Bước tới nội dung

Hannah Arendt

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Hannah Arendt
Photo of Hannah Arendt in 1933
Chân dung Arendt năm 1933
SinhJohanna Arendt
(1906-10-14)14 tháng 10 năm 1906
Linden, tỉnh Hanover, Vương quốc Phổ, Đế quốc Đức
Mất4 tháng 12 năm 1975(1975-12-04) (69 tuổi)
Manhattan, Thành phố New York, Hoa Kỳ
Nơi an nghỉĐại học Bard, New York, Hoa Kỳ
Tên khácHannah Arendt Bluecher
Tư cách công dân
Phối ngẫu
Günther Anders
(cưới 1929⁠–⁠ld.1937)

Heinrich Blücher
(cưới 1940⁠–⁠mất1970)
Cha mẹ
  • Paul Arendt
  • Martha Cohn
Người thânMax Arendt [de] (ông nội)
Henriette Arendt (dì)
Học vịĐại học Berlin
Đại học Marburg
Đại học Freiburg
Đại học Heidelberg (PhD, 1929)
Tác phẩm nổi bật
Thời kỳTriết học thế kỷ 20
VùngTriết học phương Tây
Trường phái
Tư vấn tiến sĩKarl Jaspers[5]
Đối tượng chính
Triết học chính trị, lý thuyết về chủ nghĩa toàn trị, triết học lịch sử, lý thuyết về tính hiện đại
Tư tưởng nổi bật
Danh sách
Ảnh hưởng bởi
Chữ ký

Hannah Arendt (tiếng Đức: [ˌhana ˈaːʁənt] ;[11] tên khai sinh: Johanna Arendt; 14 tháng 10 năm 1906 – 4 tháng 12 năm 1975) là một nhà triết học và sử học người Mỹ gốc Đức. Bà được đánh giá là một trong những nhà lý luận chính trị cực kỳ có ảnh hưởng của thế kỷ thứ 20.[12][13][14]

Arendt sinh ra trong một gia đình Do Thái tại Linden, nay là Hanover, vào năm 1906. Khi lên ba, gia đình Arendt chuyển đến sống ở Königsberg, thủ phủ Đông Phổ, để cha bà là Paul Arendt tiện điều trị giang mai. Ông mắc phải căn bệnh này từ khi còn trẻ và bệnh tình đã thuyên giảm lúc Arendt chào đời. Ông mất lúc bà mới 7 tuổi. Arendt được nuôi dưỡng trong một gia đình có tư tưởng chính trị vô thần và tiến bộ. Mẹ bà là người nhiệt tình ủng hộ Đảng Dân chủ Xã hội Đức. Sau khi hoàn thành chương trình trung học ở Berlin, bà đỗ Đại học Marburg và học tập dưới sự chỉ bảo của triết gia Martin Heidegger. Thời gian đó, giữa bà và Heidegger nảy sinh mối tình kéo dài 4 năm.[15] Arendt nhận bằng tiến sĩ triết học tại Đại học Heidelberg vào năm 1929 với luận văn Tình yêu và Thánh Augustinus theo sự hướng dẫn của nhà triết học hiện sinh Karl Jaspers.

Hannah Arendt kết hôn với Günther Stern vào năm 1929. Vào khoảng những năm 1930 khi Đức Quốc Xã trở nên lớn mạnh, Arendt phải đối diện với thái độ miệt thị người Do Thái ngày càng tăng. Năm 1933 Adolf Hitler lên nắm quyền, Arendt bị cầm tù một thời gian ngắn bởi Gestapo với tội danh thực hiện nghiên cứu bất hợp pháp về chủ nghĩa bài Do Thái ở Đức Quốc xã. Sau khi được thả, bà trốn khỏi Đức sang Tiệp Khắc và Thụy Sĩ rồi định cư tại Paris. Ở đó, bà làm việc cho tổ chức Thanh niên Aliyah, hỗ trợ những người Do Thái trẻ tuổi di cư đến lãnh thổ ủy trị Palestine. Bà ly hôn Stern vào năm 1937, và cưới Heinrich Blücher vào năm 1940. Khi Đức xâm lược Pháp vào năm 1940, Arendt bị chính quyền sở tại giam giữ vì là người ngoại quốc dù bà đã bị tước quyền công dân Đức từ năm 1937. Bà trốn thoát và đặt chân đến Hoa Kỳ vào năm 1941 qua đường Bồ Đào Nha, tới được New York và sống ở đó suốt quãng đời còn lại. Bà trở thành nhà văn, nhà biên tập và công tác tại Tổ chức Tái thiết Văn hóa Do Thái, chính thức nhập quốc tịch Mỹ năm 1950. Sau khi xuất bản cuốn Các nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị (The Origins of Totalitarianism) vào năm 1951, Arendt nổi danh trong vai trò một nhà tư tưởng và một nhà văn. Bà tiếp tục cho ra đời nhiều tác phẩm như Thân phận con người (The Human Condition) vào năm 1958, Eichmann ở JerusalemVề cách mạng (On Revolution) vào năm 1963. Ngoài ra, bà còn giảng dạy tại nhiều trường đại học ở Mỹ, nhưng luôn từ chối các hợp đồng thuê theo nhiệm kỳ. Bà đột ngột qua đời vì một cơn đau tim năm 1975, hưởng thọ 69 tuổi, để lại cuốn Đời sống tinh thần (The Life of the Mind) còn đang dang dở.

Trước tác của Arendt xoay quanh nhiều chủ đề. Nổi bật nhất trong số đó là về bản chất của quyền lựccái ác, cũng như về chính trị, dân chủ trực tiếp, quyền hành (authority) và chủ nghĩa toàn trị. Với công chúng, bà có lẽ được nhớ đến nhiều nhất với tranh cãi xung quanh vụ xét xử Adolf Eichmann, là nỗ lực của bà nhằm giải thích rằng chế độ toàn trị hoàn toàn có khả năng biến những người bình thường thành tác nhân dưới sự thống trị của nó, điều mà một số người bất đồng quan điểm coi là lời biện hộ, và với cụm từ "sự tầm thường của cái ác" (the banality of evil).

Tuổi thơ, thiếu thời và giáo dục (1906-1929)

[sửa | sửa mã nguồn]

Gia đình

[sửa | sửa mã nguồn]
Cha mẹ
Ảnh chân dung mẹ của Hannah, Martha Cohn, năm 1899
Martha Cohn khoảng năm 1899
Ảnh chân dung cha của Hannah, Paul Arendt, năm 1900
Paul Arendt khoảng năm 1900

Hannah Arendt, tên khai sinh là Johanna Arendt,[16][17] chào đời vào năm 1906 trong một gia đình thế tục Do Thái – Đức có học thức tại Linden, Phổ (nay là Hanover), thuộc lãnh thổ Đức thời Wilhelmine. Gia đình bà gốc gác là những thương nhân Nga từ Königsberg,[a] thủ phủ Đông Phổ. Ông bà Arendt là thành viên của cộng đồng Do Thái giáo Cải cách ở đó. Ông nội bà, Max Arendt [de] (1843–1913), là một doanh nhân, chính khách địa phương rất nổi trội,[18] một trong những thủ lĩnh của cộng đồng Do Thái Königsberg và là thành viên của Centralverein deutscher Staatsbürger jüdischen Glaubens (Tổ chức Trung ương các Công dân Đức của Đức tin Do Thái). Giống như các thành viên khác của Centralverein, ông coi bản thân mình là công dân Đức và không tán thành những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái như Kurt Blumenfeld trẻ tuổi (1884–1963) chẳng hạn, người thường xuyên đến thăm nhà họ và sau này trở thành một trong những người thầy của Hannah. Trong số những người con của Max, Paul Arendt (1873–1913) làm kỹ sư và Henriette Arendt (1874–1922) làm cảnh sát kiêm nhân viên xã hội.[19][20]

Hannah là con một của Paul và Martha Arendt (nhũ danh Cohn; 1874–1948).[21] Hai ông bà kết hôn vào ngày 11 tháng 4 năm 1902 và sinh con gái đặt tên theo người bà nội.[22][23] Họ Cohn chạy khỏi khu vực nay là Litva (bấy giờ thuộc Nga) tới tị nạn tại Königsberg vào năm 1852 vì thái độ bài Do Thái ở quê nhà. Họ kiếm sống bằng nghề nhập khẩu trà, mở công ty J. N. Cohn & Company rất thành đạt trong khu vực. Họ Arendt cũng rời Nga tới Đức một thế kỷ trước.[24][25] Gia đình mở rộng của Hannah có rất nhiều người cô dì góa chồng và mất mát con cái. Cha mẹ Hannah được học hành tử tế và có lập trường chính trị tả khuynh hơn thế hệ đi trước. Đôi vợ chồng trẻ gia nhập Đảng Dân chủ Xã hội Đức,[16] thay vì Đảng Dân chủ Đức lúc bấy giờ được nhiều người trạc tuổi ủng hộ. Paul Arendt từng theo học trường Albertina (nay là Đại học Königsberg). Mặc dù hành nghề kỹ sư, Paul lại rất lấy làm tự hào sở thích nghiên cứu văn học cổ điển của mình. Ông sưu tập và tạo dựng một thư viện tại gia lớn, cho phép con gái tha hồ đọc sách. Về phần Martha Cohn, bà từng học ba năm tại Đại học Paris, sau trở thành một nhạc sĩ.[20]

Trong bốn năm đầu của cuộc hôn nhân, gia đình Arendt sống tại Berlin và trở thành những người ủng hộ tạp chí xã hội chủ nghĩa Sozialistische Monatshefte.[b][26] Tại thời điểm Hannah chào đời, Paul Arendt đang làm việc cho một công ty kỹ thuật điện ở Linden, và họ sống trong một căn nhà gỗ trên quảng trường chợ (Marktplatz).[27] Gia đình họ chuyển về Königsberg vào năm 1909 vì sức khỏe của Paul sa sút.[6][28] Cha của Hannah mắc bệnh giang mai kéo dài và phải nằm điều trị tại viện tâm thần Königsberg vào năm 1911. Ròng rã mấy năm sau đó, Hannah thường xuyên phải xét nghiệm Wassermann để tìm triệu chứng giang mai bẩm sinh.[29] Cha bà mất vào ngày 30 tháng 10 năm 1913, khi Hannah mới 7 tuổi.[22][30] Hannah và mẹ chuyển tới sống cùng ông nội ở địa chỉ Tiergartenstraße 6, nằm trên một con phố rợp bóng cây giáp với Königsberg Tiergarten, trong khu Hufen chủ yếu có cư dân Do Thái.[31] Mặc dù cha mẹ Hannah không theo tôn giáo nào, họ vẫn vui vẻ cho phép ông nội Max đưa con gái đến hội đường Cải cách. Tại đây, bà nhận được những lời chỉ giáo của rabbi Do Thái Hermann Vogelstein. Vào thời điểm đó, Hannah trẻ tuổi tâm sự bồng bột rằng bà muốn kết hôn với anh ta khi lớn lên.[20] Gia đình bà có liên kết xã giao với nhiều hội nhóm trí thức – chuyên gia với những tiêu chuẩn và lý tưởng cao. Hannah hồi tưởng:

Sự hình thành tư tưởng trí thức ban sơ của tôi diễn ra trong bầu không khí nơi mà chẳng ai thèm đặt ra các câu hỏi về đạo đức; chúng tôi được nuôi dạy dưới sự thừa nhận rằng: Das Moralische versteht sich von selbst (Đạo đức không cần phải giãi bày), cách cư xử đạo đức là chuyện thường tình ắt xảy đến.[32]

Gia đình Arendt
Photo of Hannah's grandfather, Max Arendt holding Hannah. Date unknown, probably aged 3-4
Ông nội Max Arendt bế bồng Hannah, chụp năm 1907
Hannah with her mother, age 6
Hannah chụp chung với mẹ vào năm 1912
Photo of Hannah with her mother in 1914, at the age of 8
Hannah chụp chung với mẹ vào năm 1914
Photo of Hannah as a schoolgirl studying in the family library in 1920
Hannah đọc sách trong thư viện tại gia vào năm 1920

Khoảng thời gian này đặc biệt thuận lợi cho cộng đồng Do Thái ở Königsberg, một tâm điểm của làn sóng Haskalah (khai sáng Do Thái).[33][34] Gia đình Hannah vốn đã bị Đức hóa một cách triệt để[35] và sau này bà kể lại: "Đối với những người như chúng tôi đến từ Đức, cái từ 'đồng hóa' mang một ý nghĩa triết học 'sâu sắc'. Các bạn khó có thể hiểu chúng tôi nghiêm túc với nó như thế nào."[36] Bất chấp thuận cảnh, người Do Thái vẫn chưa được ban quyền công dân hoàn chỉnh, và mặc dù tệ bài Do Thái bấy giờ không được công khai, song thực chất vẫn tồn tại.[37] Hannah nhìn nhận bản sắc Do Thái của mình một cách tiêu cực do bị miệt thị khi lớn lên.[36] Bà tự coi mình là mẫu người kiểu Rahel Varnhagen (1771–1833), một phụ nữ có vai vế trong xã hội Phổ,[30] rất muốn được hòa nhập vào văn hóa Đức song bị khước từ chỉ vì bản thân sinh ra đã là người Do Thái.[36] Hannah chia sẻ rằng, Varnhagen là "người bạn nữ thân thiết nhất của tôi, chỉ tiếc rằng cô ấy đã mất cách đây cả trăm năm."[36] Varnhagen sau này trở thành nhân vật chủ đề trong một cuốn tiểu sử được viết bởi Hannah.[38]

Gia đình Beerwald-Arendt
Photo of Hannah's stepfather, Martin Beerwald, Hannah and her mother, Martha Arendt Beerwwald in 1923
Martin Beerwald, Hannah và mẹ bà chụp vào năm 1923
Photo of Hannah with her stepsisters, Eva and Clara Beerwald in 1922
Eva và Clara Beerwald chụp cùng Hannah vào năm 1922

Vào hai năm cuối Thế chiến thứ nhất, mẹ Hannah chủ trì các nhóm thảo luận dân chủ xã hội và trở thành tín đồ của Rosa Luxemburg (1871–1919) khi các cuộc nổi dậy xã hội chủ nghĩa nổ ra trên khắp nước Đức.[26][39] Các bài luận của Luxemburg đã ảnh hưởng không nhỏ đến tư duy chính trị của Hannah về sau. Năm 1920, Martha Cohn kết hôn với Martin Beerwald (1869–1941),[c] một người thợ sắt góa vợ đã bốn năm. Họ chuyển đến sống chung với gia đình Beerwald tại địa chỉ Busoldstrasse 6, cách hai dãy nhà.[40][41] Cuộc hôn nhân này đã cải thiện an ninh tài chính và vị thế xã hội của hai mẹ con bà. Lúc đó Hannah mới 14 tuổi và có thêm hai người chị gái Clara (1901–1932) và Eva (1902–1988).[40]

Giáo dục

[sửa | sửa mã nguồn]

Thuở nhỏ

[sửa | sửa mã nguồn]
Các mái trường nơi Hannah từng học tập
Photo of Hufen-Oberlyzeum, Hannah's first school
Hufen-Oberlyzeum khoảng năm 1923
Photo of Hannah's secondary school, the Queen Louise School for girls
Königin-Luise-Schule tại Königsberg khoảng năm 1914

Mẹ của Hannah Arendt, người tự cho mình là có tư tưởng tiến bộ, tìm cách nuôi dạy con gái theo đường lối nghiêm khắc của Goethe, bao gồm việc bắt Hannah đọc hết đống tác phẩm hoàn chỉnh của Goethe, thường được tóm tắt bằng câu văn Was aber ist deine Pflicht? Die Forderung des Tages (Và nhiệm vụ của bạn là gì? Những yêu cầu trong ngày) trong tác phẩm Wilhelm Meisters Lehrjahre (1796). Goethe lúc bấy giờ được coi là chuyên gia về công cuộc Bildung (giáo dục), sự hình thành có ý thức của tâm trí, cơ thể và tinh thần. Các yếu tố then chốt của quá trình đó bao gồm sự kỷ luật tự giác, sự truyền tải đam mê mang tính xây dựng, sự quên mình và trách nhiệm đối với người khác. Quá trình giáo dục của Hannah (Entwicklung) được mẹ bà ghi lại cẩn thận trong một cuốn sổ đặt tựa là Unser Kind (Con chúng ta), và bà thường xuyên so sánh Hannah với tiêu chuẩn normale Entwicklung ("phát triển bình thường") lúc bấy giờ.[42]

Arendt đi học mẫu giáo từ năm 1910, nơi giáo viên rất ấn tượng trước sự thông minh lanh lợi của cô bé. Bà vào học trường Szittnich, Königsberg (Hufen-Oberlyzeum), trên phố Bahnstraße vào tháng 8 năm 1913,[43] nhưng việc học ở đó bị gián đoạn do chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, buộc gia đình bà phải tạm lánh đến Berlin vào ngày 23 tháng 8 năm 1914 để tránh cuộc tiến công của quân Nga.[44] Họ trú nhờ tại nhà người dì Margarethe Fürst (1884–1942),[d] cùng ba đứa con, trong thời gian đó Hannah theo học tại trường Lyzeum dành cho nữ sinh ở Berlin-Charlottenburg. Sau 10 tuần, gia đình Arendt quay trở lại Königsberg sau khi chiến sự đã lắng xuống,[44] rồi trải qua những năm tháng chiến tranh còn lại tại nhà ông nội. Arendt học tiếng Hy Lạp cổ đại từ khi còn rất nhỏ,[45] biết viết thơ khi tới tuổi thiếu niên,[46] và mở một câu lạc bộ triết học và Hy Lạp tên là Graecae tại ngôi trường mà bà đang học. Bà rất độc lập trong học tập và là người ham mê đọc sách,[e] thuộc lòng văn thơ và triết học của Pháp và Đức. Năm 14 tuổi, bà đã đọc được các tác phẩm của Kierkegaard, cuốn Psychologie der Weltanschauungen của JaspersPhê phán lý tính thuần túy của Kant. Vị triết gia Kant, vốn cũng là người Königsberg, đã có ảnh hưởng vô cùng lớn đến tư tưởng của bà, và chính Kant đã bình phẩm như sau về Königsberg "một thị trấn như đây là nơi thích hợp để thu thập kiến ​​thức về loài người và thế giới mà chẳng cần phải chu du phiêu bạt".[48][49]

