HMS Volage (R41)
Lịch sử | |
---|---|
Anh Quốc | |
Tên gọi | HMS Volage (R41) |
Đặt hàng | 1 tháng 9 năm 1941 |
Xưởng đóng tàu | J. Samuel White |
Đặt lườn | 31 tháng 12 năm 1942 |
Hạ thủy | 15 tháng 2 năm 1943 |
Nhập biên chế | 26 tháng 5 năm 1944 |
Xuất biên chế | 1956 |
Xếp lớp lại | tàu frigate Kiểu 15, 1952 |
Số phận | Bán để tháo dỡ, 28 tháng 10 năm 1972;[1] tháo dỡ tại Portsmouth, 1977 |
Đặc điểm khái quát | |
Lớp tàu | lớp tàu khu trục V |
Trọng tải choán nước |
|
Chiều dài | 363 ft (111 m) |
Sườn ngang | 35 ft 8 in (10,87 m) |
Mớn nước | 10 ft (3,0 m) |
Động cơ đẩy |
|
Tốc độ | 36,75 hải lý trên giờ (42,3 mph; 68,1 km/h) |
Tầm xa | 4.860 nmi (9.000 km) ở tốc độ 20 kn (37 km/h) |
Thủy thủ đoàn tối đa | 180 |
Vũ khí |
|
Đặc điểm khái quát | |
Kiểu tàu | tàu frigate Kiểu 15 |
Trọng tải choán nước |
|
Chiều dài | 358 ft (109 m) (chung) |
Sườn ngang | 37 ft 9 in (11,51 m) |
Mớn nước | 14 ft 6 in (4,42 m) |
Động cơ đẩy |
|
Tốc độ | 31 hải lý trên giờ (57 km/h; 36 mph) (đầy tải) |
Thủy thủ đoàn tối đa | 174 |
Hệ thống cảm biến và xử lý |
list error: mixed text and list (help)
|
Vũ khí |
|
HMS Volage (R41/F41) là một tàu khu trục lớp U được Hải quân Hoàng gia Anh Quốc chế tạo trong Chương trình Khẩn cấp Chiến tranh để phục vụ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Sau chiến tranh, vào ngày 22 tháng 10 năm 1946, Volage và HMS Saumarez bị hư hại nặng do trúng mìn ở phía Bắc eo biển Corfu vốn đã gây ra vụ Khủng hoảng eo biển Corfu. Nó được cải biến thành một tàu frigate nhanh chống tàu ngầm Kiểu 15 vào năm 1953 với ký hiệu lườn mới F41, và tiếp tục phục vụ cho đến khi ngừng hoạt động năm 1956 và bị tháo dỡ năm 1972.[1] Nó là chiếc tàu chiến thứ sáu của Hải quân Hoàng gia được đặt cái tên này.
Thiết kế và chế tạo
[sửa | sửa mã nguồn]Volage được chế tạo tại xưởng tàu của hãng J. Samuel White và được đặt hàng vào ngày 1 tháng 9 năm 1941. Nó được đặt lườn vào ngày 31 tháng 12 năm 1942; được hạ thủy vào ngày 15 tháng 2 năm 1943 và nhập biên chế cùng Hải quân Hoàng gia vào ngày 26 tháng 5 năm 1944.
