Wikipedia:Cẩm nang biên soạn/Biểu tượng
Đây là hướng dẫn thuộc Cẩm nang biên soạn của Wikipedia tiếng Việt Đây là tiêu chuẩn chung tất cả cần tuân theo, dù đôi khi vẫn có ngoại lệ. Bất kỳ chỉnh sửa quan trọng nào trên trang này cần dựa trên sự đồng thuận. Nếu bạn không chắc chắn, hãy thảo luận trước bên trang thảo luận. |
Tóm tắt trang này: Biểu tượng có thể hữu ích trong các bài viết Wikipedia trong một số trường hợp, tuy nhiên cũng tồn tại một số vấn đề liên quan đến việc sử dụng chúng một cách không phù họp. Từ ngữ có thể sẽ dễ hiểu hơn. |
Cẩm nang biên soạn (CNBS) |
---|
Việc sử dụng biểu tượng trong các nội dung của dự án bách khoa toàn thư Wikipedia – chủ yếu bao gồm danh sách, bảng, hộp thông tin và hộp điều hướng – có thể đóng vai trò chỉ dẫn thị giác, nhưng cũng có thể gây ra một số vấn đề. Dưới đây là chỉ dẫn tóm lược về các vấn đề quan trọng nhất, theo sau là những thảo luận chi tiết hơn về từng vấn đề.
Trong phạm vi bài viết này, biểu tượng bao gồm tất cả các hình ảnh nhỏ – trong đó có biểu trưng, phù hiệu, con dấu, cờ – hay bất kỳ yếu tố trang trí nào khác được tạo ra bởi tệp tin hình ảnh nhỏ, dingbat, emoji, hay tùy biến hiển thị CSS.
Biểu tượng
[sửa | sửa mã nguồn]Cách sử dụng phù hợp
[sửa | sửa mã nguồn]Biểu tượng có thể hữu ích trong một số trường hợp nhất định:
- Cần sử dụng biểu tượng nhiều lần trong một bảng, với điều kiện mục đích của biểu tượng đã được giải thích. Ví dụ: Mốc thời gian của tương lai xa.
- Hữu ích trong những bài viết về các sự kiện thể thao quốc tế nhằm thể hiện quốc gia mà các vận động viên đại diện (có thể khác với quốc tịch của họ). Ví dụ: List of WPA World Nine-ball Champions.
Cách sử dụng không phù hợp
[sửa | sửa mã nguồn]Không sử dụng biểu tượng trong nội dung văn xuôi
[sửa | sửa mã nguồn]Không nên sử dụng biểu tượng trong nội dung văn xuôi, chẳng hạn như "Jackson chuyển đến sống ở Bristol, Anh , vào tháng 4 năm 2004." Việc này làm gián đoạn dòng chảy của văn bản và khiến người đọc mất tập trung (ví dụ).
Không vì mục đích bách khoa
[sửa | sửa mã nguồn]Biểu tượng phải có mục đích bách khoa thay vì chỉ đơn thuần mang tính trang trí. Chúng phải có tác dụng bổ sung những thông tin hữu ích về chủ đề của bài viết, đóng vai trò chỉ dẫn thị giác nhằm hỗ trợ khả năng đọc hiểu của người đọc, hoặc có chức năng điều hướng. Không nên sử dụng biểu tượng đơn giản vì chúng trông bắt mắt: có thể trong mắt người đọc này nó chỉ là vật trang trí vô hại nhưng trong mắt người đọc khác nó lại gây mất tập trung. Một biểu tượng được xem là chỉ mang tính trang trí nếu nó không nâng cao khả năng truyền đạt thông tin của bài viết hay hỗ trợ điều hướng. Nếu biểu tượng chỉ đơn thuần có chức năng bố cục thông tin, hãy xem xét thay thế chúng bằng dấu chấm đầu dòng.
Không cho biểu tượng vào tiêu đề các mục; việc này sẽ gây vấn đề về khả năng tiếp cận.