Arendt học trung học tại trường Königin-Luise-Schule, một trường gymnasium nữ sinh nằm trên phố Landhofmeisterstraße.[50] Hầu hết bạn bè của bà tại đây là những đứa trẻ có năng khiếu được sinh thành trong các gia đình Do Thái chuyên nghiệp, hầu hết đều lớn tuổi hơn bà và đỗ đạt lên bậc đại học. Trong số đó có anh chàng Ernst Grumach (1902–1967), người đã giới thiệu bà với người bạn gái của mình là Anne Mendelssohn,[f] sau này trở thành người bạn tri kỷ của Arendt. Sau khi Anne chuyển đi, Ernst và Arendt nảy sinh tình cảm, và Ernst cũng là mối tình đầu tiên trong đời bà. Giống như Arendt, Anne trở thành một nhà triết học, lấy bằng tiến sĩ tại Hamburg,[47] còn Ernst trở thành một nhà bác ngữ.[52]

Những ngôi nhà thời trẻ của Hannah
Photograph of the house that Arendt was born in, in the marketplace in Linden
Ngôi nhà tuổi thơ của Hannah Arendt tại Linden
Photo of Tiergartenstraße in the 1920s
Tiergartenstraße, Königsberg khoảng những năm 1920
Photo of the House Hannah Arendt lived in in Marburg
Lutherstraße 4, Marburg
Old postcard of Schlossberg in Heidelberg, where Hannah lived
Schlossberg, Heidelberg

Bậc đại học và cao học

[sửa | sửa mã nguồn]
Photo of Hannah in 1924
Chân dung Hannah năm 1924
Berlin (1922–1924)
[sửa | sửa mã nguồn]

Arendt bị đình chỉ khỏi Luise-Schule vào năm 1922 hồi 15 tuổi vì đầu trò tẩy chay một giáo viên đã xúc phạm bà. Mẹ bà đành sắp xếp cho con gái lên Berlin nhờ vả những người bạn của gia đình trong Đảng Dân chủ Xã hội. Tại Berlin, Arendt sống tại khu ký túc xá dành cho sinh viên và dự thính các khóa học do bà chọn tại Đại học Berlin (1922–1923), bao gồm các khóa nghiên cứu kinh điển và thần học Kitô giáo của Romano Guardini. Điều này giúp bà có thể tham dự kỳ thi tuyển sinh abitur của Đại học Marburg, nơi Ernst Grumach từng học hỏi người thầy Martin Heidegger được bổ nhiệm làm giáo sư ở đó vào năm 1922. Để đạt kết quả tốt trong kì thi tới, mẹ bà đã thuê một gia sư riêng, còn cô dì Frieda Arendt,[g] vốn là một giáo viên, cũng giúp đỡ bà, và Ernst Aron, chồng của Frieda, đã hỗ trợ tài chính để bà theo đuổi ước mơ đại học.[54]

Marburg (1924–1926)
[sửa | sửa mã nguồn]

Tại Berlin, Guardini giới thiệu Arendt với Kierkegaard, khiến bà quyết tâm chọn thần học là lĩnh vực chính của mình.[49]Tại Marburg (1924–1926) bà học ngôn ngữ cổ điển, văn học Đức, thần học Tin lành dưới sự dìu dắt của Rudolf Bultmann và triết học dưới trướng Nicolai Hartmann và Heidegger.[55] Arendt đến Marburg vào đúng thời điểm cuộc cách mạng tri thức đang được Heidegger khởi xướng, người mà bà vô cùng ngưỡng mộ, mô tả ông ấy thời đó là "vị vua ẩn mình ngự trị ở cõi tư duy".[56]

Trước khi tới Marburg, Heidegger từng làm phụ tá cho Edmund Husserl thời còn ở Đại học Freiburg, và sau này ông đã tách khỏi phong trào trí thức do người thầy cũ khơi mào.[57] Đây là thời kỳ Heidegger đang chuẩn bị các bài giảng về Kant, mà về sau sẽ phát triển thành hai cuốn Sein und Zeit (Tồn hữu và Thời gian) vào năm 1927 và Kant und das Problem der Metaphysik (Kant và Vấn đề Siêu hình học) vào năm 1929. Tuy rằng Heidegger thể hiện sự kính trọng Edmund Husserl trong cuốn Sein und Zeit, Husserl đã đánh giá tác phẩm này khá tệ, nên trong ấn bản thứ hai, Heidegger đã lược bỏ phần tỏ sự kính trọng đó.

Ở các lớp giảng, ông và các sinh viên của mình cố gắng mổ xẻ ý nghĩa của "Tồn hữu" trong khi dần dần làm quen với khái niệm ἀλήθεια (sự thật) của Aristotle và đọc qua tác phẩm Ngụy biện của Platon.[57] Nhiều năm sau, Arendt nhớ lại khoảng thời gian này, mọi người lũ lượt kéo về Marburg để nghe ông thuyết giảng, và trên hết, cách ông truyền đạt ý tưởng Denken ("tư duy") như thể một sinh hoạt, điều mà bà đánh giá là "lối suy nghĩ nồng nhiệt".[58]

Arendt hồi đó bồn chồn. Cho đến nay con đường học vấn của bà chẳng hề thỏa mãn về cả mặt tinh thần lẫn trí tuệ. Bà đã sẵn sàng cho một đam mê, hoàn thành bài thơ Trost (sự an ủi, 1923) với những vần thơ tiếng Đức:

Die Stunden verrinnen,
Die Tage vergehen,
Es bleibt ein Gewinnen
Das blosse Bestehen.

Cuộc gặp gỡ của bà với Heidegger thể hiện một sự thoát ly đầy kịch tính khỏi quá khứ. Ông ấy là một thiên tài, đẹp trai, lãng mạn, người dạy rằng tư duy và "sống động" chỉ là một.[59] Arendt hồi 17 tuổi bắt đầu mối tình lãng mạn lâu dài với Heidegger 35 tuổi,[60] người đã kết hôn và có hai đứa con trai nhỏ.[h][57] Arendt sau đó bị chỉ trích vì điều này do Heidegger ủng hộ Đảng Quốc xã sau khi ông được bầu làm hiệu trưởng của Đại học Freiburg vào năm 1933. Tuy nhiên, ông vẫn là một trong những nhân vật có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến lối suy nghĩ của bà,[61] và về sau ông cũng thổ lộ rằng bà chính là nguồn cảm hứng cho công trình của ông về suy nghĩ đam mê hồi đó. Họ đồng ý giữ bí mật các chi tiết của mối quan hệ, lưu giữ các bức thư tình mà không công bố.[62] Mối quan hệ lén lút này bị phát hiện sau khi cuốn tiểu sử về cuộc đời Arendt của tác giả Elisabeth Young-Bruehl được xuất bản vào năm 1982. Vào thời điểm đó, Arendt và Heidegger đã qua đời còn người vợ của Heidegger, Elfride (1893–1992), vẫn còn sống. Mối tình này không được nhiều người quan tâm cho đến năm 1995, khi Elzbieta Ettinger được quyền truy cập vào các thư từ niêm phong[63] và công bố một tường thuật gây tranh cãi, bị lợi dụng bởi những người không ủng hộ Arendt nhằm công kích tính chính trực của bà. Tường thuật đó[i] đã dẫn đến một vụ bê bối mà rốt cuộc bị bác bỏ.[65][66][64]

Tại Marburg, Arendt sống tại địa chỉ Lutherstraße 4.[67] Trong số những người bạn của bà có Hans Jonas, người bạn cùng lớp gốc Do Thái duy nhất của bà. Một học trò khác của Heidegger là bạn của Jonas, nhà triết học Do Thái Gunther Siegmund Stern (1902–1992) – con trai của nhà tâm lý học nổi tiếng Ludwig Wilhelm Stern – sau này sẽ trở thành người chồng đầu tiên của Arendt.[68] Stern hoàn thành luận văn tiến sĩ với sự giúp đỡ của Edmund Husserl tại Freiburg, và bấy giờ đang làm luận văn habilitation cùng Heidegger, nhưng Arendt vào thời điểm đó đang lưu luyến với Heidegger nên ít để mắt đến Stern.[69]

Die Schatten (1925)
[sửa | sửa mã nguồn]
Những người thầy của Hannah

Vào mùa hè năm 1925, trong khi bà về thăm Königsberg, Arendt đã sáng tác tự truyện duy nhất về chính mình mang tên Die Schatten (Những cái bóng), một "mô tả về bản thân bà"[70][71] để gửi gắm cho Heidegger.[j][73] Trong tác phầm tràn đầy sự dằn vặt khổ tâm này, bà bày tỏ những nỗi bất an liên quan đến sự nữ tính và gốc gác Do Thái của mình bằng ngôn ngữ của Heidegger, viết theo kiểu trừu tượng ở ngôi thứ ba.[k] Bà miêu tả trạng thái "Fremdheit" (xa lánh), một mặt là sự mất mát đột ngột của thanh xuân và sự ngây thơ, mặt khác là một "Absonderlichkeit" (sự lạ kỳ), tức là sự phát hiện điều đáng chú ý trong điều tầm thường.[74] Trong những dòng tâm tư giãi bày nỗi đau thời thơ ấu và khao khát được chở che, bà để lộ những tổn thương trong lòng và kể về tình yêu đối với ông đã giải phóng bà như thế nào và một lần nữa lấp đầy thế giới của bà với sắc màu và huyền bí. Bà coi mối quan hệ của mình với Heidegger là "Eine starre Hingegebenheit an ein Einziges" ("một sự tận tâm cứng nhắc đối với một người đàn ông độc nhất").[36][75][76] Khoảng thời gian khám phá nội tâm này cũng là một trong những giai đoạn bà sáng tác nhiều thơ nhất,[77] chẳng hạn như bài In sich versunken (Lạc vào sự tự chiêm nghiệm).[78]

Freiburg và Heidelberg (1926–1929)
[sửa | sửa mã nguồn]

Sau một năm tại Marburg, Arendt dành một học kỳ tại Freiburg, tham dự các bài giảng của Husserl.[8] Năm 1926, bà chuyển đến Đại học Heidelberg, nơi vào năm 1929, bà hoàn thành luận văn của mình dưới sự chỉ bảo tận tình của triết gia đại tài dẫn đầu phong trào triết học hiện sinh mới và mang tính cách mạng lúc bấy giờ,[45] Karl Jaspers (1883–1969), một bằng hữu của Heidegger.[45] Luận văn của bà mang tên Der Liebesbegriff bei Augustin: Versuch einer Philosophischen Interpretation (Về khái niệm tình yêu trong tư tưởng của Thánh Augustinus: Phân tích một diễn giải triết học).[79] Bà trở thành bạn với Jaspers và vợ ông là Gertrud Mayer (1879–1974), hai người phát triển mối quan hệ tri thức sâu sắc với nhau.[80] Tại Heidelberg, nhóm bạn của bà bao gồm Hans Jonas, người cũng đã chuyển từ Marburg để hoàn thiện tác phẩm Augustin und das paulinische Freiheitsproblem. Ein philosophischer Beitrag zur Genesis der christlich-abendländischen Freiheitsidee của mình,[l] và ngoài ra có ba nhà triết học trẻ: Karl Frankenstein, Erich NeumannErwin Loewenson.[81] Những người bạn và học trò khác của Jaspers bao gồm các nhà ngôn ngữ học Benno von WieseHugo Friedrich (chụp chung với Hannah ở ảnh dưới). Bà cùng với Hugo tham dự các bài giảng của Friedrich Gundolf theo gợi ý của Jaspers, điều này đã khiến bà quan tâm đến chủ nghĩa lãng mạn Đức. Bà cũng quen biết với Kurt Blumenfeld vào một buổi giảng và được tiếp xúc lần đầu với chính trị Do Thái. Tại Heidelberg, bà sống ở khu phố cổ (Altstadt) gần lâu đài Heidelberg có địa chỉ là Schlossberg 16. Ngôi nhà nơi bà sống đã bị phá bỏ vào những năm 1960, nhưng hiện trên vách tường phế tàn của ngôi nhà đó, người ta có treo một tấm bảng tưởng nhớ Arendt.[82]

Arendt tại Đại học Heidelberg 1926–1929
Photo of Hannah with student friends at the university at Heildelberg in 1928
Hannah Arendt (thứ hai từ phải sang), Benno von Wiese (ngoài cùng bên phải), Hugo Friedrich (thứ hai từ trái sang) và một người bạn tại Đại học Heidelberg năm 1928
Plaque on house where Hannah lived at Heidelberg
Bảng kỷ niệm ngôi nhà Arendt từng sống tại Heidelberg

Sau khi hoàn thành luận văn, Arendt theo đuổi chứng chỉ Habilitationsschrift, ban đầu là về chủ nghĩa lãng mạn Đức,[83] và sau đó là một sự nghiệp giảng dạy hàn lâm. Tuy nhiên năm 1929 lại là năm cuộc Đại khủng hoảng xảy ra, khép lại kỷ nguyên vàng (Goldene Zwanziger) của Cộng hòa Weimar, một chế độ chênh vênh suốt bốn năm cuối đời nó. Arendt, vì là người Do Thái, ít có cơ hội được đứng giảng tại các trường học ở Đức lúc đó.[84] Dù gì đi chăng nữa, bà đã hoàn thành hầu hết các công trình học thuật trước khi hoàn cảnh ép buộc bà rời khỏi Đức.[85]

Sự nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Đức (1929–1933)

[sửa | sửa mã nguồn]

Berlin-Potsdam (1929)

[sửa | sửa mã nguồn]
Photo of Günther Stern with Hannah Arendt in 1929
Günther Stern và Hannah Arendt vào năm 1929

Năm 1929, Arendt hội ngộ với Günther Stern ở Berlin tại một yến hội hóa trang mừng năm mới, kể từ đó hai người bắt đầu một mối quan hệ gần gũi.[m][39][68] Trong vòng một tháng, bà chuyển đến ở cùng ông trong một căn hộ một phòng, dùng chung với một trường dạy múa ở Berlin-Halensee. Sau đó, họ chuyển đến Merkurstraße 3, Nowawes,[86]Potsdam[87] và kết hôn vào ngày 26 tháng 9.[n][89] Họ chia sẻ nhiều điểm chung và cuộc hôn nhân được cả hai bên gia đình hoan nghênh.[69] Vào mùa hè, Hannah Arendt nộp đơn lên Notgemeinschaft der Deutschen Wissenschaft để xin trợ cấp cho Habilitation của bà, được hỗ trợ bởi Heidegger và Jaspers cùng nhiều người khác, và trong lúc chờ đợi, bà tiếp tục nghiên cứu hiệu đính để xuất bản luận văn của mình với sự giúp đỡ của Günther.[90]

Wanderjahre (1929–1931)

[sửa | sửa mã nguồn]

Giai đoạn hai năm đầu của cuộc hôn nhân giữa Arendt và Günther được nhà nghiên cứu Christian Dries gọi là Wanderjahre (những năm lang thang). Hồi đó họ chỉ cố gắng vô ích nhằm đưa Günther lên một chức vị học thuật nào đó.[91] Họ sống ở Drewitz lân cận phía nam Potsdam trong một thời gian ngắn,[92] rồi chuyển đến Heidelberg, nơi họ ở nhờ nhà của Jaspers. Tại Heidelberg, Günther viết xong bản thảo đầu tiên của luận văn Habilitation. Đôi vợ chồng trẻ sau đó chuyển đến Frankfurt nơi Günther hy vọng sẽ hoàn thiện nốt luận văn. Ở đó, Arendt đắm mình trong cuộc sống đại học, tham dự các bài giảng của nhiều giảng viên, trong đó bao gồm Karl MannheimPaul Tillich.[93] Gia đình Stern cộng tác cùng viết bài báo[94] bình phẩm về Duino Elegies của Rilke (1923)[95] và về Ideologie und Utopie của Mannheim (1929).[96] Bài đánh giá đó là đóng góp duy nhất của Arendt dành cho ngành xã hội học.[68][69][97] Trong cả hai bài viết về Mannheim và Rilke, Arendt nhận xét rằng tình yêu là một nguyên tắc siêu nghiệm "Bởi vì không tồn tại sự siêu nghiệm thực sự trong thế giới trật tự này, một người cũng chẳng thể vượt trên thế giới, mà chỉ có thể đạt lên những cấp bậc cao hơn".[o] Bà xem Rilke như thể một Augustinus thế tục ngày trước, ví tác phẩm Elegies như một "hình thức tối thượng của kinh sách" (letzten literarischen Form religiösen Dokumentes). Sau này, bà phát hiện những hạn chế của tình yêu siêu nghiệm trong việc lý giải các sự kiện lịch sử đưa đẩy bà sang hành động chính trị.[98] Một chủ đề khác mà bà sau này sẽ xây dựng thêm dựa theo Rilke đó là sự tuyệt vọng khi không được lắng nghe. Suy ngẫm về những dòng mở đầu của Rilke:

Wer, wenn ich schriee, hörte mich denn aus der Engel Ordnungen?
(Ai, khi ta thét lên, sẽ nghe thấy ta trong số các phẩm trật thiên thần?)

