Bước tới nội dung

Cổng thông tin:Phật giáo/Tăng/Lưu trữ

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Liên Hoa Sinh

Padmasambhava là một đại sư Ấn Độ, sống cùng thời vua Tây Tạng Trisong Detsen. Sư truyền Phật giáo sang Tây Tạng và sáng lập tông Ninh-mã, một trong bốn tông phái lớn của Tây Tạng và được các đệ tử gọi là "Phật thứ hai". Sư hay sử dụng thần thông, nhiếp phục ma quái và thiên tai. Cách tu hành của sư rất đa dạng, từ cách sử dụng đao chủy thủ đến tu tập các phép thiền định theo hệ thống Đại cứu cánh. Sư thuộc dòng của các vị Đại thành tựu, để lại rất nhiều truyện thần thoại cho đời sau và ở các nước vùng Himalaya, người ta tôn thờ gọi sư là "Đạo sư quý báu".

Tương truyền rằng, Padmasambhava sinh ra trong một hoa sen, tại Tây Bắc Kashmir, sớm thông tất cả kinh sách, nhất là Mật giáo. Trong thế kỉ thứ 8, sư đến Tây Tạng, một vương quốc còn bị ảnh hưởng bởi các tôn giáo thiên nhiên. Sư đến đây chinh phục ma quỷ, thiên tai và ảnh hưởng của giáo phái Bön. Sư cũng cho xây tu viện Tang-duyên năm 775 và thời gian hoạt động tại Tây Tạng xem như chấm dứt tại đó. Có nhiều tài liệu cho rằng sư hoằng hóa ở Tây Tạng lâu hơn, truyền giáo cho 25 đệ tử, trong đó có nhà vua Tây Tạng và giáo thuyết quan trọng nhất là "Tám tuyên giáo". Ngoài ra, sư còn để lại nhiều bài dạy được dấu trong rừng núi, chỉ được khám phá ra vào một thời điểm nhất định. Một trong những bài dạy đó là bộ Tử thư. Đệ tử quan trọng và là người viết lại tiểu sử của sư là bà Yeshe Tsog-yel.

Huyền Trang

Huyền Trang là một cao tăng Trung Quốc, một trong bốn dịch giả lớn nhất, chuyên dịch kinh sách tiếng Phạn ra tiếng Hán. Nhà sư cũng là người sáng lập Pháp tướng tông, một dạng của Duy thức tông tại Trung Quốc. Danh hiệu Tam Tạng được giới tăng sĩ tôn xưng để tôn vinh ông là người tinh thông cả Tam tạng Kinh điển Phật giáo.

Khoảng đầu thế kỉ 7, kinh sách Phật giáo của Trung Quốc gồm có vô số những bản dịch, văn bản chữ Hán; đại diện và làm nền tảng cho nhiều quan điểm đối chọi nhau. Tất cả đều tự nhận mình là "Phật giáo". Trên một chừng mức nhất định, Phật giáo Trung Quốc của thế kỉ thứ sáu có thể được xem là một trường tranh cãi giữa các trường phái của Duy thức tông, tức là giáo phái được ghi lại trong các tác phẩm của Vô Trước và Thế Thân. Thế nhưng, các điểm chi tiết của hệ thống này, cả về mặt cơ bản lẫn luận giải, là đối tượng của những cuộc tranh cãi triền miên. Mặc dù nhà vua cấm Huyền Trang ra đi, sư vẫn lên đường, trải qua nhiều gian khổ trên đường băng qua núi non và sa mạc, đối diện với đói khát và giặc cướp, và cuối cùng sau một năm, sư tới Ấn Độ. Huyền Trang ở lại Ấn Độ nhiều năm để học tập với những vị thầy danh tiếng nhất, chiêm bái các thánh tích và tham gia vào các cuộc tranh luận với những Phật tử và ngoại đạo, đả bại tất cả những đối thủ và trở nên nổi tiếng là một nhà tranh luận cứng rắn. Sau một loạt tranh luận với hai đại diện của Trung quán tông, sư viết một bài luận giải bằng tiếng Phạn với ba ngàn câu kệ nói về "Điểm không khác biệt giữa Trung quán và Duy thức" mà ngày nay không còn. Sau khi hứa với Giới Hiền, thầy dạy của sư tại đại học Nalanda, là sẽ trình bày lý luận của Dignāga tại Trung Quốc, sư trở về quê hương với hơn 600 bộ kinh luận viết bằng tiếng Phạn.

