Bước tới nội dung

Cổng thông tin:Paris/Một bài viết

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Một bài viết Một hình ảnh Bạn có biết Hình ảnh chọn lọc


Một bài viết chọn lọc về Paris
Một bài viết chọn lọc về Paris

Paris

Tháp Eiffel, một trong những biểu tượng của Paris

Paris là thành phố thủ đô của nước Pháp, cũng là trung tâm hành chính của vùng Île-de-France. Nằm ở điểm gặp nhau của các hành trình thương mại đường bộ và đường sông, Paris sớm trở thành một trung tâm chính trị, văn hóa và tôn giáo. Vào thế kỷ 10, nơi đây đã là một trong những đô thị chính của Pháp với những cung điện hoàng gia, các nhà thờ, tu viện. Từ thế kỷ 12, thành phố trở thành một trong những trung tâm của châu Âu về giáo dụcnghệ thuật. Thế kỷ 14, Paris là thành phố quan trọng bậc nhất của Cơ Đốc giáo và trong các thế kỷ 16, 17, đây là nơi diễn ra Cách mạng Pháp cùng nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Pháp và châu Âu. Đến thế kỷ 19 và 20, thành phố trở thành một trong những trung tâm văn hóa của thế giới, thủ đô của nghệ thuật và giải trí.

Nổi tiếng với tên gọi Kinh đô ánh sáng, Paris là một trung tâm văn hóa lớn của thế giới và cũng là một trong những thành phố du lịch thu hút nhất. Sự nhộn nhịp, các công trình kiến trúc và không khí nghệ sĩ đã giúp Paris mỗi năm có đến 30 triệu khách nước ngoài. Thành phố còn được xem như kinh đô của thời trang cao cấp với nhiều khu phố xa xỉ cùng các trung tâm thương mại lớn. Là nơi đặt trụ sở chính của các tổ chức quốc tế như OECD, UNESCO... cộng với những hoạt động đa dạng về tài chính, kinh doanh, chính trị và du lịch đã khiến Paris trở thành một trong những trung tâm trung chuyển lớn nhất trên thế giới và được coi như một trong bốn “thành phố toàn cầu” cùng với New York, LondonTokyo.

Một bài viết chọn lọc về Paris
Một bài viết chọn lọc về Paris

Du lịch Paris

Du khách trong Bảo tàng Louvre

Du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng của thành phố Paris. Vị trí địa lý, vai trò trung tâm chính trị, văn hóa đã giúp Paris trở thành một điểm đến hấp dẫn từ rất lâu trong lịch sử. Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, thành phố đã nhiều lần tổ chức các triển lãm thế giới, đánh dấu cho việc ngành du lịch bắt đầu trở nên quan trọng đối với nền kinh tế thành phố. Trong thời kỳ phồn vinh này, Paris cũng đã xây dựng thêm nhiều công trình, khách sạn, cửa hàng... góp phần cho sự phát triển của du lịch thành phố ngày nay.

Đón khoảng 30 triệu du khách mỗi năm, Paris là một trong những điểm đến thu hút nhất. Bên cạnh du lịch giải trí, thành phố còn là địa điểm thường xuyên của các hội nghị, cũng là nơi tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm quan trọng. Những công trình kiến trúc nổi tiếng, các bảo tàng với những hiện vật giá trị, các khu phố in đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa, những trung tâm mua sắm... tất cả đã khiến du khách không ngừng tìm đến với “kinh đô ánh sáng”. Những công trình, địa điểm vùng ngoại ô cùng góp phần làm Paris thêm hấp dẫn.

Ngành du lịch thành phố hiện nay cũng phải đối mặt với sự canh tranh từ nhiều đô thị lớn khác, đặc biệt là LondonRoma. Nhiều khách du lịch đánh giá Paris là một thành phố đắt đỏ và kém hiếu khách. Mặc dù vậy, trong một cuộc điều tra của Văn phòng du lịch Paris vào mùa hè năm 2008, hầu như tất cả các du khách được hỏi đều cho biết họ sẽ quay lại thành phố này trong tương lai.

[sửa] [sửa]
Một bài viết chọn lọc về Paris
Một bài viết chọn lọc về Paris

Bảo tàng Louvre

Bảo tàng Louvre

Louvre là một bảo tàng nghệ thuật và lịch sử nằm tại Quận 1, thành phố Paris, nước Pháp. Có vị trí ở trung tâm lịch sử thành phố, bên bờ sông Seine, Louvre vốn là một pháo đài được vua Philippe Auguste cho xây dựng vào năm 1190. Cuối thế kỷ 14, dưới thời Charles V, Louvre trở thành cung điện hoàng gia và sau đó tiếp tục được mở rộng qua các triều đại. Từ năm 1672, khi triều đình Pháp chuyển về lâu đài Versailles, bộ sưu tập hoàng gia được lưu trữ tại Louvre. Thời kỳ Cách mạng Pháp, cung điện trở thành bảo tàng, mở cửa ngày 10 tháng 8 năm 1793.

