được đoàn cầu viện Xiêm La của Nguyễn Ánh và suýt bắt được ông. Trong một trận đánh, tướng Tây Sơn là Phan Ngạn bị bắn chết, Nguyễn Nhạc cho rằng lực lượng Nghĩa Hòa Đoàn của người Trung Quốc bắn chết, Phan Ngạn, liền sai tàn sát hơn 1 vạn người Hoa ở Gia Định.[41] Nguyễn Ánh trốn ra đảo Phú Quốc.

Anh em Tây Sơn rút quân về Bắc, Chu Văn Tiếp lại từ Bình Thuận mang quân vào đánh chiếm được Gia Định và đón Nguyễn Ánh trở về. Tháng 2 năm 1783, Nguyễn Nhạc lại sai Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ mang quân Nam tiến. Dù Nguyễn Ánh đã lập tuyến phòng thủ trước[42] vẫn bị quân Tây Sơn phá tan và Ánh buộc phải bỏ chạy về Đồng Tuyên. Nguyễn Huệ đánh phá Đồng Tuyên, Nguyễn Ánh lại bỏ chạy ra Hà Tiên rồi trốn ra đảo Phú Quốc. Tháng 8-1783, quân Tây Sơn truy kích, Nguyễn Ánh chạy một vòng ra các đảo Cổ Long, Cổ Cốt rồi lại quay về Phú Quốc. Quân Tây Sơn vây đánh nhưng lúc đó có bão biển, các thuyền Tây Sơn phải giãn ra, sau 7 ngày đêm lênh đênh trên biển, Nguyễn Ánh thừa cơ lại trốn thoát, chạy hẳn ra đảo Thổ Chu cách xa đất liền rồi đầu năm sau tự mình sang Xiêm cầu viện.

Trận Rạch Gầm - Xoài Mút

Tượng đài kỷ niệm chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút trong khu di tích lịch sử Rạch Gầm-Xoài Mút, Châu Thành
Đạn dược sử dụng trong thời Tây Sơn

Tháng 2 năm Giáp Thìn (1784), Nguyễn Ánh sang Xiêm La hội kiến với vua Xiêm La là Chất Tri (Chakri, Rama I) tại Vọng Các (Bangkok). Vua Xiêm sai hai tướng là Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem 2 vạn quân thủy cùng 300 chiếc thuyền sang giúp. Ngoài ra còn có 3 vạn quân bộ tiến sang Chân Lạp với danh nghĩa giúp vua Chân Lạp, nhưng thực chất ý đồ nhằm tạo gọng kìm phía tây, chờ cơ hội tiêu diệt quân Tây Sơn.[43]

Quân Xiêm nhanh chóng lấy được Rạch Giá, Ba Thắc, Trà Ôn, Mân Thít, Sa Đéc, ra tay cướp phá bừa bãi.[43] Tướng Tây Sơn giữ đất Gia Định là phò mã Trương Văn Đa,[h] thấy quân Xiêm thế lực mạnh, bèn cố thủ tại Gia Định và sai người về Quy Nhơn báo. Vua Tây Sơn sai Nguyễn Huệ đem binh vào chống giữ.

Sau khi vào Gia Định, Nguyễn Huệ đánh vài trận nhưng không thắng, có ý rút binh nhưng gặp dịp một tướng của Nguyễn Ánh là Lê Xuân Giác về hàng bày mưu phục binh.[44] Mưu hợp với ý của Nguyễn Huệ nên ông nghe theo, liền cho bố trí trận địa và nhử quân Xiêm đến gần Rạch GầmXoài Mút[44] (ở phía trên Mỹ Tho) để đánh một trận lớn tiêu diệt quân Xiêm.

Đêm 19 rạng 20 tháng 1 năm 1785 (đêm 9 rạng 10 tháng 12 năm Giáp Thìn), quân Xiêm lợi dụng thủy triều xuôi theo dòng sông để tấn công Mỹ Tho nhằm phá vỡ đội thuyền phòng thủ của Tây Sơn. Quân Tây Sơn giả thua rút dần về hướng Mỹ Tho, nhử đối phương lọt vào trận địa mai phục đoạn Rạch Gầm-Xoài Mút. Quân Xiêm quen mùi thắng nên tiến vào trận mai phục của Tây Sơn,[44] khi quân Xiêm lọt vào trận mai phục, bất ngờ quân Tây Sơn sử dụng pháo bắn uy hiếp dữ dội ở cù lao Thới Sơn và bờ sông Tiền, khóa chặt hai đầu, dồn quân Xiêm vào thế "tiến thoái lưỡng nan". Bên cạnh đó, pháo hỏa hổ ở hai bên bờ nã đạn tới tấp vào đội hình làm quân Xiêm rối loạn, tinh thần hoang mang rồi bỏ chạy. Cùng lúc đó, một đội thuyền cảm tử chở đầy rơm và những vật liệu dễ cháy đâm thẳng vào thuyền quân Xiêm làm cho số bị chìm, số bị cháy. Trong khi đó, cánh quân bộ Xiêm La ngay từ đầu đã bị quân Tây Sơn chặn đánh không cho cứu viện.

Một trận quyết chiến diễn ra trong không đầy một ngày đã tiêu diệt gần như hoàn toàn 2 vạn quân Xiêm,[43] số còn sống sót chỉ được vài nghìn người[44] chạy theo đường thượng đạo trốn về nước. Cánh quân bộ nghe tin thất trận cũng tan rã và tháo chạy. Nhị Vương Xiêm La Chiêu Tăng, Chiêu Sương chạy theo đường bộ về Xiêm; còn Nguyễn Ánh phải chạy ra đảo Thổ Chu rồi về Cổ Cốt được Cai cơ Trung đón sang Xiêm.[44]

Sau trận đánh này, quân Xiêm khiếp đảm trước sức mạnh của Tây Sơn, "ngoài miệng thì nói khoác nhưng trong bụng thì sợ quân Tây Sơn như sợ cọp".[44] Đánh dẹp xong, Nguyễn Huệ đem quân về Quy Nhơn để đô đốc là Đặng Văn Trấn ở lại trấn đất Gia Định.

Tấn công Đàng Ngoài, lật đổ Chúa Trịnh

Đánh chiếm Phú Xuân

Tại Bắc Hà, năm 1782, Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm qua đời, thế tử Trịnh Cán được lập làm Điện Đô Vương. Họ Trịnh vốn phát xuất từ Thanh Hóa, chỉ dùng binh lính từ hai xứ Thanh Hóa và Nghệ An, gọi là ưu binh. Bấy giờ triều đình không kiểm soát được những kiêu binh này nữa, để họ tự làm loạn cùng với người con lớn của Trịnh Sâm[g]Trịnh Tông làm binh biến, giết quan phụ chính là quận Huy Hoàng Tố Lý (cháu lão tướng Hoàng Ngũ Phúc) đưa Trịnh Tông lên ngôi, tức là Đoan Nam Vương (1782-1786). Từ đó ưu binh Thanh Nghệ cậy công, làm ngang, không có kỷ cương gì.

Một tướng người Nghệ An theo phe quận Huy là Tham quân Nguyễn Hữu Chỉnh vốn hào hoa, can đảm, nhiều mưu trí không hợp tác với Trịnh Tông. Do trước đây Chỉnh làm thuộc hạ cho quận Việp Hoàng Ngũ Phúc, từng làm việc giao thiệp với Tây Sơn, đến nay đi đường biển vào Nam theo Nguyễn Nhạc. Nguyễn Nhạc yêu tài và cho làm đô đốc. Nguyễn Hữu Chỉnh muốn trừ kiêu binh, ngày đêm bày mưu cho Tây Sơn.[45][46][47]

Về phía Trịnh, sau khi nhận hàng Nguyễn Nhạc, lão tướng Hoàng Ngũ Phúc rút đại quân về Bắc (1775), để lại Phạm Ngô CầuHoàng Đình Thể giữ thành Phú Xuân. Bắc Hà ngày một suy yếu, khi bình định xong đất Gia Định, Nguyễn Huệ về thành Quy Nhơn, có ý muốn đánh Phú Xuân. Nguyễn Nhạc ngăn lại nói rằng:Con ong có nọc, đừng đến cho nó đốt. Vừa lúc ấy, Phạm Ngô Cầu sai Nguyễn Phu Như ngầm sang Tây Sơn để dò thám, người này vốn quen Nguyễn Hữu Chỉnh, nói với Chỉnh đất Thuận Hóa có thể đánh được. Chỉnh nói lại với Nguyễn Nhạc, Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Hữu Chỉnh làm hữu quân, Võ Văn Nhậm làm tả quân, Nguyễn Lữ đốc thủy quân, theo Nguyễn Huệ quản suất để đánh Phú Xuân.[48]

Bức họa được cho là vẽ Nguyễn Ánh khi đang lưu vong ở Xiêm La năm 1783

Nguyễn Hữu Chỉnh nhận được tin xứ Thanh Nghệ và tứ trấn Bắc Hà đói to, dân chẳng ưa gì lính, nếu lấy được đất Thuận Hóa thì việc bình định thiên hạ không khó. Chỉnh tâu với Nguyễn Nhạc, Nguyễn Nhạc đồng ý, sai Nguyễn Huệ làm chủ tướng tiến đánh Phú Xuân. Thành Phú Xuân được Chúa Trịnh cho ba ngàn quân đóng đồn và ba vạn quân thay phiên canh phòng cẩn mật. Viên quan trấn nhậm là Phạm Ngô Cầu, viên quan phó là Hoàng Đình Thể.

Nguyễn Hữu Chỉnh vốn quen biết Hoàng Đình Thể, liền viết một bức thư gửi cho phó tướng Hoàng Đình Thể, nhưng lại vờ gửi cho chủ tướng quận Tạo-Phạm Ngô Cầu. Phạm Ngô Cầu đâm ra nghi ngờ Hoàng Đình Thể, sau đó Hoàng Đình Thể đánh nhau với Tây Sơn, tên đạn hết, quận Tạo không cho thêm, Thể tức mình lùi voi vào để nói chuyện phải trái, tức thì đội hình rối loạn, bị giết cùng với hai người con trai, Phạm Ngô Cầu đầu hàng, Nguyễn Huệ sai giải về Quy Nhơn chém đầu. Trong khi đó thì Nguyễn Lữ đem quân thủy đánh xong các đồn từ sông Gianh trở vào (xem thêm bài về nhà Tây Sơn và Nguyễn Lữ).[47][49]

Tiến ra Thăng Long lần thứ nhất

Chiếm được Phú Xuân, thừa thắng quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy tiến ra Quảng Bình, thủ tướng quân Trịnh ở đây bỏ chạy, Tây Sơn chiếm được toàn bộ đất Thuận Hóa. Nguyễn Huệ bèn họp các tướng bàn việc sửa lại địa giới La Hà; đồng thời sai làm tờ "lộ bố" (thư báo tin thắng trận) báo tin thắng trận về cho Nguyễn Nhạc. Nguyễn Hữu Chỉnh khuyên Nguyễn Huệ xua quân ra Bắc mà chiếm đất Bắc Hà, Nguyễn Huệ do dự, Nguyễn Hữu Chỉnh nói rằng: Sách địa ký của họ Trịnh có câu Phi đế phi bá, quyền khuynh thiên hạ, truyền tộ bát đại, tiêu tường khởi hoạ (Chẳng đế chẳng bá, quyền nghiêng thiên hạ, truyền được tám đời, trong nhà dấy vạ). Họ Trịnh cầm quyền đã 200 năm, đủ 8 đời chúa, nay sắp bị diệt là đúng với câu ấy. Nguyễn Huệ nghe lời, bèn cho Nguyễn Lữ ở lại Phú Xuân, sai Nguyễn Hữu Chỉnh dẫn thủy binh đi trước, còn mình đi sau hậu ứng.[50][51]

Nguyễn Hữu Chỉnh dẫn thủy binh đi trước, đi qua đất Thanh Nghệ, dừng lại sai du binh vài trăm người đánh các đồn phô trương thanh thế. Quan trấn thủ Thanh Hóa, Nghệ An đều bỏ chạy. Đến tháng 6 năm 1786, Chỉnh chiếm được kho lương lớn ở Vị Hoàng (Nam Định). Chỉnh báo tin cho Nguyễn Huệ thuận theo gió nồm tiến ra, dân Nghệ An thấy bóng lâu thuyền cùng cờ quạt ngoài biển đều than chửi Nguyễn Hữu Chỉnh:"Cõng rắn cắn gà nhà, hắn ta thật có tội. Song cũng là một việc không mấy đời có!".[51][52]

Chúa Trịnh nghe tin đất Nghệ An nguy cấp vội sai Trịnh Tự Quyền mang 27 cơ quân vào Nghệ An chống giữ, nhưng sửa soạn 10 ngày vẫn chưa đi được. Khi đi được 30 dặm, lúc ấy quân Tây Sơn đã đến Vị Hoàng, Tự Quyền mang quân giữ Kim Động. Quan trấn thủ Sơn Nam là Bùi Thế Dận đem quân giữ ở xã Phù Sa, huyện Đông An. Đinh Tích Nhưỡng đem thủy binh ra giữ ở cửa Luộc. Đến đêm có gió Đông Nam, Nguyễn Huệ sai lấy tượng gỗ bỏ lên mấy chiếc thuyền, rồi đánh trống kéo cờ thả thuyền trôi đi. Đinh Tích Nhưỡng dàn trận bắn, bắn mãi mới biết là tượng gỗ. Quân Tây Sơn tiến đánh, Tích Nhưỡng hết thuốc súng, bỏ chạy, đám quân của Trịnh Tự Quyền và Bùi Thế Dận nghe tin tan vỡ cả.[51]

Ở kinh thành, lực lượng ưu binh là quân Thanh - Nghệ, nhưng Chúa Trịnh Khải không sai khiến được, Trịnh Khải đành trao quyền cho quận Thạc - Hoàng Phùng Cơ chỉ huy. Quân Tây Sơn tiến tới Thanh Trì, thủy binh ở đây nghĩ Tây Sơn còn lâu mới đến nên đội hình tản mát, không phòng bị gì, bị chiếm hết thuyền bè. Quân Tây Sơn tiến đến chỗ quân quận Thạc chỉ huy, lúc ấy đang giờ ăn cơm, nghe quân Tây Sơn đến thì bỏ chạy hết, quận Thạc sống sót nhưng mất đến 6 người con. Trịnh Khải tự lên voi giao chiến với Tây Sơn, rốt cuộc thua chạy, bỏ lên Sơn Tây, sau đó tự sát, Nguyễn Huệ chôn theo nghi lễ của bậc đế vương.[51]

Nguyễn Huệ vào thành Thăng Long yết kiến vua Lê Hiển Tông, cấm quân lính cướp phá dân gian. Nguyễn Huệ đem các tướng vào lạy Lê Hiển Tông và dâng sổ quân sĩ, dân đinh để tỏ rõ cái nghĩa tôn phù nhất thống, nghĩa là tự đó về sau Nhà Lê có quyền tự chủ. Vua Lê phong cho Nguyễn Huệ làm Nguyên Soái Uy Quốc Công, và lại gả cho Ngọc Hân Công Chúa. Tháng 7 năm 1786, vua Lê Hiển Tông qua đời, thọ 70 tuổi. Hoàng Tôn là Duy Kỳ lên nối ngôi, đặt niên hiệu là Chiêu Thống.[51][53]

Nguyễn Nhạc vốn không có ý lấy đất Bắc, nay nghe tin Nguyễn Huệ chiếm được Thăng Long, sợ lâu ngày sinh biến, bèn đem theo 500 quân, sau lấy thêm 2000 người nữa, không kể ngày đêm ra Thăng Long. Vua Chiêu Thống muốn nhường mấy quận để làm lễ khao quân nhưng Nguyễn Nhạc từ chối. Hôm sau hai anh em đem quân trở về Nam, tất cả lương thực, kho tàng,... đều đem về Nam hết, để lại cho vua Lê một kho tàng trống không. Hai anh em lại thấy Nguyễn Hữu Chỉnh xảo quyệt, nên muốn bỏ Hữu Chỉnh ở lại. Nguyễn Huệ giữ Hữu Chỉnh ở lại trò chuyện suốt cả ngày, trong khi Tây Sơn thu dọn để về Nam, hòng không cho Chỉnh biết. Đến sáng, Chỉnh thấy quân Tây Sơn về hết, liền chạy về theo dù bị dân kinh kỳ đuổi bắt may chạy thoát, đến đất Nghệ An, Nguyễn Nhạc cho một ít tiền, bảo lưu lại đó.[51]

Xung đột với Nguyễn Nhạc

Theo sách Việt Nam sử lược, khi dẫn quân từ miền Bắc về Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc xưng đế, đồng thời phong vương cho 2 người em và ban cho họ cai quản đất phong:[54] Nguyễn Nhạc xưng là Trung ương Hoàng đế, đóng đô ở Quy Nhơn; Phong Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương, cai quản vùng đất Gia Định; Phong Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương, cai quản vùng đất Thuận Hóa, lấy núi Hải Vân làm giới hạn.

Mâu thuẫn của anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ ngày càng lớn. Vua Tây Sơn vốn không có ý đánh ra Bắc Hà,[55] chỉ muốn chiếm Nam Hà;[56] việc Huệ đánh Bắc Hà là trái ý Nguyễn Nhạc, lại thấy Nguyễn Huệ ở Bắc Hà lâu quá sau khi thắng nên Nguyễn Nhạc đâm ra lo sợ vì khó kiềm chế được Nguyễn Huệ.[57] Sử sách không ghi chép thật rõ ràng về nguyên nhân mâu thuẫn giữa 2 người. Các sử gia nhà Nguyễn cho rằng tại Nguyễn Nhạc tư thông với vợ Nguyễn Huệ [cần dẫn nguồn]. Tuy nhiên, một nguồn từ báo Dân Việt phân tích cho rằng điều này là sai. Theo đó, Nguyễn Huệ lúc đó có 2 vợ còn sống và họ đều ở rất xa Quy Nhơn: bà họ Bùi theo chồng ra cư trú tại Phú Xuân, còn bà Ngọc Hân thì vẫn ở Thăng Long.[58] Có tài liệu khác lại nói rằng Nguyễn Nhạc yêu cầu Nguyễn Huệ đến chầu, nộp vàng bạc lấy từ kho của họ Trịnh ở Bắc Hà nhưng Nguyễn Huệ không chịu; hơn thế vua em lại xin vua anh cho cai quản thêm Quảng Nam nhưng vua anh không chấp thuận[59].