Arendt và Stern viết như sau:

Cái hoàn cảnh nghịch lý, mơ hồ, và tuyệt vọng mà từ cái quan điểm đó Duino Elegies mới thật sự được hiểu sở hữu hai đặc trưng: cái thiếu vắng một sự vang vọng và cái hiểu biết về sự vô ích. Sự quên mình có ý thức của cái nhu cầu cần được lắng nghe, sự tuyệt vọng vì không được lắng nghe, và cuối cùng là cái thôi thúc cất tiếng ngay cả khi không nhận được lời hồi đáp–đây là những nguyên nhân thực sự của bóng đêm, sự khắc nghiệt, và sự căng thẳng của phong cách mà trong đó thơ ca bộc lộ những khả năng của chính nó và ý chí của nó để thành hình[p][99]

Arendt cũng xuất bản thêm một bài báo về Augustinus (354–430) đăng trên tờ Frankfurter Zeitung[100] để kỷ niệm 1.500 năm ngày mất của ông. Theo bà, bài đăng này đóng vai trò là cầu nối giữa quan điểm về Augustinus trong luận văn khi trước của bà và những nghiên cứu hiện tại của bà về chủ nghĩa lãng mạn.[101][102] Khi họ nhận ra Stern không thể có được một vị trí ở đại học,[q] đôi vợ chồng đành quay về Berlin vào năm 1931.[30]

Quay về Berlin (1931–1933)

[sửa | sửa mã nguồn]

Tại Berlin, vợ chồng Stern ban đầu sống tại khu phố Do Thái mang tên Bayerisches Viertel (Khu phố Bavaria hay "Thụy Sĩ của người Do Thái") ở Schöneberg,[103][104] Stern, với sự trợ giúp của Bertold Brecht, làm biên tập viên góc văn hóa của tờ Berliner Börsen-Courier do Herbert Ihering chủ biên. Tại đây ông lấy bút danh Günther Anders, tức "Günther Tha Nhân".[r][68] Arendt phụ giúp Günther trong công việc, nhưng cái bóng của mối tình cũ với Heidegger vẫn bao trùm mối quan hệ hai người họ. Trong lúc Günther nỗ lực hoàn thiện Habilencesschrift, Arendt từ bỏ chủ đề luận văn ban đầu là chủ nghĩa lãng mạn Đức vào năm 1930, đổi hướng sang phân tích Rahel Varnhagen và câu hỏi về sự đồng hóa.[83][106] Anne Mendelssohn vô tình nhận được một bản sao thư từ của Varnhagen và hào hứng giới thiệu nó cho Arendt, ngoài ra còn tặng bộ sưu tập của bà cho Arendt. Một thời gian sau, chính công trình của Arendt về chủ nghĩa lãng mạn đã đưa bà đến nghiên cứu các salon Do Thái, và rốt cuộc tới salon của Varnhagen. Hannah thấy ở Rahel những phẩm chất phản ánh bản thân bà, đặc biệt là sự nhạy cảm và dễ bị tổn thương.[107] Rahel, giống như Hannah, tìm ra số phận của mình trong bản sắc Do Thái. Hannah Arendt sau này cho rằng sự chấp nhận phải chung sống với số phận của Rahel Varnhagen là một "sự bị ruồng bỏ có ý thức".[108] Đó là đặc điểm cá nhân mà Arendt đã tìm thấy trong thâm tâm, nhưng phải mãi về sau bà mới chấp nhận điều đó.[109]

Trở lại Berlin, Arendt ngày càng vương vấn với chính trị. Bà đọc các tác phẩm của MarxTrotsky, đồng thời mở rộng quan hệ xã giao tại Deutsche Hochschule für Politik.[110] Bất chấp khuynh hướng chính trị của mẹ và chồng, bà chưa từng coi mình là một người cánh tả, khăng khăng biện minh rằng đó chỉ là do cái tính Do Thái của bà.[111] Mối quan tâm lớn dần đối với chính trị Do Thái cộng thêm những suy ngẫm trước đây về Varnhagen và sự đồng hóa đã được Arendt đúc kết thành bài báo đầu tiên luận về Do Thái giáo, Aufklärung und Judenfrage ("Sự khai sáng và câu hỏi Do Thái", 1932).[112][113] Blumenfeld là người đã giới thiệu bà với "Vấn đề Do Thái", chủ đề được ông nghiền ngẫm suốt đời.[114] Cùng khoảng thời gian đó, quan điểm của bà về chủ nghĩa lãng mạn Đức cũng đang có nhiều tiến triển. Bà viết một bài phê bình tác phẩm Die Entstehung des deutschen Bildungsprinzips của Hans Weil (Nguồn gốc nguyên tắc giáo dục Đức, 1930),[115] đề cập đến sự khai sinh của Bildungselite (giới tinh hoa giáo dục) thời Rahel Varnhagen.[116] Đồng thời, bà cũng bị cuốn hút bởi mô tả của Max Weber về địa vị của người Do Thái như thể một quốc gia-dân tộc Pariavolk (dân tộc bị ruồng bỏ) trong cuốn Wirtschaft und Gesellschaft (1922),[117][118] và mượn thuật ngữ paria conscient (kẻ bị ruồng bỏ có ý thức) của Bernard Lazare[119] mà bà rất tâm đắc.[s][120][121][122] Trong cả hai bài báo đó, bà đề cao và phát triển quan điểm của Johann Gottfried von Herder.[113] Một mối quan tâm khác của bà vào thời điểm đó là địa vị của phụ nữ trong xã hội, vì đó mà vào năm 1932[123] bà đã viết bài đánh giá cuốn sách Das Frauenproblem in der Gegenwart. Eine psychologische Bilanz (Các vấn đề của phụ nữ đương đại: Bảng cân đối tâm lý) của Alice Rühle-Gerstel.[124] Mặc dù bà không quá ủng hộ phong trào nữ quyền, nhưng cũng rất đồng cảm với quan điểm trong cuốn sách. Xét về địa vị phụ nữ bấy giờ, Arendt hoài nghi rằng phong trào thật sự có thể xoay chuyển tình thế chính trị hiện tại.[125] Hơn nữa bà cũng chỉ trích phong trào này, vì nó là phong trào dành riêng cho phụ nữ thay vì cùng với nam giới tập hợp thành phong trào mạnh mẽ hơn, và vì nó còn quá trừu tượng thay vì phấn đấu cho các mục tiêu cụ thể. Ở đây rõ ràng bà đã chịu ảnh hưởng của Rosa Luxemburg. Giống Luxemburg, bà về sau cũng chỉ trích các phong trào Do Thái vì lý do tương tự. Vậy mới thấy Arendt là người luôn ưu tiên các vấn đề chính trị trước các vấn đề xã hội.[126]

Đến năm 1932, đối mặt trước tình hình chính trị ngày càng trở xấu, Arendt vô cùng bất an trước những báo cáo cho hay Heidegger đã phát biểu tại các cuộc họp quốc xã. Bà viết thư yêu cầu Heidegger phủ nhận những lùm xùm chính trị xoay quanh ông. Heidegger đáp rằng ông sẽ không tìm cách phủ nhận những tin đồn đó (tất cả đều là sự thật), và đảm bảo với bà rằng tình cảm trước kia ông dành cho bà vẫn chưa hề nhạt phai.[36] Là một người Do Thái sống dưới chế độ Quốc xã, Arendt vấp phải khó khăn khi đi kiếm sống và bị phân biệt đối xử. Bà tâm sự với Anne Mendelssohn rằng bà đang tính tản đi nơi khác. Jaspers thuyết phục Arendt phải tự coi mình là người Đức trước tiên; điều mà bà muốn cách ly khỏi, khẳng định bản thân chỉ là người Do Thái và rằng "Für mich ist Deutschland die Muttersprache, die Philosophie und die Dichtung" (Đối với tôi, nước Đức là tiếng mẹ đẻ, triết học và thơ ca), chứ không phải danh tính của bà. Quan điểm đó khiến Jaspers rất đỗi bối rối, đáp "Thật kỳ lạ với tôi rằng chỉ vì là một người Do Thái mà cô muốn khác người Đức".[127]

Đến năm 1933, cuộc sống của dân Do Thái ở Đức trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết. Adolf Hitler nhậm chức Reichskanzler (Thủ tướng) vào tháng Giêng, và vào ngay tháng sau Reichstag bị thiêu rụi. Quyền tự do dân sự ngay lập tức bị chèn ép. Đảng cầm quyền liên tục đả kích các tổ chức cánh tả, nhắm đặc biệt vào các thành viên của Kommunistische Partei Deutschlands (Đảng Cộng sản Đức: KPD). Stern vốn là người cộng sản, phải vội lánh sang Paris. Arendt không theo chồng mà bám trụ tại Đức, trở thành nhà hoạt động chính trị. Nhận thức rõ thời gian rất cấp bách, Arendt sử dụng căn hộ tại Opitzstraße 6, Berlin-Steglitz, nơi bà từng chung sống với Stern từ năm 1932, làm chặng nghỉ của tuyến hỏa xa ngầm dành cho những người đào tẩu. Hành động nhân nghĩa của bà vẫn được tôn vinh tại Đức cho đến ngày nay.[128][129]

Plaque on the wall at Hannah's apartment building on Opitzstraße, commemorating her
Bảng tưởng niệm tại Opitzstraße 6
Photo of exterior of Prussian State Library in 1938
Thư viện Nhà nước Phổ

Arendt đã quyết lập trường chính trị, phê phán Đảng Quốc xã vào năm 1932 với bài viết "Adam-Müller-Renaissance?"[130] đề cập đến hành vi chiếm đoạt cuộc đời của Adam Müller nhằm ủng hộ hệ tư tưởng cánh hữu. Pháp luật tẩy chay và chống Do Thái lần đầu được thông qua vào mùa xuân năm 1933. Đối mặt với chủ nghĩa bài Do Thái có hệ thống, Arendt hô hào mô-típ "Nếu một kẻ bị tấn công vì tư cách là người Do Thái, thì kẻ đó phải tự bảo vệ mình với tư cách là người Do Thái. Không phải với tư cách là người Đức, không phải với tư cách là công dân thế giới, không phải với tư cách là người duy trì Quyền con người."[45][131] Đây là lời tuyên bố đanh thép của Arendt để tượng trưng cho khái niệm người Do Thái như thể giống dân bị ruồng bỏ, khái niệm mà sẽ bao trùm các tác phẩm Do Thái của bà trong tương lai.[132] Bà dần được biết tới bởi công chúng với bài viết bàn về Rahel Varnhagen, có tiêu đề "Originale Assimilation: Ein Nachwort zu Rahel Varnhagen 100 Todestag" ("Gốc gác đồng hóa: Hồi kết cho kỷ niệm một trăm năm ngày mất của Rahel Varnhagen"), đăng trên tờ Kölnische Zeitung vào ngày 7 tháng 3 năm 1933 và chút sau nữa còn được đăng trên tờ Jüdische Rundschau.[t][84] Trong đó, bà lập luận rằng thời đại đồng hóa bắt đầu từ thế hệ của Varnhagen đã kết thúc với chính sách bài trừ Do Thái của nhà nước. Bà mở đầu với lời tuyên bố:

Ngày nay tại nước Đức, dường như cái quá trình đồng hóa Do Thái đành phải tuyên bố sự phá sản của nó. Tư tưởng bài Do Thái chung của xã hội và sự chính thức hóa cái tư tưởng ấy đã ảnh hưởng trước tiên đến những người Do Thái đã bị đồng hóa, những người mà chẳng còn có thể tự bảo vệ bản thân bằng cách rửa tội hoặc nhấn mạnh sự tách ly của họ khỏi Do Thái giáo phương Đông.[u][135]

Arendt nóng lòng muốn được cho cả thế giới biết về những tai họa đã và đang ập đến với đồng bào Do Thái giữa những năm 1930–1933.[45] Bà hoạt động sát hơn với phái phục quốc Do Thái, bao gồm những nhân vật như Kurt Blumenfeld, Martin BuberSalman Schocken, đồng thời cũng bắt đầu tìm hiểu về chủ nghĩa bài Do Thái. Arendt có quyền truy cập Thư viện Nhà nước Phổ vì bà từng khảo cứu về Varnhagen tại đó. Tổ chức Zionistische Vereinigung für Deutschland (Liên đoàn phục quốc Do Thái của Đức) của Blumenfeld thuyết phục bà sử dụng quyền truy cập đó để thu thập bằng chứng liên quan đến chủ nghĩa chống Do Thái và tổng hợp thành một bài phát biểu dự kiến ​​trước Đại hội Phục quốc Do Thái ở Praha, bất hợp pháp lúc bấy giờ.[136] Đáng tiếc thay, một thủ thư phát giác công việc này và tố cáo bà tội tuyên truyền chống nhà nước. Đơn vị Gestapo được lệnh bắt giữ cả hai mẹ con Arendt. Họ bị cầm tù tám ngày nhưng may mắn được một sĩ quan cảnh sát trẻ tuổi thông cảm thả ra để chờ ngày xét xử. [30][55][137]

Lưu vong tại Pháp (1933–1941)

[sửa | sửa mã nguồn]

Paris (1933–1940)

[sửa | sửa mã nguồn]
Portrait of Rahel Varnhagen in 1800
Rahel Varnhagen khoảng năm 1800

Ngay khi được thả, nhận ra hiểm nguy kề cận, Arendt và mẹ bà bèn trốn khỏi Đức[30] theo con đường tị nạn đã được thiết lập sẵn, băng qua dãy núi Erzgebirge lúc ban đêm, để sang Tiệp Khắc và đến Praha, rồi đi tàu hỏa đến Geneva. Tại đó, bà quyết định cống hiến đời mình cho "đại nghiệp Do Thái". Nhờ một người bạn của mẹ, bà được giao công việc phân phát thị thực và các bài phát biểu tại Cơ quan Do Thái hướng về Palestine của Hội Quốc Liên.[138]

Từ Geneva, gia đình Arendt hòa vào dòng người tị nạn tới được Paris vào mùa thu, nơi bà đoàn tụ với Stern.[139] Arendt rời Đức mà không có giấy tờ tùy thân, còn mẹ bà cầm theo giấy thông hành nên quyết định trở về Königsberg để gặp chồng.[138] Tại Paris, bà kết bạn với anh họ của Stern, nhà phê bình văn học kiêm triết gia Marxist Walter Benjamin (1892–1940), và nhà triết học người Pháp gốc Do Thái Raymond Aron (1905–1983).[139]

Arendt hiện là một émigrée, tức là một người sống lưu vong, không quốc tịch, không giấy tờ, và quay lưng với nước Đức và nhân dân Đức của Nazizeit.[45] Tình trạng pháp lý của bà cực kỳ bấp bênh, ngoài ra còn phải đương đầu với một ngôn ngữ và nền văn hóa quá xa lạ. Tất cả những trắc trở đó đã ảnh hưởng xấu đến tinh thần và thể chất của bà.[140] Năm 1934, bà bắt đầu làm việc cho chương trình tiếp cận cộng đồng do nhóm phục quốc tài trợ là Agriculture et Artisanat,[141] giảng dạy và chu cấp quần áo, tài liệu, thuốc men cho các thanh niên Do Thái đang tìm đường di cư đến Lãnh thổ Ủy trị Palestine của Anh để làm nông dân. Arendt được tuyển dụng làm thư ký, sau thăng chức giám đốc văn phòng. Để nâng cao kỹ năng và xoay sở kiếm sống cho gia đình, bà học tiếng Pháp, tiếng Do Tháitiếng Yiddish.[142] Khi tổ chức đóng cửa vào năm 1935, Arendt được tiếp xúc với nhà từ thiện nữ giàu có tên là Germaine Alice de Rothschild (tên khai sinh là Halphen, 1884–1975),[143] vợ của Édouard Alphonse James de Rothschild, và trở thành trợ lý của bà ấy. Ở vị trí này, bà quản lý những đóng góp của nữ nam tước cho các tổ chức từ thiện danh cho người Do Thái thông qua Consistoire Paris.[138] Gia đình Rothschild đã kiểm soát Consistoire trong vòng một thế kỷ nhưng họ bất đồng quan điểm với Arendt về mọi mặt, phản đối việc nhập cư và phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với người Do Thái Đức.[139][144]

Vào năm 1935, Arendt gia nhập Thanh niên Aliyah (Thanh niên nhập cư)[v] và trở thành Tổng thư ký trong giai đoạn 1935–1939.[17][139] Đây là một tổ chức tương tự như Agricultural et Artisanat, được thành lập ở Berlin vào cùng ngày Hitler lên nắm quyền. Nó có liên kết với tổ chức Hadassah,[145][146] nổi tiếng vì đã cứu rất nhiều mạng người trước cuộc Holocaust sắp đến.[147][148][30] Công việc Arendt tại Thanh niên Aliyah bao gồm tìm kiếm lương thực, quần áo, nhân viên xã hội và luật sư, nhưng trên hết vẫn là gây quỹ.[55] Bà tới thăm Palestine thuộc Anh vào năm 1935 và gặp gỡ với người anh họ Ernst Fürst ở đó.[w][140] Sự kiện Đức Quốc xã sáp nhập Áoxâm lược Tiệp Khắc vào năm 1938 đã tạo ra một dòng người tị nạn đổ dồn về Paris; trong hoàn cảnh đó, bà đã tham gia vào nỗ lực cứu trợ những đứa trẻ tản cư bất hạnh.[17] Năm 1938, Arendt hoàn thành tác phẩm tiểu sử về Rahel Varnhagen,[38][150][151] nhưng phải tới tận năm 1957 mới được xuất bản.[30][152] Vào tháng 4 năm 1939, sau vụ pogrom Kristallnacht vào tháng 11 năm 1938, Martha Beerwald (mẹ của Arendt) nhận ra rằng Arendt sẽ không thể nào hồi hương nên bà quyết định rời bỏ chồng tới Paris ở với con gái. Một người chị kế của Arendt đã qua đời còn người chị gái kế kia đã chuyển đến sống ở Anh, Martin Beerwald (cha dượng của Arendt) không đi cùng vợ mà ở lại quê nhà. Kể từ đó, Arendt không bao giờ trở về Königsberg.[153]

Heinrich Blücher
[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1936, Arendt gặp gỡ nhà thơ/nhà triết học Marxist người Berlin Heinrich Blücher (1899–1970) tại Paris.[30][154] Blücher là thành viên của Liên đoàn Spartakus và là một trong những nhân vật kiến lập Đảng KPD nhưng bị đình chỉ tư cách đảng viên vì chọn theo phe Versöhnler trong nội bộ đảng.[114][155][156] Mặc dù Arendt tái ngộ Stern vào năm 1933, hôn nhân của họ giờ chỉ còn trên danh nghĩa sau khi ông rời bỏ bà tại Berlin. Bà đã làm tròn bổn phận của một người vợ, đổi theo họ chồng và dùng tên Hannah Stern. Song mối quan hệ giữa hai người đã chấm dứt khi, có lẽ bởi Stern nhận ra mối hiểm họa tốt hơn Arendt, ông quyết định di cư sang Mỹ cùng bố mẹ vào năm 1936.[140] Năm 1937, Arendt bị tước quốc tịch Đức, đồng thời ly hôn Stern. Bà trở nên thân mật với Blücher và chuyển tới sống chung với ông. Sự nghiệp hoạt động chính trị lâu dài của Blücher đã góp phần thúc đẩy tư tưởng của Arendt thành hành động chính trị.[114] Arendt và Blücher thành hôn vào ngày 16 tháng 2 năm 1940, ít lâu sau khi thủ tục ly hôn được hoàn tất.[157]

Giam cầm và trốn thoát (1940–1941)

[sửa | sửa mã nguồn]
Memorial plaque at Camp Gurs to al who were detained there
Bảng tưởng niệm tại Trại Gurs

Vào ngày 5 tháng 5 năm 1940, theo kế hoạch phòng bị cuộc tiến công tiềm năng của Đức vào Pháp và các nước Vùng thấp, thống đốc quân sự của Paris đã chỉ đạo tất cả "kẻ thù ngoại quốc" trong độ tuổi 17-55 đến từ Đức (chủ yếu là dân Do Thái) phải báo cáo riêng để tập trung giam cầm. Những người phụ nữ được triệu tập tới Vélodrome d'Hiver vào ngày 15 tháng 5. Mẹ của Arendt, do đã già yếu trên 55 tuổi, được phép ở lại Paris. Arendt mô tả những người tị nạn là "giống người mới được tạo ra bởi lịch sử đương đại ... bị kẻ thù của họ đưa vào trại tập trung và bị bạn bè của họ đưa vào trại giam giữ".[157][158] Những người đàn ông, bao gồm Blücher, bị chuyển đến Trại Vernet ở miền nam nước Pháp, gần biên giới với Tây Ban Nha. Arendt và những phụ nữ khác được gửi đến Trại Gurs, phía tây Gurs, một tuần sau đó. Trại này vốn được dựng lên để đón người tị nạn Tây Ban Nha. Ngày 22 tháng 6, Pháp đầu hàng và ký hiệp định Compiègne chia đôi đất nước. Gurs nằm trong khu vực do ngụy quyền Vichy kiểm soát. Arendt kể lại rằng "trong cơn hỗn loạn kèm theo, chúng tôi đã lấy được thành công các giấy tờ trả tự do và được phép rời trại".[159] Bà cùng khoảng 200 trong số 7.000 phụ nữ bị giam giữ tại đó trốn thoát khoảng bốn tuần sau.[160] Bà đi bộ và xin quá giang lên phía bắc đến Montauban,[x] gần Toulouse, nơi bà biết là sẽ tìm thấy sự trợ giúp.[158][161]

Montauban trở thành tâm điểm nương náu của những người trốn trại;[y] bạn của Arendt, Lotta Sempell Klembort, là một trong những người may mắn đó. Trại của Blücher được sơ tán sau cuộc tiến công của quân Đức. Ông trốn thoát trên đường tuần hành, tìm đến Montauban và gặp lại vợ ở đó. Ít lâu sau, Anne Mendelssohn và mẹ của Arendt cũng tìm tới nơi. Việc xuất cảnh Pháp bấy giờ rất khó khăn nếu thiếu giấy tờ chính thức; người bạn của họ là Walter Benjamin đã tự kết liễu đời mình vì bị bắt khi mới đặt chân sang đất Tây Ban Nha. Một trong những tuyến bất hợp pháp khét tiếng nằm ngay ở ngoại ô Marseilles; nơi nhà báo người Mỹ tên là Varian Fry đang làm việc gây quỹ. Nhờ sự bao che của phó lãnh sự Mỹ Hiram Bingham,[z] Fry đã có thể giả mạo giấy tờ và hối lộ quan chức nhằm đảm bảo thủ tục xuất cảnh và thị thực Mỹ cho hàng ngàn người đào tẩu.

