Bước tới nội dung

Nguyễn Phúc Lan

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nguyễn Thần Tông
Thượng Vương
上王
Chúa Nguyễn
Chúa Nguyễn
Trị vì1635 - 1648
Tiền nhiệmNguyễn Phúc Nguyên
Kế nhiệmNguyễn Phúc Tần
Thông tin chung
Sinh(1601-08-13)13 tháng 8, 1601 [1]
Mất19 tháng 3, 1648(1648-03-19) (46 tuổi) [1]
Đàng Trong, Đại Việt
Thê thiếpĐoàn Thị Ngọc
Hậu duệ
Tên húy
Nguyễn Phúc Lan
Thụy hiệu
Thần Tông Thừa Cơ Toản Thống Quân Minh Hùng Nghị Uy Đoán Anh Vũ Hiếu Chiêu Hoàng Đế
承基纘統剛明雄毅威斷英武孝昭皇帝
Ngắn: Hiếu Chiêu hoàng đế
Miếu hiệu
Thần Tông (神宗) Thần Tổ
Tước vị
Gia tộcHọ Nguyễn
Thân phụNguyễn Phúc Nguyên
Thân mẫuMạc Thị Giai

Nguyễn Phúc Lan (chữ Hán: 阮福瀾, 13 tháng 8 năm 1601 - 19 tháng 3 năm 1648) hay Nguyễn Thần Tông, Chúa Thượng là vị chúa Nguyễn thứ ba của chính quyền Đàng Trong trong lịch sử Việt Nam, cai trị từ năm 1635 đến năm 1648. Chúa Phúc Lan kế ngôi cha là Nguyễn Phúc Nguyên, tiếp tục xây dựng cơ đồ họ Nguyễn ở Nam Hà và đánh bại hai đợt tấn công của chúa Trịnh năm 1643, 1648.

Thân thế

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguyễn Phúc Lan là con trai thứ hai của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, mẹ là Mạc Thị Giai (con gái của tướng Mạc Kính Điển, hoàng thân nhà Mạc).

Lúc đầu, ông được phong chức Phó tướng Nhân Lộc Hầu.

Năm Tân mùi (1631), công tử trưởng Phúc Kỳ mất, ông được lập làm Thế tử.

Năm Ất hợi (1635), chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên qua đời, ông vâng lời di chúc, các quan tôn ông làm Tiết Chế Thủy Bộ Chư Dinh kiêm Tổng Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự Thái Bảo Nhân Quận Công.

Lúc ấy ông đã 35 tuổi. Thời bấy giờ gọi là Chúa Thượng.

Điều hành Đàng Trong

[sửa | sửa mã nguồn]

Em trai của ông là Nguyễn Phúc Anh đang là Trấn thủ Quảng Nam, nghe tin anh lên ngôi liền bí mật đầu hàng chúa Trịnh, cho đắp lũy Cu Đê để cố thủ, bày thủy quân ở Đà Nẵng chống lại chúa. Chúa cho mời chú của mình là Tường Quận công Nguyễn Phúc Khê vào bàn. Ông Khê cứng rắn, quyết đánh không nhân nhượng, xin ông đặt phép nước lên tình nhà rồi cùng Nguyễn Phúc Yên kéo quân vào đánh, bắt được Anh, lấy nghĩa Anh em là tình riêng, phép nước là nghĩa lớn, rồi đem giết đi.

Theo sách Đại Nam thực lục tiền biên: "Chúa đã nắm chính quyền, lấy ơn huệ vỗ về dân chúng. Bấy giờ mưa nắng thuận hòa, nước giàu dân thịnh, có cảnh tượng thái bình rực rỡ".[2]

Khi chúa Phúc Lan mới lên thay chúa Phúc Nguyên, quan trấn giữ biên thùy cho chúa Trịnh là Nguyễn Khắc Liệt hay đem quân quấy phá Nam Bố Chính, dù trước đó Khắc Liệt đã ngầm phục tùng chúa Phúc Nguyên. Chúa Phúc Lan bèn theo kế ly gián của Nguyễn Hữu Dật, phao thư cho họ Trịnh rằng Khắc Liệt giả vờ thua để dụ chúa Trịnh Tráng đến để giết. Chúa Trịnh sai Trịnh Kiều đem 5000 quân đi bắt Khắc Liệt, đồng thời chúa Nguyễn cũng sai mang quân đi đánh làm Khắc Liệt bỏ chạy. Quân Trịnh tưởng Liệt giả đò thua, bèn bắt sống, giải về, và giết hắn đi. Tháng 6 năm 1640, đất Bắc Bố Chính rơi vào tay chúa Nguyễn.