Nguyễn Huệ tỏ ra chống đối Nguyễn Nhạc và binh lính lại rất trung thành với ông.[56] Nguyễn Nhạc phẫn chí, giết công thần Nguyễn Thung[56][60] Nguyễn Huệ đem quân đánh với Nguyễn Nhạc trong vài tháng đầu năm 1787, ông tổng động viên chừng 6 vạn tới 10 vạn quân.[61] Họ đánh nhau dữ dội và sau đó Nguyễn Huệ tiến đến vây thành Quy Nhơn, đắp thành đất, bắn đại bác vào thành. Theo sách Đại Nam thực lục:Huệ cùng Nhạc đánh nhau, giết hại rất nhiều, rồi giảng hòa, Huệ lui quân, giữ từ Thăng Hoa, Điện Bàn trở ra Bắc, đóng ở Phú Xuân, tự xưng là Bắc Bình Vương. Từ đấy Tây Sơn rối từ trong, không còn rảnh mà nhòm ngó miền Nam nữa.[62]

Nguyễn Nhạc bị vây bức quá phải vào đền thờ cha mẹ khóc rồi kêu Đặng Văn Chân từ Gia Định về cứu nhưng quân Đặng Văn Chân tới nơi lại bị Nguyễn Huệ đánh tan, buộc Đặng Văn Chân phải tới hàng.[63] Tuy quân của Nguyễn Huệ trong các cuộc công thành thương vong đến phân nửa[63] nhưng tình thế buộc Nguyễn Nhạc phải lên mặt thành khóc xin em "Nỡ lòng nào mà nồi da xáo thịt như thế".[64] Nguyễn Huệ nể tình anh em, thôi hãm thành và bằng lòng giảng hòa với Nguyễn Nhạc, rồi rút về Thuận Hóa[64]

Lưỡng đầu thọ địch

Tái hiện Lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung tại Núi Bân

Bắc Hà, Chúa Trịnh đã sụp đổ, vua Lê Chiêu Thống nắm được quyền bính, nhưng vị vua này không có tài và tính quyết đoán, triều đình lúc bấy giờ không ai là người có năng lực: hễ thấy có giặc thì bỏ chạy, giặc đi rồi thì kéo nhau ra bàn ngược bàn xuôi, người thì định lập lại nghiệp chúa, kẻ thì muốn tôn phù nhà vua. Lại có dòng dõi họ Trịnh là Trịnh Lệ và Trịnh Bồng chia đảng ra đánh nhau để tranh quyền. Vua Chiêu Thống bất đắc dĩ phải phong cho Trịnh Bồng làm Án Đô Vương, lập lại phủ Chúa. Đảng họ Trịnh lại toan đường hiếp chế nhà vua, vua Chiêu Thống phải xuống mật chiếu vời Nguyễn Hữu Chỉnh, lúc ấy đã nắm binh quyền ở Nghệ An ra giúp. Nguyễn Hữu Chỉnh kéo quân từ Nghệ An ra đánh bại Trịnh Bồng, Trịnh Bồng thua chạy, mấy lần nữa khởi binh vẫn thua, rốt cuộc đi tu, sự nghiệp Chúa Trịnh chấm dứt từ đây. Vua Lê Chiêu Thống phong Nguyễn Hữu Chỉnh chức Đại tư đồ Bằng trung công, Hữu Chỉnh tự quyết đoán mọi việc.[65] Nắm được uy quyền cao ở triều đình, Nguyễn Hữu Chỉnh tỏ ra chuyên quyền, muốn chống lại Tây Sơn.

Tại Đàng Trong, giữa năm 1787, do 2 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đánh nhau, Nguyễn Lữ lại bất tài nên mặt phía Nam của Tây Sơn suy yếu. Nguyễn Ánh từ Xiêm quay trở lại Gia Định. Nguyễn Lữ sợ, bỏ Phạm Văn Tham ở lại giữ Sài Gòn, còn ông giữ Biên Hòa. Nguyễn Ánh làm giả một bức thư của Nguyễn Nhạc gửi cho Nguyễn Lữ, nội dung là lệnh giết Phạm Văn Tham, rồi giả vờ gửi cho Tham. Tham liền kéo quân đến phân trần với Lữ, Lữ tưởng lầm Tham đã đầu hàng kéo quân đánh mình, liền rút về Quy Nhơn, sau đó chết vì bệnh. Nguyễn Ánh chiếm được Gia Định, quân Tây Sơn do Phạm Văn Tham chỉ huy đóng ở Ba Thắc.[66]

Trước tình hình Nam, Bắc đều có biến, Nguyễn Huệ quyết định giải quyết vấn đề phía bắc trước. Ông liền phái Vũ Văn Nhậm, con rể của Nguyễn Nhạc, ra tiêu diệt Nguyễn Hữu Chỉnh. Vũ Văn Nhậm đánh bại Nguyễn Hữu Chỉnh, khiến Chỉnh và hoàng gia họ Lê phải chạy trốn khỏi kinh thành. Sau đó Hữu Chỉnh bị Vũ Văn Nhậm bắt và giết chết, vua Lê Chiêu Thống tìm cách khôi phục nhưng đều không có kết quả. Tháng 4 năm 1788, Lê Chiêu Thống đã bỏ kinh đô, chạy sang lưu vong bên Trung Quốc. Vũ Văn Nhậm bèn lập chú Chiêu Thống là Sùng nhượng công Lê Duy Cận làm giám quốc, bây giờ trong cung chỉ có vài hoàng thân và võ tướng, không ai tâu bày việc gì cả, mọi việc do Vũ Văn Nhậm quyết định. Đến lượt Vũ Văn Nhậm tỏ ra chuyên quyền và có ý chống lại quân Tây Sơn.[67]

Trước đây Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm ra đánh Nguyễn Hữu Chỉnh thì đã có lòng nghi Vũ Văn Nhậm, cho nên lại sai Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân làm tham tán quân vụ để chia bớt binh quyền. Đến khi Văn Nhậm lấy được Thăng Long, giết được Hữu Chỉnh rồi, có ý cậy tài và ra bộ kiêu ngạo. Ngô Văn Sở đem ý ấy viết thư về nói Vũ Văn Nhậm muốn làm phản. Nguyễn Huệ lập tức truyền lệnh kéo quân kỵ, đêm ngày đi gấp đường ra Thăng Long, nửa đêm đến nơi bắt Vũ Văn Nhậm giết đi, rồi truyền gọi các quan văn võ Nhà Lê cho vào yết kiến, đặt quan lục bộ và các quan trấn thủ, để Lê Duy Cận làm giám quốc, chủ trương việc tế lễ, dùng Ngô Thời Nhậm làm Lại Bộ Tả Thị Lang. Còn các quan Nhà Lê thì có người ở lại nhận chức, có người trốn đi, cũng có người tuẫn tiết. Ngô Thì Nhậm khuyên Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế đồng thời vận động các quan lại Nhà Lê suy tôn ông cho hợp cách. Sau ba bức thư suy tôn của quần thần Nhà Lê cùng một chiếu chỉ của Nguyễn Huệ trưng cầu ý dân Bắc Hà về việc ông lên ngôi nhưng tình hình chưa thuận lợi nên Nguyễn Huệ chưa thể lên ngôi. Nguyễn Huệ sắp xếp mọi việc, để Ngô Văn Sở ở lại giữ Bắc Hà, còn mình về Phú Xuân, đem theo một số văn thần.[68][69]

Nguyên vua Lê Chiêu Thống đã mấy lần toan sự khôi phục, nhưng không được, phải nương náu ở đất Lạng Giang; còn bà Hoàng Thái Hậu thì đem hoàng tử sang Long Châu kêu than với quan Nhà Thanh - Trung Quốc, xin binh cứu viện. Bấy giờ quan tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị dâng biểu tâu với vua Càn Long Nhà Thanh xin được đánh An Nam. Vua Càn Long nghe lời tâu ấy, sai Tôn Sĩ Nghị khởi quân bốn tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu, Vân Nam, đem sang đánh Tây Sơn. Tôn Sĩ Nghị chia quân ra làm 3 đạo tổng cộng khoảng 29 vạn quân, sai quan tổng binh tỉnh Vân Nam và Quý Châu đem một đạo sang mạn Tuyên Quang, sai Sầm Nghi Đống là tri phủ Điền Châu đem một đạo sang mạn Cao Bằng. Sĩ Nghị cùng với đề đốc là Hứa Thế Hanh đem một đạo sang mạn Lạng Sơn, hẹn ngày tiến binh sang đánh.[70][71][72]

Mùa đông tháng 10, năm 1788, vua Lê Chiêu Thống đem quân Nhà Thanh do Tôn Sỹ Nghị chỉ huy tiến sang Đại Việt. Tướng trấn thủ của Tây Sơn là Ngô Văn Sở quyết định lui binh, Ngô Văn Sở sau khi đem các đạo quân rút lui, tức tốc sai Nguyễn Văn Tuyết chạy trạm vào Nam cáo cấp. Một mặt chặn ngang đất Trường Yên thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình làm giới hạn, đóng thủy quân ở hải phận Biện Sơn, quân bộ thì chia đồn đóng giữ khắp vùng núi Tam Điệp, hai mặt thủy bộ liên lạc với nhau, ngăn hẳn miền Nam với miền Bắc. Vì thế, việc ở bốn trấn Bắc Hà không hề thấu đến hai xứ Thanh, Nghệ.

Nguyễn Huệ đứng trước hai lựa chọn: Nam tiến hoặc Bắc tiến. Cả hai mặt trận đều khẩn cấp và cần đến ông, tuy nhiên, nếu ông quá sa vào một mặt trận thì mặt trận kia sẽ vỡ. Nguyễn Huệ nhận thức rằng quân ngoại quốc Mãn Thanh phía bắc là nguy cơ lớn hơn và gấp gáp hơn, nhưng vì tình hình nguy cấp nên ông không thể đánh địch theo chiến thuật trường kỳ như triều đại Nhà Lý, Nhà Trần trước đó đã làm để chống quân phương Bắc. Vì vậy, ông quyết định chọn cách đánh thần tốc để sớm giải quyết chiến trường ở miền Bắc. Ngay trước khi tiến quân ra Bắc, ông sai một bầy tôi tin cẩn là Diệm cầm thư của ông vào Nam dặn tướng Phạm Văn Tham cố phòng thủ chờ tiếp viện.[72]

Thống nhất Nhà Tây Sơn, lên ngôi Hoàng đế

Quang Trung lên ngôi Hoàng đế

Theo sách Đại Nam thực lục của Nhà Nguyễn: Tháng 11 năm 1788, Nguyễn Văn Huệ tự lập làm vua, xưng hiệu là Quang Trung năm thứ 1. Chính lệnh của Tây Sơn đều từ Huệ mà ra, Nguyễn Nhạc chỉ giữ đất Quy Nhơn, Phú Yên mà thôi.[73] Theo sách của hai tác giả Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng: Cuối năm 1788, Nguyễn Nhạc tuổi cao lắm bệnh, bất lực không thể cứu ứng Nam Bộ, nên ông chủ động xin nhường ngôi hoàng đế, tự giáng xuống là Tây Sơn vương, nhường hết đất đai và binh quyền cho Nguyễn Huệ (chỉ xin giữ lại thành Quy Nhơn để lo thờ cúng) và thỉnh cầu ông vào cứu. Nguyễn Lữ thì đã bệnh mất, như vậy toàn bộ Nhà Tây Sơn đã được thống nhất dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Huệ.[74].

Để chuẩn bị cho chiến dịch Nam tiến nhằm tiêu diệt nốt thế lực của Nguyễn Ánh và thống nhất đất nước, Nguyễn Huệ tổng động viên binh lính ở Thuận Hoá, ngày đêm tập luyện. Tuy nhiên, khi ông chưa kịp tiến vào Nam thì lại nghe tin Nhà Thanh nghe lời Lê Chiêu Thống cầu viện, sai Tôn Sĩ Nghị mang chừng 29 vạn quân và dân công sang đánh vào Đại Việt[70][71]

Đền Quán Cháo ở phòng tuyến Tam Điệp nơi gắn với câu chuyện người con gái dâng cháo cho nghĩa quân Tây Sơn

Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc, cầu viện hoàng đế Nhà Thanh là Càn Long. Cuối năm 1788, Càn Long sai Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy 20 vạn quân Thanh hộ tống Lê Chiêu Thống về Đại Việt với danh nghĩa "phù Lê", vào chiếm đóng Thăng Long. Khi nghe tin quân Thanh giúp Lê Chiêu Thống sang đánh Tây Sơn, Nguyễn Ánh ở phía nam cũng sai tùy tướng mang thư và chở 50 vạn cân gạo ra giúp cho quân Thanh, nhưng thuyền đi giữa đường bị đắm hết[75].

Quân Tây Sơn do Đại tư mã Ngô Văn Sở, theo mưu kế của Ngô Thì Nhậm,[76] Phan Huy Ích và các mưu thần khác, chủ động rút quân về đóng ở Tam ĐiệpBiện Sơn cố thủ chờ lệnh.[77]

Nghe tin báo quân Thanh tiến vào nước Việt, trước sự sợ hãi của nhiều người, Nguyễn Huệ cười mà nói[78]:

"Chó Ngô (chỉ quân Thanh) thì là cái thá gì, chúng đến đây chỉ để tự đi vào chỗ chết. Việc gì mà phải cuống quýt làm vậy?"

Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22 tháng 12 năm 1788), Nguyễn Huệ xuất quân tiến ra Bắc Hà. Để lấy danh nghĩa chính thống, Nguyễn Huệ quyết định lên ngôi Hoàng đế. Nguyễn Huệ tức tốc cho lập đàn Nam Giao ở núi Bân (cạnh núi Ngự Bình) làm lễ tế cáo trời đất, tuyên bố lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung (nghĩa là ánh sáng ở trung tâm), nhằm vào ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22 tháng 12 năm 1788). Chiếu lên ngôi của vua Quang Trung viết[69]:

Nước Việt ta từ đời Đinh, Lê, Lý, Trần gây dựng ra nước cho đến ngày nay, thánh minh dấy lên không phải là một họ, nhưng thịnh suy, dài ngắn, vận mệnh do trời, không phải sức người tạo ra được. Trước đây Nhà Lê mất chính quyền, họ Trịnh và cựu Nguyễn chia bờ cõi. Hơn hai trăm năm nay, kỷ cương rối loạn, vua Lê chỉ là hư vị, cường thần tự ý vun trồng, giềng mối của trời đất một phen rơi xuống không nâng lên được, chưa có lúc nào hư hỏng quá như lúc này vậy. Vả lại mấy năm gần dây, nam bắc gây việc binh đao, nhân dân rơi vào chốn bùn than
Trẫm hai lần gây dựng họ Lê, thế mà tự quân họ Lê không biết giữ xã tắc, bỏ nước đi bôn vong, sĩ dân Bắc Hà không hướng về họ Lê, chỉ trông mong vào trẫm, về phần đại huynh (Nguyễn Nhạc) có ý mỏi mệt, tình nguyện giữ một phủ Quy Nhơn, tự nhún xưng là Tây Vương, mấy nghìn dặm đất về phương nam thuộc hết về trẫm. Trẫm tự nghĩ tài đức không bằng người xưa, mà đất đai thì rộng, nhân dân thì nhiều, ngẫm nghĩ cách thống trị, lo ngay ngáy như dây cương mục chỉ huy sáu ngựa.
Nay xem khí thần rất hệ trọng, ngôi trời thật khó khăn, trẫm chỉ lo không kham nổi, nhưng ức triệu người trong bốn bể đều xúm quanh cả vào thân trẫm, đó là ý trời đã định, không phải do người làm ra. Trẫm nay ứng mệnh trời, thuận lòng người không thể khăng khăng cố giữ sự khiêm nhường. Trẫm chọn ngày 22 tháng 11 năm nay lên ngôi thiên tử, đặt niên hiệu là Quang Trung năm đầu, truyền bảo cho trăm họ muôn dân phải tuân theo giáo lệnh của nhà vua. Nhân nghĩa, trung chính là đạo lớn của người, trẫm nay cùng dân đổi mới, vâng theo mưu mô sáng suốt của vua thánh đời trước, lấy giáo hóa trị thiên hạ.

Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử đăng bài Hịch đánh Thanh[79], tên bài hịch là "Lời hiếu dụ tướng sỹ" được vua Quang Trung đọc tại lễ lên ngôi:

Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ"
Dịch nghĩa:
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó bánh xe không quay lại
Đánh cho nó manh giáp không trở về
Đánh cho sử biết nước Nam anh hùng có chủ

Thần tốc bắc tiến, Đại phá quân Thanh (1789)

Gươm và súng của quân đội Nhà Tây Sơn.

Ngày 29 tháng 11 năm Mậu Thân (26 tháng 12 năm 1788), đại quân của hoàng đế Quang Trung tới Nghệ An, dừng quân tại đó hơn 10 ngày để tuyển quân và củng cố lực lượng[80][81]. Để có thêm quân đánh Thanh, vua Quang Trung thi hành chính sách cưỡng bách tòng quân. Theo tác giả Hoa Bằng, tất cả nam giới từ 12, 13 đến 60 tuổi đều phải đăng ký vào sổ đinh nam[82]. Theo thư của giáo sĩ La Barette, tất cả nam từ 15 tuổi trở lên đều phải đi lính, người già và phụ nữ phải đi sửa cầu đường[83]. Theo Nguyễn Lương Bích và Phạm Ngọc Phụng, cứ 3 suất đinh thì chọn lấy 1 người đi lính. Trong 10 ngày tuyển quân, Quang Trung đã có thêm khoảng mấy vạn quân, nâng tổng quân số lên tới 10 vạn[84]. Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, số quân cũ và mới của Quang Trung là 10 vạn, được tổ chức thành 5 đạo: tiền, hậu, tả, hữu và trung quân, ngoài ra còn có một đội tượng binh gồm 200 voi chiến. Quang Trung còn tổ chức lễ duyệt binh ngay tại Nghệ An để khích lệ tinh thần và ý chí quyết chiến, quyết thắng của tướng sĩ đối với quân xâm lược Mãn Thanh. Ngay sau lễ duyệt binh, Quang Trung tiến quân ra Bắc Hà.[85]

Các giáo sỹ phương Tây ghi rằng quân của Quang Trung "tiến nhanh như vũ bão... từ Thanh Hoá ra Ninh Bình chỉ mất có một ngày, không quản đường xa khó nhọc đã làm chết nhiều ngựa voi của ông, trong khi người khác phải mất ba bốn ngày". Ngày 20 tháng 12 năm Mậu Thân (15 tháng 1 năm 1789), đại quân của Quang Trung đã ra đến Tam Điệp. Sau khi xem xét tình hình, Quang Trung hẹn ba quân ngày mồng 7 Tết sẽ quét sạch quân Thanh, vào ăn TếtThăng Long. Quang Trung chia quân làm 5 đạo. Một cánh do đô đốc Long chỉ huy từ làng Nhân Mục tập kích đồn Khương Thượng và phía tây Thăng Long. Cánh đô đốc Bảo tiến đánh các đồn phía nam Thăng Long. Trung quân do đích thân Quang Trung chỉ huy, phối hợp với đô đốc Bảo đánh diệt các đồn phía nam Thăng Long. Cánh đô đốc Tuyếtđô đốc Lộc theo đường biển ra Bắc, chặn đường lui của địch ở phía bắc sông Nhị Hà và huyện Phượng Nhãn.

Đêm 30 tháng Chạp âm lịch, quân Tây Sơn đánh diệt đồn Gián Khẩu của các tướng Lê Chiêu Thống. Sau đó Quang Trung đánh diệt các đồn Nguyệt Quyết, Nhật Tảo, dụ hàng được đồn Hà Hồi. Đêm mồng 4 Tết, Quang Trung tiến đến trước đồn lớn nhất của quân Thanh là Ngọc Hồi nhưng dừng lại chưa đánh khiến quân Thanh lo sợ, phần bị động không dám đánh trước nhưng cũng không biết bị đánh lúc nào. Trong khi đó cánh quân của đô đốc Long bất ngờ tập kích đồn Khương Thượng khiến quân Thanh không kịp trở tay, hàng vạn lính bỏ mạng. Chủ tướng Sầm Nghi Đống tự vẫn. Xác quân Thanh chết sau xếp thành 13 gò đống lớn,[86] có đa mọc um tùm nên gọi là gò Đống Đa.