Nhờ sự giúp đỡ của hai công dân Mỹ và người chồng cũ Günther Stern; Arendt, chồng và mẹ bà đã có được giấy phép cần thiết để lên chuyến tàu hỏa băng qua Tây Ban Nha và dừng bánh tại thủ đô Lisbon Bồ Đào Nha vào tháng 1 năm 1941. Họ thuê một căn hộ trên đường Rua da Sociedade Farmacêutica, 6b,[aa][165] rồi kiếm được vé đi New York trên tàu S/S Guiné II của Công ty Companhia Colonial de Navegação vào tháng 5.[166] Vài tháng sau, Fry bị buộc thôi hoạt động, và biên giới rốt cuộc bị phong tỏa.[167][168]

New York (1941–1975)

[sửa | sửa mã nguồn]

Chiến tranh thế giới lần II (1941–1945)

[sửa | sửa mã nguồn]

Họ cập bến thành phố New York vào ngày 22 tháng 5 năm 1941 và nhận được sự trợ giúp từ Tổ chức phục quốc Do Thái của Mỹ và cộng đồng người Đức nhập cư địa phương, bao gồm Paul Tillich và những người hàng xóm từ Königsberg. Họ thuê căn hộ tại 317 West 95th Street và mẹ bà tới đó vào tháng 6. Do cần học tiếng Anh gấp, họ quyết định cho Hannah Arendt dành hai tháng sống chung với một gia đình người Mỹ ở Winchester, Massachusetts nhờ chương trình Tự lực cho Người tị nạn (Self-Help for Refugees) từ tháng 7.[169] Bà thấy trải nghiệm này khá khó khăn và đánh giá như sau về cuộc sống tại Hoa Kỳ: Der Grundwiderspruch des Landes ist politische Freiheit bei gesellschaftlicher Knechtschaft (Mâu thuẫn căn bản của đất nước này đó là tự do chính trị kèm với nô lệ xã hội).[ab][170]

Ngay khi quay về New York, Arendt tiếp tục viết lách và trở thành một nhà hoạt động trong cộng đồng Đức-Do Thái, xuất bản bài viết, "Từ vụ Dreyfus cho tới nước Pháp ngày nay" (dịch sang tiếng Anh từ bản thảo tiếng Đức của bà) vào tháng 7 năm 1942.[ac][172] Trong lúc hoàn thiện bài viết, bà cũng chạy vạy nhiều nơi để tìm việc làm. Vào tháng 11 năm 1941, tờ Aufbau của cộng đồng Do Thái-Đức tại New York thuê bà vào làm. Từ năm 1941 đến năm 1945, bà là chủ biên góc chính trị của tờ báo này, chuyên bàn luận về chủ nghĩa bài Do Thái, người tị nạn và sự cần thiết nhằm xây dựng một quân đội của người Do Thái. Bà cũng đóng góp nhiều bài viết cho tờ tạp chí Mỹ-Do Thái Menorah Journal,[173] và nhiều ấn phẩm émigré khác.[30]

Arendt và Blücher chuyển tới sống tại 370 Riverside Drive ở Thành phố New York

Arendt kiếm được công việc toàn thời gian có lương đầu tiên vào năm 1944. Bà được nhận làm giám đốc nghiên cứu kiêm điều hành cho tổ chức Ủy ban Tái thiết Văn hóa Do Thái Châu Âu mới nổi, một dự án của Hội nghị Quan hệ Do Thái.[ad] Bà được chiêu mộ "bởi vì mối quan tâm rất lớn của bà đối với các hoạt động của Uỷ ban, kinh nghiệm trước đó của bà trong vai trò quản lý, và mối liên kết của bà với nước Đức". Tại đó bà tổng hợp danh sách các tài sản văn hóa Do Thái tại Đức và tại châu Âu bị Đức quốc xã đô hộ nhằm hậu thuẫn công cuộc tái thiết thời hậu chiến.[176] Cùng với chồng, bà sống tại 370 Riverside Drive ở Thành phố New York và Kingston, New York, nơi mà Blücher dạy học tại Bard College lân cận trong nhiều năm.[30][177]

Hậu chiến (1945–1975)

[sửa | sửa mã nguồn]
Photo of Hannah and Heinrich Blücher in New York in 1950
Hannah Arendt cùng với Heinrich Blücher, New York, năm 1950

Vào tháng 7 năm 1946, Arendt thôi việc tại Ủy ban Tái thiết Văn hóa Do Thái châu Âu để sang làm biên tập viên cho Schocken Books,[ae] công ty mà sau này sẽ xuất bản một số tác phẩm của bà.[30][179] Năm 1948, bà tham gia vào chiến dịch của Judah Magnes nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột Israel–Palestine.[114] Bà phản đối việc thành lập một quốc gia Do Thái ở Palestine và vốn cũng phản đối việc thành lập một song quốc Ả Rập-Do Thái. Thay vào đó, bà ủng hộ việc chuyển đổi Palestine thành một liên bang đa sắc tộc. Chỉ đến năm 1948 trong nỗ lực ngăn chặn sự chia cắt lãnh thổ, bà mới ủng hộ giải pháp một quốc gia hai dân tộc.[180] Bà quay trở lại Ủy ban vào tháng 8 năm 1949. Với tư cách là thư ký điều hành, bà quay về châu Âu, tới Đức, Anh và Pháp (tháng 12 năm 1949-tháng 3 năm 1950) để đàm phán với họ trả lại các tài liệu lưu trữ của các cơ quan Đức, một trải nghiệm mà bà cảm thấy cực kỳ mệt nhọc, song bà vẫn cố gắng cung cấp thường xuyên các báo cáo hiện trường.[181] Vào tháng 1 năm 1952, bà trở thành thư ký của Hội đồng quản trị, mặc dù tổ chức lúc đó đang xuống dốc[af] và bà đồng thời đang theo đuổi các hoạt động trí thức của riêng mình; bà sẽ giữ chức vụ này suốt phần đời còn lại.[ag][176][182][183] Đóng góp của Arendt trong công cuộc phục hồi văn hóa đã cung cấp thêm tài liệu cho nghiên cứu của bà về chủ nghĩa toàn trị.[184]

Trong những năm 1950, Arendt chắp bút viết các tác phẩm The Origins of Totalitarianism (1951),[185] The Human Condition (1958)[186]On Revolution (1963).[30][187] Arendt gặp mặt và trao đổi với tác giả người Mỹ Mary McCarthy, người kém bà 6 tuổi, vào năm 1950. Họ nhanh chóng trở thành bạn tri kỉ.[188][189] Cùng năm, Arendt nhập tịch Hoa Kỳ,[190] và tái ngộ với tình nhân cũ Martin Heidegger, nảy sinh "mối tình nửa vời" với ông (theo cách nói của Adam Kirsch) kéo dài hai năm.[36] Arendt công khai bênh vực Heidegger trước những lời trách móc vì sự ủng hộ của ông đối với Đảng Quốc xã. Bà cho rằng Heidegger khi đó chỉ là một người đàn ông ngây thơ bị lôi kéo bởi những thế lực ngoài tầm kiểm soát, hơn nữa chỉ ra rằng triết học của Heidegger không liên quan gì đến chủ nghĩa Quốc gia Xã hội.[36] Năm 1961, bà tới Jerusalem để tường thuật phiên tòa xét xử Eichmann cho tờ The New Yorker. Bản tường thuật này, tuy vậy, lại gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận Mỹ. Năm 1975, Arendt vinh dự nhận Giải Sonning của Đan Mạch vì những đóng góp lớn lao của bà cho văn minh châu Âu.[45][191]

Vài năm sau tại Thành phố New York, bà phát biểu như sau về tính hợp lý của bạo lực như một hành động chính trị: "Nói chung, bạo lực luôn bùng phát từ sự bất lực. Nó là hy vọng của những kẻ không có quyền lợi để tìm cách thay thế nó và theo tôi hy vọng đó là vô ích. Bạo lực có thể phá vỡ quyền lực, nhưng không bao giờ thay thế được nó."[192]

Giảng dạy
[sửa | sửa mã nguồn]
Hannah Arendt thuyết giảng tại Đức, 1955

Arendt từng giảng dạy tại rất nhiều viện nghiên cứu đào tạo ở bậc đại học từ năm 1951 trở đi, nhưng vì muốn được độc lập trong công việc, bà liên tiếp từ chối các đề nghị thuê giảng theo hợp đồng. Bà đã thỉnh giảng tại nhiều nơi như Đại học Notre Dame, Đại học California, Berkeley, Đại học Princeton (nơi bà là người phụ nữ đầu tiên được phong chức danh giáo sư toàn phần vào năm 1959) và Đại học Northwestern. Bà cũng từng giảng dạy tại Đại học Chicago từ năm 1963 đến năm 1967, nơi bà gia nhập Ủy ban Tư tưởng Xã hội (Committee on Social Thought).[177][193] Ngoài ra, bà cũng từng là nghiên cứu sinh của Đại học Yale và Trung tâm Nghiên cứu Cao cấp của Đại học Wesleyan (1961–62, 1962–63). Từ năm 1967, Arendt là giáo sư khoa Nghiên cứu Xã hội của the New School tại Manhattan, Thành phố New York.[30][194]

Bà được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ vào năm 1962[195] và trở thành hội viên của Học viện Nghệ thuật và Văn học Hoa Kỳ vào năm 1964.[196] Năm 1974, Arendt có công lao chính trong việc thành lập chương trình Giáo dục Tự do Cấu trúc (SLE) tại Đại học Stanford. Bà cũng viết thỉnh thư cho chủ tịch Đại học Stanford, thuyết phục trường khởi động chương trình khoa học nhân văn tại gia của giáo sư lịch sử Mark Mancall.[177] Tại thời điểm qua đời, bà giữ danh hiệu Giáo sư Triết học Chính trị tại The New School.[177]

Các mối quan hệ

[sửa | sửa mã nguồn]
Arendt đứng cạnh Mary McCarthy

Ngoài mối tình với Heidegger và hai cuộc hôn nhân, Arendt cũng có nhiều mối quan hệ thân mật khác. Kể từ khi qua đời, nhiều thư từ của Arendt với những người bạn đã được xuất bản, hé lộ thêm các thông tin về lối suy nghĩ của bà. Đối với bằng hữu, bà là người chung thủy và rộng lượng, gửi gắm nhiều lời tri ân với họ trong những tác phẩm.[197] Bà miêu tả Freundschaft (tình bạn) như là "tätigen Modi des Lebendigseins" (phương thức hoạt động của sự đang sống),[198] và, đối với bản thân bà, tình bạn là thứ cực kỳ quan trọng trong đời và trong khái niệm chính trị.[197][199] Hans Jonas nhận định rằng, Arendt "rất thật thà trong tình bạn", và theo chính lời Arendt, bà có một "der Eros der Freundschaft" (tình yêu cho tình bạn).[197][200]

Những bằng hữu mà Arendt làm quen thông qua triết học thường là đàn ông và là người gốc Âu, còn bạn bè bà gặp ở Mỹ thì lại đa dạng, văn vẻ, và chính trị hơn. Tuy rằng đã nhập tịch Mỹ vào năm 1950, bà vẫn quyến luyến với gốc rễ văn hóa Âu châu của mình, và cứ tiếp tục nói thứ tiếng Đức "Muttersprache" (tiếng mẹ đẻ).[201] Bà thường quây mình và giao du với những người nhập cư nói tiếng Đức, đôi khi gọi đó là "Thị tộc" của mình. Đối với bà, wirkliche Menschen (người thật) là "những pariah", không phải theo nét nghĩa 'những kẻ bơ vơ', mà ý chỉ 'những kẻ ngoài cuộc', 'chưa bị đồng hóa', với đức hạnh là "sự không tương phùng văn hóa ... cái sine qua non [điều kiện tiên quyết] cho thành tựu tri thức", một thứ xúc cảm mà bà chia sẻ với Jaspers.[202]

Arendt lúc nào cũng có một beste Freundin (người bạn thân). Từ thời niên thiếu, bà đã tạo dựng được một tình bạn bền chặt với Jugendfreundin (bạn thân thuở nhỏ) của mình, Anne Mendelssohn Weil ("Ännchen"). Sau khi Arendt đặt chân sang Mỹ, Hilde Fränkel, thư ký và tình nhân của Paul Tillich, đã thay thế vị trí đó cho tới khi mất vào năm 1950. Sau cuộc chiến, Arendt đã có thể về Đức và nối lại tình bạn với Weil, người mà về sau cũng nhiều lần tới thăm New York, nhất là sau khi Blücher qua đời vào năm 1970. Hai người họ gặp nhau lần cuối ở Tegna, Thụy Sĩ vào năm 1975, ít lâu trước khi Arendt qua đời.[203] Sau khi Fränkel mất, Mary McCarthy đã trở thành người bạn tâm tình thân cận của Arendt.[52][204][205]

Bệnh tình và qua đời

[sửa | sửa mã nguồn]
Bia mộ của Hannah Arendt tại Nghĩa trang Trường Đại học Bard, Annandale-on-Hudson, New York

Heinrich Blücher qua khỏi một cơn phình mạch não vào năm 1961, song sức khỏe của ông kiệt quệ cho tới năm 1963. Ngày 31 tháng 10 năm 1970, ông qua đời sau một cơn đau tim dữ dội. Arendt trước đó đã từng chia sẻ với Mary McCarthy rằng, "[Tôi] không thể tưởng tượng được cuộc sống nếu thiếu ông ấy".[206] Bản thân Arendt là người nghiện hút thuốc lá, điều mà có thể thấy trong nhiều tấm ảnh chụp bà. Tháng 5 năm 1974, trong chuyến giảng thuyết tại Scotland, Arendt đã suýt mất mạng do một cơn đau tim. Tuy hồi phục qua khỏi, sức khỏe của bà bị giảm sút nghiêm trọng, nhưng bà vẫn cố chấp hút thuốc.[207] Chiều tối ngày 4 tháng 12 năm 1975, ít lâu sau sinh nhật tuổi thứ 69 của mình, bà đột quỵ do đau tim tại căn hộ riêng trong lúc tiếp đãi bạn bè.[208][209] Tro cốt của bà được chôn cất cạnh ngươi chồng Blücher tại Đại học Bard, Annandale-on-Hudson, New York vào tháng 5 năm 1976.[177][210]

Sau khi Arendt mất, trang đề tựa của tập cuối The Life of the Mind ("Judging") được tìm thấy bên cạnh chiếc máy đánh chữ của bà, trong đó mới chỉ kịp viết vài dòng nhan đề và hai đoạn trích. Di cảo này đã được sao chép lại (xem ảnh).[211]

Đóng góp học thuật

[sửa | sửa mã nguồn]

Arendt viết các tác phẩm về lịch sử trí thức trong vai trò là một nhà lý luận chính trị, vận dụng các sự kiện và thực tiễn hành động để phân tích sâu sắc các phong trào toàn trị thời bấy giờ và các mối nguy hại cho sự tự do của con người được biểu trưng bởi sự trừu tượng hóa khoa học và đạo đức áp đặt của giai cấp tư sản. Về mặt trí thức, bà là nhà tư tưởng độc lập, một kẻ đơn độc chứ không phải một "kẻ tham gia," cách li bản thân khỏi các trường phái tư tưởng và hệ tư tưởng.[212] Ngoài các tác phẩm lớn, bà cũng đã cho ra đời nhiều tập tuyển văn như Between Past and Future (1961),[213] Men in Dark Times (1968)[214]Crises of the Republic (1972).[215] Bà cũng đã có nhiều đóng góp lớn cho một số nhà xuất bản như The New York Review of Books, Commonweal, DissentThe New Yorker.[30] Công trình vang danh nhất của bà có lẽ là bản tường thuật về phiên tòa xét xử Adolf Eichmann,[216] vì các tranh cãi gay gắt xung quanh nó.[217]

Lý luận chính trị và hệ thống triết học

[sửa | sửa mã nguồn]

Arendt chưa bao giờ sắp xếp hệ thống triết học chính trị của mình một cách khắt khe và các trước tác của bà cũng không thể được phân loại một cách rạch ròi, song dòng tư tưởng có nhiều điểm tương đồng nhất với suy nghĩ của Arendt chính là chủ nghĩa cộng hòa dân sự, bắt nguồn từ Aristotle cho tới Tocqueville. Khái niệm chính trị của bà xoay quanh quyền công dân chủ động, theo đó nhấn mạnh sự tham gia dân sự và cân nhắc tập thể.[8] Bà tin rằng dù cho hoàn cảnh có tồi tệ thế nào đi chăng nữa, chính quyền không bao giờ có thể dập tắt được sự tự do của cá nhân, tuy rằng bà vẫn cho rằng các xã hội hiện đại rất hay thoái lui khỏi tự do dân chủ do căn bệnh cố hữu về sự buông thả cho chế độ quan liêu điều hành. Di sản chính trị của bà chính là các lập luận chắc chắn bảo vệ tự do trong một thế giới chẳng mấy tự do.[30] Bà không tự trói buộc mình trong một hệ thống triết lý đơn thuần nào, mà khám phá phong phú các đề tài như chủ nghĩa toàn trị, cách mạng, bản chất của tự do, và khả năng tư duy biện luận.[6]