Không sử dụng quá nhiều biểu tượng
[sửa | sửa mã nguồn]Khi một trang có quá nhiều biểu tượng thì chúng sẽ gây rối mắt và trở nên thừa thãi, ví dụ như trong hộp thông tin của vận động viên này. Các trang có quá nhiều biểu tượng cũng có thể gây khó khăn trong việc tải dữ liệu cho một số người đọc.
Không sử dụng biểu tượng vì mục đích không chính đáng
[sửa | sửa mã nguồn]Biểu tượng có chức năng đại diện cho một thực thể nhất định và không nên được dùng để đại diện cho điều gì khác, chẳng hạn như khi không có cờ thích hợp. Ví dụ, không lạm dụng cờ Liên Hợp Quốc để đại diện cho thế giới, vì đó không phải là cách sử dụng đúng lá cờ của tổ chức quốc tế này.
Không bóp méo biểu tượng
[sửa | sửa mã nguồn]Không chỉnh sửa biểu tượng hay sử dụng biểu tượng theo một cách không được công nhận bên ngoài Wikipedia. Xem Wikipedia:Không đăng nghiên cứu chưa được công bố#Ảnh chưa công bố để tìm hiểu kỹ hơn. Một ví dụ cho việc này là khi một người dùng ghép cờ của các quốc gia Bắc Mỹ với nhau để đại diện cho khái niệm "toàn bộ Bắc Mỹ" theo suy nghĩ của họ.
Không minh họa hay giới thiệu ý tưởng chưa công bố
[sửa | sửa mã nguồn]
Lưu ý khả năng tiếp cận của người khiếm thị
[sửa | sửa mã nguồn]Tất cả mọi biểu tượng đều nên có văn bản thay thế, nghĩa là một lời miêu tả nội dung của hình ảnh. Nếu không có văn bản thay thế, biểu tượng sẽ vô nghĩa với những người sử dụng trình đọc màn hình hoặc trình duyệt chỉ hiện thị văn bản. Để cung cấp văn bản thay thế, chỉ cần bổ sung lời miêu tả vào cuối đoạn mã của hình ảnh: ví dụ, đoạn mã "[[Tập tin:Commons-logo.svg|30x30px|liên kết=Commons:Special:Search|Tìm kiếm Wikimedia Commons]]
" sẽ tạo ra biểu tượng được liên kết đến Commons:Special:Search và có văn bản thay thế là "Tìm kiếm Wikimedia Commons". Hình ảnh bản đồ cần được cung cấp văn bản thay thế về hình ảnh chính và tất cả các điểm click được.
Cờ
[sửa | sửa mã nguồn]Cách sử dụng cờ phù hợp
[sửa | sửa mã nguồn]Biểu tượng cờ có thể hữu ích ở một số ngữ cảnh mà trong đó chủ thể thực sự đại diện cho quốc gia hay quốc tịch đó – chẳng hạn như đơn vị quân đội hoặc đội tuyển thể thao quốc gia. Trong các danh sách và bảng, biểu tượng cờ có thể hữu ích khi việc phân biệt nhiều đối tượng bằng cờ có liên quan trực tiếp đến mục đích của bản thân danh sách hay bảng đó.
Nên ưu tiên chọn từ ngữ làm phương tiện truyền đạt thông tin hơn so với cờ, và cờ không nên ảnh hưởng tiêu cực đến từ ngữ thông qua việc làm thay đổi văn phong hay cấu trúc thông thường của các hộp thông tin và danh sách.
Có thể sử dụng cờ đăng ký và cờ tín hiệu quốc tế trong hộp thông tin của tàu thuyền.
Xem § Cách sử dụng không phù hợp để tìm hiểu những trường hợp không nên sử dụng cờ cho dù thông tin chúng truyền đạt có vẻ phù hợp (nếu vậy, hãy truyền đạt thông tin đó bằng từ ngữ).
Lựa chọn của người dùng: Người dùng đã đăng ký tài khoản có thể thêm đoạn mã CSS .flagicon {display:none;}
vào stylesheet của riêng mình để ẩn những nội dung có class là flagicon
(được hầu hết các bản mẫu cờ sử dụng).
