Bước tới nội dung

Cá bàng chài đầu đen

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thalassoma lunare
Cá đực trưởng thành
Cá cái đang trưởng thành
Tình trạng bảo tồn
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Animalia
Ngành (phylum)Chordata
Lớp (class)Actinopterygii
Bộ (ordo)Labriformes
Họ (familia)Labridae
Chi (genus)Thalassoma
Loài (species)T. lunare
Danh pháp hai phần
Thalassoma lunare
(Linnaeus, 1758)
Danh pháp đồng nghĩa
  • Labrus lunaris Linnaeus, 1758

Cá bàng chài đầu đen (danh pháp hai phần: Thalassoma lunare) là một loài cá biển thuộc chi Thalassoma trong họ Cá bàng chài. Loài này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1758.

Từ nguyên

[sửa | sửa mã nguồn]

Từ định danh lunare trong tiếng Latinh có nghĩa là "liên quan đến mặt trăng", hàm ý đề cập đến vây đuôi có hình bán nguyệt hoặc hình lưỡi liềm như trăng non[2].

Phạm vi phân bố và môi trường sống

[sửa | sửa mã nguồn]

T. lunare có phạm vi phân bố rộng rãi trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Từ Biển Đỏbiển Ả Rập, loài này được ghi nhận theo bờ biển OmanYemen, trải dài xuống bờ biển Đông Phi đến Nam Phi, bao gồm Madagascar và các đảo quốc xung quanh; từ bờ biển Nam Ấn ĐộSri Lanka, trải dài về phía nam đến Chagos, đảo Giáng Sinhquần đảo Cocos (Keeling), xa hơn nữa là đến bờ biển bang Tây Úc (bao gồm các rạn san hô vòngbãi cạn ngoài khơi); từ biển Andaman trải rộng trên khắp vùng biển các nước Đông Nam Á, ngược lên phía bắc đến đảo Đài Loan và vùng biển Nam Nhật Bản, về phía nam trải dài đến rạn san hô Great Barrier và bờ biển Đông Úc, xa hơn là đến Bắc New Zealand; ở phạm vi phía đông được ghi nhận tại hầu hết các đảo quốcquần đảo thuộc châu Đại Dương (ngoại trừ quần đảo Hawaii)[1].

T. lunare sống gần các rạn san hô viền bờ và trong các đầm phá ở độ sâu đến ít nhất là 30 m[1][3].

Cá con

T. lunare có chiều dài cơ thể tối đa được ghi nhận là 45 cm[3]. Như những loài Thalassoma khác, T. lunare là một loài lưỡng tính tiền nữ (protogynous hermaphrodite), nghĩa là tất cả cá con đều phải trải qua giai đoạn trung gian là cá cái trước khi biến đổi hoàn toàn thành cá đực.

Cá trưởng thành (đực lẫn cái) có cơ thể màu xanh lục, nhưng cá đực sẫm màu xanh lam hơn, đặc biệt là trong quá trình tán tỉnh. Mỗi bên thân có các vạch sọc đứng màu đỏ trên vảy. Đầu có các vệt màu hồng tím. Thùy đuôi có màu hồng tím viền xanh óng, phần còn lại của đuôi màu vàng tươi. Vây ngực màu lam với một vệt đốm màu tím ở giữa, là đặc điểm phân biệt loài này với Thalassoma lutescens. Cá con có màu ô liu (nâu lục) với một đốm đen ở giữa vây lưng và một đốm tương tự giữa cuống đuôi[4][5][6].

Số gai ở vây lưng: 8; Số tia vây ở vây lưng: 13; Số gai ở vây hậu môn: 3; Số tia vây ở vây hậu môn: 11; Số tia vây ở vây ngực: 15[4][5].

Sinh thái và hành vi

[sửa | sửa mã nguồn]
T. lunare × T. cupido

T. lunare sống đơn độc hoặc hợp thành từng nhóm. Thức ăn chủ yếu là các loài thủy sinh không xương sống và trứng cá, nhưng chúng cũng có thể ăn các loài cá nhỏ hơn[4][5].

T. lunare được ghi nhận là đã lai tạp với các loài cá bàng chài khác là Gomphosus varius (Tây Úcrạn san hô Great Barrier)[7], Thalassoma rueppellii (Biển Đỏ)[8]Thalassoma cupido (Nhật Bản).

Thương mại

[sửa | sửa mã nguồn]

T. lunare là loài cá cảnh rất phổ biến được đánh bắt nhằm mục đích thương mại, tuy nhiên cũng được xem là một loài hải sản[1].

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c d Shea, S.; Liu, M.; Sadovy, Y.; Rocha, L.A. (2010). Thalassoma lunare. Sách đỏ IUCN về các loài bị đe dọa. 2010: e.T187381A8518738. doi:10.2305/IUCN.UK.2010-4.RLTS.T187381A8518738.en. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2021.
  2. ^ C. Scharpf; K. J. Lazara (2020). “Order LABRIFORMES: Family LABRIDAE (i-x)”. The ETYFish Project Fish Name Etymology Database. Truy cập ngày 19 tháng 3 năm 2021.
  3. ^ a b Froese Rainer, và Daniel Pauly (chủ biên) (2019). Thalassoma lunare trong FishBase. Phiên bản tháng 2 2019.
  4. ^ a b c John E. Randall (1995). Coastal Fishes of Oman. Nhà xuất bản Đại học Hawaii. tr. 290. ISBN 978-0824818081.
  5. ^ a b c John E. Randall; Gerald R. Allen; Roger C. Steene (1997). The Fishes of the Great Barrier Reef and Coral Sea. Nhà xuất bản Đại học Hawaii. tr. 337. ISBN 978-0824818951.
  6. ^ Thalassoma lunare Labridae”. Reef Life Survey. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2021.
  7. ^ John E. Randall; Gerald R. Allen (2004). Gomphosus varius × Thalassoma lunare, a hybrid labrid fish from Australia” (PDF). aqua, Journal of Ichthyology and Aquatic Biology. 8 (3): 135–139.[liên kết hỏng]
  8. ^ John E. Randall; Aharon Miroz (2001). Thalassoma lunare x Thalassoma ruepellii, a Hybrid Labrid Fish from the Red Sea” (PDF). aqua, Journal of Ichthyology and Aquatic Biology. 4 (4): 131–134.[liên kết hỏng]