Bước tới nội dung

Alice Keppel

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Alice Edmonstone
Thông tin chung
Tên đầy đủ
Alice Frederica Edmonstone của Duntreath
Tước hiệu và kính xưngBà George Keppel Danh dự
Sinh29 tháng 4 năm 1868
Woolwich, Kent
Mất11 tháng 9 năm 1947(1947-09-11) (79 tuổi)
Bellosguardo, Ý
An tángCimitero degli Allori, Firenze
Phối ngẫuGeorge Keppel ​(kết hôn 1891)
Hậu duệViolet Keppel
Sonia Rosemary Keppel
ChaWilliam Edmonstone, Tòng Nam tước thứ 4 xứ Duntreath
MẹMary Elizabeth Parsons
Được nhớ đến làTình nhân và bạn tâm giao của Vua Edward VII của Anh
Bà cố ngoại của Vương hậu Camilla của Liên hiệp Anh

Alice Frederica Keppel (nhũ danh Edmonstone; 29 tháng 4 năm 1868 - 11 tháng 9 năm 1947)[1] là một nữ tiếp viên người Anh, đồng thời là tình nhân và bạn tâm giao lâu năm của Vua Edward VII.

Keppel lớn lên tại lâu đài Duntreath, cơ ngơi của gia đình các Nam tước Edmonstone ở Scotland. Bà là con út của Mary Elizabeth, nhũ danh Parsons, và Sir William Edmonstone, Nam tước thứ 4.[2] Năm 1891, bà kết hôn với The Honourable George Keppel và sinh cho ông hai người con gái. Bà trở thành một trong những nữ tiếp viên nổi tiếng nhất trong thời đại Edward. Vẻ đẹp, sự quyến rũ và bản tính thận trọng của bà đã gây ấn tượng trong xã hội London thời kỳ bấy giờ và khiến bà được Vua Edward VII tương lai chú ý đến vào năm 1898, người bà đã kề bên cho đến ngày ông qua đời, giúp vơi đi phần nào tâm trạng u uất của Edward VII trong những năm cuối đời và được cho là có ảnh hưởng đáng kể.

Thông qua người con gái thứ hai là Sonia Cubitt, Alice Keppel là bà cố của Camilla, Vương hậu Liên hiệp Anh, vợ thứ hai của cháu cố của Edward, Charles III của Liên hiệp Anh.

Thiếu thời

[sửa | sửa mã nguồn]
Duntreath Castle

Alice Frederica Edmonstone (gia đình gọi là "Freddie") chào đời ngày 29 tháng 4 năm 1868 tại Woolwich Dockyard, Kent. Mẹ bà là Mary Elizabeth, nhũ danh Parsons (1823–1902) và cha là Sir William Edmonstone, Nam tước thứ 4 (1810–1888), giữ cương vị quản lý tại Dockyard lúc bấy giờ.[3] Bên cạnh địa vị Nam tước, cha bà còn là một Đô đốc trong Hải quân Vương thất đã về hưu, ông ngoại bà từng là Toàn quyền của Quần đảo Ionian.[4] Alice là con út trong gia đình có một anh trai và bảy chị gái, trong giai đoạn trưởng thành, bà thân thiết với người anh Sir Archibald Edmonstone (Archie) hơn các chị gái.[5]

Alice lớn lên tại lâu đài Duntreath,[3] nơi cư ngụ của gia tộc Edmonstone từ thế kỷ 14. Lâu đài là món quà cưới của Vua Robert III của Scotland tặng cho con gái là Mary Stewart khi bà kết hôn với người chồng thứ tư, Sir William Edmonstone xứ Culloden, vào năm 1425. Mary và Robert có một con trai là Sir William Edmonstone xứ Duntreath.[3]

Hôn nhân

[sửa | sửa mã nguồn]
Bà George Keppel và con gái Violet năm 1899

Ngày 1 tháng 6 năm 1891, ở tuổi 23, Alice kết hôn với George Keppel, con trai của Bá tước thứ 7 xứ Albemarle. Keppel lớn hơn Alice bốn tuổi và đang phục vụ trong quân đội Anh vào thời điểm hai người kết hôn. Gia đình Keppel có lịch sử phục vụ cho vương thất Anh do là hậu duệ của Arnold Joost van Keppel, người đã tháp tùng Vua William III đến Anh vào năm 1688 và được phong tước hiệu [Bá tước xứ Albemarle] vào năm 1696.[6] The Honourable Sir George Keppel và vợ có hai con gái: Violet Trefusis (6 tháng 6 năm 1894 - 29 tháng 2 năm 1972) và Sonia Rosemary Cubitt (24 tháng 5 năm 1900 - 16 tháng 8 năm 1986).[7][8][9]