Trần Nhân Tông

Trúc Lâm đại sĩ là một thiền sư Việt Nam, ông đã hợp nhất ba dòng thiền chính thời TrầnVinītaruci, Thảo Đường, Vô Ngôn Thông thành thiền phái Trúc Lâm và trở thành tổ sư của dòng thiền này. Đây được xem là giáo hội thống nhất đầu tiên của đạo Phật tại Việt Nam. Thiền phái Trúc Lâm vừa tiếp thu nền tảng Phật giáo Nam Áthiền Đông Độ, vừa sử dụng các giá trị văn hóa Việt Nam và khuyến khích Phật tử cống hiến cho xã hội trên nền tảng Từ bi – Trí tuệ của Phật pháp. Ông cũng xây dựng nhiều tự viện và đi giáo hóa trong cả nước, cả ở thôn quê lẫn thành thị. Trên cương vị là thượng hoàng-thiền sư, ông đã dạy dân bài trừ các tập tục mê tín, dị đoan và tu dưỡng đức hạnh theo giáo pháp Thập thiện. Ông vẫn góp ý cho Anh Tông một số vấn đề chính sự, đồng thời khuyên bảo vua con từ bỏ rượu chè và cúng dường cho tăng chúng.

Pháp Loa

Pháp Loa là một thiền sư, nhà lãnh đạo Phật giáo Đại thừaĐại Việt thế kỷ 13. Ông tu theo pháp môn cả Mật Tông và Thiền tông, là môn đệ của Trúc Lâm đại sĩ, và làm tổ sư thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm. Ông xuất gia 1304, hành đạo suốt 26 năm cho tới khi qua đời ở tuổi 47. Trong quá trình tu đạo, ông đã xây cất nhiều chùa tháp trong nước, truyền bá rộng rãi những lời dạy của Phật Thích-ca Mâu-ni và Tổ sư Thiền, kết nạp nhiều tăng ni, cư sĩ trong đó có các vua Trần Anh Tông, Trần Minh Tông cùng nhiều thành viên hoàng gia và đại thần. Ông còn là người ấn hành Đại tạng kinh tại Việt Nam khoảng năm 1329 và đã để lại nhiều tác phẩm Thiền học và luận thuyết về các kinh Nhập Lăng-già, Diệu pháp liên hoa, Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Hiện nay, bộ sách chủ yếu còn sót lại về cuộc đời ông là Tam Tổ thực lục, ra đời khoảng thế kỷ 14, kể tiểu sử 3 vị tổ sư phái Thiên Tông Trúc Lâm.

Huyền Quang

Huyền Quang là một thiền sư, nhà lãnh đạo Phật giáo Đại thừa Đại Việt thời Trần. Ông đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ và được bổ làm việc trong Viện Nội Hàn của triều đình, tiếp sư Bắc triều, nổi tiếng văn thơ. Sau này từ chức đi tu, theo Trần Nhân Tông lên Trúc Lâm. Là một thiền sư Việt Nam, tổ thứ ba dòng Trúc Lâm Yên Tử. Cùng với Trúc Lâm đại sĩPháp Loa, ông được xem là một Đại thiền sư của Việt Nam và người ta xem ông và hai vị nêu trên ngang hàng với sáu vị tổ của Thiền tông Trung Quốc hoặc 28 vị tổ của Thiền Ấn Độ.

Bodhidharma

Bodhidharma là người truyền bá và sáng lập ra Thiền họcvõ thuật tới Trung Quốc. Theo truyền thuyết Trung Quốc, ông đã truyền thụ phương pháp rèn luyện thân thể cho các nhà sư Thiếu Lâm và dẫn đến việc hình thành môn võ Thiếu Lâm. Ông cũng là cha đẻ của Thiền Phật giáo Trung Quốc.