Sự nhất quán không phải là quan trọng nhất
[sửa | sửa mã nguồn]Nếu việc sử dụng cờ trong một danh sách, bảng hay hộp thông tin làm cho nó không rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn hoặc tranh cãi thì nên gỡ bỏ các lá cờ kể cả khi điều này khiến danh sách, bảng hay hộp thông tin đó không nhất quán với những danh sách, bảng hay hộp thông tin khác cùng loại.
Tránh sử dụng cờ trong hộp thông tin
[sửa | sửa mã nguồn]Nhìn chung, không nên sử dụng biểu tượng cờ trong các hộp thông tin, ngay cả trong những trường như "quốc gia", "quốc tịch", vân vân: chúng có thể gây mất tập trung cũng như làm nổi bật các trường này so với những trường khác một cách không hợp lý.
Chỉ nên cho biểu tượng cờ vào hộp thông tin trong những trường hợp mà chúng bổ sung thông tin cho từ ngữ. Biểu tượng cờ thường gây ra những tranh chấp không đáng có khi bị lạm dụng. Các trường hợp ngoại lệ bao gồm hộp thông tin về xung đột vũ trang và hộp thông tin về giải đấu quốc tế, chẳng hạn như FIFA World Cup hoặc Thế vận hội Olympic. Trang tài liệu của một số bản mẫu hộp thông tin được sử dụng phổ biến (chẳng hạn như Bản mẫu:Thông tin công ty, Bản mẫu:Thông tin phim, Bản mẫu:Thông tin nhân vật, Bản mẫu:Thông tin tiểu sử bóng đá, Bản mẫu:Thông tin vũ khí) từ lâu đã không khuyến khích việc sử dụng biểu tượng cờ.
Có thể sử dụng cờ đăng ký và cờ tín hiệu quốc tế trong hộp thông tin của tàu thuyền.
Tương tự như đối với các bài viết tiểu sử khác, không nên sử dụng cờ trong hộp thông tin của vận động viên ngay cả khi trong đó có các trường "quốc gia", "quốc tịch", vân vân: chúng có thể làm nổi bật các trường này so với những trường khác một cách không hợp lý. Tuy nhiên, có thể sử dụng quốc kỳ trong hộp thông tin của vận động viên nếu họ thi đấu ở những bộ môn thể thao mà các giải đấu của bộ môn đó sử dụng quốc kỳ để đại diện cho quốc tịch.
Bài viết về các đặc điểm địa lý nhân tạo – chẳng hạn như khu định cư và đơn vị hành chính – có thể chứa cờ của quốc gia và đơn vị hành chính cấp cao nhất trong hộp thông tin. Tuy nhiên, không nên sử dụng chúng trong những bài viết về các đặc điểm địa lý tự nhiên – chẳng hạn như châu lục, đảo, núi, thung lũng, sông, hồ, đầm lầy, vân vân. Nếu bài viết nói về đặc điểm địa lý cả nhân tạo lẫn tự nhiên (ví dụ: bài Manhattan nói về một quận của Thành phố New York cũng như hòn đảo cùng tên), hoặc khi chủ quyền lãnh thổ đối với chủ thể đang bị tranh chấp thì các biên tập viên có thể tìm kiếm đồng thuận trên trang thảo luận của bài viết đó về việc có nên sử dụng cờ trong hộp thông tin hay không.
Quốc kỳ phải đi kèm tên quốc gia
[sửa | sửa mã nguồn]Nên ghi tên của thực thể chính trị mà một lá cờ đại diện bênh cạnh lá cờ đó khi nó xuất hiện lần đầu tiên, bởi không người đọc nào biết hết tất cả mọi lá cờ, đồng thời có nhiều lá cờ chỉ khác nhau đôi chút. Nếu lá cờ này tiếp tục xuất hiện ở gần đó, nhất là trong danh sách hoặc bảng, thì không cần lặp lại tên quốc gia. (Ví dụ, trong hộp thông tin này, cờ của các quốc gia tham gia vào một trận chiến đi kèm với tên của quốc gia đó khi xuất hiện lần đầu tiên. Sau đó, chỉ cần dùng lá cờ để xác định quốc tịch của các chỉ huy quân sự.) Để làm điều này, hãy sử dụng bản mẫu cờ-và-tên {{Lá cờ|Nhật Bản}}
khi cờ xuất hiện lần đầu tiên, sau đó dùng bản mẫu {{Biểu tượng lá cờ|Nhật Bản}}
ở những lần xuất hiện tiếp theo. Tuy nhiên, nhiều biên tập viên cảm thấy một số loại bảng, chẳng hạn như bảng số liệu thể thao, dễ theo dõi hơn nếu sử dụng {{Lá cờ}}
từ đầu đến cuối.