Tình trạng nợ nần của chồng khiến Alice Keppel phải qua lại với những người đàn ông giàu có hơn để nuôi sống gia đình theo phong cách sống của xã hội London thời kỳ đó. Keppel bắt đầu mối tình đầu tiên với Ernest Beckett, Nam tước Grimthorpe thứ 2. Các thành viên gia đình Keppel tin rằng Beckett mới là cha ruột của Violet, con gái của Keppel. Keppel cũng có quan hệ tình cảm với Humphrey Sturt, Nam tước Alington thứ 2.[10]

Chồng của Keppel từng phát biểu về vợ mình rằng: "Tôi không bận tâm cô ấy làm gì, miễn là sau cùng cô ấy cũng quay về bên tôi."[11] George Keppel biết rõ và quản lý chuyện ngoại tình của vợ mình, và cho dù yêu vợ sâu sắc, George cũng có tình nhân bên ngoài.[12] Nhà sử học Christopher Hibbert nhận định "Chính bản thân George cũng rất hứng thú với phụ nữ nên ông ấy không phản đối mối quan hệ của Thân vương xứ Wales với vợ mình"[13]. Bất chấp chuyện ngoại tình của cha mẹ, một trong hai con gái của Alice mô tả hôn nhân của cha mẹ là "cuộc hôn nhân đầy ắp tình yêu và tiếng cười".[14]

Công việc tiếp viên

[sửa | sửa mã nguồn]

Keppel trở thành một trong những nữ tiếp viên nổi tiếng nhất thời đại Edward. Bà tiếp đón các khách hàng cực kỳ trọng thị và tử tế. Bà được miêu tả là người phụ nữ dí dỏm, tốt bụng và bình thản. Cô con gái lớn Violet viết về mẹ: "Bà ấy không chỉ có diễm phúc là bản tính vui nhộn mà còn rất giỏi trong việc làm cho người khác hạnh phúc và sung sướng, như một cây thông Noel đầy ắp quà cho mọi người".[5]

Nhà văn người Anh Sir Harold Acton mô tả Keppel: "Không ai có thể so với cô vẻ quyến rũ trong vai trò nữ tiếp viên. Cô có thể thủ vai Britannia trong một hoạt cảnh và thể hiện tốt vai ấy."[15] Keppel là nguồn cảm hứng cho nhân vật "Mrs Romola Cheyne" trong tiểu thuyết của Vita Sackville-West, The Edwardians.[7][16] Bà được ca ngợi là một trong những mỹ nhân của "thập niên 90 hư hỏng", được miêu tả có làn da trắng như ngọc, đôi mắt xanh to tròn, vòng eo nhỏ, mái tóc màu hạt dẻ và vòng một nở nang.[5][17]

Tình nhân của Edward VII

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1898, Keppel khi ấy 29 tuổi gặp Edward, Thân vương xứ Wales (sau này là Vua Edward VII), người thừa kế 56 tuổi của ngai vàng Anh. Dù chênh lệch nhau tới 26 tuổi, bà nhanh chóng trở thành một trong những tình nhân của Edward. Keppel sống tại số 30 Portman Square, và Edward thường xuyên đến thăm bà; chồng bà thường tránh mặt đi chỗ khác mỗi khi Thân vương xứ Wales đến thăm vợ mình.[18] Mối quan hệ của bà với Edward kéo dài cho đến khi ông lên ngôi vào năm 1901 và cho đến ngày ông qua đời vào năm 1910. Keppel là một trong số ít người bên cạnh Edward VII có thể làm nhẹ bớt nỗi lòng của ông.[19]

Vợ của Edward, Alexandra của Đan Mạch, quý mến Keppel và khoan thứ cho mối quan hệ này. Bà quý Keppel hơn tình nhân trước đây của Edward là Daisy Greville, Bá tước phu nhân xứ Warwick, người mà Alexandra rất ghét vì sự hớ hênh khi khoe khoang địa vị của mình.[7] Millicent Leveson-Gower, Bà Công tước xứ Sutherland, em gái cùng cha khác mẹ của Lady Warwick, nói rằng Thân vương là "một đứa trẻ vui vẻ hơn nhiều kể từ khi thay tình nhân".[20]

Nhờ làm tình nhân của Thân vương xứ Wales, Keppel trở nên giàu có hơn. Nhà Vua cho phép một số người bạn như Sir Ernest Cassel tạo các khoản vốn để giúp Keppel vững về mặt tài chính.[19] Thay vì trích tiền từ Tư khố (Privy Purse) để đưa trực tiếp cho bà, nhà Vua đã cho Keppel cổ phần trong một công ty cao su; nhờ vậy mà sau đó Keppel thu về 50.000 bảng Anh, tương đương khoảng 7,5 triệu bảng Anh ngày nay. Edward giao việc quản lý công việc kinh doanh của Keppel cho các nhân viên ngân hàng và cố vấn tài chính của mình.[21] Ông cũng cho chồng Keppel một công việc tốt với mức lương cao hơn. Theo Christopher Hibbert, "George vui vẻ đến làm việc cho Sir Thomas Lipton, người đã tìm cho anh ta một công việc theo lệnh của Thân vương."[13] Với sức ảnh hưởng của mình, Keppel cũng tìm cho anh trai Archie một công việc trong vương thất: Archie trở thành Groom-in-Waiting trong ba năm cuối cùng triều đại Edward VII. Keppel sau đó đã chăm lo cho Archie và gia đình của ông.[5]