Lịch sử hoạt động
[sửa | sửa mã nguồn]Thế Chiến II
[sửa | sửa mã nguồn]Hạm đội Nhà
[sửa | sửa mã nguồn]Volage hoàn tất việc chạy thử máy và nhập biên chế cùng Chi hạm đội Khu trục 26[note 1] trực thuộc Hạm đội Nhà vào ngày 26 tháng 5 năm 1944. Nó gia nhập hạm đội tại Scapa Flow và bắt đầu hoạt động vào tháng 8, tiến hành thực tập để chuẩn bị cho Chiến dịch Offspring ngoài khơi Na Uy. Đang khi thực tập và được tiếp dầu từ thiết giáp hạm HMS Howe, hai con tàu bị mắc vướng vào nhau và Volage bị hư hại nhẹ.[3] Đến ngày 10 tháng 8, Chi hạm đội Khu trục 26 hộ tống các tàu chiến khác[note 2] trong các cuộc không kích nhắm vào tàu bè và mục tiêu trên bờ giữa các đảo Lepsøya và Haramsøya thuộc Na Uy.[1]
Từ ngày 17 đến ngày 23 tháng 9, Volage tham gia thành phần hộ tống một lực lượng mạnh[note 3] để bảo vệ Đoàn tàu vận tải Bắc Cực JW60 trên đường đi đến bán đảo Kola thuộc phía cực Bắc nước Nga; rồi tham gia bảo vệ chuyến quay trở về Loch Ewe của Đoàn tàu RA60 từ ngày 29 tháng 9 đến ngày 3 tháng 10. Việc hộ tống được tổ chức nhằm ngăn ngừa khả năng bị thiết giáp hạm Đức Tirpitz tấn công. Tuy nhiên, Tirpitz đã bị đánh hỏng bởi cuộc không kích trong khuôn khổ Chiến dịch Paravane vài ngày trước đó, và lượt đi diễn ra mà không gặp sự cố nào; nhưng trong chuyến quay trở về, hai tàu buôn đã bị mất do cuộc tấn công của tàu ngầm U-boat U-310.[1]
Trong thời gian còn lại của tháng 10 năm 1944, Volage hộ tống cho các tàu sân bay trong hai lượt tấn công chống tàu bè và một chuyến trinh sát ngoài khơi Na Uy.[1]
Ấn Độ Dương
[sửa | sửa mã nguồn]Sau khi mối đe dọa của tàu nổi đối phương tại Tây Âu giảm đi đáng kể khi Tirpitz bị đánh chìm vào tháng 11 năm 1944, một số đơn vị Hải quân Hoàng gia được điều sang Viễn Đông để đối phó với Hải quân Nhật. Chi hạm đội Khu trục 26, bao gồm Volage, được cử sang phục vụ cùng Hạm đội Đông tại Ấn Độ Dương. Nó được tái trang bị tại Leith để phục vụ tại nước ngoài, và đã đi đến Trincomalee vào tháng 2 năm 1945.[1] Cho đến cuối tháng, vào ngày 24 tháng 2, nó nằm trong thành phần hộ tống cho các tàu sân bay trong một hoạt động trinh sát hình ảnh eo biển Malacca. Lực lượng tận dụng cơ hội trên đường đi để bắn phá các mục tiêu trên quần đảo Andaman trong khuôn khổ Chiến dịch Stagey.[note 4][1]
Vào ngày 14 tháng 3, Volage, HMS Saumarez và Rapid hình thành nên Lực lượng Đặc nhiệm 70 cho một hoạt động trinh sát eo biển Langkawi và lên đường đi eo biển Malacca trong khuôn khổ Chiến dịch Transport. Tuy nhiên nhiệm vụ trinh sát bị hủy bỏ không lâu sau đó, và Lực lượng Đặc nhiệm 70 được giao vai trò càn quét tàu bè đối phương. Các tàu chiến Anh đã bắn phá các tuyến đường sắt tại Sigli trên đảo Sumatra vào ngày 17 tháng 3, và càn quét tàu bè không thành công tại quần đảo Nicobar.[1]
Lực lượng Đặc nhiệm 70 đi đến ngoài khơi eo biển Steward tại Maya Bandar thuộc quần đảo Andaman vào ngày 19 tháng 3, với ý định tiến vào cảng tự nhiên tại Port Blair để tấn công mọi tàu bè đối phương tìm thấy. Volage bị trục trặc động cơ nên chỉ sử dụng được một trục chân vịt; nó ở lại ngoài khơi bắn pháo vào các khẩu đội pháo bờ biển đối phương. Rapid bị bắn trúng một quả đạn pháo 6 inch của khẩu đội pháo bờ biển sau khi tiến vào cảng, và nó bị bất động không thể di chuyển. Volage cũng bị bắn trúng và bất động trong một lúc trong khi Saumarez kéo Rapid đi đến khu vực an toàn. Ba thành viên thủy thủ đoàn của Volage thiệt mạng và tám người khác bị thương. Mọi con tàu của Lực lượng Đặc nhiệm 70 đi đến Akyab bằng chính động lực của chúng.[1]