Ngày nay, Louvre là một trong những bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới, nơi trưng bày các hiện vật về những nền văn minh cổ, nghệ thuật Hồi giáo và nghệ thuật châu Âu từ thế kỷ 13 cho tới giữa thế kỷ 19. Với diện tích 210 ngàn mét vuông, Louvre trưng bày 35.000 trên tổng số 380.000 hiện vật. Trong bộ sưu tập của bảo tàng Louvre hiện nay có những tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của lịch sử nghệ thuật, như Tượng thần Vệ Nữ, Tượng thần chiến thắng Samothrace, Mona Lisa, Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân, cùng các hiện vật giá trị về những nền văn minh cổ, như phiến đá ghi bộ luật Hammurabi, tấm bia Mesha. Năm 2008, Louvre đón 8,5 triệu lượt khách, giữ vị trí địa điểm thu phí được viếng thăm nhiều nhất Paris, đồng thời cũng là bảo tàng thu hút nhất trên thế giới.

Một bài viết chọn lọc về Paris
Một bài viết chọn lọc về Paris

Tháp Eiffel

Tháp Eiffel

Tháp Eiffel là một công trình kiến trúc bằng sắt nằm trên công viên Champ-de-Mars, cạnh sông Seine, thành phố Paris. Vốn có tên nguyên thủy là Tháp 300 mét, công trình do Gustave Eiffel cùng các đồng nghiệp xây dựng nhân Triển lãm thế giới năm 1889, cũng là dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp.

Chiều cao nguyên bản của công trình là 300 mét, theo đúng thiết kế, nhưng cột ăng ten trên đỉnh giúp tháp Eiffel đạt tới 325 mét. Từ khi khánh thành vào năm 1889, tháp Eiffel là công trình cao nhất thế giới và giữ vững vị trí này trong suốt hơn 40 năm. Ngay từ ban đầu, bên cạnh chức năng du lịch, tháp Eiffel còn được sử dụng cho các mục đích khoa học. Ngày nay, tháp tiếp tục là một trạm phát sóng truyền thanh và truyền hình cho vùng đô thị Paris.

Trở thành biểu tượng của “kinh đô ánh sáng”, tháp Eiffel là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất toàn cầu. Từ khi khánh thành cho tới năm 2007, tháp đã có hơn 236 triệu lượt khách viếng thăm. Riêng năm 2007, tháp Eiffel đã đón tiếp gần 7 triệu du khách, giữ vị trí công trình thu phí thu hút nhất trên thế giới.

[sửa] [sửa]
Một bài viết chọn lọc về Paris
Một bài viết chọn lọc về Paris

Danh sách 72 nhân vật được ghi tên trên tháp Eiffel

Tháp Eiffel nhìn từ Champ-de-Mars

Trên tháp Eiffel, Gustave Eiffel đã cho ghi tên 72 nhà khoa học, kỹ sư và nhà công nghiệp, những người làm rạng danh nước Pháp từ năm 1789 đến năm 1889. Các chữ cái được in nổi, cao 60 cm, ở bốn mặt ngoài tầng 2 của tháp. Sau một thời gian bị sơn phủ khoảng đầu thế kỷ 20, đến năm 1986 và 1987, Công ty khai thác tháp Eiffel đã khôi phục lại các dòng chữ này.

Không được biết các nhân vật được chọn theo tiêu chuẩn nào, nhưng đã có một vài nhà khoa học bị loại bởi tên quá dài. Danh sách cũng hoàn toàn thiếu vắng nữ giới. Điều này nhận phải sự chỉ trích khi không có nhà toán học nữ Sophie Germain. Nhà viết tiểu sử người Đức Mozans đưa ra nghi vấn Sophie Germain không có tên trong danh sách chỉ vì bà là một phụ nữ. Những lý thuyết của Sophie Germain về sự giãn nở đã ảnh hưởng chính tới việc xây dựng tháp.

Hầu hết các nhân vật được ghi danh là thành viên của Viện hàn lâm khoa học Pháp. Tất cả 72 nhà khoa học đều có sự liên hệ chặt chẽ với nước Pháp và phần nhiều trong số họ là người Pháp. Một vài trong số đó sinh ở nước ngoài. Ngoài ra còn có thể thấy một số lượng lớn nhân vật từ Trường Bách khoa Paris—chủ yếu là sinh viên và một vài giáo viên—chiếm khoảng gần nửa danh sách.

Lapin Agile

Quán Lapin Agile

Lapin Agile là một quán cabaret nằm trên đồi Montmartre, thuộc Quận 18, thành phố Paris. Tòa nhà của Lapin Agile được xây dựng lần đầu vào năm 1795. Đến khoảng năm 1860, nơi đây trở thành một quán trọ với cái tên Au Rendez-vous des voleurs, tức Nơi gặp gỡ của những tên trộm, không lâu sau đó đổi thành Lapin Agile. Cuối thế kỷ 19, Adèle Decerf, một cựu vũ công cancan, mua lại quán trọ và đổi thành nhà hàng mang tên À ma campagne, từ đó bắt đầu thu hút giới nghệ sỹ.