Địa vị trong triều

[sửa | sửa mã nguồn]
Alice Keppel trong trang phục vũ hội tại lâu đài Windsor năm 1895.

Sau khi Edward lên ngôi vào năm 1901, sự thận trọng của Keppel đã khiến bà trở thành người kết nối giữa nhà Vua và các Bộ trưởng. Bà biết cách trình bày một chủ đề với Edward để ông lắng nghe bà, ngay cả những lúc ông không bằng lòng. Phó vương Ấn Độ từng nói "có một hoặc hai lần Đức Vua bất đồng với Bộ Ngoại giao, và tôi đã thông qua bà ấy để khuyên bảo Đức Vua để Ngài ưng thuận các chính sách đối ngoại của chính phủ."[21]

Ảnh hưởng của Keppel được hình thành dựa trên sự quyết đoán, sự sắc sảo và kỹ năng tiếp chuyện của bà. Đóng góp được biết đến nhiều nhất của bà cho chính trị là vai trò của bà với tư cách là một nữ tiếp viên đảng Tự do. Ở vai trò này, Alice Keppel thay mặt Edward ghi nhận những người thuộc đảng Tự do để hỗ trợ cho các mục đích của Edward. Người ta không rõ bà có ảnh hưởng gì trong chính trị, nhưng cho rằng nhà Vua rất nghe theo bà và phụ thuộc vào lời khuyên răn của bà. Nhà viết tiểu sử Raymond Lamont-Brown nhận định: "Ông hoàn toàn tin tưởng Alice và thông qua bà ấy... ông có thể bày tỏ quan điểm chính trị của mình. Chỉ cần một lời nhờ vả Alice cũng đủ để đưa một chủ đề gây tranh cãi vào cuộc bàn luận để xem xét nội dung, sau đó sẽ được trình lên nhà Vua." Thủ tướng Anh H. H. Asquith và phu nhân Margot từng mang ơn bà bởi "lời khuyên khôn ngoan" trong một lá thư. Tuy nhiên, Keppel không muốn người khác công khai nhắc đến sự can thiệp vào chính trị của bà và nhà Vua. Năm 1933, khi cuốn hồi ký của Margot Asquith được xuất bản, Keppel đã rất khó chịu vì bị nhắc tên với tư cách là cố vấn chính trị của nhà Vua.[22]

Keppel nổi tiếng với khả năng khuyên nhủ, nhưng nỗ lực của bà trong việc khuyên nhà Vua bỏ thuốc lá và ăn nhiều không thành công. Lo lắng cho sức khỏe của nhà Vua, Keppel đã viết một lá thư cho Bộ trưởng Bồ Đào Nha Marquis de Soveral, vào thời điểm ngay sau khi Edward lâm bệnh: "Tôi muốn Ngài cố gắng đưa Đức Vua đến gặp bác sĩ phù hợp để khám đầu gối.... hãy làm những gì Ngài có thể với bản tính cẩn trọng xưa nay của Ngài và tất nhiên đừng nói với ai chuyện tôi viết thư cho Ngài." Marquis đã đọc lá thư của Keppel nhưng không làm theo.[23]

Sau cái chết của nhà Vua

[sửa | sửa mã nguồn]

Cái chết của Edward khiến Keppel cuồng loạn đến mức khi ông đang nằm trên giường bệnh, bà đã bị người hầu lôi ra khỏi phòng theo lệnh của Vương hậu Alexandra.[14] Xấu hổ về hành vi của mình, Kepple sau đó đã cố gắng kiềm chế sự xúc động bộc phát của mình, nhưng cuối cùng thừa nhận rằng bà đã không thể kiểm soát được bản thân.[7] Thời đại Edward kết thúc khi nhà Vua băng hà, cũng như thời đại của Keppel với tư cách là tình nhân được sủng ái nhất. Tân vương và tân vương hậu, George VMary xứ Teck, tổ chức triều đình theo đường lối truyền thống hơn, Keppel từ đó không được mời vào triều nữa.[24]

Cuộc sống sau này

[sửa | sửa mã nguồn]
Alice và con gái Violet.