Đô đốc Long tiến vào đánh phá quân địch phòng thủ ở Tây Long. Sáng mồng 5, Quang Trung mới cùng đô đốc Bảo tổng tấn công vào đồn Ngọc Hồi. Trước sức tấn công mãnh liệt của Tây Sơn, quân Thanh bị động thua chết hàng vạn, phần lớn các tướng bị giết.[87] Trong khi Quang Trung chưa đánh Ngọc Hồi thì Tôn Sĩ Nghị nghe tin đô đốc Long đánh vào Thăng Long, cuống cuồng sợ hãi đã bỏ chạy trước. Đến sông Nhị Hà, sợ quân Tây sơn đuổi theo, Tôn Sĩ Nghị hạ lệnh cắt cầu khiến quân Thanh rơi xuống sông chết rất nhiều làm dòng sông bị nghẽn dòng chảy. Trên đường tháo chạy, Tôn Sĩ Nghị bị hai cánh quân Tây Sơn của đô đốc Tuyết và đô đốc Lộc chặn đánh, tơi tả chạy về. Lê Chiêu Thống hớt hải chạy theo Nghị thoát sang bên kia biên giới. Quân Tây Sơn đuổi theo và rao lên rằng sẽ đuổi qua biên giới đến khi bắt được Tôn Sĩ Nghị và Chiêu Thống mới thôi. Bởi thế dân Trung Quốc ở biên giới dắt nhau chạy làm cho suốt vài chục dặm không có người.[88][89]

Như vậy, sớm hơn dự kiến, chỉ trong vòng 6 ngày, quân Tây Sơn đã đánh tan quân Thanh. Trưa mùng 5 Tết, Quang Trung tiến quân vào thành Thăng Long trong sự chào đón của nhân dân.

Ngô Ngọc Du là một nhà thơ đương thời, đã ghi lại không khí tưng bừng của ngày chiến thắng oanh liệt đó trong một bài thơ[90]:

Chính sách cai trị thời hậu chiến

Chính trị

Nguyễn Huệ tuy đã thụ phong Nhà Thanh, nhưng bên trong tự coi mình là Hoàng Đế, lập bà Ngọc Hân con vua Lê Hiển Tông Nhà Lê làm Bắc Cung Hoàng Hậu, lập con là Quang Toản làm Thái Tử. Lấy thành Nghệ An là đất giữa nước và lại là đất tổ khi xưa ở đó, mới sai thợ thuyền tải vận đá, gỗ, gạch, ngói, sửa sang đền đài cung điện, và sai quân các đạo đào lấy đá ong để xây nội thành, gọi là Phượng Hoàng Trung Đô. Cải thành Thăng Long là Bắc Thành, chia đất Sơn Nam ra làm hai trấn, gọi là Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ. Mỗi trấn đặt quan trấn thủ và quan hiệp trấn. Mỗi huyện, văn thì đặt chức phân tri để xét việc kiện cáo, võ thì đặt chức phân suất để coi việc binh lương.[91]

Lược đồ vùng kiểm soát của Nguyễn Ánh, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ (theo thứ tự từ Nam ra Bắc) tại Việt Nam năm 1788. Vùng của Nguyễn Huệ được đánh dấu bằng màu đỏ. Tới cuối năm 1788, Nguyễn Nhạc từ bỏ đế hiệu và bàn giao toàn bộ lãnh thổ của mình (màu cho Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ cai quản toàn bộ lãnh thổ Nhà Tây Sơn cho tới khi mất

Quang Trung chia vùng cai quản thuộc đất Nhà Lê cũ thành các xứ (trấn) như sau:[92]

  1. Xứ Đông (Hải Dương)
  2. Xứ Bắc (Kinh Bắc)
  3. Xứ Đoài (Sơn Tây)
  4. Xứ Yên Quảng
  5. Xứ Lạng (Lạng Sơn)
  6. Xứ Thái (Thái Nguyên)
  7. Xứ Tuyên (Tuyên Quang)
  8. Xứ Hưng (Hưng Hóa)
  9. Xứ Nghệ (Nghệ AnHà Tĩnh)
  10. Sơn Nam Thượng (Hà ĐôngHà Nam)
  11. Sơn Nam Hạ (Nam ĐịnhThái Bình)
  12. Thanh Hóa ngoại (Ninh Bình)
  13. Thanh Hóa nội (Thanh Hóa).

Quan chế

Ấn tín thời Tây Sơn

Bộ máy hành chính thời Quang Trung gồm: Tam công, Tam thiếu, Đại chủng tể, Đại Tư đồ, Đại Tư khấu, Đại Tư mã, Đại Tư không, Đại Tư Lệ, Thái úy, Ngự úy, Đại Tổng quản, Đại Đô hộ, Đại đô đốc, Đô đốc, Nội hầu, Hộ giá, Điểm kiểm, Chỉ huy sứ, Đô ty, Đô úy, Trung úy, Vệ Úy, Tham đốc, Tham lĩnh, Trung Thư lệnh, Phụng Chính, Thị Trung đại học sĩ, Hiệp biện đại học sĩ, Lục Bộ Thượng thư, Tả - Hữu đồng nghi, Tả - Hữu phụng nghi, Thị Lang, Tư vụ, Hàn Lâm...[93][94]

Mỗi trấn đặt một trấn thủ về hàng võ và một hiệp trấn về hàng văn.[94] Mỗi huyện đặt một văn phân tri, một võ phân suất, một tả quản lý và một hữu quản lý.[94] Công việc của quan văn là trưng đốc binh lương, xét xử từ tụng.[93] Phận sự của quan võ là coi quản và thao diễn quân lính từ Đạo đến Cơ, từ Cơ đến Đội.[93] Trong các xã, thôn thì có xã trưởng, thôn trưởng. Hàng tổng thì đặt Tổng trưởng (như chức Chánh Tổng về sau) để giữ việc hành chính trong một tổng.[93] ông cũng cho soạn một bộ luật tên là "Hình luật thư", nhưng chưa xong thì ông đột ngột mất nên mãi không hoàn thành.[95]

Để phát triển quốc gia, Quang Trung rất chú trọng thu dụng các nhân tài từng phục vụ Nhà Lê. Ông ban "Chiếu cầu hiền" có đoạn:Trẫm đang ghé chiếu lắng nghe, thức ngủ mong mỏi mà có người tài cao học rộng chưa từng thấy đến. Hay Trẫm ít đức không đáng để phò tá chăng? hay đang thời đổ nát chưa thể ra phụng sự?... Trẫm nơm nớp lo nghĩ, một ngày hai ngày cũng có hàng vạn sự việc nảy sinh Ngẫm cho kỹ: cái nhà to lớn - sức một cây không dễ gì chống đỡ, sự nghiệp thái bình - sức một người không thể đảm đương. Các cựu thần nhà Lê cũ, tiêu biểu là các tiến sĩ Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy Tấn, Nguyễn Nễ, Nguyễn Huy Lượng, Bùi Dương Lịch,... đã ra giúp Nhà Tây Sơn. Danh sĩ Nguyễn Thiếp sau nhiều lần từ chối, cuối cùng cũng nhận lời xuống núi giúp vua Quang Trung.

Phát triển giáo dục

Năm 1792, Quang Trung ra chiếu chỉ về việc dịch sách chữ Hán sang chữ Nôm. Quang Trung chủ trương bỏ Hán ngữ như là ngôn ngữ chính thức trong các văn bản của quốc gia. Ngôn ngữ chính thức được sử dụng là tiếng Việt và được viết trong các văn kiện hành chính bằng hệ thống chữ Nôm.[96] Quang Trung quy định các bài hịch, chiếu chỉ phải soạn bằng chữ Nôm; đề thi viết bằng chữ Nôm, và đến đệ tam trường các sĩ tử phải làm thơ phú bằng chữ nôm. Ông còn chủ trương thay toàn bộ sách học chữ Hán sang chữ Nôm nên năm 1791 đã cho lập "Sùng chính viện" để dịch kinh sách từ Hán sang Nôm.[96]

Theo sách Tây Sơn lược thuật, ông chọn một quan văn "5 ngày một lần vào cấm cung để giảng giải kinh sách".[96] Ngoài ra, Quang Trung quan tâm đưa việc học đến tận thôn xã. Trong "Chiếu lập học" ông lệnh cho các xã::[96] "Phải chọn Nho sĩ bản địa có học thức, có hạnh kiểm đặt làm thầy dạy, giảng tập cho học trò". Lần đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam, trường học được phổ biến xuống tận cấp xã.

Về nội dung giáo dục, Quang Trung rất chú ý chỉnh đốn lại chế độ học tập và thi cử. Ông muốn gạt bỏ lối thi cử nặng về học thuộc lòng sáo rỗng, công thức của các thời trước, thay vào đó là lối học thiết thực hơn nhằm đào tạo những người có năng lực hoạt động thực sự, theo đúng tinh thần "kết hợp học với hành" như đề nghị của Nguyễn Thiếp: "Theo điều học biết mà làm, hoạ may nhân tài mới có thể thành tựu, nhà nước nhờ đó mà được vững yên"

Chủ trương dùng chữ Nôm, bỏ lối thi cử khuôn sáo nói lên hoài bão rất lớn của Quang Trung muốn cả nước thoát ly hẳn sự lệ thuộc vào văn tự của nước ngoài, chống chính sách đồng hoá của các triều đình phong kiến phương Bắc, cũng như thái độ coi khinh ngôn ngữ dân tộc của các giai cấp phong kiến trong nước. Nhưng chính sách này làm cho một số sĩ phu Nho giáo rất tức tối, vì họ cho rằng chữ Hán mới đích thực là tinh túy của sự học tập. Theo Trần Trọng Kim nhận xét trong Việt Nam sử lược, những chính sách này đều có tác dụng tốt, nhất là việc thay chữ Hán bằng chữ Nôm. nhưng Thời bấy giờ nhiều người không hiểu rõ cái ý nghĩa sâu xa ấy, cho là vua Tây Sơn dùng hà chính mà ức hiếp nhân dân.[97]

Sau này, khi Nguyễn Ánh đánh đổ nhà Tây Sơn và lên ngôi, ông đã xóa bỏ việc dùng chữ Nôm của Quang Trung và khôi phục lại lối thi cử, viết văn bản bằng chữ Hán.

Chỉnh đốn tôn giáo

Quang Trung có một chính sách tôn giáo rất tự do và rộng rãi:[98] dù là người đề cao Nho giáo nhưng ông vẫn bảo đảm hoạt động cho các tôn giáo khác như Phật giáo và các tín ngưỡng khác. Về Công giáo, các giáo sĩ được tự do hoạt động, truyền đạo, xây dựng nhà thờ.[98] Nhưng đồng thời ông cũng thi hành chính sách bài trừ mê tín dị đoan rất mạnh, chấn chỉnh lại việc tu hành: nhiều chùa ở các làng có mà người tu hành lạm dụng để truyền bá mê tín dị đoan bị đập bỏ để xây duy nhất một ngôi chùa ở huyện cấp trên[99], đồng thời những người tu hành không đạo đức, những kẻ lưu manh, lười biếng đều phải hoàn tục.[98] Theo Trần Trọng Kim, những việc cải cách ấy rất có nghĩa lý, nhưng vì thủa ấy có nhiều sự chiến tranh, vả lại Quang Trung cũng không làm vua được bao lâu thì đã băng hà, cho nên thành ra không có công hiệu gì cả.[97]

Phát triển sản xuất

Đồng tiền cổ với bốn chữ "Quang Trung thông bảo"
Đồng tiền cổ với bốn chữ "Quang Trung đại bảo"

Một mặt lo chống thù trong giặc ngoài, mặt khác vua Quang Trung rất quan tâm tới việc xây dựng đất nước. Vua phân phối đất đai cho những nông dân nghèo, thúc đẩy thủ công nghiệp từng bị cấm trước kia.

Về thủ công nghiệp, Quang Trung chú trọng mở các xưởng đúc tiền, đúc vũ khí, đóng thuyền chiến, sản xuất những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của đất nước. Những xưởng đóng thuyền chiến phục vụ chiến tranh thời Quang Trung đã đóng được thuyền lớn mang nhiều đại bác, có thể chở được voi[100].

Về nông nghiệp, Quang Trung có một chính sách thuế đơn giản với thuế ruộng là chính: ruộng chia ra làm ba hạng để đánh thuế nhất đẳng điền (150 bát thóc), nhị đẳng điền (80 bát thóc), tam đẳng điền (50 bát thóc). Lại thu tiền thập vật, mỗi mẫu một tiền và tiền khoán khố mỗi mẫu 50 đồng. Ruộng tư điền cũng đánh thuế: nhất đẳng điền mỗi mẫu nộp 40 bát thóc, nhị đẳng điền mỗi mẫu 30 bát, tam đẳng điền mỗi mẫu 20 bát. Tiền thập vật cũng theo như ruộng công điền, còn tiền khoán khố thì mỗi mẫu phải nộp 30 đồng Các loại thuế khác như thuế điệu, thuế nhân đinh được giảm để giảm bớt gánh nặng của dân chúng và phòng ngừa tham nhũng.[101] Ngoài ra, triều đình còn ban lệnh các địa phương phải đảm bảo giải quyết hết diện tích ruộng đất bỏ hoang, nếu hết thời hạn vẫn bỏ hoang không khai khẩn thì ruộng công sẽ chiếu theo ngạch thuế thu gấp đôi, nếu là ruộng tư thì thu thành ruộng công[102]. Quang Trung cũng ra lệnh những người lang thang, ngụ cư ở những nơi nhất thiết phải trở về nguyên quán làm ăn, chỉ trừ những người đã sinh cơ lập nghiệp ở xã khác được từ ba đời trở lên. Những xã nào chấp chứa những người trốn tránh, vi phạm pháp lệnh trên thì bản thân người trốn tránh và cả xã trưởng sở tại cũng bị trừng phạt. Bọn lưu manh, những người trốn tránh lao động vào ẩn nấp trong các chùa cũng phải hoàn tục trở về quê hương làm ăn.

Nhờ chính sách này, sản xuất nông nghiệp bước đầu được khôi phục. Đến vụ mùa năm 1791, mùa màng thu hoạch tốt, một nửa số địa phương trong nước khôi phục được cảnh như thời thái bình trước đây[103]. Bài phú Tụng Tây Hồ của Nguyễn Huy Lượng phản ánh tình hình đó với những câu: "Tới Mậu Thân (1788), từ rỡ vẽ tường vân, sông núi khắp nhờ công đảng địch; qua Canh Tuất (1790), lại tưới cơn thời vụ, cỏ cây đều gội đức chiêm nhu"

Phát triển ngoại thương

Vua Quang Trung có tư tưởng tiến bộ, vua không đi theo con đường "trọng nông ức thương" mà chủ trương đề cao thương nghiệp và mở rộng quan hệ buôn bán giữa Đại Việt với nước ngoài.[101] Trong lần gặp với Nguyễn Thiếp tại Nghệ An cuối năm 1788, Quang Trung đã bày tỏ hoài bão của mình là muốn xây dựng một nền kinh tế công thương nghiệp phát triển, đảm bảo cung cấp mọi nhu cầu thiết yếu cho nhân dân.

Sau ngày lên ngôi hoàng đế và quản lý cả khu vực Bắc Bộ, Quang Trung bãi bỏ chính sách ức thương mà chính quyền Lê-Trịnh trước đây áp dụng để tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông, thúc đẩy sản xuất phát triển. Do chính sách nâng đỡ của Quang Trung, tình hình công thương nghiệp bị đình trệ hàng thế kỉ đã được phục hồi và dần dần đã có những biểu hiện phát triển rõ rệt. Kinh tế công thương nghiệp càng được phục hồi và phát triển mạnh mẽ, nhất là trung tâm kinh tế Thăng Long. Nguyễn Huy Lượng ghi lại trong bài phú Tụng Tây Hồ như sau: "Ở đây cảnh hoang tàn của những năm cuối thời Lê mạt, buổi ấy cũng góp phần tan hải, sáu thu trời bao xiết nỗi hoang khổ đã biến mất, để nhường chỗ những hoạt động công thương nghiệp nhộn nhịp", "Khách Ngô Sở chợ tây ngồi san sát..., rập rền cuối bãi Đuôi nheo, thuyền thương khách chen buồm như bươm bướm..."

Đối tác ngoại thương lớn nhất khi đó vẫn như truyền thống là Trung Quốc[104]. Năm 1790, ông cử người thương thuyết với Nhà Thanh để mở một thương điếm tại Nam Ninh (Quảng Tây) mua bán hàng hoá giữa hai nước.[101] Ông khuyến khích giao thương giữa các thuyền của thương thuyền nước ngoài và các thương thuyền của Đại Việt.[101]

Sau này, khi Nguyễn Ánh đánh đổ nhà Tây Sơn và lên ngôi, ông ta đã xóa bỏ chính sách khuyến khích ngoại thương rất tiến bộ của Quang Trung, thay vào đó là chính sách ngăn cấm giao thương buôn bán với nước ngoài. Sau khi Nhà Tây Sơn sụp đổ, các thương nhân nước ngoài đến buôn bán tại Việt Nam vẫn có sự so sánh về chính sách thương mại của Quang Trung với Nhà Nguyễn. Thương nhân người Anh là Crafurd khi đến Việt Nam năm 1822, dẫn lại lời các Hoa kiều từng sống ở Huế dưới thời Tây Sơn cho rằng: anh em Tây Sơn cai trị ôn hòa và công bằng hơn vị vua hiện tại (Minh Mạng) hay người cha (Gia Long)[3].

Chính sách thuế khóa

Sau khi lên ngôi, Quang Trung cho thi hành những chính sách thuế khoá đơn giản và bãi bỏ nhiều thứ thuế phức tạp trước đây và giảm thuế cho người dân. Về thuế ruộng được chia làm hai loại, gồm ruộng công và ruộng tư với mức thuế khác nhau.

Về thuế nhân đinh, Quang Trung cũng giảm nhẹ hơn thời các chúa Trịnh. Quang Trung chỉ giữ lại thuế đinh, bỏ hẳn thuế điệu, mỗi suất đinh hàng năm nộp chừng 1 quan 2 tiền (thời Chúa Trịnh thì mỗi suất đinh nộp 1 quan 2 tiền và 4 bát gạo, lại nộp thêm 6 tiền thuế điệu). Năm 1789, Quang Trung ra lệnh bãi bỏ thuế điệu cho nhân dân từ sông Gianh trở ra (tức khu vực Đàng Ngoài) nhằm mục đích "bớt thuế, thương dân".

Về thuế thổ sản và thuế công thương nghiệp, Quang Trung cũng bãi bỏ một số mức thuế nặng nề trước đây để tạo điều kiện sản xuất và kinh doanh dễ dàng cho giới công thương. Riêng việc thông thương với Trung Quốc qua vùng biên giới thì được miễn thuế hoàn toàn.