Nhưng sau đó chúa Trịnh Tráng gửi phục thư nói về tình nghĩa lâu đời và xin trả lại Bắc Bố Chính, chúa Phúc Lan thuận trả cho.

Sau giai đoạn này, chúa Nguyễn có phần bỏ bê chính sự, chăm vui chơi yến tiệc, xây dựng cung thất nhưng nhờ có lời can gián của quan nội tán Vân Hiên Hầu mà tỉnh ngộ.

Tháng 5 năm 1642, Chúa cho dựng thao trường để rèn thủy quân tại xã Hoằng Phúc[3] kỳ tháng 7 hằng năm.

Dời thủ phủ

[sửa | sửa mã nguồn]
Sơ đồ dinh Kim Long

Qua năm sau (1636), ông cho dời phủ từ làng Phước Yên (Quảng Điền, Thừa Thiên) qua làng Kim Long (Hương Trà, Thừa Thiên).

Phủ Kim Long rộng rãi, cảnh trí xinh đẹp, phủ Chúa và nhà quan lại còn lan ra các làng chung quanh. Kim Long đã mang lại nhiều lợi ích cho nền thương mại trong thời. Các thuyền buôn từ Hội An, Trung Hoa ghé Thuận An đi dọc theo sông Hương lên Huế. Nhờ đó mà phẩm vật của người Âu và Trung Hoa (tơ sống, thuốc Bắc, bút chì...đều được mang bán tại Huế. Khách phương xa ghé đến Kim Long không khỏi ngạc nhiên khí thấy cảnh tượng huy hoàng của phủ Chúa và các nhà quan lại. Mỗi khi ông ngự đi đâu đều có hơn hai nghìn thị vệ theo hầu, tiền hô hậu ủng, cờ xi rợp trời, oai vệ khác thường[1].

Thấy tình hình xứ Thuận Quảng ổn định, Chúa Thượng cho mở khoa thi (1647) chính đồ và Hoa văn để tuyển chọn nhân tài ra cứu giúp nước.

Về quan chế, giống thời Chúa Sãi tiền nhiệm, nhưng lại đặt thêm chức nội tả, ngoại tả, nội hữu, ngoại hữu, gọi là tứ trụ để giúp chúa trị dân.

Năm 1646, ông sai tổ chức khoa thi Chính đồ và Hoa văn nhằm tuyển chọn nhân tài (đây là khoa thi đầu tiên của Đàng Trong).

Năm 1646, Nguyễn Phúc Lan định phép thi 9 năm một kỳ. Ra lệnh cho các học trò về khoa chính đồ[4] và khoa hoa văn[5] đều đến công phủ để ứng thi.

  • Chính đồ thi 3 ngày: Ngày thứ nhất thi tứ lục. Ngày thứ hai thi thơ phú. Ngày thứ 3 thi văn sách
Lấy văn chức, tri phủ, tri huyện làm sơ khảo; cai bạ, ký lục, nha úy làm giám khảo; nội tả, nội hữu, ngoại tả, ngoại hữu làm giám thí.
Người thi trúng thì làm danh sách để tiến lên, định làm 3 hạng giáp, ất, bính.
Hạng giáp là giám sinh, bổ tri phủ tri huyện; hạng ất làm sinh đồ, bổ huấn đạo; hạng bính cũng làm sinh đồ, bổ lễ sinh hoặc cho làm nhiêu học mãn đại.
  • Hoa văn thi 3 ngày, mỗi ngày đều viết một bài thơ. Người trúng cũng chia làm 3 hạng, bổ làm việc ở ba ty Xá sai, Lệnh sử và Tướng thần lại và cho làm nhiêu học.

Tháng 8 năm thứ 12 (1647), chúa Phúc Lan bắt đầu mở khoa thi[6], lấy 7 người trúng chính đồ, 24 người trúng hoa văn, đều được bổ dụng.[7]

Vụ Tống Thị

[sửa | sửa mã nguồn]

Tống Thị Toại là vợ của trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Phúc Kỳ, người con trưởng đột ngột qua đời (22-7-1631)[1] của Chúa Sãi Phúc Nguyên, tức chị dâu của Chúa Thượng.