Mặc dù được biết đến rộng rãi nhất vì các tác phẩm bàn về "thời kỳ đen tối",[ah] bản chất của chủ nghĩa toàn trị và cái ác, bà đã chiếu vào những điều đó một tia hy vọng và thể hiện một lòng tin vững chắc vào nhân loại:[212]

Rằng ngay cả trong những thời khắc đen tối nhất, chúng ta vẫn có quyền kỳ vọng một ánh hào quang nào đó dù chỉ nhỏ nhất, và những hào quang đó hiếm khi xuất phát từ những lý thuyết và khái niệm suông, thay vào đó là từ những ánh sáng đôi khi yếu ớt, chập chờn, và bất định được thắp lên bởi một số người đàn ông hoặc phụ nữ, trong cuộc đời và công trạng của họ, dưới hầu hết mọi hoàn cảnh và tỏa ra khắp thời thế được trao cho họ.[220]

Tình yêu và Thánh Augustinus (1929)

[sửa | sửa mã nguồn]

Luận văn tiến sĩ của Arendt, Der Liebesbegriff bei Augustin. Versuch einer philosophischen Interpretation[79] (Tình yêu và Thánh Augustinus), được xuất bản vào năm 1929 và thu hút sự quan tâm từ giới phê bình, tuy bản dịch tiếng Anh của tác phẩm này phải tới năm 1996 mới xuất hiện.[221] Trong công trình này, bà đã dung hòa hai hướng tiếp cận của Heidegger và Jaspers. Sự kiến giải của Arendt về tình yêu trong các tác phẩm của Augustinus tập trung vào ba khái niệm cốt lõi: tình yêu như sự ham muốn hoặc thèm muốn (Amor qua appetitus), tình yêu trong quan hệ giữa nhân loại (creatura) và Đấng tạo hóa (Creator – Creatura), và tình yêu láng giềng (Dilectio proximi). Tình yêu như sự ham muốn đoán lường tương lai, còn tình yêu đấng sáng thế vọng về dĩ vãng. Trong ba khái niệm đó thì dilectio proximi hay caritas[ai] được coi là căn bản nhất, hai kiểu tình yêu còn lại chỉ xoay quanh khái niệm này, và được bà phân tích dưới quan niệm vita socialis (đời sống xã hội). Điều thứ hai trong Giới răn trọng nhất (hay Nguyên tắc vàng) "Con phải yêu láng giềng như yêu bản thân" thống nhất và vượt trên những điều còn lại.[aj][87] Ảnh hưởng của Augustinus (cùng quan điểm của Jaspers về Augustinus) sẽ tồn tại dai dẳng trong các trước tác của Arendt suốt phần đời còn lại.[223]

Amor mundi

Amor mundi  –  warum ist es so schwer, die Welt zu lieben?
Tình yêu thế gian – Tại sao yêu thương thế gian lại khó nhường này?

Denktagebuch I: 522[224]

Một số nét quán xuyến trong quy điển triết học của Arendt xuất hiện rất sáng rõ, ví dụ khái niệm Natalität như một hoàn cảnh then chốt của hiện sinh con người và vai trò của nó trong sự bồi dưỡng cá nhân,[221][225][226] sau được bà phát triển thêm trong tác phẩm Hoàn cảnh con người (1958).[186][227] Bà giải thích rằng cái kiến tạo của natalität đã được ngầm định trong thảo luận của mình về các sự khởi đầu mới và niềm hoan hỷ của con người trước Đấng tạo hóa trong vai trò nova creatura.[228][229] Tính trung tâm của hai chủ đề khai sinh và tái sinh được bộc lộ rõ khi bà liên tục nhắc đến tư tưởng Augustinus, cụ thể là bản chất đổi mới của sự khai sinh, ngay từ công trình đầu tiên của bà đến trước tác The Life of the Mind cuối cùng.[230]

Các nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị (1951)

[sửa | sửa mã nguồn]

Cuốn sách đồ sộ đầu tiên của Arendt, Các nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị (1951),[185] khảo sát về ngọn nguồn của chủ nghĩa Stalinchủ nghĩa Quốc xã, với bố cục ba phần đề cập lần lượt đến "Chủ nghĩa bài Do Thái", "Chủ nghĩa Đế quốc" và "Chủ nghĩa Toàn trị". Bà lập luận trong cuốn sách rằng, chủ nghĩa toàn trị là một "dạng chính phủ mới [...] khác biệt cơ bản khỏi các dạng truy bức chính trị khác mà ta biết như chế độ chuyên quyền, bạo chúa hay độc tài"[231] ở chỗ nó áp dụng chiên thuật khủng bố nhằm khuất phục toàn bộ quần chúng chứ không chỉ các đối thủ chính trị.[232][233] Arendt cũng cho rằng, sự tiêu diệt người Do Thái không phải là động cơ chính của Holocaust mà chỉ đơn thuần là bình phong, vì chủ nghĩa Quốc xã về bản chất đã là khủng bố và nhất quán chứ không riêng gì bài Do Thái.[233][234] Arendt giải thích điều này bằng thuật ngữ "cái ác cực đoan" của Kant,[235] theo đó nạn nhân của họ trở thành "những con người thừa thãi".[236][237] Arendt mở rộng lý luận của mình trong các ấn bản sau[238] để bao trùm thêm bài nghiên cứu "Ý thức hệ và khủng bố: Một dạng chính phủ mới"[232] và sự kiện Cách mạng Hungary, nhưng quyết định xuất bản cái sau độc lập.[239][240][241]

Chỉ trích đối với cuốn Nguồn gốc thường xoáy vào sự đánh đồng chưa hợp lý của Arendt giữa chủ nghĩa Hitler và chủ nghĩa Stalin.[242]

Rahel Varnhagen: Cuộc đời một nữ Do Thái (1957)

[sửa | sửa mã nguồn]

Arendt hoàn thiện Habilitationsschrift về Rahel Varnhagen khi còn nương náu ở Pháp vào năm 1938; phải tới tận năm 1957, Thư viện East and West ở Anh quốc, một phần của Viện Leo Baeck, mới xuất bản tác phẩm này.[243] Tác phẩm là tiểu sử về một thiếu nữ Do Thái có vai vế trong xã hội châu Âu thế kỷ 19, góp phần tạo nên một bước tiến quan trọng trong sự phân tích lịch sử Do Thái của bà, cũng như về hai chủ đề đồng hóagiải phóng, và khởi đầu cho quan điểm của bà về cộng đồng Do Thái hải ngoại như là pariah hoặc parvenu. Ngoài ra, nó cũng là công trình đại diện cho sử quan ban sơ của bà.[244][245] Tác phẩm là lời tri ân với Anne Mendelssohn, người đầu tiên nghiên cứu cuộc đời của Varnhagen.[83][246][247] Mối liên kết của Arendt với Varnhagen sẽ còn điểm tô nhiều tác phẩm trong tương lai. Trình thuật của bà về Varnhagen đã ra đời trong hoàn cảnh văn hóa Đức-Do Thái cận kề bên bờ diệt vong. Nó phần nào phản ánh góc nhìn của Arendt về bản thân bà với tư cách là một người phụ nữ Đức-Do Thái đã bị đào thải bởi chính nền văn hóa giáo dưỡng mình và thoát ly vào sự hiện sinh không quốc tịch.[244] Sở dĩ vậy nên bà đã giãi bày những dòng sau ở đầu tác phẩm: "cuốn tiểu sử như áng tự truyện".[245][248][249]

Hoàn cảnh con người (1958)

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong tác phẩm mà có thể coi là gây ảnh hưởng nhất của bà, Hoàn cảnh con người (1958),[186] Arendt phân biệt giữa các khái niệm chính trị và xã hội, lao động và tạo tác, và vô số các dạng hành động; rồi khám phá những ngầm định ẩn dưới các khác biệt đó. Lý thuyết về hành động chính trị, tương liên với sự tồn tại của một địa hạt công cộng, đã được bà xây dựng một cách tỉ mỉ trong tác phẩm này. Arendt lập luận rằng, dù đúng là cuộc đời con người diễn tiến bên trong xã hội, song cái mặt xã hội của bản tính con người, đời sống chính trị, chỉ mới được hiện thực hóa chủ ý trong một vài xã hội như là không gian cho phép các cá nhân đạt đến tự do. Các phạm trù khái niệm, vốn được đặt làm gạch nối giữa bản thể luận và các cấu trúc xã hội, đã bị phân vùng rõ ràng. Arendt xếp lao động và tạo tác vào địa hạt của xã hội, còn lại xem hoàn cảnh con người của hành động như thể cái thứ vừa sinh tồn và vừa có tính thẩm mỹ.[8] Trong số các hành động của con người, Arendt xác định hai hành động mà bà đánh giá là cốt yếu. Đó là lượng thứ cho những lỗi lầm đã qua (hay tháo gỡ cái quá khứ đã cố định) và hứa hẹn cho những lợi ích tương lai (hay cố định cái tương lai chưa cố định).[250]

Arendt lần đầu tiên giới thiệu khái niệm "natalität" trong Tình yêu và Thánh Augustinus (1929)[79] và phát triển nó trong Hoàn cảnh con người. Ở đây, bà thoát khỏi quan điểm trọng cái chết của Heidegger. Thông điệp tích cực mà Arendt muốn truyền tải đó là một trong những "phép mầu của khởi đầu", sự tiến tới liên tục của cái mới để tạo ra hành động, tức là để thay đổi tình trạng do các hành động trước dẫn đến.[251] "Con người", bà viết "tuy họ ắt phải chết, họ sinh ra không phải để chết, mà là để khởi đầu".

Phép mầu cứu rỗi thế giới, địa hạt của sự vụ con người, từ đống đổ nát "tự nhiên", bình thường của nó, rốt cuộc là sự thật về natalität, trong đó cái năng lực hành động bắt nguồn về mặt bản thể. Nó là, theo cách nói khác, sự khai sinh con người mới và khởi đầu mới, hành động mà họ có khả năng thực hiện với tư cách là kẻ đang được sinh ra.[252]

Natalität về sau trở thành khái niệm trung tâm trong lý thuyết chính trị của Arendt và được Karin Fry coi là khái niệm lạc quan nhất trong các tác phẩm của bà.[227]

Giữa quá khứ và tương lai (1954-1968)

[sửa | sửa mã nguồn]

Giữa quá khứ và tương lai là một tuyển tập tám bài luận được viết giữa năm 1954 và 1968, đề cập đến một loạt các vấn đề triết học khác biệt nhưng có mối liên kết với nhau. Ý tưởng trung tâm của công trình này đó là, con người là loài vật sống giữa quá khứ cố định và tương lai vô định. Con người phải luôn tư duy để tồn tại, nhưng trước hết phải học cách tư duy. Thế nên con người dựa vào truyền thống để tư duy, nhưng nghịch lý thay lại đang dần trút bỏ truyền thống và văn hóa đó. Từ mối bận tâm ấy, Arendt đã nỗ lực kiếm tìm giải pháp nhằm giúp con người tư duy trở lại, vì rằng triết học hiện đại chưa thành công trong việc chỉ dẫn con người sống sao cho đúng.[213]

Về cách mạng (1963)

[sửa | sửa mã nguồn]

Tác phẩm Về cách mạng của Arendt[253] so sánh sự giống và khác nhau giữa hai cuộc cách mạng tiêu biểu của thế kỷ 18, Cách mạng MỹCách mạng Pháp. Bà chủ trương đi ngược lại góc nhìn truyền thống của những người Marxist và tả khuynh mà cho rằng: Cách mạng Pháp, tuy được nghiên cứu kỹ và thường được tái hiện, là một thảm họa; còn Cách mạng Mỹ là một thành công. Bước ngoặt ở trường hợp Cách mạng Pháp xảy ra khi những nhà lãnh đạo từ bỏ mục đích tự do ban đầu của họ để tập trung vào việc khắc phục sự thống khổ của quần chúng. Ở Hoa Kỳ, các nhà kiến quốc chưa bao giờ phản bội lý tưởng Constitutio Libertatis. Arendt tin rằng tinh thần cách mạng của người Mỹ đã hao kiệt nhưng từ đó đã sinh ra "hệ thống hội đồng" trong vai trò một thiết chế phù hợp để khơi gợi lại cái tinh thần đó.[254]

Con người trong thời kỳ đen tối (1968)

[sửa | sửa mã nguồn]

Tuyển tập Con người trong thời kỳ đen tối của Arendt tổng hợp và trình bày các tiểu sử trí thức của một số nhân vật mẫu mực của thế kỷ thứ 20, trong đó có Walter Benjamin, Karl Jaspers, Rosa Luxemburg, Hermann Broch, Giáo hoàng John XXIIIIsak Dinesen.[214]

Khủng hoảng của nền Cộng hòa (1972)

[sửa | sửa mã nguồn]

Khủng hoảng của nền Cộng hòa[215] là tuyển tập thứ ba của Arendt, bao gồm bốn bài luận khác nhau. Những bài luận liên kết với nhau này bàn về các vấn đề chính trị đương đại của Hoa Kỳ, cũng như những khủng hoảng mà nó đang đối mặt giữa những năm 1960-70. Bài "Dối trá trong Chính trị" tìm kiếm lời giải thích thỏa đáng đằng sau sự lừa gạt của chính phủ Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam, như được hé lộ trong Hồ sơ Lầu Năm Góc. Bài "Bất tuân Dân sự" khảo luận về các phong trào phản kháng, còn "Tư tưởng Chính trị và Cách mạng" là một bài bình luận, dưới dạng phỏng vấn về bài luận thứ ba, "Về bạo lực".[215][255] Trong "Về bạo lực", Arendt chứng minh rằng, bạo lực tiền giả định quyền lực, điều mà bà hiểu như là một tài sản của các bè nhóm. Vì vậy, bà tách khỏi quan niệm chiếm ưu thế về quyền lực như là cái phát sinh từ bạo lực.

Đời sống tinh thần (1978)

[sửa | sửa mã nguồn]
Immanuel Kant

Tác phẩm lớn cuối cùng của Arendt, Đời sống tinh thần,[256] vẫn chưa hoàn thiện tại thời điểm bà đột ngột qua đời vào năm 1975, song nó đánh dấu sự trở lại với triết học đạo đức của bà. Đại cương cuốn sách này được dựa trên bài giảng triết học chính trị ở bậc cao học mà bà từng nghe, có tên là Triết học chính trị, và các bài giảng Gifford ở Scotland.[257] Bà coi công trình này như một bộ ba, mỗi phần dựa trên các hoạt động của tinh thần như tư duy, ý chí, và sự phán xét. Các trước tác gần đây của bà đã đề cập đến hai hoạt động trước rồi, còn ở đây bà đã vượt qua chúng bằng vita activa. Thảo luận của bà về tư duy vốn dựa trên ý tưởng của Socrates về tư duy như một đối thoại cô lập của riêng một cá nhân, với hệ quả là khái niệm lương tâm.[258]

Thư từ trao đổi được xuất bản sau khi Arendt mất đã cho hậu thế một góc nhìn sâu sắc về tâm tư thầm kín của bà. Những người bạn thư tín quan trọng của Arendt phải kế đến là Karl Jaspers (1992),[80] Mary McCarthy (1995),[189] Heinrich Blücher (1996),[259] Martin Heidegger (2004),[ak][72] Alfred Kazin (2005),[260] Walter Benjamin (2006),[261] Gershom Scholem (2011)[262]Günther Stern (2016).[263] Các lá thư Arendt gửi những người bạn nữ như Hilde Fränkel và Anne Mendelsohn Weil cũng đã được xuất bản (xem Các mối quan hệ).[264][261]

Arendt và phiên tòa Eichmann (1961–1963)

[sửa | sửa mã nguồn]
Adolf Eichmann hầu tòa vào năm 1961

Năm 1960, khi hay tin Adolf Eichmann đã bị bắt và sắp bị đưa ra xét xử theo kế hoạch, Arendt đã nhanh chóng liên lạc với tờ The New Yorker và thỉnh nguyện tới Israel để tường thuật trực tiếp phiên tòa mở từ ngày 11 tháng 4 năm 1961.[265] Bà nóng lòng muốn kiểm thử các lý thuyết của mình trong cuốn Các nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị, tranh thủ dịp này để xem công lý sẽ được thực thi như thế nào đối với kiểu cá nhân mà đã đề ra trong tác phẩm. Arendt thừa nhận bản thân vẫn còn hiểu "rất ít về chế độ Quốc xã"[al][266] và đây là cơ hội để bà chứng kiến tận mắt một tác nhân phục vụ chủ nghĩa toàn trị.[237] Lời đề nghị của Arendt được chấp thuận và bà tới dự 6 tuần của phiên tòa kéo dài 5 tháng cùng em họ người Israel Edna Brocke.[265] Arendt được hoan nghênh như người nổi tiếng khi tới nơi, ngoài ra còn được gặp mặt trực tiếp Chánh án phiên tòa, Moshe Landau, và Ngoại trưởng Israel, Golda Meir.[267]

Arendt chỉ trích cách thức thực hiện phiên tòa của chính quyền Israel, coi đây là một "phiên tòa dàn dựng" với các động cơ thâm kín thay vì chỉ đơn thuần đưa ra các bằng chứng và thực thi công lý.[268][267] Arendt cũng không đồng tình với cách Israel khắc họa các tội ác của Eichmann như là tội ác chống lại một quốc gia dân tộc nhất định, thay vì chống lại toàn bộ nhân loại.[269] Bà phản đối ý tưởng cho rằng một nhà nước Israel hùng mạnh là điều cần thiết để bảo vệ đồng bào Do Thái khỏi việc bị đặt lại một lần nữa vào thảm cảnh nơi "họ để bản thân bị làm thịt như chiên," gợi nhắc một thành ngữ trong Kinh Thánh.[am][270] Bà cho rằng bên nguyên cáo, tức Tổng chưởng lý Gideon Hausner, sử dụng lối hùng biện khoa trương nhằm theo đuổi mưu đồ chính trị của Thủ tướng Ben-Gurion.[271] Arendt, người tin rằng mình vẫn có thể tập trung vào các quy luật đạo đức ngay cả khi đương đầu với sự oán hận, dần trở nên nản lòng với Hausner, miêu tả sự phô trương những người sống sót của ông ta là "không có ý nghĩa hiển nhiên nào đối với phiên tòa".[an][273] Bà quan ngại cụ thể về vấn đề Hausner chỉ hỏi gặng duy nhất một câu "tại sao ông/bà không nổi dậy?"[274] thay vì đặt nghi vấn vai trò của các thủ lĩnh Do Thái.[272] Về điểm này, Arendt lập luận rằng trong những tháng năm Holocaust, một số người bọn họ, "hầu như không có ngoại lệ," đã thông đồng với Eichmann để tiêu diệt chính đồng bào của mình. Những thủ lĩnh này, đơn cử như M. C. Rumkowski, đã chỉ định ra các Hội đồng Do Thái (Judenräte).[275] Bà đã bày tỏ quan ngại của mình đối với vấn đề này trước thời điểm diễn ra phiên tòa.[ao][276]