Còn rất ít thông tin về tiểu sử của ông, chủ yếu chỉ còn lại là truyền thuyết. Truyền thuyết về nguồn gốc của ông cũng khác nhau, tại Trung Quốc tồn tại 2 truyền thuyết về ông, tại Ấn Độ truyền thuyết kể rằng Bodhidharma là con trai thứ ba của một vị vua Pallava Tamil từ Kanchipuram, trong khi ở Nhật Bản truyền thuyết kể rằng ông đến từ Ba Tư.

Thời điểm ông đến Trung Quốc cũng khác nhau, một trong những thuyết nói rằng ông đến vào triều đại Lưu Tống hay muộn hơn vào triều đại nhà Lương. Ông chủ yếu hoạt động tại lãnh thổ của các triều đại Bắc Ngụy. Thời kỳ truyền bá của ông khoảng vào đầu thế kỷ thứ 5. Ông là Tổ thứ 28 và cuối cùng sau Phật Thích-ca Mâu-ni của Thiền tông Ấn Độ và là sơ tổ của Thiền tông Trung Quốc.

Mahākāśyapa

Mahākāśyapa là một người brahmin xứ Magadha. Ông là một trong thập đại đệ tử của Thích-ca Mâu-ni, và cũng là người tổ chức, chỉ đạo đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ nhất, nhờ vậy mà Tam tạng pháp bảo của đạo Phật còn được lưu truyền cho đến ngày nay. Mahākāśyapa nổi tiếng có hạnh Ðầu đà nghiêm túc nhất và là người đứng đầu tăng-già sau khi Thích-ca Mâu-ni nhập diệt.

Mahākāśyapa là sơ tổ của Thiền tông Ấn Độ, được đức Thích-ca Mâu-ni truyền tâm ấn. Trong tranh tượng, Mahākāśyapa cùng với Ānanda thường được thể hiện đứng 2 bên Thích-ca Mâu-ni.

Ānanda

Ānanda là một trong thập đại đệ tử của Phật Thích-ca Mâu-ni, nổi tiếng với trí nhớ phi thường, đã ghi nhớ hết những lời Phật dạy trong suốt hàng chục năm truyền đạo. Ông là người đọc tụng lại Kinh tạng trong lần kết tập thứ nhất để tăng chúng ghi nhớ và truyền lại cho đời sau, và tôn giả cũng được xem là Nhị tổ của Thiền tông Ấn Độ. Ngoài ra, Ānanda cũng là người đầu tiên cung Phật phát minh ra "áo cà sa" - trang phục nghi lễ về sau của các chư tăng, chư ni nhà Phật.

Theo kinh sách, Ānanda là người rất nhẫn nhục, hết lòng phụng sự đức Phật. Ông chỉ chấp nhận làm người hầu cận cho Phật khi được Phật hứa rằng không vì thế mà được quan tâm hơn các vị khác. Ānanda cũng chính là người khám phá ra âm mưu giết Phật của Devadatta. Ānanda cũng là người bênh vực cho việc nữ giới được gia nhập tăng đoàn để học hỏi giáo pháp, nhờ sự can thiệp của ông mà Phật chấp nhận thành lập ni đoàn. Chính vì điều này mà trong lần kết tập thứ nhất, Ānanda bị tăng-già chê trách. Tương truyền rằng, bảy ngày sau khi Phật nhập niết-bàn, Ānanda mới giác ngộ, đắc quả A-la-hán trong đêm trước lần kết tập thứ nhất.

Bố Đại

Bố Đại là một thiền sư Trung Quốcthế kỷ thứ 10. Tương truyền sư hay mang trên vai một cái túi vải bố, có nhiều phép mầu và có những hành động lạ lùng mang tính chất "cuồng thiền". Lúc viên tịch, sư mới thổ lộ cho biết chính sư là hiện thân của Di-lặc, vị Phật tương lai.