Năm 1913, Lapin Agile được nhạc sĩ ứng tác Aristide Bruant mua lại và tiếp tục là nơi tụ họp, thu hút những tên tuổi lớn của nghệ thuật đầu thế kỷ 20, như Max Jacob, Pablo Picasso, Guillaume Apollinaire... Picasso đã từng vẽ một bức họa nổi tiếng mang tên Au Lapin Agile, nằm trong danh sách những họa phẩm đắt nhất thế giới. Trong vở kịch Picasso at the Lapin Agile (Picasso tại Lapin Agile) năm 1993, nhà viết kịch người Mỹ Steve Martin còn tưởng tượng một cuộc gặp gỡ giữa Picasso và Albert Einstein. Một số ngôi sao điện ảnh như Vivien Leigh hay Charlie Chaplin cũng tới Lapin Agile khi họ đến Paris. Ngày nay, quán Lapin Agile vẫn tiếp tục hoạt động, nằm ở số 22 phố Saules, trở thành một địa điểm thu hút du khách và được công nhận là di tích lịch sử của thành phố Paris.

[sửa] [sửa]

Không gian xanh ở Paris

Vườn Luxembourg

Thành phố Paris, ngoài hai khu rừng BoulogneVincennes nằm ở cực Tây và cực Đông, còn có tổng cộng khoảng 20 công viên, hơn 400 vườn và khoảng không gian xanh nhỏ cùng 32 lối đi dạo được trồng cây. Một số khu vườn của Paris xuất hiện từ rất lâu, như Tuileries, Luxembourg, Vườn bách thảo đều có trước thời Đệ nhị đế chế. Năm 1860, thành phố Paris được sát nhập thêm một số xã xung quanh và thành phố được cải tạo lại. Một số công viên như Buttes-Chaumont, Monceau, Montsouris xuất hiện vào thời kỳ này. Hai khu rừng Boulogne và Vincennes tuy rất ít dân cư và nằm ở phía ngoài nội ô nhưng vẫn thuộc về địa giới của thành phố. Cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, một số không gian vốn mang chức năng khác tiếp tục được cải tạo thành vườn hoặc công viên.

Khu rừng Boulogne nằm ở phía Tây thành phố, rộng 995 hecta. Bên trong rừng còn có công viên Bagatelle, vườn Shakespeare và Pré-Catelan và một vườn trồng các cây du nhập từ nơi khác. Tương tự, rừng Vincennes ở phía đông với 995 hecta cũng có một công viên hoa, vườn cây gỗ Ecole Du Breuil dành cho nghiên cứu, một lối đi dạo 65 hecta cùng một vườn nhiệt đới.

Mona Lisa

Natalie Portman

Mona Lisa là một bức chân dung chất liệu sơn dầu trên gỗ dương được họa sĩ người Ý Leonardo da Vinci vẽ vào khoảng năm 1503 đến 1506, và có thể được tiếp tục đến khoảng năm 1517. Tác phẩm thuộc sở hữu của Chính phủ Pháp và hiện được trưng bày tại viện bảo tàng LouvreParis với tên gọi Chân dung Lisa Gherardini, vợ của Francesco del Giocondo. Nổi tiếng trên toàn thế giới, Mona Lisa được miêu tả như “tác phẩm được biết đến nhiều nhất, được chiêm ngưỡng nhiều nhất, được viết đến nhiều nhất, được hát tới nhiều nhất và được nhại lại nhiều nhất trong nghệ thuật thế giới”.

Bức tranh là một bức chân dung bán thân và thể hiện một phụ nữ có những nét biểu cảm trên khuôn mặt thường được miêu tả là bí ẩn. Sự mơ hồ trong nét thể hiện của người mẫu, sự lạ thường của thành phần nửa khuôn mặt, sự huyền ảo của các kiểu mẫu hình thức và không khí hư ảo là những tính chất mới lạ góp phần vào sức mê hoặc của bức tranh. Ít có tác phẩm nghệ thuật nào từng là chủ đề của nhiều sự chăm sóc kỹ lưỡng, nghiên cứu, huyền thoại hóa và bắt chước tới như vậy.

[sửa] [sửa]
Một bài viết chọn lọc về Paris
Một bài viết chọn lọc về Paris

Cách mạng tháng Bảy

Họa phẩm Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân của Eugène Delacroix

Cách mạng tháng Bảy là cuộc cách mạng tại Pháp, diễn ra chủ yếu ở Paris, vào tháng 7 năm 1830 dưới thời Bourbon phục hoàng. Trong giai đoạn cai trị của Charles X, những mâu thuẫn giữa hai phe tự do và bảo hoàng cực đoan đã gây nên các biến động chính trị kéo dài. Mùa hè năm 1829, Charles X đưa Jules de Polignac, một người bảo hoàng, lên giữ chức thủ tướng, thành lập một chính phủ mới. Trước những chống đối của các nghị sĩ phái tự do, nhà vua giải tán Nghị viện và đỉnh điểm là chiếu dụ Saint-Cloud ngày 26 tháng 7 năm 1830 đã khiến những người đối lập nổi dậy.