Đón nhận

[sửa | sửa mã nguồn]

Sê-ri năm kỳ của Arendt, "Eichmann ở Jerusalem", được đăng trên tờ The New Yorker vào tháng 2 năm 1963,[277] khoảng 9 tháng sau khi Eichmann bị treo cổ vào ngày 31 tháng 5 năm 1962. Tới thời điểm này thì đại chúng đã lãng quên phiên tòa do bị các sự kiện quốc tế khác lấn át.[278] Tuy nhiên, chưa một trình thuật nào khác về Eichmann và Đức Quốc xã lại làm dấy lên nhiều tranh cãi như vậy.[279] Trước thời điểm xuất bản, Arendt được coi là một nhà tư tưởng chính trị nguyên văn nhân văn và sáng giá.[280] Tuy vậy, tiền bối Karl Jaspers đã cảnh cáo bà về hậu quả khôn lường của chuyện này, "Phiên tòa Eichmann sẽ không làm cô hài lòng đâu. Tôi sợ rằng việc này sẽ không suôn sẻ".[ap][237] Ngay sau khi xuất bản, tranh cãi lập tức bùng phát xung quanh mấy vấn đề sau đây: quan điểm của Arendt cho rằng Eichmann chỉ đơn thuần là tuân lệnh cấp trên, sự phê phán của bà đối với vai trò của Israel và miêu tả của bà về đồng bào Do Thái.[282]

Arendt đã rất sốc trước sự đón nhận bất bình của dư luận, viết gửi Karl Jaspers rằng: "Người ta đang tìm tất cả mọi cách nhằm hủy hoại thanh danh tôi... Họ đã dành nhiều tuần đào bới quá khứ của tôi chỉ để tìm ra bất cứ điều gì nhơ bẩn rồi treo nó lên đầu tôi". Bấy giờ bà bị chê trách là một kẻ ngạo mạn, vô tâm và thiếu hiểu biết. Một số cho rằng bà đã bị Eichmann đánh lừa, bị cáo buộc là "mụ Do Thái tự nhục", thậm chí là kẻ thù của nhân dân Israel.[55][280][283] Trong giới phê bình có Liên đoàn chống phỉ báng và nhiều hội nhóm Do Thái, tập thể biên tập viên của các nhà xuất bản mà Arendt từng đóng góp, khoa viện tại các trường đại học mà Arendt từng giảng dạy và nhiều người bạn thân cận của bà.[280] Gershom Scholem, một học giả đầu ngành về chủ nghĩa kỳ bí Do Thái, đã cắt đứt liên hệ với Arendt và công bố thư từ giữa hai người mà không có sự đồng thuận của Arendt.[284] Bà cũng bị chỉ trích bởi nhiều nhân vật công chúng Do Thái, những người cáo buộc bà là kẻ máu lạnh, không thông cảm cho các nạn nhân của Holocaust. Những phê phán này đã khiến các tác phẩm của bà không được chuyển ngữ sang tiếng Hebrew cho tới tận những năm 1999.[285]

Kein Mensch hat das Recht zu gehorchen

[sửa | sửa mã nguồn]
Văn phòng thuế vụ Bolzano, nhiệm sở cũ của đảng Phát xít
Đại học Berlin
Đại học Marburg
Câu nói nổi tiếng của Arendt, "Không ai có quyền phải phục tùng," khắc ghi trên đài tưởng niệm Phát xít Italia.

Trong một cuộc phỏng vấn với Joachim Fest vào năm 1964,[286] khi được hỏi về lời bao biện của Eichmann liên quan đến việc vận dụng nghĩa vụ phục tùng của Kant như kim chỉ nam hành động cho cuộc sống, Arendt đáp rằng điều đó thật quá quắt và rằng Eichmann đã lạm dụng lý thuyết của Kant khi chưa cân nhắc đến yếu tố phán đoán cần thiết trong việc đánh giá các hành động của bản thân một người – "Kein Mensch hat bei Kant das Recht zu gehorchen" (Không ai có, theo Kant, quyền phải phục tùng), bà khẳng định. Câu nói ở đây vốn dĩ lấy cảm hứng từ tác phẩm Die Religion innerhalb der Grenzen der bloßen Vernunft (Tôn giáo bên trong làn ranh lý tính trần trụi, 1793) của Kant, trong đó ghi:[287]

Der Satz 'man muß Gott mehr gehorchen, als den Menschen' bedeutet nur, daß, wenn die letzten etwas gebieten, was an sich böse (dem Sittengesetz unmittelbar zuwider) ist, ihnen nicht gehorcht werden darf und soll[288]

Danh sách ấn phẩm tuyển chọn

[sửa | sửa mã nguồn]

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Heller, Anne C (23 tháng 7 năm 2005). “Selected Bibliography: A Life in Dark Times” [Thư mục tuyển chọn: Một đời trong thời kỳ đen tối] (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 8 năm 2018. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2018.
  • Kohn, Jerome (2018). “Bibliographical Works” (bằng tiếng Anh). Trung tâm Hannah Arendt về Chính trị và Khoa học nhân văn tại Cao đẳng Bard. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 7 năm 2018., trong HAC Bard (2018)
  • Yanase, Yosuke (3 tháng 5 năm 2008). “Hannah Arendt's major works” [Các tác phẩm lớn của Hannah Arendt]. Philosophical Investigations for Applied Linguistics (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2018.
  • “Arendt works” [Các tác phẩm của Arendt]. Thinking and Judging with Hannah Arendt: Political theory class (bằng tiếng Anh). Đại học Helsinki. 2010–2012.

Bài viết và bài luận

[sửa | sửa mã nguồn]

Sưu tập

[sửa | sửa mã nguồn]

Tản mạn

[sửa | sửa mã nguồn]

Quan điểm

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào năm 1961, trong quá trình tác nghiệp tại phiên tòa xét xử Adolf Eichmann ở Jerusalem, Arendt đã viết một bức thư gửi Karl Jaspers mà Adam Kirsch cho rằng thể hiện "quan điểm phân biệt chủng tộc thuần túy" đối với người Do Thái Sephardi xứ Trung Đông và người Do Thái Ashkenazi xứ Đông Âu. Bà viết:

May mắn thay, ba thẩm phán của Eichmann đều gốc Đức, quả thực là những người tài giỏi của dân Do Thái Đức. [Tổng Chưởng lý Gideon] Hausner là một người Do Thái Galicia đúng hiệu, vẫn chất Châu Âu, không dễ động lòng... nhàm chán... liên tiếp phạm sai lầm. Chắc là kiểu mù ngoại ngữ. Tất cả chuyện này đã bị dàn xếp bởi một lực lượng cảnh sát khiến tôi thấy rợn người, chỉ nói tiếng Hebrew, và trông giống Ả Rập. Có một số tuýp tàn nhẫn thẳng thừng trong đó. Chúng sẽ tuân theo bất cứ một mệnh lệnh nào. Và bên ngoài mấy cánh cửa là đám Đông phương, một tên có vẻ tới từ Istanbul hoặc một quốc gia nửa Á nào đó.[80]

Tuy Arendt là người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái trong và sau Thế chiến II, bà phân trần rằng bản thân bà ủng hộ việc tạo lập một nhà nước liên bang Do Thái và Ả Rập ở Lãnh thổ ủy trị Palestine thuộc Anh (nay là Israel và các lãnh thổ Palestine), thay vì một nhà nước Do Thái thuần túy. Bà tin đây là cách giải quyết vấn đề phi nhà nước của nhân dân Do Thái và còn tránh được cái vực thẳm của chủ nghĩa dân tộc.[289][290]

Cáo buộc phân biệt chủng tộc

[sửa | sửa mã nguồn]

Arendt không chỉ bị cáo buộc là thể hiện tư tưởng phân biệt chủng tộc trong các báo cáo của mình về phiên toà Eichmann. Trong một bài luận năm 1958 đăng trên tạp chí Dissent với đề mục Reflections on Little Rock,[291] Arendt đã phản đối chính sách hội nhập học sinh da đen vào hệ thống giáo dục theo sau Khủng hoảng Little Rock ở Arkansas vào năm 1957. Theo giải thích ở phần dẫn, tạp chí đã không muốn đăng bài của Arendt trong một khoảng thời gian dài vì nó xa rời các giá trị tự do của nhà xuất bản. Tuy vậy, nó rốt cuộc vẫn được đăng kèm với các lời phê bình. Về sau, tờ The New Yorker cũng lưỡng lự trước việc xuất bản các bài báo về Eichmann. Arendt bị chỉ trích kịch liệt đến nỗi, bà đã buộc phải phân trần bản thân trong ấn bản tiếp nối.[292] Tranh cãi xung quanh bài luận này tới nay vẫn chưa ngớt.[293] William Simmons dành trọn cả một phần trong bài luận nhân quyền năm 2011 của mình (Human Rights Law and the Marginalized Other)[294] để phê phán lập trường của Arendt, cụ thể hơn là về vụ Little Rock.[295] Trong khi một số nhà phê bình cho rằng Arendt đơn thuần là có thiên kiến phân biệt chủng tộc,[296] những người bênh vực cho rằng lập trường của Arendt ủng hộ phúc lợi của lứa trẻ, quan điểm mà bà bám trụ cho đến cuối đời. Bà cảm thấy rằng trẻ con da trắng lúc ấy đang bị ném vào một "khu rừng" chủng tộc để phục vụ một chiến lược chính trị vĩ mô về sự hội nhập cưỡng bức.[297]

Tuy dần dần có thừa nhận một số chỉ trích về phần mình, viện dẫn tư cách là người ngoại quốc, Arendt vẫn kiên định rằng trẻ con không nên bị bắt đưa lên tiền tuyến của xung đột địa chính trị.[298]

Về chủ nghĩa nữ quyền

[sửa | sửa mã nguồn]

Tuy thường được các nhà nữ quyền tôn vinh như là người phụ nữ tiên phong trong thế giới thống trị bởi đàn ông thời buổi ấy, Arendt chưa từng coi mình là một nhà nữ quyền,[299][300] theo đó bà cứng nhắc phản đối các chiều kích xã hội của phong trào giải phóng phụ nữ, kêu gọi tinh thần độc lập nhưng phải luôn ghi nhớ Vive la petite différence![301] Vinh dự khi trở thành nữ Giáo sư đầu tiên của Đại học Princeton vào năm 1953, hình ảnh của Arendt đã trở nên rất đình đám trên các phương tiện truyền thông, song bà không muốn bị coi là nhân vật xuất chúng, một phụ nữ (một "phụ nữ xuất chúng")[193] hay một người Do Thái, nhấn mạnh rằng "Tôi chưa bao giờ cảm thấy bất tiện khi là một giáo sư nữ, bởi vì tôi đã quen với việc mình là một người phụ nữ rồi."[302] Năm 1972, trong một cuộc đàm thoại về phong trào giải phóng phụ nữ, bà đã phát biểu rằng: "Câu hỏi thực sự mà ta nên hỏi đó là, ta sẽ mất những gì nếu thắng?".[303]

Phê phán nhân quyền

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong Các nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị, Hannah Arendt dành hẳn một chương dài (The Decline of the Nation-State and the End of the Rights of Man)[304][305] để phân tích phản biện về nhân quyền, về sau được mệnh danh là "bài luận về tị nạn được đọc rộng rãi nhất từng được xuất bản".[306] Arendt nhìn chung không hoài nghi về quan điểm quyền chính trị, mà tập trung chủ yếu vào việc bảo vệ khái niệm quyền dân tộc hay dân sự.[307][305] Nhân quyền hay Quyền con người là phổ quát, không thể chuyển nhượng và hiện hữu với lý do đơn giản vì ta là người. Trái lại, quyền dân sự hiện hữu vì nó là thuộc tính của một cộng đồng chính trị, cụ thể là đối với từng công dân của cộng đồng đó. Chỉ trích chính của Arendt đó là, nhân quyền bất hiệu lực và hão huyền vì việc thi hành nó mâu thuẫn với chủ quyền quốc gia.[308] Bà lập luận rằng, vì không tồn tại chính thể có thẩm quyền đứng trên quốc gia chủ quyền, nên các chính phủ có rất ít lý do để tôn trọng nhân quyền khi những chính sách kiểu vậy đi ngược lại lợi ích nước nhà. Điều này có thể được thấy rõ khi ta khảo sát cách mà các chính phủ đối xử với những người tị nạn phi quốc tịch. Vì người tị nạn không được nhà nước nào đảm bảo về quyền dân sự, họ chỉ có thể dựa dẫm vào nhân quyền. Theo đó, Arendt đã sử dụng vấn đề tị nạn như một trường hợp kiểm thử để phân tích quyền con người độc lập khỏi quyền dân sự.[309]

Phân tích của Arendt chịu sự ảnh hưởng từ các làn sóng khủng hoảng tị nạn nửa đầu thế kỷ thứ 20, cũng như từ trải nghiệm của bản thân khi chạy trốn khỏi Đức Quốc xã. Bà cho rằng, khi các chính phủ nhà nước bắt đầu đặt nặng danh tính quốc gia như một điều kiện tiên quyết để công nhận tư cách pháp lý đầy đủ của công dân, thì số lượng người ngoại quốc thiểu số sở tại sẽ tăng thuận theo số người không quốc tịch và không được nhà nước nào công nhận cơ sở pháp lý.[310] Hai biện pháp cho vấn đề người tị nạn, buộc hồi hương hoặc cho nhập tịch, đều không có khả năng hóa giải cơn khủng hoảng. Arendt cho rằng chính sách hồi hương thất bại, bởi vì không một chính phủ nào bằng lòng chấp nhận những người tị nạn. Khi người tị nạn bị ép phải di chuyển đi nước khác, những luồng di cư kiểu vậy lại thường bị coi là bất hợp pháp bởi những nước tiếp nhận, thế nên biện pháp này thất bại trong mục tiêu thay đổi tình trạng hiện thời của những người đó. Các nỗ lực nhằm nhập tịch và đồng hóa người tị nạn cũng đem lại rất ít thành quả; chủ yếu do chính phủ quốc gia và phần đông dân chúng kháng cự lại những chính sách như vậy vì cả hai đều coi người tị nạn là mối hiểm họa đối với danh tính quốc gia của mình. Sự kháng cự đối với nhập tịch cũng bắt nguồn từ chính những người tị nạn, vì họ không muốn bị đồng hóa và bám giữ danh tính dân tộc của mình.[311] Arendt cho rằng chính sách nhập tịch và chương trình tị nạn chính trị không thể nào quản lý được một lượng lớn người tị nạn. Thay vì chấp nhận tư cách pháp lý của một số người tị nạn, nhà nước đôi khi phản ứng bằng cách tước quốc tịch của công dân thiểu số có chung mối liên hệ về mặt quốc gia hoặc sắc tộc với những người tị nạn phi quốc tịch đó.[309]

Arendt cho rằng sự ngược đãi nhất quán đối với người tị nạn, ví dụ như bắt ép họ vào các trại tập trung, là bằng chứng phủ nhận sự tồn tại của nhân quyền. Nếu nhân quyền được xem xét nghiêm túc như là một thứ phổ quát và không thể chuyển nhượng, thì nó đáng ra là hoàn toàn có thể được thực hiện trong khuôn khổ của một nhà nước tự do hiện đại.[312] Bà kết luận: "Quyền con người, đáng lẽ không thể chuyển nhượng, nhưng thực tế đã chứng minh là không thể thi hành – ngay cả ở những nước có hiến pháp dựa trên nó – cứ khi nào có người xuất hiện mà không thuộc về nhà nước chủ quyền nào".[313] Arendt cho rằng nhân quyền không thể được thực hiện vì nó đối nghịch với ít nhất một trong những đặc điểm của nhà nước tự do — chủ quyền quốc gia.