Vào ngày 25 tháng 3, Lực lượng Đặc nhiệm 70, giờ đây bao gồm Saumarez, Virago, Vigilant và Volage, lên đường cho một đợt càn quét tàu bè tại khu vực giữa Andaman và bờ biển Malaya trong khuôn khổ Chiến dịch On Board. Ngày hôm sau, họ phát hiện và tấn công một đoàn tàu đối phương gồm bốn tàu vận tải được hai tàu chống ngầm hộ tống,[note 5] đang trên đường từ Singapore đến Port Blair với hàng tiếp liệu, binh lính và phụ nữ giải trí. Hải pháo và ngư lôi của các con tàu đã được sử dụng nhưng không có kết quả;[note 6] cho đến khi những máy bay Consolidated B-24 Liberator thuộc Liên đội Không quân Hoàng gia bay đến giúp đỡ.[4] Bốn tàu vận tải đối phương bị đánh chìm bởi một loạt các cuộc ném bom và tấn công mặt biển, trong đó một chiếc Liberator bị bắn rơi. 52 người Nhật sống sót bị bắt làm tù binh và được đưa về Trincomalee vào ngày 28 tháng 3.[1][5]
Trong tháng 4, Volage bảo vệ các đoàn tàu vận tải Đồng Minh và ngăn chặn các tàu tiếp liệu cho lực lượng tàu ngầm U-boat Đức hoạt động tại Ấn Độ Dương. Sau đó nó lên đường đi để tái trang bị, tháo dỡ những thiết bị dành cho vùng cực cũng như tăng cường radar và các cảm biến dò tìm. Nó chỉ gia nhập trở lại chi hạm đội vào tháng 7, và do đó đã lỡ mất Trận chiến eo biển Malacca, nơi lực lượng Đồng Minh đánh chìm tàu tuần dương Nhật Bản Haguro.[1] Đến tháng 8, trước khi Nhật Bản đầu hàng, nó được chuẩn bị để hỗ trợ cho kế hoạch đổ bộ lên Malaya trong khuôn khổ Chiến dịch Zipper, nằm trong thành phần hộ tống các tàu chiến chủ lực của Hạm đội Đông Ấn đi đến Penang; và sau đó đã khởi hành từ Trincomalee vào ngày 31 tháng 8 để gia nhập lực lượng hải quân nhằm tái chiếm Penang.[1]
Volage là chiếc tàu chiến Đồng Minh đầu tiên tiến vào cảng Penang, và sự kiện quân đội Nhật Bản tại đây đầu hàng được tổ chức tại bến tàu gần đó. Khi Đô đốc Lord Louis Mountbatten, Tổng tư lệnh Bộ chỉ huy Đông Nam Á cùng tướng Bill Slim, Tư lệnh Tập đoàn quân 14 ghé qua Penang trên đường đi Singapore tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật tại Đông Ấn, họ đã trải qua một thời gian ngắn bên trên Volage và Mountbatten đã nói chuyện trước toàn thể thủy thủ đoàn.[6] Volage ở lại Penang cho đến tháng 9, hoạt động như một trạm liên lạc vô tuyến cho đến khi các cơ sở trên bờ được thiết lập, rồi hỗ trợ cho cuộc đổ bộ lên Port Dickson.[1]
Sau chiến tranh
[sửa | sửa mã nguồn]Volage quay trở lại Trincomalee để hoạt động tại chỗ, rồi lên đường quay trở về Portsmouth để đại tu và tái trang bị, nhằm chuẩn bị phục vụ cùng Chi hạm đội Khu trục 3 trong thành phần Hạm đội Địa Trung Hải tại Malta. Vào ngày 22 tháng 10 năm 1946, nó trúng phải một quả thủy lôi tại eo biển Corfu gần Albania.[1]
Vụ khủng hoảng eo biển Corfu
[sửa | sửa mã nguồn]Sau khi rời Corfu lúc 13 giờ 30 phút ngày 22 tháng 10 năm 1946, các tàu khu trục HMS Saumarez và HMS Volage cùng các tàu tuần dương HMS Mauritius và HMS Leander tiếp cận ở rìa phía Nam vịnh Saranda. Lúc 14 giờ 47 phút, chiếc dẫn đầu HMS Mauritius ra tín hiệu bẻ lái sang mạn trái và hướng mới 310°. Một hải đồ tái cấu trúc lại cho thấy việc bẻ lái ở bên ngoài vịnh Saranda;[7] trong khi một nguồn khác cho rằng sự kiện diễn ra bên trong vịnh Saranda.[8] Lúc 14 giờ 53 phút, đang trong quá trình chuyển sang hướng mới, Saumarez trúng phải một quả mìn mà sau này được xác định là mìn Kiểu EMC do Đức chế tạo trong Thế Chiến I. Kiểu thủy lôi tiếp xúc hình cầu này có đường kính 44 in (1,1 m), một liều thuốc nổ 661 lb (300 kg) và với bảy kíp nổ Hertz.[9] Vụ nổ xảy ra ngay phía trước cầu tàu bên mạn phải, làm mở ra một lỗ hổng lớn từ cầu tàu cho đến đáy lườn tàu.[10] Saumarez bất động và bắt đầu trôi nổi, một đám cháy từ nhiên liệu thoát ra bao trùm phần mũi tàu; trong khi phần mũi tàu bị ngập nước do vụ nổ bắt đầu chìm xuống nước. Volage tiếp cận để trợ giúp và tìm cách kéo Saumarez. Sau một nỗ lực đầu tiên bị thất bại do dây cáp bị đứt, một dây cáp mới được cố định và Volage bắt đầu kéo Saumarez lúc 15 giờ 30 phút.[11]