Trong ba ngày 27, 28 và 29, người dân Paris dựng chướng ngại vật trên đường phố, chống lại quân đội của Thống chế Marmont. Cuộc xung đột đã khiến 200 quân hoàng gia và 800 người nổi dậy thiệt mạng. Charles X cùng gia đình chạy khỏi Paris. Sau khi do dự giữa nền cộng hòaquân chủ, các nghị sĩ đồng ý đưa Công tước Orléans, thuộc nhánh thứ của dòng họ Bourbon, lên ngôi vua. Cách mạng tháng Bảy diễn ra trong thời gian ngắn ngủi, không chấm dứt nền quân chủ mà chỉ kết thúc thời kỳ trị vì của Charles X. Công tước Orléans trở thành Louis-Philippe I, đăng quang ngày 9 tháng 8 với tước hiệu Vua của người Pháp—không còn xưng Vua nước Pháp như các vị quân vương nhà Bourbon trước đó—bắt đầu cho nền Quân chủ tháng Bảy.

Hiện vật bảo tàng Louvre

Tượng thần Vệ Nữ, một trong những hiện vật nổi tiếng nhất của Louvre

Bộ sưu tập của Bảo tàng Louvre hiện nay gồm hơn 380.000 hiện vật, nhưng chỉ khoảng 35.000 trong số đó được trưng bày thường xuyên. Theo cách phân loại của bảo tàng, các hiện vật của Louvre trưng bày trong tám khu vực chính: Phương Đông cổ đại; Ai Cập cổ đại; Hy Lạp, La Mã và Etruria cổ đại; Nghệ thuật Hồi giáo; Hội họa; Điêu khắc; Nghệ thuật họa hình và Nghệ thuật trang trí. Bên cạnh đó, bảo tàng còn một khu trưng bày các hiện vật lịch sử của chính cung điện Louvre và một bộ sưu tập nghệ thuật châu Á, Phi, Mỹ và châu Đại Dương.

Những hiện vật đầu tiên của Louvre phần lớn có nguồn gốc từ bộ sưu tập của hoàng gia Pháp. Qua thời gian, nhờ những hoạt động khai quật khảo cổ, mua bán, những di vật, các hiện vật chuyển tới từ những bảo tàng khác và cơ quan khác... Louvre hiện nay sở hữu một bộ sưu tập giá trị bậc nhất thế giới. Các hiện vật về phương Đông, Ai Cập cổ đại của bảo tàng là những minh chứng sống động cho các nền văn minh cổ. Các tác phẩm điêu khắc Hy Lạp như Tượng thần chiến thắng Samothrace, Tượng thần Vệ Nữ được xem như những kiệt tác của nghệ thuật cổ điển. Louvre cũng là nơi trưng bày những họa phẩm nổi tiếng và phong phú bậc nhất, có thể kể đến như Mona Lisa của Leonardo da Vinci, The Wedding at Cana của Paolo Veronese, Le Serment des Horaces của Jacques-Louis David, Le Radeau de la Méduse của Théodore Géricault, La Liberté guidant le peuple của Eugène Delacroix.

[sửa] [sửa]

Bảo tàng Orsay

Bảo tàng Orsay

Bảo tàng Orsay là một bảo tàng nghệ thuật nằm ở Quận 7, thành phố Paris. Tọa lạc bên bờ sông Seine, thuộc khu vực trung tâm của thành phố, tòa nhà bảo tàng Orsay vốn là nhà ga cũ được xây dựng nhân dịp Triển lãm thế giới năm 1900. Năm 1973, Ban chỉ đạo các bảo tàng nước Pháp bắt đầu xem xét việc tu sửa lại nhà ga cho một bảo tàng mới về nghệ thuật châu Âu nửa sau thế kỷ 19. Tổng thống Valéry Giscard d'Estaing ký quyết định chính thức thành lập bảo tàng Orsay vào ngày 20 tháng 10 năm 1973. Sau hơn ba năm, ngày 1 tháng 12 năm 1986, Tổng thống François Mitterrand khánh thành bảo tàng mới, chính thức mở cửa cho công chúng từ 9 tháng 12 năm 1986.

Ngày nay, Orsay là một trong những bảo tàng quan trọng nhất của Paris, sở hữu các tác phẩm nổi tiếng của nghệ thuật phương Tây thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Với các không gian dành cho hội họa, điêu khắc, họa hình, kiến trúc, nhiếp ảnh và nghệ thuật trang trí, bảo tàng trưng bày một trong những bộ sưu tập giá trị nhất của hai trường phái ấn tượnghậu ấn tượng, tác phẩm của những nghệ sĩ danh tiếng như Claude Monet, Édouard Manet, Edgar Degas, Pierre-Auguste Renoir, Gustave Courbet, Auguste Rodin, Paul Cézanne, Vincent van Gogh... Bảo tàng Orsay là một trong những điểm du lịch quan trọng và thu hút du khách nhất thành phố. Với 3.025.141 lượt khách vào năm 2008, Orsay đứng thứ 9 trong số những bảo tàng đông khách nhất trên thế giới.