Trong văn hóa đại chúng

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhiều nhà viết tiểu sử về sau đã rất quan tâm đến mối quan hệ giữa Hannah Arendt và Martin Heidegger.[60][61][314] Năm 1999, triết gia nữ quyền người Pháp Catherine Clément đã viết một cuốn tiểu thuyết mang nhan đề Martin and Hannah,[315] suy đoán về mối tình tay ba giữa Heidegger và hai người đàn bà trong đời ông, Arendt và Elfriede Petri. Tuy nhiên, cuốn tiểu thuyết cũng là một tác phẩm nghiêm túc về triết học, tập trung khai thác cuộc hội ngộ cuối cùng của Arendt và Heidegger tại Freiburg vào năm 1975. Cảnh tương phùng trong tác phẩm dựa phần lớn vào miêu tả của Elisabeth Young-Brueh trong cuốn Hannah Arendt: For Love of the World (1982),[67] lồng ghép những khoảng khắc tuổi thơ của Heidegger và vai trò của ông trong việc khuyến khích tình cảm giữa hai người phụ nữ.[316] Cuốn tiểu thuyết cũng khám phá mối quan hệ của Heidegger với chủ nghĩa Quốc xã rồi suy rộng ra với nước Đức và, theo lý giải của Arendt về Eichmann, mối quan hệ trắc trở giữa tội lỗi tập thể và trách nhiệm cá nhân. Ngoài ra, Clément cũng bao gồm người thầy và người bạn thư tín Karl Jaspers của Hannah vào trong ma trận tình cảm ấy.[317]

Năm 2012, bộ phim điện ảnh Đức Hannah Arendt của đạo diễn Margarethe von Trotta ra mắt công chúng. Với Barbara Sukowa trong vai Arendt, bộ phim khai thác cuộc tranh cãi xoay quanh bài báo và cuốn sách viết về phiên tòa Eichmann của Arendt,[216] theo đó bà đã bị hiểu lầm là lập luận để bao biện cho Eichmann và đổ lỗi cho các thủ lĩnh Do Thái về Holocaust.[318][319] Năm 2015, Ada Ushpiz sản xuất bộ phim tài liệu Hannah Arendt, Vita Activa: The Spirit of Hannah Arendt.[320] Ngoài ra, bà cũng xuất hiện trong sê-ri truyền hình 2023 Transatlantic.[321][322]

Hannah-Arendt-Straße tại Berlin

Hannah Arendt được coi là một trong những nhà lý luận chính trị cực kỳ có sức ảnh hưởng của thế kỷ thứ 20.[8] Năm 1998, Walter Laqueur khẳng định "không một triết gia hoặc nhà tư tưởng chính trị nào của thế kỷ thứ 20 lại có dư âm rộng khắp vào thời điểm hiện tại [như Arendt]", trong vai trò triết gia, sử gia, nhà xã hội học kiêm ký giả.[323] Di sản của Arendt đã được tôn vinh như một tôn giáo (cult).[323][324] Trong bài bình luận năm 2016 về một bộ phim tài liệu khắc họa Arendt, ký giả A. O. Scott đã khen ngợi "trình độ và sự chính xác vô song" của Arendt trong vai trò một nhà tư tưởng, mặc dù bà chỉ được biết đến chủ yếu thông qua chùm bài Eichmann ở Jerusalem đăng trên báo The New Yorker bên cạnh câu nói nổi tiếng "sự tầm thường của cái ác".[325]

Arendt tránh né sự công khai, chưa bao giờ ngờ rằng, như bà đã từng nói với Karl Jaspers vào năm 1951, mình sẽ có ngày được làm "người mẫu trang bìa" xuất hiện ở các sạp báo.[ar][212] Ở Đức hiện có nhiều tour viếng thăm các địa điểm từng gắn bó với cuộc đời của Arendt.[328]

Ngành nghiên cứu về cuộc đời, các tác phẩm và triết thuyết chính trị của Hannah Arendt được gọi là "Arendtian".[251][329] Trong di chúc, bà chỉ định Hannah Arendt Bluecher Literary Trust là chủ thể giám hộ các bản thảo và ảnh của mình.[330] Bộ sưu tập sách trong thư viện tư của bà được ký gửi tại Thư viện Stevenson thuộc Cao đẳng Bard vào năm 1976, bao gồm 4.000 cuốn sách, ephemera, và pamfơlê, được thu thập từ căn hộ cuối cùng của Arendt cũng như từ bàn làm việc của bà tại Nhà McCarthy.[331] Cao đẳng Bard đã bắt đầu công tác số hóa bộ sưu tập và ngày nay độc giả có thể truy cập chúng thông qua The Hannah Arendt Collection.[332] Hầu hết các bài viết của bà được ký gửi tại Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, trong khi các bức thư trao đổi giữa bà và những người tiền bối Đức như Heidegger, Blumenfeld và Jaspers, được ký gửi tại Deutsches Literaturarchiv ở Marbach.[333] Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ đã liệt kê hơn 50 cuốn sách viết về Arendt vào năm 1998, và con số đó đang ngày càng tăng, giống như con số các bài báo học thuật về bà, được ước tính ở mức 1.000 vào thời điểm đó.[323]

Mối quan tâm đương đại

[sửa | sửa mã nguồn]
Sân trong nhà của Arendt tại Linden-Mitte

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bản địa bài ngoại, tiêu biểu như chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ,[334][335][336] và các mối lo ngại về sự thịnh hành của các chính phủ chuyên chế đã khơi gợi mối quan tâm của công chúng đối với Arendt và các tác phẩm của bà.[337] Lấy cảm hứng từ đó, Michiko Kakutani đã chỉ ra khái niệm "cái chết của sự thật" trong cuốn sách năm 2018 của mình, The Death of Truth: Notes on Falsehood in the Age of Trump.[338] Kakutani lập luận rằng sự trỗi dậy của chủ nghĩa toàn trị dựa trên nền tảng của sự vi phạm sự thật. Bà bắt đầu cuốn sách bằng một trích đoạn trong cuốn Các nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị:[185]

Thần dân lý tưởng của một chế độ toàn trị không phải là những người bị thuyết phục bởi Chủ nghĩa Quốc xã hay những người bị thuyết phục bởi Chủ nghĩa Cộng sản, mà là những người không còn phân biệt được giữa cái thực và cái ảo (tức thực tế về trải nghiệm), giữa cái đúng và cái sai (tức các tiêu chuẩn về tư tưởng).[339][340]

Kakutani và nhiều học giả khác cho rằng lý thuyết của Arendt không chỉ có thể áp dụng được cho các thế kỷ trước, mà vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh văn hóa ngày nay[341] khi tin giả và sự lừa bịp đang xuất hiện tràn lan. Kakutani cũng chú ý đến đoạn trích sau đây trong bài tiểu luận "Lying in Politics" in trong cuốn Crises in the Republic:[215]

Nhà sử học biết rõ toàn thể cấu trúc của sự thực mà ta đang sống bên trong mỏng manh đến mức nào; nó luôn luôn có nguy cơ bị xuyên thủng bởi sự dối trá hoặc bị xé rách thành từng mảnh bởi sự lừa lọc có hệ thống của các nhóm, các quốc gia hay các giai cấp, hoặc bị bác bỏ và bóp méo, thường được lấp liếm một cách tinh vi bằng rất nhiều thuyết sai lầm hoặc đơn thuần là cho phép chúng rơi vào sự quên lãng. Sự thực cần lời chứng để được ghi nhớ và cần những nhân chứng có uy tín để tìm kiếm một nơi nương náu an toàn trong địa hạt của sự vụ con người.[342]

Arendt hướng sự chú ý của độc giả đến vai trò thiết yếu của tuyên truyền trong việc gaslighting quần chúng, như Kakutani đã quan sát trong trích đoạn sau đây:[343][344]

Trong một thế giới khó hiểu và không ngừng đổi thay, quần chúng đã đạt đến chừng độ vừa tin vào tất cả mọi thứ, vừa không tin vào gì hết, đồng thời nghĩ rằng mọi thứ đều khả thi và chẳng còn gì là đúng. ... Các thủ lĩnh quần chúng toàn trị sử dụng tuyên truyền dựa trên giả thiết đúng rằng, dưới những cảnh huống kiểu đó, một người có thể khiến mọi người tin vào những khẳng định hùng hồn nhất vào một ngày nào đó, và tin tưởng rằng nếu ngày hôm sau họ nhận được minh chứng về sự bịp bợm, họ sẽ biện bạch lại bằng sự hoài nghi; thay vì trút bỏ hoàn toàn những thủ lĩnh đã đánh lừa họ, họ sẽ phản ứng rằng bản thân đã biết về sự lừa dối đó từ lâu rồi và tiếp tục chiêm bái những thủ lĩnh đó vì tài năng chiến lược ưu việt của họ.[345]

Arendt có quan điểm quảng đại hơn về lịch sử thay vì chỉ đơn thuần bám víu vào khái niệm chủ nghĩa toàn trị mới xuất hiện đầu thế kỷ thứ 20, phát biểu rằng: "sự sai lầm có chủ đích và sự dối trá thẳng thừng đã được dùng như các công cụ chính thống để đạt được các mục đích chính trị kể từ thuở kỳ thủy của lịch sử được ghi chép."[346][347]

Quan điểm của Arendt về sự vâng lệnh nhu nhược đã được liên hệ với các thí nghiệm tâm lý gây tranh cãi của Stanley Milgram, theo đó chỉ ra rằng người bình thường hoàn toàn có thể dễ dàng bị lôi kéo để thực hiện tội ác.[348][349] Bản thân Milgram cũng đã để ý đến điều này vào năm 1974, khẳng định thí nghiệm của ông đang kiểm thử giả thuyết cho rằng Eichmann cũng đang chỉ vâng lệnh cấp trên mà thôi; song khác với Milgram, Arendt lập luận rằng hành động vẫn phải đi kèm với trách nhiệm.[350][351]

Các lý thuyết của Arendt về hệ quả chính trị của vấn đề tị nạn vẫn còn có tính thời sự và thuyết phục cho tới tận ngày nay. Bà đã tận mắt chứng kiến sự di chuyển quy mô lớn của các quần thể người vô quốc tịch và vô quyền lợi, bị đối xử như là những vấn đề nhức nhối cần phải được giải quyết thay vì tư cách là người, và trong nhiều trường hợp, bị chối bỏ thẳng thừng.[325] Bà viết về điều này trong bài luận năm 1943 của mình dưới nhan đề "Những người tị nạn chúng tôi".[352][353] Một chủ đề Arendtian khác vẫn còn phảng phất trong xã hội đương đại đó chính là quan sát của bà, lấy cảm hứng từ Rilke, về sự vô vọng khi không được người khác lắng nghe, sự vô ích của cái bi kịch khi không được người lắng nghe nào an ủi, bảo vệ hay can thiệp. Một ví dụ về điều này chính là bạo lực súng đạn ở Hoa Kỳ và sự bất động chính trị liên quan đến vấn nạn này.[99]