Mặc dù vậy, nếu một lá cờ tiếp tục xuất hiện trong các đề mục, bảng hay danh sách khác nhau trong một bài viết dài thì có thể cần nhắc lại tên quốc gia bên cạnh lá cờ này khi nó xuất hiện lần đầu tiên ở đó, đặc biệt là trong trường hợp người đọc có thể đã được liên kết đến riêng đề mục, bảng hay danh sách đó từ các bài viết khác. Việc sử dụng bản mẫu cờ không đi kèm tên quốc gia cũng có thể gây vấn đề về khả năng tiếp cận, bởi hình ảnh mà bản mẫu đó tạo ra có thể khiến người bị mù màu khó nhận ra. Thêm vào đó, có thể khó phân biệt các lá cờ với nhau khi chúng ở kích cỡ biểu tượng.
Xem xét khía cạnh lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Quốc kỳ có thể thay đổi, và nhiều khi phạm vi địa lý hoặc chính trị mà chúng đại diện cũng có thể thay đổi.
Sử dụng cờ lịch sử trong ngữ cảnh cần sự phân biệt
[sửa | sửa mã nguồn]Hãy sử dụng cờ lịch sử và tên của quốc gia có liên quan khi có lý do chính thức cho việc sử dụng chúng. Chẳng hạn, trong các danh sách vận động viên giành huy chương Thế vận hội, nên sử dụng quốc kỳ và tên của Liên bang Xô Viết cho các thông tin trước năm 1992, thay vì quốc kỳ và tên của Liên bang Nga hay cộng đồng các Quốc gia Độc lập.
Trong một số ngữ cảnh quân sự lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Trong một số ngữ cảnh quân sự lịch sử có phạm vi hẹp, có thể nên dùng những lá cờ được sử dụng ở thời điểm đó, bao gồm hiệu kỳ hải quân, với điều kiện chúng (như thường lệ) đi kèm tên của thực thể chúng đại diện, vì không thể yêu cầu người đọc phải có kiến thức lịch sử về quân sự. Một ví dụ cho việc này là khi viết về một trận chiến nổi tiếng có sự tham gia của nhiều lực lượng treo những lá cờ khác nhau; có thể dùng các lá cờ đó trong bảng tóm tắt nhằm xác định rõ lực lượng nào đang được nhắc đến.
Thực thể không có cờ cho đến một mốc thời gian cụ thể
[sửa | sửa mã nguồn]Một số thực thể dưới cấp quốc gia đến gần đây mới có cờ chính thức, ví dụ: quốc kỳ xứ Wales được sử dụng chính thức từ năm 1959. Mặc dù nhìn chung lá cờ này vẫn có thể đại diện cho xứ Wales, không nên dùng nó để đại diện cho quốc gia này trong những ngữ cảnh có mốc thời gian trước khi lá cờ được sử dụng. Một số quốc gia cũng vừa được thành lập từ một phần hay toàn bộ một hoặc nhiều quốc gia khác. Nếu chủ thể bài viết trải qua hai thời kỳ và xảy ra tranh cãi về việc chủ thể có liên quan đến quốc gia nào trong một ngữ cảnh nhất định, có thể cần tìm kiếm sự đồng thuận cho từng trường hợp về việc nên sử dụng lá cờ nào.