Đến 16 giờ 06 phút,[12] Volage trúng phải một quả thủy lôi thứ hai, sau này được xác định cũng là Kiểu EMC của Đức. Nó trúng quả mìn trực diện ngay trước mũi, khiến phần mũi tàu cho đến tháp pháo "A" bị nổ tung; những mảnh vỡ phần mũi tàu bay lên không trung[13] và những mảnh lớn cho đến nữa tấn rơi xuống con tàu và cầu tàu.[14] Vị trí nó bị trúng mìn được xác định ngoài khơi mũi phía Bắc của vịnh Saranda.[7][8] Cho dù bị hư hại nặng, cả hai con tàu vẫn nổi được, và được kéo quay trở lại Corfu. Saumarez chịu đựng 36 người thiệt mạng, bao gồm 25 người mất tích được cho là tử trận, trong khi Volage tổn thất tám người bao gồm bảy người mất tích.[15]
Sau sự kiện eo biển Corfu, cả hai con tàu đi đến Corfu, và sau đó được gửi đến Malta. Không nỗ lực nào được thực hiện nhằm vớt phần mũi của Volage vốn bị đắm tại địa điểm trúng mìn. Saumarez bị loại bỏ do được xem như tổn thất toàn bộ; bị bán vào ngày 8 tháng 9 năm 1950 và bị tháo dỡ vào tháng 10 năm đó. Volage được sửa chữa tại Malta, quay trở về Anh năm 1949 và được đưa về lực lượng dự bị.[1]
Những hoạt động tiếp theo
[sửa | sửa mã nguồn]Volage trải qua một đợt cải biến sâu rộng tại Xưởng tàu Chatham trong những năm 1952-1953 để trở thành một tàu frigate chống tàu ngầm Kiểu 15, và gia nhập trở lại hạm đội năm 1954 với ký hiệu lườn mới F41. Nó phục vụ cùng Hải đội Huấn luyện Dartmouth trong hai năm, lần thứ hai được đưa về lực lượng dự bị tại Portsmouth vào năm 1956, và đến năm 1964 được sử dụng để huấn luyện cảng cho lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoàng gia.[1] Nó không bao giờ nhập biên chế trở lại, được đưa vào danh sách loại bỏ và bị bán cho hãng BISCO vào ngày 28 tháng 10 năm 1972. Con tàu được kéo đến xưởng tháo dỡ Pounds tại Portchester vào cuối năm đó.[1]
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]Ghi chú
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Chi hạm đội Khu trục 26 được hình thành với các tàu khu trục lớp V: HMS Hardy (soái hạm), Valentine, Venus, Verulam, Vigilant, Virago, Vixen và Volage.
- ^ Lực lượng tham gia Chiến dịch Offspring bao gồm các tàu sân bay HMS Indefatigable, Trumpeter và Nabob cùng các tàu tuần dương HMS Kent và Devonshire.
- ^ Thành phần hộ tống cho các Đoàn tàu JW60 và RA60 bao gồm thiết giáp hạm HMS Rodney, tàu tuần dương HMS Diadem, các tàu sân bay HMS Campania và Striker, được hộ tống bởi các tàu khu trục HMS Marne, Meteor, Musketeer, Saumarez, Scorpion, Venus, Verulam, Virago và Volage.
- ^ Lực lượng tham gia Chiến dịch Stagey bao gồm các tàu sân bay HMS Empress, Ameer, tàu tuần dương Kenya, các tàu khu trục HMS Vigilant, Virago cùng một số tàu frigate.
- ^ Tài liệu của Combinedfleet.com cho biết các tàu chống ngầm CH-63 và CH-34 đã hộ tống hai tàu dự trữ Teshio Maru và Risui Maru, vận chuyển thực phẩm cho binh lính Nhật Bản trú đóng tại các quần đảo Andaman và Nicobar. Không có chi tiết về hai tàu vận chuyển còn lại.
- ^ Trong trận này, Lực lượng Đặc nhiệm 70 đã tiêu phí 18 quả ngư lôi và 3160 quả đạn pháo 4,7 inch. Một sĩ quan cao cấp sau đó nhận xét hiệu quả tác xạ rất không hài lòng.