Trong nhiều chùa tại Trung QuốcViệt Nam, và theo ảnh hưởng của Phật giáo Trung HoaBắc Tông, người ta hay trình bày tượng Di-lặc dưới dạng của Bố Đại mập tròn vui vẻ, trẻ con đeo chung quanh. Trong tiếng Nhật, Bố Đại được gọi là Hotei, một trong Thất Phúc Thần là bảy vị thần mang lại may mắn trong thần thoại và văn hóa dân gian Nhật Bản.

Mahāmoggallāna

Mahāmoggallāna là một vị tì-kheo của Phật giáo trong thời kỳ Phật Thích-ca Mâu-ni tại thế. Cùng với tôn giả Śāriputra, Mahāmoggallāna là một trong 2 đệ tử hàng đầu của Phật Thích-ca và được Đức Phật giao trọng trách thống lĩnh tăng đoàn sau khi ngài chứng A-la-hán, quả vị cuối cùng trong Tứ thánh quả. Ông đã đắc quả A-la-hán và trở nên nổi tiếng là bậc "Thần thông đệ nhất" trong hàng Thanh văn đệ tử của Đức Phật.

Trên bước đường cầu đạo, ông cùng Śāriputra đã thỉnh giáo nhiều đạo sĩ cao nhân, tiếp thu nhiều tư tưởng triết học khác nhau. Một số chủ trương hẳn thuyết vô đạo đức một số khác đề cao thuyết định mệnh, và một số khác truyền bá tư tưởng duy vật. Tuy nhiên, cả hai đều tìm ra những khiếm khuyết của các giáo thuyết, vì vậy không để tâm nghiên cứu và tiếp tục tìm kiếm. Một lần khi ra phố, Śāriputra vô tình gặp gỡ với Trưởng lão Assaji, một trong những vị đệ tử đầu tiên của Phật Thích-ca. Được Assaji khai ngộ về khái niệm Tứ diệu đế, Śāriputra liền đắc Pháp nhãn trong tâm thức chứng quả Nhập Lưu, Tu Ðà Hườn. Sau khi về nơi trọ, ông thuật lại cho Mahāmoggallāna nghe, cũng như Śāriputra, Mahāmoggallāna nhanh chóng giác ngộ con đường đạo mà ông tìm kiếm bấy lâu nay.

Nāgārjuna

Nāgārjuna là một trong những luận sư vĩ đại nhất của lịch sử Phật giáo. Người ta xem sự xuất hiện của Sư là lần chuyển pháp luân thứ hai của Phật giáo. Đại thừa Ấn Độ xếp Sư vào "Sáu Bảo Trang của Ấn Độ" – năm vị khác là Thánh Thiên, Vô Trước, Thế Thân, Dignāga, Pháp Xứng. Trong tranh tượng, Sư là vị duy nhất sau Phật Thích-ca được trình bày với nhục kế trên đỉnh đầu, một dấu hiệu của một Đại nhân. Sư là người sáng lập Trung quán tông, sống vào thế kỷ thứ 1–2. Có rất nhiều tác phẩm mang danh của Sư nhưng có lẽ được nhiều tác giả khác biên soạn. Sư cũng được xem là Tổ thứ 14 của Thiền tông Ấn Độ. Truyền thống Mật tông cũng xếp Sư vào 84 vị Đại thành tựu.

Nāgārjuna xuất hiện trong thời kì đỉnh cao của triết học Ấn Độ với nhiều trường phái Phật giáo cũng như các trường phái ngoài Phật giáo cùng với các quan điểm của họ. Theo Nāgārjuna, tư tưởng then chốt của Phật giáo đang gặp cơ nguy thất lạc qua xu hướng kinh viện triết học trong một số trường phái Tiểu thừa thời đó. Nāgārjuna dùng một dụng cụ biện chứng đặc biệt để hỗ trợ phương pháp của mình, đó là Tứ cú phân biệt. Với phương pháp đó, Sư tìm cách vạch ra những điểm mâu thuẫn luận lý trong các giả định xuất phát từ môi trường triết học của Sư rồi sau đó tìm cách giải phá chúng.