Chính sách thuế khóa và lao dịch của Nguyễn Ánh sau này nặng hơn rất nhiều so với thời vua Quang Trung. Một giáo sĩ người Pháp tên Guérard nhận xét rằng Gia Long đánh thuế quá nặng lên dân chúng: "Vua Gia Long bóp nặn dân chúng bằng đủ mọi cách, sự bất công và lộng hành làm cho người ta rên xiết hơn cả ở thời Tây Sơn; thuế má và lao dịch thì tăng lên gấp ba". Chính vì việc tăng thuế khóa quá nặng so với thời Tây Sơn nên dân chúng rất bất bình, góp phần tạo nên rất nhiều cuộc khởi nghĩa chống nhà Nguyễn và tâm lý hoài niệm triều Tây Sơn của người dân Việt Nam trong thế kỷ 19.

Quản lý nhân khẩu

Năm 1790, ông cho lập sổ theo dõi nhân khẩu (hay hộ khẩu).[105] Người dân được phân 4 hạng theo lứa tuổi:[105] 9–17 tuổi là hạng "vị cập cách"; 18–55 tuổi là hạng "tráng"; 55–60 tuổi là hạng "lão"; 60 tuổi trở lên là hạng "lão nhiêu".[99] Ông còn cho làm thẻ bài "Thiên hạ đại tín" bằng gỗ có khắc họ tên,[106] quê quán của người mang không phân biệt giàu sang nghèo hèn.[105][106] Chính sách này khiến cho nhân gian nhiễu động, nhiều người phải trốn vào rừng, về sau người kế vị ông đã từ bỏ chính sách tín bài này.[107]

Quan hệ ngoại giao với Trung Quốc

Cháu của Nguyễn Huệ, Nguyễn Quang Hiển, đang trình hòa ước lên các quan Nhà Thanh. Quan Tây Sơn mặc áo tím và đỏ.

Nguyễn Huệ vào thành Thăng Long, hạ lệnh chiêu an, nếu người Trung Quốc ở đâu ra thú tội đều được cấp cho lương ăn, áo mặc. Lại cho rằng vua Thanh thế nào cũng xấu hổ về việc thua trận, nên sai Ngô Thì Nhậm viết thư sang lời lẽ khéo léo nhằm tránh việc binh đao hai nước. Sai sứ giả đem thư sang Trung Quốc, và lại sai đem những quân Nhà Thanh đã bắt được, để ở một nơi, cấp cho lương thực, đợi ngày cho về nước. Xếp đặt mọi việc xong rồi, Nguyễn Huệ đem quân về Nam, lưu Ngô Văn SởPhan Văn Lân ở lại tổng thống các việc quân quốc; còn những việc từ lệnh giao thiệp với nhà Thanh thì ủy thác cho Ngô Thì NhiệmPhan Huy Ích.[108]

Vua Thanh nghe tin Tôn Sĩ Nghị bị đánh bại, sai Phúc Khang An sang thay làm tổng đốc Lưỡng Quảng, đem binh mã chín tỉnh sang kinh lý việc Việt Nam. Phúc Khang An đến Quảng Tây nghe tin quân Tây Sơn mạnh, trong bụng muốn hòa, bèn viết thư cho Nguyễn Huệ với nội dung việc lợi hại và bảo làm biểu tạ tội để tiện việc bang giao. Nguyễn Huệ sai người đưa vàng bạc đút lót Phúc Khang An, sai người cháu sang cầu phong. Vua Thanh phong cho Nguyễn Huệ làm An Nam quốc vương, mời quốc vương sang chầu.[108]

Tháng 1 năm 1790, theo kế của Ngô Thì Nhậm,[109] Quang Trung sai người đóng giả làm mình cầm đầu đoàn sứ gồm 150 người sang Yên Kinh (Bắc Kinh sau này) triều kiến Càn Long. Các tài liệu ghi khác nhau về nhân vật đóng giả Quang Trung. Theo Việt Nam sử lược, người đóng Nguyễn Huệ tên là Phạm Công Trị,[110] cháu gọi Nguyễn Huệ bằng cậu; theo Đại Nam chính biên liệt truyện thì người đó là tướng Nguyễn Quang Thực người Nghệ An. Mục đích của đoàn sứ là thăm dò thái độ của Nhà Thanh đối với vị vua lưu vong Chiêu Thống của Nhà Lê. Đại quan Nhà Thanh là Phúc Khang An, từng sang chiến trường Đại Việt, bị Quang Trung mua chuộc đứng sau lưng đoàn sứ bộ,[111] nên nhiều tướng lĩnh Nhà Thanh biết người cầm đầu sứ bộ không phải là Nguyễn Huệ, nhưng vì ngại gây hấn nên không nói ra.[109]

Vua Càn Long đón tiếp trọng thể đoàn sứ bộ An Nam, đãi tiệc và ban thưởng rất nhiều của cải. Theo Đại Thanh thực lục, Nhà Thanh chi phí cho sứ đoàn mỗi ngày hết 4.000 lạng bạc (tổng cộng lên đến 800.000 lạng tính cho tới khi sứ đoàn về).[105] Khi tiếp vua Quang Trung (giả) tại hành cung Nhiệt Hà, vua Càn Long cho dùng lễ "bão kiến, thỉnh an" để tiếp đón thân mật, lễ này chỉ được dùng cho những đại thần có công trạng to lớn. Ngày mùng 1 tháng 8, tại vườn Viên Minh, đoàn sứ bộ được đãi tiệc lớn và xem bắn pháo hoa. Bữa tiệc cho Càn Long gồm 20 món nóng, 20 món lạnh, 4 món súp, 4 món khai vị, 4 loại trái cây tươi, 28 loại trái cây khô và dưa, 29 món điểm tâm, tổng cộng 109 món; các quan khách được bày số món bằng 1/4 so với nhà vua[112] Vua Quang Trung (đóng giả) được xếp ngồi cạnh vua Càn Long, có thể nói là cực kỳ biệt đãi[113]

Chân dung người được cho là Nguyễn Quang Bình của họa sĩ cung đình nhà Thanh, hiện lưu trữ tại Tử Quang các ở Trung Nam Hải.[114]

Ngày 20 tháng 8, vua Quang Trung (giả) vào cung từ biệt Càn Long. Ngày 22 tháng 8, đoàn sứ bộ lên đường về nước bằng thuyền, sau 7 ngày thì tới hồ Động Đình, tới đâu cũng được quan lại địa phương tiếp đón ân cần, dựng thủy đình ở bên sông bày yến tiệc thết đãi. Ngày 29 tháng 11, đoàn sứ bộ về tới ải Nam Quan.

Cuối tháng 11 năm 1790, đoàn sứ bộ trở về Thăng Long, ngày 20 tới 12 thì tới Nghệ An. Theo Việt Nam sử lược, vua Thanh đã phong cho Nguyễn Huệ làm An Nam quốc vương và chấp nhận nền hòa bình giữa hai nước, nên đã từ chối lời đề nghị đem quân sang đánh Việt Nam của vua Lê Chiêu Thống.[109] Sang năm 1791, Nhà Thanh sai phân tán các quan lại cũ của Nhà Lê đi các nơi để tách biệt không liên lạc được với nhau và cô lập Lê Chiêu Thống; bản thân Chiêu Thống bị giam lỏng ở "Tây An Nam dinh" tại Yên Kinh và sau ốm mà chết yểu lúc 28 tuổi.[108]

Quang Trung hòa hoãn với nhà Thanh chỉ cốt đợi ngày đủ sức mà đánh báo thù, việc trong nước tạm yên, ông ngày đêm trù tính việc đánh Trung Quốc để giành lấy vùng Lưỡng Quảng. Quan viên đề nghị phải điều tra được dân số để kén lấy lính. Bèn xuống lệnh cho các trấn bắt dân xã làm lại sổ đinh, ai ai cũng phải biên vào sổ, rồi cấp cho mỗi người một cái thẻ bài, khắc bốn chữ Thiên Hạ Đại Tín, chung quanh ghi tên họ quê quán, và phải điểm chỉ làm tin. Người nào cũng phải đeo thẻ ấy gọi là tín bài. Ai không có thẻ là dân lậu, bắt sung vào quân phòng, và bắt tội tổng trưởng, xã trưởng. Nhân có việc ấy, những kẻ lại dịch hiệp với xã trưởng đi lại làm bậy: thường vào làng vây bắt hỏi thẻ, làm cho dân gian nhiễu động, nhiều người phải trốn vào rừng mà ở. Sau khi Nguyễn Huệ chết, người con kế vị của ông đã từ bỏ chính sách này.[108]

Bấy giờ ở bên ven biển Trung Quốc có những người làm giặc cướp gọi là Tàu ô, quấy nhiễu ở miền biển bị quân Nhà Thanh đánh đuổi, chạy sang xin phụ thuộc Việt Nam, vua Quang Trung cho người tướng Tàu ô làm chức tổng binh, sai sang quấy nhiễu Trung Quốc. Lại có người thuộc về đảng Thiên Địa Hội làm giặc ở Tứ Xuyên, vua cũng thu dùng cho làm tướng.

Đầu năm 1792, vua Quang Trung lại sai sứ bộ sang Bắc Kinh, mang các cống phẩm dâng Càn Long gồm: chiến lợi phẩm lấy được ở Vạn Tượng, sách binh thư của Đại Việt và một quyển sử viết về triều đại Lê Chiêu Thống[115]. Ông cũng cầu hôn với công chúa Thanh và đề nghị nhà Thanh cắt vùng đất Lưỡng Quảng cho Đại Việt (Trong Bang giao hảo thoại mà Ngô Thì Nhậm là người chép lại vẫn còn hai văn bản ngoại giao đó). Để thăm dò thái độ nhà Thanh, vua Quang Trung giao việc này cho Vũ Văn Dũng, một viên tướng tin cậy quê ở Hải Dương. Vũ Văn Dũng mang hai tờ biểu sang Yên Kinh trực tiếp đặt hai vấn đề trên với vua Càn Long. Vua quang Trung đã hạ sắc chỉ cho họ Vũ như sau:

"Sắc truyền cho Hải Dương Chiêu viễn đô đốc tướng quân dực vận công thần Vũ quốc công được gia phong chức chánh sứ đi sứ nước Thanh, được toàn quyền trong việc đối đáp tâu xin hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây để dò ý và cầu hôn một vị công chúa để chọc tức. Phải thận trọng đấy! Hình thế trong chuyến dụng binh đều ở chuyến đi này. Ngày khác làm tiên phong (đánh nước Thanh) chính là khanh đấy. Kính thay sắc này!" [116]

Câu "Hình thế trong chuyến dụng binh đều ở chuyến đi này", cho thấy Vũ Văn Dũng đi sứ nước Thanh không phải chỉ có các nhiệm vụ trên mà còn phải dò xét nội tình nhà Thanh, quan sát địa hình địa vật những nơi ông đi qua để một khi chiến tranh Việt Thanh lại bùng nổ thì quân Tây Sơn có thể có một số tin tức tình báo cần thiết mà tổ chức cuộc hành quân chiếm Lưỡng Quảng.[116]

Kế hoạch thống nhất đất nước dở dang

Thống nhất Nhà Tây Sơn

Sau khi Nguyễn Hữu Chỉnh và Vũ Văn Nhậm mất và với diễn biến chiến trường Nam Bộ, vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) đã tỏ ra buông xuôi. Không thể kìm chế người em tài ba hơn mình, Nguyễn Nhạc quyết định nhường ngôi cho Nguyễn Huệ để dẹp bỏ mâu thuẫn giữa 2 anh em. Cuối năm 1788, ông từ bỏ đế hiệu và niên hiệu Thái Đức, chỉ xưng là "Tây Sơn Vương". Ông viết thư cho Nguyễn Huệ, chỉ xin giữ Quy Nhơn và nhường toàn bộ binh quyền, đất đai trong cả nước cho vua em; đồng thời ông cầu khẩn Nguyễn Huệ mang gấp đại binh vào cứu Nam bộ (chiếu lên ngôi của Quang Trung nói rõ vấn đề này)[74].

Sau khi chiến thắng quân Thanh, Quang Trung trở thành lãnh đạo chung của Nhà Tây Sơn và là vị Hoàng đế duy nhất tại Việt Nam (vua Lê Chiêu Thống đã chạy sang Trung Quốc, còn Nguyễn Ánh khi đó cai quản lãnh thổ còn nhỏ hẹp và chưa xưng đế). Tình hình với Quang Trung rất thuận lợi: ông có được uy tín lớn sau chiến công chống quân Thanh, được Nhà Thanh công nhận là vị vua chính thống của Việt Nam (thay thế địa vị của Nhà Hậu Lê), lại dẹp bỏ được mâu thuẫn trong nội bộ Nhà Tây Sơn (Nguyễn Nhạc đã bỏ đế hiệu, tự giáng xuống làm Vương để tỏ ý quy nhận quyền lãnh đạo của ông).

Trên cơ sở đó, Quang Trung đã lên kế hoạch cho một chiến dịch Nam tiến rất lớn nhằm triệt để đánh bại thế lực của Nguyễn Ánh, thu phục miền Nam bộ và thống nhất đất nước.

Kế hoạch Nam tiến dở dang

Jean-Baptiste Chaigneau, một sĩ quan người Pháp đã tham gia vào giúp đỡ Nguyễn Ánh

Ngày 25 tháng 1 năm 1787, Bá Đa Lộc (giáo sĩ người Pháp làm cố vấn cho Nguyễn Ánh) đã thay mặt Nguyễn Ánh ký Hiệp ước Versailles (1787) với Pháp. Theo đó, vua Pháp đồng ý cử sang 4 chiếc tàu chiến và một đạo binh: 1.200 lục quân, 200 pháo binh, 250 lính da đen ở Phi Châu (Cafres) và đủ các thứ súng ống thuốc đạn để đánh Tây Sơn. Ngược lại, sau khi chiến thắng, Nguyễn Ánh nhường cho nước Pháp cửa Hội An (Faifo) và đảo Côn Lôn (Poulo-Condore), chủ quyền các vùng đất đó sẽ thuộc về nước Pháp ngay lúc quân đội Pháp chiếm đóng hòn đảo nói trên. Đúng lúc đó thì nước Pháp xảy ra Cách mạng, vua Pháp không thực hiện Hiệp ước nhưng Bá Đa Lộc đã kêu gọi các thương nhân người Pháp trợ giúp cho Nguyễn Ánh.[74][117].

Các hoạt động quyên góp tiền sau này hay xây dựng, sửa sang thành Gia Định, Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên, Biên Hòa, Bà Rịa, huấn luyện cơ đội pháo thủ, tổ chức bộ binh và rèn luyện tập binh lính theo lối châu Âu, trung gia mua tàu chiến và vũ khí... đều có sự góp sức của những người Pháp mà do Bá Đa Lộc chiêu mộ, kêu gọi.[117] Việc củng cố Gia Định cộng thêm sự giúp đỡ của người Pháp đã giúp cho thế lực của Nguyễn Ánh ngày càng mạnh, có thể đối đầu với Tây Sơn. Quân Nguyễn Ánh được người Pháp hỗ trợ kéo ra đánh Bình Thuận, Bình Khang, Diên Khánh, quân của Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc liên tiếp bại trận và mất mấy thành này. Cho tới năm 1791, Nguyễn Nhạc chỉ còn cai quản Quy Nhơn, Phú Yên và Quảng Ngãi.

Sau khi ổn định tình hình Bắc Hà, Quang Trung quyết tâm tiêu diệt Nguyễn Ánh. Ông ra sức trấn an Nguyễn Nhạc và nhân dân trong vùng do Nguyễn Nhạc cai quản để chuẩn bị Nam tiến. Theo nhiều nhà nghiên cứu, việc Quang Trung sai Vũ Văn Dũng đi "xin" Càn Long đất Quảng Đông, Quảng Tây thực ra chỉ là một thủ thuật về chính trị. Quang Trung không có dụng tâm lấy đất Trung Quốc vì ông biết thực lực không thể, hay ít ra là chưa thể làm lúc đó. Hơn nữa, ông thu dụng quân lục lâm "Tàu ô", sai đánh phá biên giới Trung Quốc cốt để Nhà Thanh bị cuốn vào hoạt động ngoại giao và chống giặc cướp để cho ông có thời gian hỗ trợ vua anh dồn lực lượng vào chiến trường miền Nam mà thôi.[118] Để chuẩn bị phối hợp với Quang Trung, năm 1792, Nguyễn Nhạc đóng nhiều tàu thuyền đóng ở cửa Thi Nại để Nam tiến. Nhưng lúc đó là mùa gió nồm chỉ thuận cho quân Nam ra, phải đợi đến mùa đông mới thuận gió cho quân Tây Sơn vào. Nguyễn Ánh thừa dịp cùng quân Pháp, Bồ Đào Nha đánh úp cửa Thi Nại, đốt cháy nhiều thuyền chiến của Tây Sơn. Tây Sơn Vương không phòng bị, lại phải thu quân về Quy Nhơn.

Để báo thù trận đó, Quang Trung dự định phát động chiến dịch rất lớn, huy động hơn 20[119]–30 vạn[120] quân thủy bộ, chia làm ba đường:

  • Nguyễn Nhạc và quân "Tàu ô" (hải tặc Trung Hoa) cùng theo đường bộ từ Phú Yên vào đánh Gia Định
  • Quân bộ của Quang Trung từ Phú Xuân đi thẳng qua lãnh thổ Vạn Tượng tới Nam Vang (Chân Lạp), từ đó cùng quân Chân Lạp kéo về Gia Định, bao bọc đường chạy của Nguyễn Ánh không cho sang Xiêm
  • Quân thủy của Quang Trung sẽ tiến vào đón lõng tận Hà Tiên đổ bộ lên đất liền để ngăn Nguyễn Ánh chạy ra biển.

Chính các giáo sĩ Pháp giúp Nguyễn Ánh lúc đó cũng rất lo lắng và dự liệu Nguyễn Ánh khó lòng chống lại được Tây Sơn trận này. Trong thư gửi cho M. Létondal ngày 14 tháng 9 năm 1791, giám mục Bá Đa Lộc viết: "... Nhà vua đã không biết lợi dụng cơ hội mà ông ta có được để đánh bại kẻ thù, mà lại để chúng có thì giờ hoàn hồn và chúng thấy rõ tất cả những đồn đại về việc người Âu đến giúp chỉ là chuyện hão. Ông ta (Nguyễn Ánh) bắt dân đóng thuế và làm dịch vụ nặng nề, và lúc này, dân chúng bị nạn đói đe dọa nên họ có vẻ mong quân Tây Sơn đến. Trong tình trạng hiện thời, nếu chúng quả quyết đến tấn công, thì nhà vua khó có thể đương đầu lại đầu được... Tôi rất sợ không đi kịp trước khi tai họa xảy ra cho nhà vua, nếu có sự ấy". Tuy nhiên trong khi chờ gió đổi chiều thì cái chết đột ngột vì lo lắng cho cuộc viễn chinh[121] của Quang Trung vào tháng 9 dương lịch năm 1792 khiến kế hoạch Nam tiến này không bao giờ trở thành hiện thực.