Cải tạo Paris thời Đệ nhị đế chế

Công trường xây dựng phố Rivoli.

Cải tạo Paris thời Đệ nhị đế chế hay Các công trình Haussmann là dự án tái quy hoạch và hiện đại hóa thủ đô Paris của Pháp dưới thời Napoléon III. Dự án lớn này được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1852 đến năm 1870 dưới sự phụ trách của tỉnh trưởng tỉnh Seine, Nam tước Georges Eugène Haussmann.

Dự án của Haussmann bao trùm lên tất cả các mặt quy hoạch đô thị của Paris như kiến trúc đô thị, đường xá, không gian xanh, hệ thống cung cấp và thoát nước. Các công trình cải tạo thành phố được thực hiện ở cả vùng trung tâm Paris lẫn các khu vực ngoại ô, không chỉ dừng lại ở các kế hoạch cải tạo quy mô lớn, mà còn tác động đến vẻ đẹp bên ngoài của từng khu nhà riêng biệt.

Tuy gặp phải một số chỉ trích vào thời gian thực hiện nhưng cùng với thời gian, dự án quy hoạch của Haussmann đã cho thấy hiệu quả lớn khi biến thành phố Paris từ một đô thị cổ, đường xá chật hẹp, trở thành một đô thị hiện đại với các đại lộ lớn cùng những quảng trường thoáng đãng. Không chỉ tạo ra bộ mặt của Paris ngày nay, các cải tạo của Haussmann còn là một kho báu cho các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch đô thị và sử gia.

[sửa] [sửa]
Một bài viết chọn lọc về Paris
Một bài viết chọn lọc về Paris

Métro Paris

Bến tàu điện ngầm Porte Dauphine

Métro Paris là hệ thống tàu điện ngầm phục vụ thành phố và vùng đô thị Paris. Tính cho đến năm 2011, hệ thống này có 16 tuyến, phần lớn chạy ngầm dưới đất, với tổng chiều dài 214 km. Métro Paris là một trong những biểu tượng của thủ đô nước Pháp, đặc trưng bởi mạng lưới các tuyến dày đặc, mật độ sử dụng cao và các bến tàu điện ngầm được trang trí theo phong cách Art nouveau.

Tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của thành phố Paris được khánh thành nhân dịp Triển lãm thế giới 1900. Trong suốt những thập niên đầu thế kỷ 20, hệ thống Métro Paris phát triển mạnh mẽ, cho đến khi Thế chiến thứ hai bùng nổ. Sau một giai đoạn hoạt động trầm lắng trong “những thập niên của ô tô” 1950–1970, nhiều tuyến tàu điện ngầm đã tiếp tục được kéo dài ra vùng ngoại ô thành phố. Trong nội ô, các tuyến và trạm đã trở nên dày đặc đã khiến một thời gian dài Métro Paris không có thêm tuyến mới. Cho tới tận tháng 10 năm 1998, tuyến số 14, mới nhất của Métro Paris, được khánh thành. Khác với các tuyến trước đó, tuyến 14 được tự động hóa hoàn toàn.

Hiện nay hệ thống Métro Paris phục vụ việc đi lại cho khoảng 4 triệu lượt người mỗi ngày. Trong năm 2009, Métro Paris có tổng cộng 1,479 tỷ lượt hành khách. Tổng số Métro Paris có 300 bến, trong đó có 62 bến giao từ 2 tuyến trở lên. Về lượng hành khách vận chuyển, Métro Paris đứng thứ 4 thế giới sau các hệ thống tàu điện ngầm ở Moskva, TokyoThành phố Mexico.

Một bài viết chọn lọc về Paris
Một bài viết chọn lọc về Paris

Paris Saint-Germain

PSG gặp Lyon, 20 tháng 9 năm 2009

Paris Saint-Germain là một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp tại Paris, thủ đô nước Pháp. Tiền thân là câu lạc bộ đa thể thao Stade Saint-Germain, Paris Saint-Germain chính thức được thành lập năm 1970 và hầu như liên tục thi đấu tại Giải vô địch bóng đá quốc gia Pháp. Câu lạc bộ của “kinh đô ánh sáng” này còn được gọi phổ biến bằng những cái tên PSG hay Paris SG.

Từ khi tham dự giải Hạng nhất nước Pháp, Paris Saint-Germain đã hai lần giành ngôi vô địch vào những năm 1986 và 1994. Câu lạc bộ cũng 6 lần giữ vị trí á quân, trong đó có mùa bóng 1992–1993, Paris Saint-Germain từ chối chức vô địch sau khi Olympique Marseille bị tước danh hiệu vì scandal. Với các giải đá cúp, câu lạc bộ có nhiều thành tích hơn với 7 lần đoạt cúp Quốc gia, 3 lần giành cúp Liên hoàn và 2 Siêu cúp nước Pháp. Trên đấu trường châu Âu, thành tích lớn nhất mà Paris Saint-Germain đạt được là chiếc cúp C2 vào năm 1996, cũng là chiếc cúp C2 duy nhất mà bóng đá Pháp có được trong lịch sử.