Phụ chú

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Sau Thế chiến II, Königsberg được đổi tên thành Kaliningrad, Nga.
  2. ^ Sozialistische Monatshefte được biên tập bởi học giả Do Thái Königsberg, Joseph Bloch, và góp phần hình thành tâm điểm của nhóm thảo luận chủ nghĩa xã hội tại Königsberg của Martha Arendt
  3. ^ Gia đình Beerwald trước đây cũng từng sống chung nhà với người mẹ góa phụ của Martha Arendt[40]
  4. ^ Margarethe nán lại Đức sau khi người chị đã rời đi, bị bắt tới trại tập trung vào năm 1941 và không qua khỏi[21]
  5. ^ Anne Mendelssohn miêu tả bà là người đã "đọc mọi thứ"[47]
  6. ^ Anne Mendelssohn: Hậu duệ của Moses Mendelssohn (1729–1786) và Felix Mendelssohn (1809–1847), một gia đình địa phương có ảnh hưởng. Anne rời Đức tới Paris cùng khoảng thời gian với Arendt, cưới nhà triết học Eric Weil (1904–1977) vào năm 1934, và gia nhập Kháng chiến Pháp với bí danh Dubois. Bà mất vào ngày 5 tháng 7 năm 1984[51]
  7. ^ Frieda Arendt. Sau khi mẹ của Paul Arendt mất vào năm 1880, Max Arendt kết hôn với Klara Wohlgemuth và sinh hai người con, Alfred (1881) và Frieda (1884–1928). Frieda kết hôn với Ernst Aron.[53]
  8. ^ Martin Heidegger, một tín đồ Công giáo La Mã, kết hôn với Elfride Petri vào ngày 21 thảng 3 năm 1917. Họ sinh hai đứa con trai, Jorg và Hermann[57]
  9. ^ Ettinger có ý định viết một tiểu sử về Arendt, nhưng do sức khỏe sa sút, không thể hoàn thành tác phẩm, và chỉ duy nhất chương này được xuất bản riêng thành một cuốn trước khi bà mất[64]
  10. ^ Tác phầm này được lưu giữ trong đống thư từ giữa Arendt và Heidegger đã được công bố[72]
  11. ^ Một câu ví dụ là "có lẽ thanh xuân của cô sẽ tự giải thoát khỏi bùa chú này"
  12. ^ Vấn đề tự do của Augustinô và Pôn. Một đóng góp triết học cho sự khởi nguồn của tư tưởng tự do của Kitô giáo-Tây phương
  13. ^ "Tôi chiếm trọn trái tim của Hannah tại một yến hội, trong lúc khiêu vũ: Tôi từng cho rằng "tình yêu là hành động người ta chuyển cái hậu nghiệm, thứ mà người kia mới bất chợt gặp phải – thành cái tiên nghiệm của cuộc đời bản thân." – Song phải thú thật rằng cái công thức tuyệt đẹp ấy hóa ra lại sai bét."[68]
  14. ^ Chung sống mà chưa tổ chức hôn nhân không quá xa lạ đối với giới trí thức Berlin, song sẽ khá tai tiếng nếu trong các cộng đồng đại học ở địa phương khác, khiến họ phải tổ chức hôn lễ trước khi chuyển đến Heidelberg và Frankfurt để tiện cho Günther theo nghiệp học thuật.[88]
  15. ^ Da es nun wahre Transzendenz in dieser geordneten Welt nicht gibt, gibt es auch nicht wahre Übersteigung, sondern nur Aufsteigen in andere Ränge
  16. ^ Echolosigkeit und das Wissen um die Vergeblichkeit ist die paradoxe, zweideutige und verzweifelte Situation, aus der allein die Duineser Elegien zu verstehen sind. Dieser bewußte Verzicht auf Gehörtwerden, diese Verzweiflung, nicht gehört werden zu können, schließlich der Wortzwang ohne Antwort ist der eigentliche Grund der Dunkelheit, Abruptheit und Überspanntheit des Stiles, in dem die Dichtung ihre eigenen Möglichkeiten und ihren Willen zur Form aufgibt.
  17. ^ Stern được mách rằng các trường đại học khó nhận được ông vì quyền uy ngày càng lớn mạnh của Đức Quốc xã.
  18. ^ Anders – có nhiều giả thuyết suy đoán về lý do tại sao ông lại lấy bút danh này: Herbert Ihering cho rằng hồi đó có nhiều cây bút tên là Stern nên ông mới chọn biệt danh "khác" (anders) đi như vậy, hoặc để khiến cái tên nghe ít vẻ Do Thái hơn,[68] hoặc để giấu giếm quan hệ ruột thịt với người cha nổi tiếng hơn[105]
  19. ^ Pariavolk: Trong Religionssoziologie (Xã hội học về tôn giáo). Tuy Arendt mượn nhiều ý tưởng từ Weber, rất nhiều các cây bút đi trước cũng đã từng sử dụng những thuật ngữ này, đơn cử là Theodor Herzl[120]
  20. ^ "Original Assimilation" được xuất bản lần đầu bằng tiếng Anh vào năm 2007, một phần của loạt bài Jewish Writings.[133]
  21. ^ "Die jüdische Assimilation scheint heute in Deutschland ihren Bankrott anmelden zu müssen. Der allgemein gesellschaftliche und offiziell legitimierte Antisemitismus trifft in erster Linie das assimilierte Judentum, das sich nicht mehr durch Taufe und nicht mehr durch betonte Distanz zum Ostjudentum entlasten kann."[134]
  22. ^ Thanh niên Aliyah, nghĩa đen là Thanh niên Di cư, phản ảnh giáo lý của chủ nghĩa phục quốc Do Thái đó chính là "thẳng tiến" tới Jerusalem
  23. ^ Mẹ của Hannah Arendt, Martha Arendt (nhũ danh Cohn) có một người em gái là Margarethe Fürst sống tại Berlin, người đã cưu mang nhà Arendt hồi thế chiến thứ nhất. Con trai của Margarethe là Ernst (tức em họ của Hannah Arendt) cưới bạn thời thơ ấu của Hannah là Käthe Lewin, và đôi vợ chồng chuyển tới sống tại Palestine Ủy trị vào năm 1934. Ở đó, họ sinh đứa con gái đầu lòng mang tên Hannah theo tên của Arendt ("Hannah Cả"). Con gái thứ hai của họ là Edna Fürst (sinh năm 1943), về sau cưới Michael Brocke, tham dự phiên tòa xét xử Eichmann cùng với Hannah Arendt[149]
  24. ^ Khoảng cách từ Gurs tới Montauban ít nhất phải 300 km
  25. ^ Thị trưởng Huguenot của Montauban thông qua chính sách cho phép người di cư chính trị cư trú tại đó[162]
  26. ^ ông này là con trai của Hiram Bingham III từng có công tái khám phá cổ trấn Machu Picchu
  27. ^ Vào tháng 12 năm 2018, bảng kỷ niệm chốn nương thân của Arendt tại Lisbon được ra mắt tại góc con phố Rua da Sociedade Farmacêutica và Conde Redondo, bao gồm một trích đoạn từ "We Refugees" (xem ảnh)[163][164]
  28. ^ Arendt gửi Jaspers ngày 29 tháng 1 năm 1946
  29. ^ Trong đó, bà lập luận rằng chủ nghĩa bài Do Thái tại Pháp là một chuỗi liên tục kể từ Dreyfus tới Pétain[171]
  30. ^ Hội nghị về Quan hệ Do Thái, được thành lập vào năm 1933 bởi Salo BaronMorris Raphael Cohen, sau đổi tên thành Hội nghị nghiên cứu xã hội của người Do Thái vào năm 1955, và bắt đầu phát hành ấn bản Jewish Social Studies vào năm 1939[174][175]
  31. ^ Schocken Books có thương hiệu gốc là Schocken Verlag, một nhà xuất bản Đức-Do Thái chuyển trụ sở đến New York vào năm 1945[178]
  32. ^ Công lao xây dựng Ủy ban này, lúc bấy giờ được gọi là Phục nguyên Văn hóa Do Thái (JCR), phụ thuộc phần lớn vào Hannah Arendt và Salo Baron
  33. ^ JCR giải thể vào năm 1977
  34. ^ Thời kỳ Đen tối: Một cụm từ bà lấy từ bài thơ của Brecht với nhan đề An die Nachgeborenen ("Gửi kẻ sinh ra sau", 1938),[218] trong đó dòng đầu tiên viết Wirklich, ich lebe in finsteren Zeiten! (Quả thật, Ta sống trong thời kỳ đen tối!). Đối với Brecht và Arendt, "Thời kỳ Đen tối" không chỉ có chức năng miêu tả về các tội ác được nhận thấy mà còn là sự giải thích cho sự mất mát cái tính định hướng của lý thuyết, kiến thức và sự kiến giải[219]
  35. ^ Tiếng Latinh có ba danh từ chỉ tình yêu: amor, dilectiocaritas. Dạng động từ tương đương của hai từ đầu là amarediligere[222]
  36. ^ Matthew 22:39
  37. ^ Arendt/Heidegger: Arendt bày tỏ nguyện vọng lưu trữ những bức thư trao đổi giữa hai người ở Deutsches Literaturarchiv tại Marbach vào năm 1976, niêm phong trong vòng 5 năm. Gia đình bên Heidegger yêu cầu chúng được niêm phong chừng nào vợ của Martin Heidegger, bà Elfride (1893–1992), còn sống. Năm 1976, Elzbieta Ettinger truy cập số thư từ để dự định viết một cuốn tiểu sử sau khi Elfride qua đời. Vụ bê bối kéo theo đã khiến toàn bộ số thư từ giữa Arendt và Heidegger được công bố.[63][65]
  38. ^ Arendt gửi Jaspers, 2 tháng 12 năm 1960
  39. ^ Arendt gửi Jaspers, 23 tháng 12 năm 1960
  40. ^ Lập trường này về sau cũng được các thẩm phán đồng tình.[272]
  41. ^ Arendt tới Jaspers, 23 tháng 12 năm 1960
  42. ^ Jaspers gửi Arendt, 14 tháng 10 năm 1960.[281]
  43. ^ Nguyên bản bài luận "Civil Disobedience" xuất hiện có phần khác biệt trên tờThe New Yorker. Các phiên bản khác của những bài luận còn lại được đăng lần đầu trên tờ The New York Review of Books
  44. ^ Thư gửi Jaspers ngày 14 tháng 5 năm 1951.[326] Hình ảnh của bà xuất hiện trên trang bìa của tờ Saturday Review of Literature, số ra ngày 24 tháng 3 năm 1951 (xem ảnh), ít lâu sau khi cuốn Các nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị được xuất bản. Bà cũng xuất hiện trên tờ TimeNewsweek cùng tuần.[327]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Allen 1982.
  2. ^ Bowen-Moore 1989, tr. 119.
  3. ^ Kristeva 2001b, tr. 48.
  4. ^ Lovett 2018.
  5. ^ Grunenberg 2017, tr. 3.
  6. ^ a b c Yar 2018.
  7. ^ Fry 2009.
  8. ^ a b c d e d'Entreves 2014.
  9. ^ Berkowitz 2012b.
  10. ^ Lefort 2002.
  11. ^ Duden 2015, tr. 199.
  12. ^ d'Entreves, Maurizio Passerin (11 tháng 1 năm 2019). “Hannah Arendt”. Stanford Encyclopedia of Philosophy.
  13. ^ Winston, Morton (tháng 2 năm 2009). “Hannah Arendt and the Challenge of Modernity: A Phenomenology of Human Rights by Serena Parekh”. Human Rights Quarterly. 31 (1): 278–282. doi:10.1353/hrq.0.0062. JSTOR 20486747. S2CID 144735049.
  14. ^ “Remembering the Theorist of the Banality of Evil”. Deutsche Welle. 14 tháng 10 năm 2006.
  15. ^ Các bức thư tình của Hannah Arendt và Martin Heidegger Open Culture ngày 10 tháng 5 năm 2017
  16. ^ a b Wood 2004.
  17. ^ a b c LoC 2001.
  18. ^ Heller 2015, tr. 33–34.
  19. ^ Riepl-Schmidt 2005.
  20. ^ a b c Young-Bruehl 2004, tr. 8–9.
  21. ^ a b Geni 2018.
  22. ^ a b Young-Bruehl 2004, tr. 17.
  23. ^ McGowan 1998.
  24. ^ Gould 2009, tr. 65.
  25. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 5–7.
  26. ^ a b Young-Bruehl 2004, tr. 27.
  27. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 13.
  28. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 5.
  29. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 22.
  30. ^ a b c d e f g h i j k l m n o Berkowitz 2013.
  31. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 10, 16, 26.
  32. ^ Arendt 1964, tr. 6.
  33. ^ Schuler-Springorum 1999.
  34. ^ Heller 2015, tr. 33.
  35. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 7.
  36. ^ a b c d e f g h Kirsch 2009.
  37. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 10–11.
  38. ^ a b Arendt 1997.
  39. ^ a b Villa 2000, tr. xiii.
  40. ^ a b c Young-Bruehl 2004, tr. 28.
  41. ^ Grunenberg 2017, tr. 62.
  42. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 12–13.
  43. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 16, 19.
  44. ^ a b Young-Bruehl 2004, tr. 21.
  45. ^ a b c d e f g Villa 2009.
  46. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 3.
  47. ^ a b Young-Bruehl 2004, tr. 32.
  48. ^ Kant 2006, tr. 4.
  49. ^ a b Young-Bruehl 2004, tr. 36.
  50. ^ Heller 2015a.
  51. ^ Kirscher 2003.
  52. ^ a b Young-Bruehl 2004, tr. 29.
  53. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 34, 477.
  54. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 32, 34.
  55. ^ a b c d Maier-Katkin 2010.
  56. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 44.
  57. ^ a b c d Young-Bruehl 2004, tr. 47.
  58. ^ Arendt 1971.
  59. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 49.
  60. ^ a b Grunenberg 2017.
  61. ^ a b Maier-Katkin 2010a.
  62. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 50.
  63. ^ a b Kohler 1996.
  64. ^ a b Brent 2013.
  65. ^ a b Lilla 1999.
  66. ^ Young-Bruehl 2004, tr. xiv.
  67. ^ a b Young-Bruehl 2004.
  68. ^ a b c d e f Dries 2018.
  69. ^ a b c Ettinger 1997, tr. 31.
  70. ^ May 1986, tr. 24.
  71. ^ Balber 2017.
  72. ^ a b Arendt & Heidegger 2004.
  73. ^ Heidegger 1925.
  74. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 51.
  75. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 50–54.
  76. ^ Brightman 2004.
  77. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 50–56.
  78. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 50–51, 481–82.
  79. ^ a b c Arendt 1929.
  80. ^ a b c Arendt & Jaspers 1992.
  81. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 66.
  82. ^ Jen 2016.
  83. ^ a b c Zebadúa Yáñez 2018.
  84. ^ a b Saussy 2013.
  85. ^ Weissberg & Elon 1999.
  86. ^ Kramer 2017.
  87. ^ a b Young-Bruehl 2004, tr. 74.
  88. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 78.
  89. ^ Grunenberg 2017, tr. 84.
  90. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 77.
  91. ^ Dries 2011.
  92. ^ Berkowitz 2012a.
  93. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 82.
  94. ^ Arendt & Stern 1930.
  95. ^ Rilke 1912–1922.
  96. ^ Kettler 2009.
  97. ^ Arendt 1930b.
  98. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 84–85, 500.
  99. ^ a b Hill 2015.
  100. ^ Arendt 1930a.
  101. ^ Scott & Stark 1996.
  102. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 79, 81.
  103. ^ Rosenberg 2012.
  104. ^ KGB 2018.
  105. ^ Jonas 2006.
  106. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 85.
  107. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 56.
  108. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 38.
  109. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 39.
  110. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 92.
  111. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 104–05.
  112. ^ Arendt-Stern 1932.
  113. ^ a b Young-Bruehl 2004, tr. 93.
  114. ^ a b c d Young-Bruehl 2004, tr. xxxix.
  115. ^ Weil 1967.
  116. ^ Arendt 1931.
  117. ^ Weber 1978, tr. 493ff.
  118. ^ Swedberg & Agevall 2016, tr. 245–46.
  119. ^ Lazare 2016, tr. 8.
  120. ^ a b Momigliano 1980.
  121. ^ Arendt 1944.
  122. ^ Ray & Diemling 2016.
  123. ^ Arendt 1932a.
  124. ^ Rühle-Gerstel 1932.
  125. ^ Bagchi 2007.
  126. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 95–97.
  127. ^ Arendt & Jaspers 1992, tr. 52ff.
  128. ^ Heller 2015, tr. 62–64.
  129. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 102–04.
  130. ^ Arendt 1932b.
  131. ^ Arendt 1964.
  132. ^ Grunenberg 2017, tr. 133.
  133. ^ Arendt 2009a, tr. 22–28.
  134. ^ Goethe Institut 2011.
  135. ^ Arendt 2009a, tr. 22.
  136. ^ Heller 2015, tr. 63.
  137. ^ EWB 2010.
  138. ^ a b c Heller 2015, tr. 64.
  139. ^ a b c d Villa 2000, tr. xiv.
  140. ^ a b c Grunenberg 2017, tr. 136.
  141. ^ Vowinckel 2004, tr. 33.
  142. ^ Heller 2015, tr. 64–65.
  143. ^ Adelman 2016.
  144. ^ Maier-Katkin 2010a, tr. 90–91.
  145. ^ Grunenberg 2017, tr. 135.
  146. ^ Cullen-DuPont 2014, tr. 16–17.
  147. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 137–39.
  148. ^ Whitfield 1998.
  149. ^ Brocke 2009a.
  150. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 91.
  151. ^ Azria 1987.
  152. ^ Zohn 1960.
  153. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 149.
  154. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 139.
  155. ^ Kippenberger 1936, tr. 1185 n. 110.
  156. ^ Weber et al 2014, tr. 1392 n. 343.
  157. ^ a b Young-Bruehl 2004, tr. 152.
  158. ^ a b Bernstein 2013, tr. 71.
  159. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 155.
  160. ^ Heller 2015, tr. 72–73.
  161. ^ Vowinckel 2004, tr. 38.
  162. ^ Heller 2015, tr. 73.
  163. ^ Tavares 2018.
  164. ^ Paula 2018.
  165. ^ Moreira 2017.
  166. ^ Teixeira 2006.
  167. ^ Heller 2015, tr. 73–74.
  168. ^ Bernstein 2013, tr. 72–73.
  169. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 164.
  170. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 166.
  171. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 168.
  172. ^ Arendt 1942.
  173. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 196.
  174. ^ Baron 2007.
  175. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 186–87.
  176. ^ a b Herman 2008.
  177. ^ a b c d e Bird 1975a.
  178. ^ Howe 2013.
  179. ^ Miller 2017.
  180. ^ Rubin, Gil (tháng 8 năm 2015). “From Federalism to Binationalism: Hannah Arendt's Shifting Zionism”. Contemporary European History. Cambridge University Press. 24 (3): 393–413, 414. doi:10.1017/S0960777315000223. JSTOR 26294065. S2CID 159871596 – qua JSTOR.
  181. ^ Arendt 1950.
  182. ^ Swift 2008, tr. 12.
  183. ^ Sznaider 2006.
  184. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 188.
  185. ^ a b c Arendt 1976.
  186. ^ a b c Arendt 2013.
  187. ^ Arendt 2006.
  188. ^ Young-Bruehl 2004, tr. xii.
  189. ^ a b Arendt & McCarthy 1995.
  190. ^ Pfeffer 2008.
  191. ^ Arendt 1975a.
  192. ^ Most 2017, tr. 5757.
  193. ^ a b Courtine-Denamy 2000, tr. 36.
  194. ^ CAS 2011.
  195. ^ AAAS 2018.
  196. ^ AAAL 2018.
  197. ^ a b c Young-Bruehl 2004, tr. xl.
  198. ^ Berkowitz & Storey 2017, tr. 107.
  199. ^ Nixon 2015, tr. viii.
  200. ^ Weyembergh 1999, tr. 94.
  201. ^ Arendt & Gaus 2011a.
  202. ^ Young-Bruehl 2004, tr. xli–xliv.
  203. ^ Ludz 2008b.
  204. ^ Jones 2013.
  205. ^ Weigel 2013.
  206. ^ Heller 2015, tr. 109.
  207. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 459.
  208. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 468.
  209. ^ Bird 1975b.
  210. ^ Young-Bruehl 2004, tr. xlviii, 469.
  211. ^ Arendt 1992, tr. 4.
  212. ^ a b c Young-Bruehl 2004, tr. xxxviii.
  213. ^ a b Arendt 1961.
  214. ^ a b Arendt 1968.
  215. ^ a b c d Arendt 1972.
  216. ^ a b Arendt 2006a.
  217. ^ Heller 2015, tr. 1–32.
  218. ^ Brecht 2018.
  219. ^ Luban 1994.
  220. ^ Arendt 1968, tr. ix.
  221. ^ a b Arendt 1996.
  222. ^ Augustine 1995, tr. 115 n. 31.
  223. ^ Calcagno 2013.
  224. ^ Arendt 2002a, tr. 522.
  225. ^ Beiner 1997.
  226. ^ Kiess 2016, tr. 22, 40.
  227. ^ a b Fry 2014.
  228. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 49–500.
  229. ^ Kiess 2016, tr. 101ff.
  230. ^ Durst 2004.
  231. ^ Arendt 1976, tr. 460.
  232. ^ a b Arendt 1993a.
  233. ^ a b FCG 2018, Introduction.
  234. ^ Riesman 1951.
  235. ^ Copjec 1996.
  236. ^ Hattem & Hattem 2005.
  237. ^ a b c Heller 2015, tr. 7.
  238. ^ Arendt 1976, tr. xxiv.
  239. ^ Arendt 1958.
  240. ^ Arendt 1958a.
  241. ^ Szécsényi 2005.
  242. ^ Nisbet 1992.
  243. ^ Aschheim 2011.
  244. ^ a b Grunenberg 2003, tr. 34.
  245. ^ a b Young-Bruehl 2004, tr. 85–92.
  246. ^ Grunenberg 2017, tr. 107.
  247. ^ Benhabib 1995.
  248. ^ Goldstein 2009.
  249. ^ Cutting-Gray 1991.
  250. ^ Baier 1997, tr. 330.
  251. ^ a b Canovan 2013.
  252. ^ Arendt 2013, tr. 247.
  253. ^ Arendt 2006b.
  254. ^ Wellmer 1999.
  255. ^ Nott 1972.
  256. ^ Arendt 1981.
  257. ^ Addison 1972–1974.
  258. ^ Ojakangas 2010a.
  259. ^ Arendt & Blücher 2000.
  260. ^ Arendt & Kazin 2005.
  261. ^ a b Arendt & Benjamin 2006.
  262. ^ Arendt & Scholem 2017.
  263. ^ Arendt & Anders 2016.
  264. ^ Arendt 2017.
  265. ^ a b Heller 2015, tr. 2.
  266. ^ Arendt & Jaspers 1992, tr. 409–10.
  267. ^ a b Heller 2015, tr. 8.
  268. ^ NYT 1960a.
  269. ^ Butler 2011.
  270. ^ Arendt & Jaspers 1992, tr. 416.
  271. ^ Heller 2015, tr. 8–11.
  272. ^ a b Heller 2015, tr. 12.
  273. ^ Arendt 2006a, tr. 207.
  274. ^ Arendt 2006a, tr. 124.
  275. ^ Arendt 2006a, tr. 123.
  276. ^ Arendt & Jaspers 1992, tr. 417.
  277. ^ Arendt 1963.
  278. ^ Heller 2015, tr. 15.
  279. ^ Stangneth 2014, tr. 200.
  280. ^ a b c Heller 2015, tr. 1.
  281. ^ Arendt & Jaspers 1992, tr. 267.
  282. ^ Heller 2015, tr. 15–18.
  283. ^ Maier-Katkin 2011.
  284. ^ Heller 2015, tr. 29–31.
  285. ^ Elon 2006a.
  286. ^ Arendt & Fest 1964.
  287. ^ Kant 1838, tr. 125.
  288. ^ Kant 1793, tr. 99.
  289. ^ Butler 2007.
  290. ^ Seliger 2011.
  291. ^ Arendt 1959.
  292. ^ Arendt 1959a.
  293. ^ Morey 2011.
  294. ^ Simmons 2011.
  295. ^ Simmons 2011a.
  296. ^ Burroughs 2015.
  297. ^ Lebeau 2016.
  298. ^ Pickett 2009.
  299. ^ Baier 1995, tr. 301.
  300. ^ Baier 1998, tr. 254.
  301. ^ Young-Bruehl 2004, tr. 238.
  302. ^ Baier 1998, tr. 255.
  303. ^ Baier 1997, tr. 332.
  304. ^ Arendt 1976, tr. 267–302.
  305. ^ a b Faghfouri Azar, Leila (12 tháng 7 năm 2019). “Hannah Arendt: The Right to Have Rights”. Critical Legal Thinking (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2022.
  306. ^ Lamey 2011, tr. 14.
  307. ^ Arendt 1976, tr. 389.
  308. ^ Lamey 2011, tr. 17–19.
  309. ^ a b Birmingham 2006.
  310. ^ Arendt 1976, tr. 379–81.
  311. ^ Arendt 1976, tr. 378–84.
  312. ^ Lamey 2011, tr. 27–29.
  313. ^ Arendt 1976, tr. 293.
  314. ^ Ettinger 1997.
  315. ^ Clément 2001.
  316. ^ Kristeva 2001a.
  317. ^ Schroeder 2002.
  318. ^ BBFC 2018.
  319. ^ BBFC 2012.
  320. ^ Zeitgeist 2015.
  321. ^ Sepinwall, Alan (7 tháng 4 năm 2023). 'Transatlantic': The Daring Rescue of Jews From Nazi-Occupied France”. Rolling Stone. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2023.
  322. ^ Bartov, Shira Li (6 tháng 4 năm 2023). “The Jewish history behind the WWII rescue that inspired Netflix's 'Transatlantic'. The Times of Israel. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2023.
  323. ^ a b c Laqueur 1998.
  324. ^ Shenhav 2007.
  325. ^ a b Scott 2016.
  326. ^ Arendt & Jaspers 1992, tr. 170.
  327. ^ Ring 1998, tr. 106.
  328. ^ Kulturreise 2018.
  329. ^ HAC Verona 2018.
  330. ^ Kohn 2018.
  331. ^ About HAC Bard 2018.
  332. ^ Bard 2018.
  333. ^ Young-Bruehl 2004, tr. xlvii.
  334. ^ Hill 2017.
  335. ^ DP 2017.
  336. ^ Scroll 2017.
  337. ^ Bernstein 2018.
  338. ^ Kakutani 2018.
  339. ^ Arendt 1976, tr. 474.
  340. ^ Kakutani 2018, tr. 1.
  341. ^ Bernstein 2018a.
  342. ^ Arendt 1972, tr. 6.
  343. ^ Hayes 2018.
  344. ^ Kakutani 2018a.
  345. ^ Arendt 1976, tr. 382.
  346. ^ Arendt 1972, tr. 4.
  347. ^ Hanlon 2018.
  348. ^ Oatley 2018, tr. 254.
  349. ^ Wolters 2013.
  350. ^ Milgram 2017, tr. 23.
  351. ^ Berkowitz 2013a.
  352. ^ Arendt 1943.
  353. ^ Bhabha & Weigel 2018.

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]

Bài viết (tập san và biên bản hội thảo)

[sửa | sửa mã nguồn]

Rahel Varnhagen

[sửa | sửa mã nguồn]

Ấn bản đặc biệt và biên bản hội thảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Thính thị

[sửa | sửa mã nguồn]

Sách và chuyên khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Tự truyện và tiểu sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Công trình phê phán

[sửa | sửa mã nguồn]

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Đóng góp học thuật

[sửa | sửa mã nguồn]

Từ điển và bách khoa thư

[sửa | sửa mã nguồn]

Tạp chí

[sửa | sửa mã nguồn]

Luận văn

[sửa | sửa mã nguồn]

Thư mục, phả hệ và dòng thời gian

[sửa | sửa mã nguồn]

xem thêm: Principal Dates trong Arendt (2000, tr. lv–lvii)

Viện, địa điểm và tổ chức

[sửa | sửa mã nguồn]
Trung tâm Hannah Arendt (Bard)
[sửa | sửa mã nguồn]

Bản đồ

[sửa | sửa mã nguồn]

Ảnh bên ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích tiểu sử

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Đề tựa ấn bản lần thứ nhất: ix–xxv; Đề tựa ấn bản thứ hai: ix–xxxvi, Đề tựa xxxvii–l

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]