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b c d e f g h i j k l m n o p q Mason, Geoffrey B (2004). Naval-History.net “HMS Volage (R 41) – V-class Destroyer” Kiểm tra giá trị
|url=
(trợ giúp). SERVICE HISTORIES of ROYAL NAVY WARSHIPS in WORLD WAR 2. Truy cập ngày 8 tháng 6 năm 2011. - ^ Whitley 2000, tr. 133
- ^ Mills, John (ngày 27 tháng 1 năm 2006). “AN EVOLUTION WITH HMS HOWE BATTLESHIP MAY 1944”. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 8 tháng 6 năm 2011.
- ^ Mason, Geoffrey B (2004). “HMS Vigilant (R 93) - V-class Destroyer”. SERVICE HISTORIES of ROYAL NAVY WARSHIPS in WORLD WAR 2. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2011.
- ^ Bob Hackett, Sander Kingsepp and Peter Cundall (2005–09). “IJN Subchaser CH-63”. combinedfleet.com. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2011. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|year=
(trợ giúp)Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết) - ^ Mills, John (ngày 27 tháng 1 năm 2006). “John Mills: Chapter 23”. WW" People's War. BBC. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 4 năm 2013. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2011.
- ^ a b Leggett 1976, tr. 36
- ^ a b Meçollari 2009, tr. 96–99
- ^ Campbell 1985, tr. 270
- ^ Leggett 1976, tr. 35
- ^ Leggett 1976, tr. 60–61
- ^ Hoặc 16 giờ 15 phút theo Leggett
- ^ Leggett 1976, tr. 71–72
- ^ Leggett 1976, tr. 72
- ^ Leggett 1976, tr. 154–155
Thư mục
[sửa | sửa mã nguồn]- Burt, R.A (1985). British Destroyers in World War Two. London: Arms and Armour Press. ISBN 9780853687481.
- Campbell, John (1985). Naval Weapons of World War II. Annapolis, Maryland: Naval Institute Press. ISBN 0-87021-459-4.
- Colledge, J. J.; Warlow, Ben (1969). Ships of the Royal Navy: the complete record of all fighting ships of the Royal Navy (Rev. ed.). London: Chatham. ISBN 978-1-86176-281-8. OCLC 67375475.
- Gardiner, Robert; Chesneau, Roger biên tập (1980). Conway's All the World's Fighting Ships, 1922–1946. Annapolis, Maryland: Naval Institute Press. ISBN 978-0-87021-913-9. OCLC 18121784.
- Gardiner, Leslie (1966). The Eagle Spreads Its Claws: A History of the Corfu Channel Incident and of Albania’s Relations With the West, 1945–1966. Edinburgh: William Blackwood. ISBN 9780851580746.
- Final Judgment, United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland v. Albania (Corfu Channel Case), December 15 (PDF). 1949. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 31 tháng 10 năm 2008. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2014.
|first=
thiếu|last=
(trợ giúp) - Kola, Paulin (2003). The Search for Greater Albania. London: Hurst & Company. ISBN 9781850656647.
- Leggett, Eric (1976). The Corfu Channel Incident. London: New English Library. ISBN 9780450024740.
- Manning, T.D. (1961). The British Destroyer. London: Putnam & Co.
- Meçollari, Artur (2009). Incidenti I Kanalit Të Korfuzit: Dresjtësi e Annuar. Vlorë: Triptik.
- Raven, Alan; Roberts, John (1976). Ensign 6 War Built Destroyers O to Z Classes. London: Bivouac Books. ISBN 0-85680-010-4.
- Thomson, Stuart (2004). “Maritime Jurisdiction and the Law of the Sea”. Trong Speller, Ian (biên tập). The Royal Navy and Maritime Power in the Twentieth Century. London and New York: Frank Cass. ISBN 9780415350044.
- Whitley, M.J. (1988). Destroyers of World War 2. Annapolis, Maryland: Naval Institute Press. ISBN 0-87021-326-1.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- John Mills: Chapter 10 Lưu trữ 2013-04-20 tại Archive.today
- HMS Volage Part One:The Stewart Sound Incident – A crew Member's Recollections Lưu trữ 2013-04-19 tại Archive.today
- HMS Volage Part Two:The Reluctant Survivors Lưu trữ 2013-04-20 tại Archive.today
- Serving on "H.M.S. Volage" in the East Indies Fleet 1944–45
- Serving on "H.M.S. Volage" in the Mediterranean 1946 Lưu trữ 2013-04-19 tại Archive.today