Đại diện cho “kinh đô ánh sáng”, trang phục thi đấu của Paris Saint-Germain mang hai màu xanh, đỏ chủ đạo, cũng chính là màu cờ của thành phố Paris. Sân nhà của câu lạc bộ có cái tên Công viên các Hoàng tử nằm tại Quận 16, kế bên khu rừng Boulogne, với sức chứa 48.712 chỗ ngồi. Mùa giải 2010–2011, Paris Saint-Germain tham gia giải Vô địch nước Pháp dưới sự dẫn dắt của Antoine Kombouaré, người nhận cương vị huấn luyện viên từ ngày 1 tháng 6 năm 2009.

[sửa] [sửa]
Một bài viết chọn lọc về Paris
Một bài viết chọn lọc về Paris

Danh sách bảo tàng Paris

Bảo tàng Jacquemart-André

Trong nội ô thành phố Paris hiện có hơn 136 bảo tàng—nơi trưng bày một bộ sưu tập thường xuyên. Nhiều bảo tàng của Paris nằm trong hệ thống bảo tàng quốc gia, một số khác do Hội đồng thành phố quản lý, còn lại là những bảo tàng tư nhân hoặc thuộc các bộ, cơ quan khác. Số lượng bảo tàng quốc gia và thành phố đôi khi được thống kê khác nhau do nhiều bảo tàng nhỏ phụ thuộc những bảo tàng lớn khác về mặt hành chính, như Bảo tàng Ennery thuộc Bảo tàng Guimet, Bảo tàng Hébert thuộc Bảo tàng Orsay.

Phần lớn các bảo tàng quan trọng của Paris nằm trong những quận trung tâm, ngoại trừ Cité des sciences et de l'industrie trong công viên La Villette thuộc Quận 19 và Bảo tàng Guimet, Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại thành phố Paris nằm ở Quận 16. Quận 16 cũng là khu vực tập trung một số lượng lớn những bảo tàng, nhưng phần nhiều là các bảo tàng nhỏ.

Ngoại trừ những không gian triển lãm, các bảo tàng thành phố đều mở cửa tự do cho công chúng, còn những bảo tàng thuộc Hiệp hội bảo tàng quốc gia chỉ miễn phí vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng. Phần lớn các bảo tàng ở Paris mở cửa cuối tuần, nhưng đóng cửa vào thứ hai hoặc thứ ba. Rất nhiều bảo tàng còn mở cửa đón công chúng vào một buổi tối trong tuần.

Thang máy đồi Montmartre

Thang máy đồi Montmartre

Thang máy đồi Montmartre là một hệ thống thang máy tự động nằm ở Quận 18 thành phố Paris. Với hai trạm dừng, thang máy nối từ chân đồi Montmartre lên tới đỉnh, vị trí của nhà thờ Sacré-Cœur. Hệ thống gồm hai buồng độc lập vận hành bằng động cơ điện, sức chứa khoảng 60 người. Hai trạm của thang máy cách nhau 108 mét và có độ cao chênh lệch 36 mét, mỗi chuyến, thang máy vận hành hết khoảng 1 phút 30 giây. Được bắt đầu khai thác vào năm 1900, hiện nay hệ thống thang máy này do công ty RATP quản lý.

Thang máy đồi Montmartre không chỉ là một thang máy đơn thuần. Với vị trí một trong những điểm thu hút nhất Paris, hành khách sử dụng thang máy phần đông là khách du lịch. Phần còn lại là người dân Paris tới thăm nhà thờ hay đến hưởng không khí của Montmartre và quảng trường Tertre trên đỉnh đồi. Thang máy đồi Montmartre được xem như một phần của hệ thống tàu điện ngầm Paris và sử dụng chung một loại vé. Ngày nay, thang máy đồi Montmatre chuyên chở khoảng 2 triệu lượt khách mỗi năm, tức trung bình khoảng 6.000 lượt khách mỗi ngày.

[sửa] [sửa]

Tour de France

Tour de France 2012 ở Paris.

Tour de France là giải đua xe đạp vòng quanh nước Pháp, được xem như giải đua xe đạp nổi tiếng nhất thế giới. Mặc dù địa hình đường đua của Tour de France không đòi hỏi cao hơn hai cuộc đua Vòng quanh nước Ý và Vòng quanh Tây Ban Nha, nhưng chính các tay đua đã khiến Tour de France trở thành đường đua khắc nghiệt nhất. Hành trình từng chặng của giải thay đổi hằng năm, chỉ có đại lộ Champs-ÉlyséesParis, địa điểm kết thúc Tour de France từ năm 1975 là không thay đổi.

