Bước tới nội dung

HMS Kingsmill (K484)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Lịch sử
Hoa Kỳ
Tên gọi DE-280
Đặt hàng 25 tháng 1, 1942[1]
Xưởng đóng tàu Xưởng hải quân Boston, Boston, Massachusetts
Đặt lườn 9 tháng 7, 1943
Hạ thủy 13 tháng 8, 1943[2]
Hoàn thành 6 tháng 11, 1943
Số phận Chuyển cho Hải quân Hoàng gia Anh, 29 tháng 10, 1943
Anh Quốc
Tên gọi HMS Kingsmill (K484)
Đặt tên theo Robert Kingsmill[3]
Trưng dụng 29 tháng 10, 1943
Nhập biên chế 29 tháng 10, 1943[1]
Xuất biên chế 1945
Tình trạng Hoàn trả cho Hoa Kỳ, 22 tháng 8, 1945
Hoa Kỳ
Tên gọi USS Kingsmill (DE-280)
Trưng dụng 22 tháng 8, 1945
Nhập biên chế 22 tháng 8, 1945
Xuất biên chế 26 tháng 10, 1945
Xóa đăng bạ 16 tháng 11, 1945
Tình trạng Bán để tháo dỡ, 17 tháng 2, 1947
Đặc điểm khái quát
Lớp tàu
Kiểu tàu Tàu frigate
Trọng tải choán nước
  • 1.140 tấn Anh (1.160 t) (tiêu chuẩn);
  • 1.430 tấn Anh (1.450 t) (đầy tải)
Chiều dài
  • 283 ft 6 in (86,41 m) (mực nước);
  • 289 ft 5 in (88,21 m) (chung)
Sườn ngang 35 ft (11 m)
Mớn nước 10 ft (3,0 m)
Công suất lắp đặt 6.000 hp (4.500 kW)
Động cơ đẩy
Tốc độ 19 kn (22 mph; 35 km/h)
Tầm xa 4.150 nmi (4.780 mi; 7.690 km) ở vận tốc 12 kn (14 mph; 22 km/h)
Số tàu con và máy bay mang được
  • xuồng săn cá voi 27 foot (8,2 m) kiểu Hải quân Anh
  • xuồng tiêu chuẩn kiểu Hải quân Mỹ
Thủy thủ đoàn tối đa 175
Hệ thống cảm biến và xử lý
  • Radar kiểu SA & SL
  • Sonar Kiểu 128D hoặc Kiểu 144
  • Ăn-ten định vị MF
  • Ăn-ten định vị cao tần Kiểu FH 4
Vũ khí

HMS Kingsmill (K484) là một tàu frigate lớp Captain của Hải quân Hoàng gia Anh hoạt động trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nó nguyên được Hoa Kỳ chế tạo như chiếc DE-280, một tàu hộ tống khu trục lớp Evarts, và chuyển giao cho Anh Quốc theo Chương trình Cho thuê-Cho mượn (Lend-Lease). Nó là chiếc tàu chiến duy nhất của Hải quân Anh được đặt tên theo Đô đốc Sir Robert Kingsmill (1730-1805), người từng tham gia các cuộc Chiến tranh Bảy Năm, Chiến tranh Cách mạng Hoa Kỳ, Chiến tranh Cách mạng PhápChiến tranh Napoleon.[3][4] Nó đã phục vụ cho đến khi chiến tranh kết thúc tại Châu Âu, hoàn trả cho Hoa Kỳ năm 1945 như là chiếc USS Kingsmill (DE-280) nhưng rút biên chế và xóa đăng bạ ngay sau đó, và cuối cùng bị bán để tháo dỡ vào năm 1947.

Thiết kế và chế tạo

[sửa | sửa mã nguồn]

Những tàu frigate lớp Captain thuộc phân lớp Evarts có chiều dài chung 289 ft 5 in (88,21 m), mạn tàu rộng 35 ft 1 in (10,69 m) và độ sâu mớn nước khi đầy tải là 8 ft 3 in (2,51 m). Chúng có trọng lượng choán nước tiêu chuẩn 1.140 tấn Anh (1.160 t); và lên đến 1.430 tấn Anh (1.450 t) khi đầy tải. Hệ thống động lực bao gồm bốn động cơ diesel General Motors Kiểu 16-278A nối với bốn máy phát điện để vận hành hai trục chân vịt; công suất 6.000 hp (4.500 kW) cho phép đạt được tốc độ tối đa 21 kn (24 mph; 39 km/h), và có dự trữ hành trình 4.150 nmi (4.780 mi; 7.690 km) khi di chuyển ở vận tốc đường trường 12 kn (14 mph; 22 km/h).[2]