Qua đời

Tương truyền, vào một buổi chiều đầu thu năm 1792, vua Quang Trung đang ngồi làm việc, bỗng hoa mắt, tối sầm mặt mũi, mê man bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, nhà vua cho triệu trấn thủ Nghệ AnTrần Quang Diệu về triều bàn việc dời đô ra Phượng Hoàng Trung Đô (nay thuộc Nghệ An). Nhưng việc chưa quyết xong thì bệnh tình nhà vua đã nguy kịch. Trước khi mất, nhà vua đã căn dặn Trần Quang Diệu và các quần thần:[122]

Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (16 tháng 9 năm 1792), vào khoảng 11–12 giờ đêm, Quang Trung Nguyễn Huệ qua đời, ở ngôi được 4 năm, hưởng dương 40 tuổi, thuỵ hiệu là Vũ hoàng đế.[122] Thời điểm mất của vua Quang Trung được các tài liệu cổ ghi khác nhau. Sách Đại Nam thực lục của Nhà Nguyễn ghi ông mất tháng 7 âm lịch năm 1792, Hoàng Lê nhất thống chí ghi ông mất tháng 8 âm lịch năm 1792. Theo lý giải của Hoàng Xuân Hãn trong La Sơn phu tử, cả hai sách ghi đều không sai. Quang Trung mất vào khoảng 11 giờ đêm ngày 29 tháng 7 âm lịch, khoảng đó là giờ tý, nghĩa là bắt đầu được tính sang hôm sau; mà tháng 7 năm đó là tháng thiếu, ngày 29 là ngày cuối tháng, nên sau 11 giờ đêm đã chuyển sang tháng 8. Theo Hoàng Xuân Hãn: "Ghi tháng 7 hay tháng 8 thực ra chỉ chênh nhau khoảng nửa giờ".[124] Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân đã viết bài "Tế vua Quang Trung" và bài "Ai Tư Vãn" để bày tỏ nỗi đau khổ và tiếc thương cho người chồng anh hùng sớm ra đi.

Theo Đại Nam liệt truyện - Ngụy Tây liệt truyện, một tài liệu của Sử quán triều Nguyễn: "Ngày 29 tháng 9 Huệ chết, Huệ tiếm ngôi 5 năm, tuổi mới có 40. Thái tử là Quang Toản nối ngôi nguỵ. Tháng 10 táng ở phía nam sông Hương, nguỵ thụy là Thái Tổ Vũ Hoàng đế."

Trong bài thơ Đại Việt sử thi, Hồ Đắc Duy tiếc nuối việc Quang Trung qua đời quá sớm và đột ngột:

Đặt kế hoạch trong ngoài liên kết
Đối với Tàu lễ yết cầu hôn
Miền Nam, Nguyễn (Ánh) sẽ không còn
Đất đai Đại Việt nước non lẫy lừng
Nhưng tiếc thay nửa đường vắn số
Vua Quang Trung đành bỏ ra đi (1792)
Lìa trần một giấc biệt ly
Trăm năm còn lại những gì nữa đây

Những giả thuyết về cái chết

Cho đến nay, đã có nhiều giả thuyết về nguyên nhân cái chết của vua Quang Trung được đưa ra, nhưng chưa giả thuyết nào có được chứng cứ xác thực, đủ sức thuyết phục do ghi chép đương thời không có nhiều.

Sách Ngụy Tây liệt truyện, một tài liệu của Sử quán triều Nguyễn ghi chép cái chết của vua Quang Trung như sau:

Một hôm, về chiều, Quang Trung đang ngồi bỗng xây xẩm, tối tăm, thấy một ông già đầu bạc từ trên trời xuống, mặc áo trắng, cầm gậy sắt, mắng rằng: "Ông cha người sống ở đất của Chúa, đời đời làm dân Chúa Nguyễn, sao phạm đến lăng tẩm...". Rồi lấy gậy đánh vào trán Quang Trung, mê man ngã xuống, bất tỉnh nhân sự lâu lắm... Từ đó, bệnh chuyển nặng...

Ghi chép của Ngụy Tây liệt truyện mang tính hư cấu, vẽ ra chuyện báo mộng để nâng cao sự mê tín vào "thiên mệnh" của Nhà Nguyễn, nhưng nó cũng cho thấy Quang Trung bị bất tỉnh đột ngột, có lẽ là do tai biến ở vùng não bộ.

Sách Tây Sơn thực lục cũng có ghi "Huệ mắc bệnh nặng, chữa không khỏi...". Và sau khi Quang Trung mất, vào tháng 1 năm Càn Long thứ 58 (1793), Quách Thế Huân cũng báo cáo với Càn Long: "Quang Trung đã chết vì bệnh".[125] Cũng một giả thuyết được truyền lại nhiều nhất là một buổi chiều thu năm 1792, vua Quang Trung đang ngồi làm việc, bỗng hoa mắt, tối sầm mặt mũi, mê man bất tỉnh. Người xưa gọi là chứng "huyễn vận", còn ngày nay y học gọi là tai biến mạch máu não.[125][126]

Một giáo sĩ tên Longer, có mặt ở Đàng Ngoài vào những thời điểm này, đã viết trong một bức thư đề ngày 21 tháng 12 năm 1792 là vua Quang Trung chết vì bệnh, nhưng không rõ là bệnh gì.[125] Các nhà nghiên cứu về sau gạt bỏ các chi tiết mê tín trong Ngụy Tây liệt truyện thì họ cho rằng Quang Trung đã bị một cơn tăng huyết áp đột ngột.[125] Bác sĩ Bùi Minh Đức qua khảo cứu các nguồn tư liệu lịch sử, kết luận rằng Nguyễn Huệ bị "Xuất huyết não dưới màng nhện; nguyên nhân tử vong: do viêm phổi sặc" (tràn dịch màng phổi).

An táng

Viếng Quang Trung

Thi hài Quang Trung được táng ngay tại Phú Xuân, tại một cung điện của ông tên là Đan Dương. Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi, tức là vua Cảnh Thịnh, sai sứ sang Nhà Thanh báo tang và xin tập phong. Đô đốc Vũ Văn Dũng đang đi sứ Nhà Thanh ở Bắc Kinh, nghe tin Quang Trung mất liền làm bài thơ viếng như sau:

Bố y phân tích ngũ niên trung
Mai cố thi vi tự bất đồng
Thiên vị ngô hoàng tăng nhất kỷ
Bất y Đường Tống thuyết anh hùng
Dịch:
Năm năm dấy nghiệp tự thân nông
Thời trước thời sau khó sánh cùng
Trời để vua ta thêm chục tuổi
Anh hùng Đường, Tống hết khoe hùng.[127]

Vua Càn Long tặng tên hiệu cho ông là Trung Thuần, lại thân làm một bài thơ viếng và cho một pho tượng, 300 lạng bạc để sửa sang việc tang. Sứ Nhà Thanh đến tận mộ ở Linh Đường (mộ giả) thuộc huyện Thanh Trì (Hà Nội) để viếng.

Theo Đại Nam liệt truyện - Ngụy Tây liệt truyện, một tài liệu của Sử quán triều Nguyễn: "Sai Thị trung Đại học sĩ là Ngô bộ Tả đồng nghị là Nguyễn Viết Trực, Hộ bộ Tả thị lang là Nguyễn Văn Thái, sang nước Thanh báo tang, nói dối là Huệ dặn sau khi chết rồi táng ở Tây Hồ Bắc Thành, ngõ hầu được gần cửa vua để nương tựa, vua nước Thanh tin lời, cho tên thuỵ là Trung Thuần, thân làm một bài thơ để viếng."

Lăng mộ bị phá

Thời Cảnh Thịnh, triều đình Tây Sơn sinh ra lục đục. Nguyễn Ánh nhân thời cơ đó kéo ra đánh bại Nhà Tây Sơn. Mười năm sau ngày Quang Trung qua đời, Nhà Tây Sơn sụp đổ hoàn toàn (xem thêm bài về Nhà Tây Sơn). Để trả thù xưa, Nguyễn Ánh sai đào mộ Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc, tán hài cốt thành bột nhồi thuốc súng bắn và bỏ xương sọ vào vò, giam trong ngục tối. Người đời thương tiếc Nhà Tây Sơn gọi là "Ông Vò".

Nơi đặt lăng mộ của Quang Trung cũng bị san phẳng, không cho để lại dấu tích, nên sau này có một số nhà nghiên cứu đã dày công tra cứu, khảo sát, tìm tòi song không thể xác định được mộ vua Quang Trung ở địa điểm nào[128]

Khảo sát trong thời gian gần đây của các nhà nghiên cứu đã tìm ra bài thơ Kiến Quang Trung linh cữu (Nhìn thấy linh cữu vua Quang Trung) của nhà thơ Lê Triệu (1771-1846), người sống dưới thời Tây Sơn và thời Nguyễn. Bài thơ nói về cảm xúc của tác giả khi đứng trước nơi từng là lăng mộ của Quang Trung, chỉ sau mấy năm bị Nguyễn Ánh khai quật (theo các nhà nghiên cứu là năm 1801[129] hay 1802[130]):

Dịch thơ (Hồng Phi phiên âm và dịch):

Ấp Tây Sơn nơi ông khởi nghĩa cùng vua anh, tới tháng 9 năm 1819, Nguyễn Ánh lệnh đổi thành An Tây, sau đó lại đổi thành An Sơn.

Câu chuyện về "Ông Vò"

Trong vòng 20 năm từ 1802–1821, đầu lâu của các vua Tây Sơn (Thái Đức, Quang Trung và Quang Toản) bị bỏ vào ba cái vò, giam ở nhà Đồ Ngoại,[131] tức là Võ Khố sau này.[k] Từ năm 1822–1885, các vò bị giam vào Khám đường, ở phía tây bắc kinh thành Huế, khoảng giữa cửa chính Tây và An Hòa.[131] Ba chiếc vò bị xiềng và giam riêng, ngăn cách nhau, bên ngoài có niêm phong, hàng tháng có đoàn của triều Nguyễn xuống kiểm tra. Ba chiếc vò được các tù nhân tôn kính gọi là "Ông Vò", còn những người gác ngục gọi là "chúa ngụy".[131] Những người sống ở gần Khám đường đều tỏ ra kính cẩn ba Ông Vò, họ thường cúng bái và coi như thần hộ mệnh.[131]

Năm 1885, kinh thành Huế biến động bởi chiến tranh giữa phe chủ chiến của nhà Nguyễn với người Pháp, ba chiếc vò bị mất tích. Các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu về vấn đề này nhưng chưa có kết luận cuối cùng.[132] Theo báo Đất Việt thì vào đêm 22 rạng 23 tháng năm Ất Dậu (1885), phòng thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi cùng hoàng gia phải rời khỏi phòng thành, quân Pháp tràn vào thành. Lúc đó, có người mang 3 vò chạy trốn. Riêng một vò (hộp sọ vua Quang Trung) được một ông họ Phan, người ở gần Cầu Ngói đã theo hào, lạch, sông đưa về Cầu ngói Thanh Toàn.

Nghi vấn trong các ghi chép của nhà Nguyễn

Vào thời Nhà Nguyễn, các vua Nguyễn truy diệt tất cả những gì liên quan đến nhà Tây Sơn, bởi quân Tây Sơn đã đánh đổ các chúa Nguyễn. Vua Quang Trung bị gán cho là "giặc cướp", "thảo khấu" trong các bộ sử của nhà Nguyễn, những hành vi xấu xa cũng thường bị gán cho ông. Ví dụ, sách Đại Nam thực lục do nhà Nguyễn biên soạn quy tội Nguyễn Huệ đã ra lệnh đào mộ 8 chúa Nguyễn[133]:

"Trước kia giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ tham bạo vô lễ, nghe nói chỗ đất phía sau lăng Kim Ngọc (tức lăng Trường Mậu) [lăng của chúa Ninh Nguyễn Phúc Thái] rất tốt, định đem hài cốt vợ táng ở đó. Hôm đào huyệt, bỗng có hai con cọp ở bụi rậm nhảy ra, gầm thét vồ cắn, quân giặc sợ chạy. Huệ ghét, không muốn chôn nữa.
Sau Huệ đánh trận hay thua, người ta đều nói các lăng liệt thánh [các chúa Nguyễn] khí tốt nghi ngút, nghiệp đế tất dấy. Huệ bực tức, sai đồ đảng đào các lăng, mở lấy hài cốt quăng xuống vực. Lăng Hoàng Khảo ở Cư Hóa [lăng Cơ Thánh của Nguyễn Phúc Côn, thân sinh Gia Long] Huệ cũng sai Đô đốc Nguyễn Văn Ngũ đào vứt hài cốt xuống vực ở trước lăng. Nhà Ngũ ở xã Kim Long bỗng phát hỏa. Ngũ trông thấy ngọn lửa chạy về. Người xã Cư Hóa là Nguyễn Ngọc Huyên cùng với con là Ngọc Hồ, Ngọc Đoài ban đêm lặn xuống nước lấy vụng hài cốt ấy đem giấu một nơi. Đến nay, Huyên đem việc tâu lên.

"Nguyễn Phúc Tộc thế phả" thì ghi là[134]:

"Theo truyền thuyết, khi Tây Sơn khai quật hài cốt đức Hưng Tổ ném xuống sông thì một hôm Nguyễn Ngọc Huyên bỏ lưới bắt cá, sau ba lần đều thấy cái sọ nằm trong lưới. Huyên cho là sọ của một vị nào anh linh nên kiếm nơi an táng tử tế. Khi vua Gia Long lên ngôi, đi tìm lại hài cốt của thân phụ, nghe người làng tường thuật, ngài cho đòi Ngọc Huyên bảo chỉ chỗ. Khi đào được sọ lên, vua chích huyết ở tay mình cho giọt vào sọ, sọ liền hút những giọt huyết này (lối thử này cho biết mối liên hệ cốt nhục giữa hai người)"

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc Quang Trung cho phá lăng tẩm chúa Nguyễn là do sử quan thời Nguyễn cố ý gán ghép, thiếu bằng cứ xác đáng. Đúng là các lăng mộ chúa Nguyễn đã bị phá hủy vào thời kỳ đó, nhưng Phú Xuân vào giai đoạn 1781-1785 từng thuộc sự kiểm soát của quân chúa Trịnh, rồi sau đó lại chiến sự liên miên, có rất nhiều các nhóm thổ phỉ chuyên đào mộ để cướp của, nên chưa thể quy trách nhiệm cho quân Tây Sơn nếu chỉ dựa vào ghi chép của Đại Nam thực lục. Rất có thể các sử quan nhà Nguyễn đã dựa vào một việc có thực (lăng tẩm chúa Nguyễn bị phá) rồi cố ý gán trách nhiệm cho quân Tây Sơn, nhằm bào chữa cho việc Nguyễn Ánh trả thù nhà Tây Sơn tàn khốc sau này, cũng như để hạ uy tín của nhà Tây Sơn trong nhân dân. Luận điểm này được căn cứ bởi 5 chi tiết:

  • Ngoài bộ sách Đại Nam thực lục và "Nguyễn Phúc Tộc thế phả" do chính nhà Nguyễn viết, không có bộ sử nào khác của Việt Nam thời đó cũng như không có giáo sỹ phương Tây đương thời nào ghi chép lại việc này, dù đây là 1 sự kiện đủ lớn để gây chấn động cả đất nước. Kể cả cuốn Hoàng Lê nhất thống chí của các học giả Ngô Gia văn phái đương thời (vốn có quan điểm chống Tây Sơn) cũng không ghi lại.
  • Ghi chép của Đại Nam thực lục lại không nói rõ việc đào mộ diễn ra vào ngày tháng năm nào, trong khi đây là một sự kiện rất quan trọng với nhà Nguyễn. Điều này cho thấy các sử quan nhà Nguyễn cũng không nắm được lăng các chúa Nguyễn bị phá khi nào, nên càng không có đủ cơ sở để quy tội cho quân Tây Sơn.
  • Chính ghi chép của Đại Nam thực lục cũng có nhiều điểm huyền bí, ngày nay xem xét lại một cách khoa học thì rõ ràng là người viết hư cấu. Sách này ghi là quân Tây Sơn đang đào huyệt thì "bỗng có hai con cọp ở bụi rậm nhảy ra", rồi thì "nhà Đô đốc Nguyễn Văn Ngũ bỗng dưng phát hỏa". Các chi tiết này rõ ràng là tình tiết hư cấu thời phong kiến nhằm thể hiện rằng nhà Nguyễn có "thiên mệnh", "trời phù hộ nhà Nguyễn". Sách này cũng cho là "Huệ đánh trận hay thua" nên tức giận mà phá lăng chúa Nguyễn. Đây là luận điểm vô căn cứ, vì Nguyễn Huệ đánh trận luôn chiến thắng Nguyễn Ánh, chưa hề thua một trận nào.
  • Ghi chép của Đại Nam thực lục mâu thuẫn với "Nguyễn Phúc Tộc thế phả". Đại Nam thực lục ghi rằng "Nguyễn Ngọc Huyên cùng với các con ban đêm lặn xuống nước lấy vụng hài cốt ấy đem giấu một nơi", nhưng "Nguyễn Phúc Tộc thế phả" lại ghi rằng Nguyễn Ngọc Huyên bỏ lưới bắt cá mới tình cờ vớt được hài cốt. Điều này cho thấy ít nhất 1 trong 2 cuốn sách là hư cấu (thậm chí có thể cả hai đều là hư cấu), các sử quan nhà Nguyễn không hề nắm được chi tiết vụ việc nên mới viết ra các thông tin mâu thuẫn nhau.
  • Quân Tây Sơn có kỷ luật nghiêm minh, khi đánh ra Bắc diệt chúa Trịnh, tiến vào thành Thăng Long cũng không hề cướp phá lăng mộ của các vua Lê–chúa Trịnh. Vậy thì cũng không có lý do để quân Tây Sơn phá lăng của các chúa Nguyễn. Nguyễn Huệ là một vị vua khôn ngoan, ông biết rõ nhiều người dân Đàng Trong vẫn nhớ về chúa Nguyễn, nên sẽ không dại dột phá lăng chúa Nguyễn để khiến người dân bất bình.

Tóm lại, việc quân Tây Sơn cho phá lăng tẩm chúa Nguyễn có nhiều khả năng là do sử quan thời Nguyễn hư cấu ra, nhằm bào chữa cho việc Nguyễn Ánh trả thù nhà Tây Sơn tàn khốc sau này, cũng như để hạ uy tín của nhà Tây Sơn trong nhân dân.