Tour de France được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1903 là cuộc đua nhiều chặng thực sự đầu tiên trong lịch sử của bộ môn thể thao xe đạp. Điểm mới của Tour de France là tổ chức nhiều cuộc đua xe đạp trực tiếp liên tục xuyên qua nước Pháp và cộng các khoảng thời gian lại. Giải đua nhanh chóng biết đến thành công, số chặng đua dần nâng cao và tốc độ trung bình cũng liên tục tăng theo thời gian.

Hiện nay, mỗi năm khoảng 20 đến 22 đội chuyên nghiệp được mời tham dự Tour de France. Phần lớn các đội đua đến từ Pháp, ÝTây Ban Nha, thêm vào đó một số đội đến từ Bỉ, Hà Lan, Đức, Đan Mạch, Thụy SĩHoa Kỳ. Lance Armstrong, tay đua nổi tiếng người Mỹ, hiện là người giữ kỷ lục 7 lần chiến thắng liên tiếp tại giải đua danh tiếng này.

Một bài viết chọn lọc về Paris
Một bài viết chọn lọc về Paris

Thư viện Quốc gia Pháp

Phòng đọc Ovale, địa điểm Richelieu của Thư viện Quốc gia Pháp.

Thư viện Quốc gia Pháp là thư viện quan trọng nhất, đồng thời là cơ quan giữ chức năng lưu chiểu xuất bản phẩm của Pháp. Với vai trò thư viện quốc gia, đây cũng là nơi sưu tầm và lưu trữ những di sản thư tịch, đồng thời đảm nhiệm chức năng biên soạn, phát hành thư mục quốc gia. Thư viện Quốc gia Pháp ngày nay bao gồm 5 địa điểm và 2 trung tâm bảo quản tài liệu, trong đó địa điểm chính mang tên François-Mitterrand nằm ở Quận 13, Paris, còn địa điểm lịch sử Richelieu vẫn nằm trong trung tâm thành phố.

Thư viện Quốc gia Pháp có lịch sử bắt đầu vào năm 1368, khi vua Charles V cho thành lập thư viện cá nhân đặt trong cung điện Louvre. Năm 1537, François I ghi một dấu ấn quan trọng trong lịch sử thư viện khi ban hành chiếu dụ Montpellier, bắt buộc tất cả những ấn phẩm xuất bản tại Pháp phải có một bản sao lưu giữ trong thư viện hoàng gia ở lâu đài Blois. Trở thành thư viện quốc gia vào thời kỳ Cách mạng, thư viện không ngừng đón nhận những bộ sưu tập sách được đưa về từ khắp Paris và nước Pháp, rồi từ cả những quốc gia láng giềng. Sự phát triển liên tục của bộ sưu tập tài liệu đã đẩy thư viện vào giai đoạn khó khăn tiếp theo vì thiếu không gian lưu trữ. Năm 1988, sau những cuộc tranh luận kéo dài, Tổng thống François Mitterrand quyết định xây dựng một thư viện mới. Trải qua 5 năm xây dựng, thư viện François-Mitterrand được khánh thành vào năm 1996, mang cái tên tưởng nhớ tới vị tổng thống đã khai sinh công trình.

[sửa] [sửa]
Một bài viết chọn lọc về Paris
Một bài viết chọn lọc về Paris

Palais Bourbon

Palais Bourbon

Palais Bourbon là tên thường gọi của tòa nhà Quốc hội Pháp hiện nay, công trình nằm bên bờ sông Seine, thuộc Quận 7 thành phố Paris. Được Công tước phu nhân Louise Françoise de Bourbon—con gái vua Louis XIV của Pháp—cho xây dựng từ năm 1722, Palais Bourbon tiếp tục được người cháu nội là Thân vương Louis V Joseph xứ Condé mở rộng trong nhiều năm. Tới thời kỳ Cách mạng Pháp, cung điện được chọn làm trụ sở của quốc hội và giữ vai trò này hầu như liên tục đến tận ngày nay.

Bên cạnh chức năng quan trọng, Palais Bourbon còn là một công trình kiến trúc nổi tiếng. Mặt ngoài cung điện phía sông Seine với hàng 12 cây cột là tác phẩm của kiến trúc sư Bernard Poyet thời Đệ nhất đế chế. Họa sĩ Eugène Delacroix cũng từng nhiều năm trang trí cho các căn phòng của Palais Bourbon. Sau nhiều lần tu sửa và mở rộng, toàn bộ cung điện hiện nay chiếm một diện tích 124 nghìn mét vuông, phục vụ khoảng 3 ngàn người làm việc. Thư viện của Palais Bourbon, được thành lập dưới thời Cách mạng, cũng là nơi lưu trữ nhiều tài liệu giá trị, trong đó có những bản thảo của Jean-Jacques Rousseau và tài liệu gốc của vụ án xử Jeanne d'Arc.

Cùng với một số công trình khác hai bên bờ sông Seine, Palais Bourbon nằm trong quần thể kiến trúc đã được UNESCO công nhận di sản thế giới vào năm 1991.

Một bài viết chọn lọc về Paris
Một bài viết chọn lọc về Paris

Hệ thống bảo tàng Paris

Musée de la Légion d'honneur.