Vũ khí trang bị bao gồm ba pháo 3 in (76 mm)/50 cal trên tháp pháo nòng đơn có thể đối hạm hoặc phòng không, một khẩu đội 1,1 inch/75 caliber bốn nòng và chín pháo phòng không Oerlikon 20 mm. Vũ khí chống ngầm bao gồm một dàn súng cối chống tàu ngầm Hedgehog Mk. 10 (có 24 nòng và mang theo 144 quả đạn); hai đường ray Mk. 9 và tám máy phóng K3 Mk. 6 để thả mìn sâu.[2]

DE-280 được đặt hàng vào ngày 25 tháng 1, 1942,[1] và được đặt lườn tại Xưởng hải quân BostonBoston, Massachusetts vào ngày 9 tháng 7, 1943.[1][2] Nó được hạ thủy vào ngày 13 tháng 8, 1943[4] và được đỡ đầu bởi bà Walter Douglas (Arleine) Snyder.[2] Con tàu được chuyển giao cho Anh Quốc vào ngày 29 tháng 10, 1943,[1][4] đồng thời nhập biên chế cùng Hải quân Hoàng gia Anh như là chiếc HMS Kingsmill (K484) dưới quyền chỉ huy của Hạm trưởng, Thiếu tá Hải quân George Henry Cook.[1]

Lịch sử hoạt động

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong quá trình phục vụ cùng Hải quân Hoàng gia Anh, Kingsmill hoạt động trong vai trò chính là hộ tống các đoàn tàu vận tải tại khu vực eo biển Manche từ năm 1944 đến năm 1945.[4]

Kingsmill đã tham gia Chiến dịch Neptune, hoạt động hải quân trong khuôn khổ cuộc Đổ bộ Normandy vào ngày 6 tháng 6, 1944;[4] nó nằm trong số ba tàu frigate lớp Captain (cùng với Dacres (K472)Lawford (K514)) được chọn để cải biến thành tàu chỉ huy nhằm phục vụ cho quá trình đổ bộ. Pháo 3 in (76 mm) cùng toàn bộ thiết bị mìn sâu phía đuôi tàu được tháo dỡ, và cấu trúc thượng tầng được kéo dài để lấy chỗ cho nhân sự Ban tham mưu. Hai nhà tạm cấu trúc trên sàn tàu để chứa thiết bị thông tin, bổ sung một cột ăn-ten để tăng cường thiết bị liên lạc và các dàn radar mới. Hỏa lực phòng không cũng được tăng cường thêm bốn khẩu Oerlikon 20 mm.[5][6]

Sau đó Kingsmill tiếp tục tham gia trong Chiến dịch Infatuate, khi lực lượng Anh và Canada tấn công chiếm đóng đảo Walcheren, Hà Lan vào tháng 11, 1944.[2][4]

Sau khi chiến tranh chấm dứt tại Châu Âu, Kingsmill được hoàn trả cho Hoa Kỳ tại Harwich, Anh vào ngày 22 tháng 8, 1945, nhằm giảm bớt chi phí mà Anh phải trả cho Hoa Kỳ trong Chương trình Cho thuê-Cho mượn (Lend-Lease).[2] Con tàu nhập biên chế trở lại cùng Hải quân Hoa Kỳ cùng ngày hôm đó như là chiếc USS Kingsmill (DE-280) , dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá Hải quân Hoa Kỳ George B. Calkins, rời Harwich vào ngày 26 tháng 8 và về đến Xưởng hải quân Philadelphia tại Philadelphia, Pennsylvania vào ngày 8 tháng 9.[2][4]

USS Kingsmill ở lại Philadelphia cho đến khi được cho xuất biên chế vào ngày 26 tháng 10, 1945. Tên nó được cho rút khỏi danh sách Đăng bạ Hải quân vào ngày 16 tháng 11, 1945; và con tàu bị bán để tháo dỡ vào ngày 17 tháng 2, 1947.[1][2][4]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c d e f g Helgason, Guðmundur. “HMS Kingsmill (K 484)”. uboat.net. Truy cập ngày 12 tháng 2 năm 2021.
  2. ^ a b c d e f g h i “DE-280/HMS Kingsmill (K.484)”. NavSource.org. Truy cập ngày 12 tháng 2 năm 2021.
  3. ^ a b “HMS Kingsmill K484 (DE 280)”. Captain Class Frigate Association. Truy cập ngày 12 tháng 2 năm 2021.
  4. ^ a b c d e f g h Kingsmill (K484). Dictionary of American Naval Fighting Ships. Navy Department, Naval History and Heritage Command. ngày 24 tháng 6 năm 2015.
  5. ^ Lenton 1998, tr. 198–199
  6. ^ Collingwood 1998, tr. 150

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]