Việc phát triển khái niệm tính Không trong mối tương quan trực tiếp với giáo lý Duyên khởi cũng như việc tiếp tục phát triển giáo lý Nhị đế được xem là những cống hiến chính của Nāgārjuna, và chúng đã đưa Sư trở thành người đứng hàng đầu trong các vị đại sư Ấn Độ góp công phát triển tư tưởng Phật giáo, đặc biệt là trong truyền thống Phật giáo Kim cương thừaThiền tông.

Thích Quảng Đức

Thích Quảng Đức là một nhà sư Phật giáo Đại thừa người Việt Nam. Ông là người đã tẩm xăng tự thiêu tại ngã tư đường Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng, Sài Gòn vào ngày 11 tháng 6 năm 1963 nhằm phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm.

Tấm ảnh chụp ông tự thiêu đã được truyền đi khắp thế giới và gây nên sự chú ý đặc biệt tới chính sách của chế độ Ngô Đình Diệm. Phóng viên Malcolm Browne đã giành Giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới năm 1963 nhờ một bức hình chụp cảnh Thích Quảng Đức tự thiêu, và nhà báo David Halberstam, một người sau được trao giải Pulitzer, cũng đã có bản tường thuật sự kiện. Sau khi chết, thi hài của ông đã được hỏa táng lại, nhưng trái tim của ông thì vẫn còn nguyên. Đây được coi là xá lợi biểu tượng của lòng từ bi, dẫn đến việc giới Phật tử suy tôn ông thành một vị Bồ Tát.

Thái tử Shotoku

Thái tử Shotoku là con trai thứ hai của Thiên hoàng Yōmei và là một nhà chính trị, nhà cải cách, nhân vật Phật giáo lừng danh trong lịch sử Nhật Bản, là người đã khởi xướng "tư tưởng gộp đạo" tại đất nước này. Thái tử Shotoku vốn học đạo với Huệ Từ - một vị cao tăng người Cao Ly đến Nhật Bản để truyền bá Phật pháp. Tự ông viết các luận giải về kinh Thắng Man, Pháp Hoa, kinh Duy-ma. Ông gửi nhiều đoàn sứ giả sang Trung Hoa để thu thập kinh điển Phật giáo; rồi sau đó kiến lập 7 ngôi chùa Phật giáo, trong đó có chùa Hōryū được ông xây làm ngôi chùa của chính mình. Thời đó với Nhật Bản, Phật giáo không chỉ là tôn giáo mà còn là một thứ văn hóa mới mẻ và có nhiều điểm tiến bộ. Các kỹ thuật về nông nghiệp, kiến trúc, chữa bệnh đã theo Phật giáo vào Nhật Bản và được dân chúng đón nhận. Triều đình chính thức đón nhận Phật giáo qua việc Thiên hoàng Yōmei lễ Phật năm 585. Theo sử sách, Thiên Hoàng Yōmei là vị Thiên hoàng đầu tiên làm lễ Phật. Tuy vậy, có lẽ đây chỉ là một buổi lễ không chính thức của bản thân Thiên hoàng. Vì Thiên hoàng, vốn được xem là hậu duệ của Đại Thần Amaterasu, cũng đồng thời là Giáo chủ của Thần đạo nước Nhật, nên một Thiên hoàng làm lễ Phật ở chùa là chuyện có một không hai thời đó.

Huệ Khả

Huệ Khả là một thiền sư, vị Tổ thứ hai của Thiền tông Trung Quốc, được tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ là Bồ-đề-đạt-ma truyền tâm ấn và căn dặn gìn giữ, truyền bá Thiền tông tại Trung Quốc.

Năm 40 tuổi, sư đến Thiếu Lâm Tự tham vấn Bồ-đề-đạt-ma, ban đầu Bồ-đề-đạt-ma chẳng để ý đến sự hiện diện của sư, để sư đứng trong tuyết băng nhiều ngày. Để chứng minh Bồ-đề tâm của mình, sư tự chặt cánh tay trái dâng Bồ-đề-đạt-ma và sau đó được nhận là môn đệ.