Thành phố Paris hiện sở hữu một hệ thống gồm hơn 136 bảo tàng, trong đó có 14 bảo tàng thuộc Hiệp hội bảo tàng quốc gia và 14 bảo tàng do chính quyền thành phố quản lý. Là một trung tâm của nghệ thuật từ nhiều thế kỷ, Paris lưu giữ rất nhiều những tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng, từ Leonardo da Vinci, Raffaello, Delacroix tới Monet, Van Gogh, Matisse, Picasso. Các bảo tàng nơi đây cũng trưng bày những bộ sưu tập hiện vật giá trị về lịch sử, khoa học, khảo cổ hay các nền văn minh, đến từ khắp nơi trên thế giới. Không ít bảo tàng ở Paris còn được dành cho những lĩnh vực đa dạng và độc đáo như thời trang, sân khấu, thể thao hay mỹ phẩm, ẩm thực.

Những bảo tàng đầu tiên của Paris được thành lập vào thời kỳ Cách mạng Pháp. Trong giai đoạn này, nhiều tài sản hoàng gia trở thành tài sản quốc gia, và Louvre mở cửa ngày 10 tháng 8 năm 1793, có thể xem như bảo tàng đầu tiên của Paris, cũng là bảo tàng đầu tiên của nước Pháp. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, thời kỳ Belle Époque, hàng loạt những bảo tàng mới ra đời ở Paris, trong đó không ít bảo tàng xuất phát từ những bộ sưu tập cá nhân do các nhà hảo tâm di tặng. Những thập niên gần đây, thành phố vẫn tiếp tục xây dựng thêm các bảo tàng mới. Quai Branly mở cửa từ năm 2006, là bảo tàng lớn mới nhất của Paris hiện nay.

[sửa] [sửa]
Một bài viết chọn lọc về Paris
Một bài viết chọn lọc về Paris

Danh sách các cây cầu Paris

Cầu Louis Philippe.

Thành phố Paris được xây dựng hai bên bờ sông Seine, vì vậy có thể thấy ở đây một số lượng lớn những cây cầu. Trong nội ô thành phố, Paris có 37 cây cầu bắc qua sông Seine, 58 cầu khác ngoài sông Seine, 148 cầu hoặc cầu vượt trên Đại lộ vành đai, 49 cầu nhỏ cho người đi bộ.

Trong lịch sử, xuất hiện sớm nhất ở Paris là những cây cầu có nhà xây bên trên. Những nhịp cầu ngắn khi đó là không gian được dành cho các cối xay bột cùng những hoạt động khác. Pont Neuf, công trình được hoàng gia cho xây dựng từ năm 1578, chính là cây cầu đầu tiên không có nhà bên trên. Thế kỷ 19, thành phố được mở rộng, rất nhiều cây cầu mới xuất hiện, cải thiện việc giao thông giữa hai bờ sông. Các nhịp cầu dài thêm và các chất liệu hiện đại dần được sử dụng. Từ đầu thế kỷ cho tới thập niên 1870, 15 cây cầu bắc qua sông Seine được xây dựng, nhiều hơn tổng cộng của tất cả các thế kỷ trước đó. Những thập niên gần đây, Paris vẫn có thêm những cây cầu mới. Cầu Simone-de-Beauvoir, hoàn thành năm 2006, là cây cầu ít tuổi nhất trong số 37 cây cầu bắc qua sông Seine của thành phố.

Một bài viết chọn lọc về Paris
Một bài viết chọn lọc về Paris

Hotel Chevalier

Natalie Portman

Hotel Chevalier là một bộ phim ngắn công chiếu vào năm 2007, do Wes Anderson viết kịch bản và đạo diễn. Với sự tham gia diễn xuất của Jason Schwartzman cùng Natalie Portman trong vai đôi tình nhân cũ gặp nhau trong một khách sạn ở Paris, bộ phim dài 13 phút này là phần mở đầu cho The Darjeeling Limited, một bộ phim khác cũng do Wes Anderson đạo diễn. Hotel Chevalier được quay tại một khách sạn ở Paris chỉ với một đoàn làm phim nhỏ và đạo diễn Wes Anderson cũng chính là người chịu kinh phí sản xuất.

Được trình chiếu vào 2 tháng 9 tại Liên hoan phim Venezia 2007 cùng The Darjeeling Limited, Hotel Chevalier sau đó có buổi ra mắt riêng tại các Apple Store ở bốn thành phố của Hoa Kỳ. Một ngày sau buổi ra mắt, bộ phim được đưa lên iTunes Store cho tải miễn phí trong vòng một tháng và đã có 500 nghìn lượt tải về. Hotel Chevalier là phim ngắn gây được nhiều chú ý trong năm 2007, một phần nhờ cảnh diễn khỏa thân của ngôi sao nữ Natalie Portman. Được đánh giá cao hơn chính The Darjeeling Limited, nhiều nhà phê bình đã ngợi khen Hotel Chevalier như một bộ phim sâu sắc, phong phú, được dựng tỉ mỉ và kỹ lưỡng.

[sửa] [sửa]