Cuộc sống cá nhân

Ngoại hình và tính cách

Trong "Tây sơn thuật lược" (西山述略), người ta miêu tả Nguyễn Huệ "Tóc Huệ quăn, mặt mụn đầy, có một con mắt nhỏ, nhưng mà cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu...". Sử gia Tạ Chí Đại Trường bình luận "tóc quăn", "mặt mụn", "mắt nhỏ" là dấu vết thân xác; còn "chuyện tròng mắt có ánh sáng phát ra, ban đêm soi sáng cả chỗ ngồi là cảm tưởng của người nhìn khiếp sợ trước oai vũ của "Thượng công"".[135]

Trong cuộc sống tình cảm cá nhân, giáo sĩ Labartette mô tả Nguyễn Huệ là người mềm yếu khi mà công chúa Lê Ngọc Hân thường xuyên "mếu khóc" vuốt ve tự ái đấng trượng phu khi muốn đòi hỏi gì đó;[136] hay Nguyễn Huệ phát cuồng vì có người vợ mất ở Phú Xuân. Chính tấm lòng say mê đó đem đổ vào cuộc đời Nguyễn Huệ, vào triều chính, ở chỗ chiến trường trở thành một sức quyến rũ lôi cuốn người khác.[136] Về chiến trận, cũng sách này miêu tả Nguyễn Huệ "...là bực lão thủ hung tợn và giỏi cầm quân. Coi y ra Bắc vào Nam thật là xuất thần quỷ nhập. Không ai có thể dò biết. Y bắt Nguyễn Hữu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Vũ Văn Nhậm như giết con lợn, không một người nào dám trông thẳng vào mặt. Nghe lệnh y, ai cũng mất cả hồn vía, sợ hơn cả sấm sét..."[136]

Nguyễn Đình Giản, thuộc quan của Nguyễn Hữu Chỉnh, khi bàn về Nguyễn Huệ nhận định "Bắc Bình Vương [Nguyễn Huệ] là một tay anh hùng".[137] Nguyễn Đình Giản và Phạm Đình Dư, quan Nhà Lê, nhận định "Bắc Bình Vương là người rất quyệt, hay dùng trí thuật lao lung người khác, trong lúc bàn luận, khi xuống lại nâng lên người ta không biết đâu mà dò". Vị quan khác Trần Công Xán nhận định "[Nguyễn Huệ là] người huyền bí khó lường".[137]

Ngay chính sử nhà Nguyễn cũng phải mô tả "Nguyễn Văn Huệ là em Nhạc, tiếng nói như chuông, mắt sáng như điện, giảo, kiệt, thiện chiến? ai cũng phải sợ... Bốn lần đánh Gia Định, lúc ra trận đều đi trước, sĩ tốt hiệu lệnh nghiêm minh, thuộc hạ ai nấy dốc lòng vâng mệnh".[138]

Gia đình

Hậu phi

Các nguồn tài liệu, chủ yếu là Đại Nam chính biên liệt truyện của Nhà Nguyễn về gia quyến của Nguyễn Huệ, đã ghi nhận ông có ít nhất 6 người vợ.

  • Chính Cung:
    • Phạm Thị Liên, quê ở Quy Nhơn, là con cùng mẹ khác cha với Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Năm 16 tuổi bà Phạm Thị Liên được Nguyễn Huệ chọn làm vợ. Năm Quang Trung lên ngôi (1789), bà được phong làm Chính Cung hoàng hậu, bà kém Nguyễn Huệ khoảng chừng 5–6 tuổi. Phạm hậu đã có với Nguyễn Huệ năm con, 3 trai 2 gái. Một trong 3 người con trai được lập thái tử, là Nguyễn Quang Toản – về sau kế tục sự nghiệp của Quang Trung. Bà được đặt thụy là Nhân Cung Đoan Tĩnh Trinh Thục Nhu Thuần Vũ Hoàng chính hậu (仁恭端靜貞淑柔純武皇正后).
    • Bùi Thị Nhạn, theo một số nguồn[139] thì sau khi bà Phạm Thị Liên qua đời, Nguyễn Huệ lấy bà Bùi Thị Nhạn làm Chính cung hoàng hậu. Bùi Thị Nhạn người thôn Xuân Hòa, huyện Tuy Viễn (nay là Tây Sơn), tỉnh Bình Định, là em của Bùi Đắc Tuyên, cô ruột của nữ tướng Bùi Thị Xuân và là con gái út của Bùi Đắc Lương, như vậy bà còn là chị em cùng mẹ với Phạm hậu. Bà là một trong 5 người phụ nữ nổi tiếng thời Tây Sơn được mệnh danh là Tây Sơn ngũ phụng thư.

Theo giả thuyết này, chính bà Bùi Thị Nhạn mới là mẹ của Nguyễn Quang Toản, Nguyễn Quang Thiệu và Nguyễn Quang Khanh; còn bà Phạm Thị Liên lại là mẹ của Nguyễn Quang Thùy và Nguyễn Quang Bàn (nên Quang Thuỳ lớn hơn Quang Toản). Ngoài ra, bà còn là mẹ của 2 công chúa - trong đó có một người lấy Nguyễn Văn Trị. Bà tự sát năm 1802 khi Cảnh Thịnh thua trận và bà không muốn lọt vào tay quân Nguyễn Ánh.

Cũng theo giả thuyết này, bà lấy Nguyễn Huệ khi ông chưa làm hoàng đế; còn bà Phạm Thị Liên đã mất sớm vì bệnh khi Quang Thuỳ còn nhỏ. Như vậy, theo giả thuyết này, hầu hết những người con của bà Phạm Thị Liên lại là con bà Bùi Thị Nhạn, còn bà Phạm Thị Liên lại là mẹ Quang Thuỳ.

Công chúa Ngọc Hân
  • Thứ Cung: Lê Ngọc Hân, con gái thứ của Lê Hiển Tông. Khi Quang Trung lên ngôi, do là công chúa Nhà Lê nên bà trở thành Hoàng hậu, tuy nhiên địa vị của bà vẫn không hơn được Chính Cung là Phạm Thị Liên, và sau này là Bùi Thị Nhạn. Bà đã có với Quang Trung hai người con, một trai và một gái: hoàng tử tên là Nguyễn Quang Đức và công chúa là Nguyễn Thị Ngọc Bảo.[13]
  • Các bà thiếp khác:
  1. Bà mẹ của Nguyễn Quang Thuỳ: Có ý kiến cho rằng bà mẹ của Nguyễn Quang Thuỳ này chính là một nàng hầu. Quang Thuỳ lớn hơn Quang Toản, nhưng không phải là con của Phạm hoàng hậu và cũng không phải là con của Ngọc Hân công chúa. Vua Càn Long (Nhà Thanh) từng lầm tưởng Quang Thuỳ là con trưởng của vua Quang Trung khi Thuỳ trong đoàn sứ bộ sang chúc thọ bát tuần vua Thanh (1790).[13]
  2. Bà phi họ Lê: người Quảng Ngãi: Bà này có một con trai với vua Quang Trung, cuộc đời của bà đến nay vẫn không rõ, vị hoàng tử con bà bị Nguyễn Ánh giết năm 1801.[13]
  3. Bà Trần Thị Quỵ: người Quảng Nam: Không rõ bà Trần Thị Quỵ được Nguyễn Huệ chọn làm thứ phi năm nào và có con với ông hay không. Tương truyền, trong những ngày Tây Sơn thất thế, bà bị quân của Nguyễn Ánh bắt được đưa lên bãi cát Kim Bồng chém đầu rồi thả trôi sông. Thi hài của bà được nhân dân bí mật vớt lên khâm liệm và mai táng cẩn thận ở cánh đồng thuộc xứ Trà Quân, làng Thanh Đông (Quảng Nam – Đà Nẵng).[13]
  4. Bà Nguyễn Thị Bích: người Quảng Trị: Bà là con gái út thứ 16 của viên quan nhỏ vào mạt kỳ thời Chúa Nguyễn ở Phú Xuân. Bà cũng có một con trai với vua Quang Trung. Sau khi triều Tây Sơn sụp đổ, bà trốn về Vĩnh Ân (nay thuộc xã Cát Hanh huyện Phù Cát tỉnh Bình Định) để nương thân, lúc chết được chôn ở gò Thỏ, Vĩnh Ân.[13]
  5. Ngoài các bà kể trên, Quang Trung còn dự định cầu hôn với Hòa Hiếu Công chúa nhà Thanh con gái thứ mười của vua Càn Long nhưng việc không thành vì ông qua đời đột ngột.

Xét theo quan hệ gia đình, Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh là anh em cột chèo với nhau khi lấy hai chị em ruột (Nguyễn Huệ lấy Lê Ngọc Hân, Nguyễn Ánh lấy Lê Ngọc Bình, 2 công chúa con của vua Lê Hiển Tông). Trong đó Nguyễn Huệ là anh, Nguyễn Ánh là em[140].

Hậu duệ

Theo các nhà nghiên cứu, số con của Quang Trung khoảng 20 người[13][139]:

Trừ Quang Thuỳ tự vẫn khi Cảnh Thịnh bị bắt, những người còn lại (kể cả các công chúa - cùng phò mã Nguyễn Văn Trị) đều bị Nguyễn Ánh bắt và bị hành hình năm 1802.

Giai thoại về việc ra quân

Tương truyền,[141] trước khi ra quân đánh quân Thanh, tại lễ đăng quang ở Phú Xuân, Nguyễn Huệ lập kế để động viên quân sĩ.

Sau lúc làm lễ, Quang Trung sai mang đến cái mâm, trên để các đồng tiền, có phủ vải điều, rồi tuyên bố với quân sĩ:

Ba quân hãy cùng ta quan sát, nếu cả hai trăm đồng tiền này đều sấp, thì đó là điềm trời báo chúng ta đại thắng. Nhược bằng, có đồng ngửa, thì đó là đại sự của chúng ta có điều trắc trở.

Nguyễn Huệ chắp tay khấn vái, đặng bưng mâm tiền, cung kính dâng lên cao, rồi hất tung xuống sân. Quân sĩ thấy các đồng tiền nhất loạt đều sấp, reo hò mừng rỡ, tin chắc trận ra bắc sẽ thắng quân Thanh. Nếu giai thoại này là có thật, thì ắt hẳn Nguyễn Huệ đã bí mật sai đúc 200 đồng tiền có cả hai mặt đều là mặt sấp.

Nhận định

Giáo sư Văn Tạo (Viện Sử học Việt Nam) đã khẳng định rằng Nguyễn Huệ đã "thống nhất đất nước gắn liền với độc lập của dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ". Ngoài việc thanh toán Trịnh - Nguyễn, hai thế lực chia cắt đất nước, vua Quang Trung còn đập tan âm mưu chia cắt đất nước của nhà Mãn Thanh bằng Chiến thắng năm Kỷ Dậu 1789. Như vậy có thể hiểu rằng, với các chiến công lật đổ Trịnh - Nguyễn, chấm dứt tình trạng chia cắt 200 năm, như vậy Nguyễn Huệ cũng có công thống nhất vậy, Long Nhương Tướng quân Nguyễn Huệ đã làm được một điều rất to lớn cho việc thống nhất sơn hà, ông đã thống nhất đất nước về mặt cơ bản (đánh bại các tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn, chấm dứt sự chia cắt trong mấy trăm năm), tạo nền móng cho sự thống nhất hoàn toàn mà chính đối thủ của ông là Nguyễn Ánh sẽ làm về sau, nhận định về riêng công thống nhất đất nước, Nguyễn Huệ là người thống nhất đất nước về cơ bản, còn Nguyễn Ánh là thống nhất đất nước hoàn toàn.

Tác giả Tạ Chí Đại Trường tổng kết rằng Nguyễn Huệ nhận được lời khen ngợi của không chỉ những người bầy tôi dưới quyền mà ngay cả của "đám thù nghịch từng chịu điên đảo vì ông" cũng phải khen ngợi ông.

Nhà sử học Trần Trọng Kim viết năm 1920, trong tác phẩm Việt Nam sử lược đã đánh giá cụ thể rằng: xét riêng với Nhà Nguyễn thì vua Quang Trung là kẻ địch (vì ông đã đánh đổ Chúa Nguyễn), nhưng xét về công lao với đất nước, với dân tộc thì vua Quang Trung là một anh hùng sánh ngang với vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Thái Tổ:

Khi biết tin vua Quang Trung qua đời (1792), tại sân điện vua Nhà Thanh, tướng Võ Văn Dũng đã ngất đi. Khi tỉnh dậy, ông đã làm ngay một bài thơ tiếc thương nhà vua đã mất khi còn khá trẻ, rằng nếu Quang Trung sống thêm được 10 năm thì sự nghiệp của ông sẽ không kém những Đường Thái Tông, Tống Thái Tổ:

Bố y phấn tích ngũ niên trung
Kim cổ thi vi sự bất đồng
Thiên vị ngô hoàng tăng nhất kỷ
Bất ư Đường, Tống thuyết anh hùng.
Năm năm dấy nghiệp tự thôn nông
Thời trước, thời sau khó sánh cùng
Trời để vua ta thêm chục tuổi
Anh hào Đường, Tống hết khoe hùng

Trong bài thơ Lịch sử nước ta, Hồ Chí Minh ca ngợi ông:

Trong Tây Sơn bi hùng truyện, Lê Đình Danh ca ngợi ông:

So sánh với đối thủ là Nguyễn Ánh

Trên Tạp chí Sông Hương số 175 tháng 9 năm 2003, tác giả Trần Cao Sơn so sánh Nguyễn Huệ với đối thủ của ông là Nguyễn Ánh:

Theo tác giả K.W Taylor: Mặc dù Bình Định không có tài nguyên để trở thành một trung tâm đủ sức khống chế các vùng khác trong bất kì thời gian dài nào, nhưng nó cũng bộc lộ một cái nhìn khu vực về vấn đề làm người Việt. Nó sản sinh là một nhân vật, Nguyễn Huệ, người dẫn quân từ lãnh thổ này sang lãnh thổ khác và đã cố tìm cách thống nhất mọi khu vực của người Việt dưới uy quyền của ông. Việc ông thất bại thường được quy cho là vì cái chết bất ngờ của ông. Nhưng có lẽ người ta đã không dành đủ sự chú ý cho câu hỏi làm thế nào viễn kiến khu vực của Bình Định đã có thể định hình tham vọng của cả ông và những người kế vị yếu kém, và khiến họ dễ bị đe dọa bởi một đối thủ có một viễn kiến khu vực khác. Chừng nào một sức mạnh quân sự tự nguyện và chuỗi dài thắng trận còn là bí quyết giúp có quyền lực chính trị, viễn kiến của Bình Định có thể chiếm ưu thế. Nhưng khi đối diện với một đối thủ đã thua trận liên tục nhưng luôn đứng dậy, một đối thủ có tầm nhìn chiến dịch lâu dài chứ không chỉ một trận đánh, một đối thủ xem thành công không phải nhờ giao tranh mà là kết quả của tổ chức, rèn luyện, huy động tài nguyên, chuẩn bị, hoạch định và chờ đợi, chờ đợi, chờ đợi, thiên tài Tây Sơn, đứng trước một đối thủ như thế, bỗng chỉ trở thành một sự gan dạ cấp tỉnh. Và đối thủ này xuất hiện từ đâu? Từ Nam Bộ.[144]

Người ta còn truyền khẩu câu chuyện đối đáp, khi nữ tướng Bùi Thị Xuân bị bắt, Nguyễn Ánh bèn sai người áp giải bà đến trước mặt rồi hỏi với giọng đắc chí: "Ta và Nguyễn Huệ ai hơn?". Bùi Thị Xuân trả lời:

Về tư tưởng kinh tế, Quang Trung cũng có những nét tiến bộ hơn so với Nguyễn Ánh. Vua Quang Trung khuyến khích nhân dân giao thương buôn bán với nước ngoài, trong khi Nguyễn Ánh lại tìm cách hạn chế và ngăn cấm. Các thương nhân nước ngoài đến buôn bán tại Việt Nam đã có sự so sánh về chính sách thương mại của Quang Trung với Nguyễn Ánh. Thương nhân người Anh là Crafurd khi đến Việt Nam năm 1822, dẫn lại lời các Hoa kiều từng sống ở Huế dưới thời Tây Sơn cho rằng: anh em Tây Sơn cai trị ôn hòa và công bằng hơn so với Nguyễn Ánh[3].

Tài năng quân sự

Quang Trung là hoàng đế bách chiến bách thắng, lập nhiều chiến tích quân sự nhất trong lịch sử Việt Nam. Cả cuộc đời binh nghiệp của ông, dù dưới danh hiệu Long Nhương tướng quân[e], Bắc Bình Vương hay hoàng đế Quang Trung, ông đều lập công trạng hiển hách, chưa từng thất bại một trận nào.[111] Do những chiến tích vang dội, Nguyễn Huệ được các giáo sĩ Tây phương so sánh với Alexandros Đại đế[146]Attila.[147]

Chính sử của Nhà Nguyễn cũng phải thừa nhận:

Sách Đại Nam thực lục của Nhà Nguyễn chép lại lời tâu của bề tôi Nguyễn Ánh về Tây Sơn:

"Kẻ kia, Nhạc, Huệ, anh em từ dân áo vải, không tấc đất cắm dùi, vươn tay hô một tiếng, người theo có cả vạn, chẳng đầy 5–6 năm mà có được nước. Họ không có tài đức hơn người thì vì lẽ gì mà lại hưng thịnh dữ dội như vậy?"[148].

Sử quan nhà Nguyễn là Trần Trọng Kim năm 1920 cũng phải khen ngợi chiến tích thần tốc đánh bại quân Thanh của Quang Trung:

Gras de Préville, thuyền trưởng tàu Pandour của Pháp ở Gia Định năm 1788 đã viết về Nguyễn Huệ và quân đội của ông như sau:

Gần như toàn bộ chiến thắng của Nhà Tây Sơn đều gắn với tên tuổi ông. Những chiến công nổi bật nhất của Nguyễn Huệ:

Tài năng chính trị

Trần Trọng Kim trong tác phẩm Việt Nam sử lược viết năm 1920, dù là quan Nhà Nguyễn nhưng đã dành riêng một chương về vua Quang Trung để ca ngợi ông:

Đối ngoại

Đối với việc Nguyễn Huệ mang quân ra Bắc Hà đánh họ Trịnh chuyên quyền, ông dùng khẩu hiệu "Phù Lê diệt Trịnh" để tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Bắc Hà. Khi diệt được họ Trịnh, ông vẫn tôn thờ vua Lê. Việc làm đó được sử gia Trần Trọng Kim nhận định "Ấy là đã có sức mạnh mà đã biết làm việc nghĩa vậy"[150].