Các vấn đề chính trị
[sửa | sửa mã nguồn]Hãy lưu ý những vấn đề chính trị thường xảy ra và lắng nghe ý kiến của các biên tập viên khác. Một số lá cờ (đôi khi hoặc luôn luôn) là những tuyên ngôn chính trị và có thể làm nổi bật phương diện chính trị của một người một cách dễ gây hiểu nhầm. Một số lá cờ khác thì có mục đích sử dụng rất hạn chế và cụ thể, nên việc sử dụng chúng ngoài các mục đích đó có thể mang hàm ý chính trị (chẳng hạn như chủ nghĩa dân tộc).
Sử dụng cờ cho nhà nước và quốc gia không độc lập chủ quyền
[sửa | sửa mã nguồn]Định nghĩa chính xác về "nhà nước", "quốc gia" và "dân tộc" thường gây tranh chấp trên phương diện chính trị và có thể dẫn đến tranh cãi về việc phải sử dụng cờ nào. Chẳng hạn, Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland đều được chính phủ Vương quốc Anh xem là các "quốc gia" thuộc Vương quốc Anh [1]; Hạ viện Canada công nhận Québéc là một "nhà nước trực thuộc Canada";[2] và Hoa Kỳ công nhận nhiều bộ lạc người Mỹ bản địa là những "dân tộc" bán độc lập.
Nhìn chung, nếu thấy việc sử dụng cờ là cần thiết thì nên lấy cờ của quốc gia độc lập chủ quyền (ví dụ: Hoa Kỳ hoặc Canada) thay vì cờ của một thực thể dưới cấp quốc gia, ngay cả khi thực thể đó nhiều khi vẫn được xem là một "quốc gia" hay "nhà nước". Điều này chủ yếu nhằm duy trì sự nhất quán trên khắp Wikipedia, nhưng đồng thời cũng vì lý do rằng tư cách công dân của một người là thứ xác minh được, trong khi "quốc tịch" của người đó đôi khi khó xác định và không ổn định. Ví dụ, hộ chiếu của một người Anh miêu tả người đó là "công dân Vương quốc Anh" chứ không phải là "công dân Anh"; trong hầu hết mọi trường hợp, việc ai đó là người Anh là do người đó tự thừa nhận chứ không thể được xác minh về mặt pháp lý. Mặc dù vậy, nhiều biên tập viên cảm thấy các quốc gia cấu thành Vương quốc Anh là ngoại lệ của quy tắc này trong các ngữ cảnh có liên quan đến thể thao, và sẽ dễ xảy ra tranh chấp nếu áp đặt quy tắc này trong những bài viết về các quốc gia cấu thành Vương quốc Anh.
Sử dụng cờ mang hàm ý chính trị
[sửa | sửa mã nguồn]Một số lá cờ mang tính tranh chấp về chính trị – hãy lưu ý tránh sử dụng chúng trong những ngữ cảnh không phù hợp. Ví dụ:
- Sử dụng quốc kỳ Liên minh miền Nam Hoa Kỳ để đại diện cho toàn bộ hoặc một phần miền Nam Hoa Kỳ trước năm 1861 hoặc sau năm 1865.
- Sử dụng Ulster Banner để đại diện cho Bắc Ireland trong các ngữ cảnh không phù hợp.
- Sử dụng quốc kỳ Nam Phi trong thời kỳ Apartheid thay cho phiên bản hiện tại.
Cách sử dụng cờ không phù hợp
[sửa | sửa mã nguồn]
Không làm nổi bật quốc tịch mà không vì lý do chính đáng
[sửa | sửa mã nguồn]Wikipedia không phải là nơi thể hiện niềm tự hào dân tộc. Các lá cờ rất nổi bật về mặt thị giác nên việc đặt cờ của một quốc gia bên cạnh cái gì đó có thể khiến quốc tịch hoặc địa điểm của nó trông có vẻ quan trọng hơn những đặc điểm khác. Chẳng hạn, khi có quốc kỳ Anh bên cạnh tên mình, Paul McCartney trông như một "ca sĩ-nhạc sĩ người Anh từ Liverpool từng là thành viên của The Beatles"; nếu không có lá cờ bên cạnh tên mình, ông trông như một "ca sĩ-nhạc sĩ người Anh từ Liverpool từng là thành viên của The Beatles". Việc nhấn mạnh tầm quan trọng của tư cách công dân hay quốc tịch của một người so với các đặc điểm khác của họ có thể vi phạm chính sách "Quan điểm trung lập" của Wikipedia.