Vào tháng 11 năm 1910, gia đình Keppel rời Anh. Bà nói bà rời đi vì chuyện học hành của con cái, nhưng trên thực tế, cái chết của nhà Vua đã làm cuộc đời bà thay đổi.[25] Gia đình Keppel đã dành hai năm du ngoạn ở vùng Viễn Đông và Sri Lanka. Khi trở về Anh, họ mua một tư dinh mới ở số 16 phố Grosvenor ở London. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Keppel đã giúp một người bạn của bà là Lady Sarah Wilson điều hành một bệnh viện dành cho thương binh ở Boulogne.[26]

Năm 1925, Keppel và chồng chuyển đến Ý, họ mua Villa dell 'Ombrellino ở Bellosguardo gần Florence. Biệt thự từng là nơi cư ngụ của nhà khoa học Galileo, nhà thơ Foscolo và học giả C. E. Norton. Keppel đã ủy quyền cho kiến ​​trúc sư Cecil Pinsent thiết kế sân thượng biệt thự với các lối đi chia làm hai ngã mà bà đặt tên là 'vườn Union Jack'. Sau khi Keppel qua đời, con gái bà, Violet, vẫn ở lại biệt thự và giữ gìn khu vườn của mẹ.[27] Keppel và chồng tổ chức các buổi họp mặt xã hội tại biệt thự thu hút nhiều người nổi tiếng trong xã hội, trong số đó có thủ tướng Anh, Sir Winston Churchill.[28] Trong thời gian Keppel sống ở Ý, hai con gái của bà vẫn ở lại Anh vì cả hai đều đã kết hôn. Keppel và chồng trở về Anh vào năm 1940 do tình trạng Chiến tranh thế giới thứ hai.[29]

Ngày 11 tháng 12 năm 1936, cháu nội của Vua Edward VII, Edward VIII, thoái vị để kết hôn với Wallis Simpson. Keppel trong khi đang dùng bữa tại một nhà hàng được cho là đã nói: "Thời tôi mọi chuyện được giải quyết tốt đẹp hơn như vậy nhiều."[30]

Năm 1946, gia đình Keppel trở về biệt thự ở Ý và một năm sau, vào ngày 11 tháng 9 năm 1947, Keppel qua đời vì bệnh xơ gan, hưởng thọ 79 tuổi. Chồng bà, George, qua đời sau đó hai tháng rưỡi. Người ta nói ông không thể sống thiếu bà ấy, người mà ông đã kết hôn được 56 năm.[29] Cả hai đều được an táng tại nghĩa trang Cimitero Evangelico degli Allori ở Florence.[31]

Tổ tiên

[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Souhami, Diana (1996). “Mrs Keppel and Her Daughter”. London: HarperCollins.
  2. ^ Matthew, H. C. G.; Harrison, B. biên tập (ngày 23 tháng 9 năm 2004). “The Oxford Dictionary of National Biography”. Oxford Dictionary of National Biography . Oxford University Press. tr. ref:odnb/37632. doi:10.1093/ref:odnb/37632. (yêu cầu Đăng ký hoặc có quyền thành viên của thư viện công cộng Anh.)
  3. ^ a b c Souhami 1996, tr. 15.
  4. ^ Souhami 1996, tr. 16.
  5. ^ a b c d Souhami 1996, tr. 17.
  6. ^ Souhami 1996, tr. 19.
  7. ^ a b c d Lot details: Alice Keppel 1996.
  8. ^ “Global, Find A Grave Index for Burials at Sea and other Select Burial Locations”. Ancestry.com. Ancestry.com, LLC. Truy cập ngày 5 tháng 2 năm 2018.
  9. ^ “Person Page #17227”. The Peerage. Darryl Lundy. Truy cập ngày 5 tháng 2 năm 2018.
  10. ^ Souhami 1996, tr. 22.
  11. ^ Carroll 2008, tr. 391.
  12. ^ Wilson 2003, tr. 23.
  13. ^ a b Wilson 2003, tr. 26.
  14. ^ a b Aronson 1988, tr. 224.
  15. ^ Carroll 2008, tr. 390.
  16. ^ Souhami 1996, tr. 57–58.
  17. ^ Lamont-Brown 2001, tr. 63.
  18. ^ Souhami 1996, tr. 9.
  19. ^ a b Lamont-Brown 1999.
  20. ^ Aronson 1988, tr. 195.
  21. ^ a b Carroll 2008, tr. 389.
  22. ^ Graber, tr. 112.
  23. ^ Graber, tr. 114.
  24. ^ Mahon 2011.
  25. ^ Graber, tr. 115.
  26. ^ Souhami 1996, tr. 116.
  27. ^ Wilson 2003, tr. 31.
  28. ^ Junor 2017, tr. 24.
  29. ^ a b Wilson 2003, tr. 33.
  30. ^ Souhami 1996, tr. 4.
  31. ^ Keppel 2011.

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]

Đọc thêm

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]