Tống Thị tới phủ Kim Long gặp Chúa Thượng, nhân việc đó mà đem tình trạng đau khổ của mình ra than vãn, lại còn đem một chuỗi ngọc bách hoa dâng lên. Vì xinh đẹp, khéo ứng đối nên chúa thương tình, cho được ra vào cung phủ. Thị thần cũng có người can nhưng Chúa không nghe[8].

Tham vọng của Tống Thị rất lớn, không thể trở thành chính phi thì phải trở thành chủ của kho báu mới được. Nhờ vào địa vị của mình với Chúa, Tống Thị ra tay làm giàu bằng cách nhận hối lộ của những kẻ luồn cúi cầu cạnh, thẳng tay bóc lột dân đen.

Bá quan trong phủ Chúa và nhân dân rất căm phẫn, có người quyết chí phải giết cho bằng được Tống Thị mới thôi. Tống Thị sợ, bèn nhân có cha là Tống Phước Thông đang được Trịnh Tráng tin dùng, Tống Thị bí mật gởi thư xin Trịnh Tráng cất quân. Tống Thị hứa đem gia tài giúp vào việc quân. Tráng nhận thư, liền bàn việc xâm lấn Đàng Trong.

Năm 1643, quân Trịnh vào Nam nhưng không thu được thắng lợi gì, Tống Thị cũng may mà không bị chúa Nguyễn Phúc Lan trị tội.

Tháng 4 năm 1654, vào đời chúa sau là Nguyễn Phúc Tần, Tống Thị lại phạm tội một lần nữa. Nguyên là trước kia, khi Tống Thị đã thông dâm với Chúa Thượng. Quan Chưởng cơ Nguyễn Phúc Trung (Tôn Thất Trung - em ruột Chúa Thượng) muốn giết đi, Tống Thị sợ quá bèn tìm cách chiều chuộng Trung, rốt cuộc 2 người tư thông với nhau. Nghe lời Tống Thị, Tôn Thất Trung tính làm chuyện phản nghịch để đoạt ngôi chúa. Cơ mưu bị bại lộ, Tôn Thất Trung bị tống giam còn Tống Thị thì bị xử tử, gia sản to lớn bị tịch thu.[1][9].

Xung đột với Hà Lan

[sửa | sửa mã nguồn]

Sự vụ tàu Hà Lan Grootebroek bị đắm năm 1634 tại quần đảo Hoàng Sa, thuyền trưởng Huijich Jansen và 12 thủy thủ đi bằng thuyền nhỏ vào duyên hải xứ Đàng Trong để trình báo sự việc và bị tịch thu 23.580 réaux bởi nhà chức trách xứ Đàng Trong thời Chúa tiền nhiệm Phúc Nguyên. Hai năm sau, dưới thời Chúa Thượng Phúc Lan, ngày 6 tháng 3 năm 1636, 2 tàu Hà Lan khác tới Đà Nẵng. Thương gia Abraham Duijeker tiến về Hội An để gặp quan Trấn thủ; sau đó ông ta đi Thuận Hóa yết kiến Chúa Thượng, để xin giao thương, đặt thương điếm và đòi số tiền 23.580 réaux đã bị tịch thu năm kia.

Để bù vào sự thiệt thòi đó, Chúa Thượng chấp thuận cho người Hà Lan được tự do giao thương với xứ Đàng Trong, và miễn cho họ sắc thuế neo bến và các tặng phẩm. Vì lẽ đó mà từ năm 1636, một thương điếm của người Hà Lan đã được thiết lập tại Hội An, do Abraham Duijeker làm Trưởng Thương điếm.

Bắt đầu từ năm 1641, tàu chiến của Hà Lan liên tục cướp phá, quấy rối và hăm he tấn công Đàng Trong. Tháng 11 năm 1641, hai con tàu của Hà Lan bị quân đội chúa Nguyễn đánh đắm gần bờ biển đảo Cù Lao Chàm do xâm phạm lãnh hải. 82 người lính Hà Lan bị chúa Nguyễn bắt giam ở Hội An và Chúa Nguyễn đã tịch thu cả hai con tàu đó.