Không sử dụng cờ khi không có ảnh chủ thể
[sửa | sửa mã nguồn]Không dùng cờ (hay những hình ảnh mang tính biểu tượng khác) làm hình ảnh giữ chỗ, chẳng hạn như trong các bài viết tiểu sử. Mặc dù có thể sử dụng cờ hoặc làm hình ảnh chính trong hộp thông tin về một tổ chức mà lá cờ đó đại diện (ví dụ như FBI), tuy nhiên, trong đa số các trường hợp, các bài viết như thế sử dụng hộp thông có chứa hình ảnh cờ và con dấu (ví dụ).
Không sử dụng cờ của đơn vị hành chính dưới cấp quốc gia khi không liên quan trực tiếp
[sửa | sửa mã nguồn]Nhìn chung, chỉ nên sử dụng cờ của các đơn vị hành chính dưới cấp quốc gia (khu vực, thành phố, vân vân) khi nó có liên quan trực tiếp đến nội dung bài viết. Các lá cờ như vậy hiếm khi được công chúng biết đến rộng rãi, điều này triệt tiêu bất cứ lợi ích nào chúng có thể mang lại, đồng thời hiếm khi có liên quan trực tiếp đến chủ thể bài viết. Chẳng hạn, cờ của Tampa, Florida có thể được sử dụng trong bài viết Tampa, nhưng lại không nên được sử dụng trong các bài viết về những người sống ở Tampa: điều đó không truyền tải thông tin gì và gây mất tập trung về thị giác.
Ví dụ cho những trường hợp nên sử dụng cờ của các đơn vị hành chính dưới cấp quốc gia là trong một danh sách các đơn vị hành chính của quốc gia nào đó.
Không sử dụng cờ của tổ chức đa quốc gia nếu không liên quan trực tiếp
[sửa | sửa mã nguồn]Nhìn chung, chỉ nên sử dụng cờ của các tổ chức đa quốc gia khi nó có liên quan trực tiếp đến bài viết. Chẳng hạn, việc sử dụng cờ châu Âu là phù hợp trong các bài viết có liên quan trực tiếp đến Liên minh châu Âu, Hội đồng châu Âu và bất kỳ trường hợp nào mà lá cờ này có thể được dùng để đại diện cho châu Âu. Trong lĩnh vực thể thao, chỉ nên sử dụng cờ của các tổ chức đa quốc gia để đại diện cho một đội tuyển đa quốc gia hoặc một giải đấu đa quốc nếu đội tuyển hoặc giải đấu này thực sự sử dụng lá cờ đó. Nhìn chung, không nên sử dụng cờ châu Âu bên cạnh quốc kỳ trong bài viết về những nhân vật sống ở các quốc gia thành viên EU; việc đó không cung cấp thông tin gì và sẽ gây mất tập trung về thị giác.
Không viết lại lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Không sử dụng phù hiệu của một cá nhân thay cho quốc kỳ, quân kỳ hay các lá cờ khác.
Không sử dụng cờ để làm sai lệch quốc tịch của các nhân vật, sự kiện, hiện vật,... mang tính lịch sử. Ranh giới chính trị luôn thay đổi, thường là trong suốt cuộc đời chủ thể của một bài viết tiểu sử. Nếu việc dùng cờ dễ gây ra nhầm lẫn thì tốt hơn hết là không dùng một lá cờ nào cả, còn trong trường hợp thực sự phải dùng cờ thì hãy dùng lá cờ phù hợp nhất theo lịch sử.
Ví dụ, trong bài viết về nhà văn Oscar Wilde, người được sinh ra ở Ireland khi hòn đảo này đang hoàn toàn thuộc Vương quốc Anh, không nên sử dụng cả cờ Ireland lẫn cờ Anh vì cả hai đều sẽ làm người đọc nhầm lẫn.