Cũng theo sử gia Trần Trọng Kim: "vì vua Nhà Lê nhu nhược, triều thần lúc bấy giờ không ai có tài kinh luân, lại để cho Trịnh Bồng và Nguyễn Hữu Chỉnh nối nhau mà chuyên quyền, đến nỗi thành ra tán loạn. Dẫu thế mặc lòng, khi Nguyễn Huệ giết Vũ Văn Nhậm rồi, không nỡ dứt Nhà Lê, đặt Giám Quốc để giữ tông miếu tiền triều; như thế thì cách ở với Nhà Lê không lấy gì làm bạc".[150]

Ngay sau khi đại phá quân Thanh ở Trận Ngọc Hồi – Đống Đa, vua Quang Trung tìm cách xóa bỏ thù hằn bằng việc chiêu hàng, nuôi dưỡng hàng vạn tù binh nhà Thanh và thu dọn, cúng tế chiêu hồn quân Thanh;[151] thực thi chính sách hòa giải với cường quốc phương Bắc và triều cống, xin phong Vương. Bằng một kế sách ngoại giao khôn khéo, mua chuộc được các cận thần nhà Thanh (Phúc Khang An, Hòa Thân,...), Nguyễn Huệ đã được vua Thanh chấp nhận cầu phong để nhà Tây Sơn chính thức thay thế nhà Lê làm chủ Đại Việt.[152]

Đối nội và những cải cách

Ở trong nước, Quang Trung đã cho thi hành nhiều cải cách quan trọng[153]:

  • Về quân sự, ở mỗi trấn, vua Quang Trung cho đặt quan trấn thủ và quan hiệp trấn. Mỗi huyện, văn thì đặt chức phân tri để xét việc kiện cáo, võ thì đặt chức phân suất để coi việc binh lương. Quân đội chia làm 5 doanh: trung, tiền, hậu, tả, hữu. Ngoài ra còn có thêm một số quân hiệu khác như tả bật, hữu bật, kiều thanh, thiên cán. Quân đội được trang bị hiện đại, vũ khí có nhiều loại, có loại được cải tiến như hỏa hổ (một loại ống phun lửa), có cả súng trường, đại bác. Hải quân Tây Sơn rất mạnh với nhiều loại tàu chiến, loại lớn chở được cả voi, trang bị từ 50 đến 60 khẩu đại bác, chở được từ 500 đến 700 lính.
  • Về nông nghiệp, ông cho cải cách chế độ đinh điền và ruộng đất. Năm 1789, Quang Trung bãi bỏ thuế điền cho nhân dân từ sông Gianh ra Bắc, động viên nhân dân lao động sản xuất. Chỉ trong vòng 3 năm sau, nông nghiệp được phục hồi. Năm 1791, "mùa màng trở lại phong đăng, năm phần mười trong nước khôi phục được cảnh thái bình"[154].
  • Về công thương nghiệp, Quang Trung khuyến khích đẩy mạnh sản xuất thủ công nghiệp, mở rộng ngoại thương, phát triển mọi ngành sản xuất nhằm xây dựng một nền kinh tế phồn vinh, tự chủ trong đó có công thương nghiệp. Đối với thuyền buôn của các nước phương Tây, Quang Trung tỏ ra rộng rãi, mong muốn họ tăng cường quan hệ ngoại thương với Việt Nam, nhờ vậy tình hình thương nghiệp thời Quang Trung được phục hưng và phát triển. Tư tưởng thông thương tiến bộ của Quang Trung đã thể hiện nhãn quan kinh tế rộng mở, phù hợp với xu thế phát triển "mở cửa ải, thông thương buôn bán, khiến cho các hàng hoá không ngừng đọng để làm lợi cho dân chúng".
  • Về giáo dục, Quang Trung đã ban hành chính sách "khuyến học", trường học được mở rộng đến các làng xã, cho phép các địa phương sử dụng một số đền chùa không cần thiết làm trường học. Về nội dung, bỏ lối học thuộc theo khuôn sáo, cải tiến dần theo hướng thiết thực, bắt các nho sinh, sinh đồ ở các triều đại trước phải thi để đánh giá lại, còn danh hiệu sinh đồ quan do bỏ tiền ra mua trước đó (thời Lê – Trịnh) đều bị loại bỏ. Nhà vua muốn rằng người Việt Nam thì phải dùng tiếng Việt Nam, để gây dựng tinh thần của nước nhà, và văn chương Việt Nam không phải đi mượn tiếng mượn chữ của nước Tàu. Vậy nên khi thi cử, ông thường yêu cầu quan ra bài chữ Nôm và bắt sĩ tử làm bài bằng chữ Nôm.
  • Về văn hóa, Vua Quang Trung thấy làng nào cũng có chùa chiền, nhiều người đi tu hành chỉ mượn tiếng thần thánh mà lừa bịp người dân, nên ông xuống chiếu bắt bỏ những chùa nhỏ ở các làng, đem gỗ gạch làm ở mỗi phủ huyện một chùa thật to đẹp, rồi chọn lấy những tăng nhân có học thức, có đạo đức coi chùa thờ Phật. Còn những người không xứng đáng thì bắt hoàn tục về làm ăn. Vua Quang Trung muốn rằng chỗ thờ Phật phải tôn nghiêm, những người đi tu hành thì phải chân tu mộ đạo, như vậy mới dẹp bỏ được mê tín dị đoan và giáo hóa tốt cho người dân.

Nhà sử học Phan Huy Lê đã đánh giá chính sách cải cách của Quang Trung "nếu được thực hiện triệt để trong thời gian dài, nhất định sẽ mang đến những thành tựu to lớn và sẽ mở ra những kĩ năng phát triển mới, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng đình trệ kéo dài của chế độ phong kiến"[155].

Những cải cách của Quang Trung có nhiều mặt tích cực, đã đưa đất nước nhanh chóng vượt qua cuộc khủng hoảng sau chiến tranh kéo dài. Tuy nhiên, những chính sách cải cách của Quang Trung chỉ được thực hiện chưa đầy 3 năm thì ông đã qua đời. Con ông là Quang Toản còn quá nhỏ tuổi nên bất lực, không tiếp tục thực hiện được những cải cách đó. Sau này, khi tiêu diệt được nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn của Nguyễn Ánh đã xóa bỏ phần lớn những cải cách này.

Quyền biến

Trong thời loạn lạc của Nguyễn Huệ cuối thế kỷ XVIII, một trong những thời kỳ rối ren, nhiều bè phái và phân liệt nhiều nhất trong lịch sử Việt Nam, ngoài tàn dư của các lực lượng tồn tại lâu đời, trong quá trình tranh chấp giữa các phe phái còn nhiều phần tử nảy sinh ý đồ xưng hùng xưng bá trước những cơ hội do hoàn cảnh mang lại, nhất là khi địa bàn kiểm soát của ông nằm giữa hai vùng Nam Bộ và Bắc Bộ, đất kiểm soát của các lực lượng chống đối. Nguyễn Huệ, trong quá trình đánh Nam dẹp Bắc cũng phải đối phó với những tư tưởng ly khai của các tướng lĩnh dưới quyền, song ông luôn có cách xử lý chứng tỏ bản lĩnh của một chính trị gia già giặn.

Đối với Nguyễn Huệ, ai chưa theo, chưa phục, ông để người ta suy nghĩ kỹ (Nguyễn Thiếp ban đầu chưa chịu ra làm việc với ông nhưng rồi chấp thuận sau khi suy ngẫm lại). Nếu cuối cùng vẫn không theo thì Nguyễn Huệ vẫn để họ sống chứ không đe dọa hoặc bắt giữ (ví dụ như Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều,...). Ông cũng sẵn sàng thu dụng cả tướng địch bị bắt và tôn trọng lòng trung thành của họ với chủ cũ (ví dụ như trường hợp của Nguyễn Huỳnh Đức). Vậy có thể nói Nguyễn Huệ là một người bao dung, một đức tính lớn của một vị vua.

Biết Nguyễn Hữu Chỉnh là người dễ thay lòng đổi dạ nhưng Nguyễn Huệ vẫn tận dụng tài năng, mưu lược và sự thông thạo đất Bắc Hà của Nguyễn Hữu Chỉnh để đánh đổ Chúa Trịnh. Đánh xong họ Trịnh, ông không thẳng tay giết Nguyễn Hữu Chỉnh mà mượn tay các thế lực thân họ Trịnh cũ (những người đó oán Chỉnh) để giết Nguyễn Hữu Chỉnh bằng việc cùng vua anh Nguyễn Nhạc âm thầm rút quân về Nam, bỏ Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại.

Tới khi Nguyễn Hữu Chỉnh lẽo đẽo chạy theo kịp, Nguyễn Huệ không thể bỏ mặc, bèn lưu lại ở Nghệ An cho trấn thủ, chờ biến cố. Lúc Nguyễn Hữu Chỉnh "Phù Lê" đánh được Trịnh Bồng, ra mặt chống Tây Sơn với việc sai người vào Phú Xuân đòi ông giao trả đất Nghệ An, ông mới công khai cử binh đánh Nguyễn Hữu Chỉnh. Nguyễn Hữu Chỉnh bị diệt nhanh chóng.

Vũ Văn Nhậm tiếp quản Thăng Long từ tay Nguyễn Hữu Chỉnh cũng nảy ý xưng hùng – chuyên quyền và tự ý đúc ấn riêng. Lúc đó, Nguyễn Huệ đã điều bớt binh cho Vũ Văn Nhậm và phải đề phòng mặt Nam, nên không thể dàn quân đi đánh Vũ Văn Nhậm như đánh Nguyễn Hữu Chỉnh. Ông lặng lẽ đi gấp ra Bắc và lập tức trừ khử Vũ Văn Nhậm.

Hai viên tướng tài có ý đồ chống lại bị loại trừ với những lý do chính đáng bằng những cách thức khác nhau, khó lường trước. Các tướng bên dưới như Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân lập tức được đôn lên thay trọng trách. Việc Nguyễn Huệ khiển tướng điều binh khiến các tướng lĩnh tâm phục và từ đó không còn ai mang ý đồ cát cứ.

Tài cai trị

Không chỉ là một viên tướng thiện chiến, Quang Trung còn là một nhà cai trị tài ba. Ông giỏi chiến thuật quân sự, giỏi về chiến lược ngoại giao và lại biết thu dụng nhân tài để xây dựng đất nước. Trong ba anh em Tây Sơn, Nguyễn Huệ không chỉ trội hơn về tài năng quân sự mà ngay cả trong việc trị nước, ông cũng tỏ ra là người xuất sắc nhất. Sau là một vài lời nhận xét về công cuộc cai trị của Quang Trung:

Sự ra đi của Nguyễn Huệ là tổn thất không thể bù đắp và là điều không may cho Nhà Tây Sơn. Cơ nghiệp ông để lại không được người thừa kế xứng đáng bảo tồn, nên đã nhanh chóng mất về tay Nguyễn Ánh. Cái chết đột ngột của ông khiến đời sau còn tiếc cho nhiều dự định lớn lao chưa thành hiện thực.

Dù sau này nhà Nguyễn tìm nhiều cách để bôi nhọ và xóa bỏ những chứng tích liên quan tới Nguyễn Huệ nói riêng và Nhà Tây Sơn nói chung, nhưng tên tuổi ông không hề bị mai một. Người Việt Nam ghi nhận ông là người anh hùng áo vải dân tộc, là một trong những vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử nước nhà.

Tưởng niệm

Tượng vua Quang Trung trong chùa Bộc
Tiền giấy Việt Nam Cộng hòa có hình Quang Trung
Tượng vua Quang Trung trước Bảo tàng Quang Trung
Bảo tàng Quang Trung.

Tại quê hương ông (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) có Bảo tàng Quang Trung và đền thờ 3 anh em nhà Tây Sơn.

Quang Trung được thờ tại chùa Bộc ở Hà Nội. Bức tượng Quang Trung trong chùa được tạc vào thời kỳ Nhà Nguyễn đang truy diệt tất cả những gì liên quan đến Nhà Tây Sơn, tượng có dòng chữ "Bính Ngọ tạo Quang Trung tượng".[160] Hàng năm, vào ngày mồng 5 Tết âm lịch, tại quận Đống Đa – Hà Nội thường tổ chức hội Gò Đống Đa để kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa đánh tan quân Thanh của vua Quang Trung. Dịp kỷ niệm 200 năm chiến thắng Đống Đa, khu tượng đài Quang Trung được xây dựng tại khu vực này.

Phòng tuyến Tam Điệpthành phố Tam Điệp tỉnh Ninh Bình là một quần thể các di tích lịch sử ghi dấu cuộc chiến tranh giữa nghĩa quân Tây SơnNhà Thanh. Quần thể di tích này thuộc khu vực dãy núi Tam Điệp, là ranh giới tự nhiên hiểm yếu ngăn cách hai miền Trung – Bắc. Đây là nơi hội quân một thời oai hùng của Quang Trung với những cái tên đèo Ba Dội, núi Gióng Than, đồi Hầu Vua, đồi Chuông, đền Thượng, đền Quán Cháo, đền Dâu... Những đồn lũy Tam Điệp, Quèn Rẻ, Quèn Thờ, Luỹ Chẹn, Luỹ Đệm, Luỹ Đền..., ải Quang Trung, Kẽm Đó – cổ họng hiểm yếu nhất Tam Điệp... Lũy Quèn Thờ là vùng đồi núi, rừng rú hoang vu, năm xưa khi thân chinh ra Bắc, vua Quang Trung đã lên thắp hương xin kế phá giặc ở đây. Tương truyền ngôi đền thờ thần Cao Sơn trước đó ở giữa lưng chừng núi. Vua Quang Trung đã được thần báo mộng và nhắc nhở xây đền lên đỉnh núi nếu thắng trận. Sau khi thắng trận vị vua này đã cho di dời Đền lên đỉnh núi. Đền Quán Cháo là nơi thờ cô gái dâng cháo cho quân lính Tây Sơn trước giờ xung trận. Đền thờ Quang Trung được xây dựng ở thành cổ Tam Điệp ngay trong thời nhà Nguyễn. Quảng trường, tượng đài Hoàng đế Quang Trung được nhân dân Ninh Bình xây dựng tại xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp.

Tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cũng có tượng đài Hoàng Đế Quang Trung, đặt tại công viên trước nhà ga tàu hỏa.

Tên Nguyễn Huệ hoặc niên hiệu Quang Trung của ông được đặt cho các đường phố, trường học, phường xã ở các thành phố lớn Việt Nam (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vinh, Phan Thiết, Hạ Long, Uông Bí, Quảng Yên, Bến Tre, Tam Điệp, Đồng Hới, Ninh Bình...). Ở Hà Nội, phố Quang Trung được đặt trên di chỉ cũ của phủ Chúa Trịnh là nơi ông từng đóng quân khi tiến vào Thăng Long năm 1786 và cũng là nơi cử hành hôn lễ giữa ông và công chúa Lê Ngọc Hân.[161] Ở Thành phố Hồ Chí Minh, có một ngôi miếu nhỏ của ông tọa lạc tại Quận 12, gần Công viên phần mềm Quang Trung.

Hình tượng Nguyễn Huệ trong điện ảnh

Bộ phim dã sử – võ thuật đầu tiên của điện ảnh Việt Nam về Vua Quang Trung là bộ phim Tây Sơn hào kiệt được thực hiện bởi hãng phim Lý Huỳnh phối hợp cùng Hãng phim Thanh Niên hợp tác sản xuất với sự góp mặt của các diễn viên: Thùy Lâm, NSND Thế Anh, NSND Đoàn Dũng, NSƯT Lý Huỳnh, Công Hậu, Mộng Vân,... và vai Nguyễn Huệ được giao cho nam diễn viên Lý Hùng.[162][163] Phim được khởi quay từ ngày 7 tháng 3 năm 2009.[164][165]

Bộ phim dài 90 phút, dựng lại một quãng thời gian trong cuộc đời của Nguyễn Huệ – Quang Trung. Đó là thời gian người anh hùng Nguyễn Huệ chạm mặt và bắt đầu mối tình với Công chúa Lê Ngọc Hân, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc phò Lê – diệt Trịnh và phim kết lại với hình ảnh chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa lịch sử khi 10 vạn quân Tây Sơn đánh tan 20 vạn quân lính Nhà Thanh, tiến đến giải phóng Thăng Long vào mùa xuân Kỷ Dậu 1789.[166] Bộ phim đã được đầu tư trên 12 tỉ đồng, thực hiện ròng rã trong 3 năm và là phim đầu tiên của Hãng phim Lý Huỳnh được làm hậu kỳ tại Hồng Kông. Ngoài ra, phim còn có sự tham gia của 200 võ sư (vovinam, võ cổ truyền), 50 con voi ở Buôn Đôn, 38 tuấn mã từ trường đua, may 2.000 bộ trang phục cho bốn sắc lính, đúc 10 cây súng thần công và cảnh quay đông nhất có trên 3.000 diễn viên. Phim được chiếu ra mắt ngày 22 tháng 4 năm 2010 và chính thức công chiếu toàn quốc vào ngày 30 tháng 4.[167]

Xem thêm

Chú giải

• a)^ Vì có thuở Nguyễn Lữ đi tu theo đạo Hồi Bani (Islam Bani) một hệ tôn giáo của người Chàm cổ.

• b)^ Sau này Dương bị Nguyễn Huệ xử tử.

• c)^ Vị trí hiện nay của cung Đan Dương (hay Đan Lăng) là không rõ ràng, xin xem chi tiết tại Việc an táng Quang Trung.

• d)^ Trong Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim gọi Nhà Tây SơnNhà Nguyễn Tây Sơn vì các vua Tây Sơn họ Nguyễn và để phân biệt với Nhà Nguyễn của Nguyễn Ánh

• e)^ Chức do Nguyễn Nhạc phong

• g)^ Trịnh Tông phạm tội bị truất làm con út

• h)^ Con rể của Nguyễn Nhạc

• i)^ Trong nguyên bản "Khuân" là một chữ Nôm, rất ít dùng, viết theo tên gọi của địa phương. Khuân Sơn, theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, tập I (Nhà xuất bản Thuận Hoá, Huế 1992) chép: "Núi Khuân Sơn ở phía nam huyện Phong Điền, có tên nữa là Thượng Sơn, vì hình núi tròn như vựa thóc, thượng lưu sông Phong Điền chảy về phía tây, có một con đường theo ven núi chạy về phía bắc, đi theo về phía tây có thể đến đất người Man Thượng", Bài thơ chữ Hán "Nhìn thấy linh cữu Quang Trung" mới tìm thấy[liên kết hỏng] Hồng Phi - Hương Nao, VUSTA 00:00:00 Ngày 27/05/2006, theo Xưa & Nay, số 245, 10/2005, trang 6-8

• j)^ Doanh Tần tức Tần Thủy Hoàng; ý tác giả ví Nguyễn Ánh tàn bạo như Tần Thủy Hoàng