Tháng 5 năm 1642, Công ty Đông Ấn Hà Lan cử nhiều tàu chiến đi lùng bắt dân chúng, cướp bóc, đốt phá ở khu vực duyên hải miền Trung.

Tháng 6 năm 1643, theo đề nghị của chúa Trịnh, ba tàu chiến Hà Lan là Wojdenes (De Wijdeness), Waterhond và Vos tiến vào cửa Thuận An đánh chúa Nguyễn. Thế tử Nguyễn Phúc Tần chưa được lệnh của cha đã chỉ huy khoảng hơn 50 tàu đột kích bất ngờ. Tàu đô đốc Wijdenes, là chiếc nặng nhất và chậm nhất trong số 3 tàu đó, bị bốn thuyền chèo tay đuổi kịp, đánh gãy mất bánh lái, đánh đổ cột buồm và bám vào hai bên mạn tàu; viên thuyền trưởng Pieter Baek không hy vọng chạy thoát được nữa, cho châm lửa vào kho thuốc súng và tự đốt cháy tàu, Pieter Baek và nhiều thủy thủ đã bị chết. Hai chiếc tàu kia, theo lời của Jean Gobyn, phải rất chật vật mới tìm được một chỗ trú ở đảo Ngọc (Ile de Perles)[10][11][12].

Sau trận này, Công ty Đông Ấn Hà Lan không còn gửi tàu bè đến Đàng Trong.

Chiến tranh với quân Trịnh

[sửa | sửa mã nguồn]

Cuộc chiến 1643

[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 2 năm 1643, Chúa Trịnh Tráng sai thái bảo Trịnh Tạc, Trịnh Đệ đem đại quân đánh Nam Bố Chính. Quân Trịnh ồ ạt tiến công giết chết tướng quân Nguyễn là Bùi Công Thắng, chiếm được Nam Bố Chính, tiến lên đóng ở cửa Nhật Lệ.

Tháng 4, chúa Trịnh sai Trịnh Đào đánh lũy Trung Hòa. Quân Nguyễn phòng thủ vững chắc, Trịnh Đào không hạ được lũy. Lại gặp lúc mùa hè, khí hậu oi bức, quân Trịnh bị bệnh nhiều nên chúa Trịnh đành ra lệnh lui quân.[13]

Cuộc chiến 1648

[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 2 âm lịch năm 1648, Trịnh Tráng sai Tiến Quận Công Lê Văn Hiểu khởi binh nam tiến lần thứ tư, dẫn bộ binh tiến lên đóng ở đất Nam Bố Chính, còn thủy quân đánh cửa Nhật Lệ. Quân Nguyễn ra chống lại bị bất lợi, Cai đội Trương Triều Lương và Trương Triều Nghị tử trận. Quân Trịnh bèn tiến đánh dinh Quảng Bình.

Chúa Phúc Lan và thế tử Phúc Tần mang quân cứu viện ra Quảng Bình. Chúa Phúc Lan thân đốc đại binh, đóng trại ở xã Trung Chi[14], thủy quân phục sẵn ở sông Cẩm La, sai Nguyễn Hữu Tiến mang 100 con voi đánh úp quân Trịnh lúc nửa đêm, quân bộ tiếp sau vào đánh phá. Quân Trịnh thua lớn, bị thủy quân Nguyễn chặn đánh chạy đến tận sông Lam mới thôi.

Trận ấy quân họ Nguyễn bắt được các tướng Gia, Lý, Mỹ (trong đó Mỹ tự sát) và 3.000 quân của họ Trịnh.[15] Chúa Phúc Lan đã bàn với các tướng về cách xử lý tù binh. Có người đề nghị cho tù binh Trịnh vào vùng núi sâu, hải đảo để đề phòng hậu họa; người khác lại đề xuất giết các tướng hiệu, thả binh sĩ về Đàng Ngoài. Nhưng chúa Phúc Lan không đồng ý, ông nói: "Hiện nay từ miền Thăng (tức phủ Thăng Bình) Điện (tức phủ Điện Bàn) trở vào Nam đều là đất cũ của người Chàm, dân cư thưa thớt, nếu đem chúng an tháp vào đất ấy, cấp cho canh ngưu điền khí chia ra từng bộ từng xóm, tính nhân khẩu cấp cho lương ăn để chúng khai khẩn ruộng hoang, thời trong khoảng mấy năm, thuế má thu được có thể đủ giúp quốc dụng, và sau hai mươi năm, sinh sản ngày nhiều, có thể thêm vào quân số, có gì mà lo về sau!". Chúa thả hơn 60 tướng Trịnh về miền Bắc, rồi cho tù binh vào Nam định cư, lập ấp, mỗi ấp gồm 50 người, đều được cấp lương ăn nửa năm. Chúa còn truyền lệnh các nhà giàu cho họ vay thóc, chỉ cho họ những lợi núi đầm để sinh sống. Theo Đại Nam thực lục: "Từ đó từ Thăng, Điện đến Phú Yên, làng mạc liền nhau, về sau sẽ thành hộ khẩu".[16]