Không sử dụng cờ trong danh sách và bài viết về diệt chủng
[sửa | sửa mã nguồn]Nhìn chung, cờ không thể đại diện một cách chuẩn xác cho các phe trong những xung đột như vậy, cũng như không mang lại nhiều lợi ích trong việc truyền đạt thông tin. Dù chúng có mang lại giá trị gì đi nữa thì cũng không bù lại được tính chất gây tranh cãi rất lớn của việc sử dụng cờ trong những ngữ cảnh như thế này.
Trong bài viết tiểu sử
[sửa | sửa mã nguồn]Cờ là một lời khẳng định giản đơn và cứng nhắc về quốc tịch, trong khi đó, từ ngữ có khả năng diễn đạt thông tin một cách linh hoạt hơn. Ví dụ, nữ diễn viên Naomi Watts có thể được xem là mang bất kỳ một quốc tịch nào trong số 4 quốc tịch là Vương quốc Anh, Anh, xứ Wales hay Úc tùy vào ngữ cảnh và cách nhìn nhận. Cô sinh ra với tư cách một công dân Vương quốc Anh ở Anh, từng sống ở xứ Wales trong một thời gian dài, sau đó chuyển đến Úc và trở thành công dân Úc. Không lá cờ nào thể hiện được tất cả thông tin này, và việc sử dụng cả 4 lá cờ sẽ không có ích gì cả.
Không nên sử dụng cờ trong hộp thông tin của các bài viết tiểu sử. Cần đặc biệt cẩn trọng khi sử dụng bản mẫu cờ trong bài viết tiểu sử trong các trường hợp sau:
- Không bao giờ thêm cờ vào nơi sinh hoặc nơi mất, vì việc này có khả năng gây nhầm lẫn về tư cách công dân hoặc quốc tịch của nhân vật; rất nhiều người sinh ra hoặc qua đời ở nước ngoài hoặc đổi quốc tịch. (Ví dụ, nam diễn viên người Mỹ Johnny Galecki được sinh ra ở Bỉ, nên việc cho cờ Bỉ vào hộp thông tin của ông, vì bất kỳ lý do nào, có thể khiến người đọc lầm tưởng rằng ông là người Bỉ.)
- Trong trường hợp nhân vật di cư hoặc định cư lâu dài ở nước ngoài, không sử dụng cờ của quốc gia mà nhân vật đó sống trừ khi nhân vật đã trở thành công dân của quốc gia đó.
- Trong trường hợp nhân vật đã từ bỏ tư cách công dân của một quốc gia (phải được nguồn tin cậy chứng minh), không sử dụng cờ và tên của quốc gia cũ để thể hiện quốc tịch của nhân vật; nếu sử dụng cờ thì hãy lấy cờ của quốc gia mới.
- Trong trường hợp tư cách công dân của nhân vật thay đổi do xê dịch biên giới, hãy sử dụng quốc tịch theo lịch sử thay vì quốc tịch sau khi bị thay đổi. Có thể đề cập quốc gia mới trong nội dung văn xuôi của bài viết, ví dụ: "Belgrade, Yugoslavia (Serbia ngày nay)"; cũng có thể tốt hơn hết là không dùng lá cờ nào cả.
- Khi sử dụng bản mẫu cờ để minh họa số liệu thể thao, hãy lấy cờ và tên của quốc gia mà nhân vật (hoặc đội tuyển) đại diện một cách chính thức, bất kể tư cách công dân của nhân vật đó là gì. Nếu một vận động viên người Pháp giành được huy chương khi đang thi đấu cho đội tuyển Đức thì hãy dùng cờ Đức trong bảng tổng sắp. Nên sử dụng quốc kỳ Scotland trong ngữ cảnh liên quan đến FIFA World Cup, và sử dụng quốc kỳ Vương quốc Anh trong ngữ cảnh liên quan đến Thế vận hội. Cần cẩn trọng khi áp dụng quy luật này đối với các ngữ cảnh không liên quan đến thể thao vì có thể gây nhầm lẫn. Một ví dụ đi ngược lại quy luật này là bài viết về một đội tuyển đại diện cho quốc gia nào đó nhưng lại bao gồm các thành viên mang những quốc tịch khác nhau; bảng liệt kê các thành viên của đội tuyển trong bài viết đó có thể sử dụng quốc tịch thực sự của họ.