• k)^ Vinh ngày nay

Chú thích và tham khảo

  1. ^ Phan Huy Lê, Tìm hiểu thêm về phong trào nông dân Tây Sơn, Nhà xuất bản giáo dục, Hà Nội, 1961, trang 104
  2. ^ Kamm 1996, tr. 125
  3. ^ a b c Viện Sử học, sách đã dẫn, tập 4, tr 464
  4. ^ Nguyễn Phan Quang (2006), sách đã dẫn, tr 208 - 213
  5. ^ Ngày 21/6/2013, tại văn bản số 2296/BVHTTDL-MTNATL Lưu trữ 2018-02-01 tại Wayback Machine
  6. ^ Khâm định việt sử thông giám cương mục, Nhà xuất bản giáo dục Hà Nội, 1998, bản điện tử, tr 935
  7. ^ Đại Nam thực lục, Nhà xuất bản giáo dục, tập 1, 2002, tr 177
  8. ^ a b c Tạ Chí Đại Trường 1973, tr. 49
  9. ^ a b Trần Trọng Kim 1971, tr. 102
  10. ^ Xem Trung chi II họ Hồ Quỳnh ĐôiTiểu chi Cụ Án, Trung chi 5
  11. ^ Việt Nam sử lược. Phần IV Tự Chủ Thời Đại Thời Kỳ Nam Bắc Phân Tranh (1528 - 1802)[liên kết hỏng] trang 153. Trần Trọng Kim, Trung tâm Học liệu xuất bản. Bản lưu Viện Việt học
  12. ^ Đại Việt sử ký tục biên, Quyển XXII, Hiển Tông Vĩnh hoàng đế
  13. ^ a b c d e f g “Sự nghiệp Tây Sơn trên đất Bình Định”. Địa chí lịch sử Bình Định. Sở Khoa Học và Công nghệ Bình Định. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 2 năm 2008. Truy cập ngày 20 tháng 7 năm 2008.
  14. ^ Đỗ Bang 2006, tr. 11
  15. ^ Yến Phi 1995
  16. ^ Việt Nam sử lược, Bộ giáo dục Trung tâm học liệu xuất bản, bản điện tử, tr 143
  17. ^ Đại Nam thực lục, tập 1, Nhà xuất bản giáo dục, 2002, tr 177
  18. ^ Khâm định việt sử thông giám cương mục, Nhà xuất bản giáo dục xã hội Hà nội, 1998, bản điện tử, tr 935
  19. ^ Phong trào nông dân Tây Sơn - PGS Nguyễn Phan Quang; Việt Nam thời Tây Sơn - Lịch sử nội chiến 1771-1802, Tạ Trí Đại Trường
  20. ^ a b Lịch sử nội chiến Việt Nam từ 1771-1802, Nhà xuất bản công an nhân dân, 2007, tr 52,..., 57
  21. ^ Largo 2002, tr. 104
  22. ^ Nguyễn Lương Bích - Phạm Ngọc Phụng, sách đã dẫn, tr 33
  23. ^ Đại Nam thực lục, tập 1, Nhà xuất bản giáo dục, 2002, tr 177, 178
  24. ^ Đại Nam thực lục, tập 1, Nhà xuất bản giáo dục, 2002, tr 179
  25. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn 2001, tr. 930
  26. ^ Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng 1976, tr. 40
  27. ^ Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng 1976, tr. 42
  28. ^ Đại Nam thực lục, Nhà xuất bản giáo dục, 2002, tập 1, trang 184
  29. ^ Trịnh Duy Thuân, sách đã dẫn, tr 207
  30. ^ Trịnh Duy Thuân, sách đã dẫn, tr 208
  31. ^ Đại Nam thực lục, Nhà xuất bản giáo dục, 2002, tập 1, trang 185
  32. ^ Đại Nam thực lục, Nhà xuất bản giáo dục, 2002, tập 1, trang 187
  33. ^ Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng 1976, tr. 44-45
  34. ^ Tạ Chí Đại Trường 1973, tr. 88
  35. ^ a b Tạ Chí Đại Trường 1973, tr. 89
  36. ^ Tạ Chí Đại Trường 1973, tr. 90
  37. ^ Tạ Chí Đại Trường 1973, tr. 91
  38. ^ Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng 1976, tr. 54
  39. ^ Tạ Chí Đại Trường 1973, tr. 92-93
  40. ^ Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng 1976, tr. 65
  41. ^ Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng 1976, tr. 70
  42. ^ Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng 1976, tr. 77
  43. ^ a b c Nguyễn Phan Quang 2005, tr. 82
  44. ^ a b c d e f Tạ Chí Đại Trường 1973, tr. 125
  45. ^ Ngô gia văn phái 1987, tr. 99 (t. 1)
  46. ^ Đại Nam thực lục, Nhà xuất bản giáo dục, 2002, tr 215
  47. ^ a b Việt Nam sử lược, Nhà xuất bản Tân Việt, 1968, tr 357
  48. ^ Đại Nam thực lục, Nhà xuất bản giáo dục, 2002, tr 225
  49. ^ Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng 1976, tr. 119-120
  50. ^ “Hoàng Lê nhất thống chí”.
  51. ^ a b c d e f Việt Nam sử lược, Nhà xuất bản Tân Việt, 1968, tr 359-363
  52. ^ Do thời ấy nước Việt chia làm 2, Chỉnh vốn người Nghệ An, lại dẫn quân nước Đàng Trong ra cướp đất Đàng Ngoài, nên dân Nghệ An nói như vậy
  53. ^ Ngô gia văn phái 1987, tr. 140 (t. 1)
  54. ^ Trần Trọng Kim 1971, tr. 123
  55. ^ Trần Trọng Kim 1971, tr. 122
  56. ^ a b c Tạ Chí Đại Trường 1973, tr. 146-147
  57. ^ Tạ Chí Đại Trường 1973, tr. 145
  58. ^ Minh Giang (ngày 26 tháng 04 năm 2022). “Vì sao 3 anh em nhà Tây Sơn "nồi da nấu thịt"?”. Dân Việt.
  59. ^ Tạ Trí Đại Trường, sách đã dẫn, tr 166.
  60. ^ Tạ Chí Đại Trường 1973, tr. 145
  61. ^ Tạ Chí Đại Trường 1973, tr. 148
  62. ^ Đại Nam thực lục, Nhà xuất bản giáo dục, 2002, tr 226
  63. ^ a b Tạ Chí Đại Trường 1973, tr. 149
  64. ^ a b Trần Trọng Kim 1971, tr. 124
  65. ^ Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim, Nhà xuất bản Tân Việt, 1968, 364
  66. ^ Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim, Nhà xuất bản Tân Việt, 1968, 389
  67. ^ Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim, Nhà xuất bản Tân Việt, 1968, 365, 366
  68. ^ Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim, Nhà xuất bản Tân Việt, 1968, 366
  69. ^ a b Đọc lại: Hoàng đế Quang Trung ra Bắc, Nguyễn Duy Chính, BBC Vietnam, 4 tháng 1 năm 2018
  70. ^ a b Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng 1976, tr. 188-189
  71. ^ a b Tạ Chí Đại Trường 1973, tr. 165
  72. ^ a b Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng 1976, tr. 217
  73. ^ Đại Nam thực lục, Nhà xuất bản giáo dục, 2002, tr 239
  74. ^ a b c Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng, sách đã dẫn, tr 218
  75. ^ Tạ Chí Đại Trường 1973, tr. 225
  76. ^ Nhiều tác giả, Ngô Thì Nhậm con người và sự nghiệp, ty văn hóa thông tin Hà Tây, 1974, trang 59-64
  77. ^ Bang giao tập, sách chép tay của thư viện Hán Nôm
  78. ^ Lê quý kỷ sự, tr. 120
  79. ^ Nghiên cứu lịch sử. Số phát hành 183. Viện sử học, 1978 Trang 30
  80. ^ Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng 1976, tr. 220
  81. ^ Tạ Chí Đại Trường 1973, tr. 168-170
  82. ^ Quang Trung: Góc nhìn sử Việt, Tập 1, Hoa Bằng, Nhà xuất bản Dân Trí, Trích:"Vì bấy giờ đang mưu đồ công cuộc đánh Tàu, nên trong nước phải dùng đến chính sách cưỡng bách tòng quân: từ 12, 13 đến 60 tuổi, đều phải ra lính hết."
  83. ^ Tây Sơn-Thuận Hóa và anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ Quang Trung, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2009, Trích: "Ở đây, mỗi người từ 15 tuổi trở lên đều ra trận, các ông già, đàn bà góa, và các cô gái thì đi sửa cầu, hoặc đi sửa các con đường lớn..."
  84. ^ Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng, sách đã dẫn, tr 219-220
  85. ^ Việt Nam sử lược, Nhà xuất bản Tân Việt, 1968, tr 373
  86. ^ Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng 1976, tr. 236: nguyên chỉ có 12 đống, tới giữa thế kỷ XIX, do đào đất làm đường, mở chợ lại nhặt được nhiều xác nữa nên tập trung thành gò thứ 13. Tới sau này chỉ còn lại 2 đống, một là đống đa gần đền Trung Liệt, một nữa là đống thiêng trong khu lăng mộ Hoàng Cao Khải
  87. ^ Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng 1976, tr. 238
  88. ^ Ngô gia văn phái 1987, tr. 190 (t. 2)
  89. ^ Tạ Chí Đại Trường 2007, tr. 197
  90. ^ Nhiều người soạn, Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (tập 3). Nhà xuất bản Văn học, 1978 (tr. 355-361). Xem phần phiên âm Hán-Việt và dịch thơ ở sách này.
  91. ^ Việt Nam sử lược, Nhà xuất bản Tân Việt, Nhà xuất bản Tân Việt, 1968, tr 381
  92. ^ Nguyễn Phan Quang 2006, tr. 309
  93. ^ a b c d Nguyễn Phan Quang 2006, tr. 309-310
  94. ^ a b c Trần Trọng Kim 1971, tr. 141
  95. ^ Đặng Việt Thủy & Đặng Thành Trung 2008, tr. 276
  96. ^ a b c d Đặng Việt Thủy & Đặng Thành Trung 2008, tr. 274-275
  97. ^ a b Việt Nam sử lược, Nhà xuất bản Tân Việt, 1968, tr 382
  98. ^ a b c Đặng Việt Thủy & Đặng Thành Trung 2008, tr. 275-276
  99. ^ a b Trần Trọng Kim 1971, tr. 142
  100. ^ Viện Sử học, sách đã dẫn, tập 4, tr 461
  101. ^ a b c d Đặng Việt Thủy & Đặng Thành Trung 2008, tr. 274
  102. ^ Viện Sử học, sách đã dẫn, tập 4, tr 457
  103. ^ Viện Sử học, sách đã dẫn, tập 4, tr 458
  104. ^ Viện Sử học, sách đã dẫn, tập 4, tr 462
  105. ^ a b c d Đặng Việt Thủy & Đặng Thành Trung 2008, tr. 273
  106. ^ a b Xuân Duy 2008
  107. ^ Việt Nam sử lược, Nhà xuất bản Tân Việt, 1968, tr 383
  108. ^ a b c d Việt Nam sử lược, Nhà xuất bản Tân Việt, 1968, tr 375–380
  109. ^ a b c Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng 1976, tr. 317
  110. ^ Trần Trọng Kim 1971, tr. 136
  111. ^ a b Tạ Chí Đại Trường 1973, tr. 270
  112. ^ Thanh Cung Yến Lạc Tàng Trân, tr. 79
  113. ^ Đại Việt quốc thư, tr 322-323
  114. ^ Nguyễn Quang Chính (tháng 11 năm 2017). “Đã tìm ra chân dung VUA QUANG TRUNG?”. Tạp Chí Xưa và Nay. Hà Nội: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (489): 8–9. ISSN 0868-331X.
  115. ^ Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng, sách đã dẫn, tr 321. Việc viết sách sử về một triều đại rất quan trọng, đánh dấu sự kết thúc của triều đại đó
  116. ^ a b Ngô Thì Nhậm, con người và sự nghiệp, Ty văn hóa-thông tin Hà Tây, 1974, trang 96
  117. ^ a b Tạ Chí Đại Trường 1973, tr. 200-208
  118. ^ Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng 1976, tr. 322
  119. ^ Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng 1976, tr. 323
  120. ^ Tạ Chí Đại Trường 1973, tr. 258
  121. ^ Tạ Chí Đại Trường 1973, tr. 261
  122. ^ a b Tạ Chí Đại Trường 1973, tr. 276
  123. ^ Đặng Việt Thủy & Đặng Thành Trung 2008, tr. 269
  124. ^ Ngô gia văn phái 1987, tr. 208 (t. 2)
  125. ^ a b c d Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên gg
  126. ^ “Quang Trung Nguyễn Huệ (1753-1792)”. Vietsciences. Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2008.
  127. ^ Nguyễn Đắc Xuân (1986), Hương Giang cố sự, Tủ sách sông Hương
  128. ^ Bảo Huy (ngày 17 tháng 1 năm 2006). “Những bí ẩn về lăng mộ Vua Quang Trung sắp được giải mã ?”. Báo Bình Định. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 3 năm 2008. Truy cập ngày 20 tháng 7 năm 2008.
  129. ^ Phan Duy Kha (CAND) (ngày 26 tháng 3 năm 2006). “Mộ Quang Trung: Miệng "chén ngọc" hay cái huyệt yểm?”. Việt Nam Net. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 3 năm 2008. Truy cập ngày 20 tháng 7 năm 2008.
  130. ^ Viết Hiền (ngày 11 tháng 11 năm 2005). "Kiến Quang Trung linh cữu" - một tư liệu lịch sử quý”. Báo Bình Định. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 9 năm 2008. Truy cập ngày 20 tháng 7 năm 2008.
  131. ^ a b c d Đỗ Bang 2005, tr. 185-186.
  132. ^ Đỗ Bang 2005, tr. 187-189.
  133. ^ Thực lục I, tr.466
  134. ^ Nguyễn Phúc Tộc thế phả
  135. ^ Tạ Chí Đại Trường 1973, tr. 271
  136. ^ a b c Tạ Chí Đại Trường 1973, tr. 271-272
  137. ^ a b Tạ Chí Đại Trường 1973, tr. 272
  138. ^ Tạ Chí Đại Trường 1973, tr. 273
  139. ^ a b “Bùi Thị Nhạn”. Báo Bình Định. ngày 21 tháng 12 năm 2003. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 1 năm 2008. Truy cập ngày 20 tháng 7 năm 2008.
  140. ^ https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/su-that-it-nguoi-biet-ve-moi-quan-he-giua-nguyen-hue-nguyen-anh/20200320095033989
  141. ^ Đỗ Viết Lăng (14 tháng 7 năm 2006). “Kỳ mưu của Quang Trung”. Báo Bình Định. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 9 năm 2006. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2006.
  142. ^ Hồ Chí Minh toàn tập (tập 3), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000
  143. ^ Nguyễn Ánh - một ẩn số của lịch sử Gia Long và triều Nguyễn - một thực thể vương quyền Đại Việt
  144. ^ K.W.Taylor, The Birth of Vietnam, Berkeley, Nhà xuất bản Đại học California, 1983, các trang 6, 21-22, 57-66, 78, 89-91, 94-95, 110, 112-113, 151, 155, 226, 228-229, 240-248, 265-268, 275-280. K.W.Taylor
  145. ^ Kể theo Nhà Tây Sơn, tr. 201-202.
  146. ^ Nhiều tác giả 2007, tr. 103
  147. ^ Tạ Chí Đại Trường 1973, tr. 171
  148. ^ Dẫn theo Tạ Trí Đại Trường, tr 50
  149. ^ Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng 1976, tr. 186
  150. ^ a b Trần Trọng Kim 1971, tr. 153
  151. ^ Nhiều tác giả 2006, tr. 43
  152. ^ Trần Trọng Kim 1971, tr. 156
  153. ^ Trần Trọng Kim 1971, tr. 158
  154. ^ Triều đại Tây Sơn và những chính sách cải cách của Quang Trung Lưu trữ 2017-02-15 tại Wayback Machine[cần nguồn tốt hơn]
  155. ^ Phan Huy Lê, Tìm hiểu thêm về phong trào nông dân Tây Sơn, Nhà xuất bản giáo dục, Hà Nội, 1961, tr. 104
  156. ^ Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng 1976, tr. 82-83
  157. ^ Thế Văn (ngày 21 tháng 2 năm 2007). “Quang Trung Nguyễn Huệ trọng sĩ, cầu hiền”. Báo Nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 2 năm 2009. Truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2018.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  158. ^ Trần Trọng Kim 1971, tr. 140
  159. ^ “Nguyễn Ánh”. Truy cập 9 tháng 8 năm 2016.
  160. ^ Trần Ngọc Kha (3 tháng 7 năm 2007). “Nhớ một thời "Hà Nội trong mắt ai". Hà Nội Mới Online. Truy cập ngày 20 tháng 7 năm 2008.
  161. ^ Theo Phố và đường Hà Nội - Nguyễn Vinh Phúc, Nhà xuất bản Giao thông vận tải, 2002
  162. ^ Thùy Ân (ngày 5 tháng 3 năm 2010). "Tây Sơn hào kiệt": Phim dã sử đầu tiên về Hoàng đế Quang Trung”. Laodong.com.vn. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 3 năm 2010. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2010.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  163. ^ Đ.T (ngày 20 tháng 4 năm 2010). “Khởi chiếu "Tây Sơn hào kiệt" và "Để Mai tính". Báo Thanh Niên. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2010.
  164. ^ Vân Hồ (ngày 1 tháng 3 năm 2009). “Khởi quay "Tây Sơn hào kiệt". Toquoc.gov.vn. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 4 năm 2010. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2010.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  165. ^ Khởi quay "Tây Sơn hào kiệt" Danh Nghi, báo Thanh Niên, 02/03/2009 22:51
  166. ^ Thoại Hà (ngày 23 tháng 4 năm 2010). 'Tây Sơn hào kiệt' thể hiện hùng khí dân tộc”. Vnexpress.net. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2010.
  167. ^ CÁT VŨ (ngày 24 tháng 4 năm 2010). “Xem Tây sơn hào kiệt - chia sẻ một nỗ lực”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2010.

Thư mục tham khảo

  • Đại Nam thực lục, Nhà xuất bản giáo dục, 2002, tập 1.
  • Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh (1997), Đại cương lịch sử Việt Nam, 1, Nhà xuất bản Giáo dụcQuản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết).
  • Nguyễn Phan Quang (2005), Theo dòng Lịch sử Dân tộc, 1, Nhà xuất bản tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Đặng Việt Thủy; Đặng Thành Trung (2008), 54 vị Hoàng đế Việt Nam, Hà Nội: Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân.
  • Nguyễn Phan Quang (2006), Một số công trình sử học Việt Nam, Nhà xuất bản tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Tạ Chí Đại Trường (1973), Lịch sử Nội Chiến Việt Nam 1771- 1802, Sài Gòn: Nhà xuất bản Văn Sử Học.
  • Nhiều tác giả (2007), Quang Trung Nguyễn Huệ, Nhà xuất bản Văn hoá Sài gòn.
  • Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng (1976), Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.
  • Trần Trọng Kim (1971), Việt Nam sử lược, 2, Sài Gòn: Trung tâm Học liệu Xuất bản thuộc Bộ giáo dục, Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 8 năm 2018, truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2008.
  • Nhiều tác giả (2006), Quang Trung-Nguyễn Huệ, di sản và những bài học, Tạp chí Xưa và Nay (Hội Sử học Việt Nam) và nhà xuất bản Văn hoá Sài Gòn.
  • Trần Trọng Kim (1951), Việt Nam sử lược, 2, Sài Gòn: Nhà xuất bản Tân Việt-Hà Nội.
  • Quốc sử quán triều Nguyễn (2001), Khâm định Việt sử Thông giám cương mục (PDF) , Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục.
  • Ngô Giáp Đậu (1995), Hoàng Việt Long hưng chí (trong Tổng tập văn học Việt Nam), 8B, Hà Nội: Nhà xuất bản Văn học.
  • Tạ Chí Đại Trường (2007), Việt Nam Thời Tây Sơn: Lịch sử Nội Chiến (1771 - 1802), Nhà xuất bản Công an nhân dân.
  • Yến Phi (1995), Sổ tay Võ thuật (phần thiệu, đồ hình, diễn thế), Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Đỗ Bang (2005), Những khám phá mới về Hoàng đế Quang Trung, Nhà xuất bản Thuận Hóa.
  • Xuân Duy (2008), Những ánh hào quang rực rỡ sắc xuân, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, truy cập ngày 20 tháng 7 năm 2008[liên kết hỏng].
  • (tiếng Anh) Nhung Tuyet Tran, Phan Huy Le, Anthony Reid (2006), Viet Nam: Borderless Histories, University of Wisconsin Press, ISBN 0299217744Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết).
  • (tiếng Anh) Largo, V. (2002), Vietnam: Current Issues and Historical Background, Nova Publishers, ISBN 1590333683.
  • (tiếng Anh) Kamm, Henry (1996), Dragon Ascending: Vietnam and the Vietnamese, Arcade Publishing, ISBN 1559703067.

Đọc thêm

  • Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục
  • Hồ Đắc Duy, Đại Việt sử thi.
  • Quách Tấn, Quách Giao (1988), Nhà Tây Sơn, Sở Văn hoá Thông tin Nghĩa Bình.
  • Phan Trần Chúc (2000), Vua Quang Trung, Nhà xuất bản. Văn hoá Thông tin, tái bản, Hà Nội
  • Đỗ Bang (1998), Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung, Thuận Hoá - Huế tái bản lần 2
  • Relation d'un Voyage Cochinchine en 1778, Par Mr Chapman Traduit de L'Anglais par H. Berland. P15-75.BSEI (Bản dịch Nguyễn Đình Đầu, Tạp chí Xưa và Nay số 92 (5.2001).

Liên kết ngoài