Tháng 3 năm 1648, quân Nguyễn định vượt sông Gianh đánh ra Bắc Bố Chính thì nghe tin chúa Nguyễn ngã bệnh chết trên thuyền trên đường về Thuận Hóa nên phải lui binh.

Tôn giáo

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1631, chúa Thượng cấm không cho người Tây vào giảng đạo ở trong nước.

Qua đời

[sửa | sửa mã nguồn]

Cuộc chiến lần thứ 4 với quân Trịnh, Chúa Phúc Lan đã phải tự cầm quân ra hỗ trợ. Sau Chúa thấy trong người không được khỏe, mới trao binh quyền cho con trai là Nguyễn Phúc Tần và tướng Nguyễn Hữu Dật chỉ huy còn mình thì rút về. Đến phá Tam Giang thì Chúa mất, hưởng thọ 48 tuổi. Lăng mộ táng tại núi An Bằng, phủ Thừa Thiên, tên lăng là Trường Diên [1].

Con trai ông là Nguyễn Phúc Tần lên kế nghiệp, tức Hiền vương.

Nhà Nguyễn về sau thu được thiên hạ đã truy phong ông miếu hiệuThần Tông, thụy là Thừa Cơ Toản Thống Quân Minh Hùng Nghị Uy Đoán Anh Vũ Hiếu Chiêu hoàng đế.[1]

Gia quyến

[sửa | sửa mã nguồn]

Thượng vương Nguyễn Phúc Lan có 3 công tử và 1 công nữ:[1]

Hiếu Chiêu Hoàng Hậu Đoàn Thị Ngọc, mẹ sinh của cả ba công tử.

Công tử

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. Nguyễn Phúc Vũ, mất sớm.
  2. Nguyễn Phúc Tần, tức chúa Hiền.
  3. Nguyễn Phúc Quỳnh, mất sớm.

Công nữ

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Nguyễn Phúc Ngọc Dung, lấy Chưởng cơ tên Minh. Mất sớm.
Tiền nhiệm:
Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên
Chúa Thượng
1635-1648
Kế nhiệm:
Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c d e f g h Gia tộc Nguyễn Phước 2006
  2. ^ Đại Nam thực lục, tập 1, các trang 42-43.
  3. ^ Tức xã Hồng Phúc, huyện Phúc Vang bây giờ. Dân ba huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang đắp núi đất cao hơn 30 thước, rộng hơn 150 thước
  4. ^ Khoa thi lấy người đậu ra làm quan, tương tự thi Hương thi Hội ở Bắc.
  5. ^ Khoa thi lấy học trò viết chữ tốt ra làm lại.
  6. ^ Hay được gọi là Thu vi hội thí
  7. ^ Đại Nam thực lục, tập 1, các trang 46-47.
  8. ^ Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 3)
  9. ^ Đại Nam Thực lục tiền biên
  10. ^ Theo sách Những người châu Âu ở nước An Nam, Charles B. Maybon
  11. ^ Theo sách Đại Nam thực lục
  12. ^ “Hải chiến - Từ lịch sử đến hiện đại: Tàu to, súng lớn vẫn thua”. Thanh Niên Online. Truy cập 30 tháng 10 năm 2015.
  13. ^ Đại Nam thực lục, tập 1, trang 45
  14. ^ Huyện Đăng Xương.
  15. ^ Đại Nam thực lục, tập 1, các trang 47-48.
  16. ^ Đại Nam thực lục, tập 1, trang 49