- Tránh sử dụng những lá cờ dễ gây tranh cãi giữa các biên tập viên về chính trị hay bất kỳ vấn đề nào khác liên quan đến chủ thể bài viết.
- Xem thêm "Xem xét khía cạnh lịch sử" để tìm hiểu những khuyến nghị khác có liên quan.
Vận động viên
[sửa | sửa mã nguồn]Không bao giờ sử dụng cờ để thể hiện quốc tịch của một vận động viên trong những ngữ cảnh không liên quan đến thể thao; chỉ nên sử dụng cờ để thể hiện quốc gia của đội tuyển mà vận động viên đó là thành viên, hay nói cách khác là quốc gia mà vận động viên đó đại diện.
Khi sử dụng cờ trong bảng, cần chú thích rõ ràng rằng chúng thể hiện quốc gia mà các vận động viên đại diện, chứ không phải là quốc tịch của họ, để tránh gây nhầm lẫn.
Nhìn chung, nên sử dụng cờ của thực thể ở tầm cao nhất mà vận động viên đã đại diện. Chẳng hạn, nếu một vận động viên đã từng đại diện cho một quốc gia thì hãy sử dụng cờ của quốc gia đó theo quy định của cơ quan quản lý thể thao có liên quan (vì lá cờ này có thể khác với quốc kỳ chính thức). Nếu một vận động viên chưa thi đấu ở cấp quốc gia thì hãy làm theo quy định của cơ quan quốc tế quản lý bộ môn thể thao đó (ví dụ như FIFA, Liên đoàn điền kinh quốc tế, vân vân). Nếu theo quy định, một vận động viên được phép đại diện cho hai quốc gia trở lên thì cần dẫn nguồn đáng tin cậy về việc họ lựa chọn đại diện cho quốc gia nào.
Nếu một vận động viên chủ yếu đại diện cho một quốc gia nào đó (ví dụ: Đức) nhưng đồng thời cũng từng đại diện cho một thực thể đa quốc gia lớn hơn (ví dụ: châu Âu) trong một số trường hợp thì nhìn chung nên sử dụng cờ của quốc gia; vấn đề này thường cần được xem xét theo từng bài viết.
Một số bộ môn thể thao có truyền thống sử dụng cờ của các quốc gia cấu thành (ví dụ: cờ của Anh thay vì của Vương quốc Anh), khi đó nên làm theo như vậy thay vì đổi sang cờ của quốc gia chủ quyền mà không có sự đồng thuận.
Biểu trưng
[sửa | sửa mã nguồn]Không lấy biểu trưng làm biểu tượng: Có thể sử dụng biểu trưng trong bài viết về chủ thể mà biểu trưng đó trực tiếp đại diện, tuy nhiên việc lấy biểu trưng làm biểu tượng không mang lại lợi ích gì cho người đọc và thường dẫn đến các vấn đề pháp lý.
Hình ảnh không tự do
[sửa | sửa mã nguồn]Biểu trưng công ty, huy hiệu thể thao hay các hình ảnh khác được bảo vệ bởi luật sở hữu trí tuệ chỉ nên được sử dụng trong các bài viết trên cơ sở sử dụng hợp lý. Việc sử dụng các hình ảnh như vậy gần như luôn không được phép (để tìm hiểu thêm, xem Wikipedia:Hướng dẫn mô tả sử dụng hợp lý và Wikipedia:Biểu trưng).
Hình ảnh tự do
[sửa | sửa mã nguồn]Mặc dù hình ảnh tự do sẽ không dẫn đến các vấn đề pháp lý (bởi không ai có quyền sở hữu trí tuệ với hình ảnh), tất cả mọi lý do cho việc không khuyến khích sử dụng biểu tượng để trang trí trên đây vẫn đúng trong trường hợp này. Nhìn chung, việc thêm biểu trưng vào nội dung văn xuôi hoặc dữ liệu bảng không mang lại lợi ích gì cho Wikipedia và khiến bài viết trông rối mắt.